Sunday, November 2, 2008

4EB Phỏng Vấn Hoàng Nguyên, Hưng Việt v/v Taste Vietnam & Bùi Trọng Cường

Chương trình phát thanh 4EB, 02 Nov 2008

Phần chuyển tự:

Mộng Trinh: Kính thưa quý vị thính giả,

Vụ Taste Vietnam, một hội chợ của du sinh Việt Cộng tổ chức, đã qua đúng một tháng nay, nhưng dư âm vẫn còn sôi động trong cộng đồng chúng ta, không những ở Qld mà còn lan rộng ra cấp liên bang Úc châu. Có hai quan điểm về vụ Taste Vietnam này, một là của BCH CĐ Qld và một số đảng viên đảng Việt Tân và một là của một số đoàn thể trong cộng đồng. Đáng lý ra câu chuyện cũng đã được tạm ngưng, nhưng trong phần phát thanh tuần qua, trong khi được phỏng vấn, thay vì chỉ nói đến vụ Taste Vietnam và những quan điểm cùng thái độ của BCH CĐ, BS Cường đã nhân cơ hội lên đài đề cập đến nhiều cá nhân với những phê bình tiêu cực. Để giữ thái độ công bằng, và cũng để rộng dường dư luận, hôm nay chúng tôi dành thời gian cho hai trong bốn vị bị BS Bùi Trọng Cuờng phê bình cơ hội lên tiếng.

Xin mời quý vị theo dõi cuộc nói chuyện với phóng viên Hoàng Nguyên, tức BS Nguyễn văn Hoàng, và ông Trần Hưng Việt, trưởng ban phát thanh Việt ngữ đài 4EB, đồng thời cũng là cựu CT CĐ Qld.

***
MT: Xin chào anh Hoàng và anh Việt.

Hoàng Nguyên, Hưng Việt: Chào quý vị thính giả và chị Mộng Trinh

MT: Mộng Trinh xin được có vài câu hỏi với anh Hoàng và sau đó sẽ xin có vài câu hỏi với anh Việt. Nhưng trước tiên, kính thưa quý vi thính giả, để làm sáng tỏ mục đích buổi nói chuyện này, chúng tôi xin được phát thanh lại đoạn phát biểu của BS Bùi Trọng Cường liên quan đến quý anh trong buổi phát thanh tuần rồi.

(Phần ghi âm của BS Cường:)
"- Một ông cựu Chủ Tịch, một vị Trưởng Ban đài phát thanh Việt Ngữ đài 4EB, đã không kềm được sự nóng giận để mắng một người khác là câm miệng đi.
- Một ông thâu hết tất cả những lời phát biểu của mọi người, nhưng về đến nhà thì cắt xén, về đến nhà thì bỏ bớt những gì để bao che cho những người mình muốn bao che. Họ đã làm việc thiếu trung thực.
- Một ông Chủ Tịch của Hội Cựu Quân Nhân đã la hét, la lối, thách thức.
- Rồi ông Chủ Tịch của Hội Không Quân đã chửi thề, đã xông vào định hành hung tôi."

MT: Thưa anh Hoàng, trước lời cáo buộc của BS Cường là anh cắt xén để bao che cho những người anh muốn bao che, trước lời cáo buộc của BS Cường là anh làm việc thiếu trung thực, anh có điều gì cần trình bày không ạ?

HN: Cám ơn Mộng Trinh đã cho Hoàng cơ hội này.

BS Cường đã cáo buộc Hoàng bao che cho những người Hoàng muốn bao che và BS đã chỉ trích ba người, tuy không nêu tên nhưng đã nêu chức vụ.

Thưa chị Trinh và quý vị thính giả, phần giải thích và trần tình của Hoàng gồm ba điểm, thứ nhất là vấn đề kỹ thuật thu âm, thứ nhì là vấn đề kỹ thuật làm phóng sự, thứ ba là vấn đề đạo đức làm truyền thông và phẩm cách làm người.

Nói về phần kỹ thuật thì thế này. Phần thu thanh của buổi bàn thảo hôm 3/10/08 được thực hiện ngoài trời, với trên 20 người ngồi chung quanh, chưa nói có cả một hội chợ bên cạnh. Nếu chị Trinh và quý vị thính giả còn nhớ buổi phát thanh phóng sự "Taste Vietnam" 3 tuần trước thì thấy phần thu âm lời phát biểu của anh Việt không rõ ràng, nhiều đoạn Hoàng phải tóm lược thay lời anh, vì anh Việt ngồi ở xa và có nhiều tạp âm. Đoạn mà BS Cường đề cập về lời phát biểu của anh Việt thực sự không nghe được rõ trong phần thu thanh.

