Thursday, January 24, 2019

Nếp nhăn thời gian


Giáo Sư Trần Ngọc Ninh (phải) và tác giả. (Hình: Việt Nguyên cung cấp)

Một ngày cuối năm, trời Nam Cali nắng đẹp, tôi đến thăm thầy tôi, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, 97 tuổi, người thầy y khoa tôi kính trọng ngày tôi 18 tuổi trước khi vào trường y khoa.

Ngôi nhà ở vùng Huntington Beach trong năm năm qua trở thành quen thuộc, ông đích thân mở cửa sau tiếng chuông, bóng dáng chậm theo năm tháng nhưng hình ảnh vẫn không đổi, vẫn trịnh trọng, quần áo chỉnh tề đợi người học trò cũ, nhân dáng của những ông thầy của thế hệ xưa như Giáo Sư Đào Đức Hoành.

Tôi có được diễm phúc đến thăm thầy không cần báo trước. Năm năm trước sau những bài viết về Giáo Sư Phạm Biểu Tâm, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh và những kỷ niệm về trường Y Khoa Sài Gòn cũng như về bệnh viện Bình Dân, ông đã xem tôi như “người cầm viết nối nghiệp ông” khi nhận được hai quyển sách “Từ bài viết Houston của Việt Nguyên” từ tay Bác Sĩ Đặng Phú Ân biếu thầy.

Tuổi đã cao, sống gần một thế kỷ, nhưng ông vẫn giữ được những thói quen cũ, đọc sách và viết. Nhờ nói chuyện với những người đã mất qua sách vở (như ông tâm sự lần này) những người đã giữ được hồn nước, mà ông vẫn giữ được tinh thần quê hương.

Tuổi già, đời là cát bụi như Phật dạy nhưng thầy tôi đã nói với tôi một lần qua điện thoại “cát bụi cuối đời cũng đẹp lắm anh ơi.” Tuổi già không bị trầm cảm như những người sống cô đơn trong viện dưỡng lão, thiếu bạn nói chuyện, không còn trong xã hội trọng người già cả. Cuộc đời thay đổi theo giòng thời gian, kỹ thuật truyền thông tân tiến, giới trẻ không cần lời khuyên của người già trong một xã hội thay đổi nhanh chóng từng ngày từng giờ.

Kiến thức nếu cần đã có Google trả lời cho những thắc mắc về đời sống, về y khoa, về khoa học, về kiến thức, người già trở nên lạc lõng. Thầy tôi vẫn giữ được tinh thần vững vàng tuy hơi buồn, tuổi già và thân phận tị nạn “một lần tị nạn cả đời tị nạn” đã giúp thầy tôi thay đổi tính tình, vui vẻ và giúp học trò ngay từ ngày lập nghiệp lại trên xứ người.

Đến thăm ông, tôi nhớ lại một tháng trước đến thăm thầy Đào Văn Dương, 100 tuổi, người thầy trung học dạy toán ở trường Chu Văn An, khó tính khi dạy ở Chu Văn An với điếu thuốc trên tay và khuôn mặt nghiêm khắc nay sống ở Làng Tre Houston, khuôn mặt hiền hậu với nụ cười như Phật (ông đã gọi điện thoại sau khi đọc bài “Tạ lỗi các thầy trường Chu Văn An.” “Hồi đi dạy tôi khó như vậy sao anh?”

Thầy Dương cũng như thầy Ninh nay gặp tôi hay cầm tay tâm sự, ông đã cười nói chuyện với người học trò cũ và khuyên: “Không nên sống lâu trăm tuổi anh ơi. Ngày còn trẻ tôi vẫn mơ sống lâu trăm tuổi nay đã sống lâu trăm tuổi tôi thấy khổ lắm.” Tâm hồn tĩnh lặng, trí nhớ vẫn minh mẫn nhưng thầy vẫn thấy những nỗi khổ của người già. “Sinh lão bệnh tử” người thầy cảm nhận và nhắc cậu học trò cũng đã lão và đến cạnh bờ tử sinh.

Các thầy đã sống đến một thế kỷ, đã đạt những ước vọng, đã làm được những điều ích lợi trong cuộc đời, dạy học trò theo những mục đích cao cả, nay đối diện với thực tế và xã hội không còn như thời của các ông. Tâm trạng không khác gì những người Mỹ già sống trong xã hội như cựu Tổng Thống George W. Bush. Ngày 30 Tháng Mười Một khi Tổng Thống Bush mất tôi có dịp đọc sách đời Tổng Thống Bush do sử gia Jon Meacham viết (cuốn “Destiny and Power” cụ Đại sứ Bùi Diễm, 96 tuổi, tặng tôi).

