JANUARY 19 – 2019
NHÀ NƯỚC NGẦM
Tin bí mật mới được tiết lộ cho biết sau khi TT Trump sa thải giám đốc FBI James Comey, FBI đã thảo luận về việc mở cuộc điều tra xem TT Trump có làm chuyện này “theo lệnh của Điện Cẩm Linh hay không”.
Câu chuyện quốc trưởng Mỹ do dân Mỹ bầu lại hành động theo chỉ thị của Điện Cẩm Linh, cực kỳ vô lý nếu không muốn nói là ngu xuẩn, ấy vậy mà cả nhóm nửa tá viên chức cao cấp lãnh đạo FBI đã xúm lại bàn thảo. Mà không phải là chỉ làm chuyện đó sau khi GĐ Comey bị cách chức, mà trái lại, đã điều nghiên việc này ngay khi ông Comey còn tại chức. Có nghĩa là việc ông Comey bị sa thải chỉ là cái cớ để chính thức hóa việc điều tra chống Trump này.
Tin mới tiết lộ cho biết anh Peter Strzock, là anh FBI chống Trump kịch liệt đã từng được công tố Mueller bổ nhiệm vào Ủy Ban điều tra của ông rồi sau đó bị sa thải, đã khuyến cáo “cần điều tra TT Trump ngay trong khi ông phó giám đốc FBI McCabe còn được làm quyền giám đốc trong khi chờ đợi bổ nhiệm giám đốc mới”.
Tin tiết lộ không cho biết cuộc điều tra có thực hiện hay không và đi đến đâu, có nghiã là vẫn chẳng có gì để… điều tra, hay có điều tra cũng đã chẳng thấy gì.
Dù vậy, tin này chứng minh một điều khá rõ nét: vai trò Nhà Nước Ngầm chống Trump ngay từ đầu thật sự đã lớn hơn mọi nghi ngờ. Có vẻ như cả một âm mưu lớn được phối hợp chặt chẽ giữa FBI, CIA và bộ Tư Pháp từ những ngày dưới thời Obama mà không ai rõ chính TT Obama có biết và có tham gia trực tiếp hay gián tiếp gì không, cho đến những năm tháng đầu dưới Trump. Việc TT Trump đắc cử rồi ngồi được trong Tòa Bạch Ốc cho tới ngày nay, kể ra cũng khá lạ trước những tấn công tàn bạo này.
TTDC đã mau mắn viết bài bàn nếu TT Trump và PTT Pence bị công tố Mueller chứng minh là ‘tay sai’ của Nga thì cả hai sẽ bị đàn hặc và bãi nhiệm và bà Nancy Pelosi sẽ lên làm tổng thống. Tiếng Mỹ gọi chuyện này là ‘wishful thinking’, suy luận theo ước vọng chứ không phải theo thực tế.
Trong một tin liên quan đến cuộc điều tra của công tố Mueller, ông William Barr, người được TT Trump bổ nhiệm làm bộ trưởng Tư Pháp nhưng chưa được Thượng Viện phê chuẩn, đã cho biết ông sẽ để yên cho công tố Mueller tiếp tục điều tra. Ông Barr cũng cho biết trên nguyên tắc, công tố Mueller là viên chức của bộ Tư Pháp bổ nhiệm để điều tra, do đó ông Mueller phải báo cáo cho bộ Tư Pháp, và bộ có trách nhiệm duyệt báo cáo và quyết định công bố báo cáo hay không. Trên nguyên tắc ông Barr nói đúng, nhưng trên thực tế, bạo cáo của ông Mueller sẽ hoàn toàn bị chi phối bởi chính trị và dư luận quần chúng, và ông Barr khó có thể ‘kiểm duyết’ hay không công bố.