Còn đoạn mà BS Cường đề cập về sự tranh chấp giữa BS và ông Hội trưởng hội Ái Hữu Không Quân thì hoàn toàn không có thu âm, vì đó là sau khi BS Cường rời khỏi buổi nói chuyện mà Hoàng đã tắt máy. Nhưng theo lời ông Hội Trưởng Không Quân tường thuật lại thì có sự khác biệt với lời của BS Cường. Mình không thể chỉ tin một phía.

Do không có nhưng đoạn thu âm ấy, hoặc có mà nghe không được, Hoàng không thể nào phát thanh. Còn phần phát biểu của ông Huỳnh Bá Phụng thì đã được Hoàng phát thanh rồi, không có bao che gì cả. Đó là phần kỹ thuật thu âm. Hoàng thật vô cùng thất vọng là BS Cường không hề có tài liệu thu âm của Hoàng mà cáo buộc hồ đồ như vậy.

Song thưa chị Trinh và quý vị thính giả, cho dù có những đoạn ấy, Hoàng cũng không phát thanh vì lý do kỹ thuật làm phóng sự. Như chị Trinh và có thể một số quý vị đã biết, trong chương trình phát thanh phóng sự Taste Vietnam, chúng ta chỉ có 30 phút thời lượng cho phóng sự này. Hôm ấy ngoài phần thông báo, thư ngỏ vân vân, phải xin thêm giờ và lấn chương trình ngôn ngữ Hy Lạp hết 5 phút. Phần thu âm toàn bộ cuộc nói chuyện giữa BS Cường và đồng hương, phần phỏng vấn Hoàng Sơn Trà, phần lời dẫn của Hoàng tổng cộng dài trên 1 tiếng đồng hồ. Làm sao gom trên một tiếng đồng hồ vào một phóng sự 30 phút được?

Điều quan trọng nhất là chủ đề chính của phóng sự phóng sự này là để nói về buổi hội chợ "Taste Vietnam" và phản ứng của Ban Chấp Hành Cộng Đồng, xem BCH CĐ đối phó với một hoạt động mà cộng đồng cho là thuộc nghị quyết 36 như thế nào. Những phần không quan hệ đến chủ đề này không nên được đưa vào dù có đủ thời gian, vì nếu đưa tất cả mọi việc vào thì sẽ làm loãng đi chủ đề chính. Nếu BS Cường có chút ít hiểu biết về việc làm phóng sự thì cũng biết các phóng sự như của 60 Minutes chẳng hạn, nhiều khi người ta quay cả tiếng đồng hồ nhưng chỉ dùng có vài giây. Việc BS Cường dùng chữ "cắt xén", hay "về nhà cắt xén để bao che" vân vân như một sự cáo buộc chứng tỏ là ông không hiểu gì hết về cách làm phóng sự, hay ông hiểu mà lại có dụng ý gì đó nên mới nói hồ đồ như vậy.

Cuối cùng thưa chị Trinh và quý vị thính giả, điều Hoàng muốn trình bày thêm là vấn đề đạo đức làm truyền thông và tư cách làm người.

Thưa quý vị, chúng tôi quan niệm làm truyền thông là mang đến những tin tức, những sự kiện liên quan đến đời sống của thính giả, không quan niệm làm truyền thông là bươi móc một câu nói, một cá tính của một cá nhân, nhất là trong trường hợp này nó không liên quan đến chủ đề của phóng sự Taste Vietnam hay nghị quyết 36. Về phẩm cách con người thì ngạn ngữ phương Tây có nói, "người có tâm hồn cao rộng thì bàn về đề tài tư tưởng, như nói về chủ thuyết, về tự do, dân chủ, nhân quyền. Người có tâm hồn bình thường thì nói về sự kiện, như chuyện Taste Vietnam, hay bầu cử TT Mỹ. Người có tâm hồn nhỏ nhen, ti tiện, thì bàn chuyện cá nhân, như bươi móc một thái độ cá nhân, lợi dụng cơ hội lên để đài đả kích thái độ người này, người nọ. Đạo đức truyền thông và nhân phẩm làm người của chúng tôi không cho phép chúng tôi bàn những chuyện tiểu tiết, lặt vặt cá nhân, không liên quan đến chủ đề chính, trên một phương tiện truyền thông đại chúng. BS Cường có thể xem một lời nói nóng giận của một người đáng để được đài phát thanh loan tải, nhưng đó là cái nhìn của BS.

