Bác sĩ ơi! Tôi bị…
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh
Dưới đây là một số vấn đề mà bệnh nhân thường hay hỏi các bác sĩ gia đình, nhưng cũng hay hỏi “Bác sĩ ơi…”:
Tôi bị bệnh tiểu đường, hay bị tê ngón tay và bàn tay, có nên lo ngại hay không?
Tình trạng mất cảm giác ở đầu ngón chân và ngón tay là triệu chứng báo hiệu sự thoái hoá của hệ thần kinh ngoại biên. Có nghĩa là, đường dây dẫn tín hiệu từ não qua cột tuỷ sống cho đến tận đầu ngón tay và ngón chân không còn hữu hiệu nữa.
Trên 25% người bị bệnh tiểu đường, có triệu chứng thoái hoá nầy. Thường thường, ngón chân và bàn chân bị ảnh hưởng nhiều hơn là ngón tay.
Sự khiếm khuyết của việc truyền dẫn tín hiệu qua dây thần kinh xảy ra cho người bị bệnh tiểu đường, nhất là khi vừa có bệnh nghiện rượu. Lượng đường trong máu cao, đi đôi với rượu làm hư hại lớp mỡ bao bọc chung quanh dây thần kinh. Đại loại như lớp vỏ ngoài của mạch điện. Đường làm hư, nghẽn mạch máu nuôi dây thần kinh, còn rượu làm cho lớp vỏ bọc dây thần kinh bị mỏng đi, hoặc lủng lỗ.
Những yếu tố ảnh hưởng khác gồm có: trên cân, cao huyết áp, và hút thuốc lá vì chúng làm giảm sự lưu thông của mạch máu nhỏ.
Để giảm nguy cơ, lượng đường trong máu phải được kiểm soát thật kỹ. Có thể phải xem kỹ lại chế độ ăn uống, nhưng cần quan tâm đến lượng HbA1C, đo lường mức độ hồng huyết cầu bị “ngâm” trong đường.
Lượng HbA1C trong khoảng 4 tới 5.6 được kể là bình thường, và trên 6.5 thì không tốt.
Nói chung cho những ai bị tiểu đường, nên cẩn thận, vì một khi sự hủy hoại của dây thần kinh đã xảy ra thì không thể cứu chữa được. Đây cũng là một lý do hàng đầu đẫn đến việc cưa cắt ngón chân hay bàn chân trong những người bị tiểu đường.
Tôi bị cảm nặng, đã khoẻ, không còn sốt, nhưng sau đó hay bị yếu, và ngộp thở thường xuyên?
Sau khi bị bệnh cho dù chỉ cảm cúm, 60% bệnh nhân cao tuổi, nhất là phụ nữ, trái tim có thể bị hư hại.
Bắp thịt của tim có thể bị nhão ra và yếu đi sau khi bị cúm, khiến cho tim không đủ khả năng bơm máu lưu thông, gây nên triệu chứng ngộp thở. Các dấu hiệu khác đi kèm gồm có, huyết áp tăng cao, nhịp tim đập nhanh hơn bình thường. Các triệu chứng nầy thường bị bỏ qua bởi bệnh nhân và ngay cả bác sĩ. Khoảng 20% trường hợp, kéo dài trên một năm mà không được chẩn bệnh.
Trái tim bị viêm, thương tổn, gọi là myocarditis, là do vị nhiễm vi trùng, vi khuẩn, hay nấm độc đến từ cảm cúm, và cả bệnh đau bao tử và đường ruột. Viêm trái tim xảy ra khi hệ thống đề kháng của cơ thể tìm cách chống lại vi trùng nhưng “vô tình” phá hại luôn bắp thịt tim. Nếu không được phát hiện kịp thời, viêm xoang bắp thịt tim có thể làm hư hại bắp thịt tim, gọi là cardiomyopathy. Một khi suy tim đã hình thành, tỷ lệ tử vong là 33% trong vòng một năm.
Sau khi bị cúm, triệu chứng mệt mỏi kéo dài thường hay bị bỏ qua, nhưng nếu được chẩn bệnh và điều trị sớm sẽ giảm bớt nguy cơ bị suy tim về lâu về dài. Cụ thể, các dấu hiệu cần để ý gồm có: tức ngực, khó thở, tim đập nhanh, và mệt mỏi. Các dấu hiệu nầy cũng là dấu hiệu của cảm cúm, nhưng nếu kéo dài nhiều tuần, và đi kèm với chân tay bị sưng phù thủng, cho dù đang nằm xuống, là điều quan tâm.
Xin cho biết về hiệu nghiệm của việc chữa trị với tế bào gốc?
Hiện nay ở Mỹ, có rất nhiều phòng khám quảng cáo và tính tiền khá cao cho việc chữa trị bằng tế bào gốc, với khả năng chữa trị bá bệnh.
Hầu hết những tế bào gốc được dùng hiện nay nếu được cấy từ máu của cuống nhau (umbilical cod blood), và không ai biết được hiệu quả, hay hậu quả của việc “chữa trị” bằng cách truyền tế bào máu còn non nầy vào cơ thể.
Một số thí dụ khác, được quảng cáo, tuy không có bằng chứng lâm sàng gồm có: chữa trị bệnh tự kỷ bằng cách rút tủy xương của trẻ em và tiêm vào trong cột sống hay tĩnh mạch của đương sự. Hoặc, chữa trị bệnh thoái hoá khớp xương bằng cách hút tủy xương hay tế bào mỡ rồi tiêm vào trong khớp xương. Chưa kể đến nhiều chữa trị khác đưa đến hậu quả tai hại như thay vì chữa bệnh yếu võng mạc, lại làm cho mù luôn con mắt.
Sự thật, nhiều chuyên gia, bác sĩ trong giới y khoa đang cảnh báo về các phương pháp “chữa trị” nầy có thể dẫn đến nhiều sự nguy hiểm không lường. Cơ quan FDA cũng không công nhận việc rút tế bào gốc và cấy ghép vì, trên nguyên tắc, một tế bào được rút ra khỏi cơ thể, trước khi truyền lại, cho dù, chính đương sự, phải được bảo kiểm nghiêm ngặt vì nhiễm trùng có thể xảy ra. Ví dụ như truyền máu hay cấy ghép phôi thai chẳng hạn.
Cụm từ “tế bào gốc” thật ra rất là rộng, vì có nhiều loại tế bào gốc, và nhiều “đẳng cấp” tế bào gốc khác nhau. Các loại tế bào gốc nầy đến từ khắp nơi trong cơ thể, từ bắp thịt, cho đến tế bào thần kinh, được cơ thể dùng để bảo trì cơ phận. Có nghĩa là, loại tế bào gốc nào thì dùng cho cơ phận đó, và tốt nhất là cho chính người đó.
Cho đến nay, tế bào gốc chỉ được công nhận để chữa trị các bệnh về máu, như hoại huyết, ung thư máu. Một đôi khi dùng để ghép da khi bị phỏng nặng, hay chữa trị bệnh về con ngươi, phía ngoài tròng mắt. Cho dù có một số bằng chứng sơ khởi, tế bào gốc có thể chữa trị một số bệnh thoái vị thần kinh, nhưng các phương pháp nầy vẫn còn trong tình trạng thí nghiệm.
Một lần nữa, chỉ còn trong vòng thí nghiệm. “Từ đây đến đó” hãy còn xa vời lắm!
BS.Hồ Ngọc Minh
No comments:
Post a Comment