Monday, January 28, 2019

Nhơn Dân Nhưng Nhơn Dân Nào?


Nguyễn Thị Cỏ May

Thứ bảy vừa qua, 19 tháng 1/2019, Áo Vàng xuống đường biểu tình, ghi thành tích thâm niên là lần thứ 10 hay tuần thứ mười. Trước đó chỉ vài hôm, TT Emmanuel Macron đưa ra cuộc "Quốc dân thảo luận" nhằm xoa dịu phần nào cơn giận dữ xảy ra từ hơn 2 tháng nay, chung quanh bốn chủ đề lớn : 



-- Môi trường, như vận chuyển, xe cộ, nhà cửa sưởi ấm, cách nhiệt, …



-- Thảo luận về Dân chủ và tư cách công dân như công dân có quyền quyết định, vấn đề di dân, …



-- Thuế vụ: sự hợp lý, chi phí công cộng, …



-- Tổ chức Nhà nước và chánh quyền địa phương .



Cuộc Thảo luận toàn quốc sẽ kéo dài từ 15/01 tới 15/03 theo Nghị định do Tổng thống ban hành.



Nhưng Áo Vàng lại muốn dân chủ hơn. Họ đòi phải tổ chức «Trưng cầu sáng kiến công dân» (RIC= Reférendum d’initiative citoyenne).



Paris ngày đầu năm 19/01



Theo Bộ Nội vụ, hôm thứ bảy có 84 000 người biểu tình trên khắp nước Pháp. Nhưng phía Áo Vàng thì cho rằng phải đông hơn.



Để giữ an ninh, chánh phủ đã điều động một lực lượng gồm 80000 cảnh sát và sen-đầm (gendarmes - chỉ Tây có thứ lính này mà thôi: vừa cảnh sát, vừa như Quân cảnh). Riêng 5000 người phụ trách an ninh Paris.



Lần biểu tình này, điểm hẹn của Áo Vàng là Les Invalides - gần Champs-Élysée - thông báo nhau qua Facebook. Trên áo của người biểu tình có cài một nhánh bông Mimosa (bông của mùa này) biểu tượng "hòa bình". Vừa gặp nhau đủ đông là mọi người gào lớn lên "Macron từ chức!". Một tấm bảng lớn trưng lên "Liberté, Égalité, Flashball" (Tự do, Bình đẳng, Viên đạn cao su - của cảnh sát chống biểu tình và đã làm cho vài người biểu tình bị thương tật nặng). Bà Sophie Tissier, một phụ nữ biểu tình phân bua "Macron không nghe gì hết, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, chúng ta thử khai thị nó. Dân chúng đang thật sự đau khổ".



Khi biểu tình gần kết thúc, một số người biểu tình bắt đầu ném đá, ném chai vào lực lượng an ninh, đập phá một chiếc xe đậu gần đó. Cảnh sát dùng hơi cay, vòi xịt nước can thiệp.



Nhiều nhà báo của AFP trông thấy nhiều thanh niên trong đám biểu tình đội mũ, mang mặt   nạ, mặc quần áo hóa trang, dùng xà beng và búa nạy đá xanh lót đường, chuyền tay nhau đem tới gần cảnh sát để ném vào họ. Sen-đầm đã phải dùng xe bọc sắt bánh nhựa tới giải tán. Biểu tình xung đột với cảnh sát là bình thường vì cảnh sát can thiệp giải tán. Nhưng nay, biểu tình cũng tấn công cả nhà báo vì nhà báo phân tích tình hình biểu tình không có lợi cho họ.



Tuy nhiên, biểu tình ở Paris hôm Thứ bảy 19/1 như vậy là đầu tiên hiền lành hơn các lần khác và các nơi khác như Toulouse, Bordeaux, Marseille, Valence, Toulon, Angers, Rennes,... rất nhiều! Diển hành lại cũng đúng qui trình vì theo đúng chương trình dự báo trước.



Tình hình biểu tình bạo loạn ở Pháp kéo dài hơn 2 tháng nay, ảnh hưởng lây lan tới nhiều nước khác, từ Âu châu qua Trung đông, đã làm cho Quĩ Tiền tệ Quốc tế (FMI) đã lo ngại và lên tiếng cảnh báo Chánh phủ Pháp.