MT: Cám ơn anh Hoàng đã giải thich rất rõ ràng về những lý do từ phần thu âm, kỹ thuật làm phóng sự, đạo đức truyền thông và phẩm cách làm người. Nhưng trong phần nói chuyện anh Hoàng có đề cập đến nghị quyết 36 của VC, Trinh và chắc một số thính giả không rõ nghị quyết 36 là gì và tại sao mình lại cho là chuyện tổ chức Taste Vietnam của du sinh là một hoạt động của nghị quyết 36.

HN: Cám on chị Trinh. Đây cũng là điều mà Hoàng nghĩ nên trình bày. Nghị quyết 36 là một chủ trương của CSVN nhằm mục đích lợi dụng tài nguyên, nhân lực của người Việt hải ngoại, của chúng ta, những người mà một thời VC dùng những chữ như "ma cô đĩ điếm" để miệt thị. Nghị quyết 36 khá dài, Hoàng xin trích một đoạn ngắn có liên quan đến câu hỏi của chị Trinh. Sau đây là trích đoạn về phương thức VC thực hiện nghị quyết 36:

"4- Đổi mới và đa dạng hóa các phương thức vận động, các hình thức tập hợp với mục đích đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, khuyến khích những hoạt động hướng về Tổ quốc của bà con, nhất là của thế hệ trẻ trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với pháp luật và phong tục tập quán nước sở tại. Chủ động mở rộng tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả với những người còn có định kiến, mặc cảm với Nhà nước và chế độ ta.

Tổ chức cho các đoàn nghệ thuật, nhất là các đoàn nghệ thuật dân tộc ra nước ngoài biểu diễn phục vụ cộng đồng. Tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, vận động viên là người Việt Nam ở nước ngoài về nước biểu diễn, thi đấu, tham gia các đoàn Việt Nam đi biểu diễn và thi đấu quốc tế. Thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật, triển lãm, hội thảo, du lịch về cội nguồn." (hết trích)

Taste Vietnam là hoạt động của giới trẻ, họ chủ động tiếp xúc với cộng đồng, họ tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, triển lãm. Tất cả những điều này đều được ghi rất rõ trong nghị quyết 36 mà Hoàng vừa trích dẫn.

MT: Nhưng BS Cường có nói như thế này. Trinh xin phát thanh lại:

"Một đồng hương trong cộng đồng của chúng ta (trước khi chúng tôi gặp các em), đã gọi điện thoại báo cho chúng tôi biết, trong số các du học sinh đến gặp chúng tôi, có hai em là du học sinh tự túc và trong đó 1 là cháu của anh. Người du học sinh đó đã ở đây trên sáu năm, đã nhìn thấy sự tự do và dân chủ của nước Úc, đã cố gắng xin ở lại nước Úc để hưởng sự tự do và dân chủ đó. Chính các em cũng muốn tìm hiểu thêm về cộng đồng người Việt tư do của chúng ta. Anh đồng hương cuả chúng ta đã nói: BS cố gắng trình bày để làm sao cho các em hiểu về sự hiện diện của chúng ta ở tại đất nước này, cũng như chúng ta cố gắng làm được cái gì đó cho các em. Do đó, khi tôi gặp các em, tôi không nghĩ là tôi gặp cộng sản, mà tôi nghĩ là tôi đang gặp một người cháu, một người em, một người muốn tìm hiểu thêm về cộng đồng của chúng ta, một người muốn biết về sinh hoạt của cộng đồng chúng ta."

BS Cường thì xem các du sinh tổ chức Taste Vietnam như em cháu, như vậy có phải là chúng ta quá nhạy cảm nên cho rằng các du sinh tổ chức này là thực hiện nghị quyết 36 không thưa anh Hoàng?