Vị tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ mất 95 tuổi, con người tư cách, biết nhận những lỗi lầm và tha thứ lỗi lầm của kẻ khác. Tôi có duyên gặp hai ông bà tại Houston vào ngày ra mắt cuốn phim “Up in the air” của George Clooney năm 2009 tại rạp Edwards và một lần gặp ông tại phòng cấp cứu bịnh viện St Joseph khi ông đưa bạn ông đến khám bệnh. Ông nhã nhặn vui vẽ nhưng năm 1992 sau khi thua ứng cử viên trẻ tuổi Bill Clinton ông đã mất ngủ hai đêm.

Tổng Thống Bush đã không ngờ: “Bill Clinton một người đã trốn quân dịch trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, không tư cách làm tổng thống vì những quá khứ cá nhân không trong sáng, đã được dân Mỹ bầu làm tổng thống.” Sau hai đêm mất ngủ ông đã nhận thức: “Có lẽ mình bây giờ đã già, không còn lãnh đạo được. Ý nghĩ và suy luận của những người trẻ ‘Baby Boomer’ khác với thế hệ trước, đã đến lúc phải nhường cho người trẻ lãnh đạo quốc gia.”

Nhìn thầy tôi, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh đứng lên ngồi xuống khó khăn và đi từng bước chậm như trẻ mới tập đi, tôi nhớ đến bốn tháng trước, ngày 24 Tháng Tám, sau cuộc mổ tim cũng đã tập đi tập đứng như đứa bé.

Trong đời tôi đã trải qua hai kỳ giải phẫu. Lần đầu năm tôi 6 tuổi, Giáo Sư Trần Quang Đệ cắt ngón tay dư bàn tay phải, ngón tay cạnh ngón cái, ba đốt, dài hơn ngón giữa, tôi đi học không thể cầm viết tay trái vì người Việt xem viết tay trái là quỷ nên ba tôi phải đem đến nhờ Giáo Sư Đệ cắt ở nhà thương Chợ Rẫy, ở bệnh viên hai đêm là những ngày vui với các bạn trẻ thơ.

Lớn lên lại thấy cắt ngón tay dư là một may mắn, ở Sài Gòn phương tiện chuyên chở ngày ấy là xe buýt công cộng, đứng trên xe đông đúc chật chội ngón tay thừa đụng vào người khác dễ gây hiểu lầm! Lần thứ hai, năm năm trước tôi qua cuộc giải phẫu mắt cườm. Con mắt phải bị cườm vì chấn thương, từ Giáo Sư Nguyễn Đình Cát ở bệnh viện Bình Dân qua đến Mỹ các bác sĩ giải phẫu nhãn khoa cũng bó tay cho đến khi có kỹ thuật mới Bác Sĩ Koch đại học Y Khoa Baylor đã giải phẫu thành công.

Con người tôi khá bất thường cho đến lần giải phẫu tim kỳ này cũng không bình thường.

Tuần lễ giữa Tháng Tư huyết áp bỗng nhiên không bình thường,lên cao buổi sáng và chiều. Trong 30 năm tôi bị tiểu đường loại 2, được điều chỉnh bằng cách tập thể dục và ăn kiêng. Áp huyết bình thường. năm năm trước tôi bắt đầu uống Metformin sau khi mổ mắt. Trong gia đình có bệnh sử tiểu đường và cao áp huyết, hai bệnh có thể đưa đến biến chứng bệnh tim mạch như 610,000 bệnh nhân mỗi năm và là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Làm bác sĩ chuyên khoa cấp cứu trong 40 năm ở Mỹ, tôi chữa và cấp cứu nhiều bệnh nhân bị đau tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và đột qụy nhưng đến khi làm bác sĩ cho chính mình thì thật khó!

Các bạn già đã thăm hỏi tôi về bệnh tình và yêu cầu viết lại kinh nghiệm cá nhân. Francis Bacon, triết gia đã viết: “Điều ngu dốt sẽ giết bạn.” Người thông minh hiểu biết vẫn bị bệnh tim mạch giết và khi bị bệnh bạn phải tin một phần vào số trời! “Tri thiên mệnh” sống gần 70 tuổi nay phải tin Khổng Tử nói!

