Dẹp Tết Âm Lịch
Nguyen Tai Ngoc
Ảnh từ Internet
Còn hơn ba tuần nữa thì đến Tết Nguyên Đán. Để giải thích cho những người nửa chừng xuân như tôi thời gian sống ở Mỹ đã gấp đôi, gấp ba lần ở Việt Nam (tiếng Việt quên đi ít nhiều vì không sống ở quê nhà và tiếng Anh nói dở ẹc vì sang Mỹ không vào thời niên thiếu), không hiểu Tết Nguyên Đán là gì thì Tết Nguyên Đán là Tết Âm lịch.
Ai vẫn không hiểu Tết Âm lịch là gì thì tôi xin giải thích thêm Tết Âm lịch là lịch tính toán dựa trên sự xoay chuyển của mặt trăng, không như dương lịch dựa trên sự xoay chuyển của mặt trời.
Tại sao tổ tiên ta đặt ra lịch? Lý do dễ hiểu là ngày xưa những kẻ phạm pháp nhưtướng cướp Bạch Hải Đường bị Tòa kết án phạt tù hai năm, ba năm tù ở, nhưng nếu không có lịch thì làm sao người ta biết được tù nhân đã ở mấy ngày? Hoặc mấy ông chồng gian dối vợ muốn gặp bồ nhí, nói láo với vợ phải đi làm xa hai ngày nhưng thật sự đi hai tuần, nếu không có lịch thì làm sao vợ biết chồng mình đi bao lâu? - vì thế mà mới có nhu cầu phát minh ra lịch.
Nói đến âm lịch chắc ai cũng nghĩ ngay là phải phát xuất từ Tầu là nước già cú đế; nhưng thưa không, người ta tìm được chứng tích cho thấy âm lịch đã bắt nguồn từkhoảng năm 8000 trước Công nguyên ở Scotland (Tiếng Việt là "Tô-Cách-Lan". Tôi không hiểu sao chữ "Scotland" người mình lại dịch là "Tô-Cách-Lan", hay là chữ"America" Dương Quảng Hàm lại dịch là "Á-Mễ-Lị-Cơ", nhưng cứ viết ra đây cho độc giả rộng đường dư luận).
Nếu dùng chứng cớ viết lách thời xưa để lại mà nhân loại tìm được thì văn hóa Tầu - chỉ có 3600 năm -, còn thua văn hóa Ai Cập - 5000 năm -, là nước đã dùng âm lịch từ xưa. Việt Nam chúng ta chỉ giỏi bắt chước nên bắt chước Trung Quốc dùng âm lịch theo họ. Nếu ai tin văn hóa Việt Nam có đến bốn nghìn năm văn hiến với 18 đời vua Hùng Vương thì xin đến nhà tôi mua lúa giống 100 dollars/ một hạt. Không kểbánh xèo Đinh Công Tráng mà nhà khảo cứu Nguyễn Văn Mỗ tìm được 30 năm về trướcở chợ Tân Định, văn hóa chúng ta chỉ có chừng 2300 năm sau khi nghiên cứu chi tiết trên trống đồng Ngọc Lữ mà người ta tìm được vào năm 1893 ở kế cận lăng "bác".
Trong khi có vết tích nhân loại đã dùng âm lịch 10,000 năm trước, dương lịch mà thế giới dùng hiện giờ chỉ bắt đầu vào Tháng 10 năm 1582, chỉ mới có 437 năm trước đây, hơn 9000 năm sau khi âm lịch được thông dụng.
Câu hỏi hiển nhiên là cách tính ngày của âm lịch - dựa theo mặt trăng, và dương lịch - dựa theo mặt trời, cũng na ná tương tự nhau, thế thì tại sao nhân loại quá chậm tiêu 9000 năm sau mới sáng chế ra dương lịch? Nghe thì khúc mắc nhưng sự thật rất dễ giải thích: mắt con người không thể nào nhìn thẳng vào ánh mắt trời, mãi cho đến khi Chanel và Louis Vuitton phát minh ra kính râm có khả năng che bớt ánh sáng thì lúc đó người ta mới dám nhìn vào mặt trời để tính toán ngày tháng.
Ngoại trừ người Việt nào ở gần tiệm Hột vịt lộn Long An trên đường Bolsa Blvd. ở Orange County - California, tiệm Giò chả Đức Hương ở Story Road - San Jose, quán Bún măng vịt Thanh Đa ở Bellaire Blvd - Houston Texas, Tết Nguyên Đán là một ngày như mọi ngày trên nước Mỹ và hầu hết trên các quốc gia khác, chẳng ai hồ hởi để ý vì nó chỉ là một ngày thường lệ, quân dân cán chính phải đi làm.
