Thursday, May 28, 2020

HỌC ĐỂ LÀM GÌ ?

Toại Khanh 

Có không dưới 1001 câu trả lời. Ở đây, người viết chỉ xin hai thôi:

A. Học cho mình.

Ta không thể là một người sống giữa đời mà không biết tí gì về thế giới xung quanh. Tăng ni cư sĩ cũng không thể tu Phật theo cách ba má tin thì con tin, ai rủ thì theo.

Vậy, mục đích đầu tiên là ta học cho mình.

Học không đơn giản là có số vốn kiến thức kiểu “biết thì tốt”, mà trên hết, ta dùng cái học trường lớp để xác định đường đi riêng của mình, không vay mượn từ ai khác. Thậm chí, mang danh tiến sĩ mà không có nổi nhận thức độc lập thì vẫn còn chỗ bất cập, bất xứng. Phải có chủ kiến trên nền tảng chánh kiến. Nói kiểu trong nước là: "kế thừa mà có phê phán".

Không thể nói thầy dạy sao, tôi tin vậy. Bởi nếu có hai thầy, mỗi vị nói một cách, thì phải tính sao đây?

Học là đem cái biết của người về gặm nhấm, để sau cùng chọn lấy cái mình thấy đúng, thích hợp. Đừng vì sợ trái với lời thầy, rồi không dám suy nghi độc lập. Theo tôi hiểu và theo kinh Kalamasutta, Phật không dạy ta thờ thầy kiểu đó.

Hôm nay, sang Miến Điện giữa lúc đất nước này từng ngày thay đổi với tốc độ đáng nể, tôi vẫn có chút khó chịu khi thấy kiểu tu Niệm Xứ Phồng Xẹp của ngài Mahasi vẫn được tôn thờ, một cách cẩn cẩn như là truyền thống lớn nhất.

Lý tưởng và công trạng ngài Vicittasara với Phật giáo Miến Điện, là không thể phủ nhận, nhưng kiểu học cổ hủ như là: phải thuộc lòng (oral) cứ tiếp tục ở đây, phần lớn là do thái độ kế thừa Ngài của các người hậu học trung thành. Họ quên rằng nếu còn sống, Ngài đã trên trăm tuổi và suy nghĩ của Ngài cũng đã được thừa tiếp từ mấy trăm năm nay, ở một xứ sở xa khuất như Miến Điện.

Cái giá phải trả của PG Thái Lan sau này, chính là thái độ theo Tổ mà quên Phật. Ai tìm hiểu về trung tâm Dhammakaya ở Thái chắc chắn sẽ hết hồn. Cơ sở to rộng như phi trường, lượng người ủng hộ không dưới số triệu, khả năng tài chánh gần như vô hạn và uy tín với chính phủ như người thân trong nhà. Nhưng pháp môn chủ yếu ở Dhammakaya là gì ? Lửng lơ giữa các truyền thống, là Chỉ hay Quán thì không ai biết! Các truyền thống một thời lẫy lừng như của ngài Ajahn Chah, Ajahn Neab, Ajahn Asabha, thậm chí, thần tượng của tuổi trẻ trí thức Thái là ngài Buddhadasa, cũng không sao có nổi ảnh hưởng ghê gớm cỡ đó.

Người học đạo, trước hết, phải nhắm đến mục đích và không nên trở thành nô lệ hay chuột bạch cho bất cứ ai.

B. Học để giúp người.

Một người chịu đọc kinh Phật một cách đàng hoàng, dù là Phật tử hay không, cũng nhận ra rằng Phật Giáo là suối nguồn minh triết của nhân loại. Không biết đến lời Phật, là thiệt thòi lớn của con người sống trên hành tinh này...Và ai đã rao giảng, trao truyền dòng chảy minh triết PG cho người chưa biết? Chính là những người tu học Phật Giáo và có khả năng truyền đạt.

Am hiểu đúng, làm theo đúng, nhưng không biết làm sao để giúp người khác được như ta, thì cũng thiệt là đáng tức và đáng tiếc.

Làm cách nào để trao truyền Phật Pháp? Nói kiểu gì cũng chỉ nằm gọn trong ba cách: Bằng chữ viết (dịch, soạn, sáng tác), bằng ngôn ngữ thuyết giảng và bằng cách sống cho người ta noi theo.

Có thể khó có đủ cả ba khả năng này, nhưng người tu Phật muốn lợi tha thì tối thiểu, phải có một trong ba, bằng không thì khó lòng giúp được ai.

