Tháng Năm Về, Nhớ Tiếng Dương Cầm
Chuyện xảy ra năm tôi 13 tuổi. Là một câu chuyện cũ xưa, chỉ vài tháng thoáng qua cuộc đời, nhưng chẳng bao giờ xưa cũ trong ký ức của cô học trò nhỏ.
Đó là một buổi chiều, lớp tôi được nghỉ môn học giữa giờ vì cô giáo bịnh. Chúng tôi, ba đứa bạn thân và tôi, rủ nhau ra ngoài trường, tản bộ trên vỉa hè quen thuộc có hàng cây rợp mát. Đi dọc theo đường Bà Huyện Thanh Quan, ngắm những căn biệt thự nằm khuất bên trong khoảng sân rộng, bốn đứa chúng tôi hỏi nhau căn nhà nào đẹp, và thích căn nào. Đứa thích nhà trồng nhiều hoa. Đứa thích nhà có cửa sổ bốn phía, v..v... Bỗng dưng tôi nghe có tiếng dương cầm văng vẳng trong gió khi vừa đi qua. Tôi dừng chân trước một biệt thự cổ kính. Âm thanh phát ra từ trên lầu. Tôi ngắm kỹ ngôi nhà và thấy bức tường đá của nó được phủ kín bởi một loại dây leo có lá nhỏ tròn, bò ngộ nghĩnh. Bức tường cao quá nên tôi không thấy gì bên trong, chỉ nhìn qua song cửa sân. Lúc đó tôi sợ bị người ta bắt vì tội nhìn lén nên đứng xớ rớ một lát rồi đi.
Từ đó, mỗi lần được nghỉ học, tôi không bỏ lỡ cơ hội để đi qua và nhìn vào “ngôi nhà có tiếng dương cầm của tôi”. Giai điệu du dương thường đúng vào giờ những chiều lang thang, tôi hình dung ra một chị dáng mảnh mai với mái tóc dài xõa nghiêng bên bờ vai, những ngón tay thon đang lướt nhẹ trên phím đàn từng đoạn nhạc say đắm lòng người của Chopin, Mozart, ... Hình ảnh sao mà đẹp và thánh thiện quá!
Trên đường đi học, lũ học trò chúng tôi hay cạo nhựa của những thân cây to trồng hai bên lề, vo lại thành hình tròn như quả banh. Nó hơi thơm và tưng lên cao như trái banh nỉ tennis để chơi đánh đũa. Không biết từ lúc nào tôi tự nhiên cũng có thói quen ngồi bên kia đường đối diện căn nhà đó, vo trái banh nhựa cây nhỏ trong tay, ngắm bức tường phủ dây leo, và nghe đàn. Có khi Lan Hương Vũ, bạn tôi, cũng chịu ngồi chơi với tôi một lát rồi cùng đạp xe về nhà. Nó rất tế nhị, chẳng bao giờ hỏi tôi chuyện gì xảy ra.
Một ngày kia, tiếng đàn đang réo rắc bỗng nhiên dừng lại, tôi bất chợt nhìn qua đường thì thấy một “anh” đang đứng ở ban-công hướng mắt về phía chúng tôi. Tôi chăm chú ngó hắn. Lạ quá! Có lẽ nào tiếng đàn lâu nay là của hắn? Còn cái chị tóc dài xinh đẹp của tôi đâu rồi? Hay hắn là đứa em? Nhiều câu hỏi lòng vòng trong đầu khiến tôi cứ ngồi im lặng mà mắt vẫn không rời hắn. Cuối cùng, hắn bỏ vào nhà.
Bị bắt gặp tại trận, tôi mắc cỡ không dám đi qua đường Bà Huyện Thanh Quan nữa. Hơn một tuần sau, không dằn được sự tò mò, tôi trở lại con đường cũ và tự trấn an “chắc là tình cờ thôi”.
Từ xa, tôi đã thấy bóng hắn đứng trên ban-công. Định rẽ qua hướng khác, nhưng lại nghĩ “tại sao phải tránh, đường mình mình đi chứ, nếu hắn còn đó thì tôi sẽ đạp xe đi thẳng, có sao!” Quả nhiên, hắn vẫn đứng đó. Thế là tôi đạp xe đi thẳng, không ngó lên nhưng tôi biết hắn đang nhìn theo.
Lần khác cũng vậy, nhưng hơi lạ... hình như hắn đang vẫy tay chào tôi. Ngó qua ngó lại, chẳng có ai khác ngoài tôi trên đường, đúng là hắn ngoắc mình rồi. Hơi ngần ngại nhưng tôi cũng vòng xe lại, chống một chân bên lề đường trước nhà hắn, ngó lên. Hắn ra hiệu đứng đợi, rồi xuất hiện cùng một cô bé trạc tuổi tôi bên cổng sắt lớn. Hắn hỏi rất tự nhiên:
- Em muốn vào nhà không? Đây là em anh.