Chuyện để ông Mueller tiếp tục điều tra dĩ nhiên không có giải pháp nào khác, cho dù việc mở cuộc điều tra sai ngay từ đầu. Nếu sa thải ông Mueller trước khi ông đúc kết cuộc điều tra, thì chẳng những đảng DC và TTDC sẽ nhẩy dựng lên chống đối, mà cả nước sẽ nghi ngờ TT Trump có lỗi, hoặc là đã thông đồng với Nga hoặc là đã cản trở công lý, và đang che dấu sự thật. Đây sẽ là vết đen không xóa được, chưa kể quốc hội sẽ có lý do chính đáng đàn hặc ông và nhiều nghị sĩ CH có thể bị áp lực chính trị, đồng ý truất phế ông như họ đã làm với Nixon trước đây. Đừng ai quên đàn hặc và truất phế tổng thống là những hành động chính trị dựa trên dư luận quần chúng chứ không phải thuộc phạm vi pháp lý dựa trên luật lệ gì. Thà để ông Mueller đúc kết, nếu TT Trump không có tội, báo cáo bạch hoá ông, thì phe đối lập và TTDC sẽ hết còn oang oang tố bậy được nữa. Nếu quả thực ông Trump có tội, thì sẽ phải chấp nhận hậu quả, khó ai bênh vực được.
Một chuyên gia theo dõi cuộc điều tra của công tố Mueller cho biết có thể công tố Mueller sẽ chấm dứt cuộc điều tra trong vài tuần nữa và báo cáo cuối cùng của ông sẽ… nhạt hơn nước lã (anti-climatic) vì chẳng có tin động trời nào hết, tức là chẳng có chuyện TT Trump thông đồng với Nga hay cản trở công lý gì hết.
TTDC đang làm rùm beng một tin ‘nóng hổi’: theo trang mạng lá cải Buzzfeed, một nguồn tin vô danh đã tố luật sư riêng của TT Trump, ông Michael Cohen, đã khai với công tố Mueller là TT Trump đã ra lệnh cho ông phải nói láo trước quốc hội về quan hệ kinh doanh của ông Trump với Nga cả mấy năm trước khi ông làm tổng thống. Theo CNN và Washington Post, đây là phát đạn ân huệ giết TT Trump. Vài cụ tỵ nạn bị Dị Ứng Trump nặng, đã nhẩy tưng tưng, khui rượu ăn mừng.
Ăn mừng kiểu này sẽ còn rất nhiều dịp và tốn nhiều rượu mà vẫn chưa thấy TT Trump chết, các cụ ơi. Tin buồn cho các cụ này: văn phòng công tố Mueller đã ra thông cáo phủ nhận hoàn toàn tin phịa này. Chưa nghe CNN và WaPo nói gì.
NHÀ NƯỚC VẪN ĐÓNG CỬA
Cho đến khi bài này được viết, Nhà Nước vẫn đóng cửa, đạt mức kỷ lục lâu nhất từ trước đến nay.
Phải nói thêm cho rõ, thật ra Nhà Nước chỉ đóng cửa có dưới 20% chính quyền liên bang thôi (380.000 công chức bị cho nghỉ trên tổng số hơn 2 triệu công chức), trong đó hầu hết là những sở không cần thiết, ngoài ra, những bộ phận cần thiết, đặc biệt là an ninh, quốc phòng, ngoại giao, tiện ích công cộng,... vẫn mở cửa đi làm. Một số công chức đã không nhận được phiếu lương cuối tháng Chạp vừa qua trong khi quốc hội đang phê chuẩn luật trả lương hồi tố cho những ngày Nhà Nước đóng cửa, giống như các lần đóng cửa trước đây.
Ai cũng hiểu tình trạng Nhà Nước đóng cửa gây nhiều thiệt hại, đến một lúc nào đó sẽ không thể tiếp tục, nhưng chẳng ai nhìn thấy một giải pháp nào trước màn thi gan giữa TT Trump và bà Nancy Pelosi.
Một thăm dò mới nhất của Rasmussen cho thấy 53% dân Mỹ ủng hộ việc xây tường trong khi 39% chống. Thăm dò cũng cho biết hơn 60% dân Mỹ không thấy bức tường là “vô đạo đức”, hiển nhiên khi tuyệt đại đa số dân Mỹ có nhà riêng đều có hàng rào chung quanh nhà, nhất là các đại gia và chính khách tai to mặt lớn. Nôm na ra, đa số dân Mỹ đồng ý với quan điểm của TT Trump. Thế nhưng trước những tấn công xuyên tạc của TTDC, cũng đa số lại cho là TT Trump và đảng CH phải chịu trách nhiệm về việc Nhà Nước đóng cửa, trong khi chỉ có một phần tư đổ lỗi lên đầu đảng DC.
