Xem Phim Tàu
Nguyễn Ngọc Ngạn
Thời còn ở Sài gòn, khi phim ảnh Hồng Kông tràn sang Việt Nam từ giữa thập niên 1960, một trong những nhân vật tôi hết sức ngưỡng mộ trên màn ảnh là Mã Vĩnh Trinh, do Nhạc Huê hoặc Trần Quang Thái thủ diễn. Rồi cứ thế cho đến nay, lâu lâu các nhà làm phim Trung Quốc lại tái dựng hình ảnh Mã Vĩnh Trinh, một tay giang hồ hảo hán tung hoành trong giới anh chị ở Thượng Hải. Mới đây đài truyền hình Trung Quốc lại có bộ phim “Anh Hùng Mã Vĩnh Trinh” dài hơn 40 tập hết sức hấp dẫn. Khán giả cảm phục vì Mã Vĩnh Trinh là con nhà nghèo, mồ côi cha, sống với mẹ ở Sơn Đông, bị tù oan, vượt ngục trốn đến Thượng Hải và bắt đầu lao và cuộc đời sóng gió với bao nhiêu trận đánh sinh tử, giành đất sống để vươn lên. Các tài tử thể hiện vai Mã Vĩnh Trinh tất nhiên đều đẹp trai và đem võ nghệ cao cường của mình ra trừ gian diệt bạo.
Cho đến gần đây, khi đọc được bài báo viết về con người thật của Mã Vĩnh Trinh, tôi mới biết mình bị lừa! Dĩ nhiên hàng triệu khán giả cũng đã bị điện ảnh Trung Quốc lừa như tôi! Bài báo đó là bản dịch tập tài liệu của Tô Trí Lương đăng trong Thân Báo năm 1879, có tựa đề là “Cận Đại Thượng Hải Hắc Xã Hội Nghiên Cứu” (Bài nghiên cứu về xã hội đen ở Thượng Hải thời cận đại). Nhờ bài báo này, tôi mới biết Mã Vĩnh Trinh không hề là anh hùng hảo hán mà thực chất chỉ là một gã du côn vô lại!
Mã Vĩnh Trinh vốn là một võ sư có nội công thâm hậu, đồng thời cũng là lái buôn ngựa ở Sơn Đông, bỏ đến Thượng Hải lập nghiệp vì lúc ấy Thượng Hải đang phát triển cực thịnh. Tháp tùng Mã Vĩnh Trinh sang Thượng Hải có một đám đệ tử khá đông vì họ Mã cần tạo vây cánh nơi xứ người.
Tới Thượng Hải, Mã Vĩnh Trinh cho vẽ câu biểu ngữ treo trước cửa nhà mình:
“Quyền đả hai kinh Nam, Bắc
Cước đạp hai bờ Hoàng Hà”.
Nghĩa là quyền cước vô địch thiên hạ! Thái độ cao ngạo ấy thực không xứng đáng với phong cách và tôn chí của bất cứ môn phái nào. Nhưng Mã Vĩnh Trinh giỏi võ thật, nên không ai dám đụng đến. Gã thường ỷ thế ức hiếp người khác, bắt họ phải nộp tiền cho mình. Khi đi mua ngựa, gã lựa con ngựa thật tốt nhưng trả giá rất rẻ. Chủ nhân không bằng lòng thì Mã Vĩnh Trinh làm bộ vỗ vào lưng ngựa, khen con ngựa đẹp, nhưng kỳ thực gã dùng nội công đập gãy xương sống con ngựa hoặc gây nội thương khiến con ngựa đó chết dần.
Tờ Thân Báo ở Thượng Hải kể: Năm 1879, có người buôn ngựa là Cố Trung Khê giắt 30 con ngựa đi bán, tạm trú ở quán trọ trên đường Nam Kinh. Mã Vĩnh Trinh nghe đồn có đàn ngựa tốt bèn đến hỏi mua. Gã chọn một con đẹp nhất, trả giá 20 lượng bạc, rồi giắt ngựa đi. Điều đáng nói là Mã Vĩnh Trinh chỉ trả giá ngoài miệng thôi chứ không đưa tiền cho chủ ngựa. Đã thế gã còn bắt theo một đứa nhỏ chuyên giắt ngựa cho Cố Trung Khê. Họ Cố yếu thế nên chỉ biết nuốt giận chịu nhục mà không có phản ứng gì.