Thì ra dân “Bắc Kỳ rốn”. Tôi chưa kịp trả lời thì cô bé đã mở cổng và mời:
- Vào đi, chúng mình học cùng trường, bồ lớp mấy?
Tôi nói lớp đệ lục. Cô bé học trên tôi một lớp. Nhìn cô ta dễ thương, tôi cũng bớt e dè. Mời lịch sự vậy sao không vào, sợ gì. Cái nhà này tôi quá quen rồi, thuộc lòng số nhà, trong sân trồng cây gì, hoa gì, cả cây dây leo bờ tường ngoài kia nữa, tôi chẳng biết tên gì nhưng đã quên hình như nghe ai đó hay là tôi tự nghĩ ra cho nó cái tên ”cây thằn lằn”. Sau này nhớ lại tôi thấy mình quá “gan”, dám ngang nhiên vào nhà người lạ. Ờ, mà thật ra mẹ tôi cũng thường nói tôi là một đứa gan lì mà.
Chị giúp việc bưng chè và nước ra mời anh em hắn và tôi. Hắn nói “em ăn đi, tự nhiên nhé!”. Xời, cái kiểu hắn nói làm tôi mất tự nhiên thì có. Chơi với lũ bạn gái, tôi tha hồ la hét vô tư chẳng để ý để tứ, sao ngồi trong ngôi nhà này tôi lọng cọng, lúng túng đến vậy? Hắn bưng chén chè ăn trước. Tôi cũng làm bộ nhẹ nhàng cầm muỗng. Chè hột sen đường phèn thơm dịu, ăn một muỗng mát cả người. Ăn hết chè mà chẳng ai nói câu nào.
Nhắp ngụm nước, đôi mắt như biết cười nhìn tôi, hắn cất tiếng:
- Ngon không?
- Ngon.
Tôi trả lời cụt ngủn rồi tiếp tục im lặng, thầm mong nước da ngăm đen của mình không tố cáo khuôn mặt đang đỏ bừng vì ngượng.
Hắn thân thiện nói tiếp:
- Em gái anh cũng học buổi chiều, hôm nay được nghỉ.
Tôi nhìn cô bé, tự nhiên hơn:
- Ừ, nhà gần trường đi học sướng ha, chỉ cần đi bộ cũng không sợ trễ giờ.
- Bây giờ mình là bạn, rảnh đến nhà chơi. Anh tớ nói bồ hay ngồi bên kia, chờ mát mới về hả?
À, có chuyện này nữa. Giọng cô gái nhỏ nhẹ mà tôi nghe như lời buộc tội của quan tòa. Thì ra hắn theo dõi tôi chứ tôi đâu mắc tội dòm lén nhà hắn. Hừ! Lại còn dám kêu tôi là em. Chẳng qua hắn có em gái học hơn tôi thôi, còn khuôn mặt trắng trẻo thư sinh kia ai mà đoán tuổi hắn được. Nhưng phải công nhận hắn nghiêm trang, chững chạc hơn tôi nhiều. Tuy vậy, thời gian lâu sau tôi vẫn không gọi hắn bằng anh mà chỉ gọi tên xưng tui, giống như nói chuyện với lũ bạn gái của tôi vậy. Hắn thì khi em, lúc tên, và luôn xưng anh. Khoa ăn nói của tôi so với anh em hắn thật là quá tệ!
Quen hắn rồi, tôi không cần mất thì giờ ngồi chầu rìa bên đường nghe ké nhạc nữa. Hắn đàng hoàng mời tôi tới nhà nghe đàn vào mỗi chiều cuối tuần. Hắn luôn tự ra mở cổng và dẫn xe đạp tôi vào sân, vừa đi vừa hỏi han ân cần. Cử chỉ tự nhiên của hắn đủ làm lòng tôi rộn ràng sung sướng. Đôi khi tôi rủ em gái tôi đi theo, nhưng vài lần thì nó chán không thèm đi nữa. Nó nói “cái nhà gì buồn quá”, “mặt ông này lạnh lùng quá”, ... Nhận xét của nó làm tôi tức cười nhưng đâu cần để ý, theo tôi hắn chơi đàn tuyệt mà! Tôi không biết nhận xét hay dở ra sao, nhưng vì hắn có thể đàn cho tôi nghe bất cứ bản nhạc nào tôi yêu cầu nên tôi rất thích. Có hôm hắn hỏi tôi biết hát không. Tôi khoái chí muốn la lên vì được hỏi trúng tim đen mà trả lời rằng, không những tôi biết hát mà còn thích hát nữa, nhưng làm bộ thản nhiên “ờ, biết hát vài bài”.
Từ đó, ngoài việc được nghe hắn đàn, tôi còn hát cho hắn nghe. Ngồi bên cạnh, vừa hát vừa nhìn những ngón tay hắn gõ trên phím đàn, tôi quên hết thời gian. Hắn thích bài “When we were young”, cả lời việt “Khúc hát thanh xuân” và thường khen tôi hát bài này hay. Tôi cũng khen hắn chơi đàn giỏi. Hắn hứa sẽ xin phép bố mẹ cho hắn dạy tôi đàn khi mùa Hè tới.
