Thursday, May 21, 2020

Thế nào là “Phụ nữ”


Có một câu hỏi vui, thế nào là “Phụ nữ”?

Một người đàn ông trả lời. Bởi vì Chúa đã lấy xương sườn đàn ông để làm thành đàn bà. Nên người đàn bà luôn phụ thuộc đàn ông. Chỉ là phụ thôi, không bao giờ là chánh. Chỉ có đàn ông mới là quan trọng.” Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”

Có phải như vậy hay không các chị? Các chị phụ nữ ở Úc, Canada, Đức, Ý, Pháp, Mỹ, Việt Nam.

Có chương trình đàm luận, người ta đặt vấn đề:

– Khi người vợ làm tiền lương nhiều hơn chồng, các ông nghĩ sao?

Có tự ái không? Có bất mãn không? Trong lòng có vui không? Thật ra các ông chả vui tí nào. Mất cái uy nghi, mất cái quyền làm chủ, mất cái thế thượng phong. Họ nhìn người vợ mình với đôi mắt dè chừng, dọ dẫm.

Còn các chị nghe câu hỏi thường là nói “ Có sao đâu. Kinh tế gia đình dồi dào hơn, tiêu xài thoải mái hơn, có tiền dành dụm nhiều hơn để vợ chồng con cái đi du lịch khi có dịp.

Có chị còn thỏ thẻ “ Nếu vậy chắc chồng em sẽ không vui. Nhưng không sao. Tùy theo thái độ của mình. Em sẽ khéo léo để ông xã không bị áp lực. Của chồng, công vợ. "

Theo truyền thống dân tộc ta, người phụ nữ luôn là phụ thuộc đàn ông dù người đàn ông đó có bất tài vô dụng đến đâu. Có phải chăng khi gia đình chồng mang sinh lễ, trầu cau đi cưới. Trong cái lễ nghi trang trọng đó, khi người mẹ chồng đeo cho con dâu đôi bông tai, sợi dây chuyền hay đôi xuyến vàng là đã nhắn nhủ: " Từ nay con đã thuộc về gia đình ta". Người con gái từ giả đời sống tự do để "Lấy chồng là đeo gông vào cổ".

Người phụ nữ dù gia đình giàu có đến đâu nhưng nếu đã gọi là con nhà gia giáo đều phải học thuộc nằm lòng câu:" Làm vợ là phải biết phục tùng chồng" là phải "Nâng khăn sửa túi cho chồng".

Cái thế hệ cha ông chúng ta, đa phần các ông có dăm ba bà vợ. Phụ nữ như những cây chùm gởi sống bám vào một người đàn ông. Dù đôi khi người đàn ông đó nhiều tật xấu: Rượu chè, gia trưởng hay vũ phu. Vì hạnh phúc gia đình, người phụ nữ phải nai lưng làm quần quật để sinh nhai, để phục vụ chồng, đẻ con và nuôi con.

Phụ nữ Việt Nam chúng ta phải cám ơn bà Ngô Đình Nhu đã mạnh tay ra đạo luật hôn nhân "Một Vợ Một Chồng ". Từ đó đến nay số lượng đàn ông đa thê đã giảm lần và dứt hẳn. Đạo luật đó đã giúp các bà vợ lớn không còn khóc thầm, đau khổ. Giúp các vợ lẻ khỏi xấu hổ một kiếp chồng chung.

Mẹ tôi là một trong số những người phụ nữ đó. Mẹ một đời hy sinh cho chồng, con và gia đình. Ba tôi yêu thương mẹ tôi sâu nặng như thế nào tôi không biết. Nhưng tôi biết chắc chắn ông cũng có 2, 3 người phụ nữ khác ông yêu thương hết mực. Người đàn ông trong ông trải đều cho những người đàn bà bên cạnh. Cho những đứa con ông sinh ra và có trách nhiệm với họ. Cái quan niệm chồng chúa vợ tôi đã khiến mẹ tôi nép mình vào đó chịu đựng để yêu thương chồng và con cái của chồng.

