Sunday, January 27, 2019

Dấu ấn tuần qua: Venezuela – Khi lòng dân hóa bão


Venezuela DATQ
Trong tuần qua, mọi cặp mắt đều đổ dồn vào đất nước Nam Mỹ từng một thời thịnh vượng nhưng nay đang trên bờ vực khủng hoảng – Venezuela.

Lần này, Venezuela không gây chú ý bởi những dòng người di cư chạy trốn lạm phát, đói khát và chế độ độc tài đang tàn phá đất nước như đã thấy trong suốt hơn 1 năm qua, mà họ thu hút mọi ánh nhìn như một cơn bão bùng lên để thổi bay cường quyền bạo ngược.

Xuống đường cho tương lai

Hôm 23/1, hàng chục ngàn người dân đã đổ xuống đường như dòng thác lũ, với quyết tâm cuốn phăng chế độ của Tổng thống Nicolas Maduro, vốn đã tàn phá đất nước một thời xinh đẹp, thịnh vượng nhất Nam Mỹ.
Họ đã xuống đường, vì tương lai của chính họ. “Đất nước khủng hoảng kinh tế đã trở nên không thể chịu đựng nổi. Hôm nay tất cả chúng tôi cần phải ra ngoài để giải cứu quê hương”, ông Marta López, một giám đốc kinh doanh 46 tuổi, trả lời phỏng vấn của báo New York Times (NYT).
Hoặc vì tương lai của con cái họ. “Nỗi sợ ư? Không có gì. Tự do và các con tôi là tất cả những gì tôi quan tâm”, Gabriela Aristimuno, một luật sư 40 tuổi, cũng trả lời NYT.
Venezuela
Dân Venezuela “đi bão” vì dân chủ. (Ảnh: Facebook)
Ông Jose Luis Galindo, một lính cứu hỏa ở Venezuela, cho biết: “Đây là lúc để thoát khỏi tình trạng hỗn loạn này, chúng tôi đã trải qua hơn 20 năm. Tôi ở đây vì tương lai của con tôi, và tôi sẽ ở lại miễn là chính quyền Maduro kết thúc”.

Vì đâu nên nỗi?

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc (LHQ), trong những năm gần đây đã có hơn 3 triệu người trốn khỏi Venezuela vì khủng hoảng kinh tế và chính trị. Con số này có thể tăng lên hơn 5 triệu người vào cuối năm 2019, nếu chế độ cầm quyền hiện tại vẫn duy trì.
Ước tính của BBC cho rằng có tới 5.000 người Venezuela rời bỏ đất nước mỗi ngày, với mong muốn thoát khỏi tình trạng đói nghèo trầm trọng đang bao vây quốc gia này.
Trong báo cáo công bố tháng 5/2018, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết hầu hết người Venezuela không ăn đủ no. Theo theo hãng tin Al Jazeera, người dân nước này thậm chí phải bới rác tìm thức ăn.
Venezuela
Người dân Venezuela phải bới rác tìm thức ăn (Ảnh: Daily Mail)
Tổng thống Maduro đổ lỗi tình trạng đói nghèo ở Venezuela là do Mỹ và châu Âu đã tiến hành “chiến tranh kinh tế” chống lại Venezuela và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhiều thành viên trong chính phủ của ông.
Nhưng các nhà bình luận nói rằng chính sự quản lý kinh tế sai lầm, đầu tiên là người tiền nhiệm Hugo Chávez và bây giờ là Maduro, đã khiến Venezuela rơi vào tình trạng nghèo đói trầm trọng.
Venezuela trước đây là một quốc gia thịnh vượng nhờ có trữ lượng dầu mỏ vào hàng cao nhất thế giới. Thế nhưng, dưới sự cầm quyền của Hugo Chavez, đất nước nhanh chóng lâm vào kiệt quệ.
Venezuela
Con gà 2,4 kg có giá tương đương 215 triệu tiền Việt Nam. (Ảnh: Reuters)
Ông Chavez đã chọn đi theo con đường kế hoạch hóa nền kinh tế, tập trung phát triển kinh tế nhà nước và triệt tiêu dần kinh tế tư nhân, đồng thời cũng tập trung quyền lực, độc tôn lãnh đạo.
Chính những điều này đã đưa Venezuela nhanh chóng rơi vào kiệt quệ. Khi sắp chết, Hugo đã “truyền ngôi” lại cho ông Maduro. Người kế vị ông sau đó có xu hướng triệt tiêu hoàn toàn dân chủ, đưa Venezuela rơi vào vòng xoáy bất ổn nghiêm trọng như đã biết.

Chính quyền ‘bất hợp pháp’?

