Sunday, May 24, 2020

Bầu Cử Tổng Thống Mỹ và ... Vợ Chồng Tôi

Vợ chồng tôi sinh sống tại Canada thì liên quan mắc mớ gì đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chớ. Nhưng chuyện gì cũng có lý do, tôi xin kể lại đây:

Đầu tiên nói về chồng tôi. Khoảng cuối năm 1977 cả dòng họ bà con cô bác nhà anh ấy rủ nhau đi vượt biện. Họ đóng hai con tàu, và may mắn chuyến vượt biên thành công, đến Malaysia. Hồi đó sớm lắm chưa có đảo Bidong, được tạm dung trong trại đất liền.

Cũng giống như hầu hết bà con trong trại thuở đó, gia đình anh dự tính đi Mỹ. Nhưng một buổi kia phái đoàn Canada vào trại, làm cả nhà bỗng thấy xao lòng như cô gái đứng trước hai chàng trai mình yêu mến chẳng biết chọn chàng nào.

Đại gia đình bèn mở cuộc họp… khẩn cấp để lấy ý kiến. Bà dì Hai có chồng từng là quận trưởng vùng Mỹ Tho, đang trong tù cải tạo thì chọn Canada, được đi ngay, sớm ngày nào hay ngày đó để ổn định cuộc sống và lo cho người trong tù, nhanh hơn là chờ phái đoàn Mỹ. Dì Hai tuy ý kiến thế mà vẫn luyến tiếc, thòng thêm một câu:

- Thôi thì Mỹ và Canada sát bên nhau. Có gì chạy qua chạy lại, mình vẫn...hưởng cả hai nơi.

Ông cậu Tư, vốn là sỹ quan Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, trốn cải tạo đang bị truy lùng thì mê đi Mỹ nhưng thấy bà chị nói thế, đành ngồi im.

Đến lượt bà dì Năm đưa ý kiến thẳng thừng (chắc bà nản lòng chờ đợi phái đoàn Mỹ):

- Đi Canada cũng tốt chớ sao? Canada có thua gì Mỹ!

Lúc này, đám trẻ con (trong đó có chồng tôi) mới nhao nhao lên:

- Xứ Mã Lai đạo Hồi không ăn thịt heo, hai tháng nay tụi con ăn gà và cá hộp ngán quá trời…

- Con thèm thịt heo kho tàu, ba chỉ ram mặn với tép…

- Con nhớ mắm ruốc xào thịt heo…

Thế là cả đại gia đình đồng ý đi Canada (hay nói đúng hơn là thoát khỏi trại tỵ nạn càng sớm càng tốt), rồi kéo nhau lên gặp phái đoàn Canada. Ông trưởng đoàn Canada đang “ế ẩm”, thấy đại gia đình này lên hỏi thăm, ổng mừng quá, đưa hết giấy tờ ra cho mọi người ký tên và cho bay thẳng đến thủ đô Ottawa trong vòng ba tuần lễ (hình như gần nửa máy bay là người của nhà chồng tôi).

Quả như suy nghĩ của mọi người, Canada là đất nước tư bản xinh đẹp, giàu có và cũng rất giàu lòng nhân đạo. Mấy chục năm trôi qua, thỉnh thoảng cũng có lúc có người tiếc nuối chuyện đi Mỹ khi liên lạc với mấy người ngày xưa chung trại nay ở bên Mỹ. Nhất là ông cậu phi công VNCH thì tiếc day tiếc dứt, mỗi lần bay qua Nam California hội họp với nhóm cựu Pilot “đi gió về mây” về là ổng than trời than đất với đám con, cháu:

- Phải chi hồi đó tụi bay nghe tao ráng chờ phái đoàn Mỹ là giờ đang ở Cali nắng ấm, đâu chịu cái tuyết lạnh rét mướt của Canada, mà tao cũng đỡ mất công mỗi năm mua vé bay qua đây dự Đại Hội Không Quân!

Mấy bà dì thì viên mãn với đời sống của xứ lạnh tình nồng, tuy hơi lạnh chút nhưng hài lòng với hệ thống y tế toàn dân mà bao người trên thế giới này mơ ước. Vậy mà đôi khi các bà cũng “lung lay” (đúng là phụ nữ yếu lòng) mỗi khi đi du ngoạn các thắng cảnh bên Mỹ, nào Los Angeles, nào Houston, nào Florida, nào Las Vegas, mới nhận ra là Canada quá lạnh! 