Mẹ tôi không được cái diễm phúc ăn sung mặc sướng làm vợ cả, mà oằn lưng ra với bao nhiêu trách nhiệm. Gánh vác một gia đình đông người, nuôi dưỡng mẹ chồng cho tới lúc mòn hơi kiệt sức. Mẹ tôi yêu thương và chìu chuộng ba tôi rất mực. Mẹ là cái bóng đi bên cha tôi mà không một lời phiền trách. Mẹ như cây cau ốm yếu nổi bật trên nền trời, mang trên mình một đàn con chi chít những quả. Mẹ là người đàn bà đúng nghĩa phụ thuộc chồng. Mẹ tôi làm dâu đến năm bà 70 tuổi bà nội tôi mới mất ở tuổi 95. Tôi đã từng rơi nước mắt khi thấy mẹ ngần ấy tuổi, có cháu nội, cháu ngoại, ăn trầu ngoáy vẫn tận tụy săn sóc mẹ chồng và phục vụ cho ba tôi.

Ba tôi ư! Ông coi việc chăm lo gia đình, nội trợ, việc nhà là của mẹ tôi. Ông ăn trên, ngồi trước và mọi quyết định quan trọng trong nhà là của ông. Khi tôi còn bé, cả 5 anh em tôi chưa bao giờ được mẹ cho ngồi chung bàn ăn cơm với cha. Ba tôi ăn riêng một mâm cơm tươm tất. Chúng tôi và mẹ ăn trước hoặc sau với một mâm cơm riêng biệt. Đôi khi bằng những thức ăn cha tôi đã ăn thừa.

Chúng tôi cũng không thấy đó là điều lạ vì nó đã được an định như vậy từ khi chúng tôi biết cầm muỗng để múc. Mẹ tôi thì coi việc cung phụng chồng là nhiệm vụ người vợ. Không oán than hay đặt vấn đề.

Những người vợ lẽ của ba tôi cũng vậy. Họ chiều chuộng ba tôi còn hơn cả mẹ tôi. Họ còn trẻ, tràn đầy tuổi xuân. Họ nói cười ve vuốt, nũng nịu với ba tôi mỗi khi ông đến. Những chiếc gối, cái mền thơm phưng phức mỗi khi ba tôi ở lại nhà dì đã khiến tôi bực tức, giận ba và ghét cay ghét đắng dì ghẻ. Sau này lớn lên, hiểu biết và nhìn vào thực tế tôi đã thấy mình sai. Tôi thấy thương hại dì và thông cảm khi dì đã chân tình thú nhận:" Ba con không có dụ dỗ dì đâu. Không hiểu sao gặp ba con dì đã thương và theo ổng". Dì cũng vất vả bươn chải nuôi các em tôi, bởi vì đồng lương của ba tôi không thể đảm bảo cuộc sống cho một đại gia đình hai ba dòng con.

Tôi không ghét ba tôi vì thật ra ông không có lỗi. Quan niệm trọng nam khinh nữ, năm thê bảy thiếp đã đi sâu vào máu huyết và văn hóa VN. Ông từng dạy các anh tôi “ Đàn ông phải làm việc đại sự, chuyện lặt vặt trong nhà là của đàn bà, không được nhúng tay vào. “ 

Kết cuộc ngoài việc đi làm các anh tôi không dám giúp mẹ, giúp vợ bất cứ cái gì gọi là việc vặt của đàn bà. Mà việc của đàn bà là việc vô hình làm hoài không hết. Ăn xong lại đói, dọn dẹp xong thì lại dơ, nước vừa đầy xong, thì xài lại hết... Tôi chỉ thấy bất mãn cho một xã hội bất công. Một nền luân lý coi nhẹ người phụ nữ. Nhưng oái oăm thay, cái luân lý ấy đã đi sâu vào đời sống mọi người trong đó có mẹ tôi và mẹ chồng tôi.

Tôi lập gia dình năm tôi 23 tuổi. Cái tuổi chính chắn của một người con gái thời đó. Tôi bước vào một gia đình người Trung nặng về phong kiến. Mẹ chồng tôi góa bụa khi còn rất trẻ. Bà ở vậy thờ chồng, nuôi con và phụng dưỡng cha mẹ chồng. Cái mục tiêu đời sống của bà là thờ phụng gia nương bên chồng. Sinh con cháu nối dõi tông đường, khói hương thừa tự. Chồng tôi là con trai một của dòng dõi hiếm hoi, nên mặc nhiên anh ấy là trái tim của mẹ, là trung tâm của gia phả nhà anh. Và tôi là con dâu duy nhất phải thực hiện cho bằng được những mong ước, hoài bảo của mẹ chồng tôi.

