Giáo sư Hoa Kỳ phạm tội vì bí mật làm việc cho Viện nghiên cứu Trung Quốc
Một giáo sư Hoa Kỳ đã bị khép tội lừa đảo sau khi ông này bí mật tham gia vào một chương trình tuyển dụng tài năng nước ngoài của nhà nước Trung Quốc.
Tiến sĩ James Patrick Lewis, 54 tuổi, là giáo sư vật lý hợp đồng tại Đại học West Virginia (WVU) từ năm 2006 đến tháng 8/2019. Ông chuyên nghiên cứu các phản ứng phân tử được sử dụng trong các công nghệ chuyển đổi than.
Theo thông cáo báo chí ngày 10/3 của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ), ông Lewis đã bị buộc tội gian lận trong một chương trình hỗ trợ của liên bang, và đã nhận tội một lần với tội danh này.
Theo các công tố viên, trong khi ông vẫn còn là giáo sư tại Đại học West Virginia, ông đã đồng ý làm giáo sư của Viện nghiên cứu nhà nước Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), theo một chương trình có tên là “Kế hoạch Nghìn Nhân tài” (Thousand Talents Program).
Luật sư Hoa Kỳ Bill Powell cho biết trong thông cáo báo chí: “Phạm nhân này thể hiện nỗ lực phục vụ Trung Quốc gây bất lợi cho Đại học West Virginia và Hoa Kỳ”.
DOJ chỉ ra rằng “Kế hoạch Nghìn Nhân tài” là một trong những chương trình tuyển dụng được biết đến rộng rãi nhất của Trung Quốc, chương trình này “tìm cách lôi kéo các tài năng, các chuyên gia nước ngoài nhằm mang kiến thức và kinh nghiệm của họ đến Trung Quốc, và thưởng cho các cá nhân ăn cắp được những thông tin độc quyền”.
Từ năm 2008, Bắc Kinh đã ráo riết triển khai Kế hoạch Nghìn Nhân tài để tuyển dụng các nhà nghiên cứu khoa học và công nghệ đầy triển vọng từ nước ngoài đến làm việc tại Trung Quốc.
Gian lận
Theo DOJ, trong hợp đồng với CAS, “ông Lewis đã đồng ý duy trì một chương trình nghiên cứu tích cực với kết quả là các bài báo trong các tạp chí chất lượng cao, được đồng nghiệp thẩm định; và cung cấp sự đào tạo và kinh nghiệm nghiên cứu cho sinh viên Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc”. Hợp đồng quy định rằng Lewis phải là giáo sư của CAS trong ít nhất ba năm.
Theo thông cáo báo chí của CAS, nếu tham gia Kế hoạch Nghìn Nhân tài, ông Lewis được hứa hẹn các lợi ích, bao gồm trợ cấp sinh hoạt 1 triệu Nhân dân tệ (khoảng 3,3 tỷ VNĐ), trợ cấp nghiên cứu 4 triệu Nhân dân tệ (khoảng 13,3 tỷ VNĐ), và mức lương 600.000 Nhân dân tệ (khoảng 2 tỷ VNĐ).
Để được hưởng những lợi ích kể trên, bắt đầu từ ngày 8/8/2018, ông sẽ phải làm việc toàn thời gian ở Trung Quốc trong vòng ba năm liên tiếp, và không dưới 9 tháng mỗi năm.
Vào tháng 3/2018, với ý định đến Trung Quốc, ông Lewis đã gửi một đề nghị “gian lận” đến WVU, yêu cầu được miễn khỏi nhiệm vụ giảng dạy cho học kỳ mùa thu 2018. Với lý do ba tháng nữa vợ ông sẽ sinh, ông đề nghị được tạm nghỉ để có thể tập trung chăm sóc cho vợ và em bé sắp sinh. WVU đã chấp nhận yêu cầu của ông.
Trong thông cáo báo chí, Trợ lý Tổng chưởng lý an ninh quốc gia John C. Demers, cho biết: “Ông Lewis đã lừa gạt một trường đại học công lập cho ông nghỉ việc, để ông có thể đáp ứng các nghĩa vụ của mình với một tổ chức Trung Quốc mà ông đã giấu giếm với nhà trường”.
Trong khi đứa con mới sinh vẫn còn ở Hoa Kỳ, ông Lewis đã dành toàn bộ thời gian (ngoại trừ 3 tuần của học kỳ mùa thu) năm 2018 ở Trung Quốc.
Theo DOJ, trong cùng thời gian này, WVU vẫn trả cho ông Lewis đầy đủ tiền lương và ông đã nhận được khoảng tiền 20.189 USD cho “phi vụ lừa đảo” của mình đối với trường đại học.
Đại diện của FBI (Cục Điều tra Liên bang) Robert Jones lưu ý rằng, tuy việc tham gia vào một kế hoạch tài năng như vậy không phải là việc làm bất hợp pháp, nhưng “các cuộc điều tra đã tiết lộ rằng những người tham gia thường được khuyến khích chuyển thông tin độc quyền hoặc các nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ sang Trung Quốc”.
Theo DOJ, mặc dù ông Lewis đã đồng ý trả 20.189 USD tiền bồi thường cho WVU như một phần trong thỏa thuận bào chữa, ông vẫn có thể phải đối mặt với án tù 10 năm và khoản tiền phạt lên tới 250.000 USD.
Nghiên cứu
Vào ngày 29/3/2018, chi nhánh Bắc Kinh của CAS đã thông báo trên trang web của mình rằng một trong những viện liên kết của nó, Viện Hóa học Than, đã tuyển dụng thành công ông Lewis theo chương trình tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài, trong “Kế hoạch Nghìn Tài năng”.
Thông báo cũng tuyên bố rằng chương trình tuyển dụng chuyên gia nước ngoài được triển khai vào năm 2011, với mục tiêu tuyển dụng các chuyên gia không phải là người Trung Quốc. Chương trình này đã tuyển dụng thành công 381 người nước ngoài.
Ông Lewis là đồng tác giả của một bài báo năm 2019 được xuất bản trong ấn phẩm khoa học Tạp chí Hóa học Vật lý (The Journal of Physical Chemistry Letters). Trong bài báo, ông Lewis viết rằng mình đã liên kết với ba viện: WVU; Phòng thí nghiệm Trọng điểm Nhà nước về Chuyển đổi Than tại Viện Hóa học Than của CAS; và Trung tâm Đổi mới Tiên tiến về Kỹ thuật Bộ gen Vật liệu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Thông tin Bắc Kinh.
Trong một bài viết năm 2017 được đăng trên tài khoản WeChat, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Global Times đã chỉ ra rằng chương trình chuyên gia nước ngoài sẽ cung cấp một khoản trợ cấp nghiên cứu từ 3 đến 5 triệu Nhân dân tệ (khoảng 664.4 triệu đến 1.1 tỷ VNĐ) và trợ cấp một lần là 1 triệu Nhân dân tệ.
Ngoài ra, bài viết trên còn trích dẫn một bình luận của ông Jin Jianmin, giám đốc phụ trách chương trình chuyên gia nước ngoài tại Cục Quản lý Ngoại giao Nhà nước, một bộ phận thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
Ông Jin nói rằng khi ngày càng nhiều chuyên gia nước ngoài đang được tuyển dụng vào Trung Quốc hàng năm, việc này đã hình thành một xu hướng là “người nước ngoài tuyển dụng người nước ngoài khác”.
Văn Thiện
No comments:
Post a Comment