Thursday, November 27, 2008

Chuyện “Ôn Già Lam” (Lữ Giang)
Tú Gàn

Hiện nay đang có những sự tranh chấp khá gay cấn giữa các nhóm trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thường được gọi là Giáo Hội Ấn Quang. Nhóm “Thân Hữu Già Lam” đang bị Thượng Tọa Thiện Hạnh, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống của Giáo Hội Ấn Quang, lên án “vì một vài ý kiến bất đồng nào đó mà xây lưng lại với Giáo hội và vận động người khác chống lại Giáo hội, cô lập hai vị Hòa thượng đang lãnh đạo Giáo hội...” (Văn thư đề ngày 8.9.2007).

Quá trình lịch sử cho thấy đây là “chuyện dài muôn thủa” trong nội bộ của Giáo Hội Ấn Quang. Sự tranh giành quyền lực và sự bất đồng về đường lối cũng như chiến thuật giữa các nhóm tuy có khác nhau trong từng giai đoạn, nhiều khi đưa tới những cuộc chiến đẩm máu, nhưng tham vọng theo đuổi vẫn là một: Tiến tới thống lãnh Phật Giáo Việt Nam để từ đó tiến tới thống lãnh đất nước dưới chiêu bài “Phật Giáo và Dân Tộc”. Đây là vấn đề sẽ được chúng tôi bàn đến sau.

Hôm nay, nhân Thượng Tọa Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống tố cáo đích danh nhóm “Thân Hữu Già Lam”, nên chúng tôi xin đưa ra ánh sáng một sự kiện lịch sử rất quan trọng mà chúng tôi tin đã tác động mạnh trên tiến trình “Hoàn – Giải – Đoạn Nghiệp” của Ôn Già Lam và Giáo Hội Ấn Quang từ trước đến nay cũng như trong tương lai.

VÀI NÉT VỀ “ÔN GIÀ LAM”
Hòa Thượng Thích Thủ tên thật là Nguyễn Văn Kính, pháp danh Tâm Như, pháp hiệu Thích Trí Thủ, sinh ngày 1.11.1909 tại làng Trung Kiên, tổng Bích Xa, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Năm 1926, khi được 17 tuổi ông xuất gia thọ giáo với Hòa Thượng Viên Thành tại chùa Trà Am, Huế. Năm 1929, khi được 20 tuổi, ông được thọ giới Tỳ Kheo tại chùa Từ Vân ở Đà Nẵng. Năm 1942, ông được Giáo Hội Tăng Già Thừa Thiên bổ nhiệm trú trì chùa Báo Quốc, v.v.

Năm 1960, Thượng Tọa Trí Thủ đã vào Sài Gòn tạo mãi một khu vườn tọa lạc tại số 498/11 đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp, và lập một ngôi chùa lấy tên là Giải Hạnh Già Lam, đến năm 1964 đổi thành Quảng Hương Già Lam (Quảng Hương là tên một học tăng đã tự thiêu năm 1963 để chống ông Diệm). Từ đó, Hòa Thượng Trí Thủ được gọi là “Ôn Già Làm” (Gọi theo kiểu người Huế để tỏ vẻ tôn kính). Trong thuật ngữ Phật Giáo, GIÀ LAM (Samghàràma) có nghĩa là Chúng viên, tức vườn sân nơi tăng chúng ở và đây cũng là một danh từ chung để chỉ các chùa chiền.

Về nhóm “Thân Hữu Già Lam”, Thượng Tọa Thiện Hạnh cho biết ở Tu Viện Quảng Hương Già Lam, cách đây một năm, đã hình thành một nhóm có tên gọi "Thân Hữu Già Lam". Thành viên có trên dưới 40 vị, gồm các Tu sĩ, Cư sĩ, Cư sĩ tu xuất. Các vị sinh hoạt dưới dạng Tăng già, chưa dám đứng hẳn vào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước) năm 1981. Các vị quyên góp tiền gây quĩ xây dựng Đại Học, Thư Viện, Hội Trường, làm Văn Hóa Giáo Dục Phật Giáo. Đứng đầu nhóm có GS TS Lê Mạnh Thát, và học giả Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ. Thượng Tọa còn cho biết ông có đọc nội dung biên bản cuộc họp của các vị "Thân Hữu Già Lam" ngày 23.8.2006. Như vậy, theo Thượng Tọa Thiện Hạnh, nhóm “Thân Hữu Nhà Lam” đang tiến tới “hợp tác” hay sát nhập vào Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước.