Hôm thứ hai, 21/1.2019, tại Diễn Đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Quĩ Tiền tệ Quốc tế đề cập tới phong trào Áo Vàng biểu tình bạo loạn liên tục, đưa ra lời cảnh báo Chánh phủ là Quĩ đã phải hạ mức tăng trưởng của Pháp theo dự kiến. Và kêu gọi Chánh phủ phải quan tâm giải quyết sự "bất mãn" của xã hội.



Theo Quĩ Tiền tệ Quốc tế, do hậu quả không tránh khỏi của những cuộc biểu tình Áo Vàng kéo dài, sự tăng trưởng của Pháp sẽ mất 0, 1 điểm vào năm 2019, chỉ còn 1, 5% (AFP).



Thảo luận toàn quốc



Hồi tháng 12, trước một cuộc biểu tình Áo Vàng hùng hậu, TT Macron đã có ý kiến tìm cách tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng. Ông đưa ra đề nghị tổ chức một cuộc «Thảo luận toàn quốc». Và bắt đầu ngày 15/01/2019. Ngày 13/01/2019, ông Macron gởi cử tri Pháp một bức thư dài 5 trang, lời lẽ vô cùng bình dị, một điều hoàn toàn trái ngược với những văn kiện của ông viết trước đây, như một cử chỉ hòa giải với quốc dân, cùng quốc dân tìm lối thoát cho hiện tình đất nước. Ông kêu gọi mọi người hãy tham gia đông đảo thảo luận, mạnh dạng suy nghĩ và có ý kiến. Sẽ không có đề tài cấm kỵ. Tuy nhiên những điều gì đã thông qua, như thuế về tài sản lớn (ISF), án tử hình đã bỏ, hôn nhơn cho mọi người, quyền phá thai, … không được đặt lại.



Như vậy phải chăng người dân không có thể đề nghị đề tài thảo luận khác hơn, mà chỉ tự do, tức không bị cấm kỵ, đóng góp ý kiến chung quanh 4 chủ đề do ông Macron đưa ra mà thôi?



Cụ thể là làm thế nào dân chúng có thể tham gia thảo luận?



Có nhiều cách. Hoặc thông qua các diễn đàn thảo luận trên mạng, bắt đầu mở ra từ ngày 15/01, hoặc đến các Tòa Thị chánh có để sẵn các «Sổ kiến nghị» (Cahier de doléances). Phủ tổng thống hứa sẽ tổ chức nhiều điểm thông tin và thu thập các kiến nghị đặt tại các nhà ga, nơi làm việc hay các quầy thông tin lưu động. Và sau cùng, ai muốn viết thư trực tiếp bày tỏ suy nghĩ của mình, chánh quyền sẽ thông báo một địa chỉ bưu điện chánh thức.



Ngoài ra, tất cả mọi người đều có thể tổ chức thảo luận, với quy mô tùy theo khả năng của mình, với điều kiện là đăng ký trước đó trên trang mạng «granddebat.fr». Và mọi người có thể tìm thấy trên trang mạng này, ngay từ sau ngày 15/01, một cẩm nang hướng dẫn phương pháp thảo luận, với những tư vấn cụ thể.



Song song với những việc này, mỗi vùng của nước Pháp sẽ tổ chức rút thăm chọn ra 100 công dân, để tham gia vào các hội nghị, trao đổi, phân tích và đúc kết ý kiến các cuộc thảo luận, được tổ chức khắp nơi tại Pháp.



Những ngày Cách mạng 1789



Lập «Sổ kiến nghị», ông Macron làm theo thời tiền cách mạng Pháp. Vua Louis XVI, cũng để giải quyết khủng hoảng, triệu tập Quốc dân Đại hội. Ngày 24/01/1789, cử tri, đúng ra là đàn ông có ít nhứt 25 năm đóng thuế, họp nhau lại ở thành phố và làng xã, bao gồm tăng lữ, quí tộc, cộng đồng nghề nghiệp, …Họ bầu ra đại diện và soạn ra «Sổ kiến nghị» ghi tất cả ý kiến trình nhà vua. Việc làm này có từ thế kỷ XV. Tới tháng 4/1789, có được 60000 Sổ kiến nghị.



Cùng lúc, thứ dân cũng họp nhau ở các giáo xứ, làng xã hoặc trụ sở phường nghề nghiệp. Họ bầu đại diện và soạn thảo «Sổ kiến nghị».