Ít lâu sau, hai người tình cờ gặp nhau trong một quán trà. Cố Trung Khê yêu cầu Mã Vĩnh Trinh thanh toán món nợ 20 lạng bạc. Mã Vĩnh Trinh bảo:
-Mày không nghe uy danh của tao hay sao mà dám mở mồm đòi tiền! Tất cả lái buôn ngựa tại Thượng Hải đều phải nộp tiền cho tao, mày đã không nộp còn dám đòi tiền tao hay sao!
Hai bên lời qua tiếng lại rồi hẹn nhau ngày 13 tháng 4 tại Nhất Động Thiên Trà Lâu để giải quyết cho xong câu chuyện. Mã Vĩnh Trinh tất nhiên coi thường địch thủ nên hân hoan nhận lời ngay. Còn Cố Trung Khê thì biết đây sẽ là cuộc đụng độ sinh tử một mất một còn, nhưng nếu không dám đối đầu thì không còn đất làm ăn ở Thượng Hải.
Tứ đại mỹ nhân
Đến ngày hẹn, đôi bên cùng đem theo đàn em lên tửu lầu. Mã Vĩnh Trinh và Cố Trung Khê đang lời qua tiếng lại thì bất thình lình một đệ tử của Cố Trung Khê là Mã Liên xông lại, hắt mạnh gói vôi bột vào mặt Mã Vĩnh Trinh làm mù cả đôi mắt gã. Mã Vĩnh Trinh vội rút sợi giây xích sắt quấn quanh thắt lưng, nhắm hướng đối thủ vung lên đập, nhưng vì mắt nhắm nghiền nên không trúng đối phương. Cố Trung Khê nhanh tay rút mã tấu đâm một nhát vào đầu Mã Vĩnh Trinh, rồi đưa xuống chém lia lịa vào ống chân họ Mã. Tuy bị thương nặng nhưng họ Mã vẫn gắng sức vùng lên, gầm thét, vớ được cái bàn, quăng mạnh về phía Cố Trung Khê. Cố Trung Khê luống cuống lao đầu nhảy qua cửa sổ. Đám đàn em của cả hai bên đều án binh bất động theo dõi cuộc chiến giữa hai sư phụ. Riêng đệ tử của Mã Vĩnh Trinh, thường ngày thấy sư phụ của mình vô địch thiên hạ, không hề có đối thủ nào dám chống cự, nay bỗng sao cơ thất thế, máu chảy lênh láng, mắt nhắm nghiền, lại thêm hai ống chân bị chém, bước đi lạng quạng sắp té gục, nên chúng kéo nhau bỏ chạy hết xuống lầu, không đứa nào dám nán lại bảo vệ sư phụ vì biết chắc sư phụ đã đến ngày tàn!
Quả nhiên, đêm hôm ấy, Mã Vĩnh Trinh chết trong bệnh viện. Trước khi lìa đời còn thều thào nhắc đi nhắc lại mãi với người chung quanh:
-Cố Trung Khê không phải là hảo hán!
Ý nói là họ Cố cho đàn em dùng bột hắt vào mặt mình tức là dùng thủ đoạn tà đạo. Nhưng bản thân Mã Vĩnh Trinh tự cho mình là hảo hán sao? Khi nói câu ấy, Mã Vĩnh Trinh chưa biết Cố Trung Khê đã chết từ hồi chiều, khi lao đầu nhảy qua cửa sổ tửu lầu xuống sân gạch!
Báo chí và cảnh sát mô tả đó là một trận đánh kinh thiên động địa tại đất Thượng Hải mà kết quả cả đôi bên cùng theo nhau về bên kia thế giới! Người xưa thường nói: Khoẻ dùng sức. Yếu dùng mưu. Một người giỏi võ như Mã Vĩnh Trinh vì quá ngông nghênh coi thường địch thủ nên đành phải chết thảm!
Đưa một nhân vật có thật ngoài đời vào màn ảnh, nhà làm phim có thể thêm bớt nhiều chi tiết để cuốn phim hấp dẫn. Nhưng việc biến đổi tính cách, thay đổi hẳn bản chất của nhân vật để kẻ tiểu nhân trở thành anh hùng, kẻ ác trở thành người hiền như trường hợp Mã Vĩnh Trinh thì thật tình tôi không hiểu được chủ đích của người làm phim. Thà là một phim hư cấu, một kịch bản hoàn toàn tưởng tượng thì chẳng nói làm gì. Đằng này, Mã Vĩnh Trinh là một nhân vật có thật ở Thượng Hải, nằm trong hồ sơ băng đảng của cảnh sát và báo chí, mà tại sao điện ảnh lại khoác áo anh hùng cho một tên vô lại! Chúng ta đã coi bao nhiêu phim Al Capone của Mỹ. Tình tiết tuy có khác nhau, nhưng bản chất đích thực của Al Capone vẫn là một tay gangster tàn bạo khét tiếng ở Chicago thời chính quyền Mỹ cấm bán rượu. Chứ không có phim nào biến Al Capone thành 1 thương nhân lương thiện!
