Wednesday, December 16, 2020

 Hoài niệm mùa Giáng Sinh xưa

Vĩnh Kim

 

Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông tuần tự trôi qua theo chu kỳ của năm tháng, trước đó mấy tuần còn nhìn thấy lá vàng rụng đầy sân, cứ mỗi sáng phải đi quét sân gom lá, thế mà sáng nay khi thức giấc nhìn ra ngoài cửa sổ,con đường, nóc nhà, cây cối đã bám đầy tuyết trắng, bên nhà hàng xóm đã có trang trí đèn, những hình ảnh tượng trưng cho ngày lễ dán trên cửa kiếng rồi bất chợt thở dài… lại thêm một “Mùa Giáng Sinh” trên xứ người!

 

Những kỷ niệm về Giáng Sinh ở quê nhà mà người Việt mình hay gọi theo thói quen là “Nô-en” luôn là một nỗi niềm dai dẳng trong tôi. Ngày đó, vào cái lứa tuổi chỉ biết đi học về quăng cặp vào góc nhà rồi dông một mạch đi kiếm đám bạn nhóc con trong xóm bày trò chơi hay tán dóc, tôi chưa hề có một khái niệm lo âu về tuổi đời, về cuộc sống nên cứ mong cho thời gian qua thật nhanh để chóng đến tháng 12 vì đó là thời gian giao mùa giữa năm cũ và năm mới, không khí mát mẻ, cảnh vật xanh tươi. Điều buồn cười nhất là ai cũng biết ở Sài Gòn hầu như không có ngày lạnh cho dù đang vào mùa đông, sáng sớm hay đêm về thì hơi mát nhưng cũng đủ cho tôi làm ra vẻ như đang lạnh co ro để được khoác cái áo len mới do chính tay má tôi cặm cụi ngồi đan suốt mấy ngày rồi tung tăng chạy khắp nơi đi khoe.

 

Tuy tôi ngoại đạo, nhưng hình như vào cái đêm Giáng Sinh không riêng gì những người đạo Thiên Chúa mà hầu như nhà nhà đều chung vui đón mừng,nhất là bọn trẻ như chúng tôi thì còn nao nức hơn. Nửa đêm gia đình tôi cũng tổ chức ăn uống, nói tổ chức nghe cho xôm chứ ngày hôm đó anh em tôi được ăn món ngon hơn mà ngày thường rất hiếm thấy. Trước đó thì được Cô, Dì, Chú, Bác chở một vòng ra Sài Gòn đi ngang qua nhà thờ Đức Bà để nhìn thấy chung quanh treo đầy đèn và những ngôi sao sáng chói, trong ngoài nhà thờ mặc dù chưa tới nửa đêm nhưng đã đông nghẹt các “Con Chiên” ngoan đạo của Chúa đang chen chúc từ trong ra tới ngoài đường để chờ đến giờ làm lễ, chỉ vậy thôi mà tôi nôn nao chờ đợi hết mấy ngày để được diện đồ mới, mặc áo len đẹp, nắm tay người lớn đi vòng vòng trố mắt nhìn người, nhìn cảnh vật một cách say mê không biết chán, chỉ thế thôi rồi quay về nhà chờ đến 12 giờ để được thưởng thức bữa ăn nửa đêm với gia đình, năm nào cũng vậy riết rồi thành như một thông lệ. 

 

Tôi còn nhớ rất rõ vào những ngày lễ, hình như tâm lý chung ai cũng có cùng một ý nghĩ, nếu đi trễ sẽ bị kẹt xe nhất là vào đêm Nô-en nên chưa đến 11 giờ thì đường phố đã đầy ứ xe cộ, những người đi xe gắn máy chỉ nhích được từng chút, người đi bộ thì lũ lượt chen chân… Cái không khí vui vẻ ồn ào náo nhiệt hoà lẫn với sự ấm cúng tình người trong “Đêm Đông Chúa Sinh Ra Đời”, dù quen hay lạ tôi đều nhìn thấy trên nét mặt của mọi người đầy vẻ hân hoan, cử chỉ thân thương tay trong tay len lỏi giữa dòng người cười giỡn vô tư khiến tôi cũng bị lôi cuốn vào không ngoại lệ. Đến khi hiểu biết đôi khi nhớ lại những hình ảnh đó rồi tôi tự nghĩ, có phải đó là một “hiệp thông của Chúa” mang đến cho mọi người tình yêu thương đồng loại mà tôi vẫn thường nghe hay không?

 

Khi trưởng thành, những ngày nầy là những ngày đẹp nhất của tôi với người yêu, với bạn bè, nhưng rồi vì hoàn cảnh vì số phận mỗi người một nơi, hình như tôi chưa bao giờ cảm nhận được một Giáng Sinh trọn vẹn nơi xứ người! Cũng vào đêm Nô-en, trong phòng khách nhà tôi, mọi người quây quần ăn uống vui đùa, những bản nhạc Giáng Sinh liên tục văng vẳng bên tai nhưng tôi lại thích tìm cho mình một chỗ ngồi bên cạnh cửa sổ, thầm lặng nhìn ra ngoài trời tuyết đang rơi để tâm hồn đón nhận những cảm giác bâng khuâng không thể tả.

 

Khi tiếng chuông nhà thờ nửa đêm vang lên, ly rượu trên tay cũng được nâng cao chúc tụng như một cảm tính của thói quen nhưng tâm tư của tôi thì đang trở về một nơi thật xa xôi, cái nơi mà tôi đã từng có những kỷ niệm quá đẹp quá hạnh phúc bên cạnh những người đã cho tôi trọn vẹn niềm tin và tình yêu nhưng bây giờ chỉ là một hoài niệm buồn vui, mất mát!

 

Qua Giáng Sinh rồi sẽ đến Tết, nhưng tha hương luôn là một nỗi niềm trăn trở trong tôi, nhớ nhà, nhớ bạn bè… nhớ ơi là nhớ!!!

 

Vĩnh Kim

No comments:

Blog Archive