Trong khi đó, một quan tòa liên bang đã bác bỏ đơn thưa kiện của 3 nghiệp đoàn công chức, kiện chính quyền Trump vi phạm luật khi bắt họ làm không lương. Nhà Nước không có tiền, công chức trong các cơ sở cần phải mở cửa, làm việc tạm thời không lương rồi lãnh lương hồi tố là chuyện cơm bữa từ mấy chục năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên nghiệp đoàn kiện chính phủ. Vẫn là chuyện của mấy tay bị bệnh Dị Ứng Trump.
Có một chuyện ít người để ý: TT Trump cũng như nhiều lãnh tụ CH có vẻ không mất ngủ quá nhiều về chuyện Nhà Nước đóng cửa. Phải nói cho rõ Nhà Nước thật ra chỉ đóng cửa một phần, mà cũng chỉ là Nhà Nước liên bang thôi, trong khi các công sở và công chức tiểu bang và địa phương vẫn chẳng bị ảnh hưởng gì. Khối bảo thủ là khối chủ trương một Nhà Nước liên bang càng nhỏ càng tốt và mọi việc nên trông cậy vào sáng kiến tư nhân cũng như trao cho các tiểu bang nhiều quyền tự trị hơn. Việc Nhà Nước liên bang đóng cửa trong mấy tuần qua chứng minh một Nhà Nước liên bang nhỏ đi vẫn chưa phải là tận thế. Chính quyền Trump chắc chắn đang nghiên cứu hậu quả và rất có thể sau khi mở cửa lại, sẽ tìm cách thu hẹp Nhà Nước vĩnh viễn một phần.
Trên nguyên tắc, rất khó sa thải công chức. Tuy nhiên có luật ít người để ý: một công chức nghỉ làm trên 30 ngày sẽ tự động bị sa thải, nếu muốn trở về làm lại, phải xin lại và chính phủ có quyền nhận lại hay không. Nhà Nước đã đóng cửa 30 ngày rồi. Có một tờ báo đã đoán chừng TT Trump có thể sẽ không thu nhận lại nhiều người, một dịp tốt để thu nhỏ Nhà Nước lại.
[Nguyên văn luật Title 5, Code of Federal Regulations, Part 351: An agency is required to use the RIF (Reduction in Force) procedures when an employee is faced with separation or downgrading for a reason such as reorganization, lack of work, shortage of funds, insufficient personnel ceiling, or the exercise of certain reemployment or restoration rights. A furlough of more than 30 calendar days, or of more than 22 discontinuous work days, is also a RIF action]
Chưa kể đây cũng sẽ là dịp... vớt đầm lầy, cho đám Nhà Nước Ngầm về hưu non.
Tin mới nhất: bà chủ tịch Hạ Viện, Nancy Pelosi, đã viết thư cho TT Trump, đe dọa sẽ không ‘mời’ ông đọc Báo Cáo Tình Trạng Liên Bang hàng năm nữa nếu Nhà Nước không mở cửa lại, viện cớ các cơ quan an ninh đóng cửa, thiếu nhân viên lo an ninh cho buổi họp. Trên nguyên tắc, tổng thống đọc báo cáo hàng năm trước quốc hội theo lời mời của quốc hội. Bây giờ bà tân chủ tịch Hạ Viện muốn biểu diễn uy quyền mới của bà để bắt chẹt TT Trump. Hiểu được TT Trump, ít ai nghĩ ông này sẽ chịu thua dễ dàng. Ông con của TT Trump đã đánh tiếng ngay là phe DC sợ TT Trump sẽ trình bày tất cả sự thật cho dân Mỹ nên tìm cách bịt miệng tổng thống hay ít ra cũng giảm uy thế của bài diễn văn.
Tin mới hơn nữa: TT Trump đã đáp lễ, gửi thư cho bà Pelosi, thông báo cho bà biết chính phủ sẽ không cấp máy bay Nhà Nước cho bà đi Âu Châu và Afghanistan như dự tính vì lý do Nhà Nước đóng cửa. Theo luật, các phái đoàn công du phải đi máy bay quân sự, và tổng thống, với tư cách Tổng Tư Lệnh Quân Lực, phải chấp nhận các chuyến bay này. TT cho biết nếu bà Pelosi muốn tự ý trả tiền đi máy bay dân sự thì đó là quyền của bà. Bà Pelosi dĩ nhiên không muốn trả tiền đi máy bay thương mại nên đã hủy chuyến đi, viện cớ TT Trump đã tiết lộ chuyến bay cho ISIS biết và chuyến đi của bà không an toàn nữa.