Riêng chồng tôi còn có một nỗi “tiếc nhớ ngậm ngùi” không bao giờ quên. Học xong bốn năm Đại Học về Bio-Chemistry, rồi thi MCAT, anh nộp đơn vào vài trường Medicine của Canada và một trường bên New York, Mỹ (để nâng cao khả năng được nhận vào học, đỡ mất thời gian apply lại lần sau). Kết quả là, các trường bên Canada đều từ chối, mà riêng trường bên New York đã gửi thư accepted và welcome chàng sinh viên Canada gốc Việt. 

Lúc đó, mẹ chồng tôi đang lu bu hoàn cảnh “mẹ goá với ba đứa con côi” (ông xã tôi là con trai lớn). Bà lại vừa dốc hết tiền bạc, công sức để mua một căn nhà và sang một tiệm tạp hoá. Gánh nặng kinh tế của việc trả tiền nhà, tiền tiệm, làm cho bà thấy lo sợ với số tiền “student loan” nếu qua Mỹ học theo diện international student sẽ nhiều gấp mấy lần số tiền của sinh viên trong nước Mỹ. Thế là bà “bàn ra”, khuyên anh ấy năm sau cố gắng nộp lại các trường bên Canada, và để chắc ăn hơn, nộp thêm các ngành dễ hơn là Nha, Dược, Y Tá. Chồng tôi cũng thấy hợp lý, vì cả gia đình họ hàng ở đây, nếu qua Mỹ một mình sẽ cô đơn, và không thể cùng gánh vác chuyện nhà, phụ trông coi tiệm tạp hoá với mẹ và các em. Vì vậy, anh vào học Pharmacy tại Canada.

Từ bài học “đau thương” của chồng tôi, sau này các bà dì ông cậu cũng rút kinh nghiệm và "gỡ gạc" được phần nào. Bà dì Năm cho con gái qua Mỹ học và ở lại, đang hành nghề nha sĩ tại Buffalo, New York. Ông cậu Tư cũng có con trai cả làm kỹ sư điện tử ở thung lũng silicon, San Francisco. Bà dì Hai thì…nhanh gọn hơn, gả cô con út cho người bên Mỹ, hiện sống ở Texas.

Đó là chuyện của chồng tôi. Còn chuyện của tôi thì đúng là “Mới hay trăm sự tại trời- Trời kia đã bắt làm người…Canada”! 

Trong khi tôi đang ở trại tỵ nạn Thailand bốn năm trời, thì cả gia đình, bố và các anh chị em của tôi đều lần lượt đi định cư bên Mỹ, chẳng còn ai bên Việt Nam. Tôi cũng chắc ăn như bắp là sẽ qua Mỹ (chớ đi đâu?). Mà có ngờ đâu, giai đoạn đó, các trại tỵ nạn Đông Nam Á chuẩn bị xoá sổ, hàng ngàn thuyền nhân (đậu thanh lọc) ứ đọng, hàng ngàn người khác bị cưỡng bách hồi hương. Tôi may mắn đậu thanh lọc, nhưng khi gặp phái đoàn Mỹ, tôi bị từ chối vì họ ưu tiên cho những người “nặng ký” hơn như cựu quân nhân VNCH, cựu tù nhân chính trị …

Gia đình tôi bên Mỹ nghe tin, hốt hoảng sợ tôi bị trả về Việt Nam bèn khuyên tôi xin đi Canada vì dù sao cũng là hàng xóm, là đồng minh, là bạn bè thân tình của Mỹ. 

Nghe lời gia đình, tôi bất đắc dĩ đến gặp phái đoàn Canada. Vừa bước vào văn phòng, tôi chạnh lòng tủi thân không cầm được nước mắt, khóc sướt mướt vì biết quyết định này là tôi đã từ bỏ cơ hội đi Mỹ và không được sống gần những người thân của mình. Ông trưởng phái đoàn Canada thấy tôi khóc nức nở, bèn cảm động bối rối dù chẳng hiểu sự tình gì, vội vàng chấp nhận tôi mà không cần phỏng vấn.

