Wednesday, February 12, 2020

Chuyện Phim Buồn


Cứ gần giáp năm thì trong bụng buồn buồn, nhất là nửa đêm ngủ hổng được mà nghe gió rít từng cơn càng não nuột, những ngày lễ lạc chộn rộn như vầy tôi thường nằm nhà loay hoay với nỗi buồn không tên của mình, coi phim hay đọc sách để quên buồn. 

Image result for hamburger hill movie
Tình cờ thấy bộ phim với tựa đề “Hamburger Hill” do Mỹ sản xuất năm 1987 của đạo diễn John Irvin liên quan tới chiến tranh Việt Nam, tôi tò mò bấm vào coi, phim ngắn thôi nhưng đã làm tôi nín thở theo dõi cuộc chiến đấu quyết liệt của quân đội Mỹ, trong một trận đánh trên ngọn đồi 937 gần biên giới Việt Lào năm 1969. 

Thời chiến tranh tôi còn vô tâm quá với lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới, nhưng sau khi tàn cuộc chiến thấy có nhiều điều trái tai gai mắt trong chế độ mới, khiến tôi quan tâm đến xã hội, sự dấn thân có lẽ bắt đầu từ giai đoạn cả nước ăn khoai sắn thay cơm, rồi miền Nam của tôi trãi qua bao biến động dưới bàn tay phù thủy tàn độc của cái gọi là XHCN, trả giá cho việc ăn cơm quốc gia mà không chịu thờ ma CS là những năm tháng tù đày, tôi không phàn nàn về cuộc chơi “nhất chín nhì bù” của mình, coi như một tai nạn xảy đến cho gia đình mà kết cuộc khá bi thảm, một người chết hai người bị thương nặng...

Sau này tôi lại chú ý đến những câu chuyện thời sự hơn là coi phim bộ như thói thường của mấy người già mới qua Mỹ, nên sách vở, phim ảnh hay bất cứ cái gì liên quan tới Việt Nam thì tôi ghé mắt vào, như phim tài liệu Việt Nam Việt Nam của Charlton Heston với những thước phim có giá trị trung thực về cuộc thảm sát ở Huế năm 68 , dĩ nhiên là nó khác với cách nhìn thiên kiến của phim The Viet Nam War của Ken Burns và Lynn Novick nghiêng về chiến công của phe CS và phong trào phản chiến ở Mỹ bùng nổ trong giai đoạn đó, mà không ghi nhận sự chiến đấu anh dũng để bảo vệ miền Nam của quân đội VNCH, bộ phim đã gây nhiều tranh cải và tôi không muốn nhắc lại.

Nhưng thời may có ông đạo diễn Fred Koster, (người đã làm phim Ride The Thunder )thấy bộ phim The VietNam War không công bằng nên ông và một nhóm thân hữu nhất định làm bộ phim The VietNam War though our eyes để trả lại sự thật cho lịch sử, trả lại danh dự cho người lính VNCH bởi họ đã chiến đấu vì chính nghĩa của miền Nam VN, bộ phim đang được thực hiện và hy vọng chúng ta sẽ được xem trong thời gian gần đây.

Tôi tin vào phim ảnh dựa trên những tình tiết có thật nói lên sự tàn khốc của chiến tranh đẫm máu, nhưng bên cạnh đó còn có bàn tay phù thủy của đạo diễn để dẫn dắt khán giả theo cái nhìn khác mà họ muốn, nhưng với phim ảnh của các nước XHCN thì không tin nổi vì sự giả tạo và tuyên truyền trơ trẻn lố bịch, xạo hết chỗ nói là vậy.

Xem những bộ phim liên quan tới chiến tranh VN, nhìn chung những gương mặt người lính Mỹ thời đó còn rất trẻ như hầu hết các chiến binh trong quân đội của cả hai miền Nam Bắc Việt Nam, dù cuộc chiến đấu dưới bất cứ danh nghĩa nào thì cũng đồng nghĩa với sự hy sinh tuổi trẻ của mình vào nơi lửa đạn chết chóc. Hơn 58.000 lính Mỹ đã chết tại ViệtNam. Tôi tin người Mỹ tham gia chiến đấu vì một thế giới tự do, tôi xúc động mỗi lần nghĩ tới họ và kinh tởm khi nghe phía Cộng Sản gọi họ là “đế quốc Mỹ xâm lược”, khi sự thật lúc CS cưỡng chiếm miền Nam năm 1975, giang sơn lãnh thổ thời đó vẫn còn nguyên vẹn nhưng sau 45 năm cầm quyền thì bọn chúng đã bầm nát đất nước và ngày nay lại âm mưu dâng quê cha đất tổ cho kẻ thù Trung Cộng. Thật đau đớn và căm hận biết bao nhiêu.

