Tuesday, November 4, 2008

PHẠM TÍN AN NINH Với Úc Châu.

Phùng Nhân

Vào lúc 1,30pm ngày mùng 2 tháng 11 năm 2008. Tại Trung Tâm Sinh Hoạt Văn Hóa Cộng Đồng Người Việt NSW Sydney, nhóm bạn cựu học sinh trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang và thân hữu Úc Châu, đã tổ chức một buổi phát hành tập truyện ngắn Ở Cuối Hai Con Đường của nhà văn Phạm Tín Anh Ninh để trợ giúp thương phế binh VNCH tại quê nhà.

Đây là một buổi phát hành sách quy tụ, được rất nhiều thành phần trẻ. Thành phần trí thức, cựu quân nhân và các đoàn thể tổ chức chánh trị. Mà gần như trong mấy chục năm qua, chưa có cuộc sinh hoạt văn hóa phát hành sách nào ở Sydney mà có được sức thu hút đông đảo như lần nầy. Có thể nói đây là một sự thành công, đã vượt ra ngoài dự định của mọi người, nên ban tổ chức phải sắp đặt thêm ghế ngồi mà không đủ. Cuối cùng phải đứng thêm một vòng ngoài thật là đông, chính điều đó đã thổi lên một luồng sinh khí cho nền văn hóa lưu vong ở đây, mà từ lâu rồi sinh hoạt loại nầy đã bị lảng quên trong thầm lặng.

Theo một lẽ rất thông thường, một cuốn sách cho dù có hay đến cỡ nào, thì nó cũng cần phải có thử nghiệm với thời gian. Tới chừng đó, thì nó mới được nổi tiếng, hay trở thành The best seller. Nhưng cuốn Ở Cuối Hai Con Đường, thì nó đã trở thành một hiện tượng nóng bỏng tại Úc Châu. Ngày phát hành đầu tiên, nó đã cuốn hút đọc giả đến tham dự có lẽ trên 800 người là ít.

Có một điều đáng nói ở đây, là tác giả hiện đang sinh sống tại Na Uy. Mà sự nghiệp cầm viết của anh cũng chỉ mới đây thôi, như anh đã từng tâm sự. Vì sự cầm viết của anh, không phải bắt nguồn tự một việc mưu sinh. Mà nó chỉ bắt nguồn thuần túy của một con người đã sống, và đã từng bị dùi dập đối xử bất công trong đạo lý làm người. Khi anh đã trình diện đi học tập cải tạo trong các trại tù, từ miền Nam rồi họ chuyển anh ra tận ngoài miến Bắc thời tiết lạnh muốn thấu xương, mà tất cả tù nhân cho dù đang bị giam giữ ở bất cứ trại nào. Khi tiếng kẻng báo thức từ lúc tinh mơ, thì phải sắp hàng đi theo người cảnh binh họ dắt lên rừng, hay lội xuống nước để làm lao dịch mà không có đồ để bận chống lạnh.

Chính ở những nơi đây, ma thiêng nước độc, đã quậc ngả rất nhiều bạn đồng đội, đồng ngũ của anh, đã làm cho anh không còn đủ nước mắt để khóc than trong những giờ phút lâm chung tuyệt vọng như vậy. Nên bao chuyện bể dâu cứ chất chứa mải trong đầu, cho đến một ngày kia thì anh được đi định cư bên xứ tuyết Na Uy. Thì bao nhiêu chuyện ấy nó đã tuần tự lên mầm, bắt đầu mọc ra như một đám mạ non. Sau bao tháng năm héo hon vì khô hạn, bây giờ gặp thời tiết thuận hòa, có gió có mưa nên đám mạ ấy tự nhiên ngậm sương kết hột, để trở thành một đám ruộng phì nhiêu. Mà Phạm Tín An Ninh, anh chỉ cần đưa liềm ra gặt bó, chớ không cần phải đi tìm kiếm đâu xa.

