Mợ Ba tôi
Mợ Ba tôi là một là một người đàn bà đơn thuần viêt nam. Không phải nhà quê hẳn vì sanh ra và lớn lên tại Phú Định/Phú Lâm, kế bên Chợ Lớn, có những cây cau cao vuốt và những buồng dừa thật to, mà cũng không hẳn là dân Sàigòn vì tôi không chắc Mợ Ba đã từng đặt chân trên đường Tự Do.
Mợ Ba tôi nét mặt rất đẹp, đâu đó có nét lai lai Tây, hiền nhân hậu, gò má cao, miệng nhỏ, giáng tròn, trung bình của người mẹ miền Nam. Nhưng đặc biệt nhất là đôi mắt thật buồn, khi có quầng, khi không, xa vợi, buồn sâu thẩm như chứa cả những giọt nước mắt của cả đại dương và cộng thêm năm châu. Buồn thôi là buồn.
Mợ Ba là em dâu của má tôi. Theo lời của má tôi, vợ chồng Cậu Ba tôi bị trường hợp gọi là “xấu hái”, sanh con ra, nuôi tròn trịa, mập mạp sổ sửa ngon lành được vài tháng, chỉ nóng một đêm tới sáng là “đi”. 3 thằng con trai, cứ như vậy, liên tiếp, ngọt xớt...Theo dị đoan thì họ nói cũng một đứa này nó đầu thai “lộn lên lộn xuống” vì đứa nào cũng có cùng cái bớt nhỏ ngay mắc cá.
Bởi vậy nên lần tiếp, Cậu Mợ Ba mới thông đồng với má tôi để gạt ma quỷ. Má tôi vừa sanh em trai tôi chưa được đầy tháng thì Mợ Ba sanh. Kỳ này sanh con gái, đổi đầu con. Được 3 ngày, má tôi vào bịnh viện Từ Dủ, tới phòng Mợ Ba thì hô lớn lên : Bửa nay tui đến, ẳm con tui về nha. Rồi ẳm luôn con bé về cho bà ngoại nuôi chung với em trai tôi. Con bé này trắng tươi, đẹp gái, miệng móm móm, xinh duyên và cũng có nét lai lai. Nhưng tội nó chỉ được cái tên Năm, thứ bậc của nó, chứ không được gọi là Rồng bay, Phượng múa hay cái gì kiêu sa như đám em nó sau này. Còn ác cho nó nữa, tên Năm còn đẹp quá, phải gọi nó bằng cái gì xấu hơn kìa cho ông bà đừng chú ý tới nó nên con Năm được ai đó tặng cái biệt hiệu là con Nhí -vì tiếng khóc nhí nhí của nó. Tội nghiệp con Nhí tới bây giờ, gần 70 mà vẩn chết cái tên đó. Chỉ có cháu ngoại nó và người lạ không biết thôi.
Phần Mợ Ba tôi, thì sau đó yên tâm, sanh thêm mổi năm một sâu dài 10 đứa nửa. Và hết cả đám này gọi Ba Má tôi là Ba Má Hai và Ba Má tụi nó là Cậu Mợ Ba cho tới bây giờ luôn. Thằng con trai đầu của sâu này, chắc còn lo lo, nên dù trong khai sanh có tên hùng cường, anh dũng chứ ở nhà bắt phải gọi nó thằng Chó cho bảo đảm vì đó là năm sanh của nó. Dù tôi không tin dị đoan, nhưng sao coi bộ dùng cách này phỉnh người khuất mặt khá thành công. Nhí ở chung với gia đình tôi tới 8 tuổi mới được trả về cho Cậu Mợ Ba, khi ngoại tôi mất, và để phụ giúp má nó với đám đàn em nhỏ.
Mợ Ba tôi tuy nghèo và đông con, nhưng là một người nội trợ tài giỏi, nấu ăn thật ngon, nhà cửa gọn ghẻ, giường drap tụi nhỏ lúc nào cũng trắng tinh và thơm phức mùi xà-bông Tide. Mợ dạy hai đứa con gái lớn biết chăm lo công việc nhà, nấu nướng từ lúc tụi nó chưa đầy 10 tuổi.
Một chiều mùa mưa năm nào, mưa lắc rắc, hơi lành lạnh, ngay trước cổng Trường Trung Học Phú Lâm, Mợ Ba tôi vừa sanh một bé gái được 2 tháng, cả nhà Cậu Ba tôi đang chuẩn bị dọn cơm tối thì có một người đàn ông, mặc áo khoác pardessus, xuống từ một xe Honda có người chở tới, bước tới thềm nhà hỏi vọng vào : có phải nhà này là nhà ô. X. không ? Mợ Ba tôi vừa gật đầu, vừa ngoảnh mặt ra phía sau nhà bếp gọi chồng thì một tràng súng tiểu liên, rút nhanh từ tay áo, nhả liên hồi, nhả lên bất cứ ai... Trong nhà sấm xét, tia đạn nổ xẹt ra như bắn pháo bông theo lời mấy đứa nhỏ. Cậu Ba tôi chỉ kịp nằm dài xuống và kéo theo đứa con gái 7 tuổi đang đứng kế bên, con bé vừa té xuống thì một viên đạn xuyên ngay vào ngón tay trỏ nó. Rồi Cậu Ba tôi bất tỉnh, trên vũng máu lai láng, trước sàn nước dùng để rửa chén của nhà với 6 viên đạn ghim trên cùng người.