Bác sĩ phòng cấp cứu (E.R.Doc) chiều hôm ấy chóng mặt áp huyết 200/100, nằm nghỉ áp huyết không xuống, đứng dậy đi không được phải vịn, cuối cùng phương cách tốt nhất hữu hiệu và an toàn vẫn là gọi 911, hệ thống cấp cứu nhanh chóng ở nước Mỹ tân tiến. Tôi đã nhiều lần ngồi trên xe cứu thương làm cấp cứu, CPR cho bệnh nhân trong khi chuyên chở đến bênh viện nay chính mình là bệnh nhân nằm trên băng ca, mang nịt an toàn chở đến phòng cấp cứu bệnh viện Methodist gần nhà, một tay được truyền nước biển, đường giây để chích thuốc cấp cứu khi cần, các cực tâm động đồ đuợc gắn vào ngực và tay chân nối vào máy, áp huyết đo bên tay trái. Trên đường đến bệnh viện được ưu tiên nằm trong xe chạy trên những con đường ở Houston, lần đầu tiên có tài xe và nhiều cặp mắt nhìn vào, cảm giác vừa là bệnh nhân vừa là bác sĩ lẫn lộn. Trong cảnh đêm hôm ấy tôi càng thấy thông cảm với bệnh nhân khi bị bệnh phải tin tuyệt đối vào các bàn tay của những người trong ngành y.

Xe cấp cứu chở bác sĩ cấp cứu đến phòng cấp cứu qua đường giây 911 được bác sĩ và y tá chờ đợi. Giai đoạn đầu hỏi bệnh, với triệu chứng chóng mặt, đứng không được, xây xẩm, huyết áp cao, tai biến mạch máu não được đặt hàng đầu, các thử nghiệm CT não, CT mạch máu cổ bình thường. Tâm động đồ và phân hóa tố cơ tim vẫn bình thường, bác sĩ chuyên khoa tim vào xem đồng ý với tôi và bác sĩ cấp cứu. Thuốc trị áp huyết và Nitrogrycelin không làm giảm áp huyết.

Sau vài tiếng tôi được giữ lại bệnh viện 24 giờ để quan sát. Bác sĩ tim không nghi ngờ tôi bị đau tim nhất là khi xem thêm hai chỉ số BMI (cơ thể mập hay ốm) và lượng mỡ trong máu bình thường. Sáng hôm sau vẫn chóng mặt, áp huyết lên xuống bất thường nhất là khi đứng dậy, tâm động đồ không đổi, phân hóa tố cơ tim cũng không tăng. Siêu âm tim và thử nghiệm tiếp theo thấy tim không lớn, co thắt rất mạnh ở mức 67% cao nhất. Thử nghiệm kế tiếp phải làm là Nuclear Stress test hay vì đi trên Tread mill, chất phóng xạ được chích vào người làm tim đập mạnh và nhanh như đi trên Tread mill.

Bác sĩ tim Isaac nghi ngờ có một chỗ cơ tim đập yếu (Hypokinesia) ngoài ra không có dấu hiệu suy tim hay tim lớn. Thử nghiệm kế tiếp phải làm là CT Angiogram để nhìn thấy rõ tất cả các động mạch tim. Cuối tuần máy hư phải đợi đến thứ hai mới có kỹ thuật viên đến sửa cuối cùng cũng không sửa được. Cuộc tranh luận giữa bác sĩ tim và bệnh nhân bắt đầu. Bác sĩ nhập viện và bác sĩ tim muốn cho tôi xuất viện đợi làm CT ngoại chẩn hay giới thiệu đến bệnh viện khác.

Y tá và bác sĩ cũng nghĩ là áp huyết của tôi bất bình thường vì tình trạng tâm thần căng thẳng, dĩ nhiên làm phòng cấp cứu đêm hôm (như năm 2017 trung bình làm 48 giờ một tuần một ngày 12 tiếng) và bác sĩ phòng cấp cứu theo thống kê là nghề căng thẳng nhất nước nhưng tôi không đồng ý vì áp huyết lên quá cao không thể chỉ vì căng thẳng. Theo luật Medicare nếu bệnh nhân xuất viện về nhà trong vòng 24 giờ trở lại Medicare sẽ không trả tiền bệnh viện nên tôi nghĩ tôi bị bệnh tim không nên xuất viện.

