Trường Saint Paul- Số 4, đường Cường Để, quận 1- Sàigòn
Trường Saint Paul được đặt trong một khu vực tu viện tọa lạc ở số 4 boulevard Luro (sau là đường Cường Để, quận 1, Sàigòn).
Tên gọi ban đầu của tu viện là La Sainte Enfance (Thánh Hài Đồng), được xây và làm chủ bởi những nữ tu nhà dòng Saint Paul de Chartres (Thánh Phaolô thành Chartres). Tu viện được khánh thành vào tháng 5 năm 1864.
Địa điểm của tu viện này được chỉ bằng mũi tên màu đỏ trên bản đồ Saigòn 1896
Trường này còn được gọi là trường Nhà Trắng không phải là vì trường được sơn màu trắng mà bởi vì các Sơ này “trinh bạch từ linh hồn đến những chiếc áo dòng trắng toát”.
Theo tài liệu [1] : Giáo dục các trẻ em gái được giao cho các Sơ nhà dòng Saint Paul de Chartres ở Sàigòn.Năm 1870, 5 học bổng 900 quan Pháp được cấp cho con gái những công chức Pháp. Năm 1874, một nội trú thứ hai được mở ra để đón nhận các trẻ em gia đình trung lưu. Năm 1880 , tổng cộng số tiền của nhiều học bổng khác nhau được thuộc địa cấp cho trường học này là 60.000 quan tây.
Theo tài liệu [2] : Vào năm 1874, trường École de La Sainte Enfance có 113 học sinh.
Theo tài liệu [3] : Trường École de La Sainte Enfance nhận học sinh nội trú, bán nội trú và ngoại trú. Ngân quỹ của trường được trợ cấp từ ngân quỹ địa phương và các học bổng.
Trước năm 1975, trường Saint Paul là một trường tư thục phổ thông chỉ nhận nữ sinh, gồm có các lớp từ mẫu giáo tới tú tài với số lượng 1.600 học sinh (có ký túc xá cho học sinh nội trú).
Tài liệu [4] dùng hai tấm hình dưới đây và thêm lời chú thích để chỉ ra địa điểm tọa lạc của trường Saint Paul.
Hình chụp năm 1967(Saigon 1967. Urban Street Scene. Photo By 1LT Jerry Parker)
Bên phải là trường Saint Paul số 4 Cường Để ( cái nhà màu vàng vàng ở ngay tường trường là cái “nhà đèn” – trạm biến thế điện CEE- xem hình dưới ), tới chút nữa là đường Nguyễn Trung Ngạn ( xưa là Palanka ), tới số 6 Cường Để ( khu nhà lầu trắng) là Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn rồi mới tới Phủ Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa (sau lưng là đường cấm đầu đường Nguyễn Du (rue Taberd) , phía trước nằm trên đường Thống Nhất ).
Bên trái hình, chỗ không có cây là ngã ba Gia Long (Lagrandière)-Cường Để. Xa xa có nhà màu trắng là Dòng Kín (Đan viện Cát-Minh) ngã tư Nguyễn Trung Ngạn rồi tới Dinh Tướng Lê Văn Tỵ ở ngã tư Nguyễn Du rồi tới Công ty Shell…”( Chú thích bởi Pham van Thach).
Saigon 1968. Catholic school in Saigon. Everyone wore blue and white uniforms. We passed by this school on our way to 4th Trans. Command Compound. Photo and caption by David McNaught (Sàigòn năm 1968-Trường công giáo ở Sàigòn-Tất cả học trò mặc đồng phục màu trắng và xanh dương-Chúng tôi đi ngang trường này trên đường tới 4th Trans. Command Compound -Hinh bởi David McNaught). Lằn phân ranh hai con lộ xe chạy cùng chiều (bên trong nhỏ hơn).
Trường Saint Paul-Sàigòn năm 1971
Đồng phục trường St-Paul trên đường Cường Để là áo chemise trắng và jupe plissée xanh marine. Các học sinh cấp trung học có thể mặc chemise trắng và jupe plissée hay áo dài xanh marine. Tất cả đồng phục đều phải có insigne (phù hiệu) SP. Các học sinh tự kêu với nhau rằng SP là Sainte Prisonnière hay Thánh tù nhân.
Học sinh Saint Paul đi diễn hành trong dịp lễ 100 năm thành lập trường La san Taberd- (năm 1974)
Cựu học sinh thành danh tiêu biểu của trường Saint Paul :
Henriette Bùi Quang Chiêu (1906-2012) : Bà là con của một nhân vật có tiếng ở nước Việt, nhất là Nam Kỳ trước 1945, ấy là ông Bùi Quang Chiêu. Tài liệu [5] viết rằng : Thuở nhỏ, bà học trường St Paul de Chartres, tức Trường Nhà Trắng tại Sài Gòn. Năm 1915, bà thi vượt cấp và đậu bằng Certificat sớm 2 năm. Sau đó, bà vào học trường Collège des Jeunes Filles, sau là trường trung học Gia Long Sàigòn.
Bà sang Pháp du học năm 15 tuổi. Một năm sau đó, mẹ bà qua đời vì bệnh lao phổi. Có lẽ việc này đã tăng thêm nguyện vọng của bà theo ngành y. Việc học của bà bị gián đoạn một năm vì bệnh đau mắt (trachoma), tuy nhiên đến năm 1926, bà cũng tốt nghiệp bậc trung học tại Lycée Fenelon ở Paris. Năm 1927, bà theo học Đại học Y khoa Paris (tiếng Pháp: Faculté de Médecine de Paris) thuộc Đại học Paris. Năm 1934, bà trinh luận án tốt nghiệp xuất sắc, được hội đồng giám khảo khen ngợi và tưởng thưởng huy chương. Khi trở về Việt Nam năm 1935, bà nhậm chức trưởng khoa hộ sinh ở Chợ Lớn. Cũng trong năm 1935, bà lập gia đình với luật sư Vương Quang Nhường, Tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của người Việt, một đảng viên Đảng Lập Hiến Đông Dương.
Dưới đây là mẩu tin quảng cáo phòng mạch của bà trích từ tài liệu [6]: HENRIETTE MÉDECIN LIBÉRAL : Publicité (Le Nouvelliste d’Indochine, 22 octobre 1939) (Le Nouvelliste d’Indochine, 12 novembre 1939) 26, rue Testard-Saïgon de 3 h. à 6 h. Doctoresse Henriette BÙI Maladies des femmes Enfants Accouchements. 16, bd. Tong Doc Phuong CHOLON de 10 à midi.
Với khí khái độc lập, bà bị các y sĩ người Pháp gây khó dễ. Cách cư xử của bà biểu hiện quan niệm bình đẳng, bình quyền giữa nam và nữ, cũng như bình quyền chủng tộc giữa người Việt và người Pháp .
Bà đã hiến tặng biệt thự tư gia của bà ở số 28 đường Testard để làm cơ sở cho Trường Ðại Học Y Khoa Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn.
Sau năm 1975, có một thời gian trường Saint Paul bị đổi thành Trường Sư Phạm Mầm Non.
Một góc khu nhà nguyện của St Paul vẫn nguyên vẹn như xưa; ảnh chụp ngày 10/10/2015
Phụ đề: Sơ lược lịch sử Nhà Dòng Saint-Paul & Couvent St Paul de Chartres (Couvent St-Paul)
Theo tài liệu [7] : Cuối năm 1859, Đức cha Dominique Lefèbvre, vị Giám mục tiên khởi của Sài Gòn ,gửi thư cho Mẹ Bề Trên Benjamin, dòng Saint Paul de Chartres tại Hồng Kông, xin gửi 6 Sơ đến Sài Gòn giúp các giáo sĩ trong việc mục vụ truyền giáo tại lục tỉnh Nam kỳ.
Trong khi đó theo tài liệu [8,9] : ‘’ Lối cuối năm 1860, do yêu cầu của Đức Cha Dominique Lefèbvre, vị Giám mục tiên khởi của Sài Gòn, nên các Sơ Nhà Dòng Saint Paul de Chartres được phái sang đây (Sàigòn), để mở một cô nhi viện Sainte Enfance chăm sóc trẻ mồ côi vì cha mẹ chúng bị bắt đạo nên bỏ rơi, và những trẻ vô thừa nhận bên lương. Gốc tích nhà Dòng “Thánh Nhi” Sài Gòn (Sainte Enfance) do đây mà có.
(Chú thích: Giữa tài liệu [7] và hai tài liệu [8,9] : Năm Đức cha Dominique Lefèbvre xin gởi (hay yêu cầu) các Sơ cũng như nhiệm vụ của các Sơ ở Sàigòn không đồng nhất).