Tiểu sử của “Ôn Già Lam” cho biết trong cuộc đời “Ôn” đã có nhiều công trình cống hiến cho Phật Giáo, nhưng chúng tôi thấy có hai biến cố do “Ôn” thực hiện đã làm biến đổi cả cuộc đời “Ôn” và vận mệnh của Giáo Hội Ấn Quang:

Biến cố thứ nhất: Năm 1963, “Ôn” được Thượng Tọa Trí Quang cử ra Huế phát động phong trào tranh đấu ở đây với hai vụ nổi tiếng, đó là vụ hạ sát Sa Di Thanh Tuệ ở chùa Phước Duyên và vụ hỏa thiêu Thượng Tọa Tiêu Diêu ở chùa Từ Đàm. Hai vụ này đã được chính phủ Ngô Đình Diệm trình cho Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp Quốc, nhưng khi hồ sơ đang được dịch ra tiếng Anh thì cuộc đảo chánh đã xẩy ra.

Biến cố thư hai: Năm 1981, “Ôn” đã nhân danh Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Ấn Quang, đem giáo hội này sát nhập vào Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước và “Ôn” được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự của giáo hội này. Đây là biến cố đã làm Giáo Hội Ấn Quang bể ra thêm nhiều mảnh.

Trong “Nghiệp Báo Sai Biệt Kinh”, Đức Phật có giảng cho Thủ Ca Trưởng Giả: “Tất cả chúng sinh đều bị trói buộc vào NGHIỆP, đều nương tựa vào NGHIỆP, và tùy theo NGHIỆP mà chuyển vần.” Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin tường thuật lại những nét chính của vụ Sa Di Thanh Tuệ để giúp chúng ta suy nghĩ về luật nhân quả của nhà Phật.

CHỈ THỊ CỦA THÍCH TRÍ QUANG
Theo bản “Tổng Kết Nội Vụ Phật Giáo, Phúc trình tối mật số 10364/CSĐB/4M ngày 21.10.1963” của Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên, sau khi có thông cáo chung giữa Ủy Ban Liên Bộ và Ủy Ban Liên Phái, tình hình ở Huế dịu xuống, vì quần chúng mệt mỏi và mục tiêu đấu tranh quá trừu tượng nên họ không tham gia sôi nổi như lúc đầu nữa. Họ ít đến các chùa có tuyệt thực và các cuộc rước di ảnh Thầy Quảng Đức thường chỉ có đàn bà và trẻ con tham dự. Do đó, các nhà lãnh đạo đấu tranh ở Huế đã tìm cách khấy động lại bằng những vụ tự thiêu ngay tại Huế để gây xúc động trong giới Phật tử và đưa phong trào lên cao. Việc hạ sát Si Di Thanh Tuệ tại một ngôi chùa hẻo lánh rồi hô lên “tự thiêu” cũng nằm trong kế hoạch đó. (tr. 18).

Người được Thích Trí Quang phái ra Huế để lo đẩy mạnh phong trào đấu tranh đi lên, đó là Thượng Tọa Thích Trí Thủ. Ông vốn là người hiền lành, nhưng hành động theo mệnh lệnh của hai thành phần quá khích và cực đoan là Thích Trí Quang và Thích Thiện Minh, nên đã đưa bản thân ông cũng như Giáo Hội Ấn Quang vào vòng chuyển luân của nghiệp báo khá cay nghiệt.

Phúc Trình Cảnh Sát nói trên có ghi nhận rằng khi lấy lời khai của Đại Đức Thích Chánh Lạc, Đại Đức này cho biết Thượng Tọa Thích Trí Quang có nhờ ông giao cho Thích Trí Thủ một lá thư. Cuối lá thư có câu: “Đã chiến đấu tức là chấp nhận sự hy sinh, mà đã không dám hy sinh thì đừng cản trở người khác hy sinh.” (tr. 41).

NHỮNG LỜI TƯỜNG THUẬT
Sa Di Thanh Tuệ tên thật là Bùi Huy Chương. sinh năm 1946 tại xã Ba Khê, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình có 5 anh chị em và Sa Di là con thứ tư. Thanh Tuệ đã xuất gia cầu pháp năm 1960 tại chùa Phước Duyên, xã Hương Long, quận Hương Điền, Thừa Thiên (gần chùa Thiên Mụ).

