Bức Tường
Ký Thiệt
Bất đồng ý kiến giữa Tổng thống Trump và Hạ viện về năm tỉ đô-la trong ngân sách để xây dựng bức tường biên giới phía nam Hoa Kỳ đã đưa đến quyết định “đóng cửa một phần chính quyền” Mỹ, từ ba tuần nay và chưa thấy có dấu hiệu bao giờ sẽ mở cửa lại.
Theo ông Trump bức tường ấy cần thiết để ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp pháp từ các nước phía nam. Hạ viện dưới sự kiểm soát của đảng Dân Chủ không đồng ý và nói rằng chỉ phí tiền và không hiệu quả để giải quyết vấn đề di dân.
Một buổi điều đình ngân khoản dựng tường biên giới giữa DC và TT Trump bất thành
Đảng Dân Chủ và phe tả còn kết tội bức tường là “vô nhân đạo” (inhumane), bà Pelosi, tân chủ tịch Hạ viện, thì gọi việc xây bức tường này là “một sự vô luân lý, không đạo đức” (immorality). Truyền thông báo chí (TTDC và TTTT) hùa theo, đả kích việc xây dựng bức tường, so sánh bức tường này với Vạn Lý Trường Thành bên Tàu thời xưa và với “bức tường ô nhục” ngăn đôi Berlin của cộng sản trong thời Chiến tranh Lạnh.
Ngược lại, TT Trump cáo buộc đảng Dân Chủ đã gây ra vụ đóng cửa chính quyền và chính trị hóa việc xây dựng bức tường biên giới, rất cần cho an ninh nước Mỹ mà Bộ Nội An, các giới chức liên quan đến vấn đề di trú và biên phòng đều ủng hộ.
Hơn nữa, xây dựng bức tường biên giới phía nam nước Mỹ cũng là một dự án trong số những kế sách được ông Trump đưa ra khi tranh cử và hứa với cử tri là ông sẽ thực hiện nếu ông đắc cử tổng thống. Nay, ông Trump làm tổng thống hơn hai năm rồi, đã quá nửa nhiệm kỳ mà ông không thể thực hiện lời hứa được vì Quốc hội không chịu chi tiền, trong khi Quốc hội đem 20 tỉ đô-la tiền dân Mỹ đóng thuế đi viện trợ cho nhiều nước trên thế giới về những chuyện vớ vẩn không ích lợi gì cho nước Mỹ!
Lại nữa, chuyện xây dựng bức tường ở biên giới phía nam nước Mỹ đâu phải bây giờ mới được nói tới và do “sáng kiến” của ông Trump? Thật ra, ý kiến làm một rào cản giữa biên giới hai nước Mỹ-Mễ đã do Tổng thống Clinton đưa ra, nhưng cho đến năm 2006 mới được Tổng thống George W. Bush thực hiện với sự ủng hộ của cả hai đảng tại Quốc hội để ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp pháp kéo nhau vượt qua biên giới bỏ ngỏ vào Mỹ như chỗ không người.
Barack Hussein Obama, khi ấy còn là nghị sĩ đã bỏ phiếu tán đồng, Nghị sĩ Joe Biden, sau này trở thành phó tổng thống cũng bỏ phiếu thuận. Nghị sĩ Hillary Rodham Clinton, “tổng thống Mỹ tương lai muôn thuở”, cũng bỏ phiếu chấp thuận đạo luật “Hàng rào An ninh 2006” (Secure Fence Act of 2006). Chưa hết, lãnh tụ khối thiểu số tại Thượng viện Charles E. Schumer và Nghị sĩ Dianne Feinstein cũng bỏ phiếu thông qua “Secure Fence Act for 2006”.
Bây giờ, cũng những người này đang lớn tiếng nói với mọi người rằng xây dựng một bức tường dọc theo biên giới là vô luân lý, vì nó giết chết những đứa bé bị những người lớn vô trách nhiệm kéo băng ngang sa mạc nguy hiểm để vượt qua biên giới vào Mỹ một cách bất hợp pháp.
“Secure Fence” thì khác “wall” cái gì? Có khác chăng là “bức tường” có hiệu lực hơn “rào cản” để ngăn chặn di dân bất hợp pháp.
Những chính trị gia mang mặt nạ nhân ái và đạo đức giả rơi nước mắt cá sấu khóc thương những di dân bất hợp pháp, trong đó trà trộn nhiều thành phần bất hảo, tội phạm hình sự, buôn lậu ma túy, và có thể cả khủng bố.
Trong khi đó thì họ làm ngơ trước cái chết của Hạ sĩ Ronil Singh, một cảnh sát viên ở California, trước đây đã di cư hợp pháp từ Fiji và đang sống trong giấc mơ Mỹ và phục vụ cộng đồng của anh ta tại Newman, một tỉnh nhỏ ở California. Ngày hôm sau Lễ Giáng Sinh vừa qua, Hạ sĩ Singh đã bị bắn chết mà thủ phạm là một di dân bất hợp pháp, Gustavo Perez Arriaga, thuộc một băng đảng bạo hành ngoài đường phố.