Theo tài liệu [7] : Ngày 7 tháng 5 năm 1860, Mẹ Bề Trên Benjamin gửi hai Sơ Marie de la Nativité và Saint Lizier đến Sài Gòn trên một con tàu buôn. Con tàu cập bến Sài Gòn vào ngày 29 tháng 5 năm 1860. Trong khi đó theo tài liệu [10] viết là vào ngày 20 tháng 5 năm 1860, các Sơ đặt chân đến Sài Gòn.
Đây chính là những nữ tu ngoại quốc đầu tiên có mặt ở Sài Gòn.
Hai Sơ này sống tạm bợ trong một căn nhà lá, gần Tòa Giám mục, trong khu vực Chợ Cũ ở Sàigòn.
Tài liệu [8,9] : Các Sơ Nhà Dòng nầy lúc ban sơ tạm định cư tại một căn nhà nhỏ ở khu Chợ Cũ (đường Lefèbvre,sau là Nguyễn Công Trứ-quận 1, Sàigòn) dựa nhà Đức Cha Lefèbvre, cùng các nữ tu dòng kín (đến Sài Gòn năm 1861).
Theo tài liệu [11] : Những ngày tháng đầu sinh sống của các Sơ rất là cơ cực :’’ La Sainte Enfance ở Sàigòn được thành lập ngày 20 tháng 5 năm 1860 trên một nhà sàn , giống như chuồng gà với những cột nhà nằm trong một vũng sình ngập nước khi biển (sông?) dâng lên.
Đức Cha Lefèbvre đã cho xây một chuồng gà và cho một con dê.Một bác sĩ giải phẫu hải quân đã tặng một con bò sữa. Đại úy hải quân Dariés tặng 30 đồng mỗi tháng. Đã thế, Đức Cha Lefèbvre còn thành lập một bệnh viện bản địa (tiền thân của Hôpital de Chợ Quán – Dưỡng đường Chợ Quán ?), tràn ngập một cách mau lẹ bởi những người bệnh với những vết thương mà thịt đã bị chết đen và thường thường đầy nhun nhúc những con vòi.Bệnh viện này không có một nguồn tài chánh ngoài sự phụng sự tận tụy của các Sơ. Chính quyền quân đội Pháp cung cấp thuốc men, sau đó Đô đốc Charner trợ cấp 300 đồng’’.
Các Sơ chăm sóc một số trẻ em bị bỏ rơi trong ngôi nhà mồ côi do Đức cha Lefèbvre lập ra, đây cũng chính là những hạt nhân đầu tiên của nhà dòng sau này.
Chỉ sau đó vài tháng, vào tháng 10 năm 1860, theo yêu cầu từ phía chính quyền Pháp, Đức cha Lefèbvre đã gửi nữ tu này đến bệnh viện quân đội. Nguyên nhân là do vào thời gian này, ở vùng Sài Gòn xuất hiện dịch tả trong quân đội nên chỉ huy trưởng D’Ariès đã xin hai nữ tu đến chăm sóc chữa trị cho các bệnh nhân dịch tả .
Hai nữ tu cư ngụ trong một căn phòng chật chội trong bệnh viện quân đội. Ngoài phòng dành cho hai nữ tu, bệnh viện quân đội thời kỳ này chỉ có 3 phòng nhỏ cho bệnh nhân và một phòng dành cho các nhân viên và bác sĩ.
(Chú thích : Theo đoạn văn trên, bệnh viện quân đội chắc chắn là phải hiện hữu trước hay vào năm 1860. Mặt khác theo các tài liệu [12,13,14,15] thì một bệnh viện quân sự (Hôpital militaire) đầu tiên của quân đội Pháp khi mới xâm chiếm Nam Kỳ, được thành lập từ năm 1862, bởi đô đốc Louis Adolphe Bonard (1805-1867) ở góc đông nam ngã tư của đường Nationale (đường Hai Bà Trưng) và đại lộ Norodom (đường Thống Nhất) với nhiệm vụ chính là phục vụ cho lực lượng thủy quân lục chiến, đồn trú tạm thời ở phía bắc của ngả tư.Tuy nhiên, ngay từ đầu bệnh viện điều trị luôn cho công chức thuộc địa cũng như binh sĩ Pháp và Việt.
Cũng giống như bệnh viện quân sự ghi trong tài liệu [7], bệnh viện quân sự (Hôpital militaire) đầu tiên này cũng chỉ có ba phòng nhỏ dành cho người bệnh, một căn phòng chật chội cho các nữ tu, và một căn phòng nhỏ xíu cho các quản trị viên và các bác sĩ.
Từ đây, người ta có thể nói rằng hai bệnh viện quân sự là một, nhưng với năm thành lập không đồng nhất. Như thế, việc hai Sơ tới làm việc ở bệnh viện quân sự vào tháng 10 năm 1860 cần phải xem lại).
Đến tháng 3 năm 1861, có thêm vài nữ tu của nhà dòng gửi đến từ Pháp.
Tháng 6 năm 1861, Mẹ Bề Trên Benjamin được bổ nhiệm đến Sàigòn lãnh trách vụ Bề trên miền Viễn Dương đặt trụ sở tại Sàigòn. Đi cùng với Mẹ Bề Trên Benjamin từ Hồng Công qua có 5 nữ tu dòng Saint Paul. Chỉ sau đó vài tháng, ngày 9 tháng 10 năm 1861, Mẹ Benjamin đón nhận thêm 12 nữ tu người Pháp đến bổ sung.
Mẹ Bề Trên Benjamin và tất cả nữ tu cùng ở trong một căn nhà bên cạnh bênh viện để thuận tiện hoạt động phục vụ trong bệnh viện quân đội và chăm sóc các cô nhi.
Những đứa trẻ này chính là một phần công việc, niềm vui trong công tác mục vụ của các nữ tu dòng Saint Paul.
Mẹ Bề Trên Benjamin nguyên tên là Benjamin Le Noël de Groussy sinh ngày 24 tháng 10 năm 1821 tại Périers (Manche) nước Pháp. Khi mẹ Bề Trên Benjamin qua đời năm 1883 (một tài liệu trên mạng viết là ngày 20 tháng 5 năm 1884) ở Sàigòn, Mẹ được mai táng ở trong một nhà thờ nhỏ riêng tư trong tu viện Saint Paul, đường Cường Để ,quận 1, Sàigòn do chính Mẹ lập ra).
Năm 1862, chính quyền Pháp bắt đầu thực hiện dự án quy hoạch thành phố Sàigòn theo đồ án Coffyn. Ngôi nhà tạm của các nữ tu và các trẻ em mồ côi nằm gần công trường lắp đất kinh Chợ Vải ( sau đường Charner, rồi là đường Nguyễn Huệ). Chính quyền đề nghị Mẹ Bề Trên Benjamin nhượng lại phần đất đó và hứa cấp cho một phần đất rộng lớn hơn.
Vào ngày 15 tháng 8 năm 1862, Thống đốc Bonard đã ký một văn bản cấp cho nhà dòng một phần đất rộng hơn gấp bốn lần. Theo ghi chép của cha Wibaux, vị giám đốc đầu tiên của chủng viện Giuse Sàigòn, Thống đốc Adolphe Bonard đã cấp hơn 7 mẫu đất được chia làm hai phần, một trong hai phần đó được được dành cho các nữ tu của dòng Saint Paul de Chartres còn phần còn lại dành cho công cuộc truyền giáo trong tương lai (sau được dùng để xây chủng viện Joseph Sàigòn). (Xem thêm chi tiết trong bài Chủng viện (Séminaire) Sàigòn của cùng tác giả).
Ngay sau đó, tháng 9 năm 1862, Mẹ Bề Trên Benjamin khởi công xây cất nhà giám tỉnh tại khu đất Rue de la Citadelle (sau là Boulevard Luro, rồi là Cường Để),giữa chủng viện Saint Joseph và xưởng Ba Son.
Mặt tiền Couvent St Paul- Năm chưa xác định được
Sau hai năm xây cất, ngày 18 tháng 7 năm 1864, công trình tu viện được hoàn thành.
Đến ngày 10 tháng 8 năm 1864, Đức cha Lefèbvre cùng với khoảng 20 giáo sĩ đã cử hành thánh lễ khánh thành ngôi nhà nguyện khang trang với sự hiện diện của Thống đốc Lagrandière và đông đảo cư dân Sàigòn. Tên gọi ban đầu của tu viện là La Sainte Enfance (Thánh Hài Đồng) (tài liệu [7]).
Mặt khác theo tài liệu [9] : Khu vực hỗn hợp École de La Sainte Enfance, gồm có một cô nhi viện, một ký túc xá bà xơ cho nữ sinh và một nhà thờ riêng nhỏ được khai trương khánh thành vào tháng 5 năm 1864.
