Monday, November 24, 2008

Chuyện đời xưa Thương cho ông Bùi Tín!?!?

Ông Võ Bào, tên đầy đủ là Võ Tử Bào, người làng Nại Cửu, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Khoảng tháng 3 âm lịch năm Đinh Hợi (1947), bị ông Bùi Tín đem ra bến đò sông Vĩnh Định, con sông chảy ngang giữa làng, cách nhà khoảng 100 thước, giết chết. Ông bị chém mấy nhát gươm, té xuống sông, may mắn, ông không chết.

Đầu đuôi câu chuyện như thế nầy:
Ông Võ Tử Bào là cháu nội ông Võ Tử Văn (1), đậu tiến sĩ đời Tự Đức, làm phụ đạo trong triều. Được một thời gian, ông Văn xin về, dạy học ở nhà. Học trò ông có nhiều
người đổ đạt ra làm quan thời nhà Nguyễn.

Ông Võ Tử Bào lớn lên ở thời kỳ đất nước có nhiều xáo trộn, Pháp vừa đặt xong nền cai trị, nên việc học của ông dang dỡ. Ban đầu, ông học chữ Nho, sau bỏ bút lông cầm ngọn bút chì. Ông không thành đạt cả Nho học lẫn Tây học.

Thời kỳ đầu thế Giới Chiến Tranh Thứ Hai, ông đi lính Tây, sang Pháp đánh nhau với Phát Xít Đức (Vì đi lính Tây nên tên họ ông chỉ còn lại hai tiếng Võ Bào, thay vì Võ Tử Bào). Tuy nhiên, khoảng đầu các năm 1940, ông đã rời Pháp về lại làng quê, làm ruộng. Ông tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng cùng thời với các cụ Hoàng Trọng Thuần, người làng Đại Hào, (thân phụ tướng Hoàng Xuân Lãm), ông Lê Thọ Thế, người làng Phù Mỹ (thân phụ ông Lê Thọ Tuệ là Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Quảng Trị thời Việt Nam Cộng Hòa), ông Nguyễn Bình, (tên thường gọi là ông xã Bình, nguời làng Cổ Thành, tỉnh Quảng Trị)

Tháng 8 năm 1945, ông tham gia lực lượng Việt Minh cướp chính quyền ở tỉnh Quảng Trị. So với người trong làng, ông vừa có học vấn, vừa có khả năng quân sự, lại là cháu nội một nhà khoa bảng, nên ông được Ủy Ban Việt Minh của làng chọn làm đại đội trưởng đại đội Tự Vệ làng. Đó chỉ là lúc ban đầu.

Khi ở Hà Nội xảy ra tranh chấp giữa Việt Minh và Việt Quốc, Việt Cách thì tại Quảng Trị, sự mâu thuẫn cũng đã xảy ra, mặc dù chưa có xung đột. Vì muốn giữ độc quyền, tất cả những thành phần, dù có tham gia Việt Minh lúc ban đầu, nhưng có quan hệ với Việt Quốc, Việt Cách, tôn giáo hay các đảng phái, tổ chức khác đều bị loại ra. Ông Võ Tử Bào ở trong trường hợp đó. Sau khi thôi làm đại đội trưởng, ông tiếp tục làm ruộng, không có hoạt động nào chống chính quyền Việt Minh. Tuy nhiên, tên ông có trong sổ đen của họ.

Sau tết Đinh Hợi ít hôm, quân Pháp từ Huế tấn công ra Quảng Trị, chiếm thành phố này. Nhân cơ hội nầy, Việt Minh bắt giết tất cả những ai thuộc các thành phần đảng phái Quốc Gia. Ngay hôm Tây vừa chiếm thị xã Quảng Trị thì đêm đó, ở làng ngoại tôi, làng Nhan Biều, bên kia sông Thạch Hãn, ngang với thành phố, Việt Minh thủ tiêu hơn 70 người. Ở các làng khác, tình hình cũng tương tự như vậy, tuy số bị giết có ít hơn.

Khoảng tháng Ba năm đó, trời còn mưa phùn và lạnh, ông Bùi Tín cùng tự vệ chiến đấu (2) đến nhà vợ lớn ông Võ Tử Bào, ở xóm Chùa, tìm bắt ông. Ông không có mặt ở đó. Đêm ấy, ông ở nhà bà vợ thứ nhì, bà Nguyễn Thị Kỳ, (3) ở xóm Cát.