Phần Mợ Ba tôi, đứng ngay đường bắn, lảnh ngọt một viên vào tim, chỉ kịp nói được câu cuối cùng : tụi bây qua gọi bà Bẩy (hàng xóm) coi chuyện gì vậy nè ? rồi Mợ Ba tôi nhắm mắt xuôi tay, đổ tuôn hết giòng nước mắt đại dương pha chung với giòng máu từ tim mình. Mợ Ba tôi ra đi khi chỉ 42 tuổi, sau khi sanh 16 lần, để lại 9 đứa con, đứa lớn nhất 13 tuổi và đứa nhỏ nhất mới 2 tháng. Để lại 9 đứa con, hai đứa nhỏ còn khóc nhè, ngộng nghệu, mấy đứa lớn thì còn ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đả xảy ra và rỏ ràng là chưa biết ba chử “mồ côi mẹ”.
Cậu Ba tôi may mắn, chưa tới số, điều trị 6 tháng và vuột được tay tử thần. Cậu tôi là cảnh sát và vì là thợ điện nên được chuyễn qua coi về an ninh Nhà Máy Điện Chợ Lớn vì lúc đó Việt Cộng hay cho nổ Nhà Đèn để lợi dụng cúp điện, di chuyễn vủ khí trong bóng tối. Trước đó một tuần, Cậu Ba tôi đả được cảnh giác vì một bạn đồng nghiệp đả bị ám sát y như vậy. Ông này thoát chết nhưng con trai ông, 10 tuổi, đả mất mạng.
Mới đây có dịp nói chuyện với đứa em gái kế của Nhí, con Mợ Ba, chị em nhắc lại chuyện xưa thì nó tâm sự với mình : chị biết không ? em còn nhỏ, ngu thấy mồ. Khi biết Mợ Ba chết, em mừng mở cờ trong bụng : Trời mình sướng quá, hết bị ăn đòn. Vì chị biết má em mà, bả kỷ lưởng và khó thấu trời, bả biểu đi chợ mà lở không biết lựa, mang đồ không ngon, rau không tươi là vể bị ăn đòn đã đời luôn. Con nhỏ này hiện giờ là nội trợ xuất sắc. Nó quay một chút là có nồi trôi nước không đâu ngon bằng.
Tối hôm đó, 7g20 thì phải, bên nhà tôi, cả gia đình đang quay quần coi “Wild Wild West”, tivi đài Mỷ, thì có tiếng nhấn chuông bấn loạn-ầm ỉ, không ngừng, liên tục -từ ngày đó, nhà mình rất sợ tiếng chuông bấm. Mở cửa ra thì con T., em con Nhí, 12 tuổi, áo quần nhuộm ướt đầy máu, mắt nhắm nghiền, điên dại, la khóc, giãy dụa. Má mình phải vả nhẹ vào mặt nó cho nó tỉnh : Ba má Hai ơi, có ai tới bắn Cậu Mợ Ba chết hết rồi...Con không biết nửa... mà con phải kêu taxi chở Cậu Ba vô Chợ Rẩy vì Trạm Y tế cứu cấp trước cửa nhà con, họ không chịu chở vì họ nói mới rửa xe hồi chiều. Con năn nỉ hết lời mà họ không chịu, may sao hên quá có chú taxi này chú chịu. Chết hết rồi, chết hết rồi...
Nó nói nó mừng mở cờ trung bụng chứ tôi nhớ lại hình ảnh đó, hơn 50 năm rồi mà tôi vẩn nhớ rỏ như hôm qua. Còn nhớ rỏ màu máu đỏ tuơi trên quần áo nó, còn nhớ miệng nó gào thét, hai mắt nhắm nghiền, còn nhớ giòng nuớc mắt chảy dài trên bờ má còn con nít của nó...
Nó thú tội xong, hai chị em cười lớn trong điên thoại rồi lặng yên, nhớ tới Mợ Ba, nghe tim rỉ máu.