Theo tài liệu [8] : Nhà Dòng dời về đây (khu Rue de la Citadelle – đường Cường Để) và lần lượt phát triển thêm, gồm có:
§ Một nhà tu riêng cho các bà sơ Việt Nam ;
§ Một nhà nuôi trẻ con Pháp và trẻ con lai ;
§ Một ký túc xá dạy dỗ nữ sinh con nhà khá giả bản xứ, gọi Trường Nhà Trắng,trường học nữ sinh điều khiển bởi 30 nữ tu ;
§ Một nhà nuôi trẻ mồ côi và con bỏ rơi bản xứ ;
§ Một nhà nuôi gái bản xứ bị dụ dỗ nay cải thiện.
Theo tài liệu [7] :Lịch sử Công giáo Việt Nam ghi nhận, ở Tây Đàng Trong trong vùng Pháp chiếm đóng ngay tại Sàigòn, tu viện dòng Saint Paul là cơ sở công giáo đầu tiên được xây dựng quy mô và to lớn.
Hình dãy nhà đầu tiên nguyên thủy của Sainte Enfance của Nguyễn Trường Tộ (Collection Emile Gsell 1866- ancien fonds du musée des colonies). Dãy nhà này đã được thay thế vào cuối thế kỷ 19 bằng những dãy nhà hiện nay
Công trình này càng đặc biệt hơn khi người thiết kế và chỉ huy thi công là một tri thức người Việt : Ông Nguyễn Trường Tộ. Ông là người được miêu tả rất thông minh và nhân lành đã không nhận bất kỳ khoản thù lao nào khi thực hiện công việc xây dựng tu viện. Trên tập san Missions Catholiques năm 1876, trong bức thư của vị thừa sai Le Mée, Nguyễn Trường Tộ được nhắc đến với tên gọi là Lân, người được Đức Giám mục Gauthier và linh mục Croc đưa vào Sài Gòn. Vị nho sĩ Bắc Kỳ này đã phác họa sơ đồ và là người trực tiếp trông nom việc xây dựng công trình tu viện.
Mặt khác ,trong bản thảo viết tay của Mẹ Bề Trên Benjamin chỉ ghi lại tên kiến trúc sư là Thầy Học. Lúc ấy các bà phước chẳng biết kiến trúc sư “Thầy Học” là ai. Không biết trước đây đã có tài liệu nào xác định Thầy Học là ai chưa.
Tài liệu [8] viết như sau : “Tương truyền nhà lầu cao lớn nơi đây là do ông Nguyễn Trường Tộ năm xưa đứng coi xây cất”. Vậy Thầy Học hay ông Nguyễn Trường Tộ là người thiết kế, xây cất tòa nhà này? Trong tạp chí Văn Đàn (số 4 năm 1961, Sàigòn) ông Phạm Đình Khiêm đã công bố nhiều tài liệu trong thư khố tu viện đã chứng minh Thầy Học chính là ông Nguyễn Trường Tộ. (nguồn: Lê Văn Nghĩa/Pháp Luật).
Tài liệu [9] viết là Ông Nguyễn Trường Tộ được chỉ định làm Kiến Trúc Sư cho công trình này.
Theo tài liệu [16] đã sơ lược tiểu sử ông Nguyễn Trường Tộ như sau : Tháng 7 năm 1864: Đức cha Lefèbvre khánh thành nhà nguyện và các cơ sở của Dòng Saint Paul ở số 6 đường Cường Để do ông Nguyễn Trường Tộ thiết kế và thi công. Các kiến trúc cơ bản của thiên tài họ Nguyễn cách đây gần 150 năm vẫn còn sừng sững cho tới ngày nay.
Ông Nguyễn Trường Tộ, một nhân sĩ Công giáo sinh tại làng Bùi Chu (thuộc xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).Ông học rất giỏi, ngoài việc học với cha ở nhà, ông còn theo học nhiều thầy đồ nổi tiếng trong vùng. Tuy mất sớm ở tuổi 43 nhưng ông đã đã dâng lên triều đình Huế các bản điều trần đầu tiên: Trần Tình khải, Thiên Hạ Đại Thế luận, Giáo Môn luận và Tế Cấp bát điều, đề xuất rất nhiều kế hoạch cải cách táo bạo, nhằm đưa đất nước thoát khỏi cảnh trì trệ, tiến lên trở thành một quốc gia dân giàu nước mạnh. Đáng tiếc, những bản điều trần của ông thời đó đã không được trọng dụng.
Tu viện La Sainte Enfance kéo dài từ đường Tây Ninh (về sau là Armand Rousseau rồi Dr Angier và cuối cùng Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày nay) đến đại lộ Citadelle (sau là Cường Để) râm mát và cũ kỹ. Tòa nhà chính với phong cách kết hợp nửa Á – Âu, được trang trí mang đậm nét thẩm mỹ của người An Nam. Nhà nguyện nằm ở trung tâm tu viện theo phong cách Gothic với ngọn tháp thanh mảnh duyên dáng. Tu viện được thiết kết với 3 khối kiến trúc: cô nhi viện, nhà các nữ tu và nguyện đường. Toàn bộ tu viện được bao quanh bởi một ngôi vườn lớn trồng bông, café và cây vanila.
Theo tài liệu [10] : Nếu ai có dịp vào nữ tu viện Saint Paul de Chartres này, họ sẽ choáng ngợp với không gian rộng rãi, khoáng đãng với kiến trúc ba khối nhà : cô nhi viện, nhà nữ tu ở và khu nhà nguyện.
Khu nhà nguyện có thiết kế đặc biệt, nhìn từ trên cao xuống rất giống cây thánh giá, bên trong có thêm nhiều cột đỡ vững chãi, phía trước là một sân cỏ rộng với tượng thánh bổn mạng của dòng Saint Paul. Một thiết kế theo nhận định của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ: “Một giáo đường huy hoàng với đường nét thẩm mỹ kiểu Gothique. Các khu vòm hình liềm cung, đua nhau vượt lên tới 20 thước, không một chút chạm trổ hoa hòe… Làm cho khách tưởng nhớ đến giáo đường Sainte Chapelle… Cảm tưởng nhẹ nhàng vì sự thành công của vị kiến trúc sư làm cho ai vào đó cũng cảm thấy thoát tục”…
Điểm đặc trưng của công trình kiến trúc tu viện là ngọn tháp cao nhất Sài Gòn vào thời bấy giờ. Theo tài liệu ghi chép của Hội Thừa Sai Paris, công trình tu viện là một kiệt tác kiến trúc được nói đến trên nhiều trang lịch sử thuộc địa. Tu viện trông như một mũi tên trắng sáng cao vút dễ dàng nhận ra khi tàu thuyền cập sông Sàigòn, đó là tất cả của Sàigòn. Những ai mới đặt chân đến Sài Gòn đều muốn đi thăm tu viện và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với kiến trúc của tu viện. Cha Wibaux nhận xét mặc dù được xây dựng bởi một kiến trúc sư An Nam nhưng đây là biểu tượng đẹp nhất của Sài Gòn trước khi có Dinh Thống đốc (Palais du Gouvernement). Và ngay cả khi Dinh Thống đốc thành hình thì tu viện vẫn rất đẹp, ngọn tháp chuông của nó có thể được nhận ra từ xa bên cạnh khúc quanh của sông Sàigòn.
Trung úy hải quân Richard khi miêu tả về Sàigòn và vùng lận cận đầu năm 1866 đã miêu tả tu viện dòng Saint Paul có một ngôi nhà nguyện nhỏ nhưng tuyệt diệu với ngọn tháp cao duyên dáng nổi bật giữa tất cả trong vùng này. Tu viện giống lối kiến trúc của Ý pha lẫn những nét trang trí của người Việt. Phần thiết kế ngọn tháp tu viện Sainte Enfance khá giống với ngọn tháp của nhà thờ Đức Bà Paris được kiến trúc sư Viollet-le-Duc thêm vào trong đợt trùng tu nhà thờ Đức Bà Paris trước đó không lâu (1859-1860). (Phụ chú : Tài liệu [7] không có cung cấp các chi tiết về trung úy Richard. Tuy nhiên,theo danh sách các tài liệu tham khảo trong bài về trường Collège d’Adran của tác giả TM, thì trung úy Richard có thể là người viết tài liệu : P. C. Richard,Lieutenant d’artillerie de la marine et des colonies- Saigon et ses environs au commencement de 1866-Revue maritime et coloniale, tome XVIII, 71e livraison, Novembre 1866).
Chắc hẳn là ông Nguyễn Trường Tộ đã hấp thụ được cách thiết kế tháp mũi tên của kiến trúc sư thiên tài Viollet le Duc khi ông lưu trú ở Pháp (1858-1861).
Không lâu sau khi đến Sàigòn, các việc làm từ thiện bởi các Sơ cho những cô nhi viện và cho người bệnh đã phát triển một cách nhanh chóng mau lẹ.
Cô nhi viện đầu tiên nằm trong khuôn viên tu viện Saint Paul ở Sàigòn, trung bình (mỗi năm ?) thu nhận từ 600 tới 700 trẻ em mồ côi và con lai bị bỏ rơi.
