MỘT NGƯỜI QUEN
Đỗ Duy Ngọc
Tui biết anh ta khi tham gia vào chiến dịch X1, chiến dịch đánh tư sản đầu tiên của chính quyền Cộng Sản tại miền Nam sau 1975. Tui hồi đó thất nghiệp dài cồ, chẳng làm chi ra tiền, đói nhăn răng, cơm chẳng có mà ăn, bán hết áo quần, giày dép rồi tới sách báo, đến lúc chẳng còn gì để bán, nên khi được gợi ý tham gia có cơm ăn là ghi tên ngay.
Bọn tui bị tập trung vào tối 9.9.1975, xe đưa đến trường Pétrus Ký. Ngồi chờ dài cổ mà không biết tập trung để làm gì? Đến nửa đêm thì được chia thành từng nhóm nhỏ, có xe chở đi. Nhóm của tui có tui với Lượng là gốc sinh viên Đại học Vạn Hạnh, bổ sung thêm một tên ở Đại Học Khoa Học tên Trung, thêm hai người nữa đến giờ chẳng nhớ tên. Tổ trưởng của toán là anh ta, một sĩ quan quân đội Bắc Việt. Anh ta nói tiếng Bắc giọng nhà quê, tụi tui nghe tiếng được tiếng mất. Lại thêm có nhiều từ nghe hơi lạ tai như khắc phục, tranh thủ, phấn đấu...nên nhiều khi tụi tui đoán ra yêu cầu của anh ta mà thực hiện.
Tổ của tụi tui đóng quân ở trên lầu của một khách sạn của người Hoa ở đường Đồng Khánh, nhiệm vụ giữ một điện đài liên lạc, nhưng cũng ít khi thấy có ai gọi hoặc nhắn nhủ chi. Công việc chẳng có gì, chỉ quanh quẩn trong phòng, rồi chia nhau đi lang thang mấy căn phố đìu hiu, những hàng quán chắc hẳn ngày xưa rất nhộn nhịp.
Anh bộ đội chỉ huy của tụi tui thấy cái gì cũng lạ, nhìn cái gì cũng thắc mắc. Nhiều hôm anh đứng ở balcon, mắt cứ ngước nhìn những toà nhà cao tầng và bảo với tụi tui, sao họ có thể xây được những cái nhà cao và to thế. Có lần tui đi ra phố Lê Lợi, mua về mấy ổ bánh mì thịt với paté, mời anh ta ăn, anh ăn mà miệng cứ xuýt xoa họ làm bằng thứ gì sao nó ngon quá vậy! Thật ra bánh mì lúc đó chẳng còn ngon như bánh hồi trước 75 vì thực phẩm đã bắt đầu khan hiếm rồi, dù bộ đội mới chiếm Sài Gòn hơn bốn tháng. Nói tóm lại là anh ta hoàn toàn xa lạ với những sản phẩm và cuộc sống văn minh của Sài Gòn.
Anh bảo từ bé đến ngày đi bộ đội vào Nam, anh chỉ ở quê, mò cua bắt ốc, nhiều khi không đủ gạo mà ăn, độn khoai sắn, có lúc độn rau, sống rất thiếu thốn. Thịt bò, thịt heo là những món ăn mơ ước chỉ có ngày Tết hay ngày kỵ giỗ mới có một miếng trơn mồm. Anh chỉ mong đủ lớn để được vào bộ đội, có cơm ăn.
Chiều chiều anh hay rủ tui đi ngắm hàng hóa, anh nhìn những món hàng với ánh mắt khát khao, thèm thuồng. Anh nói với tui là anh mê nhất đồng hồ không người lái có hai cừa sổ và cái đài có band hát nhạc. Anh thổ lộ là muốn mua quà gởi về cho bố mẹ và các em ngoài ấy mà chẳng có tiền. Anh ta thật thà, không có bệnh nổ như những anh bộ đội miền Bắc khác, nên tụi tui cũng có chút cảm tình. Tình cảm này xuất phát từ lòng thương hại nhiều hơn, dù anh đang là kẻ chiến thắng và đang là người chỉ huy tụi tui.
Một hôm phòng chúng tôi xuất hiện một tù nhân. Ông ta người Hoa, dáng to lớn, bị trói thúc ké vào một chiếc ghế. Nghe thoang thoáng ông ta là một tay tư sản giàu lắm ở Chợ Lớn, khai báo tài sản chưa đầy đủ nên bị bắt tạm giam để điều tra tiếp. Thế là tụi tui trở thành những tên lính canh, thay phiên nhau canh gác với khẩu súng carbine của nhân dân tự vệ.