- Thích không? Hắn mỉm cười hỏi tôi.
Còn phải hỏi, tôi nghe mừng muốn ôm hắn mà rối rít cám ơn, nhưng lại cứ ngồi trơ người như con ngốc.
Đến khi đã chơi thân với hắn, tôi không còn “giữ kẽ”, kể chuyện lũ bạn quỷ sứ trong lớp cho hắn nghe để cùng cười. Hắn khá hóm hỉnh nhưng mặt lúc nào cũng nghiêm trang. Chắc học sinh trường Taberd nên vẻ ngoài giống cha xứ? Tôi chỉ nghe nói bố hắn là công chức, mẹ ở nhà. Còn bạn bè và cuộc sống của hắn thì tôi không biết. Em gái hắn cuối tuần đi học múa ba-lê nên chúng tôi ít khi gặp nhau. Trong nhà này ngoài anh em hắn, tôi chỉ quen chị giúp việc. Kệ, tính tôi cũng không thích hỏi chuyện gì người ta không muốn kể...
Rồi một ngày cuối tuần đáng ghét, không đáng nhớ lại xảy ra. Như thường lệ, tôi đến nhà hắn chơi. Khi hắn và tôi định lên lầu nghe nhạc thì chị giúp việc xuất hiện:
- Bà bảo cậu tiếp bạn ở phòng khách, bà đang nghỉ.
Chuyện gì nữa đây? Tôi trố mắt nhìn hắn. Còn hắn thì ngạc nhiên nhìn người giúp việc rồi nhìn qua tôi. Mặt hắn dài ra, cặp mắt lộ vẻ buồn bực nhưng thái độ vẫn bình thản. Hắn xin lỗi tôi như thể sợ mất lòng một người bạn quý. Lẽ ra tôi đã đi về ngay lúc đó, nhưng nhìn vẻ đau khổ của hắn tôi không nỡ. Ngồi im lặng một lúc, tôi chào hắn để về. Hắn dắt xe tôi ra cổng, nhẹ nhàng:
- Em đừng giận nhé! Có lẽ hôm nay mẹ anh mệt. Tuần sau em đến chơi.
Không đâu, hắn có lỗi gì đâu mà tôi giận chứ? Còn tuần sau à, không đời nào! Tôi muốn nói một câu gì đó cho bớt căng thẳng nhưng chỉ đặt nhẹ bàn tay mình lên bàn tay hắn đang cầm ghi-đông, nhỏ giọng “về nghen”. Hắn trả xe cho tôi. Lên xe, tôi đạp một mạch không quay đầu lại. Tôi sợ con tim nhỏ bé này sẽ yếu mềm khi nhìn hắn, tưởng tượng hắn như một con chim bị nhốt trong lồng, dù là chiếc lồng đẹp nhất, muốn bay nhảy ngoài bầu trời xanh kia cũng không thể. Vài tháng trước, tôi từng mơ ước có được căn biệt thự đầy hoa, có chiếc dương cầm, có xe đưa đón như anh em hắn. Bây giờ trái lại, thà tôi cứ là con nhỏ mồ côi mà có một cuộc sống thong dong tự tại còn hơn.
Đó cũng là ngày cuối cùng tôi gặp hắn. Tôi thật sự rất tiếc và buồn vì phải chia tay một người bạn mới dễ mến như hắn. Hết nuôi mộng được học piano rồi tôi ơi! Những ngày sắp tới chắc là phải khó khăn lắm mình mới dằn lòng không đi qua đoạn đường này, không lui tới căn nhà này. Tôi nghĩ thầm, nhưng mười ba tuổi, tự ái con nít ghê lắm! Mẹ tôi rất nghiêm khắc nên tôi hay để ý những lời nói của người lớn. Tôi không muốn đến nhà hắn nữa. Chẳng cần giải thích, hắn sẽ thừa thông minh để hiểu. Ở trường, em gái hắn vẫn thường đến tìm tôi lúc giờ ra chơi, nói chuyện vui vẻ, và trước khi về lớp không quên nhắc “nhớ cuối tuần đến nhà tớ chơi nhé, anh tớ hỏi đấy!” Nhưng, tôi đã nói là không đời nào rồi, cũng không suy nghĩ nhiều về chuyện đã qua. Có phải lỗi tại tôi?
Chúng tôi không gặp lại nhau, có thể là xa nhau mãi mãi, nhưng vẫn còn tiếng dương cầm đọng lại trong bài hát kỷ niệm mỗi khi chợt nhớ về thời hoa mộng, và hắn.
“One day when we were young, that wonderful morning in May. You told me, you loved me, when we were young one day...”
Hồ Thị Kim Trâm
Virginia, May 2014
No comments:
Post a Comment