Chính nhờ những chất liệu phù sa đó, mà vun bón cho tác phẩm đầu tay của anh nó được trúng mùa.. Từ ngôn ngữ, cho tới câu văn. Cách dựng truyện cũng không cần nhiều hư cấu, mà anh viết nó lại một cách bình thường, rồi sắp xếp thành từ truyện, từ trang. Nhưng mỗi trang sách của Phạm Tín An Ninh, nó bắt con người ta trăn trở. Khi đọc đến những đoạn đời khổ nạn mà anh đã trải qua, cũng như bao biến cố đau thương của dân tộc. Từ ông quản giáo Nguyễn Văn Thà trong truyện Ở Cuối Hai Con Đường, cho tới truyện Người Bán Sách Trên Bãi Biển Nha Trang. Đọc giả sẽ bắt gặp nơi đây, tác giả thường mở rộng lòng mình, cũng như mở rộng cốt truyện thật lớn mênh mông, để từ đó dòng chảy nhân ái của con người sẽ tuông tràn vào trong cuộc sống thân yêu bất tận.
Có lẽ đó là những chuyện đời, mà tác giả đã từng chung đụng, tác giả đã từng ra sức cưu mang. Cho nên từ nơi mạch văn, con chữ đã tự nó nói lên một cảm xúc rất tự nhiên, khiến cho đọc giả có cảm giác là chuyện đó đã từng xảy ra đâu đây gần lắm. Cũng chính vì niềm cảm xúc mạnh mẽ đó, mà dường như trong tập truyện đầu tay nầy đã xóa nhòa ranh giới, giữa hư cấu và chuyện thật ngoài đời. Nên 16 cái truyện ngắn trong tập truyện nầy, là 16 cảnh đời đang xảy trước mắt của chúng ta. Chính vì bao lẽ đó mà có người đã khóc, khi đọc tập truyện nầy còn trên Internet, hay những bài mà các báo chí trích đăng lại kể từ khi nó còn là những mảnh giấy rời.

Mở đầu chương trình nhà báo Lưu Dân, cho chiếu slide show về cuộc đời niên thiếu của tác giả. Từ khi đi học cho đến lúc vào đời, cho đến khi anh đi vào quân đội. Rồi cuộc chiến đã tàn, Phạm Tín An Ninh cũng như bao nhiêu người sĩ quan quân đội Cộng Hòa Miền Nam thời đó. Anh phải đi học tập cải tạo, từ miền Nam ra tận ngoài miền Bắc xa xôi. Để cho anh tích lũy đầy ắp trong đầu, những điều tai nghe mắt thấy.
Bên cạnh những hình ảnh hào hùng, như cấm lại ngọn cờ trên cổ thành Quảng Trị thân yêu. Là hình ảnh của những người lính thương phế binh tay chưn đã mất, họ lây lất cuộc sống qua ngày. Mà thời buổi nầy, nếu con người có đủ sức khỏe cũng phải gặp khó khăn trong việc mưu sinh. Còn những người thương phế binh nầy, họ biết làm gì để sống. Thế mà họ vẫn tồn tại như một chứng nhân lịch sử, dù lịch sử rất đau thương, mà họ đã đem thân thể của mình ra hy sinh trong cuộc chiến.

Vậy mà họ đã sống âm thầm như vậy trong những năm qua. Như một cái bóng bên đường, để chờ ngày xuôi tay nhắm mắt. Bao nhiêu hình ảnh đó, đã gây ra một nỗi đau đớn ngậm ngùi. Khiến cho tất cả hội trường, dường như có giọt lệ xót thương. Cho dẫu muộn màng, nhưng đã nói lên được một điều thầm kín.

Chính sự thôi thúc bất ngờ đó, nó không dự báo trước cho anh để trở thành một nhà văn. Nhưng rồi khi cuốn sách được phát hành, anh được bạn bè thân hữu gọi cho một cái tên thân ái. Nhà văn Phạm Tín An Ninh của đất Nha Trang, quê vợ Ninh Hòa, đã đến Sydney trong vòng tay chào đón của bạn bè. Mà việc làm đó nó cao cả to lớn xiết bao, khi khán giả ngồi nghe Ban Tổ Chức giới thiệu.

Luật sư Nguyễn Văn Thuần, sau khi trình bày ý nghĩa và việc làm của ban tổ chức. Sau đó anh tuyên bố là tất cả số tiền bán sách, trừ lại phần chi phí in ấn phát hành. Còn bao nhiêu thì ban tổ chức, cũng như tác giả sẽ trao tận tay đến những người lính thương phế binh của thời Việt Nam Cộng Hòa, hiện còn đang sống vất vưởng ở quê nhà. Nhưng số tiền đã kiếm được hôm nay, trước hết là anh xin cúi đầu trước tấm lòng nhân hậu của nhà văn Phạm Tín An Ninh. Để cho ban tổ chức một tác phẩm Ở Cuối Hai Con Đường, mới có điều kiện mà giúp đỡ thương phế binh, được cô bác anh chị em ủng hộ thật là đông đảo.

Tiếp theo là nhà văn, cũng là nhà báo Phan Lạc Phúc, ký giả Lô Răng đã từng lừng lẫy một thời.. Được giới thiệu là người điểm sách hôm nay, làm cho tất cả hội trường đều im lặng. Ông Phan Lạc Phúc cũng không đề cập đến nội dung cuốn sách gì nhiều, mà ông chỉ có nói chung chung giữa con người cầm viết với nhau. Muốn viết được điều gì tốt, thì trước hết nhà văn phải có cái tâm thật tốt.