Khối lượng công việc ngày càng nhiều đòi hỏi phải có thêm nhân sự phục vụ. Không thể chỉ dựa vào số lượng nữ tu ngoại quốc được Tổng Hội dòng cử đến, muốn phát triển nhà dòng cần phải có nguồn lực nội tại. Đứng trước yêu cầu cấp thiết này, năm 1866, Mẹ Benjamin đã lập một Tập Viện đầu tiên theo đúng Giáo luật ở Sài Gòn, kêu gọi các thiếu nữ bản xứ gia nhập vào gia đình tu viện. Trải qua thời gian giáo dục, đào tạo, tôi luyện, các nữ sinh trẻ sẽ trở thành những nữ tu Saint Paul trong tương lai. Rất nhiều thiếu nữ bản địa đã gia nhập vào tu viện. Nhờ đó mà nhà dòng ngày càng có nhiều người hy sinh dấn thân phục vụ, tiếp bước các công việc ban đầu của nhà dòng.
Đến năm 1869, Mẹ Benjamin mở một trường nội trú dành cho các em nhỏ, trong đó, chia làm hai khu vực riêng biệt : một để nuôi dưỡng dạy dỗ các trẻ em con cái công chức châu Âu theo mô hình các trường học ở Pháp; phần còn lại dành cho các trẻ em bản địa cũng được nhận một nền giáo dục kiểu Pháp để các em có một vị trí thích hợp trong xã hội sau này.
Như vậy, khu cô nhi viện trong tu viện Saint Paul ở Sàigòn lúc này bao gồm :
§ một nhà trẻ mồ côi dành cho các cậu bé bản địa dưới 7 tuổi, được nuôi dạy sau đó sẽ được gửi đến trường Adran gần đó;
§ một nhà trẻ mồ côi dành cho các bé gái được chăm sóc cho đến khi họ kết hôn hoặc cho đến khi họ có một vị trí công việc trong xã hội;
§ một ngôi nhà đặc biệt dành cho các cô gái châu Âu, các cô gái công chức hoặc nhân viên, con gái của các thương nhân ở Sàigòn hoặc ở các khu vực lân cận.
Sau vài năm hoạt động, tu viện Saint Paul mặc dầu rộng lớn cũng không đủ sức chứa dành cho tất cả những trẻ khốn khó, cần nhân rộng công việc thiện lành này ở những nơi khác. Những cô nhi viện dưới sự trách nhiệm của các Sơ tăng lên rất nhanh.
Vào năm 1864 (năm hoàn thành công trình tu viện La Sainte Enfance – Thánh Hài Đồng), một cô nhi viện thứ hai được thành lập ở Mỹ Tho.
Đến năm 1870, cô nhi viện thứ ba được thành lập với tên gọi cô nhi viện Việt – Hoa, nhận chăm sóc các trẻ em người Hoa ở khu vực Chợ Lớn. Tính trung bình mỗi năm cô nhi viện nhận đến 450 trẻ em bị bỏ rơi nơi đây.
Cholon, Fillettes de la Sainte Enfance faisant du fuseau (Chợ Lớn, các em bé gái dòng Sainte Enfance thêu thùa)
Năm 1871, một mái ấm thứ tư đã được mở ra ở Vĩnh Long, số trẻ em được nuôi dưỡng và giáo dục vào thời điểm đó là 60 cô nhi.
Vào tháng 4 năm 1876, cô nhi viện thứ năm được khánh thành ở Biên Hòa.
Tài liệu [11] : Năm 1874, các Sơ thành lập một nhà nội trú nuôi trẻ em gái lai bị bỏ rơi.
Không dừng lại ở việc nuôi dưỡng chăm sóc các trẻ em, Mẹ Benjamin bắt đầu nghĩ đến các phụ nữ khốn khổ bị bỏ rơi, những phụ nữ lầm đường lỡ bước. Họ cần có một nơi nương tựa để phục hồi cả tinh thần và thể xác trước khi trở lại xã hội. Năm 1875, Mẹ Benjamin đã cho mở một nhà nội trú cho những cô gái bất hạnh này.
Năm 1877, cha Donatien Éveillard, người xây dựng ngôi nhà thờ Tân Định đầu tiên, đã mời các nữ tu Saint Paul đến thành lập một cô nhi viện và một trường nội trú bên cạnh nhà thờ gọi là trường Sainte Enfance Tân Định. Sức chứa ở cơ sở Tân Định khoảng 315 em do 4 nữ tu người Pháp và 10 nữ tu bản xứ coi sóc. Các nữ tu Saint Paul nhận chăm sóc cho các trẻ sơ sinh, trẻ ốm đau, các trẻ bị bỏ rơi, mồ côi. Tất cả các em sẽ được chăm sóc và nhận một nền giáo dục cơ bản cho đến khi chúng có thể tự mưu sinh.
Ngoài ra, còn nhiều cô nhi viện khác do các nữ tu dòng Saint Paul thành lập khắp lục tỉnh Nam kỳ.
Ở Bà Rịa, các trẻ em mồ côi cả nam và nữ được nhận nuôi dạy cho đến khi 18 tuổi. Các em được dạy dỗ và học tập lao động nông nghiệp.
Ở Bến Tre, một nhà trẻ mồ côi dưới sự điều hành của các nữ tu bản xứ được sáp nhập vào nhà tế bần ở Cái Mơn. Nơi đây có 24 trẻ em. Bệnh viện bản địa cũng bao gồm một cô nhi viện và nhà trẻ dành cho trẻ em bị bỏ rơi cũng như một nhà hộ sinh.
Năm 1905, tại Châu Đốc, một cô nhi viện do các nữ tu điều hành được thiết lập chăm sóc khoảng 200 trẻ em.
Ở Cần Thơ, Long Xuyên và Thủ Dầu Một, ngoài cô nhi viện, nhà dòng còn mở nhà hộ sinh, các nữ tu trở thành những “bà mụ” để giúp đỡ phụ nữ khi sinh con việc này góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong của mẹ và con xuống rất nhiều. Riêng cô nhi viện ở Long Xuyên thu nhận đến 600 em cả nam và nữ.
Cô nhi viện ở Sa Đéc chăm sóc 150 trẻ em.
Các nữ tu thành lập một nhà tế bần dành các phòng đặc biệt cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh đau ốm hoặc bị bỏ rơi ở Sóc Trăng.
Bên cạnh đó, các nữ tu dòng Saint Paul vẫn tiếp tục phục vụ, làm công tác như nữ y tá trong các bệnh viện quân đội :
Vào tháng 10 năm 1861, một bệnh viện quân đội được thành lập ở Mỹ Tho, cũng trong năm này, vào tháng 12, bệnh viện Biên Hòa được thành lập.
Tháng 1 năm 1862, một bệnh viện khác được mở tại Bà Rịa và các nữ tu đã đến đấy làm việc.
Khi Sài Gòn có một bệnh viện quân đội mới, rộng lớn với sức chứa trung bình ba trăm bệnh nhân,mười tám nữ tu dòng Saint Paul được cử đến để phục vụ trong bệnh viện mới này.
(Phụ chú : Theo tài liệu [12] : Bệnh viện quân đội mới này được xây dựng vào cuối thập niên 1870 (1873-1974, theo tài liệu [13]) ở số 14 đường Lagrandière (Gia Long), để thay thế bệnh viện quân sự (Hôpital militaire) cũ của quân đội Pháp, thành lập trước đó từ năm 1862 bởi đô đốc Louis Adolphe Bonard,ở góc đông nam ngã tư của đường Nationale (đường Hai Bà Trưng) và đại lộ Norodom (đường Thống Nhất).Bệnh viện quân đội mới, sau là bệnh viện Grall hay Đồn Đất. (Chi tiết về bệnh viện Grall đã được viết trong tài liệu [15]).
Theo tài liệu [8] : Năm 1864, bệnh viện quân sự cũ (và sau đó bệnh viện quân đội mới) thuộc về các bà Sơ Dòng Saint Paul coi sóc.Qua năm 1904, chế độ này cáo chung và từ ấy các nữ y tá ngoại đạo trông nom. Năm 1905 trở đi, cơ sở y tế này dưới sự điều hành của bác sĩ Charles Grall, mở cửa chữa trị cho mọi thành phần, quân sự cũng như dân sự kể cả dân bản xứ.
Ngoài bệnh viện trung tâm, các nữ tu còn phục vụ trong các bệnh việc khu vực khác do chính quyền Pháp mở ra.
Các nữ tu dòng Saint Paul có mặt ở bệnh viện Vĩnh Long vào năm 1877.
Riêng tổng số bệnh nhân được phục vụ ở ba điểm chính: Sàigòn, Mỹ Tho và Bà Rịa là 355 người.