Ngày hôm sau, tôi được chở đến trung tâm y tế Texas Houston, bệnh viện Methodist trung ương để làm CT Angiogram. Trường hợp tôi là trường hợp ngoại lệ chưa xảy ra trong nghành y tế hiện đại kết quả CT Angiogram mới cho thấy ba động mạch vành bị nghẽn, động mạch bên tâm thất trái nghẹt 100%, hai động mạch khác 70% nhưng các mạch máu tân tạo rất nhiều nên tim không bị hư thối (Infarct). Bác sĩ giải phẫu tim sau cuộc mổ đã nói với tôi là “Khi cầm trái tim trên tay tôi thấy nhiều động mạch mới vì nhờ anh tập thể dục nhiều.”

Với kết quả CT Angiogram, bác sĩ chuyển tôi về bệnh viện Methodist trung uơng để thông tim. Bác Sĩ Isaac nghĩ trường hợp tôi rất dễ khi thông tim đẩy hết các mảng đóng cứng ở động mạch là xong. Ông lại nhức đầu khi thông tim không dễ như ông tưởng (trong bệnh viện tôi cũng gây nhức đầu cho bác sĩ và y tá, khi nhịn đói không dùng Metformin 48 tiếng, trong khi đói đường lên cao 303, họ định chích Insulin tôi từ chối, ăn xong đường xuống 160, đi ngược lại người bệnh thông thường khi đói đường xuống ăn xong đường lên cao. Tôi nghiệm lại, cơ thể mỗi người mỗi khác).

Qua chiều hôm sau tôi được đưa qua phòng mổ, Bác Sĩ Lawrie giải phẫu tim nổi tiếng nhất thay cho Bác Sĩ De Bakey, là bác sĩ giải phẫu của tôi. Sinh mệnh được đặt trong tay phẫu thuật gia nổi tiếng nhất ở trung tâm y khoa giải phẫu tim nổi tiếng nhất nước nên tôi không lo sợ (Bác Sĩ De Bakey người Lebanon năm 1973 có qua Việt Nam giảng, ông đã gây dựng nghành giải phẫu tim mạch ở Trung Tâm Y Khoa Texas. Ông qua các nước trên thế giới tuyển nhân tài giỏi nhất về Houston như Bác Sĩ Lawrie giỏi nhất ở Úc. Tiền các nước đóng góp cho Trung Tâm Y Khoa Texas rất nhiều nhất là Trung Đông. Nếu có chính sách “Mỹ trên hết” trong 30 năm qua thì đã không có Trung Tâm y khoa Texas và các bác sĩ ngoại quốc giỏi đến Houston).

Giải phẫu kéo dài 7 tiếng không biến chứng. Sau 12 tiếng nằm phòng săn sóc đặc biệt tôi được rút ống thở cho về phòng thường, buổi chiều cùng ngày ống dẫn nước thoát từ lòng ngực và máy tạo nhịp tim tạm thời được rút ra. Giải phẫu thành công ngoại trừ một sai xuất nhỏ hậu giải phẫu, phòng săn sóc đặc biệt đổi qua chỗ mới, lệnh cho thuốc giảm đau như Morphine bị quên.

Trong 24 giờ tôi không được tiêm thuốc giảm đau, chỉ uống ba viên thuốc Narco trị đau, ngoài ra chỉ dùng Tylenol. Giải phẫu lồng ngực mở lớn, máy cưa cắt xương ức, đường mổ dài từ ngực xuống bụng, xương sườn được banh ra, lấy động mạch vú sau xương ức ghép vào động mạch lớn nghẹt 100%, hai tĩnh mạch từ chân trái được ghép vào hai động mạch nhỏ hơn nghẹt 70%. Mỗi lần ho hay cử động cả lồng ngực từ trước ra sau đau buốt.

Bốn mươi năm trước đi vượt biên đến Thái Lan tôi bị đuổi ra khơi ở bãi biển Trengganu hai người lính xốc hai vai, hai người khác xốc hai chân quăng xuống thuyền. Cái đau ấy không so được với cái đau lần này, ngay cả khi được y công hay vợ con nhẹ nhàng giúp nằm xuống tấm nệm êm ái trên giường bệnh tôi vẫn thấy đau như bị quăng xuống giường! Bác Sĩ Lawrie ngạc nhiên vì lệnh thuốc giảm đau không được viết. Ông đồng ý tôi là bệnh nhân đầu tiên trong lịch sử y khoa không dùng thuốc giảm đau sau một giải phẫu lớn!

