Friday, January 11, 2019

Ở NƠI MÀ MỖI KHI RA ĐƯỜNG NGƯỜI TA DẮT THEO ÍT NHẤT MỘT CON CHÓ

Thật tình thì tôi không biết gì nhiều về cái thành phố New York lừng lẫy nhất thế giới này, nên tôi chỉ rón rén bàn về nỗi niềm mà tôi ấm ức lâu nay.

Điều đó là ở New York người ta nuôi quá nhiều chó, nhiều hơn hẳn ở những thành phố khác. Thậm chí, chó nhiều cho tới nỗi tôi còn nghĩ rằng người ta có thể phân biệt một cách khá dễ dàng đâu là người New York và đâu là người lạ từ nơi khác đến, vì chỉ có những kẻ là người lạ ở đâu đâu đến thì mới ra đường một mình, hay với một con người khác, chứ không với một con chó!

Tôi thử vào gu-gồ hỏi, thì được một trang web có vẻ rất có uy tín -- New York City’s Pet Population -- trả lời như thế này: “Dựa trên phân tích, chúng tôi ước tính rằng có khoảng 1,1 triệu con vật nuôi trong thành phố, gồm có hơn 600 ngàn con chó và 500 ngàn con mèo.”

Ối giời ơi, đến những hơn 600 trăm ngàn con chó. Đông, đông quá ấy chứ! Thử tưởng tượng chừng ấy chó mà rủ nhau tràn ra đường cùng một lúc thì chắc hẳn phải nghẹt cứng đến mấy dãy phố!

Thật vậy đấy, tôi hơi cường điệu chút thôi, nhưng nếu bạn không tin thì cứ đến New York, mang theo máy ảnh, đi lang thang một ngày, cứ gặp ai có chó thì chụp ngay một tấm, tôi bảo đảm rằng chỗ trống trong cái thẻ nhớ của bạn sẽ không còn sau ngày hôm ấy. Cứ chừng 1, 2 phút thì bạn được diện kiến với một ông chó, bà chó, cậu chó, cô chó, bé chó... với đủ kích cỡ, giống loài, bộ dạng và “giai cấp” khác nhau.

Thì nè, mười phút trước, tôi thấy một ông chó to đùng như con bê, vừa to vừa bệ vệ, đầu đội mũ phớt, mình khoác áo gi-lê xám có thắt khăn quàng đỏ làm duyên trên cổ, được một cậu thanh niên dắt. Đang đi, ông chó dừng lại bên một bụi cây phóng uế, cậu thanh niên dừng lại chờ ông làm xong việc, cúi xuống hốt dọn bãi phân của ông, rồi vừa kiên nhẫn dỗ dành vừa lôi ông đi một cách vất vả.

Thì nè, ba phút sau, tôi lại thấy một cô chó lông xù bé bằng nắm tay, mặc áo len xanh có thêu hoa văn, đầu cài nơ tím xinh xắn, bốn chân cô bọc vớ hồng, ngóc đầu ra nhìn phố xá từ trong chiếc túi da mà một bà đứng tuổi đeo bên hông. Chốc chốc bà dừng lại cho cô uống nước hay trìu mến vuốt ve thăm hỏi.

Và khi vừa băng qua đường, tôi lại đi song song với một phụ nữ đang đẩy chiếc xe trông giống như xe đẩy của trẻ em. Thoạt tiên, tôi cứ ngỡ rằng bà ấy đang đẩy con đi dạo, nhưng khi nhìn kỹ thì lại thấy nằm chễm chệ trên đó là một cậu hay mợ chó chứ không phải đứa con nít. Trên xe có gắn quạt máy nhỏ thổi cho cậu/mợ được mát vì lúc ấy đang vào mùa hè (chắc hẳn cái quạt sẽ được thay bằng mền sưởi vào mùa đông), và mấy món đồ chơi xanh xanh đỏ đỏ xoay xoay phát ra tiếng nhạc hoà tấu dìu dặt cho cậu/mợ ấy giải trí.