Không chỉ dừng lại ở việc phục vụ trong các bệnh viện, các nữ tu dòng Saint Paul đã chủ động thành lập các bệnh viện bản địa. Một bệnh viện ở Thị Nghè đã được thành lập. Bệnh viện này luôn đầy ấp những bệnh nhân nối tiếp nhau. Các bệnh viện lần lượt được mở ở Biên Hòa, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long. Mỗi năm, các nữ tu đã tiếp nhận trên 1000 bệnh nhân nghèo đến khám chữa bệnh.
Năm 1872, Cha Lizé, linh mục của Mỹ Tho, đã tặng cho Hội dòng Nữ tu Saint Paul de Chartres, ngôi nhà và cánh đồng lúa của ông để xây dựng một bệnh viện dân sự. Những túp lều đã được cài đặt ở đó tiếp nhận 20 bệnh nhân. Đây là tổ chức Hỗ trợ Y tế Bản địa đầu tiên được mở rộng và cải thiện. Những túp lều rơm đã được thay thế bằng các công trình bằng gạch, và một trại phong nhỏ dành cho những người bị bệnh truyền nhiễm, một bệnh viện được điều hành bởi một bác sĩ của Quân đội thuộc địa, được hỗ trợ bởi các nữ tu của Saint Paul thành Chartres, một cơ sở khiêm tốn tập hợp các dịch vụ nhập viện, phòng hộ sinh và nhà trẻ.
Sau khi xây cất xong nhà dòng và một số cơ sở cô nhi viện, Mẹ bề trên Benjamin còn lập một viện dưỡng lão ở Thị Nghè và Tân Định. Ngày 10 tháng 6 năm 1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré cấp giấy phép xây dựng. Chỉ trong vòng vài tháng, đến cuối năm 1876, viện dưỡng lão Thị Nghè còn có tên là viện dưỡng lão Phú Mỹ đã hoàn thành.
Thi-nghe, Cochinchine. Le décorticage du riz par les internes de l’hospice (Thị Nghè, Nam Kỳ- Đãi gạo bởi các nội trú viện dưỡng lão)
Nội trú viện dưỡng lão Thị Nghè
Viện dưỡng lão Thị Nghè hay nhà thương Thị Nghè không chỉ phục vụ cho người già neo đơn, nơi đây còn đón nhận chăm sóc các bệnh nhân, đặc biệt là các thai phụ và trẻ sơ sinh. Trong khuôn viên viện dưỡng lão, có nhà nguyện phục vụ nhu cầu tâm linh chung cho các nữ tu, người già và trẻ mồ côi. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà nguyện nay trở thành nhà thờ Thánh Martineau de Porres. Ngôi thánh đường hơn trăm tuổi đã được trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cũ.
Theo tài liệu [9] : Vào khoảng năm 1874-1876, các bà Sơ Dòng Saint Paul cai quản dưỡng đường Chợ Quán (Hôpital de Chợ Quán) .
Theo tài liệu [8] : Dưỡng đường này do Đức cha Lefèbvre sáng lập để nuôi người bịnh tật nghèo nàn, không phương thế làm ăn, ban sơ ở gần nhà Đức linh mục, vùng Chợ Cũ. Về sau nhà Dòng và chính phủ Pháp thoả thuận giao cho các bà Sơ Dòng Saint Paul đảm nhiệm, nên đem trụ sở về Chợ Quán.
Vào năm 1883, các Sơ mở thêm cô nhi viện và bệnh viện ở Hà nội và Hải Phòng.
Năm 1908, bác sĩ H. Angier (1862 – 1936) đã tập hợp các nữ tu và thành lập bệnh viện Angier ở số 1 đường Tây Ninh, rồi là Armand Rousseau rồi đến Dr Angier và cuối cùng là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (góc với đường Lê Thánh Tôn) thuộc Quận nhất, Sàigòn. Nhờ vào sự khéo léo điều hành của ông và sự trợ giúp nhiệt tình của các các nữ tu dòng Saint Paul, bệnh viện này đã hoạt động cho đến năm 1939 (tài liệu [17]).
Bên cạnh những hoạt động từ thiện nhân đạo, các nữ tu dòng Saint Paul de Chartres đã mở thêm các trường học ở Sàigòn và các vùng lân cận để giáo dục những trẻ em bản địa. Đầu tiên, Mẹ Benjamin mở ra các lớp học nằm bên cạnh các giáo xứ (thường gọi là trường xứ) dành cho những học sinh nữ để các em cũng được đón nhận một nền giáo dục cộng đồng: dạy đọc viết, tiếng Pháp, giáo lý và một công việc gì đó hữu ích cho việc chăm sóc gia đình sau này chẳng hạn may vá, thêu thùa. Ngoài Sàigòn, còn có 5 điểm khác là Biên Hòa, Tân Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho và Vĩnh Long.
Các nữ tu dòng Saint Paul de Chartres đã mở thêm nhiều trường trung học quan trọng ở Sài Gòn và ở những thành phố lớn của Việt Nam : trường Sainte Marie và trường Sainte Famille ở Hà Nội, trường Jeanne d’Arc ở Huế, trường Sacré Cœur ở Đà Nẵng, trường Sainte Thérèse ở Kontum, trường Saint Paul ở Pleiku, trường Saint Paul ở Saigon và nhiều trường khác nữa.
Những dãy nhà nguyên thủy của khu hỗn hợp École de Sainte Enfance, tổng hành dinh ở Sàigòn, sau 20 năm sử dụng, phần lớn được xây dựng bằng gỗ bị mối ăn nên bị hư hại rất nhanh.Trong những năm 1880, các Sơ bị bắt buộc phải xây cất lại rất là tốn kém. Lần sửa sang này, các Sơ đã ủy thác cho tu viện trưởng Charles Boutier của dòng Thừa Sai (Société des Missions Étrangères de Paris-MEP), một kiến trúc sư đầy tài cán. Chính ông ta đã thiết kế xây dựng nhà thờ Huyện Sĩ và nhà thờ Thủ Đức. Khu vực hỗn hợp mới được khánh thành năm 1895. Mặc dù vẫn giữ nguyên những nét độc đáo của kiến trúc cũ nhưng ngọn tháp cao đã được thay thế bằng một chóp tháp thấp hơn, có lẽ cho đúng với tinh thần của một nguyện đường dòng tu.
Cổng École de Sainte Enfance vào đầu thế kỷ 20
Năm 1924, École Sainte Enfance được chính thức đổi tên là Couvent St Paul de Chartres thường gọi là Couvent St Paul.
Tổng kết riêng ở Nam kỳ, theo số liệu trong năm 1928, các nữ tu dòng Saint Paul đã hướng dẫn 2350 học sinh, nhận 3561 em bé sơ sinh, thu nhận 296 trẻ mồ côi, điều trị 24978 (?) bệnh nhân tại bệnh xá, 202 bệnh nhân phong cùi.
Carte postale décrivant les œuvres charitables des Sœurs
(Bưu ảnh miêu tả các việc từ thiện của các Sœurs St-Paul de Chartres – săn sóc những người bị bịnh cùi ở Đông Dương)
Trong bộ trang phục kín đáo với chiếc mũ trắng trùm đầu, màu trắng, màu của bác ái, các nữ tu Saint Paul thành Chartres không ngại khó khăn, bệnh tật đã trao ban tình yêu mênh mông, không biên giới ra khắp xứ Nam kỳ và cả nước.
Mặt tiền của Couvent Saint Paul ngó ra đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường sau lưng là đại lộ Cường Để, hai đường bên hông là đường Nguyễn Trung Ngạn và đường Lê Thánh Tôn (gần bên tường phía sau của hải quân công xưởng Ba Son).
Không ảnh Couvent St Paul năm 1929
Vào thập niên 1930 mẹ bề trên dòng tu Saint Paul cùng bác sĩ Roton hợp tác mở bệnh viện Saint Paul cũng được gọi là dưỡng đường Saint Paul (Clinique Saint Paul), thay thế dưỡng đường Angier. Vị trí cơ sở mới nằm trên đường Legrand de la Liraye gần ngã tư đường Pierre-Flandin (tức đường Phan Thanh Giản và Bà Huyện Thanh,Quận 3,Saigòn). Dưới sự tài trợ và điều hành bởi các nữ tu dòng Saint Paul, bệnh viện được xây dựng vào năm 1936-1937. Kiến trúc bệnh viện rất là thanh lịch, hiện đại.
Lễ khánh thành bệnh viện Saint Paul đã được cử hành vào ngày 19 tháng 12 năm 1938 với sự hiện diện của Thống đốc André Georges Rivoal và Giám đốc của bệnh viện là Bác sĩ Roton.( Chi tiết về bệnh viện Saint-Paul đã được viết trong tài liệu [18]).
Vào năm 1945, vì tọa lạc gần hải quân công xưởng Ba Son, nhiều dãy nhà của Couvent St Paul bị đồng minh thả bom lạc nên hư hại rất nhiều. Các dãy nhà này đã được tu xửa trong mấy 6 năm liên tiếp từ 1946 đến 1952.