Trong cuốn “Công cuộc tranh đấu của Phật Giáo Việt Nam tranh từ Phật Đản đến Cách Mạng”, Quốc Tuệ đã kể lại chuyện “tự thiêu” của Sa Di Thanh Tuệ như sau:

“Khác với Hòa Thượng Thích Quảng Đức và Đại Đức Nguyên Hương tự thiêu tại những nơi đô hội, náo nhiệt, Thầy Thích Thanh Tuệ, tức Bùi Huy Chương, 17 tuổi, lại tự thiêu tại một miền núi hẻo lánh. Bởi vậy, khi mọi người biết được thì chính quyền địa phương đã huy động nhân viên công lực áo ạt tới bao vây chùa Phước Duyên để giành thi hài hầu làm mất tông tích...

“Ngay chiều hôm Đại Đức Thích Thanh Tuệ thiêu thân, 13.8.63, từ Huế, Thượng Tọa Thích Trí Thủ đã đánh điện vào Sài Gòn yêu cầu Ủy Ban Liên Phái can thiệp với chính phủ Ngô Đình Diệm để chính quyền địa phương trao trả thi hài Đại Đức Thanh Tuệ cho Phật Giáo đồ mang về chùa Từ Đàm làm lễ an táng.” (tr. 346 – 347).

Theo tài liệu, chú tiểu (ở Huế gọi là Điệu) Thanh Tuệ chỉ mới thọ giới Sa Di chứ chưa thọ giới Tỳ Kheo, nên không thể gọi là Đại Đức được. Nhưng nhóm Phật Giáo đấu tranh đã tự động thăng cấp cho chú sau khi hạ thủ!

SỰ THẬT NHƯ THẾ NÀO?
1.- Một báo cáo tổng quát: Một viên chức quê ở xã Hương Long, quận Hương Điền, nơi Sa Di Thanh Tuệ “tự thiêu”, lúc đó đang là một viên chức cao cấp ở Huế (cấp bậc Quận Trưởng) và là một Phật tử, đã cho biết:

Sau khi được phái đi mở cuộc điều tra về vụ chú tiểu Thanh Tuệ “tự thiêu”, một mật báo viên đã làm cho ông Tỉnh Trưởng Thừa Thiên một bản báo cáo có nội dung đại khai như sau: Khoảng 1 giờ sáng 13.8.1963, một toán thanh niên Phật Tử ở làng Xuân Hòa (làng kế cận), mặc thường phục, đến chùa Phước Duyên thuộc xã Hương Long, quận Hương Trà, mời chú tiểu Thanh Tuệ, 17 tuổi, học sinh Trường Bồ Đề, Huế, ra trước sân chùa để nói chuyện. Chú tiểu vừa ra khỏi cửa chùa thì đám thanh niên này xông tới, lôi ra một góc bên sân chùa và đánh đập. Chú ấy la lớn cầu cứu. Bà vải Cao Thị Đỏ đang ở trong chùa, nghe tiếng kêu liền chạy ra, nhưng bị toán thanh niên này chận lại. Sau đó, thầy trù trì chùa Phước Duyên là Thích Đảnh Lễ, thường gọi là Thầy Phú (Nguyễn Đức Phú), đã bỏ trốn khỏi chùa.

Viên chức này cho biết, khi Thiếu Tá Nguyễn Mâu được cử đến làm Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, có ra lệnh tầm nả Thầy Phú. Tuy nhiên, theo viên chức này, Thầy Phú không hay biết gì về chuyện chú tiểu Thanh Tuệ bị đốt cháy, nhưng sợ bị liên lụy nên bỏ trốn. Thầy Phú đã từng bị Việt Minh bắt năm 1952 vì nghi thân Tây. Chùa Phước Duyên lại giữ tư thế độc lập, không gia nhập Tổng Hội Phật Giáo ở chùa Từ Đàm.

Trước tình trạng bất thường đã xẩy ra, chiều 13.8.1963, Thiếu Tướng Đỗ Cao Trí, Tổng Trấn Thừa Thiên - Huế, đã ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố Huế và các vùng phụ cận.