Nó nói nó mừng mở cờ trong bụng chứ mình thì đau bầm tím ruột gan, cảm thấy thương nó vô hạn. Bữa nay, cả đám tóc đã đổ hai màu hết rồi. Nó đả quá thấm ba chử “mồ côi mẹ” rồi . Mình xót xa cho nó vì mình còn được má mình tới khi mình có cháu ngoại. Dì Hai tụi nó, chị ruột Mợ Ba, năm nay 94 tuổi, vẩn còn sống. Còn nó thì...thiệt thòi, bất công cho nó biết là chừng nào. Sao trời đất lại bày ra chi những cảnh trớ trêu, cách ly, đau thương như vầy, hả Trời ? Kiện ai bây giờ đây hả Trời ?
Nhưng rồi cũng may cho tụi nó là sau khi Mợ Ba tôi mất, Ba tôi là một người rất tốt, xót thương và đả đồng ý đem 3 đứa con gái, cháu vợ về nuôi như con luôn. Má tôi cũng rất mừng vì 5 chị em tôi đều đồng ý có thêm em và dạy dổ, thương yêu các em.
Con bé 2 tháng mới sanh thì nhờ Dì Hai tụi nó nuôi vì má tôi là Điều Dưỡng bịnh viện Chợ Rẩy, phải đi làm. Mổi tuần tôi đi mua sửa đem vào cho Dì Hai nuôi em.
Còn 2 đứa con gái lớn thì về Chung Cư Cảnh Sát quận 5, đường Đồng Khánh, an toàn hơn, vừa đi học, vừa chăm sóc, nấu nướng cho Cậu Ba và 3 thằng em trai tụi nó. Và mọi chuyện phải tự động vào trật tự hằng ngày cho tới...
Khi mất nước thì Cậu Ba tôi bị đuối nhà ra khỏi quận 5 rồi khăn gói lên đường học tập. “Tội nhẹ” cảnh sát quèn mà lảnh 6 năm vì có thêm chử “đặc biệt”. Bên Mỷ, thêm chử “Special” là ngon, bên VN thời đó cũng tiến bộ lắm chứ. Cộng thêm 3 năm.
Cậu Ba lên đường học tập ngoan rồi thì Ba má tôi lại ôm thêm đám con Cậu Ba vì tụi nó còn vị thành niên hết. Cái thẻ lảnh lương thực nhà tôi nó dài nhất cả xóm, hân hạnh thì thôi. Lúc nào cũng sắp hàng hạng nhất vì con nít đông, rảnh rổi. Mấy đứa lớn sắp ra tú tài thành con ngụy, phải bỏ học. Nhà còn vàng nhưng sợ bị để ý hay biết cầm cự đến lúc nào nên đành phải chịu cảnh đói khát như mọi người. Tuy nhà mình không có buôn bán, nhưng vẩn sợ đánh tư bản nên Ba Má tôi biểu phải giấu vàng trong mấy cây sào tre rổng, bắt ngang để phơi đồ trong nhà. Ai mà nghĩ đi xét tìm ở đó ? Vậy mà một buổi sáng, cả nhà xôn xao vì quần áo phơi trên sào tối qua, biến mất hết. Ăn trộm nó lòn vào nhà ăn cắp quần áo phơi. Còn nhà kế bên, thì nó vào, mặc luôn bộ côm-lê của ông Bẩy, tay cầm bộ thứ hai, bị bà Bẩy bắt được la làng, nó giông mất. Chợ trời lúc đó buôn bán rần rần, khá lắm. Nhà tôi thì vẩn tiếp tục giấu vàng chổ củ vì cây sào dài, nó cằm cây sào làm sao nó chạy ? Thôi thì thí cô hôn mày mấy bộ đồ.
Tôi có bổn phận cầm tiền đi chợ mổi ngày nấu cho 16 miệng ăn, bởi vậy cái ảng đối với tôi rất quen thuộc. Ăn no, ăn đói, ăn độn, ăn gạo gì thì cứ vậy mà chia nhau. Tôi nhớ có bầu sắp sanh mà ưu tiên một tuần lể được 2 hột gà luộc. Hột gạo cắn ra thành 16 mà sao không thương nhau được hả mấy đứa ?
Hôm nay thì đám con Mợ Ba đã thành người và đã ở bên Mỹ tất cả. Chỉ trừ Nhí đả chọn lựa ở lại với gia đình. Hai đứa cuối cùng mới được qua đoàn tụ mới 6 tháng nay. Chắc Mợ Ba hôm nay đả không còn đôi mắt sâu buồn nửa vì mổi lần thành công chuyện gì là chắc chắn mình nghe : Nhờ Mợ Ba phù hộ. Cậu Ba cũng đả mất và Ba Má tôi, cả đời khi còn sống, đã được mọi người quý mến, nể trọng với câu : Không ai được như Ông Bà Hai. Và tôi rất hảnh diện với câu khen này và nó đã là tấm gương sáng Ba Má tôi để lại về sự đùm bọc, yêu thương nhau trong cuộc đời phù du, ngắn ngủi này.
CMH
No comments:
Post a Comment