Sau năm 1975, tất cả các cơ sở giáo dục và y tế quản trị bởi các Sơ đã bị ngụy quyền cộng sản kiểm soát ( và tịch thu?). Tài liệu [11] đã dùng bức hình cũ chụp Couvent St Paul vào đầu thế kỷ 20 dưới đây để chỉ ra những gì còn lại, những gì mất :
Dãy nhà thấp ở bên phải của hình trở thành lớp học của trường sư phạm. Sân Couvent Saint Paul có mấy Sơ ở giữa tấm hình nay đã bị thu nhỏ lại vì lý do ngụy quyền cộng sản mở rộng đường. Phần còn lại của sân được dùng làm nơi đậu xe gắn máy cho học trò Các Sơ còn giữ lại được những dãy nhà mé sau hình.
Theo tài liệu [19] : Sau năm 1975, ngụy quyền cộng sản đã tịch thu phần lớn đất của tu viện thánh Phaolô và tách ra làm:
§ Trường Tiểu học Sư phạm (?) Mầm non;
§ Trường Cao đẳng Sư phạm Mầm non;
§ Trường Mẫu giáo Hoa Lư;
§ Trung tâm văn hoá;
Hai cụm dân cư với khoảng 60 căn nhà ;
Một phần phía Đông bị phá dỡ để xây dựng xa lộ Nguyễn Hữu Cảnh.
(Phụ chú : Khi thực hiện công trình xây và bán 60 căn nhà trên phần đất của tu viện thánh Phaolô, ngụy quyền cộng sản đã vớt được đầy túi.
Chưa đủ thỏa mãn lòng tham không đáy, vào năm 2010, bọn ngụy quyền cộng sản đã cho bọn tư bản đỏ thuê khu đất 3531 thước vuông trên đường Tôn Đức Thắng (TĐT) (trước 1975 là Cường Để), quận 1, Sài Gòn.Tháng 11 năm 2018, việc này trở thành một vụ án “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân. Đây là 1 trong 10 tấn tuồng mà theo băng đảng ngụy quyền không được chia chác, cho là nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã được đưa ra trình diễn trong năm 2020.
Dự án số 9-11, xảy ra tại 3 khu “đất vàng” thuộc quyền quản lý của quân chủng hải quân csvn trên đường TĐT,bị tướng tá hải quân CSVN phù phép biến đất công thành tư nhân để chấm mút. Các sĩ quan cao cấp dính líu : Đô đốc thứ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh Hải quân CSVN, chuẩn Đô đốc và phó Đô đốc, sĩ quan cấp tá …bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tội này được hiểu ngầm trong đó các quan chức đảng viên của chế độ tìm cách ăn hối lộ hay tham nhũng, che đậy dưới những cái vỏ bọc quyền hành. Các quan khôn ngoan nên không bị bắt tận tay cầm tiền hay nuốt tài sản giá trị.
Đồng lõa với bọn ngụy quyền cộng sản tham nhũng là bọn tư bản đỏ : Cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình, cựu Giám đốc công ty Yên Khánh bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”).
Từ đó, các Sơ đã hoạt động như một cộng đồng tu sĩ công giáo, mặc dầu không giữ được hết tất cả khu vực căn nguyên. Phần trung tâm của Couvent Saint Paul, kiến trúc gothique xây năm 1895, nay vẫn là nhà Nguyện. Bị tước đoạt những nguồn lợi tức trong nhiều năm, các Sơ đã trồng rau cải ngay ở trong trung tâm của tu viện để sinh sống. Ngày nay, các Sơ đã có thể mở một trường mẫu giáo.
Năm 1980, các Sơ của dòng Saint Paul xin được một giấy phép mở một trung tâm châm cứu đặt trong tu viện. Trông coi bởi hai Sơ có bằng cấp, trung tâm này vẫn tiếp tục hoạt động cho đến bây giờ. Từ năm 1990, ngụy quyền cộng sản cho phép các Sơ được phép mở trường mẫu giáo Các trường này đã gặt hái nhiều thành công lớn với dân chúng (và ngay cả bọn cán bộ cộng sản). Nhờ vậy các Sơ có thêm lợi tức. Nhưng nguyên tắc hoạt động rất là nghiêm ngặt. Giảng dạy giáo lý đạo bị cấm hoàn toàn. Khu vực ngày xưa tiếp nhận dưỡng đường Docteur Angier từ năm 1908 đến 1939, nay là một vườn trẻ.
Theo tài liệu [7] : Ngày nay, tu viện dòng Saint Paul de Chartres đã hiện diện khắp các giáo phận ở Việt Nam. Các nữ tu vẫn hoạt động âm thầm cách này hay cách khác trao ban tình yêu đến mọi người.
Trước năm 1975, tu viện Saint Paul de Chartres nằm ở đường Cường Để, quận 1- Sàigòn. Đường này là một trong những con đường cổ xưa nhứt ở Sài Gòn. Con đường này dài hơn 3 cây số.Năm 1865, đường này có tên là Boulevard de la Citadelle, đến 1901 đổi tên thành Boulevard Luro, 1955 đổi thành đường Cường Để.
(Theo tài liệu [6], ông Luro dạy luật học và phong tục học tại trường đào tạo các tham biện, tục gọi Collège des aministrateurs stagiaires (trường ở chỗ học đường Taberd sau này), đồng một thời cùng các giáo sư Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của).
Theo tài liệu [20,21] : Chỉ một thời gian ngắn sau khi chiếm Sài Gòn (tháng 2 năm 1859), song song với việc xây dựng thành phố Sài Gòn, người Pháp đã nghiên cứu xong các loại cây nhiệt đới, quy hoạch từng loại cây theo đường phố với mục đích chống lại cái nắng oi bức của miền nhiệt đới. Và chỉ 35 năm sau khi họ có mặt ở Sài Gòn, tức là năm 1894, thì cây cho bóng mát đã được hình thành trên hầu hết các đường phố một cách khoa học và nghệ thuật phong cảnh.
Theo tài liệu [21,22] và theo trí nhớ của tác giả bài này : Các loại cây cho bóng mát gồm có cây xà cừ, cây bàng, cây keo cây cao su, cây dầu con rái (Dipterocarpus alatus), cây sao đen, cây đa, cây me, cây gòn, cây điệp, cây phượng…
Trong thành phố Sàigòn, các cây này được trồng không những trên những con đường chính trong trung tâm thành phố Sàigòn như Cường Để, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Gia Long, Công Lý, Pasteur, Hiền Vương , Duy Tân, Mạc Đỉnh Chi,Phan Đình Phùng, Phan Thanh Giản…mà luôn cả những con đường ngắn và nhỏ nằm gần tới tỉnh Gia Định như đường Huỳnh Tịnh Của, Trần Quang Khải ở khu Tân Định.
Dưới đây là vài tấm hình chụp đường phố Sàigòn, Chợ Lớn và Gía Định vào những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 cho thấy cho thấy là các cây trồng đã trưởng thành cao to, cành lá sum sê (Trích từ tài liệu [21]).
Năm 1895 trên một đại lộ ở Saigon(tên đường chưa xác định được)
Năm 1906 trên đường Paul Blanchy( sau là Hai Bà Trưng)
Năm 1907 đường Rue de Lagrandière(sau là đường Gia Long)
Bức ảnh “La Route de Saigon” được chụp đầu thế kỷ 20.
Đường từ Chợ Lớn dẫn ra Bến Nghé, sau là đường Nguyễn Trãi, quận 5.
Vào năm 1901, đây là một con đường đất nằm giữa hai hàng cây xanh mát, làng mạc xanh tươi.
Đường đến cầu Bình Lợi vào đầu thế kỷ 20
Công viên Gia Định vào đầu thế kỷ 20
Kênh Bonard- Chợ Lớn. Đây còn được gọi là Kênh Bãi Sậy hay Kênh Hàng Bàng vì trên bờ kênh trồng hai hàng cây bàng. Ngày nay, kênh đã bị nhà cửa, đường sá xây lấp.
Đường Cường Để đã được trồng cây bóng mát khá sớm.Từ trước năm 1873, người Pháp đã chọn và trồng những hàng cây xà cừ trên hai lề đường khá rộng và trên lằn phân cách ở giữa đường của đường này. Các cây được trồng là loài cây Sọ khỉ (Khaya senegalensis) thuộc họ Xoan (Meliaceae), còn được gọi là acajou du Sénégal (hột điều Sénégal) hay Caïlcédrat. Loại cây này là cây cho bóng mát, thường thấy trên những đường xưa thuộc địa ở trong các thành phố Phi Châu. Cây có nguồn gốc từ châu Phi. Cây gỗ lớn, ưa sáng, mọc nhanh, hạt nảy mầm khỏe, cây tái sinh chồi mạnh, không gian phát triển bộ rễ của cây rất lớn. Những hàng cây này được người Pháp trồng rất có quy cũ, bố trí hài hòa hợp lý, ngay hàng thẳng lối,từ đầu đường giao lộ với đại lộ Thống Nhất tới cuối đường ở Hải Quân công xưởng Ba Son.