2.- Ghi nhận của ông Quận Trưởng Hương Trà: Ông Quận Trưởng Hương Tràø lúc đó đã cho biết như sau: “Mờ sáng hôm đó (13.8.1963), tôi chợt thức giấc, mở cửa phòng, đi ra đứng trước cửa hiên quận đường Hương Trà, đóng gần chợ Bao Vinh... Tôi thấy con đường trước quận có nhiều người đi khác thường. Tôi ra dò hỏi thì được trả lời là lên chùa Phước Duyên làm Phật sự...”

Ông liền vội gọi tài xế lấy xe Land Rover chở ông lên chùa Phước Duyên cách quận đường khoảng 5, 6 cây số. Qua khỏi trụ sở xã Hương Long, ông thấy người đi lại rất tấp nập. Khi ông đến cổng chùa Phước Duyên thì thấy có nhiều thanh niên mặc đồng phục gia đình Phật tử đứng giữ của. Họ không cho ông vào. Ông cho biết ông là Quận Trưởng Hương Trà, phần đất này thuộc nhiệm vụ kiểm soát của ông, nên không ai có quyền ngăn cản không cho ông vào. Ông liền lấy tay gõ vào cửa ầm ầm. Một lát sau cửa mở, ông thấy Thượng Tọa Thích Trí Thủ, nhưng không có thầy trù trì chùa Phước Duyên. Ông ngạc nhiên hỏi:
- Thượng Tọa ở chùa Từ Đàm sao lại qua đây và Thầy trụ trì Phước Duyên đâu rồi?

Thượng Tọa Trí Thủ thủng thỉnh trả lời:
- Vì thầy có việc vắng chùa nên tôi phải qua lo Phật sự thế vài bửa.

Ông hỏi Thượng Tọa có việc chi mà Phật tử về đông vậy. Thầy trả lời:
- Có chú tiểu vừa tự thiêu.

Ông hỏi lại:
- Tôi một lòng tôn trọng tự do tôn giáo và hết sức chấp hành thông cáo chung, thì tại sao phải tự thiêu?

Thượng Tọa ôn tồn trả lời:
- Thì có ai nói tại ông Quận mô?

Ông ngỏ ý muốn đi xem. Thượng Tọa Trí Thủ liền dẫn ông vào sân chùa có lát gạch, có chiều dài bằng chiều của chính diện và chiều ngang khoảng 10 thước. Ở gốc phải sân, sát mấy cây lựu, một xác người trần truồng, nằm nghiêng bên trái, chèo queo, đầu quay về phía vườn, chân quay về phía chùa, hai tay công chụm và hai chân khép co lên.

Xéo phía chân của xác khoảng 1 thước, có một cái đèn dầu nhỏ đang cháy leo lét. Cách xác khoảng vài bước, có một khoảng đất rộng được rãi cát mới, một nửa trên sân gạch và một nửa trên đất vườn. Ông quan sát kỹ xác chết thì không thấy dấu vế cháy ở đâu cả. Ông quay lại hỏi Thượng Tọa Trí Thủ:
- Thượng Tọa qua đây khi mô?

- Mới khi hôm.

- Ai để cây đèn dầu đây chi vậy?

- Thì chú ấy chứ ai. Chú dùng cậy đèn để châm lửa tự thiêu sau khi tự tưới lên mình cả mấy lít xăng.

Ông Quận Trưởng đã đảo mắt quanh sân để xem thùng xăng ở đâu, nhưng không thấy. Ông chỉ vào đám cát mới ở góc sân chùa và hỏi Thượng Tọa Trí Thủ:
- Rứa còn đám cát ni?

Thượng Tọa trả lời:
- Có chút máu loang ra đó, cho nên các em Phật tử phải phủ cát đi cho dễ coi.

Ông Quận Trưởng xin đi coi nơi ở của chú tiểu. Thượng Tọa Trí Thủ dẫn ông lên hiên chùa và đi đến cuối chính diện, ở đó có một phòng nhỏ khoảng 7 hay 8 mét vuông, có một cửa sổ mở ra sân chùa. Ông thấy ở một góc có cái giường gổ nhỏ trải chiếu bông, mùng gối xếp rất gọn gàng. Truớc cửa sổ là một cái bàn rộng, có nhiều sách và vỡ, trong đó có một cuốn sách toán lớp đệ tứ đang mở ra trên bàn. Sau đó, ông được kể lại, chú mới thi hỏng trung học phổ thông kỳ một và đang học để thi kỳ hai. Ông hỏi thầy Trí Thủ: “Chú có để lại thư từ gì không?” Thầy Trí Thủ lắc đầu.