Không ai biết dân Mỹ sẽ phản ứng như thế nào về cuộc chiến giữa TT Trump và khối đối lập DC, ngày càng găng, hay chính xác hơn, ngày càng ... trẻ con, chỉ lo đánh nhau bất cần quyền lợi đất nước và coi quần chúng như pha.
Tin mới khác: nhân vật số 2 của DC trong Hạ Viện, dân biểu Steny Hoyer, đã lên tiếng xác nhận bức tường biên giới là cần thiết, có hiệu quả, và chẳng có gì là ‘vô đạo đức’ hết. So với tuyên bố của số 1 Nancy Pelosi, có vẻ như trống đánh xuôi kèn thổi ngược?
TT Trump cho biết sẽ ói chuyện với quốc dân về vụ đóng cửa Nhà Nước, 3 giừ trưa Thứ Bảy 19/1/2019. Bài này ra trước nên không biết TT Trump sẽ nói gì.
CÁC QUAN TÒA CẤP TIẾN TIẾP TỤC CHỐNG TRUMP
Trong tuần qua, các quan tòa cấp tiến đã có ba phán quyết bất lợi, chống lại quyết định của TT Trump. Trong cả ba trường hợp, các quan tòa đều do TT Obama bổ nhiệm.
Hai vụ đầu liên quan đến Obamacare, về điều lệ bắt các công ty phải mua bảo hiểm phá thai cho tất cả nhân viên, kể cả nhân viên nam và phụ nữ lớn tuổi vì bảo hiểm có tính tập thể. Điều lệ này đã bị một hội đoàn các sơ công giáo kiện vì vi phạm tự do tôn giáo của họ, bắt họ phải tài trợ phá thai là điều cấm kỵ trong công giáo.
Trường hợp thứ ba liên quan đến quyết định của chính quyền ghi thêm câu hỏi về công dân trong thống kê dân số. Mỗi 10 năm, chính phủ Mỹ làm thống kê dân số để phân bổ các viên chức dân cử cũng như lấy nhiều quyết định về trợ cấp an sinh,... Thiên hạ phải trả lời hàng loạt câu hỏi cá nhân. Trước đây, trong các câu hỏi, có câu liên quan đến việc có phải là công dân Mỹ hay không. Câu hỏi này sau đó bị bỏ dưới thời TT Kennedy vì số dân không có quốc tịch Mỹ sống thường trực ở Mỹ quá nhỏ không đáng quan tâm, không có cả chục triệu di dân lậu như bây giờ, nhưng chính quyền Trump muốn nêu lên lại. Phe DC, nhất là tại Cali, chống vì ý định muốn kể luôn tất cả di dân lậu, là việc hiển nhiên họ rất cần. Một quan tòa New York đã phán chính quyền Trump không có quyền đặt câu hỏi này.
Cả ba trường hợp dĩ nhiên sẽ lên tới Tối Cao Pháp Viện để giải quyết.
CẬU ẤM ĐI BẮC KINH
Tin từ Bắc Hàn cho biết chủ tịch Kim Jong Un của Bắc Hàn đã đi Bắc Kinh gặp chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là lần thứ tư Cậu Ấm Ủn qua thỉnh ý Trung Cộng, chính thức hay bí mật. Tòa Bạch Ốc mới xác nhận Cậu Ấm và TT Trump sẽ gặp nhau lần nữa cuối tháng Hai tới. Chứng tỏ đã có tiến bộ ngầm nào đó chứ không có lý do gì hai người gặp nhau nữa mà không có gì thay đổi hay thỏa thuận nào đó.
TTDC loan tin này kèm theo lời bàn đại khái là Cậu Ấm đã thành công rực rỡ hơn bố và ông nội, từ vai trò lãnh tụ độc đoán của một xứ độc tài ruồi muỗi, bây giờ “bỗng nhiên” được TT Trump đôn lên ngang hàng với quốc trưởng đại cường lớn nhất thế giới. Hàm ý vạch ra sự yếu đuối hay hèn nhát gì đó của TT Trump so với các tổng thống tiền nhiệm như Obama, Bush hay Clinton đã ‘cứng rắn không chịu gặp’ các lãnh tụ BH.