Theo tài liệu [22] : Người Pháp khi phát triển đô thị Sài Gòn đã đưa ra hàng loạt quy định liên hệ đến việc bảo vệ cây công cộng trồng trên đường của thành phố, trong việc gìn giữ, phát triển cây, thậm chí quy định xử phạt những trường hợp xâm hại cây. Nhà báo Trần Nhật Vy trong cuốn sách Từ Bến Nghé tới Sài Gòn của ông, đã chép lại những quy định này :
Giám đốc Nha nội vụ người Pháp tên là Vial đã ra thông báo nhắc lại những điều liên quan từ nghị định tháng 5-1865:
“Kẻ nào làm hư gãy một cây hay nhiều cây mà đã biết là cây của người khác, thì sẽ bị phạt giam tù không dưới 6 ngày không trên 6 tháng”
hay “nếu làm hư mất nhánh hay là nhiều nhánh thì sẽ bị phạt từ 6 ngày cho đến 2 tháng theo giá một cây mà tính chung chẳng đặng quá 2 năm (điều 447)”.
Để nhấn mạnh việc bảo vệ cây trong thành phố, ngày 22-10-1866, thống đốc Nam kỳ La Grandière đã ký văn bản “hiệp theo điều lệ về việc sửa trị cùng các việc đàng sá ở nơi Saigon”.
Văn bản chỉ có một điều, ba mục nêu: “Những kẻ nào có ý làm thiệt hại cho những cây trồng bị phạt từ 1 quan cho tới 10 quan, phạt giam tù từ 1 ngày cho đến 5 ngày”.
Chưa hết, ngày 16-9-1875, thống đốc Nam kỳ Duperré còn ra nghị định chung kèm với bản đồ quy hoạch cây rừng quanh thành phố, nơi nào, cây nào được đốn chặt, loại cây nào thì không được.
Muốn đốn chặt cây phải có giấy phép của các cơ quan có thẩm quyền. Theo nhà báo Trần Nhật Vy, có thể nhờ những quy định này mà cây trồng ven đường Sài Gòn đẹp và được duy trì đến hôm nay. Những hàng cây này chính là những lá phổi nhỏ lọc khí hậu thành phố mát mẻ, thanh sạch.
Tính tới năm 1975, thì những cây trên đường Cường Để đã trở thành những cây đại cổ thụ trên 100 năm tuổi. Nhiều cây có đường kính to tới 2 thước đến nỗi 2 tới 3 người hay hơn, ôm mới xuể và chiều cao có thể đạt tới tới 30- 35 thước, nghĩa là cao bằng một nhà lầu 10 tầng.(Theo một tài liệu trên Internet, có cây cao hơn 50 thước với đường kính thân cây gần 4 thước).
Đường Cường Để chụp vào năm 1965-1966 với hàng cây đã được 92 tuổi
Đường Cường Để trước năm 1975 chụp về hướng sông Sàigòn – năm chưa xác định được
Ngả ba Cường Để-Nguyễn Du trước năm 1975 đầy rạp bóng cây (trên hình các em nhỏ đang băng qua đường Nguyễn Du)
Các tàn cây bên hai lề đường Cường Để và trên lằn phân cách,vươn cành lá sum sê, đan vào nhau ở nhiều chỗ trên cao, làm ánh nắng không xuyên qua được, che mát cho con đường. Nhờ vậy, mà con đường này đầy rợp bóng mát rất dễ chịu, khoan khoái cho cặp mắt cũng như làn da bị đốt nóng, nhứt là khi người ta từ những con đường nắng chói đi vào đây.
Phụ đề : Tác giả bài này, vào tuổi thiếu niên, có nhiều khi đi xe đạp qua con đường Cường Để này và các con đường lân cận, đôi khi cảm thấy hơi sờ sợ nhứt là về buổi xế chiều bởi vì khu vực này quá sức là âm u, yên tĩnh, không có nhiều người lai vãng, thêm vào đó còn nghe tiếng cọp gầm, tiếng voi rống, tiếng vượn hú, tiếng chó tru …vọng lại từ Sở Thú.
Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa cho tới năm 1975, mặc dầu dân số thành phố, mặc dầu nhà cửa, trường học, cao ốc, thương mại, khách sạn, văn phòng, xí nghiệp xây cất gia tăng, mặc dầu phải mở mang đường xá và mặc dầu phải ứng phó với cuộc chiến tranh xâm lược phát động bởi bọn cộng sản Bắc Việt nhưng chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và thành phố Sàigòn vẫn cố gắng tiếp tục chăm sóc , bảo tồn và gìn giữ các hàng cây bóng mát trồng từ thời Pháp thuộc. Theo thiển ý của tác giả tài liệu này, tất cả các cây bóng mát này phải được xếp vào hàng di tích lịch sử của thành phố Sàigòn như Thảo Cầm Viên Sàigòn, vườn Tao Đàn, nhà Thờ Đức Bà, dinh Độc Lập, dinh Gia Long, Pháp Đình Sàigòn…
Những hàng cây bóng mát này có rất nhiều lợi ích cho những người lao động chân tay trên đường phố. Khi nắng bắt đầu lên đỉnh đầu, không thiếu những người đạp xe xích lô, bán hàng rong… đã kiếm bóng mát nằm, ngồi, nghĩ ngơi, đọc báo, hút thuốc, tán gẫu và ngủ một giấc trưa ngắn để lấy lại sức khoẻ và tiếp tục làm việc trở lại khi trời bớt nóng.
Đường Công Lý – phía bên phải của hình là tường sau lưng của viện Pasteur nơi bắt dế
Những hàng cây nầy cũng là nơi cho tác giả bài này và các bạn cùng xóm ở khu Tân Định, nhiều trò chơi, giải trí bình dân miễn phí.
Những năm 1960, vào mùa dế, chúng tôi, buổi tối chỉ cần ra khu vực viện Pasteur Sàigòn, nơi ngã tư Hiền Vương-Pasteur và Hiền Vương-Công Lý là đã có thể bắt được một cách rất dễ dàng rất nhiều dế lửa và dế than. Nhiều con dế bay từ trên cây xuống đậu ở trên đường, chúng tôi tha hồ dành bắt và chỉ lựa nhưng con to bự mà thôi.
Tới mùa cà cuống, chúng tôi chỉ cần đi bộ tới ngã tư Phan Thanh Giản – Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngay dưới chân cầu xa lộ là có thể bắt cà cuống và cả dế cơm to bự.
Cầu Phan Thanh Giản
Đường Phan Thanh Giản- dốc cầu xa lộ nơi bắt cà cuống
Nhiều người nướng dế cơm lên để ăn. Với con cà cuống, người ta nặn lấy ra một thứ dụng dịch lỏng và trong vắt gọi là nước Cà Cuống. Nước này có một mùi thơm rất đặt biệt, thường được dùng để làm nước mắm ăn với bánh cuốn Thanh Trì. Giá nước cà cuống thiên nhiên bán trên thị trường rất là mắc, khi ăn chỉ nhỏ một hay hai giọt vào nước mắm là đủ. Hương vị cà cuống thơm phức cả nhà và kéo dài được rất lâu. Ngày nay, nước cà cuống thiên nhiên đã mất rồi, chỉ có cà cuống làm ra từ các chất hóa học cung cấp bởi bọn tàu cộng!
Khi mùa me tới, chúng tôi chỉ cần đi bộ tới ngã tư đường Công Lý và Hồng Thập Tự, trèo cây hái me chín ngọt cũng me như sống xanh chua lè. Nếu quá lười không leo cây, thi lượm mót me chín rụng trên lề đường vậy.
Ngoài ra, lâu lâu bọn chúng tôi còn đi lên đường Tú Xương, Hiền Vương.. nơi có nhiều cây cao su, đề cạo mủ se tròn làm banh : nhỏ thì cỡ banh đánh cù (golf), lớn thì cỡ banh quần vợt (tennis). Mặc dầu banh nầy đặc ruột, nhưng chúng đập rất là tưng. Có một điều hơi bất tiện là banh hơi dính tay. Banh nhỏ được các bạn gái xử dụng để chơi đánh đũa trong khi đó bọn con trai đá banh với banh lớn.