Khi tôi qua đến Canada thì chưa đầy năm sau, phái đoàn Mỹ gọi lên nhận hết các trường hợp ở trại đã bị từ chối, làm tôi tiếc hùi hụi. Tôi không có số đi Mỹ.

Nhưng tôi chẳng có điều gì phàn nàn về quê hương Canada của tôi. Đây cũng là xứ tư bản tự do, dân chủ, đất rộng người thưa, tài nguyên phong phú. Còn cái lạnh hả, nói thiệt, “lâu rồi đời mình cũng quen”. Mùa đông lạnh chỉ có…bốn tháng chớ nhiêu, mà lạnh tái tê chỉ trong vòng hai tháng, còn lại thì khi trời tuyết rơi, những bông tuyết mềm mại, nếu chịu khó mặc đồ ấm, lang thang dưới phố, vào starbucks lấy ly café nóng hổi cũng…lãng mạn và nên thơ lắm đấy! (Vậy chớ hồi xưa còn ở Việt Nam, có ai mà không mê mẩn ngắm nhìn những tấm thiệp Noel, có những căn nhà phủ đầy tuyết trắng xoá, bên cây thông lấp lánh đèn xanh đỏ, mà không mơ ước được đến đó!? )

Mà suy cho cùng, đâu phải riêng Canada mới có tuyết. Bên xứ Châu Âu, hoặc ngay cả vùng đông bắc nước Mỹ, có những mùa đông bão tuyết hà rầm, thì có gì là ghê gớm. Tóm lại, lý do duy nhất để tôi luyến lưu nước Mỹ chính là vì tình máu mủ gia đình.

Vậy đó! Hai vợ chồng tôi lấy nhau, ý hợp tâm đầu nhất, là cả hai đã từng có “mối tình tương tư” với xứ Cờ Hoa. Mà “tình lỡ” bao giờ cũng đẹp và nhớ hoài. Đôi lần gia đình chúng tôi đến chơi thành phố New York, chồng tôi vừa ngắm cảnh vừa xao xuyến bồi hồi nhớ lại “ước mơ dở dang” thuở sinh viên ngày nào. Còn tôi, những nơi vợ chồng con cái đã đi qua trên xứ Mỹ: từ California, Texas, Louisiana, Oklahoma, Kentucky, Tennessee, Pennsylvania, Arkansas, Nevada, Washington, Ohio…tôi đều thấy thân thương lạ kỳ. Đơn giản vì đó là quê hương thứ hai của anh chị em tôi và...suýt nữa là của tôi.

Chồng tôi qua đây khi mười ba tuổi, anh thích chơi golf, tennis, ski, xem thể thao môn bóng chày (football) và hockey. Các chương trình thể thao đó, các nơi tổ chức các sự kiện thể thao đó, hầu hết là ở bên Mỹ và các đài truyền hình Mỹ tường thuật (ngoại trừ hockey và thỉnh thoảng bốn năm một lần là Worldcup và Euro thì còn xem đài Canada).

Còn nữa, chúng tôi cũng thích xem phim. Mà thử hỏi, nơi nào trên thế giới làm phim qua mặt được Hollywood? Các ca si, tài tử người Canada cũng rủ nhau dọn qua Mỹ (đất lành chim đậu) đầy cơ hội chào đón, để tiến thân trên con đường nghệ thuật thênh thang. Này tài tử màn bạc Ryan Reynolds, danh hài Jim Carrey, đạo diễn James Cameron nổi tiếng với bộ phim Titanic, tài tử nhân hậu Keanu Reeves, ca sỹ lừng danh Celine Dion, Justin Bieber…cũng đều từ Canada cả đấy, nên chúng tôi xem phim Mỹ cũng là chuyện thường tình. Thử hỏi, các movies, sitcoms, comedy, soap opera có nơi đâu phong phú và được khán giả khắp nơi trên thế giới tìm xem hơn, nếu không sản xuất từ Mỹ?

Chưa hết, ngay cả tin tức (news), sau khi nghe tin tức từ truyền thông Canada xong, không bao giờ chồng tôi bỏ qua các đai truyền hình Mỹ như CNN, Fox News để biết tin tức của toàn thế giới có gì nổi bật và xem nước Mỹ ra sao, có những động thái gì, vì sức ảnh hưởng của Mỹ bao trùm cả quả đất này.