Ở nhà vợ lớn chỉ có bà mẹ ông Võ Tử Bào, vợ ông, người con trai lớn là ông Võ Tử Đản, lúc ấy 17 tuổi và một người cháu trai tên là Võ Di, 21 tuổi, gọi ông Võ Tử Bào bằng chú. Người trong gia đình chưa có kinh nghiệm gì với Việt Minh nên khi nghe ông Bùi Tín hỏi ông Võ Tử Bào ở đâu thì người cháu gọi bằng chú nói rằng ở nhà dì (tức nhà bà Kỳ).

Bùi Tín cùng đám tự vệ biểu người cháu dẫn họ xuống xóm Cát, nhà bà Kỳ. Ông Võ Tử Đản cùng đi với người anh con ông bác.

Đang đi giữa đường, Bùi Tín hỏi làm sao gọi ông Vọ Tử Bào ra khỏi nhà được. Người cháu nói rằng ông Bào rất có hiếu, nếu nói “mệ đau” (có nghĩa là bà nội bệnh) thì thế nào ông Bào cũng về nhà ông, nơi mẹ ông đang ở.

Quả vậy, khi nghe người cháu gọi “Chú ơi! Mệ đau! chú về liền!” thì ông Bào mặc áo quần, mở cửa. Bọn ông Bùi Tín liền ập vào nhà, bắt ông Bào trói tay ra đằng sau lưng, bằng giây dừa. Xong, chúng lục oát trong nhà xem thử ông Bào có chôn dấu võ khí gì không. Không có gì cả! Trong khi đó, ông Bùi Tín nói với ông Võ Bào: “Tao là Bùi Bằng Tín, con cụ Bùi Bằng Đoàn, từ Quảng Ngãi ra đây tìm mầy, mà mầy còn làm nô lệ lần thứ hai?”

Thật ra, sau khi Tây chiếm thị xã Quảng Trị, việc Việt Minh bắt giết người thuộc các đảng phái quốc gia xảy ra ở nhiều làng nên ông Võ Tử Bào có ý sợ. Hai ngày trước, ông có lên tỉnh lỵ, xem thử tình hình như thế nào, để có thể đem gia đình lên thị xã trốn Việt Minh được không.

Cách làng Nại Cửu không xa là chợ Sãi. Tây đã chiếm quận lỵ nầy và đóng quân ở đầu cầu Sãi, tại nhà ông Bộ Kẹo, là một căn nhà gạch, ngay đầu cầu. Khi đi qua cầu Sãi, ông Võ Tử Bào có gặp tên trung úy Pháp chỉ huy đám lính Pháp đóng ở đó, lính nầy phần đông người Ma Rốc.

Vì từng đi lính Pháp qua đánh Đức Phát Xít ở bên đó, vã cũng có học chữ Quốc Ngữ và tiếng Tây ít nhiều nên ông Bào có chào hỏi tên trung úy, nói chuyện sơ qua vậy thôi. Ông cũng sợ Việt Minh cho rằng ông có quan hệ với Tây là theo Tây. Ông đi vài vòng quanh thị xã Quảng Trị, thấy còn vắng lắm. Dân chúng tản cư hết, còn sợ Tây, chưa ai dám về. Lúc ấy, Hội Đồng Chấp Chánh Lâm Thời ở Huế chưa thành lập, chính quyền quốc gia chưa có. Vì vậy, ông Võ Tử Bào còn nấn ná, chưa kịp đem gia đình đi trốn thì bị Việt Minh tới nhà bắt giết.

Bùi Tín và đám tự vệ dẫn ông Võ Tử Bào ra bờ sông Vĩnh Định, biểu ông đứng sát bờ nước. Mấy tên tự vệ đứng chung quanh cầm gươm chém vào người ông. Một nhát vào mặt (Sau nầy vẫn còn vết sẹo to ngay sống mũi ông). Mỗi tên chém mấy nhát. Vì trời tối, không trăng, chỉ có ánh sáng các vì sao, nên chúng không thấy rõ người ông, chỉ chém bừa. Sau nầy, ông kể lại với con trai trưởng là ông Võ Tử Đản, rằng ông thấy nguy cấp quá, nếu ông cứ đứng thẳng như vậy, chúng sẽ chém chết, nên ông tự té sấp xuống nước. Bấy giờ chúng tưởng rằng ông đã chết nên không chém nữa. Bùi Tín cầm cây súng Sten (tiểu liên) bắn năm sáu phát gì đó, để thị uy, rồi chúng kéo nhau đi.
Chính nhờ mấy nhát chém sau lưng, trúng sợi giây dừa nên giây đứt ra, ông Võ Tử Bào cử động được, lén ngóc đầu lên để thở, chờ khi chúng bỏ đi thì ông quay đầu nằm lên bờ đất. Nhờ trời tối tự vệ chém bậy, vết thương không sâu, máu không ra nhiều nên tuy ông Võ Tử Bào có bị ngất đi, nhưng không lâu.