Tuy nhiên, sau này “sử đấu tranh” của Phật Giáo có in lại 4 bức thư của “Đại Đức” Thanh Tuệ, được nói là tìm thấy 4 ngày sau khi Thích Thanh Tuệ “tự thiêu”: Một gởi cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một gởi cho toàn thể Tăng Ni tín đồ Phật giáo Việt Nam, một gởi cho hai thầy Bổn sư và toàn thể đạo hữu chùa Phước Duyên, và một gởi cho thân phụ cùng thân quyến. Trong thư gởi Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo nhờ chuyển đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm, “Vị Tổng Thống Thiên Chúa Giáo tại Sài Gòn”, Sa Di đã yêu cầu “chấm dứt mọi tình trạng khủng bố và áp bức Phật Giáo” và “Triệt để không cho bà Ngô Đình Nhu lên đài phát thanh tiếng nói Việt Nam Cộng Hòa để nhục mạ Phật Giáo bằng cách báng bổ Hòa Thượng Thích Quảng Đức...”, v.v.

Khi cùng với Thượng Tọa Trí Thủ ra trước sân chùa Phước Duyên, nơi có đông người, ông Quận Trưởng có nói lớn tiếng với Thượng Tọa Thích Trí Thủ để mọi người cùng nghe:

“Cái chết này bất thường, phải lập biên bản kỷ càng để khỏi lôi thôi về sau. Tôi về xin Biện Lý Tòa Án lo việc này ngay. Vậy xin thầy nhớ kỷ một điều là để nguyên hiện trường cho đến khi lập xong biên bản...”

Thượng Tọa Trí Thủ vổ nhẹ vai ông và nói: “Ông Quận cứ yên trí, không ai đụng chi mô.”

3.- Ghi nhận tiếp theo của Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên: Sáng 13.8.1963, Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên được báo tin có tự thiêu tại chùa Phước Duyên, cũng đã phái nhân viên đến mở cuộc điều tra, nhưng lúc đó hiện trường đã có nhiều thay đổi. Bản phúc trình của Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên cho biết như sau:

“Ngay sau khi được tin cấp báo có vụ hỏa thiêu, Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên đã phái nhân viên lập tức đến tại chỗ mở cuộc điều tra thì tại phạm trường đã có một số đông Phật tử đứng canh gác xung quanh, lại có rào dây thép gai làm vòng đai ngăn chận việc đến gần tử thi nạn nhân.

“Quan sát kỹ phạm trường, nhân viên hữu trách có những nhận xét như sau:

- Thi thể nạn nhân nằm ở ngay phía trong cửa chính vào chùa tai chỗ có rác, đất đai bị dẫm đạp và bới lộn lên chứng tỏ lúc nạn nhân bị thiêu đã có nhiều người ở đó, và phạm trường sau đó đã được sửa dọn lại để đánh lạc hướng điều tra của nhà chức trách.

- Cạnh thi thể nạn nhân có một cái thùng tròn còn hôi mùi xăng trên còn chiếc đèn dầu hôi nhỏ.

- Thi thể nạn nhân được đắp lại bằng một lá cờ Phật Giáo.

- Ngoài số Phật tử canh gác còn có mấy sư sãi đứng ở trong vòng đai, có cả máy phóng thanh và máy chụp hình.

- Phía trong chùa có một toán phụ nữ mang băng vàng ở ngực lo việc tiếp tế nước.

- Bốn bao thư do nạn nhân để lại (thư gởi Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, thư gởi hai thầy và đạo hữu Phước Duyên, thư gởi cha mẹ nạn nhân) viết bằng chữ in, không gióng mặt chữ ở các vở học của nạn nhân.

- Trong đêm xẩy ra án mạng chủ tự chùa Phước Duyên là ông Nguyễn Đức Phú, pháp danh là Thích Đảnh Lễ vắng mặt tại chùa.” (PTCS tr. 42).