Nhưng dù sao đi nữa thì Mã Vĩnh Trinh cũng chỉ là một gã du đãng, các nhà sản xuất dùng anh ta để làm phim giải trí cho quần chúng, xét ra chẳng có hại gì nhiều cho xã hội. Đáng nói hơn là những nhân vật lịch sử của Trung Hoa, nhất là phụ nữ, như Võ Tắc Thiên, Dương Quí Phi, Từ Hi Thái Hậu v.v.. gần đây cũng được đưa lên màn ảnh Trung Quốc và các nhà sản xuất tô vẽ cho họ những hình ảnh khác hẳn với sự thật lịch sử. Những người đàn bà gian ác ấy khi lên phim bỗng biến thành nhân hậu! Như thế chẳng những đi ngược lại sự thật mà quan trọng hơn nữa là quá bất công đối với phụ nữ nhân hậu thật chẳng hạn Hoàng hậu Vệ Tử Phu của Hán Vũ Đế.
Như thế thì rõ ràng là khi xem phim Tàu – loại lịch sử tiểu thuyết hay dã sử – chỉ nên coi là một phương tiện giải trí thuần tuý, chứ không thể dựa vào đó để tìm hiểu lịch sử Trung Hoa, bởi các nhà làm phim đã tuỳ tiện thay đổi hẳn sự thật, bắt câu chuyện phải diễn tiến theo ý riêng của mình!
Dĩ nhiên người làm phim, khi đưa một nhân vật lịch sử lên màn ảnh, có thể che đậy những mặt tiêu cực của nhân vật ấy, mà chỉ để khán giả thấy những khía cạnh khác tốt đẹp hơn, mặc dầu như thế cũng đã bất công rồi. Thí dụ: Giả sử có kẻ làm một cuốn phim ca ngợi Stalin, thì đối với hàng triệu oan hồn đã chết ở Siberia, người làm phim sẽ nghĩ sao?
Tương tự như thế, tôi thấy những bộ phim về Dương Quí Phi – Đường Minh Hoàng từ trước đến nay vẫn thường chỉ ca ngợi họ là cặp tình nhân yêu thơ văn và ca múa, đề cao vũ khúc Nghê Thường mà không hề nhắc đến cái ác, cái tàn nhẫn của triều đại này. Dương Ngọc Hoàn là con dâu của Đường Minh Hoàng, tức Đường Huyền tông. Đường Minh Hoàng cướp vợ của con, phong làm Quí phi, từ đó gọi là Dương Quí Phi. Lúc ấy vua Đường Minh Hoàng 52, Dương Ngọc Hoàn 18. Tuy hết sức say mê Dương Quí Phi nhưng ông vẫn nhốt 40 ngàn cung nữ, con số kỷ lục trong lịch sử Trung Hoa.
Thi sĩ Bạch Cư Dị viết bài thơ “Thương Dương Bạch Phát Nhân” (Người Tóc Bạc Ở Cung Thượng Dương), tả người cung nữ lúc nhập cung 16 tuổi xinh đẹp. Thời gian trôi qua, đến nay 60 tuổi, đầu tóc bạc phơ, vẫn chưa nhìn thấy mặt vua lần nào! Đó chỉ là một trong 40 ngàn cô gái bị đưa vào cung tuổi từ 12 đến 18. Điều ác đức nhất của Đường Minh Hoàng là sai lính đi lùng khắp nước, bất kể giai cấp, thấy gái đẹp là bắt về dù người ấy đã có chồng! Không có ông vua nào mất dạy như vậy! Cho nên việc ông cướp vợ của con, ông không cảm thấy áy náy chút nào đối với con, đối với quần chúng cũng như đối với đạo lý cổ truyền. Nhiều cô vợ trẻ đòi tự tử ngay trước mặt chồng để giữ tiết, nhưng sợ liên lụy đến cả nhà nên đành phải ra đi. Thi sĩ Tào Nghiệp chứng kiến cảnh người vợ trẻ bị lính bắt đi dâng cho vua, đã viết bài thơ:
Vua ưa thích gái đẹp
Vợ chồng đành chia phôi!
