Thursday, January 31, 2019

Hồn cố thổ!


Tết nào cũng vậy, tệ nạn cờ bạc nó rộ lên như nấm mối gặp mưa. Sòng bầu cua, sòng tài xỉu ngoài xóm. Đang ăn, nhà cái chưa kịp chung tiền, ai đó hô ‘lính tới’ cả bọn chạy thục mạng. Sau mới biết tụi nó chơi đểu, ăn vùa thua giựt. Thiệt là tức trào máu họng.

Còn bài xấu, cái đầu sù sụ con mắt trỏm lơ, mình đi phất phơ như con chó đói. Do đó lỡ binh xập xám, ba phé ba nơi hoài, đầu hôm xao xác bạc tốt như tiên, đến khuya không tiền bạc như chim cú.
Theo tui thì Tết đừng đánh bài là hay hơn hết. Lỡ mình ăn mình vui; thì người thua cũng bà con lối xóm không hè, họ buồn… Mà Tết nhứt mà làm thiên hạ buồn thì lương tâm mình cũng kẹt… ‘phé’.
Cờ bạc là chuyện không nên chơi; thôi mình nói đến chuyện ăn Tết cho nó no, nó vui hơn.
Tết là mứt bí, mứt dừa, mứt me, mứt mãng cầu, mứt gừng, kẹo chuối, chuối khô, …để quý bà uống trà rồi đàm đạo trong những ngày xuân.
Quý anh sui thì đem cái nhạo rượu nếp rót vô ly hột mít, sùi bọt tăm, thơm lừng mùi nếp; gắp miếng củ kiệu tôm khô, đưa vô mồm nhai ngồm ngoàm, xong khà một tiếng.
Đó là sui gia đến nhà nhau chúc tết, nhâu chơi chút đỉnh để giao tình thương mến thương…Sương sương rồi dông qua chúc Tết bà con lối xóm, đủ mặt văn võ bá quan không sót đứa nào, kẻo nó vạc miểng chén, miểng sành, rủa sả: “Giàu hổng bao nhiêu mà làm bày đặt làm phách!”
Cái vụ đi xông đất nầy tui hổng ham rồi vì rất ngại chủ nhà tin dị đoan, kiêng cử cái nầy cái nọ. Anh Phát, Chú Tài mới đặng. Chớ anh Tài đang ngồi với lai rai với chủ mà ỷ mình tên “Quan’ (chớ không phải lính) lọ mọ bước vào thì bà chủ nhà sẽ lấy cái chỗi chà để mà rượt ‘Quan Tài’ đầu năm chạy xịt khói.
Tên Quan cứ ở nhà làm ‘quan’, nhậu với em yêu là ‘phẻ’ nhứt hạng. Ôi thôi lủ khủ, hầm bà lằng, bao nhiêu món ngon ngày Tết sợ ăn tới ra Giêng còn chưa hết.
Món ăn ngày Tết của bà con mình ba miền Bắc, Trung, Nam coi vậy cũng khá khác nhau. Tết thay vì ăn cơm thì người Bắc ăn xôi gấc có màu đỏ cho nó hên. (Rồi có câu ‘đen bạc đỏ tình’. Quánh bài thua là dê được gái. Cái nầy coi bộ khó tin nhe. Thua sạch bóc, không còn một xu dính túi, áo vũ cơ hàn, lại thả dê ra, tui e rằng em nào cũng bĩu môi chê hết ráo.)
Nói chuyện phong tục ngày Tết mấy nhà văn, biên khảo quê mình ‘phét’ nghe rất ‘bốc’. Chẳng hạn như trên bàn thờ, cúng trái cây phải có trái dừa, trái đu đủ, trái mảng cầu và trái xoài thì quý thức giả nầy phán rằng: “Sỡ dĩ có 4 loại trái nầy là vì bà con miệt Lục tỉnh quê mình tin dị đoan chưng trái cây cúng ông bà tiên tổ với lời ước nguyện là năm mới ‘cầu vừa đủ xài’. (Phải vậy hông?)
Chớ theo ngu ý của tui, Tết tới, mùa trái cây đang chín rộ, thơm ngon thì mình cúng ông bà trước để nhớ ơn người xưa đi mở đất, xong người nay rinh xuống ăn, đâu còn y nguyên đấy chớ ông bà vốn thảo ăn chỉ hưởng cái hương hoa thôi.
Rồi các bực thứ giả nầy tán hưu tán vượn, nói bà con mình tin dị đoan vì chịu ảnh hưởng của mấy chú Ba trong quận Năm, Chợ Lớn.
Tết, chú Ba người Quảng Đông, ăn tôm vì tôm là ‘há’, đồng âm với “hí há tài xiu”, là cười to ha hả trong nhà suốt tháng quanh năm.