Như vậy, từ khi ông Quận Trưởng Hương Trà ra đi đến khi nhân viên Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên đến khám xét, hiện trưởng đã có hai sự khác biệt quan trọng sau đây:

Khác biệt thứ nhất: Cảnh sát thấy cạnh nạn nhân có thêm một cái thùng tròn còn hôi mùi xăng. Trước đó, khi ông Quận Trưởng Hương Trà đến khám xét, ông không hề thấy cái thùng xăng này. Trên người nạn nhân cũng không có vết cháy nào. Thế nhưng, khi cảnh sát khám xác nạn nhân, lại thấy có vết cháy nám ở vai. Nhà chức trách nghi ngờ rằng sau khi ông Quận Trưởng lên tỉnh trình nội vụ, có người đã đem xăng tới tưới vào vai nạn nhân và đốt để chứng tỏ nạn nhân đã tự thiêu chứ không phải bị đánh chết. Vã lại, dù nạn nhân có tự thiêu thật, với những vết cháy nám đó cũng không đủ để khiến nạn nhân chết. Tóc tai và mặt mày của nạn nhân vẫn còn nguyên vẹn. Phần dưới của cơ thể nạn nhân không có dấu cháy nào.

Khác biệt thứ hai: Có thêm 4 bức thư được nói là do nạn nhân để lại, nhưng khi so tự dạng lại thấy chữ trong 4 bưc thư không giống chữ trong các vở của nạn nhân.

QUYẾT ĐỊNH CỦA TƯỚNG ĐỖ CAO TRÍ
Ông Quận Trưởng Hương Trà cho biết hôm đó khi ông mới về Quận và ra lệnh triệu tập cuộc họp thì được lệnh đến họp ngay tại Tòa Đại Biểu Chính Phủ. Khi đến họp, ông thấy hình như các cấp lãnh đạo chính quyền ở Huế đã được báo cáo về mọi chi tiết rồi. Ông Nguyễn Xuân Khương, Tổng Giám Đốc Điền Địa, mới được bổ nhiệm làm Đại Biểu Chính Phủ tại Trung Nguyên Trung Phần hôm 1.6.1963, đã hỏi ông: “Trung Úy tính như thế nào?” Ông Quận Trưởng trả lời: “Xin chờ Biện Lý lập biên bản xong đã. Đây là một chú tiểu vị thành niên, tự thiêu mà không có bút tích gì để lại cả...” Ông nói chưa dứt lời, Thiếu Tướng Đỗ Cao Trí đã nói ngay:
- Chết rồi thì chôn, chôn tại chỗ.

Ông Quận Trưởng:
- Nếu các thầy không chịu mà đòi chôn ở nghĩa trang thì sao?

Thiếu Tướng Trí:
- Không được! Để biến thành biểu tình a?

Ông Quận Trưởng:
- Thì bắt mấy thầy ký giấy...

Thiếu Tướng Trí:
- Anh tin được họ sao? Thôi, không nói dài dòng, tôi nhắc lại: Chôn tại chỗ, ngay trong khuông viên chùa. Đó là lệnh!

Đại Tá, Đỗ Cao Trí, Tư lệnh Quân Đoàn 1 kiêm Tư Lệnh Biệt Khu 11, kiêm Tổng Trần Thừa Thiên – Huế, mới được thăng Thiếu Tướng ngày 12.7.1963.

THƯỢNG TỌA TRÍ THỦ THẤT HỨA
Ông Quận Trưởng trở lại chùa Phước Duyên, nhưng khi vừa đến cầu Bạch Hổ thì được Xã trưởng Hương Long cho biêt chùa đã di quan ra đồng theo hướng chùa Linh Mụ. Ông tìm gặp Thượng Tọa Trí Thủ và thét lớn:
- Thầy nói láo, thầy gạt tôi, thấy hứa với tôi là để yên mọi thứ cho tòa lập biên bản, sao giờ này quan tài đã ra nằm đây?

Thầy Trí Thủ trả lời:
- Nói là nói vậy, chứ tôi nghĩ quan hôn tương tế, có chi mà phải rắc rối. Cũng nóng lòng muốn chôn cất sớm...

Ông Quận Trưởng gắt gỏng:
- Thầy nói rứa mà nghe được! Tôi đã nói với thầy đây là cái chết bất thường của một thiếu niên, phải lập biên bản kỷ lưỡng mà.

Thầy Trí Thủ nổi quạu:
- Vậy chừ ông Quận muốn sao?

Ông Quận Trưởng nói:
- Thầy có cả ngàn người, tôi chỉ có hai thầy trò. Thầy cho trói thầy trò tôi lại, quăng ở lề đường, rồi thầy muốn làm chi cứ làm mau lên.

Thầy nói nhỏ nhẹ hơn:
- Bậy nào! Làm vậy sao được!