Hạ sĩ Singh đã bị bắn khi chặn chiếc xe do Arriaga lái trong lúc say rượu. Hung thủ đã bị bắt hai ngày sau, trong một cuộc truy lùng ráo riết diễn ra trên toàn tiểu bang. Cảnh sát cho biết Arriaga đang định chạy trốn về Mễ, và đã cáo buộc “luật sanctuary” bao che di dân bất hợp pháp tại California đã gây ra cái chết của Hạ sĩ Singh.
Ronil Singh chết, để lại người vợ đau khổ và đứa con trai mới năm tháng. Anh Singh không phải là cảnh sát viên đầu tiên đã bị giết bởi những di dân bất hợp pháp, và cũng đã có những thường dân vô tội, trong đó có thanh niên nam và nữ, trẻ em và người già, đã bị giết chết bởi di dân bất hợp pháp ra vào nước Mỹ năm lần bảy lượt như đi chợ.
Những cái chết oan ức này đã không bao giờ làm bận tâm các chính trị gia “giàu lòng nhân ái” ở Quốc hội và những người chống đối “bức tường”. Họ còn công khai che chở cho di dân bất hợp pháp với những “sanctuary cities” và đòi giải tán ICE (Immigration and Customs Enforcenent), cơ quan có nhiệm vụ thi hành luật pháp về di dân và quan thuế tại Mỹ.
Và, những lãnh tụ khối dân biểu Dân Chủ tại Hạ viện đã rời Washington, đi đâu thì không ai biết! Chuyện “bức tường” có vẻ bế tắc và vụ đóng cửa một phần chính quyền liên bang chưa biết sẽ kéo dài bao lâu nữa.
Như một nỗ lực để khai thông bế tắc, ông Trump đã mời các lãnh tụ cả hai viện Quốc Hội tới tham dự buổi điều trần tại Tòa Bạch Ốc ngày 26 tháng 12 về vấn đề an ninh biên giới trong lúc phải đóng cửa một phần chính quyền liên bang vì chính quyền không được cấp ngân khoản để làm bức tường. Tổng thống ngỏ ý muốn điều đình, như ông tweet cho bà Pelosi: “An ninh biên giới và chuyện Bức tường và vụ đóng cửa liên bang không phải là nơi mà Nancy Pelosi nuốn để khởi đầu chức chủ tịch Hạ viện! Let’s make a deal?”
Lời mời của ông Trump đã được đưa ra sau khi phe Dân Chủ tại Hạ viện phổ biến kế hoạch mở cửa chính quyền mà không chấp thuận tài khoản cho bức tường biên giới bằng cách làm hai dự luật cấp ngân sách cho các cơ quan chính phủ và đưa 800 ngàn công chức liên bang trở lại nhiệm sở. Họ dự trù hai bản dự luật sẽ được thông qua trong phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới vào ngày 27 tháng 12. Nhưng cho đến nay, không nghe kết quả ra sao và theo tin Fox News ngày 28 tháng 12 thì ông Trump cương quyết giữ vững lập trường về bức tường biên giới sau cuộc họp thứ hai với các lãnh tụ quốc hội đã đổ vỡ, không kết quả. Ông cũng cảnh cáo phe Dân Chủ việc đóng cửa một phần chính quyền liên bang sẽ có thể kéo dài “hàng năm” và cho biết ông có thể tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” (national emergency) để làm bức tường mà không thông qua Quốc Hội, nếu cần.
Trong cuộc họp báo chiều Chủ nhật, 6 tháng 1, sau khi trở về từ Camp David, ông Trump đã tái xác nhận đang cứu xét để tuyên bố tình trạng “khẩn cấp quốc gia” và do đó dùng quyền lực tổng thống cho phép ông phái quân đội tới làm bức tường.
Vài người bên phía Dân Chủ nhìn nhận luật liên bang có cho ông Trump quyền lực để tuyên bố tình trạng khẩn cấp, dù thế họ đã cho biết họ và những đồng minh của họ sẽ cố trói buộc bất cứ quyết định nào như vậy vào những vụ tranh tụng kéo dài trước tòa án.
Nhưng, ông Trump quả quyết: “Chúng tôi trông đợi để có một tình trạng khẩn cấp quốc gia vì chúng ta có một tình trạng khẩn cấp quốc gia.”
Tháng trước, Ngũ Giác Đài cho biết đã có một cuộc nghiên cứu về vấn đề này mà quyết định là Bộ Quốc Phòng không thẩm quyền pháp lý để làm một tường rào biên giới, nếu nó chỉ là một phần của chiến dịch chống ma túy hay một phần của tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Cùng lúc, các giới chức Bộ Quốc Phòng cho biết vấn đề pháp lý đã được nghiên cứu và họ không có kế hoạch đặc biệt nào để tiếp theo.