Khi ông Bào bị dẫn ra khỏi nhà, anh em ông Võ Tử Đản lén đi theo, núp ở các bụi tre hai bên đường nên bọn Bùi Tín không thấy. Khi bọn ông Bùi Tín kéo đi, thì hai anh em ông Võ Tử Đản cũng ra về vì nghe có tiếng người rơi xuống nước, có tiếng súng nổ nên hai anh em nghĩ ông Bào đã chết và bị nước cuốn trôi mất rồi.

Ông Võ Tử Đản về tới nhà, kể lại chuyện cha bị giết. Cả nhà khóc thầm, không ai dám khóc to. Gần sáng, bà mẹ ông Võ Tử Bào cùng cháu là Võ Tử Đản xuống xóm Cát, ra bến đò tìm xác ông Bào. Lúc ấy trời chưa sáng. Nửa đường, ông Võ Tử Đản thấy có bóng đen lù lù đi tới, té ra bố của ông. Ông Bào vốn người cao lớn.

Thì ra, sau khi bọn ông Bùi Tín đi rồi, ông Võ Tử Bào tỉnh lại, bèn gượng dậy đi về xóm Cát. Ông không dám vào nhà bà Kỳ, mà vào nhà một người bà con ông gọi bằng dì, ở gần nhà. Gia đình nhà dì cho người thông báo cho bà Kỳ hay. Bà Kỳ vội sang qua, rồi ra vườn hái bậy cây lá, trong bóng tối mờ mờ đem giả nhỏ, đắp chừng vào các vết thương vì ngay tại đây họ cũng không dám thắp đèn sáng lên. Việt Minh đang đi lùng sục bắt những người họ cho là phản động, chống lại họ. Ngay chính tại nhà bà Kỳ, sau khi bọn ông Bùi Tín đi rồi, lại có một nhóm thứ hai đến tìm bắt ông Võ Tử Bào. Nếu ông về nhà bà Kỳ, có thể bị nhóm nầy bắt lại.

Giữa đường gặp cha, ông Võ Tử Đản bèn dẫn cha lên cầu Sãi, chỗ Tây đang đóng đồn, còn bà nội ông thì về lại nhà.

Khi hai bố con ông Võ Tử Bào lên tới đồn cầu Sãi thì trời đã sáng. Ông Bào lại gặp tên trung úy Pháp mà ông đã gặp hôm trước. Tên nầy vội vàng cho một chiếc xe Jeep chở ông Bào ra bệnh viện quân đội Pháp ở Đông Hà. Lúc đó, ở thị xã Quảng Trị chưa có bệnh viện của quân đội Pháp như vài năm sau nầy.

Việc ông Bùi Tín đi “lùng bắt Việt Gian” không phải là manh động của Việt Minh địa phương mà chính là chính sách của trung ương. Chính sách đó là triệt tiêu các phần tử đảng phái Quốc gia, các phần tử tôn giáo không theo Việt Minh. Chính sách nầy được thi hành đều khắp ở các tỉnh huyện, đâu đâu cũng có. Vì vậy, vai trò của ông Bùi Tín, một cấp chỉ huy trong công việc nầy là rất quan trọng và thiết yếu của Việt Minh Cộng Sản. Có lẽ nhờ hoàn thành xuất sắc công tác nầy, ông Bùi Tín, mặc dù gốc gác là con nhà quan lại phong kiến phản động, cũng được kết nạp vào đảng sớm.

Bây giờ, ông Bùi Tín nghĩ gì về việc ông đã làm, không chỉ một việc giết ông Võ Tử Bào mà biết bao nhiêu người chết vì tay ông. Giữ nhiệm vụ chỉ huy trong việc “lùng bắt Việt gian”, không lý ông Bùi Tín chỉ giết có một mình ông Võ Tử Bào? Ở làng Nại Cửu, ngoài ông Võ Tử Bào, đám ông Bùi Tín còn giết ông Võ Liêu (thân phụ chị Võ Thị Khai và Võ Cường, hiện ở 104, đường Tân Thành, Quận 5 thành phố HCM) và ông Võ Sỏ tại bãi cát Chợ Cạn, xã Triệu Sơn, phủ Triệu Phong. Hai ông nầy là anh em chú bác với ông Võ Tử Bào, bị tình nghi cùng tham gia Việt Quốc như ông Võ. Ngoài việc giết người, ông Bùi Tín làm đúng nhiệm vụ, công tác của một đảng viên Cộng Sản - từ sơ cấp lên trung cấp -. Nhiệm vụ, công tác đảng viên đó là gì? Là bắn giết, bỏ tù, truy chụp, vu cáo, bôi lọ, tuyên truyền, dối gạt, lừa phỉnh đồng bào, nhân dân…

Chưa bàn tới việc ông Bùi Tín là người lưu manh (như người ta thường gọi “lưu manh Cộng Sản”). Có thể ông là người có lý tưởng Cộng Sản và ông đã làm bao nhiêu việc tàn ác, xấu xa để thực hiện cái lý tưởng đó.