Nhưng vua có xài đâu! Chỉ đem về nhốt trong cung coi như án tù chung thân mà thôi! Mà cứ mỗi năm mỗi tuyển! Đàn ông Tàu thời ấy không còn người đẹp để lấy mà các bậc cha mẹ cũng hết sức lo sợ sinh con gái đẹp!
Cung Thượng Dương nằm rất xa chỗ vua ở, là nơi tập trung các cung nữ tài sắc mà Dương Quí Phi đẩy họ vào để vua không có cơ hội nhìn thấy họ. Đó là cách Dương Quí Phi bảo vệ ngôi vị của mình.
Thi sĩ Bạch Cư Dị cũng kể: Có lần cung Thượng Dương bị lụt lớn, cung nữ mười phần chết đuối hết bảy, tám. Tức là ít lắm cũng cả chục ngàn cô. Sau này khi An Lộc Sơn đánh vào kinh đô, hằng ngàn cô khác lại chết trong đám loạn quân hoặc bị giặc hãm hiếp rồi giết, trong đó có cả Mai phi Giang Thái Bình là người rất hiền thục và vua sủng ái trước Dương Quí phi! Những thảm cảnh ấy, phim ảnh không hề nói đến, chỉ luôn luôn ca ngợi Đường Minh Hoàng là ông vua hào hoa phong nhã mà thôi!
Dương Quí phi được vua sủng ái, nắm quyền sinh sát trong cung. Một lần thái giám mang vào cho vua một cung nữ trẻ đẹp, hôm sau Dương Quí phi biết được, liền đâm chết viên thái giám và cô gái ấy.
Nghe nói trong rừng sâu có suối nước nóng, Dương Quí phi đòi đến tắm vì nước suối sẽ làm cho tăng thêm nhan sắc! Vua ra lệnh 10 ngàn quân lính phá rừng, làm đường, bắc cầu để khiêng Dương Quí phi vào tắm rồi khiêng về!
Dương Quí phi người phốp pháp đẫy đà, ham ăn, mê uống rượu, rất khó xuống cân. Mùa hè nóng bức, thị nữ vây quanh quạt cho nàng suốt ngày đêm. Nàng cũng thích thay trang phục, vua cấp cho nàng 700 thợ may và một kho vải, trong đó có nhiều mặt hàng từ An Nam (Việt Nam) tiến cống. Nàng cũng mê đồ trang sức nên vua cho nàng 300 thợ kim hoàn liên tục chế biến! Để giữ da đẹp, nàng tắm sữa dê tẩm các loại hoa quý. Kẻ hầu người hạ tấp nập ngày đêm.
Đời Đường là lúc cực thịnh của thơ văn. Đường Minh Hoàng rất quý thi hào Lý Bạch, phong ông làm Hàn Lâm Học Sĩ, thường uống rượu chung với vua. Một hôm vua yêu cầu ông làm bài thơ cho vua ca ngâm. Lý Bạch làm ngay mấy câu tán tụng nhan sắc của Dương Quí phi, trong đó ông nhắc đến Triệu Phi Yến là người đẹp tuyệt trần thời nhà Hán. Triệu Phi Yến lừng danh trong lịch sử là có thân hình nhỏ nhắn đến nỗi vua phải xây tường chắn gió vì sợ gió thổi bay mất người yêu.
Dương Quí phi căm giận Lý Bạch từ đấy bởi Dương Quí phi là người mập mà Lý Bạch dám nhắc đến người gầy! Chỉ vì câu thơ ấy mà vua không dám thăng chức cho Lý Bạch và sau cùng, nghe lời Dương Quí phi dèm pha mãi, vua đành đuổi Lý Bạch ra khỏi triều. Cũng may vì Lý Bạch quá nổi tiếng chứ nếu không thì Dương Quí phi đã giết rồi!
Chẳng biết do ông thầy nào mách bảo, Dương Quí phi tin rằng ăn trái vải da mặt sẽ đẹp và tăng cường sinh lực như Viagara. Mà phải là trái vải của An Nam. Thế là hằng năm cha ông ta phải tiến cống trái vải tươi cho Dương Quí phi. Dân gian Trung Hoa ngày nay vẫn còn truyền tụng câu nói: Vì Dương Quí phi mê ăn vải An Nam, khiến ngựa chết dọc đường vô số! Là vì phải cho ngựa chở vải phóng thật nhanh đến độ có con ngựa ngã quị mà chết. Vải mang về phải tươi nguyên mà đường xá ngày xưa gập gành băng rừng vượt suối chứ làm gì có xa lộ như bây giờ! Từ Việt Nam đưa vải tới kinh đô nhà Đường, khoảng 4 ngàn cây số, ngựa và người kiệt sức chết gục là thường!