Bạn ngạc nhiên vì sao tôi lại đưa cả khía cạnh “giai cấp” của chó vào đây ư? Phải kể chứ, vì giữa một chó xuất thân từ danh gia vọng tộc được một anh dog-walker (người dắt chó đi chơi) dắt đi dạo bên bờ sông Hudson, so với một chó khác đang nằm lè lưỡi thở hổn hển bên chủ là một ông homeless để ngửa cái nón trên vỉa hè, cái khoảng cách giữa hai vị chó ấy nó rộng mênh mông.

Nhân đây cũng xin tâm sự riêng tư rằng dog-walker là cái nghề mà tôi ao ước lâu nay. Nghe đâu lương của họ chừng 20$ - $25/một giờ (gần gấp đôi lương viết thuê -- cái nghề tôi đeo đuổi lâu nay). Công việc lại nhàn nhã hơn, lương thiện hơn, sang trọng hơn, và hẳn nhiên là có tương lai hơn. Theo một trang web mà tôi tìm được thì một tay dog-walker ở New York có lương trung bình là $45,000/năm, còn ở Los Angeles thì thấp hơn một chút, là $35,000/năm, xin lưu ý rằng đây là giá của những năm trước, bây giờ chắc đã tăng nhiều hơn theo tình trạng tăng trưởng kinh tế.

Đó cũng là lý do vì sao tôi phải gọi các vị ấy một cách tôn kính là ông chó, cô chó, cậu chó, mợ chó... Và cũng do tôi đoán đại qua vóc dáng và cung cách của người và chó đối xử với nhau để phân biệt giới tính của họ.

Tôi thấy có nhiều tiệm ăn có thực đơn khá phong phú dành riêng cho chó như các tiệm Shake Shack chẳng hạn. Trên thực đơn có kem, burger, bánh biscuits... Ở siêu thị Whole Foods, ngoài những món thực phẩm phổ thông như cá hồi trộn khoai tây nghiền, thịt trừu nấu với gạo nâu, milk-bone (bánh làm bằng sữa và bột có 5 loại vitamin, hình dạng như khúc xương), súp rau cải nấu với thịt gà, bánh bột cũng làm theo hình dạng khúc xương để chó nhỏ luyện răng... thì còn những loại thực phẩm đặc biệt dành cho những chó bị dị ứng hay có vấn đề khó khăn trong tiêu hóa, và cả các loại thực phẩm organic.

Mỗi công viên đều có một nơi gọi là dog run dành riêng cho chó, được giữ rất sạch sẽ và yên tĩnh, cấm người ta có những hoạt động gây tiếng ồn như ăn uống, nghe nhạc, chạy giỡn... Nơi đó người ta có thể mang chó đến để chúng tập thể thao, giao lưu (văn hóa), chơi đùa, và thậm chí yêu đương hẹn hò tí chút với nhau. Lạ, và bất công, là họ cho phépcon chó, nhưng lại cấm con người!

Thỉnh thoảng tôi gặp một cái thau nhỏ đựng nước sạch để cạnh chậu hoa hay bên cánh cửa của một tiệm buôn hay dưới bậc tam cấp của ngôi nhà nào đó. Đây là nước dành cho các vị chó vãng lai giải khát. Các vị ấy cứ việc tự nhiên dừng lại, vục mõm vào thau làm vài ngụm, rồi thơ thới giơ chân sau lên tè vào cụm hoa hay góc tường. Tất nhiên là đáng bực, nhưng cư dân luôn sẵn lòng tha thứ vì lòng yêu chó của họ mãnh liệt hơn nỗi bực mình.

Gần như khắp nơi trong thành phố đều có cắm bảng: “Please curb your dog” (vui lòng dọn sạch phân chó của bạn). Người New York làm việc này với lòng tự hào và kiêu hãnh, như cậu thanh niên tôi vừa gặp ở trên. Khi chó phóng uế, họ lấy ra một cái bao xốp, thận trọng bọc bàn tay lại, hốt sạch phân rồi tìm thùng rác bỏ vào. Một bà bạn của tôi cho biết bà rất khinh ghét Paris và không muốn trở lại đó, lý do là có lần bà phải vất đi một đôi giày mà bà rất yêu thích vì giẫm phải bãi phân chó trên hè phố, bàn chân và chiếc giày lấm lem be bét, không còn cách gì cứu chữa, tình huống mà bà chưa từng bị sau cả 2/3 cuộc đời sống ở New York. Bà hậm hực: “Thật là một xứ kém văn minh trầm trọng!”

