Saturday, January 26, 2019

Di dân Venezuela ở Mỹ hồi hộp quan sát cuộc khủng hoảng tại quê nhà


venezuela
Claudia Kahwati, 18 tuổi, ở giữa, cầm cờ Venezuela trong cuộc biểu tình ở Công viên Downtown Doral vào thứ Tư ngày 23/1. Hàng ngàn người đã tập trung tại Doral để ủng hộ Juan Guaido, chủ tịch Quốc hội Venezuela, người tự xưng là Tổng thống lâm thời của Venezuela. (Ảnh: Matias J. Ocner/Miami Herald)

Venezuela đang trong giai đoạn bất ổn chính trị nhưng nó mang lại hy vọng cho hàng chục ngàn di dân quốc gia Nam Mỹ đang sinh sống tại Hoa Kỳ, theo New York Times.
Trong 16 năm sinh sống tại Hoa Kỳ, ông José Antonio Colina, cựu quân nhân Venezuela đang sinh sống tại Nam Floria, đã không kết hôn, không sinh con, và không tích lũy quá nhiều đồ dùng, tờ New York Times đưa tin.
Lý do mà ông đưa ra là: “Tôi hạn chế tối thiểu các thứ, vì rằng đến thời điểm có thể, tôi có thể rời đi mà không có bất kỳ vướng bận nào”, ông cho biết. “Khi có một tổng thống mới tại Venezuela, và có các điều kiện cho sự sống, tôi sẽ trở về quê nhà ngay ngày hôm sau”.
Lần đầu tiên kể từ khi ông trốn chạy khỏi quê nhà vào năm 2003, sau khi quay lưng với chính phủ Venezuela trước đây. Ông Colina, 44 tuổi nghĩ rằng ngày đó [về quê hương] có thể đến sớm.
Venezuela đang trong một giai đoạn khủng hoảng chính trị lần đầu tiên sau nhiều năm, đã mang lại một vài hy vọng cho hàng chục ngàn người dân Venezuela di cư sang Hoa Kỳ – con số đã tăng gần gấp bội kể từ năm 2010.
Hoa Kỳ hiện là nhà của hơn 300.000 người Venezuela và số người xin tị nạn đã tăng vọt.
Hàng ngàn người đã tập trung tại một công viên thành phố Miami hôm thứ Tư (23/1) để biểu tình ủng hộ chủ tịch Quốc hội Venezuela, Juan Guaidó, người đã tuyên bố là tổng thống lâm thời và được các nhà lãnh đạo chính trị quanh bán cầu công nhận, trong đó có Tổng thống Trump.
venezuela
Mọi người cầm biển hiệu và tạo dáng chụp ảnh khi họ phản đối Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro với khoảng 150 người khác trên Quảng trường Trung tâm Ocala ở Ocala, Fla., vào thứ Tư 23/1.(Ảnh: Bruce Ackerman / Star-Banner, Associated Press)
Người dân đã đổ xuống các con đường tại Venezuela để yêu cầu xóa bỏ ông Nicolás Maduro – tổng thống thứ 46 Venezuela – người đã dễ dàng tái đắc cử năm ngoái sau khi các đối thủ của ông bị loại và bị bỏ tù.
Ông Maduro đã từ chối rời cương vị, nhưng đối với những người Venezuela tại Nam Florida và các nơi khác tại Hoa Kỳ, sự xuất hiện của một tổng thống song song trong tuần này đã mang đến một sự lạc quan rằng chính phủ mà họ coi là một chế độ độc tài có thể sớm đi tới hồi kết.
“Lúc đầu, bạn cảm thấy phấn khích, sau đó chuyển sang thận trọng”, ông Colina nói về cảm nhận của những người đồng hương của ông đang sinh sống tại Nam Florida.
Các động thái chính trị ở Caracas có thể tác động ngược lại cho người dân Venezuela tại Hoa Kỳ, bởi nhiều người trong số họ đang chờ đợi quyết định về đơn xin tỵ nạn của họ. Một số người sợ rằng nếu ông Maduro bị buộc “bước sang một bên”, cơ hội giành được sự bảo vệ vĩnh viễn của họ ở Hoa Kỳ có thể giảm đi.
Những người Venezuela giàu có từ lâu dành dụm tiền ở Mỹ và mua căn hộ ở Miami. Khi cựu Tổng thống Hugo Chávez lên nắm quyền, hàng chục ngàn người cũng bắt đầu định cư tại Florida.
Trong những năm gần đây, những người Venezuela có ít điều kiện hơn như giáo viên, kỹ sư và chủ doanh nghiệp nhỏ, họ cũng chạy trốn khỏi biến động chính trị và kinh tế dưới thời ông Maduro đã định cư tại các thành phố khác nhau như Columbia, Houston và Salt Lake City.
venezuela 1
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ Florida Marco Rubio (giữa) và Rick Scott (phải), Thống đốc bang Florida Ron DeSantis (ngoài cùng trái) và Đại diện Đảng Cộng hòa từ Florida Mario Diaz-Balart (trái) phát biểu trước các phương tiện truyền thông về Venezuela. (Ảnh: Michael Reynolds/EPA, Shutterstock)
Phần lớn trong số họ vào Mỹ bằng visa du lịch và sau đó xin ty nạn, số lượng lớn nhất sống tại tiểu bang Florida, khoảng 200.000 người.
Samuel Toledo, 30 tuổi, một nhà báo người Venezuela, đã đến Hoa Kỳ vào tháng 3/2017 và được cấp phép tỵ nạn khoảng một năm sau đó, hiện anh làm phóng viên tại Univision, tiếng Tây Ban Nha, ở Miami.
“Tình hình ở mọi khía cạnh – kinh tế, chính trị và xã hội – là rất nghiêm trọng. Người bị ảnh hưởng nhiều nhất là người dân”, anh Samuel Toledo nói, với tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và các mặt hàng cơ bản khác khiến cuộc sống ở Venezuela ngày càng không thể chịu đựng được. “Có những người đi bộ đến biên giới vì họ không đủ khả năng mua vé máy bay”.
Những người Venezuela đã theo dõi tình hình quê nhà với sự lường trước và lo lắng, khi ông Chávez và ông Maduro lần lượt tồn tại – và Venezuela đã chìm sâu vào siêu lạm phát và hỗn loạn. 
Năm ngoái, mỗi tháng có hơn 2.000 người Venezuela nộp đơn xin tỵ nạn, theo thống kê của Dịch vụ Công dân và Di trú Hoa Kỳ, Venezuela luôn đứng top đầu số người xin tỵ nạn toàn cầu. Một báo cáo liên bang năm 2016 cho thấy số người Venezuela nộp đơn xin ty nạn đã tăng gấp 19 lần chỉ sau 4 năm.

Khai Tâm

No comments:

Blog Archive