Rồi Dương Quí phi gian dâm với tướng rợ Hồ là An Lộc Sơn, nuôi dưỡng mầm phản loạn. Khi An Lộc Sơn khởi loạn, gây nên cuộc chiến kéo dài 7 năm, làm chết khoảng 30 triệu người, tức là 1/5 dân số Trung Hoa. Vua bỏ chạy vào đất Thục. Quân lính uất ức nổi loạn đòi vua giết Dương Quí Phi. Vua đành gạt nước mắt ra lệnh thắt cổ ở tuổi 38 rồi chôn nàng ở ngã ba đường tại Mã Ngôi. Nàng chết rồi, vua chỉ cúng Dương Quí phi bằng mâm trái vải An Nam là thứ mà nàng rất mê lúc còn sống!
Như trên tôi vừa nói, phim ảnh Trung Hoa gần như chẳng bao giờ nói đến cái độc ác của Đường Minh Hoàng và Dương Quí phi khi nhốt 40 ngàn cô gái trẻ cho chết dần trong cung, mà chỉ tán tụng các thú ăn chơi và ca múa mà thôi. Đọc sử thấy cũng đau lòng!
Nhân nói về phim Tàu, tôi cũng muốn nhắc đến bộ phim dài “Tây Thi Tình Sử” mà chắc nhiều bạn đọc đã xem. Tây Thi dĩ nhiên là nhân vật hoàn toàn có thật. Nhưng tình sử Tây Thi – Phạm Lãi thì chắc là không có. Tuy nhiên, những bộ phim về chuyện tình Tây Thi – Phạm Lãi thì không phải do các nhà làm phim cố ý xuyên tạc lịch sử, mà có lẽ do một sự hiểu lầm trong văn học Trung Hoa.
Trước năm 1975 ở Sài gòn, nhiều người đã có dịp xem vở tuồng cải lương “Tây Thi Gái Nước Việt” của soạn giả Năm Châu, được chuyển thể từ vở kịch thơ cùng tên của nhóm Lưu Hữu Phước. Đặt tựa đề “Tây Thi Gái Nước Việt” không sai, bởi nhiều đọc giả, chẳng hạn Aurousseau của nước Pháp, đã khẳng định nước Việt của Tây Thi ở bên Tàu cũng là dòng Lạc Việt như VN chúng ta. Mà dù không phải là chung dòng Lạc Việt thì ít ra cũng nằm trong đại tộc Bách Việt hiện diện đông đảo trên lãnh thổ Trung Hoa thời đó.
Sử sách Trung Hoa chọn ra 10 người đẹp nhất nước Tàu, gọi là Thập Đại Mỹ Nhân, theo thứ tự thời gian, gồm có: Bao Tự, Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Triệu Phi Yến, Điêu Thuyền, Võ Tắc Thiên, Dương Quỳnh Chi, Trương Lệ Hoa, Dương Quí Phi và Trần Viên Viên.
Trong 10 người đẹp ấy thì Tây Thi đứng đầu, được mọi người xưng tụng là “Đệ nhất mỹ nhân kim cổ”, nghĩa là từ xưa đến nay không có ai đẹp hơn! Nàng là người nước Việt, lúc đó lãnh thổ nằm ở vị trí tỉnh Triết Giang bây giờ.
Hầu như tất cả các danh sĩ Trung Hoa, qua nhiều triều đại, đều ít nhiều nhắc đến Tây Thi. Thi hào Lý Bạch có bài thơ viết về Tây Thi mở đầu bằng 4 câu:
Tây Thi Việt khê nữ
Xuất tại Trữ La san
Tú sắc yếm kim cổ
Hà hoa tu ngọc nhan
Tạm dịch:
Tây Thi gái nước Việt
Quê trong núi Trữ La
Sắc đẹp trùm kim cổ
Sen hồng còn kém xa
Chiến Quốc Sách viết: “Tây Thi nhà nghèo mặc áo vải nhưng thiên hạ đều khen đẹp”.
Các sách Quân tử, Mặc tử, Trang tử, Mạnh tử, Hàn phi v.v… đều có nhắc đến Tây Thi, gọi nàng là đặc trưng của cái đẹp toàn diện. Trang tử viết:
“Tây Thi bị đau tim nên thường chau mày, ai cũng khen là đẹp. Trong làng có người đàn bà xấu xí cũng bắt chước Tây Thi ôm ngực chau mày. Người trong làng, kẻ giàu thì đóng cửa không thèm nhìn. Người nghèo nhìn thấy thì kéo vợ bỏ đi!”