Cuối cùng, theo đề nghị của ông Quận Trưởng, Thượng Tọa Trí Thủ đồng ý đi gặp ông Tỉnh Trưởng và ông Đại Biểu Chính Phủ để trình bày yêu cầu của Thượng Tọa.

Khi Thượng Tọa Trí Thủ vừa ra đi, ông Quận Tưởng gọi máy về Thiểu Khu Thừa Thiên – Huế trình bày tình hình và xin tăng cường ngay hai đại đội vận quân phục tác chiến nhưng không vũ khí. Trong lúc Thượng Tọa Trí Thủ chưa trở lại, Tiểu Khu đã cho 6 chiếc xe GMC chở lính đến. Ông Quận Trưởng liền cho dùng số quân xa và binh sĩ này làm thành một hàng rào cản, không cho đưa thi hài nạn nhân ra đường cái.

Theo phúc trình của Cảnh Sát Thừa Thiên, Hiến Binh đã được phái đến hợp với các viên chức của Quận Hương Trà lập biên bản vi bằng. Hiến Binh yêu cầu để thi hài nạn nhân lại ngay chỗ cũ để chờ khám nghiệm, các thầy không chịu, họ nhất định tẩm liệm ngay để đưa về chùa Từ Đàm. Hiến Binh đòi tịch thu tang vật, trong đó có các bức thư được gọi là “lưu bút” của nạn nhân, các thầy cũng từ chối không giao.

Tuy nhiên, khi quan tài được đưa ra gần chùa Linh Mụ, cách phạm trường khoảng 1 cây số rưỡi thì bị chận lại và được yêu cầu đưa về chỗ cũ, nhưng các thầy không nghe và tự động đặt trong một vườn hoang gần chùa Linh Mụ. (PTCS tr. 20).

Trong khi đó, Thiếu Tướng Đỗ Cao Trí đã cho trực thăng bốc người anh ruột của chú tiểu Thanh Tuệ tên là Bùi Câu, một trung sĩ VNCH đang đóng ở Quảng Ngãi, đưa về Huế. Lúc 5 giờ chiều, khi Thầy Trí Thủ đã trở lại, trung sĩ này được đưa đến hiện trường, cầm loa nói lớn, đại khái như sau: Em tôi đã chết, nhưng các thầy không đồng ý đề nghị của chính quyền và chính quyền cũng không đồng ý với các thầy về việc chôn cất. Chỉ có em tôi là tội nghiệp. Em tôi đã chết thảm mà còn bị đưa ra quăng đường quăng sá, nên tôi xin cho gia đình được lãnh em tôi về. Nếu các thầy không hoan hỉ chấp thuận, tôi sẽ xin cấp chỉ huy và đồng đội giúp tôi để chấm dứt tình trạng đau đớn này.

Thầy Trí Thủ đứng dậy trả lời đại khái rằng chủ tiểu Thanh Tuệ một khi đã xuất gia thì là con chùa, con Phật. Gia đình không còn bổn phận hay quyền hành gì với họ nữa. Phương chi anh chỉ là một người anh đang ở lính, xa nhà. Anh về đi, đừng quấy rầy chúng tôi nữa.

Vào lúc 18 giờ cùng ngày, một Hội Đồng gồm các viên chức sau đây đã đến tại chỗ đặt quan tài:

- Ông Biện Lý Tòa Sơ Thẩm Huế.

- Ông Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh Thừa Thiên.

- Bác Sĩ lý khám Nguyễn Văn Đệ.

- Ông Quận Trưởng Quận Hương Trà

- Ông đại diện xã Hương Long,

Họ yêu cầu chuyển thi hài nạn nhân về lại chùa Phước Duyên, nơi xẩy ra án mạng, để bác sĩ khám nghiệm tử thi, nhưng các sư sãi không chịu. Sau đó, Hội Đồng đã lập biên bản vi bằng tuyên bố bất lực. (PTCS tr. 20).

CUỘC HÀNH QUÂN CHỚP NHOÁNG
Thấy hai bên giằng co nhau, các Phật tử bỏ ra về khá nhiều, đến sáng hôm sau còn không đến một nữa.

Từ sáng 14.8.1963, Trung Sĩ Bùi Câu, anh của chú tiểu Thanh Tuệ, và một số thân nhân, thay mặt ông Bùi Dư, thân phụ của nạn nhân, đã đến Tòa Hành Chánh và Biện Lý Cuộc Thừa Thiên, xin chính quyền can thiệp để cho họ nhận lãnh thi hài của nạn nhân đem về nguyên quán chôn cất, vì ông Bùi Dư đã bị mất tích từ sáng 13.8.1963.