Tham dự phiên họp nội các đầu tiên ngày 2.1.2019 tại Tòa Bạch Ốc, Quyền Bộ trưởng Quốc Phòng Patrick M. Shanahan cho biết Công Binh Hoa Kỳ (Army Corps of Enginners) đã tiếp tay giúp xây dựng những phần phụ thêm vào bức tường biên giới Mexico của ông Trump và Ngũ Giác Đài đã nghiên cứu để tìm cách tăng cường hỗ trợ Bộ Nội An để ngăn chặn là sóng di dân bất hợp pháp. Ông nói: “Mối đe dọa là có thật, cơ nguy là có thật.”
Trong quá khứ đã có tiền lệ dùng quân đội Mỹ để xây dựng những cơ sở tại Afghanistan và Iraq. Nhưng, nếu ông Trump ban hành tình trạng khẩn cấp và dùng quân đội để làm bức tường biên giới sẽ khó tránh khỏi những vụ tranh tụng và tòa án sẽ bị đặt vào địa vị trọng tài để phân xử, giữa tuyên bố của ông Trump rằng những di dân bất hợp pháp, ma túy, tội phạm và khủng bố đang tràn qua biên giới tây nam, và mặt khác, lập luận cố định của phía đảng Dân Chủ rằng biên giới có đủ an ninh, không cần xây tường.
Biên giới Mexico không thiếu an ninh? Tòa án và thẩm phán, nếu không bị chính trị nhuộm đen lương tri, có thể phán quyết trong vài phút. Nhưng, cuộc tranh cãi về bức tường sẽ còn kéo dài không biết tới bao giờ, khi trong đầu óc những chính trị gia đã có “bức tường vô hình” ngăn cản họ không nhìn thấy cái gì khác hơn là tranh danh đoạt lợi.
Cũng may là nước Mỹ vẫn còn có những loại người khác, những con người bình thường, vô danh, sẵn sàng đóng góp cho đất nước này tất cả những gì mình có và tin, như một người tên Brian Kolfage, một phi công thuộc Không lực Hoa Kỳ đã bị thương nặng trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào căn cứ Không quân Balad, Iraq, năm 2004, khi anh được đưa sang đây tham chiến lần thứ hai. Kolfage được giải ngũ với tấm thân tàn phế. Tháng trước, Kolfage mở ra chiến dịch gây quỹ để giúp xây bức tường biên giới với tên “We the People Will Fund the Wall”, với Website gofundme.com để nhận tiền đóng góp, và đã thu được một triệu đô-la vào ngay chiều ngày 19.12.2018. Tính đến hôm nay 10/1/2019, tổng số tiền đóng góp khoảng $20,128,239; và sẽ còn nữa để đạt tới 1tỷ Mỹ kim như ông Brian Kolfage đưa ra chỉ tiêu.
Kolfage đã viết về việc làm của mình như sau:
“Trước đây, chính quyền đã nhận những khoản tiền quyên tặng lớn của tư nhân, gần đây nhất là một tỉ phú đã cho 7.5 triệu đô-la để tài trợ phân nửa chi phí tu sửa Đài Tưởng niệm Washington vào năm 2012; việc này cũng không có gì khác.
“Giống như đa số công dân Mỹ đã bỏ phiếu bầu Tổng thống Donald Trump, chúng ta đã bỏ phiếu cho ông để Make America Great Again. Lời hứa chính trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump là XÂY BỨC TƯỜNG. Và trong khi ông đã thực hiện hầu hết mọi lời hứa cho tới nay, dự án về bức tường này cũng cần được hoàn thành.
“Là một cựu chiến binh đã cống hiến khá nhiều, ba trong tứ chi, tôi cảm thấy đã đầu tư sâu xa vào đất nước này để bảo đảm những thế hệ tương lai có tất cả những gì chúng ta có ngày hôm nay. Quá nhiều người Mỹ đã bị giết bởi di dân bất hợp pháp và quá nhiều di dân bất hợp pháp đã khai thác hưởng lợi do những người đóng thuế tại Hoa Kỳ mà không có ý định đóng góp cái gì cho xã hội chúng ta.
“Tôi có ông bà đã di cư tới Mỹ một cách hợp pháp, họ đã làm như vậy bằng con đường ngay thật và đây là lúc áp dụng luật pháp của chúng ta, và hãy giúp cho bức tường này HOÀN THÀNH! Đó là trách nhiệm của người Mỹ để trợ giúp và bắt tay vào làm cho dự án này tiến hành.”
Có bao nhiêu người Mỹ như cựu chiến binh Brian Kolfage?
Ký Thiệt
No comments:
Post a Comment