Tại Sao Có Các Triệu Chứng Bị COVID-19 Nặng Nhẹ Khác Nhau?
BS. Hồ Ngọc Minh
COVID-19 dường như ảnh hưởng đến một số người nặng nề hơn là những người khác. (Hình minh họa: Apu Gomes/ AFP via Getty Images)
Câu hỏi này được nêu ra trong suốt diễn tiến của đại dịch COVID-19. Càng ngày người ta càng thu thập thêm nhiều dữ kiện, một số có thể trả lời cho câu hỏi, nhưng lại nảy sinh ra những câu hỏi khác.
COVID-19 dường như ảnh hưởng đến một số người nặng nề hơn là những người khác, đa số chỉ có những triệu chứng nhẹ như cảm cúm xoàng, số khác phải vào bệnh viện và cần đến máy trợ thở. Tuổi tác có thể là yếu tố chính nhưng vẫn có những người trẻ tuổi hơn mà vẫn bị bệnh nặng, ngược lại có nhiều người cao tuổi vẫn tránh được bệnh hoặc chỉ bị nhẹ.
1. Tuổi tác
Theo Trung Tâm Phòng Ngừa Bệnh Tật CDC, 80% các trường hợp tử vong xảy đến cho người trên 65 tuổi. Tuổi càng cao thì nguy cơ phải vào bệnh viện và không ra khỏi bệnh viện càng nhiều. Cụ thể, ở những nạn nhân cao tuổi, càng lớn tuổi càng bị bệnh nặng hơn và dễ chết hơn. Ví dụ lứa tuổi trên 80 sẽ có tỉ lệ tử vong lên cao gần 30%.
Nguyên nhân chính vẫn là do các bệnh kinh niên như bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì. Người càng lớn tuổi thường tích hợp các bệnh này nhiều năm liền nay cộng thêm bị nhiễm virus, tuổi lại càng cao thì sức đề kháng càng yếu và bén nhạy.
2. Bệnh tiểu đường
Ở Mỹ, càng ngày càng nhiều người bị tiểu đường loại 2, do “hiện tượng ghiền đường,” khiến cho tuyến pancreas không cung ứng đủ lượng insulin. Hệ quả, đường tràn ngập mạch máu, thay vì ở trong bắp thịt. Tế bào cần đường để sống, để sinh hoạt bình thường, nhưng đường lại ở ngoài mạch máu, nuôi virus và làm cho tế bào máu bị “ngâm đường,” không chuyên chở được oxygen hữu hiệu.
Một cuộc nghiên cứu đăng trên Journal of Infection cho thấy chỉ riêng bệnh tiểu đường không thôi chưa kể các yếu tố khác của hội chứng “mỡ đường máu” đã làm tăng tỉ số tử vong vì COVID-19 lên 3.7 lần.
Nhận xét này thật ra không khác gì trong trường hợp tử vong vì cúm mùa hằng năm, khi mà những người già bị bệnh tiểu đường dễ chết vì bệnh sưng phổi. Cơ chế tác động của COVID-19 tương tự như cúm influenza, làm tăng sự viêm xoang của tế bào, làm máu dễ đông đặc lại, nghẽn mạch máu, giảm sức đề kháng hữu hiệu của tế bào máu và phá huỷ tuyến pancreas.
Trong cơ thể chúng ta có một chất men xúc tác enzyme gọi là Angiotensin Converting Enzyme 2 (viết tắt là ACE2.) Chất này có mặt ở nhiều nơi như ở thận để kiểm soát sự giãn nở của mạch máu thận và kiểm soát huyết áp; ở tim để điều hoà sự co bóp của tim; ở phổi để phối hợp hoạt động trao đổi dưỡng khí; cả ở hệ thống tiêu hoá và lá gan. Virus corona tấn công tất cả các tế bào ngũ tạng bằng cách khống chế hệ thống ACE2, ùa vào cổng ACE2 để vào bên trong tế bào.
Trong thời kỳ cúm SARS trước đây, 60% nạn nhân bị suy gan. Còn COVID-19 vì có bộ gene 82% tương tự như SARS cũng tấn công vào lá gan qua cổng ACE2.
Vì vậy, khoảng 10% đến 60% bệnh nhân bị các triệu chứng về đường tiêu hoá và có những tường trình thuốc trị bệnh bao tử famotidine (Pepcid) có thể giảm nhẹ nguy cơ tử vong vì COVID-19.
3. Bệnh tim mạch và cao huyết áp
Các nghiên cứu từ Vũ Hán cho thấy, 20% bệnh nhân bị COVID-19 trực tiếp phá huỷ tế bào tim bằng cách bám vào phân tử ACE2 và xâm nhập vào bên trong tế bào. Ngoài ra, bằng cách tấn công lá phổi trước, virus corona cắt đứt nguồn cung cấp oxygen cho hệ thống tim mạch, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn trong khi đã bị suy yếu vì virus.
