Truyện Nhiều Kỳ: Nguyễn Thanh Lai - Chương 5
Hình minh họa
Trên đường trở về đầu óc Lai mênh mang tận đâu đâu. Cùng trên chiếc xe đò có mấy tù mới thả cũng hướng về Sài Gòn, số còn lại đã chào từ giả nhau khi vừa rời khỏi cổng. Không ai dám quay đầu nhìn, cố nhanh chân bước cho xa. Vài người kịp mặc đồ dân sự thay cho đồ tù bỏ lại. Họ không muốn bị nhận dạng tù được tha, rắc rối với địa phương nơi họ sẽ trở về. Có người từng là cán bộ Xây Dựng Nông Thôn hay sĩ quan Cảnh Sát Đặc Biệt bị cải tạo từ hồi VC mới chiếm được miền Nam. Họ không biết người ngoài đời sẽ đối xử với mình ra sao; biết đâu người ta sẽ ghét họ và ném đá như đã từng xãy ra với tù binh phi công Mỹ?
Lai vẫn mang đồ tù trên người. Hắn chẳng quan tâm phản ứng của dân sinh sống trong miền Nam vì biết rằng họ vẫn giữ cảm tình với những người bị tù tội trong chế độ VC. Hắn xem lại tờ Lệnh Tha, để ý ghi chú nơi cư ngụ là "Bến Xe Xa Cảng Miền Đông " . Cũng tốt vì hắn muốn trở về nơi chốn cũ sau thời gian dài xa vắng...
Xa Cảng Miền Đông vẫn tấp nập như ngày nào. Không ai nhận ra Lai và hắn chẳng nhìn thấy gương mặt thân quen nào của ngày xưa. Anh em trong băng anh Tài Chùa đi đâu hết rồi?
-" Ê, Ê... Đ M tránh ra coi. Đụng thấy mẹ mầy bây giờ...
Lai ngờ ngợ, quay đầu lại:
- Anh Năm hả..
- Trời đất ơi, Lai ...Lai hả?
Đúng là Năm người đã dắt dìu Lai những tháng ngày bốc vác bến xe. Năm quăng xe đẩy ôm chằm lấy Lai.
- Nghĩ! hôm nay tao nghĩ, không làm nữa. Đi với tao đi nhậu ...
Năm lôi Lai vào một quán cóc bên đường. Năm gọi với phía trong:
- Chị Hai ơi cho cái lẩu lươn với xị rượu thuốc nha. Hôm nay tôi có thằng em lâu quá mới gặp phải nhậu một bửa với nó
Năm nhìn Lai chằm chằm từ đầu tới chân:
- Mầy thiệt hả Lai, còn sống thiệt hả. Ai cũng tưởng mầy bị bắt cải tạo mất xác rồi chớ...
- Tui nè anh Năm. Anh Tài Chùa và mấy anh em mình đâu hết rồi anh Năm...
Năm khóc rống:
- Anh Tài chết rồi. Tại ảnh bênh vực cho bà Hai lê ghim bị tụi dân phòng xô sập cái bàn rau cải chiếm lòng lề đường. Tụi nó hè nhau đánh ảnh bằng báng súng. Tức quá ảnh giựt súng của công an bị nó bắn chết bỏ thây ngay trên đường tới chiều tối mới chịu cho xe chở đi. Anh em từ đó cũng bải hoải rả rời tan đàn xẻ nghé mạnh thằng nào thằng đó sống. Anh Năm cũng lớn rồi nên trụ lại đây. Đâu có ngờ nhờ đó mà gặp lại thằng em mầy. Cha thấy mầy cao lớn ngon lành quá há ...
Lai nhắm mắt mường tượng cái đầu trọc lóc của anh Tài, nhớ tới người đàn anh hành xử rất xứng đáng cương vị đai ca. Lai miễn cưởng nhận ly rượu từ tay Năm:
- Em vẫn chưa uống rượu được nhưng để kính anh và để tưởng nhớ anh Tài và anh em em xin cạn ly ...
Lai nhận ly rượu bằng hai tay và uống cạn. Chất lỏng cay nồng chảy qua cổ họng làm Lai nhăn mặt nhưng những ly kế tiếp trở nên dễ dàng hơn; và khi Lai gục xuống bàn hắn chợt nhớ mình chưa kịp thăm hỏi gì về thằng Minh...
******
Buổi sáng thức dậy Lai thấy mình nằm trên một chiếc giường trong quán trọ kế bên có mảnh giấy ghi vội " Ra chổ quán chị Hai tao chờ " . Tới nơi đã thấy Năm ngồi đó một mình. Năm ra dấu cho Lai:
- Ngồi xuống uống cà phê đi thằng em...
- Anh Năm biết tin tức gì về Minh cho tui hay, tui nóng ruột về thằng nhỏ quá !!
Năm gật gù:
- Mầy hỏi đúng chổ rồi em. Chị Hai ơi có người muốn gặp chị ...