Đây là một nhận định có thể không sai lắm, nhưng hời hợt và thiếu sót lớn vì không đề cập đến quá trình lịch sử, không đặt câu hỏi tại sao đi đến tình trạng này. Chẳng có chuyện “bỗng nhiên” gì hết, mà là hậu quả của chính sách yếu đuối của ba đời tổng thống Mỹ trước TT Trump.
Thực tế lịch sử là Bắc Hàn dưới thời ông nội và bố của Cậu Ấm đúng là một nước ruồi bu, hạng bét trong bất cứ kiểu xếp hạng nào. Nhưng cũng là một nước vận dụng tất cả mọi phương tiện, bất kể cái giá phải trả, cho dù dân cả nước chết đói, để tập trung mọi nỗ lực biến thành một nước sản xuất được bom nguyên tử. Không cần nhiều cũng chẳng cần mạnh hay bắn xa tới Mỹ. Chỉ cần vài trái đủ tiêu diệt Hán Thành hay một vài thành phố khác của Nam Hàn hay Nhật là cả thế giới, kể cả Mỹ đã phải lạnh xương sống rồi vì BH chẳng một phút ngại ngùng nếu cần xử dụng, cho dù cả triệu người sẽ chết.
Trong khi ông cháu Cậu Ấm chúi mũi làm bom thì các tổng thống Mỹ nhắm mắt làm ngơ, phản đối chiếu lệ, cấm vận cho dân BH chết chứ chẳng cản trở gì việc chế tạo bom. Các TT Clinton và Bush còn có một vài cố gắng thỏa hiệp, ký hiệp ước vớ vẩn mà cả thế giới biết BH coi như pha. Đến thời TT Obama thì ông Nobel Hòa Bình này nhắm chặt cả hai mắt, chẳng có thỏa hiệp gì cũng chẳng dám nói tới BH nữa. Khi anh sinh viên Otto Warmbier bị bắt, chính quyền Obama im re, lại còn khuyến cáo gia đình anh không nên khiếu nại la ó gì, sẽ làm phật lòng Cậu Ấm, cứ để yên may ra cậu sẽ nương tay cho. Rốt cuộc, Cậu Ấm tra tấn, đánh anh sinh viên đến gần chết rồi thả về Mỹ để chết.
Trong suốt ba đời tổng thống Mỹ, BH yên ổn thử nghiệm và sản xuất được bom và cả hoả tiễn tầm trung, bây giờ đã có thể mang bom tới Alaska hay Hawaii không chừng. TT Trump là người lãnh đủ cái gia tài nhắm mắt của ba ông tiền nhiệm, phải trực diện với nguy cơ BH đã có bom và có thể ném xuống Hán Thành hay Tokyo thật. Vì sinh mạng của cả chục triệu dân Nam Hàn hay Nhật, TT Trump đành phải đi thương thuyết, nói chuyện với Cậu Ấm. Cuộc thương thảo vẫn chưa đi đến đâu, hai bên còn đang ‘hét giá’, nhưng ít nhất thì ta cũng đã thấy BH đã không thử nghiệm bom hay hỏa tiễn từ cả năm nay rồi trong khi Mỹ chưa nhúc nhích gì hết trong vụ cấm vận BH. Nếu đó không phải là tiến bộ thì thế nào mới là tiến bộ? Muốn Cậu Ấm hai chân quỳ xuống xin lỗi cả thế giới mới là tiến bộ sao?
Câu hỏi cho những người chỉ trích hay chê trách TT Trump: vậy chứ theo họ thì TT Trump có thể làm gì khác? Hãy so sánh những việc làm của bốn đời tổng thống một cách công tâm, xem ai đã làm gì, ai đã không làm gì, trước khi chỉ trích.
MỸ RÚT KHỎI SYRIA
Tin từ Syria cho biết quân lực Mỹ đang rục rịch rút lui ra khỏi Syria đúng như TT Trump đã ra lệnh.
Ngay sau khi TT Trump thông báo chuyện này, phe đối lập DC, TTDC và ngay cả các nhóm CH diều hâu đã đả kích TT Trump kịch liệt, cho rằng đây là quyết định hấp tấp, thiếu suy nghĩ, hay tệ hơn nữa, có tính bốc đồng không cân nhắc kỹ hậu quả. TTDC đoán mò tuy không đưa ra bằng chứng nào là bộ trưởng Quốc Phòng, tướng Mattis đã từ chức để phản đối quyết định nguy hiểm này.