Ngày 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có dòng trạng thái Twitter chỉ trích chế độ Maduro: “Các công dân của Venezuela đã phải chịu đựng quá lâu dưới sự kiểm soát của chính quyền Maduro bất hợp pháp”.
Tại sao một tổng thống đương nhiệm lại bị ông Trump gọi là bất hợp pháp? Ông Maduro đã ngang nhiên dùng quyền lực của mình để vô hiệu hóa Quốc hội. Vào tháng 3/2017, Tòa án Tối cao Venezuela thân Maduro đã tuyên bố tước bỏ mọi quyền lực của Quốc hội.
Động thái này bị phản đối mạnh mẽ, khiến Tòa tối cao phải rút lại nỗ lực vô hiệu hóa Quốc hội.
Nhưng Maduro vẫn không từ bỏ. Tháng 5/2017, bất chấp bị lên án mạnh mẽ, ông tuyên bố thành lập một hội đồng lập hiến (Quốc hội lập hiến) có quyền tối cao đối với tất cả các nhánh trong chính phủ – tức có thể thay thế Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.
Nicolas Maduro
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong cuộc họp báo tại Caracas ngày 25/1. (Ảnh: Reuters)
Thứ hai , cuộc bầu cử hồi tháng 5 đưa ông lên nắm quyền ở nhiệm kỳ 2 bị cho là gian lận. Trước khi tổ chức bầu cử, ông Maduro đã tuyên bố cấm hầu hết các đảng đối lập tham gia tranh cử, theo VOA.
Vì vậy, cuộc bầu cử đã bị các đảng đối lập chính như Justice First (Công lý Trên hết), Popular Will (Ý nguyện Toàn dân) và Democratic Action (Hành động Dân chủ) tẩy chay, ông Maduro gần như là “độc mã” trên đường đua.
Cuộc bầu cử cũng bị nhiều cử tri tẩy chay, với tỷ lệ cử tri đi bầu chỉ 46%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 80% của cuộc bầu cử năm 2013.
Nhưng Mỹ không công nhận kết quả bầu cử. Canada và một liên minh gồm 14 quốc gia Mỹ Latinh cũng tuyên bố cuộc bỏ phiếu này bất hợp pháp, bao gồm Argentina, Mexico, Brazil, Chile, Colombia, Panama, Paraguay, St. Lucia, Guyana, Peru, Honduras, Guatemala và Costa Rica.
Chính vì những lý do trên, ông Maduro đã bị gán biệt danh “người chiếm đoạt” khi ông tuyên thệ nhiệm kỳ 2 mới đây.

Từ ẩn số thành tâm điểm

Nổi lên trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela hiện nay là một người đàn ông chỉ mới 35 tuổi, ông Juan Guaido, người vừa tuyên bố làm Tổng thống lâm thời nước này.
Cách đây 1 tháng, nếu hỏi Guaido là ai, có lẽ những người bên ngoài và thậm chí nhiều người dân Venezuela cũng khó trả lời. Thế nhưng, nay cả thế giới biết đến ông như một người đứng ra đối chọi với sự độc tài chuyên quyền của “Tổng thống chiếm đoạt” Maduro.
Ông Guaido chỉ mới nhậm chức Chủ tịch Quốc hội Venezuela vào ngày 5/1. Và rất nhanh chóng, ngày 23/1, ông tuyên bố rằng Hiến pháp đã trao quyền cho ông, với tư cách là Chủ tịch Quốc hội, có thẩm quyền tiếp quản chức vị tổng thống lâm thời và thành lập một chính phủ chuyển tiếp cho tới khi ông kêu gọi cuộc bầu cử mới.
Theo các tờ báo Nam Mỹ, ông Guaido tuy tuổi trẻ nhưng tài cao, đã giành được sự ưu ái của cả tầng lớp thượng lưu đối lập và tầng lớp lao động Venezuela, những người đã xuống đường yêu cầu ông Maduro từ chức. Chính điều này đã giúp ông vụt sáng từ một “ẩn số chính trị” trở thành ngôi sao trên bầu trời chính trị tối tăm của Venezuela.
Juan Guaido, Chủ tịch Quốc hội Venezuela, chào mừng những người ủng hộ ông tại Caracas, Venezuela hôm 23/1/2019. (Ảnh: REUTERS/Carlos Garcia Rawlins)
Tổng thống Mỹ Donald Trump là người đầu tiên công nhận tuyên bố làm Tổng thống lâm thời Venezuela của ông Guaido. Tiếp sau đó là công nhận của các nước Mỹ Latinh và Canada.
Ở châu Âu, cho đến nay Anh đã tuyên bố công nhận ông Guaido là Tổng thống lâm thời Venezuela, trong khi Pháp, Đức và Tây Ban Nha tuyên bố sẽ công nhận ông Guaido nếu trong 8 ngày nữa mà không có cuộc bầu cử tự do nào được tổ chức ở đất nước Nam Mỹ.
Trong khi đó, chỉ có một số ít nước ủng hộ Maduro, gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Cuba và Bolivia.

Không ai ngăn nổi mùa Xuân

Ngày 26/1, Hoa Kỳ đã kêu gọi thế giới ủng hộ Tổng thống lâm thời Juan Guaido của Venezuela và ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ của tại quốc gia Nam Mỹ này.
Phát biểu tại cuộc họp ở Liên Hợp Quốc hôm thứ Bảy (26/1), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: “Chúng tôi kêu gọi tất cả thành viên của Hội đồng Bảo an ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ của Venezuela và vai trò của Tổng thống lâm thời Guaido”.
Hoa Kỳ cũng đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ công nhận Quốc hội Venezuela là cơ quan hợp pháp duy nhất ở Venezuela.
Điều này đồng nghĩa sẽ phủ nhận vai trò tổng thống của Maduro cùng những cơ quan do ông này lập ra, trong khi sẽ công nhận ông Guaido vì ông được Quốc hội bầu lên.
Trong bài phát biểu mới nhất trước công chúng, ông Guaido ví von: “Có một câu nói, bạn có thể ngắt một bông hoa nhưng không thể ngăn nó nở lại khi mùa Xuân đến”.

Mỹ Khánh
Theo dkn.tv

No comments:

Blog Archive