Từ đó người Trung Hoa có câu tục ngữ “Đông Thi chau mày”, để nhắc nhở rằng: Đừng thấy Tây Thi chau mày mà bắt chước. Tây Thi chau mày thì đẹp, nhưng Đông Thi chau mày thì rất khó coi!
Tác giả Bao Phác Tử viết: “Tây Thi đau tim nằm ở ven đường, mùi lan xạ thơm ngát, ai nhìn thấy cũng khen đẹp.”
Sách Liêm Sử Tuyển Chú kể: “Khi nước Việt đưa Tây Thi sang nước Ngô, tới đất Uyển Trung, quân sĩ nhìn thấy đều bảo nhau: Cô gái Việt này là tiên nữ chứ không phải là người”!
Sách Tuyển Mỹ Sử (Lịch Sử Tuyển Chọn Người Đẹp) của Cao Tự Thanh kết luận:
“Trung Hoa tuy không có Thần Sắc Đẹp, nhưng Tây Thi là hoá thân của nhan sắc, là biểu trưng của cái đẹp từ xưa đến nay. Nàng chính là Thần Sắc Đẹp bằng xương bằng thịt trong lòng người Trung Hoa”.
Thật ra, một người đẹp siêu hạng như Tây Thi cũng sẽ chẳng có mấy ai biết đến nếu nàng không tình cờ đi vào lịch sử của thời Đông Chu Liệt Quốc. Bấy giờ là khoảng 500 năm trước CN, cùng thời với Khổng Tử, nước Việt và nước Ngô là hai nước láng giềng nằm phía nam sông Dương Tử. Lúc ấy, vua Hùng Vương đã lập nước Văn Lang được 200 năm ở Phong Châu tức tỉnh Vĩnh Phú bây giờ. Nhờ nước Văn Lang nằm sâu ở phía nam, cách biệt hẳn các chư hầu nhà Chu, nên tránh được những cuộc chiến tương tàn suốt mấy trăm năm trên đất Trung Hoa.
Ở vào cái thời mà các quốc gia lúc nào cũng lăm le xâm chiếm lẫn nhau, Ngô-Việt cũng không thoát khỏi thông lệ ấy. Hai nước dốc toàn lực thanh toán nhau. Việt thua, vua Câu Tiễn bị bắt làm tù binh. Suốt 10 năm Câu Tiễn nằm gai nếm mật, nuốt nhục làm tôi mọi cho vua Ngô Phù Sai, bề ngoài hết lòng thần phục, nhưng trong lòng vẫn nuôi chí phục hận. Đại phu Văn Chủng, vị trung thần đa mưu túc trí của Câu Tiễn, hiến kế mỹ nhân vì biết vua Ngô đam mê tửu sắc. Tướng quốc nước Việt là Phạm Lãi mở cuộc tuyển mỹ nhân, cũng là cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Trung Hoa. Hai ngàn người đẹp khắp nơi đổ về, Phạm Lãi chọn được Tây Thi và Trịnh Đán là 2 cô xuất sắc nhất, trong đó Tây Thi được chú ý hơn. Để tăng thêm công quỹ, Phạm Lãi cho Tây Thi ngồi trong xe, buông màn phủ kín, sai lính đẩy đi khắp xóm làng, công bố rằng: Ai muốn nhìn mặt người đẹp nhất nước Việt thì bỏ ra 1 đồng, lính sẽ vén màn cho họ nhìn mặt Tây Thi. Quả nhiên dân chúng hiếu kỳ đổ ra xem đầy đường, Phạm Lãi thu được món tiền rất lớn.
Phạm Lãi huấn luyện, chỉ dẫn và giao nhiệm vụ cứu nước cho Tây Thi và Trịnh Đán, rồi mới đưa sang dâng cho Ngô Phù Sai. Vua Ngô cực kỳ mừng rỡ, xây Đài Cô Tô để cùng vui hưởng với hai giai nhân. Tây Thi và Trịnh Đán sắc đẹp ngang ngửa, nhưng vua Ngô chú ý đến Tây Thi hơn. Trịnh Đán buồn rầu sinh bệnh, một năm sau mất. Từ đó vua Ngô lại càng say đắm Tây Thi hơn. Nàng nói gì vua cũng nghe, hoàn toàn trúng kế mỹ nhân của Phạm Lãi và Văn Chủng.