Đường Tú Xương với hàng cây cao su
Trên đường phố Sàigòn, có một loại cây (mà tác giả bài này không biết tên, xin các đọc giả bổ túc dùm) có trái tròn to khoảng 50 hay 60 ly (mm) (2 hay 2.5 inches), phia trên có 2, 3 hay 4 cánh nhỏ xấp đều đặn như các cách quạt (bông của cây cao su?). Chúng tôi gọi mấy trái này là Trực Thăng bởi vì sau khi tung chúng lên cao, khi rơi xuống, các trái này quay vòng vòng chậm rãi đáp xuống đất như máy bay trực thăng. Ngày xưa ở lớp tiểu học, thường thường vào giờ ra chơi, chúng tôi chơi trò này.
Hầu hết sân trường của các trường học và đôi chỗ trên đường phố, người ta trồng cây Phượng. So với các loại cây khác đã kể ở trên, thì cây này cho ít bóng mát nhưng vào mùa hè thì cho bông Phượng màu đỏ rực rỡ. Nó cũng báo hiệu mùa bãi trường, gây ra biết bao nhung nhớ trong lòng học trò : Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương. Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi phút gần gũi nhau mất rồi tạ từ là hết … (Lời bài hát Nỗi Buồn Hoa Phượng-tác giả Thanh Sơn). Ôi cả thời thơ ấu an bình ngây thơ vô số tội dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa nay còn đâu !.
Dưới thời ngụy quyền cộng sản, vào năm 1980, đường Cường Để bị mang tên của một tên cộng sản TĐT. May mắn thay, các hàng cây bóng mát trên đường này còn được giữ lại (Xem hình dưới đây).
Cây bóng mát trên đường Cường Để sau năm 1975 và trước 2018
Nhưng cái án treo này chẳng kéo dài được bao lâu. Vào đầu năm 2018, ngụy quyền cộng sản nhân dịp xây cầu Thủ Thiêm 2 đã đốn hạ các hàng cây trăm tuổi này. Theo thống kê của các tài liệu trên Internet, có tất cả gần 300 cây xanh bị chặt hạ và di dời. Số cây sau khi bị chặt hạ sẽ mang chế tạo các sản phẩm phục vụ công cộng như bàn, ghế…(Chớ không phải là bán bỏ tiền vào túi của các bọn ngụy quyền cộng sản tham nhũng !).
Hai bức hình dưới đây so sánh quang cảnh đường TĐT (trước 1975 là Cường Để) trước và sau khi các hàng cây bóng mát bị đốn.
Giờ đây hàng cây xanh không còn nữa khiến con đường TĐT trở nên lạ lẫm hơn với nhiều người Sài Gòn mỗi khi đi ngang qua khu vực này. Và đôi khi chỉ biết nhìn và ngậm ngùi, không biết cho đến bao giờ, người ta mới có thể thấy những tán cổ thụ xanh mát, những bóng râm che chở đó, dù chỉ là một lần nữa…
Tu viện Saint Paul de Chartres ngày xưa được che phủ rợp bóng mát bởi bốn hàng cây xà cừ cổ thụ, ngày nay lộ ra không gian trơ trọi trong cái nắng của Sài Gòn như hình dưới đây cho thấy.
Không ảnh đường TĐT sau khi các cây bóng mát bị đốn-Couvent Saint Paul nằm trên phía tay trái của hình-Trên cao của hình là sông Sàigòn
Trơ trụi trên đường TĐT sau khi các cây bóng mát bị đốn- Couvent St Paul nằm trên phía tay phải của hình
Phụ đề của tác giả bài này :
Ở xứ Canada nơi tác giả bài này tỵ nạn cộng sản, phần lớn các tỉnh bang, và thành phố lớn nhỏ đều có những quy định bảo vệ cây cối. Chẳng hạn như Brossard, một thành phố nhỏ dưới sáu mươi ngàn dân (60 000), ngoại ô phía nam của thành phố Montréal, tỉnh bang Québec, có những điều lệ không những áp dụng cho cây cối công cộng của thành phố mà cho cả cây cối của tư nhân :
‘’Tất cả những việc làm hay can thiệp gây ra hay có thể gây ra những hư hại không thể đảo ngược lại được vào các cây cối chẳng hạn như hớt ngọn, đều bị cấm trên toàn thành phố Brossard.
Cấm đốn chặt tất cả những cây mà thân cây có đường kính 1 tấc (10 cm) hay hơn đo ở độ cao 1.3 tấc thước từ dưới đất lên,nằm trong nhà đất tư nhân mà không có xin giấy phép trước của thành phố Brossard’’.
(Chú thích : Những cây bị cấm chặt trong quy định của thành phố Brossard, so với những cây cổ thụ trên đường Cường Để, chỉ là những cây cỏn con).
Khi có một cây bị bịnh héo chết, thành phố Brossard đốn chặt và trồng thay thế ngay bằng một cây khác.
Ở những khu rừng cây mà kỹ nghệ giấy Canada chặt lấy cây, họ phải trồng ngay lại những cây mới để thay thế cây đã chặt với số lượng tương đương.
Hiện nay, ba cấp bực chính quyền ở Canada : liên bang, tỉnh bang và các thành phố đều có những chương trình trồng hàng triệu cây mới để làm giảm chất khí có tác dụng nhà kiếng để làm hạ nhiệt độ nóng trái đất như Liên Hiệp Quốc đã đề ra.
Trong khi đó ở Việt Nam, ngụy quyền cộng sản đồng lõa với bọn tư bản đỏ bản xứ tiếp tay bọn tư bản tàu cộng, đi ngược lại với chiều hướng tiến bộ của loài người, từ nhiều năm liên tiếp cho đến ngày nay đã và đang làm những công trình phá hoại xứ sở Việt Nam : Phá rừng, chặt đốn cây bừa bãi vô tội vạ, xẻ núi xẻ đồi, đào mỏ, lấp sông rạch và hồ ao để xây những thành phố mới, chặn nước sông làm đập gây ra lụt lội, xây nhà máy hoá chất, thải khí độc làm ô nhiễm không khí, đổ chất cặn bã ra sông, ra biển giết chết các loài thuỷ sản, nguồn sinh sống của dân nghèo.
Một số rất nhỏ hư hại bởi các công trình này trên môi trường sống có thể sửa được nhưng phải cần có cả chục hay cả trăm năm. Còn lại là hoàn toàn vĩnh viễn. Tội ác này trời không dung, đất không tha !
Tài liệu tham khảo :
1. P. Cultru-Chargé de cours à la Sorbonne-Histoire de la cochinchine française des origines à 1883-Paris- Augustin Challamel, Éditeur-17, rue Jacob-Librairie Maritime & Coloniale-1910.
2. Annuaire de la Cochinchine pour l’année 1874-Saigon, Imprimerie du gouvernement -1874.
3. État de la Cochinchine française 1896.
4. Facebook Quan Nguyen Thanh- Dân Sàigòn Xưa-2016/08/03.
5. Wikiwand-Henriette Bùi Quang Chiêu.
6. http://www.entreprises-coloniales.fr-Mise en ligne: 24 juillet 2015. Dernière modification: 19 août 2016.
7. Trương Phúc Hải-Saint Paul Thành Chartres-Dòng ngoại quốc đầu tiên ở Sàigòn- Hội khoa học lịch sử Bình Dương- 01/08/2019.
8. Vương Hồng Sển- Sài Gòn Năm Xưa-Sống Mới-1968.
9. Connaissez vous le couvent St Paul de Saigon?
10. Cùng nhìn lại một số trường nữ sinh Việt Nam trước 75,kỳ 1.
11. Les Sœurs de Saint Paul de Chartres-L’Indochine coloniale- Extraits du livre “La femme française dans les colonies” Chivas Baron, 1929.
12. Tim Doling-Old Saigon Building-Former Grall Hospital, Late 1870s.
13. L’Hôpital de la Marine de Saïgon et le modèle colonial cochinchinois.
14. Wikipédia-Hôpital militaire Grall.
15. TM-Bệnh viện dân sự ở Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định trước và sau năm 1975- Bệnh viện Grall ( bệnh viện Đồn Đất)- Bảo Vệ cờ Vàng-2019.
16. GB Lê Minh Tâm- Lịch sử Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn-Báo Công Giáo- 08/07/2016.
17. Quan Nguyen Thanh- Những công trình trong ký ức- Clinique Angier (dưỡng đường Angier)-18/05/2016.
18. TM-Bệnh viện dân sự ở Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định trước và sau năm 1975- Bệnh Viện Saint Paul- Dưỡng đường Saint-Paul (Clinique Saint Paul)- Bảo Vệ cờ Vàng-2019.
19. Bách khoa toàn thư-Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.
20. Phạm Hữu- Cây xanh Sài Gòn trồng từ bao giờ – Kỳ 1: Làm đường kèm cây chống nắng.
21. Sàigòn trong tôi-Sài Gòn xưa rợp bóng cây xanh- dansaigon – 20/09/2018.
22. Quang Khải- Tuổi Trẻ 2020-Tìm “Danh phận” cho cây cổ thụ Sài Gòn-05/05/2016.
No comments:
Post a Comment