Các đồng minh của Mỹ trong vùng cũng tỏ ra lo lắng về chính sách của TT Trump đối với an ninh trong vùng.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đi một vòng các nước đồng minh đó, từ Ả Rập Saudi đến Thổ Nhĩ Kỳ và Do Thái, để giải thích quyết định của TT Trump và trấn an. Cố vấn An Ninh Quốc Gia, ông John Bolton cũng đã trấn an dư luận bằng cách xác nhận Mỹ sẽ không gấp rút quân quá nhanh. Trong ‘mô thức Trump’ mà ta đã thấy quá nhiều lần, TT Trump nói cứng, cho các ông Pompeo và Bolton nói mềm. TTDC khai thác và bóp méo thành “các phụ tá của Trump phản bác Trump” !
Trong khi đó, quyết định vẫn được thi hành.
Giữa tuần qua, quân cảm tử ISIS đã tấn công quân Mỹ, khiến 4 quân nhân Mỹ tử thương. TTDC đã mau mắn chạy tít khổng lồ với chủ ý đả kích quyết định rút quân của TT Trump, miả mai bôi bác TT Trump đã lại nói láo khi nói ISIS đã bị tiêu diệt. Sự thật là TT Trump chưa khi nào nói ISIS đã bị tiêu diệt 100%, là chuyện chẳng thể có, mà vấn đề là ISIS có còn là lực lượng mạnh đủ để biện minh cho sự hiện diện của cả ngàn quân Mỹ, tốn kém cả tỷ một năm hay không.
CNN LÊN CƠN ĐIÊN?
Trong một cuộc ‘thảo luận’ trên CNN, bình luận gia John King nêu thắc mắc tại sao dân Mỹ phải đóng tiền thuế để trả tiền mật vụ bảo vệ bà vợ PTT Pence, chỉ vì bà này dám đi nói chuyện tại một trường học công giáo chống dân đồng tính.
Nhiều người đã phản đối, đặt vấn đề với anh CNN này, có phải là ý anh ta nói vì bà PTT là công giáo đi nói chuyện tại trường công giáo thì không còn xứng đáng để mật vụ bảo vệ an toàn nữa sao? Nếu có chuyện gì xẩy ra cho bà thì... bà ráng chịu vì cái tội đã là công giáo dám chống dân đồng tính sao? Chắc CNN chỉ chấp nhận bảo vệ an ninh cho bà nếu bà là ... Hồi giáo hay đồng tính thôi sao?
CNN càng ngày càng... điên!
_________________________
CÂU CHUYỆN NHÀ NƯỚC ĐÓNG CỬA: NÓI CHO RÕ
Tuần qua, trên các trang mạng cộng đồng đã xuất hiện một bài viết của một tác giả bên Âu Châu, bàn về chuyện xây tường biên giới Mễ và Nhà Nước Mỹ đóng cửa. Hiển nhiên vì sống bên Âu Châu, nên quan điểm của ông ta có phần bị ảnh hưởng bởi truyền thông cấp tiến chống Trump đến cùng của Âu Châu.
Theo ông ấy thì chuyện “tổng thống shutdown thì phải gọi đó là tổng thống shutdown” và mấy “bình luận gia” không nên “nói quanh nói láo” và phải viết “với tinh thần tự trọng, lương thiện”.
Vị độc giả này không nêu đích danh tên ai, nên kẻ này chẳng dám khẳng định “bình luận gia” ở đây có phải ý nói về kẻ này hay không, nhưng có một sự ‘trùng hợp’ là một-hai ngày trước khi bài báo xuất hiện, kẻ này đã có dịp ‘tranh luận’ qua emails riêng với vị độc giả đó và ông ta đã không đồng quan điểm với kẻ này và khẳng định TT Trump là người lấy quyết định đóng cửa Nhà Nước, hiểu theo nghĩa ông không bắt buộc phải làm vậy với uy quyền của tổng thống, nhưng vẫn làm vì tính toán chính trị.
Tôi phép xin minh định vấn đề cho quý độc giả rõ.
Trước hết, nói về nguyên tắc căn bản, có hai vấn đề: dữ kiện và quan điểm. Dữ kiện thì phải trung thực và khách quan 100%, trong khi quan điểm thì chủ quan 100%.