Khi thời cơ đến, nước Việt dốc toàn lực phục hận, đánh chiếm nước Ngô, giết Phù Sai, tạo thanh thế lừng lẫy. Vinh Quang ấy có một phần công lao của Tây Thi.
Người đời sau đặt câu hỏi:
– Nước Việt chiến thắng rồi, số phận Tây Thi ra sao?
Có mấy giả thuyết được nêu ra như sau:
1. Nước Việt đón Tây Thi về, nhưng chưa kịp khen thưởng thì vợ vua Câu Tiển bảo:
– Cái vật vong quốc này, để làm gì!
Rồi ra lệnh cho lính cột tảng đá lớn vào cổ Tây Thi và quăng xuống sông!
2. Nhiều người không tin, hoặc không muốn tin cái kết cục bi thảm ấy. Họ quả quyết rằng sau khi dẹp được nước Ngô, Phạm Lãi vì biết rõ vua Câu Tiễn nhẫn tâm và vô ơn, nên bỏ trốn, đem theo Tây Thi. Chúng ta từng đọc những cuốn tiểu thuyết dày cộm hoặc xem những bộ phim nhiều tập nói về chuyện tình Phạm Lãi – Tây Thi như tôi đã nhắc ở trên. Trước năm 1975 ở Sài gòn, cũng có vở tuồng cải lương “Trăng Nước Ngũ Hồ” mô tả chuyện tình thơ mộng của Phạm Lãi – Tây Thi rong chơi Ngũ Hồ sau khi giúp Câu Tiễn đánh dẹp nước Ngô. Thế hệ này qua thế hệ khác, ai cũng cho rằng chuyện tình trai tài gái sắc ấy là có thật, chứ nỡ nào để một giai nhân tuyệt sắc như Tây Thi bị dìm cho chết đuối!
3. Lại cũng có người nghĩ ra một cái kết cục thứ ba nhẹ nhàng hơn. Họ nói: Sau khi thành công, Tây Thi xin trở về nguyên quán và lại quay về công việc giặt lụa như cũ. Một hôm nàng ra bờ sông và trượt chân ngã xuống chết đuối!
Thuyết này được lưu truyền ngay tại quê quán của Tây Thi, có thể vì người ta không muốn chấp nhận chuyện nàng bị cột đá vào cổ rồi quăng xuống nước và cũng có thể người ta nghĩ ra thuyết này để làm nhẹ bớt cái ác độc của vợ vua Câu Tiễn.
4. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả là theo sách Ngô Việt Xuân Thu của Triệu Hoa, một người nước Việt, thì chuyện tình Phạm Lãi – Tây Thi bắt nguồn từ sự nhầm lẫn của thi sĩ Đỗ Mục. Triệu Hoa viết: “Ngô vong hậu, Việt phù Tây Thi vu giang, lệnh tuỳ chi di dĩ chung”. (Sau khi nước Ngô mất, nước Việt ném Tây Thi xuống sông, cho chết trong chi di).
Khi Phạm Lãi bỏ trốn Câu Tiễn, ông đổi tên thành Chi Di Tử Bì, chạy sang nước Tề. Vì vậy Đỗ Mục mới lầm tưởng là Tây Thi theo Chi Di tức là theo Phạm Lãi. Đỗ Mục viết:
Tây tử hạ Cô Tô
Nhất kha trục Chi Di
(Tây Thi xuống khỏi đài Cô Tô, lên thuyền theo Chi Di). Dựa theo lời của Đỗ Mục, dân gian tin là Phạm Lãi – Tây Thi bắt đầu cuộc tình bên nhau. Kỳ thực hai chữ “chi di” trong sách Ngô Việt Xuân Thu của Triệu Hoa có nghĩa là cái túi da, chứ không phải tên của Phạm Lãi. Sở dĩ nói đến cái túi da là vì khi nước Việt dâng Tây Thi cho vua Ngô thì Ngũ Viên hết lời ngăn cản vua Ngô đừng nhận. Ngũ Viên viết một bài sớ rất dài kể lại bao nhiêu kinh nghiệm vua chúa mất nước vì mỹ nhân, rồi tâu vua Phù Sai:
– Đại vương đón đứa con gái này về thì tôi sợ mai kia đại vương chết không có đất chôn! Đây là âm mưu của bọn Phạm Lãi, Văn Chủng. Đại vương không thể xem thường được!