1. Bằng chữ viết
Có nhiều động cơ để một người cầm bút. Dù nói chỉ viết cho riêng mình, không nhắm đến ai, nhưng nếu có thực học và thực tài thì phải chịu trách nhiệm với bất cứ thứ gì ta đã viết, dịch, soạn. Đó cũng là một kiểu lợi tha.
Thứ đến, có lúc ta viết vì 1 công trình tâm đắc hơn là nghĩ đến nhu cầu của thiên hạ, dù đó là công trình được phổ biến rộng rãi.

Trường hợp cuối cùng, người cầm bút lấy lợi ích của thiên hạ làm trọng để vùi đầu vào công trình viết.

Sao cũng được, miễn là khi cầm bút thì luôn có ý thức trách nhiệm và biết tự trọng bằng cách làm việc một cách cẩn trọng, yêu nghề. Được vậy là đã giúp đời nhiều lắm rồi.

Xin nhớ giùm, lời nói sẽ bay mất, nhưng chữ nghĩa thì mãi nằm lại. Đâu ai còn dịp nghe lại giọng nói của cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Ngô Tất Tố, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký,…nhưng công trình của họ đến giờ vẫn còn đầy ra đó, trong các thư viện quốc gia cho đến bộ sưu tập cá nhân.

Làm gì thì làm, công trình nào đi nữa, cũng nên có đủ lý do để tồn tại lâu bền trong đời. Chỉ với tâm huyết vẫn chưa đủ, còn phải chất lượng nữa. Thiếu hai điều kiện này, cầm bút chỉ phí thời gian, trong khi đâu có nhiều thời gian để "chơi sang" như vậy. Và thiên hạ cũng đâu dư hơi để đọc tác phẩm/dịch phẩm kiểu đó.

Xưa giờ, không ai thúc ép một bà mẹ phải sinh non, cũng như đâu ai cưỡng cầu người cầm bút phải hối hả trình làng một công trình chưa chín muồi. Đẻ non thường khó nuôi, èo uột rồi ra đi sớm, công trình chữ nghĩa cũng vậy.

2. Bằng ngôn từ thuyết giảng.

Tôi không phải là pháp sư hay giảng sư gì ráo, làm được ông sư là mừng rồi. Ở đây, chỉ là chút lạm bàn, theo kinh nghiệm của anh bán ve chai bàn về cổ vật.

Dù may mắn có được khả năng văn tài hay lợi khẩu ghê gớm đến mấy, trộm nghĩ cái quan trọng vẫn là trách nhiệm đối với thiên hạ. Viết cho hay, đọc rồi người ta vẫn không bỏ túi được cái gì. Nói bay bướm hoa hoè cả giờ, để rồi chính mình không thể rút ra được một nội dung xài được. Cả hai trường hợp đều đáng trách, đáng tiếc.

Cái nguy hiểm nhất là khả năng lôi cuốn thiên hạ cộng với tinh thần vô trách nhiệm. Ai cũng thích có kẻ ái mộ, nhưng không gì bậy bằng việc lấy đó làm động lực để nói năng, viết lách. Có người có thể vì nghe theo mà tan nhà nát cửa, tiêu tùng một đời. Đôi khi, một dòng chữ hay câu nói có thể giúp người ta đổi đời và ngược lại, lắm lúc thừa sức khiến người ta tàn đời.

Xin nhớ lại, đã có biết bao vị đạo sư, giáo chủ người Việt ở hải ngoại, đã một thời khuynh đảo tâm hồn hàng ngàn người nhẹ dạ bằng mấy thứ pháp môn tự chế. Tội nghiệp người ta buông hết Phật pháp chánh thống, dồn hết tâm tư, thời gian theo họ; đến lúc ngã ngửa ra, mới biết là dùng thời gian đó đi cắm trại ở Phi Châu còn tốt hơn trăm lần.

Nếu sử dụng văn tài và khả năng lợi khẩu để tìm "fan" ủng hộ mà không nghĩ đến lợi ích của người, thì kể ra quá tàn nhẫn vậy.

Và chính người nghe hay độc giả tự có một phần trách nhiệm. Ai bảo anh dễ bảo, ham vui quá, mới xui tôi muốn nói, viết gì cũng được. Nếu anh biết phân biệt rõ cái thích và điều cần thì tôi đâu dám, "có cầu mới có cung" chứ. Trong bài này, tôi muốn nhấn mạnh nguồn Cung, nhưng dĩ nhiên, không thể bỏ qua phía Cầu.

Nghe thuyết pháp mà cứ chăm bẳm nhớ thơ ca, chuyện cười, truyện ma (dù có khi người nói chỉ nhắc phớt qua khi cần), thì trách gì lần sau, người giảng cứ tiếp tục bổn cũ soạn lại. Lâu dần thành lệ, pháp sư thuyết giảng chuẩn mực hết đất sống và cư sĩ cũng không còn cơ hội được nghe đúng Pháp Nhũ Phật Thân. Cái loạn đi ra từ đấy!