Rồi ăn thịt heo, tức là ‘trư’, đồng âm với ‘châu’, ý là “châu long nhập thủy’, châu báu tràn vào nhà như nước. Rồi ăn cải xà lách là ‘phát soi’, đồng âm với ‘phát tài’.
Còn chú Ba, người Triều Châu, ăn bánh tổ là ‘niên cao’, mang ý nghĩa là ước mong cho năm mới, gia chủ được may mắn, phát tài, năm mới sẽ tốt hơn năm cũ.
Rồi chè ‘ỉ’ là viên nếp nhỏ, tròn, không nhưn, được nấu chung với nước đường và gừng, khi ăn rắc thêm muối mè. “Ỉ” nghĩa là “viên”, “tròn”. Ăn chè ‘ỉ’ với mong muốn gia đình sẽ luôn được đoàn viên. (Phải vậy hông?)
***
Cứ mỗi độ xuân về, miền Bắc hoa đào nở rộ, miền Nam mai vàng đua sắc thắm nên có bực thức giả phán như thánh rằng: “Chưng mai vàng vào dịp Tết vì sẽ đem đến may mắn”. (Phải vậy hông?)
Có ông còn đi xa hơn (tui e rằng ổng đi lạc) cắt nghĩa trong mâm cơm ngày Tết của dân Lục tỉnh Nam kỳ bao giờ cũng có canh khổ qua dồn thịt, vì ăn khổ qua là mong muốn cái khổ sẽ qua đi.
Nhưng 44 năm, từ khi mất miền Nam, khổ qua đâu không thấy mà khổ nầy qua thì khổ khác tới, khổ dài dài hè; nên bà con mình Tết nào cũng lại tiếp tục ăn khổ qua.
Dân vưỡn, miệt vườn như tui, gọi khổ qua là ‘hủ qua’, không có sướng khổ gì ở đây hết ráo, (người Bắc gọi là mướp đắng cũng nó đó). Hổng lẽ ăn mướp đắng dồn thịt heo bằm nhuyễn với bún tàu, nấm mèo thì mong đời mình sẽ đắng nghét như trái mướp đắng hay sao?
Ca dao cũng có câu: “Đói lòng ăn trái khổ qua. Nuốt vô thì đắng, nhả ra bạn cười.”
Khổ qua, ăn sống, nó đắng nghét như thuốc Tetracycline; nhưng dưới tài nghệ ‘cook, cook’ của em yêu, trái khổ qua bào mỏng, bóp muối cho bớt đắng, làm gỏi thịt bò cho chàng ăn và uống với beer. Quá đã!
Phần đói ăn rau đau uống thuốc nên mấy ông thầy thuốc Nam có cắt nghĩa vầy thuyết phục được tui nè. Trái khổ qua ăn mát, giải nhiệt trong cái nóng ẩm ngày tết miền Nam, loại cholesterol (mỡ xấu trong máu), ăn với thịt kho hột vịt không bao giờ ngán ngược.
Tui cho rằng bà con mình ăn Tết món gì là theo kinh nghiệm mấy ngàn năm ăn uống của ông bà mình truyền lại. Nên nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ra cái định đề về nghệ thuật ăn là mùa nào thức nấy, trong bài Cảnh Nhàn “…Thu ăn măng trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao…”
Em yêu đã chỉ dạy tui một cách có lý rằng: ăn Tết không dị đoan gì hết ráo. Đừng nghe những nhà văn, nhà báo tán láo. Một mâm cơm ngày Tết ngon là phải có cay, chua, ngọt, bùi, đắng mới làm đã cái lưỡi của mình.
Nhà nào Tết cũng có nồi thịt kho hột vịt sắc cầm hòa hiệp với tô canh khổ qua hầm. Món mặn và món canh nầy nầy nó hợp rơ hết biết, như tình anh với em, chớ không phải ăn khổ qua để cầu mong cái khổ nó qua đâu (?!)
Nhắc tới món thịt kho, không cần tới Tết mới ăn mà giỗ chạp hay ngay cả ngày thường cũng có. Em nào trước khi về nâng khăn móc túi anh yêu cũng được má dạy cho cách kho thịt nên rành sáu câu vọng cổ.