Đêm đó, tui được phân công gác từ 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng, tui ngồi canh mà mắt cứ díu lại, chập chờn. Bỗng có tiếng gọi khẽ: Nị à, nị à.... Tui choàng ngay dậy, ông Tàu gật gật đầu, có vẻ muốn nói gì với tui. Tui ngần ngừ đi lại, ông ta nói nhỏ: "Nị cởi trói cho ngộ, rồi mở cửa sổ. Ngộ thoát được sẽ gởi cho nị 5 lượng vàng, bảo đảm sẽ có người đưa tận tay nị." Thấy tui có vẻ không tin, ông ta nói tiếp, giọng cầu khẩn: "Tin ngộ đi, ở Chợ Lớn này ai cũng biết tên ngộ, ngộ không nói láo đâu, mở trói cho ngộ, ngày mai sẽ có người mang vàng trao tận tay nị" Thời điểm đó, đối với tui, vàng chẳng có giá trị gì, mà thật ra tui cũng chẳng biết trị giá của nó thì đúng hơn. Hơn nữa, tui vốn nhát gan, nên sợ nếu tên này trốn, chắc tui phải lãnh đủ. Nghe nói mấy ông cộng sản này kỉ luật nghiêm lắm, nên tui càng sợ. Tui lắc đầu, đưa tay ngang cổ, ra dấu cắt đầu, sợ lắm. Ông nhìn tui, thất vọng...
Người gác kế tui là anh ta, anh sĩ quan Việt cộng. Tui về giường nằm mà cứ nghĩ về ông Tàu, tự hỏi từ lầu ba này mà ông ta nhảy xuống thì không chết cũng què, sao ông ta tính chuyện gan trời vậy. Lan man nghĩ thế thôi, tui đi vào giấc ngủ lúc nào chẳng biết. Đang say ngủ thì bỗng tui nghe một tiếng rầm như vật gì bị rớt, hốt hoảng choàng dậy, tui thấy cửa sổ mở toang, ông Tàu biến đâu mất, anh ta thì đang loay hoay với cây súng, lên đạn lốp cốp rồi mới hô lớn: Đứng lại, đứng lại không tao bắn... Thế rồi anh chìa súng ra cửa sổ, chĩa súng lên trời bắn một tràng, rồi mới chạy xuống cầu thang. Tụi tui tỉnh ngủ hẳn, lật đật chạy theo anh. Xuống đến sân, thấy một chiếc xe hơi rồ máy chạy như bay ra đường....
Tui không biết anh ta có bị cấp trên kỉ luật gì không, hôm sau vẫn thấy anh ta sinh hoạt bình thường, cũng chẳng nhắc gì tới vụ ông Tàu trốn thoát. Thế nhưng trong lòng tôi vẫn dấy lên một nỗi nghi ngờ, tui tin chính anh là kẻ cởi trói và mở cửa cho tù nhân trốn thoát. Nghi vậy thôi, nhưng tui chẳng kể với ai.
Mấy bữa sau, vào buổi chiều, anh ta ôm về một cái máy radio cassette, tay đeo một chiếc đồng hồ Seiko. Nhìn những vật này, tui càng tin chắc anh ta chính là người giúp ông Tàu trốn chạy. Suốt ngày anh ra cứ loay hoay với chiếc máy và cái đồng hồ. Mấy thằng tui hướng dẫn cách sử dụng máy cassette, dạy anh ta cách lấy giờ, cách chuyển lịch cho đồng hồ. Bày đủ cách mà anh ta chẳng nhở gì, chỉ có nút tắt mở, bấm play, bấm chuyển band qua lại, từng đó thôi mà anh ta cứ mãi quên, không nhớ. Cứ mỗi lần mở máy là một lần hỏi. Bực mình quá, tụi tui bảo trong đầu anh chứa gì mà sao anh ngu thế. Anh ta chỉ cười, phô hết hàm răng hô rồi bẽn lẽn: "Thì tại tớ vốn nhà quê mà..." Thấy tội nghiệp, tụi tui lại bày cho anh.
Hơn tháng sau thì tổ chúng tôi giải tán, ai về nhà nấy. Ở chung nhau gần hai tháng, nhưng thật sự chẳng gắn bó gì với nhau lắm, vì trong mỗi người đều mang mỗi tâm trạng khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, toan tính khác nhau, nên cũng chẳng có tiễn đưa, tan hàng trong lặng lẽ.