HN: Thưa chị Trinh và quý vị thính giả, trong thư ngõ đầu tên của BS Cường, BS có viết với nguyên văn là "Ban Chấp Hành Cộng Đồng nhận thấy đây là một hoạt động nằm trong Nghị Quyết 36 nhằm xâm nhập phá hoại cộng đồng tị nạn nên đã triệu tập ngay một phiên họp khẩn vào tối thứ hai 29-09-08 với tất cả các Hội Đoàn, Đoàn Thể trong Cộng Đồng". Còn lời của người bạn của BS Cường có đáng tin hay không là một chuyện, việc du sinh tự túc không có nghĩa là không phải cán bộ CS lạ là thêm một chuyện khác. Chẳng lẽ cán bộ tình báo chính trị CS thì đi khai với bạn của BS Cường họ là cán bộ CS, được nhà nước VC tài trợ sang đây sao? Không biết người bạn của BS Cường có dám bảo đảm Hoàng Sơn Trà, trưởng ban tổ chức Taste Vietnam, không phải là cán bộ VC không, mà lấy cái gì để bảo đảm được, mà có bảo đảm thì có ai tin hay không?

Thưa quý vị thính giả, có lẽ một số trong quý vị cũng có em cháu là du sinh. Ở đây chúng ta cần phải phân biệt giữa du sinh bình thường và cán bộ chính trị đội lốt du sinh. Xin quý vị nghĩ lại xem có du sinh bình thường nào, hay em cháu của quý vị, mà liên lạc với tòa đại sứ, liên lạc với hội đồng người Việt hải ngoại của VC để tổ chức một buổi lễ hội văn hóa như Taste Vietnam không? Lăn lộn trong giới sinh viên trên 10 năm, cá nhân chúng tôi chưa bao giờ thấy một sinh viên nào tổ chức một hoạt động đối ngoại, mời chính trị gia Úc tham gia, liên hệ với cấp chính quyền như vậy mà không có tổ chức chính trị hay ý đồ chính trị sau lưng cả. Em cháu du sinh bình thường của quý vị có lẽ cũng vậy, chỉ lo học và cao lắm là làm picnic, tổ chức dạ vũ mà thôi.

Thưa quý vị, nếu VC dùng cán bộ tòa đại sứ để thực hiện nghị quyết 36 thì tất nhiên quá lộ liễu và sẽ sự gặp sự chống đối mạnh mẽ của người Việt tị nạn. Họ phải núp dưới bình phong sinh viên hay văn công, trước đây VC cũng dùng sinh viên như Huỳnh Tấn Mẫm để đánh phá VNCH. Chính trị là vậy, bây giờ VC dùng sinh viên như một lớp phấn trét lên nghị quyết 36. Những lập luận mang du sinh bình thường làm bình phong cho những du sinh làm công tác chính trị là lập luận tiếp tay trét thêm một lớp phấn nữa cho các cán bộ du sinh thực hiện nghị quyết 36.

BS Cường muốn xem những tay tổ chức Taste Vietnam như em cháu là quyền của BS Cường, nhưng chúng tôi thì không xem các tay tổ chức này là em cháu nổi.

MT: Cám ơn anh Hoàng, chính trị thì thật khó biết, nhưng Trinh cũng rất đồng ý là các du sinh bình thường không khi nào tổ chức hoạt động lớn như vậy, mời luôn cả tòa đại sứ CSVN, chính trị gia Úc. Nhưng có một số lập luận cho rằng du sinh không treo cờ, không chào cờ đỏ là thắng lợi của CĐ, anh Hoàng nghĩ sao?

HN: Thưa chị Trinh, đồng hương tị nạn có thắng lợi là đã vạch ra âm mưu văn hóa vận của nghị quyết 36 và chuyển tải đến người bản xứ những thông tin về tình hình nhân quyền, tự do tồi tệ ở VN hiện ấy, nhưng việc du sinh không treo cờ, không chào cờ không phải là thắng lợi của CĐ. Thắng lợi là khi du sinh dự định treo cờ, rồi mình thuyết phục được họ không treo cờ, nhưng như BS Cường tường thuật lại, thì trong buổi họp với Ban Tổ Chức Taste Vietnam ngày 1/10/08, khi BS hỏi họ định làm gì thì họ đã cho biết là không có ý định treo cờ. Đây là đoạn BS Cường tường thuật.

(BS Cường nói trong băng thu ngày 3/10/08)

"Khi mà tôi gặp gỡ với họ như vậy, thì tôi có hỏi rằng là các em sẽ làm cái gì. Thì nó nói rằng là sẽ làm giống như vầy nè, là sẽ treo những cái cờ, cờ hội, rồi có những cái cờ phướn, có những cái dụng cụ âm nhạc, có những cái tranh ảnh, có những cái... nghĩa là nói chung về văn hóa hóa VN, có đồ ăn. Rồi tôi mới chớ bây giờ các em có treo cờ không, thì nó nói là không có treo cờ, có chào cờ không, thì nó nói là không có chào cờ. Đó là nguyên văn họ trả lời tôi như vậy."