Khoảng 10 giờ sáng cùng ngay, Tiểu Khu Quảng Trị đã cho 2 xe du lịch chở thân nhân của chú tiểu Thanh Tuệ, hai xe jeep trần chở bàn thờ Phật, bài vị và bát nhang, một xe hồng thập tự để chở quan tài và 2 xe GMC chở một trung đội đi theo hộ tống, tiến thẳng vào nơi đang để thi hài của chủ tiểu Thanh Tuệ. Vì kế hoạch hành quân đã được Tướng Trí thiết lập rất hoàn chỉnh, nên việc đưa thi hài chú tiểu Thanh Tuệ về quê ở Quảng Trị đã được tiến hành một cách quá nhanh chóng và tốt đẹp. Sau khi đoàn xe tang đã đi một khoảng xa, mới có tin loan báo rằng Quân Đội đã cướp thi hài thầy Thanh Tuệ đưa về cây số 17 (An Lỗ) cho lính tập cận chiến!

ĐỀU COI LÀ “NGHIỆP VẬN”?

Sau âm mưu dùng xác Sa Di Thanh Tuệ để tổ chức cầu siêu và biểu tình chống chính phủ bị thất bại, “Ôn Già Lam” quyết định làm một vụ thứ hai tại ngay chùa Từ Đàm, đó và vụ hỏa thiêu Thượng Tọa Tiêu Diêu đêm 16.8.1963. Chúng tôi sẽ tường thuật vụ án này sau.

Trong Thông Cáo Chung giữa Hòa Thượng Tâm Châu và Hòa Thượng Hộ Giác đề ngày 26.6.1994, hai bên “đối thủ” đồng tuyên bố: “Đối với những sự việc xẩy ra trong quá khứ, đều coi là NGHIỆP VẬN của cá nhân, của tổ chức chung chịu và đến giờ phút này đều hỷ xả tất cả.” Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Tiến trình giải thoát đòi hỏi phải Hoàn Nghiệp và Giải Nghiệp rồi mới Đoạn Nghiệp. Trong khi Nghiệp cũ chưa Hoàn và Giải, Nghiệp mới lại được tạo ra thêm, làm sao Đoạn Nghiệp được? Vì thế, sẽ còn Pháp Nạn dài dài, kể cả hậu Cộng Sản!

Một số người tin vào luật quả báo của nhà Phật cho rằng “Ôn Già Lam” có trách nhiệm nặng nề trong cái chết của chú tiểu Thanh Tuệ, nên về sau “Ôn” và Giáo Hội Ấn Quang đã phải lãnh nhận luật quả báo khá thê thảm: “Ôn” đem Giáo Hội Ấn Quang sát nhập vào Giáo Hội Nhà Nước và được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự của giáo hội này. Tuy nhiên, nhà cầm quyền chỉ dùng ông một thời gian rồi loại. Khi “Ôn” đang ở chùa Già Lam thì được Công An mời đến trụ sở của Mặt Trận Tổ Quốc và cho nghe một cuốn băng ghi tiếng nói của một tăng sinh bị bắt khai về các hoạt động của một tổ chức chống chính quyền tại chùa Già Lam... Khi trở về, “Ôn” tỏ ra buồn phiền, ói ra máu, rồi lâm trọng bệnh nên được đưa vào bệnh viện Thống Nhất (Vì Dân cũ) ở Saigon. “Ôn” đã qua đời tại đây ngày 2.4.1984, thọ 76 tuổi.

Nếu đúng như sự tường thuật của Thượng Tọa Thiện Hạnh, nay nhóm “Thân Hữu Già Lam” cũng đang bắt chước Thầy mình, lăm le hợp tác với Cộng Sản. Có thể đây chỉ là “chiến thuật tiêu lòn” của nhòm này, định lợi dụng Phật Giáo Quốc Doanh để xây dựng cơ sở cho nhóm họ rồi sau lật lại thế cờ. Nhưng kinh nghiệm cho thấy các nhóm Phật Giáo Ấn Quang không bao giờ qua mặt được CIA và Cộng Sản. Tổ chức này luôn bị CIA và Cộng Sản biến thành công cụ.

Wait and See!

No comments:

Blog Archive