Tôi thương mẹ chồng tôi lắm. Không phải là vì bà thương chiều tôi, mà vì tôi cảm phục trái tim, nghị lực của một người đàn bà Việt Nam. Má ruột tôi tuy bị chồng có vợ lẻ, nhưng ba tôi không bao giờ bỏ gia đình. Ông là cây cổ thụ cho chúng tôi dựa vào và khôn lớn. Còn mẹ chồng tôi góa chồng năm bà chỉ hơn 30 tuổi. Bà một nách 4 đứa con dại, chồng chết sau khi bà đã kiệt lực đổ hết tiền bạc thuốc men săn sóc. Bốn tháng sau, nước mắt chưa khô, đứa con gái út cũng bị bệnh qua đời. Ấy vậy mà bà một nắng hai sương phụng dưỡng cha mẹ chồng, lo cho con ăn học. Bà gạt hết những mối mai xin cưới bà về, những lời ong bướm để sống trọn đời vì bổn phận làm dâu, làm mẹ.

Trong cuộc đời bà, bàn thờ là nơi bà hết sức tôn kính. Mồ mã các đấng tiên phụ gia đình chồng là nghĩa vụ bà phải chăm lo. Kỵ giỗ bên chồng bà làm chu đáo, không hề để một tiếng phàn nàn, chê trách. Anh em, bà con bên chồng bà hết lòng lo lắng, bảo bọc.Tôi đã bị bà lôi kéo vào cái trách nhiệm thiêng liêng đó kể từ khi tôi bước về nhà chồng. Nhất là khi tôi sinh đứa con đầu tiên.

Tôi sống ở miền Nam quen với sự tự do phóng khoáng. Thế nhưng sau ngày bão nổi, chồng tôi đi tù Cộng Sản, tôi theo mẹ chồng về cái làng chôn nhau cắt rốn của bà. Tôi phải làm một nàng dâu đúng nghĩa. Tôi phải biết mọi quy tắc và nề nếp gia phả nhà chồng. Tôi không những làm dâu mẹ chồng tôi, làm dâu cho gia đình chú chồng mà còn phải sống sao cho vui lòng họ tộc. Tôi nép mình trong đó cho đến một lúc tôi đã hòa nhập. Chấp nhận và hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc tự nhiên.

Tôi đã thấy ở Việt Nam, những quán nhậu, tiệm ăn mọc lên như nấm. Một số người đàn ông VN nhậu bất kể ngày đêm. Cái quyền làm chồng có thể đánh vợ, đánh con bất cứ lúc nào và bất cứ lý do gì. Luật pháp một phần nào có bảo vệ, nhưng những tư tưởng phong kiến đã khiến người đàn bà cam lòng nhịn nhục, thủ phận không dám thoát ra.

Với thời đại mới định nghĩa người phụ nữ đã khác. Người phụ nữ ngày nay đã có một vai trò không nhỏ trong xã hội, gánh vác nhiều nhiệm vụ quan trọng, đã có thể ngang hàng với nam giới trong mọi lãnh vực.

Cái phụ của ngày nay không còn là lệ thuộc mà phải hiểu một cách công bình hơn là giúp chồng xây dựng một gia đình hạnh phúc. Một gia đình có một người phụ nữ giỏi giang, đức hạnh, biết cùng chồng lo chăm sóc con cái, gây dựng sự nghiệp sẽ là một gia đình đi lên và thành công.

Các ông chồng VN qua đây cũng thay đổi nhiều. Họ không còn khó chịu mỗi khi đi dự một buổi lễ lớn, MC mở đầu bằng câu chào: " Ladies and Gentlemen". Cái thời phụ nữ phải đi sau lưng chồng đã mất. Bây giờ giữa bàn dân thiên hạ, trước những người sang trọng, thanh lịch trong buổi tiệc hay buổi lễ, họ chào người phụ nữ trước. 