Bộ phim làm tôi bần thần nhớ về quá khứ, về những câu chuyện đáng buồn đã qua, về những mất mát không thể nào nguôi ngoai trong ký ức một thời tang tóc. Cuộc chiến đã qua đi lâu rồi nhưng mùi khói súng vẫn khen khét ngập ngụa trong cuộc sống mỗi ngày mà người dân ViệtNam đang phải chịu đựng trong sự phẩn uất, mùi tanh tưởi của bạo quyền trấn áp những kẻ bất đồng chính kiến, mùi tiền và mùi máu của tập đoàn tham nhũng ăn trên xác của đồng loại khốn khổ. Chủ nghĩa Cộng Sản là đại họa của dân tộc, thế giới đã quá mệt mỏi với tên đồ tể gian ác này, các cường quốc đã và đang cố gắng để tiêu diệt nó, nhưng tiếc thay đất nước mình lại dung chứa cái thứ rác rưởi bốc mùi này suốt mấy chục năm qua, sự cam chịu nhẫn nhục cho đến khi nào đây?

Chúng tôi, những người ty nạn CS đang sống yên ấm ở xứ người, được hưởng sự Tự Do và bình đẳng như người dân bản xứ nhưng từ trong sâu thẳm của trái tim mình vẫn luôn hướng về quê Mẹ với bao xót xa uất nghẹn, vết thương của người thua cuộc vẫn còn đau âm ỉ trong lòng mỗi khi nhớ về ngày tang tóc của đất nước.

Có lần tôi dự một buổi hội ngộ của cựu tù nhân trại Vĩnh Phú, xúc động bồi hồi khi nghe các anh nhắc lại những năm tháng kinh hoàng, gian khổ đói lạnh bệnh tật trong nhà giam lớn nhất trên núi rừng Việt Bắc, chuyện những người vợ người mẹ chịu thương chịu khó vượt suối băng đèo lặn lội thăm nuôi chồng con ròng rã mỏi mòn năm này qua năm khác, để rồi có một ngày nghe tin anh ấy mãi mãi không về..Còn nỗi đau nào kinh khủng hơn thế nữa? Giọng anh bạn tôi như nghẹn lại khi nhắc về toa tàu đầy phân bò tanh hôi mà họ đã nhốt các anh trong đó khi chuyển trại từ Nam ra Bắc “ Tụi nó coi chúng tôi như súc vật..” và có rất nhiều cái chết thương tâm của những con người bị đối xử không khác gì một con vật trong cái nơi mà CS gọi là trại cải tạo, mai mỉa thay.

Năm hết Tết đến, chạnh lòng gợi nhớ đến khăn sô cho Huế trong thảm sát Mậu Thân mấy mươi năm trước, lại nhói đau khi nghe tin tức bên nhà với khăn tang trắng làng Đồng Tâm Hà Nội, với cảnh màn trời chiếu đất của dân oan Thủ Thiêm, Lộc Hưng Sài gòn.

Đất nước có còn nơi nào bình yên dưới bàn tay quỷ đỏ?

Mấy ngày Tết, khắp nơi trên thế giới, chỗ nào có đông dân Việt thì họ túm tụm lại tổ chức lễ hội rình rang cho đở nhớ quê hương, cũng chợ búa tấp nập, cũng bánh chưng xanh, xâu pháo đỏ, với hoa mai hoa đào rộn ràng màu sắc, nhà nào còn giữ lại phong tục VN thì chuẩn bị hương đăng trà quả đón Giao Thừa, tưởng như nàng Xuân đang đứng trước cổng nhà cho ấm lòng người xa xứ, mặc dù nước Mỹ đang là mùa đông lạnh lẽo tuyết rơi.

Thật ra mấy ngày này cũng muốn được an nhiên như chàng lãng tử

Rũ áo phong sương trên gác trọ,
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang”

Nhưng sao bụng dạ cứ bồn chồn, Xuân này con không về Bên nhà ăn Tết vui gì nỗi Má ơi. nếu có lời khấn nguyện thành tâm trong đêm trừ tịch thì con chỉ cầu cho Việt Nam sớm thoát khỏi chế độ Cộng Sản tàn ác để dân mình an lạc, Tự Do,đất nước được sống trong hòa bình thịnh vượng.

Trần Ngọc Ánh

No comments:

Blog Archive