Tôi thật sự không hiểu tại sao người mình vẫn dùng âm lịch. Dương lịch thì giờ giấc và năm tháng dễ hiểu, trong khi âm lịch thì dùng "Thập nhị Chi", "Thập Can", nghe không biết đâu mà lường, hiểu cũng không xong. Ngày xưa thời độc thân tôi có quen một cô này tôi thật tình yêu và muốn cưới. Cô ta không thích tôi nhưng vì lịch sựkhông muốn làm phật lòng nên nói khéo với tôi là cô ấy đồng ý, và đã chọn giờ Sửu, ngày Mậu Dần, tháng Ất Ngọ, năm Bính Dậu để hai đứa làm đám cưới. Tôi nghe ù ù cạc cạc chẳng hiểu là gì. Không cần nói tiếp quý vị cũng đoán được là cuộc tình ấy của tôi đã trở nên: "Em đi đường em tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi".
Thế giới có 195 quốc gia, hầu hết đều kỷ niệm Tết dương lịch, ngoại trừ chỉ vài nước: Trung Hoa, Hàn Quốc, Lào, Singapore, Tibet, Mã-Lai, Việt Nam. Những nước này vẫn kỷ niệm ngày Tết âm lịch theo Trung Hoa.
Âm lịch không chính xác, khó nhớ, cách tính không đơn giản như dương lịch , thế thì tại sao người Việt chúng ta cứ kỷ niệm Tết ta theo Tết của người Hoa mà không ăn mừng Tết dương lịch?
Chẳng những Trung Hoa đô hộ nước chúng ta một nghìn năm mà còn tiếp tay với miền Bắc thôn tính miền Nam năm 1975, đẩy lùi đất nước ngược lại vào thời tiền sử hai mươi năm cho đến khi Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton vào năm 1994 rút lệnh cấm vận với Việt Nam. Lịch sử cho thấy Trung Hoa chỉ muốn tước đoạt và thôn tính Việt Nam thì tại sao chúng ta, những người mang giòng máu An Nam, lại cứ thờ ơ cắm đầu bắt chước phong tục của họ?
Cúng ông Táo, bày mâm ngũ quả (tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủ, Hỏa, Thổ, năm yếu tố cấu thành vũ trụ), không quét nhà trong ngày Tết... đều là những phong tục hết sức mê tín mà chúng ta mê muội bắt chước Trung Quốc thi hành trong ba ngày Tết.
Cái gì của nước người hay thì tôi đồng ý cổ võ hai chân lẫn hai tay là chúng ta nên bắt chước. Chẳng hạn như phong tục tập quán của người Nhật. Thế nhưng Trung Quốc thì toàn là những phong tục xấu mà dân Việt mình bắt chước theo: hỉ mũi khắp nơi, đái bậy ngoài đường, ăn uống bẩn thỉu, xả rác nơi công cộng, nhà cửa dơ dáy, nói năng lớn tiếng...
Minh Trị Thiên Hoàng, ông vua có công to nhất trong lịch sử canh tân biến Nhật Bản thành cường quốc thế giới, khi lên ngôi năm 1867 đã cải cách tất cả Nhật Bản theo chiều hướng Âu Mỹ, từ chính trị, xã hội, cho đến kinh tế. Minh Trị Thiên Hoàng nhận thấy phương Tây đã vượt quá xa Nhật Bản nên gửi sinh viên sang Pháp, Mỹ du học, và nhờ Hải Quân Pháp tân trang Hải Quân Nhật. Đồng thời, Minh Trị Thiên Hoàng đã mướn 3000 chuyên gia nước ngoài đến Nhật huấn luyện cho dân chúng trong tất cả mọi lãnh vực, kể cả học tiếng Anh.
Điều thứ tư trong năm điều cải cách Minh Trị Thiên Hoàng đưa ra là: "Thay thếphong tục xấu xa bằng các điều luật công bằng của tự nhiên". Dĩ nhiên là vì điều khoản cải cách này mà 265 năm trị vì của chế độ phong kiến võ sĩ đạo shogun bị dẹp bỏ, nhưng cũng trong thời gian này, vào năm 1872, nước Nhật dẹp bỏ Tết Tầu, chỉ ăn mừng Tết Tây.
Nước Nhật là gương tiêu biểu cho chúng ta noi theo. Không lý do gì chúng ta cứ bắt chước Trung Quốc kỷ niệm Tết theo âm lịch. Dẹp Tết -không chính xác- vào khoảng giữa tháng Giêng đến giữa tháng 2. Thay vào đó, chúng ta ăn Tết vào ngày 1 Tháng 1 dương lịch. Muốn nghỉ ba ngày Tết thay vì một như phương Tây thì cứ việc, không ai ngăn cản. An Nam Mít chúng ta phải nhất quyết khước từ, dẹp bỏ, không theo phong tục tập quán Trung Quốc.
........................
Tôi xin bổ túc câu trên một tí: bánh bò, bánh tiêu, dầu cháo quẩy, sủi cảo, heoquay, thịt vịt quay... chúng ta vẫn còn bắt chước Trung Hoa được, không sao.
Nguyễn Tài Ngọc
January 2019
No comments:
Post a Comment