Thưa chị Trinh và quý vị, BCH CĐ cũng đã từng chống buổi văn nghệ Người Ấy và Tôi Em chọn ai, vì cho rằng đây là một sinh hoạt văn hóa vận của VC mà buổi văn nghệ này cũng không có chào cờ, treo cờ, lại không có tài trợ của tòa đại sứ CSVN như buổi Taste Vietnam.

MT: Cám ơn anh Hoàng. Mình cũng đã gần hết thời giờ nhưng Trinh còn một thắc mắc cuối. Vậy thưa anh, việc du sinh bỏ cái tên hay cái chủ đề Taste Vietnam, chỉ dùng là Vietnamse Student Festival 2008, có là một thắng lợi của CĐ không?

HN: Thưa chị Trinh cùng quý vị, Hoàng xin cắc cớ hỏi lại. Nếu như Duyên Dáng Việt Nam bỏ cái tên ấy mà chuyển lại thành "Đêm nhạc văn công VN" thì ta có thắng lợi không? Các hoạt động văn hóa vận của VC như con cắc kè màu đỏ, tiến vào bãi cỏ xanh của chúng ta. Nếu nó còn giữ lại màu đỏ thì dễ bị chim chóc phát giác, ăn thịt, nên nó chuyển màu xanh, nhưng con cắc kè chỉ đổi màu da chứ vẫn là cắc kè. Con cắc kè kể như không dám hiên ngang mang màu da đỏ chói, kể như nó thua một bước, nhưng vẫn âm thầm tiến tới. Điều nguy hiểm là có người đã nhắc nhở cho chúng đổi màu da để khó bị phát hiện hơn.

==============================
MT: Bây giờ, MT xin được nói chuyện với anh Trần hưng Việt.

Thưa anh Việt,

Như trong phần ghi âm những lời phát biểu của BS BT Cường trong cuộc phỏng vấn trên đài 4EB hôm Chủ Nhựt vừa qua mà chúng ta đã nghe ở phần đầu cuộc nói chuyện này, BS Cường có nói về anh như sau:

" Một ông cựu Chủ Tịch, một vị Trưởng Ban đài phát thanh Việt Ngữ đài 4EB, đã không kềm được sự nóng giận để mắng một người khác là câm miệng đi."

Vậy anh có điều chi muốn trình bày về vấn đề này ?

HV: Cám ơn chị MT. Đầu tiên, xin chị cho phép tôi được trình bày về cái chuyện nóng giận hay không nóng giận ở một phần sau đi, nếu chúng ta còn có đủ thì giờ. Tôi muốn được dành những phút hiếm hoi này để đi vào trọng tâm của vấn đề, dưới mắt nhìn của tôi, một người đã có chút ít sinh hoạt trong cộng đồng này từ trước đến nay.

Trọng tâm của vấn dề ấy là gì? Theo tôi nghĩ, trọng tâm của vấn đề mà chúng ta phải nhớ là: đây là một bổn phận chung của tất cả chúng ta. Trọng tâm của vấn đề là chúng ta phải ngăn chận CSVN len lỏi vào hàng ngũ của chúng ta hầu có những sinh hoạt để bình thường hóa sự hiện diện của chúng, cũng như để chúng có thể thực hiện những việc mà chúng ta thường gọi là "giao lưu, tiếp cận". Đó mới là trọng tâm của vấn đề. Đó mới là bổn phận chung mà tất cả mọi ngườI Việt tỵ nạn cộng sản chúng ta cần lưu tâm.

Cũng vì nhận thức được tầm mức quan trọng đó nên nhiều người chắc cũng còn nhớ tôi là người đầu tiên đã gióng lên tiếng chuông báo động với Ban Chấp hành Cộng Đồng và nhiều người khác nữa qua 1 email về buổi Taste Vietnam ở Brisbane.

Từ đó BCH Cộng Đồng mới kêu gọi một buổi họp với các hội đoàn, đoàn thể vào tối 29/9 để bàn kế hoạch đối phó.