Sổ kiến nghị được đúc kết lại chỉ còn 12 tập  theo thể loại ở cấp quốc gia để sau cùng sẽ tổng họp lại.



Đón nhận ý kiến hòa giải của TT Macron qua cuộc «Thảo luận toàn quốc», một bộ phận Áo Vàng tỏ ra không thỏa mãn, cho rằng đó chưa phải là một giải pháp đúng mức. Họ muốn đòi «dân chủ hơn». Một cuộc «Trưng cầu sáng kiến công dân» (RIC = Référendum d’initiative citoyenne).



Đảng cực tả «Nước Pháp Bất Khuất» lên án việc làm của ông Macron chỉ là «hành động lừa đảo». Còn đảng cực hữu «Tập Hợp Quốc dân» cho biết «không trông đợi gì» từ «cuộc độc thoại» do chánh quyền tổ chức.



Trưng cầu sáng kiến công dân (RIC)



«Áo Vàng» đòi cập nhựt «Trưng cầu sáng kiến công dân» (RIC) để giải quyết khủng hoảng. «Trưng cầu sáng kiến công dân» (RIC) cũng chỉ là họ hàng với «Trưng cầu sáng kiến nhơn dân» (Référendum d’initiative populaire), sản phẩm tư tưởng của nhà triết học Emmanuel Mounier (thuyết Nhân vị) sau này được các cánh khách lớn của pháp như các ông Pasqua, Giscard d’Estaing và Le Pen tiếp thu. Thực hiện «Trưng cầu sáng kiến công dân», ông Macron muốn đem lại đầy đủ sức sống cho nền dân chủ và đồng thời làm cho cơ chế dân chủ mạnh và linh động hơn.



Trưng cầu sáng kiến công dân có thể có giá trị để thỉnh thoảng giúp hệ thống dân chủ sanh hoạt ngoài những định kỳ bầu cử. Hơn nữa, tổ chức tham khảo ý kiến công dân cũng là cách làm cho mọi người có dịp thở ra thanh thảng khi hệ thống công quyền bị kẹt. Nhưng đừng vội lầm lẫn cơ chế chánh quyền với người đang cầm quyền. Thử suy nghĩ khi có khủng hoảng, chính hệ thống chánh quyền hỏng hay chính người điều hành?



Nên «dân chủ trực tiếp» (Démocratie directe) hay «dân chủ tham dự» (Démocratie participative) qua hình thức «Trưng cầu sáng kiến công dân» hay «… sáng kiến nhân dân» vẫn chưa hội đủ điều kiện để trong một sớm một chiều thay thế ngay nền dân chủ đại diện đang vận hành ở nhiều nước tiên tiến. Bởi nó mới chỉ, không hơn không kém, là một thứ quyền lực của nhóm quần chúng trong một lúc bị khích động.



Không thể có một xã hội dân chủ mà không có kỷ luật và sự tôn trọng. Nói theo Jean Jacques Rousseau, xã hội Pháp đang bị Áo Vàng xé nát khế ước. Nổi loạn vẫn là truyền thống của Pháp và đập phá cũng không phải là điều mới lạ nhưng Áo Vàng hiện nay là một hiện tượng thật sự đáng lo ngại!



Dân Pháp là vậy đó



Nhà báo Thụy sĩ Hector Allain tiếc là tất cả phân tích của báo chí Pháp về phong trào Áo Vàng đã bỏ qua một bênh điều cốt lõi. Đó là «con người thât» của dân Pháp. Nên phong trào mới kéo dài quá lâu như vậy.



Vậy con người thât của dân Pháp như thế nào khi họ than trách thân phận của họ?



Đòi hỏi nâng cao sức mua (pouvoir d’achat) để cải thiện đời sống nhưng dân chúng, từ 15 tới 64 tuổi, chỉ có 64% đi làm việc trong lúc đó ở Anh, có 75%, ở Thụy sĩ và Đức có 79% đi làm. Dân Tây lại làm ít hơn các nước trong khối OCDE, cả công chức, trung bình 15% số giờ trong năm, năng xuất kém hơn 20%. Gía sinh hoạt ở Pháp mắc mỏ hơn vì họ làm việc nhiều hơn nên mải lực của họ tăng, còn mải lực của dân Pháp thắp.