Trong câu chuyện Nhà Nước đóng cửa, tôi có viết chuyện này không phải là tổng thống tự ý đóng cửa mà là vì không được quốc hội chuẩn chi tiền, tức là Nhà Nước không có tiền trả lương công chức, phải đóng cửa. Đây là những dữ kiện khách quan có thật 100%, không có gì là “nói láo”. Quốc hội liên bang không đưa ra ngân sách, Nhà Nước liên bang không có tiền trả lương công chức, tổng thống phải đóng cửa Nhà Nước tức là đóng cửa công sở, cho công chức nghỉ làm, đó là sự thật.
Nói TT Trump không chịu ký dự thảo ngân sách của Hạ Viện hay của Thượng Viện là không biết gì về thủ tục luật lệ Mỹ. Tổng thống không bao giờ ký dự luật nào của riêng Hạ Viện hay Thượng Viện, mà chỉ ký sau khi Thượng Viện và Hạ Viện đã đúc kết được một dự luật chung duy nhất, đã được cả hai viện biểu quyết thuận. Cho đến nay, chưa hề có được dự thảo chung nào về ngân sách hay việc xây tường đã được viết ra và phê chuẩn bởi cả hai viện nên TT Trump đã không có gì để ký.
Nếu muốn chi tiết, thì phải nói thêm là dĩ nhiên tổng thống không thể đóng cửa Nhà Nước 100% vì có nhiều nhu cầu không thể ‘đóng cửa’ được, như quốc phòng, ngoại giao, an ninh quốc gia (tiêu biểu là an ninh TSA ở các phi trường), trả tiền trợ cấp, thu và hoàn trả tiền thuế cuối năm, bưu điện,… Do đó chỉ có thể đóng cửa một phần (hiện nay chỉ là dưới 20%) và trong các cơ quan đóng cửa đó, công chức được cho nghỉ ở nhà, tuy không lương nhưng sau này vẫn được lương hồi tố cho những ngày nằm nhà.
Ở những cơ quan bắt buộc phải mở cửa vì nhu cầu thiết yếu, có hai trường hợp, một là cơ quan đó có quỹ dự phòng đặc biệt và nhân viên vẫn được lãnh lương, hai là các nhân viên bị bắt phải đi làm không lương, tuy sau khi Nhà Nước mở cửa lại thì cũng sẽ được lãnh lương hồi tố. Điều vị độc giả Âu Châu không hiểu rõ là tổng thống đúng là có thể không đóng cửa Nhà Nước, nhưng như vậy chỉ có nghiã là ông bắt công chức phải đi làm không lương thôi.
Đó là những ‘dữ kiện khách quan’. Khi nói về lỗi của ai thì không còn là nói chuyện ‘dữ kiện khách quan’ nữa, mà là bàn luận theo ý kiến chủ quan cá nhân. Có ba thành phần có thể phải chịu trách nhiệm về việc đóng cửa Nhà Nước: TT Trump, đảng CH và đảng DC hay quốc hội nói chung, tùy quan điểm chủ quan của mỗi người thôi. Nhưng thực tế là tất cả đều có phần trách nhiệm không nhiều thì ít. Quan điểm của tôi là lỗi nơi quốc hội nói chung lớn hơn vì họ không thỏa thuận được một dự thảo ngân sách chung để tổng thống ký. Vị độc giả tranh luận với tôi thì khẳng định đó là lỗi của TT Trump vì ông là người lấy quyết định đóng cửa Nhà Nước.
Theo cách nhìn của kẻ này, ông chủ công ty không đưa tiền phát lương, ông quản lý đành phải cho một số nhân viên nghỉ làm tạm thời (đóng cửa ) trong khi một số khác phải làm không lương, chờ ông chủ đưa tiền. Nhìn lại cho kỹ, nếu nói vì ông quản lý là người đã trực tiếp ra lệnh đóng cửa hãng, do đó ông là người chịu trách nhiệm, thì có phải là suy nghĩ quá ‘đơn giản’ không?
Còn về tố giác “nói láo, thiếu tự trọng và lương thiện”, nếu đó là công kích “bình luận gia” Vũ Linh này chỉ vì khác biệt quan điểm thì tôi sẽ không bàn đến vì chẳng có gì để bàn. Tôi chỉ tranh luận về quan điểm trong tinh thần tương kính, không tham gia vào những công kích cá nhân qua lại vớ vẩn.
Vũ Linh
No comments:
Post a Comment