Thịt heo tươi, mua về rửa sạch bằng nước muối, cắt miếng vừa ăn có đầy đủ da, thịt và một lớp mở mỏng ở giữa. Ướp với nước mắm nhỉ, đường, bột ngọt, tỏi băm…Thêm một ít ớt sừng trâu chín đỏ. Hột vịt to đùng, lòng đỏ mới nhiều, luộc xong, lột vỏ. Nồi thịt màu cánh kiến, ớt đỏ sừng trâu, chén cơm trắng, dĩa cũ kiệu hay cãi làm dưa. Bảo đảm ăn hết nồi thịt kho, cây kim trên cái cân sẽ vụt cái rét, gãy làm hai vì cái thân bồ tượng của mình sau ba bữa Tết, nếu mình không ăn canh khổ qua để nó làm tan bớt mỡ.
***
Lại nhớ khoảng năm 65, 66 gì đó, thế kỷ trước, hồi tui nhỏ chút éc hè, Má tui kho nồi thịt không phải với hột vịt mà là trứng cút để giúp đồng bào mình qua cơn hoạn nạn.
Chẳng qua dân nghèo thành thị Sài Gòn bị lọt vào bẩy của mấy tay trùm tài phiệt Chợ Lớn cấu kết cùng bè đảng tuốt bên Hương Cảng để xí gạt dân mình. Đó là phong trào nuôi chim cút.
Cái mồi câu bằng cách mướn báo chí rầm rộ đăng tin trứng cút lên giá hàng ngày còn mắc hơn trứng gà, trứng vịt. Có bao nhiêu ‘bao tiêu’ hết bấy nhiêu nên đừng có lo nhe. Cứ mua cút giống về nuôi đi. Cút giống chừng hai tháng là bắt đầu đẻ ngày một trứng, kéo dài đến 9 tháng.
Sau hết đẻ trứng, cút đem ra bán thịt. Rồi lại mua cút giống về gầy đàn mới.
Trứng cút đem bán cho ông chủ tiệm chạp phô người Tàu, cười hè hè nói trứng cút bán chạy lắm, có bao nhiêu nị mang đến đây ngộ bao hết cho.
Trứng cút ăn với muối tiêu như trứng hột vịt lộn đều bổ, cường dương (chắc như viên màu xanh huyền diệu ‘Viagra’ bây giờ vậy). Thịt cút rô ti, chiên bơ lót dưới dĩa là cà tô mát đỏ xắt lát với cải xà lách, cút chấm muối tiêu nhậu với beer 33 là một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm.
Cái thủ đoạn tinh vi, thâm độc nầy bơm giá chim cút giống phình từng ngày một. Cút giống từ 5,000 đồng một cặp cút giống bằng gần 20 đô la bấy giờ, tăng lên gấp đôi 10 ngàn, rồi tăng lên gấp 15 ngàn đồng một cặp.
Người dân Sài Gòn thuở ấy nghèo nhưng lương thiện nhắm mắt, nhắm mũi có bao nhiêu tiền để dành, cũng xuất ra mua cút giống về nuôi.
Sau khi đã hốt được hàng chục triệu đô la của dân nghèo, bọn đầu cơ Chợ Lớn cùng đám đại xì thẩu Hong Kong dông mất. Trứng cút, thịt cút ê hề, ế nhệ rớt giá từng ngày nhưng vẫn ít người mua vì dội chợ.
Bà con mình ngơ ngác hổng biết đứa nào cầm đầu mà chơi quá ác, không để đức gì lại cho con cháu hết trơn?
Thôi thì bị xí gạt, bà con mình xúm lại giúp đỡ nhau qua cơn hoạn nạn. Trứng cút được làm nhân bánh bao, thay trứng vịt như bánh bao bà Cả Cần chẳng hạn.
Còn đứa nào làm ác, gạt tiền mồ hôi nước mắt của dân nghèo thì để bà bắt nó.
***
Mấy chú Ba Chợ Lớn, dân buôn bán, thường dán câu đối liễn giấy đỏ chữ vàng, như: ‘Tân xuân đại cát. Nhất bổn vạn lợi’. Một đồng vốn bỏ ra mà kiếm được tới 10 ngàn đồng lời thì nằm mơ cũng không có. Nếu có, chỉ bằng cách đầu cơ như phong trào nuôi chim cút. Nhưng làm ăn như vậy thất đức lắm nhe.
Cuối năm, quê người, em yêu cũng nấu canh khổ qua rồi kho một nồi thịt bự ế kinh, nhưng tui thấy vẫn còn thiêu thiếu. Ước chi có được một nồi thịt kho hột vịt do Má tui nấu như ngày xưa cũ mang cái hồn cổ thổ cho tui lúc sống xa quê.
đoàn xuân thu
melbourne

No comments:

Blog Archive