Chi phí nuôi chó ở Mỹ rất cao, đủ thứ tốn kém. Này nhé, chi phí thực phẩm; chi phí bác sĩ thú y và thuốc men (khi chó bệnh, nếu bác sĩ giữ lại qua đêm để theo dõi sức khoẻ “bệnh nhân”, đúng ra phải gọi là bệnh cẩu, thì tốn từ vài trăm đến cả ngàn đô-la); chi phí làm đẹp và vệ sinh: chải lông, cắt lông, cắt móng chân (ít nhất là $50/lần, và cứ 2 tháng phải cắt một lần), bàn chải và kem đánh răng, que ngoáy lỗ tai; chi phí mua sắm đồ chơi; chi phí huấn luyện đạo đức (obedience training); chi phí thuê người dắt đi chơi, thuê người trông nom hoặc gởi cho nhà giữ chó khi chủ vắng nhà; chi phí dịch vụ xoa bóp thư giãn (đúng vậy, tôi nói rất nghiêm chỉnh và thận trọng đấy, nó đúng là dịch vụ massage); chi phí thẻ dog tag/ID(một tấm thẻ đeo trên cổ chó để nhận dạng như căn cước), trên thẻ có những thông tin như tên chó, địa chỉ cư trú, số điện thoại, giới tính, với người cẩn thận thì có cả những thông tin về y tế để ngừa những trường hợp khẩn cấp, ngoài ra theo luật ở một số tiểu bang thì trên dog tag phải có chứng nhận chó đã tiêm phòng bệnh dại... Sau cùng, khi các vị ấy mệnh chung thì việc tang ma cũng rất phức tạp do cơ quan Animal Control (tạm dịch làsở kiểm soát thú vật) thực hiện, và rất đắt tiền nếu thuê dịch vụ tư.

Những thứ chi phí kể trên ở New York thì cao hơn các nơi khác khá nhiều, chẳng hạn như các món đồ chơi hay thực phẩm cho chó ở các chuỗi cửa hàng lớn như Petco, Petsmart thường mắc hơn khoảng 20-35%.

New York là nơi tấc đất tấc vàng, không gian sống rất giới hạn, và đắt. Ở đây phần lớn người ta sống trong những căn apartment hay studio bé tí, chật chội, mà lại phải trả tiền thuê cao. Tôi đi lang thang cũng nhiều nhưng chưa thấy một dog house (căn nhà dành cho chó) trong sân vườn nào ở đây cả, chứ không như ở nơi tôi đang sống; nghĩa là phần lớn chó ở New York sống chung trong nhà với người, chứ chúng không có “tư gia”.

***
Ở New York, khi người ta ra đường với một con chó thì họ có vẻ hạnh phúc hơn, tự tin hơn, lành mạnh hơn, thông minh hơn là khi họ ra đường với một con người. Nếu bạn ra đường một mình, hay cho dù đi với một ai đó, thì có khi bạn cũng sẽ bị kỳ thị, nhân cách của bạn sẽ giảm đi ít nhiều trong mắt người sở tại. Tôi thường đọc được vẻ khinh thị trong ánh mắt của người qua đường, những ánh mắt ấy nói như muốn nói với tôi thế này: “Cái thứ người gì mà tệ hại, bệ rạc cho đến nỗi không có đến một con chó làm bạn?”

