Kinh tế Nhật lâm vào tình trạng suy thoái và sẽ còn tệ hơn
Khách bộ hành tại khu thương mại Shibuya ở Tokyo. (Hình: Kazuhiro Nogi/AFP/Getty Images)
TOKYO, Nhật (NV) – Nhật rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế đầu tiên kể từ năm 2015 tới nay, theo các con số do chính quyền đưa ra ở Tokyo hôm Thứ Hai, 18 Tháng Năm, cho thấy nền kinh tế lớn hàng thứ ba này của thế giới co cụm 0.9% trong quý đầu của năm, trong khi đang phải vất vả đối phó với đại dịch COVID-19.
Theo bản tin của hãng thông tấn AFP, việc sút giảm trong trị giá tổng sản lượng nội địa Nhật (GDP) diễn ra tiếp theo sau sự sút giảm 1.9% trong quý 4 của năm 2019, do việc tăng thuế và gặp các trận bão lớn, ngay trước khi đại dịch khiến hầu như các hoạt động kinh tế đều phải ngưng lại.
Suy thoái kinh tế được coi là xảy ra khi hai quý liền nhau của năm có mức GDP ở mức âm, và một số phân tích gia tiên đoán rằng trong tình trạng của Nhật thì tình hình sẽ còn tệ hại hơn.
“Chúng tôi dự trù là tình trạng này sẽ còn tệ hại hơn nữa, với việc ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Nhật và mức độ trầm trọng của dịch COVID-19 trong các quốc gia Tây phương tiếp tục tạo khó khăn cho nền kinh tế Nhật,” theo lời ông Naoya Oshikubo, một kinh tế gia cao cấp ở SuMi TRUST.
Dù vậy, tình hình kinh tế trong quý đầu của năm 2020 có phần tốt hơn một chút so với những gì các kinh tế gia tiên đoán là sẽ âm 1.1%.
So với các quốc gia phát triển khác trên thế giới thì Nhật tương đối không bị nặng trong cuộc tấn công của dịch COVID-19, với khoảng hơn 16,000 ca bệnh trên toàn quốc và khoảng 750 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, giới hữu trách tiếp tục lo ngại là sẽ có sự bùng phát mạnh mẽ của dịch, nhất là ở thủ đô Tokyo đông đúc dân cư, và kêu gọi dân chúng ở trong nhà, các cửa hàng tiếp tục đóng cửa.
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sự mua sắm của người dân khiến kinh tế Nhật bị co cụm. (Hình: Kazuhiro Nogi/AFP/Getty Images)
Thủ Tướng Shinzo Abe từng công bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, nhưng tuần qua ông ra lệnh tháo gỡ các biện pháp giới hạn ở hầu hết mọi nơi trong nước, ngoại trừ Tokyo và Osaka.
“Nguồn tài chánh đến từ sự mua bán của người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19 vì mọi người đều phải ở trong nhà,” theo ông Oshikubo.
Ông Oshikubo cũng nói thêm rằng sự bất ổn do dịch bệnh cũng khiến các nhà đầu tư và các công ty giảm các chương trình chi tiêu của họ. (V.Giang) [qd]
No comments:
Post a Comment