Cũng chính vì điều suy nghĩ đó, mà ông xem cái truyện ngắn Ở Cuối Hai Con Đường là một cái truyện tiêu biểu nhứt. Để từ đó, tác giả đã chọn nó làm một cái tên cho tập truyện. Còn cuốn sách ông xin để lại cho đọc giả cầm về nhà rồi sẽ đọc sau, bởi vì ông mới vừa nhận cuốc sách nầy ngày hôm qua, thì ông không thể có nhận xét cách gì cho đúng với vị trí của nó trong tủ sách gia đình, mà cô bác anh chị em ở thành phố Sydney đang tham dự.

Tiếp theo là bác sĩ Đào Quang, một bác sĩ chuyên khoa về xương rất nổi tiếng ở vùng Liverpool. Ông Đào Quang cho biết, đây là lần tiên ông được tham dự một buổi phát hành sách như thế nầy. Vì khi đi vượt biên với cha mẹ tới đây chỉ mới có mấy tuổi, nên nói tiếng Việt không được rành. Nhưng ông cũng ráng đọc, để biết được nội dung của cuốn sách nầy, tác giả Phạm Tín An Ninh đả gởi gấm những gì trong đó, mà trong mấy ngày qua đã được các cơ quan truyền thông, cũng như báo chí họ đề cập đến rất nhiều.

Chính ông cũng không ngờ, tập truyện ngắn đã lôi cuốn thật là dữ dội.. Cũng như nó đã khuấy động tâm tư của ông, khi biết được cha mẹ ông, dân tộc ông đã chịu qua một thời kỳ đen tối. Một thời kỳ lao dịch khổ sai, mà hầu như từ trước tới nay ông chưa bao giờ hình dung ra nổi.

Ngày hôm nay nhờ đọc cuốn truyện nầy, ông mới hiểu được chính cuộc đời của ông, địa dị của ông ngày hôm nay có được, là nhờ những người lính như Phạm Tín Anh Ninh đã đem thân ra bảo vệ.. Để rồi hôm nay những mẩu chuyện nầy, lưu dấu lại cho mai sau, nên ngày hôm nay đối với ông rất là trân trọng. Có lẽ nhờ nó, mà ông sẽ mở rộng tầm nhìn ra trong thời đại hiện giờ. Ông sẽ sát cánh với thệ của ông, để từ đó đi đúng theo con đường mà thề hệ cha ông đã từng đi trước...

Phải nói đây là một gương mặt trẻ, một thành phần trẻ. Đã nói lên được tiếng nói của thế hệ mai sau, biết kề vai gánh vác những gì mà cha ông làm còn dang dở. Vì thế mà sau khi dứt lời, một tràng pháo tay tán thưởng nổi lên, để chuyển lửa về đến tận quê nhà, mà hiện nay ở trong nước người dân còn đang gánh chịu rất nhiều áp bức.
Tiếp theo là phần phát biểu của tác giả Phạm Tín Anh Ninh, anh cho biết ý nguyện của anh, là ghi lại những mẩu chuyện có liên quan tới cuộc sống. Những chuyện để nói lên bao nỗi khổ đau của dân tộc, mà anh đã có một thời kỳ chịu đựng và vượt qua.
Anh viết lại cuốn sách nầy, không phải để khêu lại lòng thù hận. Mà anh muốn nói lên lòng trắc ẩn của con người, trong quá khứ cũng như hiện tại, đến lúc nào đó cũng phải đối diện với lương tâm. Chỉ có tình người, và lòng nhân ái mới là bền vững. Còn những tội ác, hay những chủ nghĩa cực đoan do một số người lãnh đạo dựng lên. Nó chỉ là một bóng mây đen trong thời kỳ đen tối, rồi đây nó sẽ bị dẹp tan, khi toàn dân cương quyết đứng lên phá bỏ...

Tiếp đến là chương trình văn nghệ thật là phong phú, Ban Phượng Tím đã hát một lượt 3 bản Hòn Vọng Phu. Giọng hát vút lên cao, như đưa hồn người vào thời chinh chiến. Mà ở đó hình bóng chinh nhân, một thanh gươm trên lưng ngựa đang xông pha nơi chốn sa trường. Khiến cho người nghe càng thêm đem lòng hoài cảm. Cũng như trong 16 truyện ngắn của Phạm Tín An Ninh, đã được xây dựng trên tình người. Của sự thủy chung, của nền đạo lý bây giờ và cho cả mai sau không hề lay chuyển.

Cuối cùng trong buổi ra mắt sách, ban tổ chức đã trao cho ông Nguyễn Thanh Thuỷ, đại diện cho Hội Thương Phế Binh Quân Lực VNCH/NSW một số tiền là 10,000 Úc kim/-
Phùng Nhân

No comments:

Blog Archive