Tôi sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu một ngày nào đó trong tương lai gần người ta phân biệt rạch ròi ra hai loại sinh vật: một là người-có-chó, hai là những sinh-vật-còn-lại hay những sinh-vật-không-có-chó. Ngày ấy, trên vỉa hè sẽ chia ra làm hai làn; người ta vẽ một làn đường riêng, rộng rãi, ưu tiên dành cho người-có-chó, và mặc xác những sinh-vật-còn-lại hay những sinh-vật-không-có-chó chen chúc, xô đẩy nhau trên làn đường kia. Ngày ấy, người-có-chó sẽ được ưu tiên phục vụ so với những sinh-vật-còn-lại hay những sinh-vật-không-có-chó ở những nơi công cộng và ở những dịch vụ như siêu thị, nhà băng, nhà hàng... chứ không theo thứ tự ai đến trước được phục vụ trước, ai đến sau được phục vụ sau, như hiện nay. Ngày ấy, người-có-chó sẽ được phục vụ nhanh hơn, và tốt hơn.

Tuy hiểu được phần nào vấn đề, tôi vẫn tự hỏi: vì sao điều kiện chăm nuôi chó rất khó khăn (hơn mọi nơi khác) mà người New York lại nuôi nhiều chó như thế?

Rồi tôi tự trả lời: Vì họ cô đơn!

Con người cô đơn đã đành, mà các cô cậu chó mà tôi gặp cũng toát ra vẻ rất cô đơn, cũng bốc lên cái mùi cô đơn, tuy các vị ấy đều sung túc sang trọng hơn lũ chó mà tôi từng thấy ở quê nhà Việt Nam. Chó cô đơn như lonely New Yorkers vậy. Cô đơn và khó hiểu!

Tôi bay qua thăm người yêu. Nàng là Nancy Vương. Nàng sống một mình ở Manhattan. Nàng thuê phòng studio bé tí, không có vách ngăn, chỉ đặt được một cái ghế futon, loại ghế buổi tối kéo ra thành cái giường chật, ban ngày đẩy vào lại thành ghế, một cái bàn làm việc có thể xếp gọn lại sau khi dùng, cái bếp điện nhỏ, tủ lạnh, và toilet.

Nancy vừa mang về một cậu cún có bộ lông nâu, 3 tháng tuổi, đặt tên là Ziggy. Ngay khi vừa gặp nhau lần đầu tôi đã có ác cảm với Ziggy, và con quái vật này cũng vậy, nó nhìn tôi vừa soi mói vừa dè chừng. Nó ghét tôi ra mặt. Chứng kiến những chăm sóc trìu mến của nàng đối với cậu cún, tôi không khỏi sinh lòng đố kỵ. Thằng Ziggy này là thứ chó không biết điều. Thậm chí tệ hơn, nó hoàn toàn không màng đến phép lịch sự và tế nhị tối thiểu trong giao tế. Nó luôn cố tình tham gia vào mọi sinh hoạt của chúng tôi. Tôi muốn nói rằng mọi sinh hoạt, kể cả những sinh hoạt rất riêng tư những khi khuya khoắt. Đêm hôm kia, nó sủa nhặng xị lên, cắn lôi gối mền, và chen vào giữa làm chúng tôi nguội ngay cơn hứng. Nàng xô tôi ra, ôm nó vào lòng nựng nịu. Tôi chưa kịp giơ tay lên nện cho nó một thoi thì bắt gặp ánh mắt của Nancy trừng vào tôi như nàng đang bắt tại trận hành vi của một kẻ hung bạo. Tôi ấm ức bỏ tay xuống, ra khỏi giường rồi xuống sàn nhà nằm. Thằng chó kia quẩy đuôi rên rỉ đắc thắng. Tôi vừa chợp mắt trở lại thì vài giọt tí tách rơi xuống mặt, mùi khai dậy lên kinh tởm! Tôi buồn tủi ghê gớm, “Đồ mất dạy! Đồ chó đẻ!” và định buột miệng “Tiên sư bố mày!” thì kịp ngưng lại vì chợt nhớ ra sự liên hệ giữa cái họ của nó và của nàng nên chỉ biết chửi thầm rồi vào toilet rửa mặt.

New York đang trãi qua những ngày đầy biến động sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Tôi mặc kệ, tôi thờ ơ. Tôi kết luận rằng ở nơi nào càng đông đảo náo nhiệt thì con người càng cô đơn. Kể cả việc đi biểu tình cũng vậy. Ngoài lý do tụ họp với nhau để cùng nói lên những bức xúc, phẫn nộ thì người ta đi biểu tình cũng còn vì họ cô đơn đấy thôi!