Và những ai hiện diện trong phiên họp tối hôm 29/9 đó đều rõ, cái kế hoạch duy nhứt được đưa ra, và sau cùng đã được tất cả mọi người đồng thuận là do chi. Bạch Phượng và cá nhân tôi trình bày và đề nghị, sau khi đã đi xem xét địa điểm họ tổ chức và nghiên cứu xem hình thức nào là thích hợp nhứt để "phản tuyên truyền" lại chuyện mà bọn họ định thực hiện.

Để rồi làm chi? Để rồi sau đó thì BCH CĐ lại đi tiếp xúc riêng với thành phần trong BTC Taste Vietnam mà trong đó, chúng tôi không biết có bao nhiêu phần trăm của kế hoạch phản đối của chúng ta đã bị tiết lộ. Ít nhứt, theo chỗ tôi được biết, họ cũng được cho xem các tờ truyền đơn của mình, qua đó mình đã dùng chữ Taste Vietnam của họ để quật ngược lại ho. Đó là lý do vào giờ phút chót, họ cấp tốc bỏ 2 chữ Taste VN và thay bằng Vietnamese Students Festival.

MT: Theo anh nghĩ thì có phải việc tiếp xúc riêng với BTC Taste VN của BCH CĐ mà không thông báo với các hội đoàn, đoàn thể - trước và sau khi tiếp xúc - là nguyên nhân gây ra sự phẫn nộ của các HĐ, ĐT hay không?

HV: Trong thời gian qua, chúng ta đã thấy có những bức Thư Ngỏ của các HĐ, ĐT biểu tỏ quan điểm, nhận định của họ về sự kiện này rồi, có lẽ tôi không cần phải lập lại ở đây cho mất thì giờ.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng đây không phải là ý kiến riêng của cá nhân ông Chủ Tịch, hay của cá nhân ông Hội Trưởng của các HĐ, ĐT đó mà là của cả cái tổ chức của họ. Mà đây lại là những tổ chức có những sinh hoạt thường xuyên trong cộng đồng chúng ta. Nếu họ không cảm thấy bất bình cực độ thì họ đã không lên tiếng bởi vì tôi tin rằng các HĐ, ĐT này không bao giờ muốn có những giao động không cần thiết trong cộng đồng của chúng tạ

Tuy nhiên, họ đã cảm thấy bất bình về cung cách hành xử của ông Chủ Tịch CĐ, mà những ai theo dõi câu chuyện này đều đã rõ, thiết nghĩ tôi không cần phải lập lại ở đây.

Cũng như tôi không muốn phân tích những lời giải thích của BS Cường trong chương trình phát hanh hôm Chủ Nhựt vừa qua, đã không giải tỏa được một cách thỏa đáng những thắc mắc của đồng hương về vấn đề này.

MT: Là một cựu Chủ Tịch CĐ, anh thấy câu chuyện Taste VN vừa qua sẽ có ảnh hưởng ra sao đ/v sinh hoạt trong cộng đồng chúng ta ở Qld?

HV: Chị MT đã đi trúng vào trọng điểm của vấn đề rồi đó.

Thưa chị đây là điều mà tôi rất ưu tư và lo lắng trước những diễn biến từ sau khi vụ Taste VN xảy ra.

Chúng ta đều biết các sinh hoạt trong cộng đồng có phát triển được hay không, phần lớn là nhờ sự tham gia và đóng góp của các HĐ và ĐT. Dĩ nhiên, sự tham gia và tham dự của cá nhân quý đồng hương cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, động lực chính thúc đẩy cho những việc làm của BCH tiến hành tốt đẹp là các hội đoàn bởi vì nhân số trong BCH chính thức chỉ có 5 người, và 1 BCH có mở rộng thiệt rộng như BCH hiện nay cũng chỉ khoảng chừng 20 người.

Nay, với một số các hội đoàn năng động đã ngỏ ý không vui với BCH CĐ như thế, tôi e rằng các sinh hoạt trong cộng đồng sẽ gặp những ảnh hưởng không thuận lợi cho lắm, chẳng những vì sự vắng mắt của các hội đoàn này mà còn vì ảnh hưởng tâm lý đến các tổ chức, hội đoàn khác cũng như ảnh hưởng tâm lý của quần chúng nữa.

MT: Như vậy theo anh thì phải làm sao để giải quyết tình trạng khó khăn này ?