Hiện nay với đời sống kinh tế đi lên, trong gia đình cả chồng lẫn vợ đều phải đi làm. Thật bất công nếu khi về nhà ông chồng ngồi ghế sofa coi báo, xem TV. Người vợ đón con từ trường về thì nhào vào bếp nấu nướng, dọn cơm , rửa chén, lau nhà, tắm con, dạy con học, dỗ con ngủ... Ngoài việc làm ra tiền, người vợ còn làm một osin không được trả lương. Làm một người tình không có thời gian trao chuốc sắc đẹp. Làm một người vợ bận rộn, mệt mõi và bị con quấy rầy. Ngần ấy thứ sẽ tàn phai nhan sắc, hủy hoại sự hứng khởi sinh lý, mệt mõi và bất mãn . Gia đình không còn là tổ ấm hạnh phúc. Nguyên nhân đổ vỡ hôn nhân sẽ đến rất gần xuất phát từ sự bất công ấy.

Nếu đức ông chồng thật lòng yêu vợ thì hãy san sẻ công việc gia đình, vợ nấu ăn thì chồng tắm con. Vợ dọn bàn thì chồng rửa chén. Thỉnh thoảng hai người vào bếp, cùng nấu một bửa ăn. Những thức ăn ướp bằng hương vị tình yêu chắc chắn sẽ rất ngon.

Ngày nay, với sự phát triển không ngừng, người phụ nữ VN đã có những chức vụ đáng kể. Họ đã vượt lên số phận đàn bà bị ảnh hưởng phong kiến nước Tàu để thành công trên chính trường, chiến trường và tất cả mọi lãnh vực trong xã hội.

Nếu nói cho thật công bằng, dân tộc VN là một dân tộc nêu cao nữ quyền sớm nhất trên thế giới. Trưng Trắc và Trưng Trị là hai nữ vương oai hùng nhất trong lịch sử. Hai bà đã phất cờ nương tử đánh tan quân Đông Hán xâm lược nước ta.

Đó là trang lịch sử oai hùng nhất của dân tộc VN có thật. Không ngụy tạo hay truyền thuyết thêu dệt. Vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ I và thứ II. Năm Kiến Vũ thứ 16, thời Hán Vũ Đế bên Tàu năm 39-40 sau công nguyên. Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định đã cai trị rất hà khắc và tàn ác với dân ta. Bắt dân ta phục dịch nô lệ và cống nạp của quý về bên Tàu. Họ muốn đồng hóa về tín ngưỡng, tập tục hôn nhân, y phục, lễ nghĩa nhiều đời của người Việt. Bắt người Việt phải thay đổi để biến thành người Hán. Lòng dân bất phục, ta thán, các lạc tướng phẩn nộ cùng nhau đoàn kết lại để chống đối.

Bà Trưng Trắc là con gái Lạc Tướng huyện Mê Linh có chồng tên Thi Sách là con trai Lạc Tướng huyện Chu Diên. Không may, tướng quân Thi Sách đã bị Tô Đinh ra tay giết chết.

Bà nổi lên khởi nghĩa cùng em gái là Trưng Nhi chiêu mộ tướng tài chống lại nhà Đông Hán. Tộc trưởng ở các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng hưởng ứng. Các nữ tướng và nữ binh khắp nơi về quy phục dưới trướng. Bà chiếm được 65 thành trì, đánh đuổi Tô Định chạy về Nam Hải và lên ngôi xưng là Trưng Nữ Vương. Nhị vị Nữ Vương đầu tiên trong lịch sử thế giới.

Hai Bà cai trị lãnh thổ vùng Lĩnh Nam của người Việt. Thời gian ba năm không đủ để Trưng Nữ Vương cũng cố lực lượng và xây dựng lãnh thổ. Năm 42 sau công nguyên Quang Vũ Đế sai Phục Ba Tướng Quân Mã Viện dẫn đại hùng binh sang đánh nước ta. Hai Bà chống cự không lại phải lui dần. Để giữ tròn khí tiết hai Bà nhảy xuống sông Hát Giang tự tử.

Để ghi nhớ công lao hai Bà và các nữ tướng dưới trướng, người dân đã lập đền thờ sớm hôm cúng bái ngưỡng vọng. Có đến 103 nơi thờ trên khắp 9 tỉnh và thành phố. Nhưng nơi thờ chính vẫn là nơi lưu lại dấu tích Hai Bà thời thơ ấu, trưởng thành, xưng vương và định đô. Đó là thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh thành phố Hà Nội.