Năm 1998, công ty tui mở thêm một nhà máy in và một xưởng chế bản điện tử, xin giấy phép khó khăn, phải ra tận Hà Nội. Tui là giám đốc nên lãnh trách nhiệm ra ngoài đó để vận động kiếm cho được tờ giấy phép. Người phụ trách ký giấy cho tui là một cán bộ cấp cục trưởng của Bộ Văn Hoá. Tay này rất quan cách, ăn nói, đi đứng rất bệ vệ, ra dáng lãnh đạo lắm. Dù đã có thư gởi gắm, có ngay phong bì lần gặp đầu tiên nhưng y cứ chần chừ, chưa chịu ký. Mời đi ăn mấy lần mà ông quan này vẫn chưa nhận lời, sau phải nhờ qua một quan lớn khác, y mới chịu đi. Vào tiệc, y gọi món rất sành sỏi, gọi rượu toàn thứ cao cấp, chứng tỏ y là dân chơi thứ thiệt. Khi ăn, y còn dạy cho cả bàn là ăn bào ngư phải ăn như thế này, rùa vàng, vi cá phải ăn như thế kia, ăn món nào với rượu nào, y biểu diễn khui rượu, rót rượu rất nhuần nhuyễn, cả bàn há mỏ ra nghe, tui chỉ cười nhạt. Y nói nhiều, nhưng chẳng ăn gì, mời mãi cũng chỉ động đũa đôi ba miếng gọi là, y bảo nhà hàng này làm món ăn chưa đúng điệu, mặc dù bữa tiệc đó tui phải thanh toán cả đống tiền. Vì tờ giấy phép đó, tui phải bám ở Hà Nội suốt gần ba tuần lễ. Và ngày nào cũng nhậu nhẹt, ăn chơi. Càng tiếp cận ông quan này, tui cứ ngờ ngợ, thấy có nét hao hao một người nào đó mà mình đã gặp trong đời. Nghĩ mãi mà chẳng nhớ ra.
Cuối cùng thì tôi cũng nhận được tờ giấy phép, đổi lại, tui cũng hao khá bộn. Ngày cuối trước khi về lại Sài Gòn, tui được y chiếu cố mời về nhà nhậu như để trả lễ, vì theo y, không đâu nhậu ngon bằng ở nhà y, có đầu bếp riêng, thức ăn nhập khẩu tươi ngon, có rượu xịn, và hơn hết, theo lời y khoe, ở Hà Nội này, không có nhà hàng nào có dàn máy nghe nhạc so sánh được với dàn máy của y.
Nhà y không lớn lắm, nhưng nằm trên con đường đẹp với những hàng cây. Nhà nhỏ, nhưng trang trí toàn những vật đắt tiền. Sập gụ, tủ chè, tượng đứng, tượng ngồi, đồ sứ, ngà voi, ngọc xanh, ngọc đỏ lủ khủ. Tui choáng với tủ đồng hồ đeo tay của y, toàn thứ dữ: Patek Philippe, Omega Constellation, Jaeger Lecoultre, Constantin, Piguet, Longines...nhưng đúng như y nói, dàn máy nghe nhạc của y mới sợ, to đùng, sáng lóa, chắc phải vài trăm ngàn đô. Làm quan giàu thật.
Dàn máy khủng đặt trên chiếc tủ bằng gỗ quý, chạm trổ tinh vi, đánh verni màu nâu nhạt trông rất đẹp. Trên chiếc loa lớn đen tuyền có một khung ảnh bằng vàng cũng chạm trổ khá cầu kỳ. Trong ảnh là hình của một anh bộ đội, đàng sau lưng là chợ Bến Thành, tấm hình đã úa màu thời gian, nhìn không hợp lắm với cái khung. Thoáng nhìn hình, tôi nhận ra ngay khuôn mặt của người sĩ quan chỉ huy tụi tui hồi đi chiến dịch X1. Hàm răng hô, khuôn mặt hiền hiền, ngu ngu. Tui buột miệng: Hình ai đây anh? Y cười rổn rảng: "Tớ đấy, chụp hồi mới giải phóng Sài Gòn, nhìn khác quá, phải không?
Hồi đấy chẳng còn giữ được tấm hình nào, chỉ còn duy nhất tấm này. Kỷ niệm đấy, quý lắm đấy!" Tui suýt kêu lên, nhận người quen cũ, nhưng kịp dừng lại. Thời gian đã đổi thay, cuộc đời đã đổi thay, vị trí cũng đổi thay, liệu y còn nhớ thời kỳ đó không? Hay y cố tình quên đi rồi, nhắc lại thật tình là không có lợi. Nhưng tui cứ băn khoăn mãi là y làm cách nào mà có được sự thay đổi lạ lùng quá xá vậy. Tui hình dung lại khuôn mặt của anh ta, nhớ lại ánh mắt thèm thuồng của anh ta trước những hàng hoá của Sài Gòn, sự nhẫn nhịn của anh ta khi tụi tui bảo anh ngu vì dạy mãi mà vẫn không sử dụng được cái máy cassette.
Cuộc đời chuyển biến kinh thật, đúng là đổi đời. Thấy tui đứng ngẩn ngơ trước dàn máy, anh nói lớn:" Sao? Dàn máy ngon chứ? Âm thanh tuyệt hảo. Mở ra nghe đi rồi sẽ thấy. Ông nhấn nút đi, nút trắng đấy". Tui nhìn hàng nút, thấy nút nào cũng lấp lánh, nút nào cũng một màu nên lưỡng lự chưa biết phải nhấn nút nào thì lại nghe y với một giọng đầy quyền lực pha chút chế giễu: "Thôi vào ngồi nhậu đi ông nội, sao mà nhà quê thế, đến cái nút mà cũng không biết bấm"
Tui tự nhủ, hoá ra cuộc đời là một vòng tròn, luân chuyển thế vai nhau.
Đỗ Duy Ngọc
No comments:
Post a Comment