Áo Vàng biểu tình đòi đủ thứ và cả thứ trái ngược. Đòi giảm thuế và tăng dịch vụ công ích như duy trì những đường xe lửa lỗ lã. Nâng cao điều kiện tốt về môi trường nhưng diesel phải rẻ. Nhiều công ăn việc làm nhưng phải biểu tình, đập phá và đình công kéo dài. Mức lương tối thiẻu 1300 € và mọi người đếu có việc làm.



Cái nghịch lý của kinh tế Pháp, dân chúng tạo ra và gánh chịu mà không cần thấy là ít người có việc làm vì lao động chịu thuế quá nặng, do chánh phủ vẫn tài trợ an sinh xã hội quá lớn.



Dân chúng than phiền dịch vụ công cộng xuống cấp nhưng cải tiến thì la ó chống. Nhơn viên năng xuất kém vì tuổi tác, thay thế người trẻ được huấn luyện chuyên nghiệp hơn, nghiệp đoàn chống. Các nước khác làm việc bằng máy móc điện tử thì Tây cứ từ 30 năm trước từ từ tiến tới.



Sức ù lì của bộ máy công quyền lôi kéo kinh tế Pháp chậm lại, ảnh hưởng tới sức mua của toàn dân.



Ông Tổng thống chủ trương cải tổ nhưng những vấn đề cơ bản như bộ máy nhà nước, chế độ bao cấp về an sinh xã hội chưa thấy đề cập tới, mà lo sửa luật luu thông, cho phép chạy 80km/giờ, mượn thuế trước, cuối năm tính lại, … Không thấy chính hai điểm này gây ra lắm bế tắc.



Pháp vẫn là chế độ cực kỳ bảo hộ, toàn năng (thậm chí như mấy chục tờ báo giấy, cả tuần báo quảng cáo, đăng chương trình TV, cũng được chánh phủ trợ cấp) bảo đảm cho dân chúng sự bình an và hạnh phúc, từ lúc mới sanh cho tới lúc chết.



Nhơn dân



Áo Vàng lúc đầu đã có đủ những đặc tính của một phong trào quần chúng. Một tổ chức nhơn dân có thể lãnh đạo phong trào chống lại thuế vụ quá nặng làm cho sự tăng trưởng kinh tế pháp chậm lại, tạo thêm một từng lớp trung luu trở thành nghèo khó. Bởi Áo Vàng là dân lao động làm việc nơi công trường, người đi xe đạp, người đi bộ, … Là không phải ai nhưng là tất cả!



Thế rồi, với những phần tử du đãng của các tổ chức chánh trị cực đoan cài vào, Áo Vàng trở thành hoang dại, hăm dọa an ninh. Điều đã đem lại thành công cho họ, lại biến họ trở thành mối hiểm họa công cộng của nổi loạn. Họ tấn công nhà báo, cơ sở những cơ quan truyền thông không loan tin có lợi cho họ. Chống ông Macron có tính ghét, thù hằn chớ không vì chánh trị. Ghét tiền bạc, thù những người giàu, chỉ có hơn họ vài trăm. Căm thù giới trí thức chỉ vì cảm thấy như thế mà thôi.



Nói nhơn dân mà thật sự là ai? Nhơn dân như Thượng đế. Tuy là một thực thể nhưng lại không thấy, không biết ở đâu. Những nhà độc tài luôn luôn nhơn danh Nhơn dân để đàn áp dân chúng, sát hại dân chúng. Không biết họ có thấy nhơn dân, biết nhơn dân hay không? Bởi có thứ nhơn dân chánh đáng, lý tưởng, nó khác hẳn với thứ nhơn dân tự xưng xuất phát từ thành phần xã hội nào đó lại lợi dụng danh nghĩa Nhơn dân.



Ai muốn làm chánh quyền, tưởng nên dành thì giờ đọc kỹ «Ông Hoàng» (Le Prince) của Machiavel. Điều chủ yếu là Ông Hoàng phải biết lấy những quyết định đúng, những quyết định tạo sự giàu có cho Quốc gia, làm giảm đi sự bất mãn của nhơn dân. Phải biết dùng quyền lực làm cho mọi người tôn trọng luật pháp để xã hội an ninh và trật tự.



Nguyễn Thị Cỏ May

No comments:

Blog Archive