Sau hai Bà Trưng, năm 248 sau công nguyên, thấy quan lại nhà Đông Ngô tàn ác. Dân chúng vô cùng khổ sở. Bà Triệu Thị Trinh tức Triệu Trinh Nương cũng khởi nghĩa, mộ quân chống lại. 

Bà tên thật là Triệu Triệu Thị Trinh, sinh năm 226 tại Quân Yên quận Cửu Chân. Mồ côi cha mẹ sớm nên bà ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Quân Yên. Bà là một người dũng mãnh, giỏi võ và rất cương nghị. Năm 20 tuổi bà chiêu mộ binh lính khởi binh chống lại nhà Đông Ngô. Lúc đầu anh bà không tán thành, nhưng với nghĩa khí và quyết tâm đuổi giặc cứu nước của em gái, Triệu Quốc Đạt cùng sát cánh bên em.

Tương truyền khi ra trận, bà cưỡi voi, mặc áo giáp vàng, mang guốc ngà, cài trâm vàng xinh đẹp nên được gọi là Nhụy Kiều Tướng Quân. 

Được tin cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu lan mạnh, Vua Ngô là Tôn Quyền phái tướng Lục Dận sang làm thứ sử Giao Châu, đem 8.000 quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Đồng thời dùng quyền lực, của cải mua chuộc làm suy yếu và chia rẽ lực lượng nghĩa quân.

Những trận đánh ác liệt diễn ra. Căn cứ Bồ Điền bị bao vậy và cô lập suốt 2 tháng liền. Bà chống cự với quân Động Ngô được năm, sáu tháng thì thua. Bà tuẫn tiết trên núi Tùng (Xã Triệu Lộc thuộc tỉnh Thanh Hóa) năm Mậu Thìn (248) lúc bà mới 23 tuổi. 

Nước Việt bị Đông Ngô đô hộ cho đến năm 265 sau Công Nguyên.

Hiện nay nơi núi Tùng (Xã Triệu Lộc) vẫn còn di tích lăng mộ của Triệu Trinh Nương, cách nơi Bà tuẩn tiết không xa. Hàng năm vào ngày 21 tháng 2 âm lịch người dân trong vùng làm lễ giỗ Bà. 

Ngoài ra vua Lý Nam Đế sai lập miếu thờ, phong Bà là " Bậc Chính Anh Liệt Hùng Tài Trinh Nhất Phu Nhân".

Việt Nam ta bị Tàu đô hộ suốt 1.000 năm. Phong tục, lễ nghi và văn hóa Tàu đã ảnh hưởng sâu đậm xã hội VN. Tư tưởng về quân thần, phu thê, nam nữ nặng chất phong kiến của Khổng Giáo, chi phối đời sống người dân cho đến bây giờ. 

Cho nên " Phu xướng, phụ tùy" " Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử"... là khuôn vàng thước ngọc cho người đàn bà phải tuân thủ.

Thuở còn là nữ sinh, chúng tôi tự hào mình là dòng dõi bà Trưng, Bà Triệu. Chúng tôi cất cao tiếng hát bài "Cô Gái Việt" của nhạc sĩ Hùng Lân:

Lời sông núi, lừng vang bốn phương trời.
Giục chúng ta, đường phụng sự quyết tiến.
Triệu Trưng xưa, đẹp gương sáng muôn đời
Giòng máu thiêng, còn đượm hồng vạn trái tim
Dẫu không cùng tài trai vui tranh đấu.
Gánh sơn hà còn trọng hơn xương máu
Dù thành thị hay thôn trang ai ơi
Lòng hẹn lòng, bạn gái ta xây đời.
Chị em ơi 
Quê nước chờ mong ta sớm lập công
Tô thắm giang sơnViệt Nam 
Ngoài những phút quán xuyến tề gia
Hãy hướng lòng ta đến những ai đang cơ hàn
Kìa cô nhi không chút tình thân
Đây lớp tàn nhân năm tháng đau thương thầm trôi
Cùng cương quyết góp sức đồng tâm
Muôn dân vui một đời vàng sáng tươi. 