Khi đại dịch Covid bất ngờ ập đến làm đảo lộn cả thế giới, anh càng siêng mở đài Mỹ để nghe tin. Anh nói:

- Cái đáng lo bây giờ là mùa dịch có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ không kìa?!

Nghe vậy, tôi bỗng...đâm lo. Nói tới Tổng Thống Mỹ, tôi lại nhớ đến những mối thiện cảm của mình với một vài vị trong những hoàn cảnh của cuộc đời mang đến.

Đầu tiên, từ khi còn trẻ bên Việt Nam, lúc đi học Tiếng Anh và đọc sách báo, tôi đã cảm mến vị Tổng Thống đào hoa, trẻ tuổi và đẹp trai nhất của nước Mỹ, đó là John F. Kennedy. Vợ đẹp, con xinh, sự nghiệp lẫy lừng nhưng cuộc đời vắn số khi bị ám sát gây bao tiếc thương cho toàn thế giới lúc bấy giờ. (Đến bây giờ, tôi càng cảm thương hơn dòng họ Kennedy khi có những người chết thảm như một lời nguyền giáng xuống gia tộc này).

Thời gian tôi ở trại tỵ nạn Thailand, từ cuối năm 1989 đến cuối năm 1993, đúng vào nhiệm kỳ của Tổng Thống George Bush (sau này gọi là Bush Cha). Vì chúng tôi đến trại sau ngày đóng cửa, khả năng đi định cư nước thứ ba rất mong manh và nguy cơ bị trả về Việt Nam rất cao, nên mỗi năm một vài lần, trong trại lại có phong trào viết thư cho Đức Vua Thái (chủ nhà trại tỵ nạn) và TT Bush Cha để cầu cứu ân huệ. (còn tại sao không viết thư cho các thủ lĩnh các quốc gia khác, mà phải là TT Mỹ thì chắc ai cũng biết rồi).

Chẳng nhớ bao nhiêu lần ở trại, tôi nằm dài dưới sàn nhà, nắn nót lá thư (có mẫu sẵn do ai đó trong trại viết bằng Tiếng Anh) cho TT Bush, riết thuộc luôn cả cái tên dài dòng của Tổng Thống: George H. W. Bush. 

Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết về cuộc bầu cử TT Mỹ. Mỗi sáng đến văn phòng Cao Uỷ Tỵ Nạn làm việc, tôi hay đọc báo Bangkok Post để vừa trau dồi Tiếng Anh vừa xem tin tức Thailand cũng như thế giới. Lúc ấy, những hình ảnh về cuộc bầu cử bên Mỹ làm tôi chú ý, bởi cái tên George HW Bush đã quá quen thuộc, nay lại nhìn được dung nhan dễ mến (chắc tại viết thư cầu cứu nhiều quá nên …yêu luôn cái tên Bush), thành ra khi nhìn chân dung đối thủ chính trị chạy đua vào Nhà Trắng của TT Bush lúc bấy giờ là “ngôi sao đang lên” Bill Clinton tôi bỗng automatic…hổng chịu! Lúc ấy, những tin tức về những lần campaign, debate của hai ứng cử viên cũng chỉ được tờ Bangkok Post sơ lược qua, tôi cũng chẳng rành rẽ gì, nhưng trong lòng vẫn chỉ biết ủng hộ George HW Bush và chỉ…Bush mà thôi!

Đến ngày bầu cử, nhóm nhân viên chúng tôi cùng ngồi nghe tường thuật lại trên đài VOA tối hôm ấy. Để thêm hào hứng, chúng tôi chia phe cá độ. Nhóm nhân viên người Thái chọn Bill Clinton vì họ biết chúng tôi (dân tỵ nạn) đã quen với cái tên Bush. Khi đài báo tin TT Bush không được tái đắc cử nhiệm kỳ hai (vì Clinton đã thắng), chẳng ai bảo ai, cả đám Việt tỵ nạn xìu như bánh bao chiều, uống hết hai thùng bia chung độ, cùng nhau…giải sầu!

Khi tôi đến định cư Canada, lập gia đình, tôi lại cùng chồng theo dõi liên tiếp các cuộc bầu cử Tổng Thống: Bill Clinton, Bush Con, Barack Obama và Donald Trump.