Vua Ngô tức lắm. Sau này Ngũ Viên cứ can mãi, liên tục cảnh giác vua về toan tính của nước Việt đang quyết tâm phục hận. Vua Ngô chẳng những không nghe còn quăng thanh gươm Chúc Lâu cho Ngũ Viên, bắt ông tự tử. Ông cầm thanh gươm quay lại bảo quân lính:
– Ta chết có tiếc gì thân! Nhưng các ngươi hãy móc mắt ta treo ở cổng thành, để mai kia ta nhìn thấy quân Việt tiến vào chiếm nước Ngô!
Dứt lời, Ngũ Viên đâm cổ! Vua Ngô Phù Sai càng tức giận, truyền chặt đầu Ngũ Viên, rồi thân ông thì vua truyền bỏ vào túi da (chi di) và thả trôi sông.
Rồi mọi chuyện đều xẩy ra đúng như Ngũ Viên tiên đoán. Việt vương Câu Tiễn vốn là người tàn nhẫn và vô ơn, nên chính ông truyền bỏ Tây Thi vào cái túi da và quăng xuống sông, giống như vua Ngô đã làm với trung thần Ngũ Viên. Câu Tiễn bảo Tây Thi:
– Nàng hãy xuống đó mà gặp lại Ngũ Viên!
Ý nói là ông đang trả thù cho Ngũ Viên, dù Ngũ Viên là bên địch.
Trước khi bỏ trốn, Phạm Lãi có khuyên Văn Chủng cùng đi, nhưng Văn Chủng ở lại nên quả nhiên cũng bị Câu Tiễn bắt tự tử bằng thanh kiếm Chúc Lâu mà ông tịch thu được của vua Ngô! Văn Chủng cầm thanh gươm lên và nói:
– Thanh kiếm này vua Ngô đã từng giết Ngũ Viên. Ta chỉ là kẻ tầm thường mà được cùng chết với Ngũ Viên thì có gì phải ân hận! Huống chi ta ngu muội không biết nghe lời Phạm Lãi thì chết là đáng rồi!
Rồi ông đâm cổ chết!
Như vậy thì chính vua Câu Tiễn mới là kẻ tàn ác giết Tây Thi chứ không phải bà vợ! Mạnh Tử viết: “Tỷ Can bị mổ tim vì cứng cỏi, Mạnh Bôn bị giết chết vì dũng mãnh, Tây Thi bị dìm nước vì xinh đẹp…. Đó chỉ là những bi kịch nhân gian do các bạo chúa vong ơn thời trước gây nên”.
Tóm lại, thưa bạn đọc, ngày nay chúng ta coi phim bộ nói về chuyện tình Phạm Lãi – Tây Thi, xin nhớ rằng đó chỉ là một chuyện hoàn toàn hư cấu, chứ thật ra Tây Thi đã bị dìm chết ngay sau khi hoàn tất nhiệm vụ rồi, đâu còn cơ hội rong chơi với Phạm Lãi nữa!
Thi hào Lý Bạch viết về Tây Thi qua bài thơ Vịnh Trữ La Sơn, đã ngậm ngùi kết thúc bằng hai câu:
Nhất phá Phù Sai quốc
Thiên thu cánh bất hoàn!
Nghĩa là:
Một khi diệt xong vua Ngô Phù Sai
Tây Thi vĩnh viễn ra đi không trở lại!
Nước Việt của Câu Tiễn sau khi diệt nước Ngô, trở nên hùng mạnh bá chủ chư hầu. Nhưng sau khi Câu Tiễn chết, nước Việt suy yếu dần, đến năm 333 trước CN thì bị nước Sở diệt, mà Sở cũng nằm trong dòng Bách Việt. Nước Việt mất, nhiều đợt dân Việt dùng thuyền di tản xuống phía nam, hội nhập vào nước Văn Lang của vua Hùng, như nhiều hình ảnh còn khắc ghi trên mặt trống đồng. Những người trong đại tộc Bách Việt ở lại lãnh thổ Trung Hoa, (Quí Việt, Mân Việt, Âu Việt, và cả Lạc Việt) dần dà bị đồng hoá với Hán tộc. Đại tộc Bách Việt ngày nay chắc chỉ còn lại duy nhất nhánh Lạc Việt, tức là người Việt Nam chúng ta mà thôi.
Người Bách Việt trên đất Trung Hoa không còn nữa nhưng ngày nay sách vở vẫn quen gọi dân vùng Triết Giang, Phúc Kiến là “Việt nhân” bởi quả thực vùng này từng là cái nôi của người Việt cả ngàn năm, trước khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Hoa năm 221 trước CN.
Nguyễn Ngọc Ngạn
2018
No comments:
Post a Comment