Và bây giờ ông thấy ông đã lầm! Có phải bây giờ ông đã tỉnh thức để thấy việc ông theo Cộng Sản làm lầm chăng? Hay đó chỉ là một sự giả trá?

Ông Bùi Tín có thể quá rõ rằng sự thực thì trước sau gì nó cũng hiện lộ thành sự thực. Nếu ông giả trá, người ta cũng sẽ biết thôi! Ông sẽ bị người đời và lịch sử nguyền rủa dấy!

Nếu ông hối hận rằng vì tin tưởng vào chủ nghĩa Cộng Sản nên ông đã lầm và phung phí một thời tuồi trẻ cho bọn bất nhân thì với điều đó, ông là người đáng thương. Nó giống như một cô gái đẹp, tưởng mình kết duyên với một kẻ anh hùng, nào ngờ đó chỉ là một tên cướp tầm thường độc ác, bất nhân?

Đọc truyện Kiều, người ta thấy tội nghiệp cô Kiều. Cô không lấy được Kim Trọng, nhưng dù sao, gá thân với Mã Giám Sinh, một tên phàm phu tục tử, thì Kiều nghĩ rằng, tin rằng vì gia biến, cô được Mã mua về làm vợ bé. Đâu ngờ Mã đưa Kiều vào chốn lầu xanh. Trong hoàn cảnh đó, Kiều thấy rằng “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh, giật mình mình lại thương mình xót xa.”

Ông Bùi Tín có thấy “giật mình xót xa” không nhỉ, có thấy mình như thân phận cô Kiều, trao duyên lầm cho Mã Giám Sinh khi ông theo Cộng Sản. Hay ông thích thú với chế độ lầu xanh đó, để dối mình, dối người mà làm một tên Sở Khanh?


hoànglonghải
(Câu chuyện viết theo lời kể của ông Võ Tử Đản)

(1) Giòng họ Vọ Tử nầy khá đông ở Quảng Trị. Không rõ những người còn ở làng, ngay thị xã thì có mấy anh em nhà Võ Tử Cư, Võ Tử Bé, Võ Tử Hoa, Võ Tử Bình. Các con ông Võ Tử Bào thì có ông Võ Tủ Đản, Võ Tử Cầu (bạn học tiểu học với tôi)

(2) Trong hồi ký Hoa Xuyên Tuyết (HXT) của ông Bùi Tín, ông xác nhận rằng thời gian ấy ông làm “Đại đội trưởng ở địch hậu (hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng ở Quảng Trị), khi chưa tới 19 tuổi, lo chuyện súng đạn, gạo muối, lo chuyện trinh sát đồn địch, dẫn anh em đi phục kích…” (HXT trang 2)

(3) Bà Nguyễn Thị Kỳ là cháu nội ông Ưng Siêu (sau đổi là Nguyễn Siêu). Ưng Siêu là người hoàng tộc nhà Nguyễn, văn hay chữ tốt, khi Cao Bá Quát còn ở kinh, ông thường cùng Cao Bá Quát giao du. Khi Cao Bá Quát phò Lê Duy Cự, một người thuộc dòng dõi nhà Lê cũ, để làm loạn (giặc Châu Chấu) rồi bị bắt. Triều đình Huế nghi ngờ Ưng Siêu, bèn buộc tội ông tư thông với giặc, nhưng không đủ chứng cớ, sau chỉ buộc ông bỏ quốc tính, lấy họ mẹ là Nguyễn (Siêu) và không cho ở trong kinh thành nữa. Ông về Quảng Trị sinh sống, con cháu lấy họ là Nguyễn Thành (Hoàng tộc đổi thành họ Nguyễn). Các ông Nguyễn Thành Đăng, Nguyễn Thành Hương gọi bà Nguyễn Thị Kỳ bằng cô (o- tiếng địa phương), gọi ông Nguyễn Siêu (Ưng Siêu bằng ông cố).

trích đăng từ Hoàng long Hải

No comments:

Blog Archive