HV: Thưa chi. MT, BS Cường là Chủ Tịch CĐ. Tôi thiết nghĩ BS Cường có thừa kinh nghiệm để biết phải làm những điều gì hầu thực hiện chuyện đó. Tuy nhiên, nếu tôi mà ở vào vị thế của BS Cường thì tôi sẽ làm những điều như sau:

Trước nhứt, tôi sẽ triệu tập một Đại Hội Bất Thường để tôi mời chẳng những các HĐ, ĐT mà còn mời tất cả đồng hương tới tham dự. Để ai có thắc mắc, ai có ý kiến gì thì tôi có thể trình bày một cách công khai, một cách minh bạch, một lần trước mặt mọi người. Đó là nói về phương diện điều hành.

Nói về phương diện tinh thần, tôi sẽ nhận lãnh trách nhiệm, tôi là người chịu trách nhiệm về tình trạng xáo trộn hiện nay. Chúng ta thường thấy quý vị chính trị gia, mỗi khi có chuyện không tốt đẹp xảy ra, họ tuyên bố "I take full responsibility", "Tôi hoàn toàn nhận lãnh trách nhiệm".

Một thí dụ là trong các cuộc bầu cử bổ túc vừa rồi ở NSW, tại các đơn vi. Ryde, Cabramatta, Lakemba, khi đảng Lao Động chịu một cái swing (tức là sự đổi hướng của cử tri), ông tân Thủ Hiến là ông Rees đã nói "Í'll take full responsibility" mặc dù những kết quả bầu cử đó không phải là hậu quả của những việc ông ta làm.

Làm như thế thì tuy không chắc là có tái tạo được sự tín nhiệm trong lòng đồng hương hay không nhưng ít ra nó cũng làm giảm đi tình trạng căng thẳng và ít ra đồng hương có thể còn thông cảm để cho tôi một cơ hội nữa để mà phục vụ

MT: Cuối cùng, anh còn có điều chi muốn trình bày với thính giả của đài hay không?

HV: Thưa chị nếu chúng ta còn thì giờ ..

MT: Dạ mình còn khoảng 5 phút nữa

HV: Nếu vậy thì tôi xin được trở lại điểm đầu tiên mà hồi nãy chị MT có hỏi, về sự nóng giận hay không đó.

Thưa chị, khi bS Cường lên câu đó thì BS Cường đã trình bày rất khéo, nói rằng tôi "đã không kềm được sự nóng giận để mắng một người khác là câm miệng đi"

Do đó, những ai đã không có mặt ở đó buổi hôm đó mà thoáng nghe thì dễ hiểu lầm là tôi "mắng" BS Cường trong lúc BS Cường đang trình bày. Sự thực không phải vậy mà nó liên quan tới một người khác.

Người này hôm đó ngồi cạnh bên BS Cường mà cứ mỗi lần tôi hỏi BS Cường câu nào đó thì BS Cường mới trả lời được đôi ba chữ thì người này lại xen vào như muốn trả lời thế cho BS Cường. Tôi cảm thấy bất nhẫn quá vì dù sao, BS Cường cũng là Chủ Tịch Cộng Đồng, tôi hỏi BS Cường thì phải để cho BS Cường trả lời.

Một lần thì còn được. Hai lần cũng chưa sao. Nhưng đến lần thứ ba thì bắt buộc tôi phải tỏ ý một cách cứng rắn để người này ngưng hành động thiếu nhã nhặn nói trên.

Tuy nhiên, dầu sao nóng giận cũng chỉ là một cảm xúc của con người, hỉ nộ aí ố đều là những cảm xúc. Trong một tình huống cực độ thì nóng giận là một sự bày tỏ cảm xúc tức thời của con người, ngay lúc đó. Chính như BS BT Cường, trong buổi hôm đó cũng đã có những lúc nóng giận mà tôi không muốn nhắc lại ở đây vì như anh Hoàng Nguyên đã có nói lúc nãy "Chỉ có những đầu óc nhỏ nhoi mới nói đến những chuyện lặt vặt".

Quan trọng là mình cần phải phân biệt những cảm xúc như thế so với những hành động tri thức, tức là những việc mình làm mà mình biết là mình đang làm, hay hơn nữa là mình có tính toán trước khi mình làm những chuyện đó. Chẳng hạn như là mình đi ngược lại với những điều mà mình đã thỏa thuận với những người cộng tác với mình, nhất là những người họ đã tin tưởng vào mình như một người lãnh đạo .

Tôi tin là quý đồng hương có thể nhận ra sự khác biệt giữa hai điều đó và có thể phán xét về sự khác biệt đó.

No comments:

Blog Archive