Có cô bạn thân hay hỏi:

- Vợ chồng nhà ngươi là công dân Canada, mắc mớ gì mà khoái xem bầu cử Tổng Thống bên Mẽo vậy?

Hổng lẽ tôi phải kể lể dài dòng như từ đầu bài viết này, nên tôi trả lời gọn lỏn mà cũng chính xác:

- Tại bầu cử bên Mỹ rộn ràng, cả thế giới đều chú ý, chớ không riêng gì vợ chồng tao. Còn bầu cử bên Canada mình lặng lẽ quá, buồn thiu hà!

Quả vậy, tuy là người láng giềng thân thiết, sát vách của Hoa Kỳ, nhưng chuyện “chính trị chính em” của Canada chưa bao giờ nổi đình đám và đầy uy lực như anh bạn “hàng xóm”. Có thể ví vị thế của hai nước trên chính trường thế giới là hai sự đối lập rõ ràng. Mỹ là anh chàng cao to, hào hiệp, xông xáo, đi tung hoành khắp nơi làm “người hùng”. Bởi thế, mọi động thái của nước Mỹ, dù chỉ là “hắt xì, ho hen”, hay “nhức đầu sổ mũi” đều được quan tâm, nhất là mỗi kỳ bầu Tổng Thống Mỹ.

Ngược lại, Canada như cô em gái miền quê “dịu dàng, nhu mì”. Dù cũng là nước tư bản giàu có, nhưng vốn bản tính khiêm nhường, ôn hoà (hay tại ở sát bên “ông anh” quá ư năng động giỏi giang), nên ngay cả chuyện bầu cử quan trọng, nếu không để ý, chắc chắn nhiều người vẫn chưa biết.

Khác với xứ Cờ Hoa, là trong cuộc bầu cử Liên Bang, cử tri đi bầu không phải chọn tên người Thủ Tướng, mà chỉ chọn tên người đại diện cho Đảng nào đó nơi vùng mình ở, rồi sau khi tổng kết lại, Đảng nào thắng nhiều phiếu bầu trên toàn quốc thì người Leader của Đảng đó sẽ đương nhiên trở thành Thủ Tướng của Canada. Bởi vậy, bầu cử Canada không hồi hộp và kịch tính như bên Mỹ.

Dẫu muốn dẫu không, một sự thật không thể chối cãi, là thủ tướng Canada có là ai đi chăng nữa cũng không làm thay đổi tình hình thế giới, nhưng người đứng đầu Nhà Trắng của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ luôn luôn là một sự kiện đặc biệt của cả hành tinh. 

Bởi thế, mỗi lần qua Texas thăm anh chị em bên đó, tôi thường bị hỏi nửa đùa nửa thật, “Thủ Tướng Canada tên gì vậy ta?”, nghe mà...tự ái cao ngất trời luôn á, trong khi tôi có thể kể tên các đời Tổng Thống gần đây của Mỹ, chưa kể đã mấy lần tôi đến Dallas xếp hàng vào Kennedy Museum để ngắm nghía và xem lại những điều đã…thuộc lòng về vị Tổng Thống tài hoa bạc mệnh.

Cũng may Thủ Tướng Canada hiện nay là chàng Justin Trudeau luôn được giới truyền thông ưu ái nhắc đến vì tuổi trẻ và…đẹp trai nên thiên hạ nhớ tên nhớ mặt.

Cô bạn hỏi tiếp:

- Vậy chớ, vợ chồng mày kỳ này ủng hộ Đảng nào,"bầu" cho Trump hay Biden?