Chiều qua chúng tôi xuống phố, nàng tròng dây vào cổ chó, dắt Ziggy theo. Khi đi ngang qua Columbus Circle, chúng tôi lạc vào một đám đông đang biểu tình phản đối ông tổng thống tân cử. Thật kỳ dị, Ziggy xông ngay vào giữa đám người, lôi Nancy xềnh xệch theo, thay vì nàng lôi nó như thường khi.

Những người giơ biểu ngữ đồng thanh thét to: “Dân chủ là như thế này!” Nancy gào theo họ: “Dân chủ là như thế này!” Ziggy cũng sủa theo nàng 6 tiếng, rất nhịp nhàng: “Gâu gâu gâu gâu gâu gâu...!”

Họ thét: “Đả đảo Phát-xít!” Nàng gào theo: “Đả đảo Phát-xít!” Ziggy sủa nhặng lên: “Gâu gâu gâu gâu!”

Tôi lúp xúp chạy theo một đoạn thì mất dấu nàng và con cún.

Đoàn người xuôi theo đường 59th đến Trump Tower thì cảnh sát ngăn lại, họ hỏi nếu ai có mục đích biểu tình thì tiếp tục đi vào lề đường, ai không đi biểu tình thì phải vòng lại. Khi được hỏi, tôi ngần ngừ một thoáng rồi lắc đầu, lủi thủi quay về chung cư ngồi chờ.

Nancy và Ziggy về rất khuya. Nàng có vẻ hờn.

Tôi hỏi: “Em bận rộn thế này thì nuôi thêm con cún để làm gì?”

Nàng đáp: “Cho đỡ buồn! Mà này, tên nó không phải là cún, nó là Ziggy. Trong giấy tờ nó là Ziggy Vương. Mà anh có biết họ Vương có nghĩa là vua hay không?”

Tôi ú ớ không trả lời được sự thông tuệ của nàng, nhưng đánh bạo hỏi tiếp: “Ừ, thì quý danh của ngài ấy là Ziggy Vương, anh xin lỗi. Nhưng em có đủ thứ phương tiện để làm vui như tivi, máy hát, Ipad, Iphone, internet... cơ mà?”

“Chúng vô hồn! Những thứ máy móc ấy đều vô hồn! Em cần thứ gì biết hít vô thở ra, có trái tim phập phồng, có nước mắt, có cảm xúc...” Nàng dừng, cẩn trọng lựa lời rồi khẳng định: “Em cần một sinh vật! Một sinh vật có lòng trắc ẩn với đời sống, có trách nhiệm với nhân quần...! Một sinh vật biết ẳng lên khi nó, và đồng loại, bị đối xử bất công, hay bị kỳ thị!”

Tôi muốn xác tín với nàng rằng đôi khi tôi cũng biết ẳng, và là một sinh vật thích hợp cho nàng, ít ra là thích hợp hơn cái cậu cún Ziggy ấy, nhưng lòng tự trọng không cho phép tôi nói lên điều đó.

Tôi hạ giọng thành khẩn nhất mà mình có thể: “Nếu em cô đơn thì hãy mang anh về nuôi, thay vì ngài Ziggy này, vì chi phí nuôi anh sẽ ít tốn kém hơn ngài ấy, anh hữu ích hơn ngài ấy, anh sẽ trung thành với em hơn ngài ấy. Và nếu em đối xử bất công, tàn tệ với anh thì... thề có Chúa chứng giám... nếu em cho phép thì anh sẽ ẳng...!” Tôi còn muốn nói thêm, muốn phân trần thêm về lý do sự tồn tại của mình trong đời nàng thì quan trọng hơn là của Ziggy, nhưng tôi ngưng lời vì chợt nhận ra rằng sao giọng mình nghẹn ngào quá.

Nancy lặng lẽ nhìn sâu vào mắt tôi một lát, rồi dịu dàng, từ tốn lắc đầu: “Em ứ vào! Dù anh có ẳng thì em cũng ứ nuôi anh đâu!”

T. N.

No comments:

Blog Archive