Tôi may mắn được Bác Sĩ Gerald Lawrie giải phẫu, ông đã mổ gần 30,000 ca trong đó có cả bà Barbara Bush. Ông hơn tôi sáu tuổi, 75 tuổi, thực hành y khoa lâm sàng như các bác sĩ thế hệ cũ với cử chỉ, lời nói, bàn tay từ ái, khuôn mặt vui vẻ, bỏ thời gian nói chuyện với bệnh nhân không để các kỹ thuật truyền thông thời đại chi phối như các bác sĩ thời nay lệ thuộc vào máy vi tính quên đi một nền y khoa nhân bản. Ông hợp với tính của tôi không nghiêm nghị quá.

Ngày thăm bệnh sau khi giải phẫu với đông phụ tá đứng quanh ông, tôi đã đùa: “Ông nói tiếng Mỹ giọng Úc cho nên ông muốn giết tôi thay vì bắn súng ông đã dùng dao đâm và rạch một đường từ trên ngực xuống vì tôi nói tiếng Mỹ giọng Việt ông không thích.” Ông cười trả lời: “Đúng đấy, tôi là Crocodile Dundee” (phim năm 1986). Tôi cám ơn ông đã mổ và hỏi: “Con người tôi hơi khác thường, mấy ông thần nghe lệnh Thượng Đế tạo ra tôi đặt ‘chip’ hơi sai chỗ không hiểu ông có thay ‘chip’ khác không. Ông chỉ bác sĩ phụ tá đứng cạnh: “Anh này giỏi vi tính lắm đứng cạnh tôi đã thay ‘chip’ khác cho anh rồi.”

Ông ngạc nhiên khi thấy tôi hồi phục nhanh chóng chỉ một ngày đã đứng dậy đi, nhanh hơn các bệnh nhân ông đã mổ. Một ngày sau khi mổ tôi tự mình đánh răng, rửa mặt, ngồi trên ghế thay vì nằm giường, tập đi tập đứng vệ sinh như đứa trẻ với sự phụ giúp của vợ con. Thói quen đứng “dậy mà đi,” đi bộ chân trái đi trước đến chân mặt, đi bộ như năm 14 đi Hướng Đạo sáng mang ba lô đi từ Sài Gòn đến Thủ Đức, đi bộ không phải là môn thể thao mà là một động tác thể dục, đi ngắm cảnh, đi suy nghĩ chuyện đời, đi tìm người tán gẫu dù trong cảnh nào đi nữa như trong bệnh viện vẫn có người để nói chuyện, vẫn ngắm cảnh thành phố Houston nhìn xuống từ phòng bệnh.

Bệnh nhân hồi phục cũng như diễn viên chính trong phim kịch, phải chính mình giúp mình với những diễn viên phụ bên cạnh như vợ con, anh em trong gia đình, bạn bè thăm hỏi cầu nguyện. Những lời nói vui vẻ những khuôn mặt thân tình đã giúp tôi hồi phục nhanh chóng. Năm ngày về nhà, tuần lễ thứ ba lái xe chạy khắp Houston, đi bộ 2, 3 dặm mỗi ngày, sáu tuần sau đi làm lại bán thời gian.

Rời Nam Cali, trở về Houston, một năm mới lại đến, thăm Giáo Sư Trần Ngọc Ninh người thầy cũ sống gần một thế kỷ, cảm thấy đời người như một giấc mơ, tôi chợt nhớ đến câu thơ “lòng buồn nhớ chuyện trăm năm” và nhớ đến một người thầy trẻ trường y khoa Sài Gòn ngày xưa, Giáo Sư Trần Kiêm Thục. Tôi và Giáo Sư Thục có một mối giao tình đặc biệt, một trong những người vừa là thầy, là anh và là bạn tâm giao với những chuyện tâm tình từ y khoa đến chính trị. Mỗi lần gặp ông, anh em trò chuyện tâm đầu ý hợp vậy mà cuộc đời oái ăm, ngày ông ra đi hồi cuối Tháng Mười tôi lại không được gặp lần cuối để nói một lời từ biệt! (Việt Nguyên)

No comments:

Blog Archive