4. Hút thuốc lá
Người hút thuốc lá làm cho phổi suy yếu, nghẽn phổi kinh niên COPD, hay giãn phổi emphysyma. Thêm vào đó, khói thuốc làm tăng sự tiếp nhận của phân tử ACE2, một biện pháp tăng cường và bù đắp cho sự vận chuyển của oxygen. Ở đây, phân tử ACE2 bị virus bắt làm con tin, tràn vào tế bào phổi và làm sưng phổi. Theo New England Journal of Medicine, nguy cơ bị tử vong cho người hút thuốc lá tăng lên gấp 3 lần.
Một nghiên cứu lại cho thấy điều trái ngược, người hút thuốc lá lại ít bị nhiễm virus hơn. Trong đó, những người hút thuốc lá kinh niên nhưng lại không bị ung thư phổi. Tuy nhiên, không vì thế mà ta lại đi hút thuốc lá để ngừa bệnh COVID-19!
5. Béo phì
Một số nghiên cứu từ New York cho thấy những người tuy còn trẻ hơn 60, nhưng béo trên cân có tỉ số tử vong tăng gần gấp hai lần. Nhiều nghiên cứu tương tự khác từ Trung Quốc và Pháp cũng đi đến những nhận xét tương tự rằng béo phì dễ bị bệnh nặng hơn và dễ chết hơn.
Người trên cân thường dễ bị bệnh, từ cảm cúm xoàng cho đến những trường hợp cúm SARS hay cúm gia cầm trước đây. Người béo phì có thể tích buồng phổi nhỏ hơn, trái tim làm việc cực nhọc hơn và yếu sức đề kháng hơn.
6. Nhóm máu
Theo bác sĩ Jiao Zhao ở trường đại học The Southern University of Science and Technology tại Thẩm Quyến, người có nhóm máu A hay AB dễ bị bệnh hơn là người có nhóm máu O. Tương tự, một nghiên cứu của bệnh viện New York Presbyterian cho thấy tỉ lệ người thử dương tính cho COVID-19 tăng 33% trong người có nhóm máu A so với nhóm máu O.
Người ta vẫn chưa có lời giải thích tại sao. Có thể, một số antigen hay antibody từ nhóm máu giúp chống lại virus.
Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng người đã từng chích ngừa bệnh lao với thuốc chủng BCG ít bị nhiễm virus corona hơn. Trước đây, trẻ em được chích ngừa BCG ít bị các chứng bệnh về phổi như hen suyễn.
Điều này có điểm tương đồng là ở Á Châu một số người có nhóm máu O và hầu như đa số người cao tuổi đều có chích ngừa BCG.
7. Di truyền
Người ta cho rằng một số gene ẩn trong DNA có thể chi phối khả năng chống lại virus corona.
Gene quy định sự cấu trúc của cửa ACE2 receptors thay đổi giữa người bị bệnh và người không bị bệnh. Tương tự, các gene chi phối hệ thống đề kháng cũng khác nhau giữa người này với người kia.
Cụ thể, tập hợp gene HLA quy định sự thể hiện của hệ thống đề kháng. Khi ghép ngũ tạng, người cho và người nhận phải có gene HLA tương đồng. Một nghiên cứu đăng trên báo Journal of Virology cho biết một số người có tập hợp HLA gene có khả năng chống lại COVID -19 và ngược lại số khác lại mở cửa đón nhận corona virus vào bên trong.
8. Chủng tộc
Ở Mỹ, đa số người mắc COVID-19 là người da màu gốc Phi Châu hay châu Mỹ Latin so với người Á Châu và người da trắng.
Ở đây, yếu tố chủng tộc có thể bao gồm tất cả các yếu tố về môi trường xã hội, nề nếp, điều kiện sống và yếu tố di truyền. Hầu như những nạn nhân thường có tình trạng sức khoẻ xấu cơ bản như béo phì, nghiện ngập, cao máu, cao mỡ và cao đường. Cũng có thể nề nếp sống và yếu tố di truyền khiến cho người Á Châu ở Mỹ cũng như nhiều nơi khác trên thế giới ít bị bệnh nặng vì COVID-19.
Theo tường trình mới đây từ New York, những người vị bệnh nặng và dễ chết lại là những người thường xuyên ở nhà trong thời gian phong toả cách ly. Điều này cho thấy tình trạng sức khoẻ cơ bản và nề nếp sống tốt vẫn là chủ yếu.
Do sự biến dạng của COVID-19, có thể thuốc chủng ngừa sẽ không hoàn toàn hữu hiệu tương tự như thuốc chủng ngừa cúm hằng năm. Virus corona có thể sẽ ở lại với chúng ta từ nay trở đi như cúm mùa, vì thế thay đổi nề nếp sống, tăng cường sức đề kháng vẫn là điều tiên quyết để đối chọi với không riêng gì COVID-19 mà cả tất cả những loại bệnh nhiễm trùng khác.
“Trời kêu ai nấy dạ”, nhưng đừng lên tiếng: “Thưa ông con trốn ở …nhà này!”
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh
No comments:
Post a Comment