Ái chà! Câu hỏi đầy tế nhị, đố ai dám trả lời, bởi hai lãnh vực dễ làm người ta xa nhau, thậm chí goánh nhau bể đầu sứt trán, là tôn giáo và chính trị. Nói nào xa, ngay trong đại gia đình tôi bên Mỹ, mỗi mùa bầu cử đến, đâu phải lúc nào cũng “muôn người một ý”. Kẻ thích ứng cử viên này, người chịu ứng cử viên khác, huống hồ tôi là người ngoài cuộc thì xía vào làm gì cho thêm phần…náo loạn? Cho nên, tôi đáp lời cô bạn theo kiểu “huề vốn”, “lửng lơ con cá vàng”:

- Mình là dân Canada, coi bầu cử Mỹ cho dzui, giống như mỗi lần coi World Cup cũng chọn một đội bóng yêu thích để ủng hộ cho thêm phần hào hứng và gây cấn, thì bầu cử Mỹ cũng vậy thôi. Tuy nhiên, World Cup chỉ là giải trí thể thao, còn bầu cử là chuyện nghiêm túc, tụi mình cũng nghe ngóng, xem xét, rồi mới chọn ứng cử viên, dù chẳng được qua Mỹ để bỏ phiếu! Còn bà hỏi tui chọn Trump hay Biden hở, ngu sao nói!

Gì chứ cô bạn này rành vợ chồng tôi lắm. Cứ đến mùa bầu cử Mỹ, ngày thứ ba đầu tiên của tháng Mười Một, là ngày nhà tôi “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Ông xã tôi là boss của tiệm Shoppers Drug Mart, là người xếp schedule cho staffs nên ổng tự động âm thầm ghi cho ổng “ngày quan trọng” được off ở nhà, khỏi phải đi làm. Còn tôi, từ vài tháng trước, đã book sẵn vào lịch xin nghỉ “ngày đó” với lý do “bận việc nhà”. May mắn cho tôi, anh chàng supervisor của tôi không biết tiếng Việt, chứ nếu hắn đọc bài viết này, biết được “việc nhà” của tôi là gì, chắc hắn sẽ nổi cơn điên!

Đến ngày “trọng đại”, từ sáng hai vợ chồng tôi thức dậy, vừa uống café ăn breakfast vừa xem tivi, những tiểu bang đầu tiên nào đã mở cửa phòng phiếu, nghe bình luận của các đài.

Sau đó, chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, đưa đón con cái lai rai cho đến xong bữa cơm chiều, cũng là giai đoạn bắt đầu kiểm phiếu. Chúng tôi chuẩn bị sẵn trà, nước, bánh ngọt nhâm nhi. Càng về tối, tình hình càng căng thẳng, là có ngay Pizza được delivery tận cửa để chúng tôi ăn…tiếp sức, vì chúng tôi kiên quyết ngồi xem cho đến phút chót, khi kết quả rõ ràng, chờ người thua cuộc phát biểu, rồi chờ luôn người thắng cuộc xuất hiện mới đi ngủ. Lần bầu cử năm 2016, bà Hillary Clinton quá “sốc” khi bị đối thủ Donald Trump hạ đo ván một cách ngoạn mục bất ngờ, nên bà ấy không thể ra mặt có “đôi lời tâm tình” với supporters đảng Dân Chủ mà hẹn qua sáng hôm sau. Báo hại hai vợ chồng tôi, sau khi xem xong phần Donald Trump tuyên bố chiến thắng cũng đã quá 1-2 giờ khuya, mà khi lên giường ngủ vẫn chập chờn giấc mộng mị không yên, vì phải canh chừng 4-5 giờ sáng bật dậy, kẻo lỡ phần nghe bà Hillary chấp nhận…chịu thua!

Bình thường thì giờ này chính trường Mỹ đang chộn rộn với những buổi campaign, debate, nhưng vì đại dịch Covid ập đến, xáo trộn mọi nơi, nhất là nước Mỹ hứng chịu số ca nhiễm cao nhất thế giới. Khi tôi viết những dòng này thì đang có tranh cãi có nên cho cử tri đi bầu bằng mail hay không, và đảng Dân Chủ cũng đã quyết định dời ngày đại hội đề cử Joe Biden chính thức chạy đua vào Nhà Trắng cho đến tháng tám (thay vì tháng sáu năm nay).

Mong rằng tới lúc ấy, con Wuhan virus, hay còn gọi là Cúm Tàu, sẽ bị “under control”, và hai Presidential Candidates còn kịp thời gian cho những cuộc vận động cuối cùng, để ngày Tuesday November 3 vẫn diễn ra bình thường. 

Dầu sao, vợ chồng tôi cũng đã lên chương trình xin nghỉ phép vào ngày ấy vì…“bận việc nhà”!

Edmonton 12. 5. 2020

KIM LOAN

No comments:

Blog Archive