Nói chân tình, việc thiên hạ chạy theo chữ nghĩa, ngôn từ buổi đầu thấy hay ho, nhưng về lâu dài lành ít dữ nhiều. Hôm nay, họ theo ta vì những hoa lá cành vô bổ, thì mai kia họ cũng có thể chạy theo ông thầy sặc sỡ hơn ta.

Trong khi đó, nếu người nói Pháp nhằm hai tiêu điểm: nói đúng lời Phật và lợi ích thiết thực của người nghe, thì đối thủ mai này phải là bậc thạc đức thạc học, không có chỗ cho kiểu thầy bà bá vơ chen vào. Phật Pháp nhờ vậy mà mạnh, chúng sinh càng được lợi lạc.

3. Bằng cách sống.

Phật giáo có hai cách dạy người: ngôn giáo (bằng lời) và thân giáo (làm gương cho người bắt chước). Viết và nói đều nằm trong Ngôn giáo. Cách dạy đạo thứ hai là lấy kiểu sống của mình làm bài mẫu cho người học theo. Sở dĩ như vậy, là vì nhiều người không thích nghe hay đọc điều thầy nói hay viết, mà lại ngó vào từng chi tiết nhỏ trong sinh hoạt của sư phụ.

Trăm buổi giảng về giới luật, chánh niệm, tàm úy, từ tâm…xem ra không hiệu quả bằng tuần lễ trò quan sát thầy. Sống động hơn, thuyết phục hơn và đỡ tốn trí nhớ. Đặc biệt là niềm tin "nói được và làm được". Nếu làm tốt giống y thầy, thì ta cũng sẽ an lạc như thầy. Đó chính là thân giáo vậy.

Trong thời gian khá dài, tôi cứ nghĩ rằng giữ vẽ trang nghiêm trước đám đông hình như là hình thức, giả dối nếu khi ở một mình ta không thu thúc được y vậy. Nhưng vài huynh đệ đã vô tình giúp tôi bỏ cách nghĩ đó. Một vị, trong lúc tình cờ, đã nói rằng dù không phải người nghiêm cẩn nhưng trước người lạ, ít nhiều nên giữ chút đại thể cho đoàn thể mà mình có mặt. Vị nầy dùng ví dụ nghe không đẹp lắm, nhưng theo tôi, thì hay tuyệt và xác đáng. "Sư nghĩ xem, ai không có áo quần cần giặt và phơi, nhưng đem phơi bừa bãi ngoài cửa sổ chung cư như nhiều người Á Châu... thì kỳ cục quá. Bê bối cỡ nào đi nữa, đôi khi cũng phải kín đáo một tí, không cần thiết phải vạch áo cho người xem sẹo bên trong. Giữ trang nghiêm không chỉ cho bản thân, mà còn cho đạo, cho thầy bạn, hệ phái nữa." Hay!

Câu chuyện thứ hai, xảy ra ở Việt Nam đã mấy chục năm mà tôi cứ nhớ hoài như bài học bằng vàng. Một vị sư bạn, lớn tuổi hơn tôi nhiều, đã kể cho nghe câu chuyện xảy ra với sư trong lần đi xe bus ở Sài Gòn, kiểu xe Karosa Tiệp Khắc có cửa đóng mở được điều khiển từ chỗ tài xế. Hôm đó, xe chật như nêm, sư bạn lên xe thì mới hay chỗ đứng cũng không còn, nói gì chỗ ngồi. Sư đành chịu trận ngay cửa xe. Lát sau, cô soát vé thấy có chỗ trống để dồn khách vào bên trong, bèn hò hét: "Ông thầy chừa chỗ cho người ta mở cửa xe chứ. "Vị sư lúc đó nhỏ nhẹ: "Tôi bị kẹt ngón tay trong cửa xe cô ơi." Cô nhân viên hết hồn nhìn lại: "Trời ơi, sao thầy không chịu la lên?" Ông sư bạn tôi ráng cười: "Sắp đến trạm kế rồi, cửa sẽ tự mở. Cảm ơn cô."

Kể xong câu chuyện, sư cười: "Đó cũng là hoằng pháp. Nhiều người khách lúc đó nhìn tôi, rồi ai đó xầm xì: Người ta là ông thầy mà !“ Hai câu chuyện vừa kể là hai bài học về Thân giáo. Mà muốn làm được chuyện này, tăng ni bắt buộc phải có nội hàm thật vững, thật sâu và cũng xin nhớ giùm cho: Muốn biết đường hành trì hay lợi tha thì phải lo HỌC .

No comments:

Blog Archive