Bài hát thật hay từ lời ca đến giai điệu. Nội dung nói lên ý chí và việc làm hữu ích của người phụ nữ thời đại mới. Hoàn tất nhiệm vụ với gia đình, tham gia tích cực công tác xã hội và góp phần xây dựng đất nước.

Sau 30/4/1975 những người phụ nữ trí thức VN đã bị xã hội mới liệt vào "gia đình ngụy" vì có chồng từng là sĩ quan trong quân đội VNCH. Họ bị bắt buộc rời bỏ nghề nghiệp chuyên môn của mình và sinh nhai bằng lao động chân tay. Họ tần tảo để thay chồng nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ chồng và tiếp tế cho chồng bị tù đày nơi rừng thiêng nước độc.

Khi đã được đến bến bờ tự do thì tuổi đời không còn trẻ. Họ vẫn kiên trì học hỏi để hội nhập vào xã hội mới. Lo cho con ăn học thành tài và không ngừng trao dồi bản thân.

40 năm sau ngày tang tóc, cuộc đời đã trải qua bao giai đoạn truân chuyên. Ngồi nhìn lại quá khứ, khúc phim đời lần lượt quay về. Những ý tưởng, những điệu nhạc lời thơ thôi thúc viết một điều gì đó cho bản thân, cho bạn bè, cho văn hữu bốn phương. 

Thế là nhóm "Cô Gái Việt" ra đời. Họ gồm một số bạn nữ tuổi đời không còn trẻ, nhưng yêu văn chương và muốn bảo tồn văn hóa Việt. Các chị ở khắp nơi trên thế giới, có thể đôi lần gặp mặt mà cũng có thể chưa gặp nhau lấy một lần. Nhưng họ mến nhau vì nhân cách, hợp nhau vì cùng chung lý tưởng, ái mộ nhau về văn, thơ. Họ đến với nhau như một gia đình. Đoàn kết, gắn bó và dùng văn chương để xích lại gần nhau.

Mỗi năm nhóm Cô Gái Việt họp mặt một lần. Địa điểm thay đổi tùy sự lựa chọn của các thành viên. Màu áo đồng phục có hơi hướng về màu tím nhạt, phảng phất giống màu áo dài của các cô nữ sinh Gia Long xưa.

Tôi hân hạnh là một thành viên trong gia đình Cô Gái Việt. Nơi đây tôi quen biết được rất nhiều phụ nữ tài giỏi, xinh đẹp có tấm lòng. Tôi học hỏi và cảm phục các chị em về mọi phương diện. Từ nấu ăn, gia chánh, tu học, thiền nhàn, sinh hoạt ở các trung tâm văn hóa, họp mặt hội đoàn. Các chị rất lạc quan trong cuộc sống, vui vẻ, nhiệt tình tham gia văn nghệ, thể dục, yoga, du lịch, làm thơ, viết văn, viết thư pháp, vẽ, làm tranh thơ, làm youtube...

Có người vừa bước qua tuổi 60, cũng có chị tuổi đời đã quá 80, nhưng vẫn tự hào mình vẫn còn rất trẻ trong tư tưởng và tư duy trong cuộc sống.

Quan niệm của chúng tôi là mỗi ngày hãy sống vui và nhìn tha nhân với một nụ cười bao dung. Hãy viết ra những gì mình nghĩ, những thao thức về quê hương, xã hội, con người và cuộc đời. Bây giờ tôi đang làm điều đó. Buổi tối của ngày 31/12/2019, tôi ngồi trước máy và viết bài này để đón chào năm mới 2020.

Tôi xin gửi đến các chị em, những người phụ nữ Việt Nam đang sống trong và ngoài nước một niềm tin và hy vọng. Phụ nữ được sinh ra để làm đẹp cho đời, xây dựng cuộc sống, giúp ích cho xã hội. Hãy sống trọn vẹn bằng tình yêu cho gia đình và mạnh dạn bước ra khỏi những bi quan và đau khổ.. Hãy tích cực theo đuổi ước mơ và xoa dịu những mảnh đời bất hạnh. Vì ơn trên đã cho người phụ nữ một trái tim tràn ngập yêu thương và nhân ái. 

Chúc các chị một mùa Xuân Bình An và Hạnh Phúc.

Nguyễn Thị Thêm

No comments:

Blog Archive