Một bà trung niên ở phía trong bước ra, tóc bới cuộn sau vai hất hàm:
- Gì đó chú Năm?
- Thằng này là thằng Lai hồi trước cũng là em của anh Tài. Nó anh thằng Minh đó. Còn đây là chị Hai người nuôi dưỡng thằng Minh trong lúc mầy vắng mặt...
Chị Hai bắc chiếc ghế ngồi xuống:
- Uả chú là anh thằng Minh hả. Tui tưởng nó không còn ai bà con...
Lai kể chị Hai nghe mình nhìn thấy người đàn bà ẳm Minh chạy trốn ngày bị bắt. Hoá ra là chị...
Chị Hai nắm lấy tay Minh kéo vào phía trong:
- Nó ở đây nè...
Lai nhìn thấy tấm hình Minh nhỏ xíu trên bàn thờ chắc lúc mới vào Mẩu Giáo. Lai bật khóc, chị hai kể tiếp:
- Nó đi học về, mới bước chân tới đầu hẻm thì bị xe gắn máy chạy tốc độ cao đụng té đập đầu xuống đất. Người lái là công an phường mới đi nhậu về còn đang say xỉn ...Rốt cuộc vì do công an gây ra nên mọi chuyện cũng chìm xuồng. Bây giờ em về rồi chị trả lại cho em. Tội nghiệp thằng nhỏ dể thương hết sức chị tính viết đơn xin nó làm con nuôi để hai mẹ con hủ hỉ với nhau...
- Thôi chị đã có ơn dưỡng dục cứ để nó ở đây với chị. Em nay tứ cố vô thân không lo gì được ...
Lai tạm sống với Năm những ngày kế tiếp. Không giấy tờ tuỳ thân ngoài tờ lệnh tha nên Lai cũng không biết làm thế nào kiếm chổ cư ngụ hợp pháp. Hôm sau lục lại trí óc nhớ mang máng nơi dòng tu Ma Sơ Tê Rê Sa có lần đề cập Lai bèn mượn chiếc xe đạp đi tìm; may mắn đến đúng chổ .
Sơ Tê Rê Sa ôm ngực khi gặp Lai:
- Ôi Chúa Mẹ ơi Lai đó hả con, con từ đâu trở về vậy con?
Và hàng chục câu hỏi khiến Lai không kịp trả lời. Trông Ma Sơ vẫn vậy, roi người và nét mặt hiền hậu như ngày xưa. Mấy Ma Sơ kia đều khoẻ nay phục vụ trên các địa bàn, tạ ơn Chúa và Mẹ Maria, Sơ cười rạng rở nói.
Khi Lai hỏi về cha Giu Se, Ma Sơ Tê Rê Sa chợt thở dài ủ rủ kể:
- Cha đã qua đời sau vài năm bị chuyển ra những trại giam kinh khủng nhất miền Bắc. Có người ở chung với cha được tha về báo tin; cán bộ cho là cha cố tình chống phá nội quy trại khi cứ tiếp tục các mục vụ và ăn chay hảm xác chia phần cơm tù của mình cho anh em chung quanh. Nhiều người cảm phục gương sống của cha bí mật xin chịu rửa tội thành con chiên. Họ nói cha chính là chứng nhân thực sự của tình yêu. Cuối cùng quản giáo đưa cha vào kiên giam và bỏ đói cho đến chết.
Sơ run rẩy làm dấu Thánh Giá lên ngực. Lai gục đầu nắm lấy tay người Dì Phước đặt lên tim mình thầm thì một lời cầu nguyện ngắn cho vị Linh Mục. Bây giờ chắc cha đang ở trên Thiên Đàng cùng với anh Trí, Ngọc Yến và cu Minh tận hưởng hạnh phúc bình an bên cạnh Thiên Chúa Đấng mà cha luôn tôn thờ và theo gương.
Lai ngẫng mặt lên hỏi nhỏ:
- Thưa Ma Sơ có biết gì về chị Hồng không ?
Ma Sơ Tê Rê Sa rạng rỡ:
- À có. Hồng đã lập gia đình. Hai năm trước Hồng vẫn liên lạc với Ma Sơ và báo cho biết đã theo chồng về ngoài Trung. Hai vợ chồng có một đứa con trai đầu lòng đặt tên là Trí. Hồng khoe với Sơ là hai vợ chồng rất hạnh phúc tuy đời sống không được khá giả. Chồng làm nghề ngư phủ theo ghe ra khơi đánh cá. Nhưng hai năm gần đây Sơ không còn nhận được thư từ liên lạc gì nữa ...
Ít nhất chị Hồng cũng tìm thấy hạnh phúc, ít nhất một người thân quen đã tìm được lẽ sống cho đời mình. Hay linh hồn anh Trí đi theo chị Hồng và phù hộ cho chị? khi mọi chuyện ổn định chắc chắn Lai sẽ ra ngoài đó tìm thăm chị một lần theo địa chỉ củ.
Đột nhiên Ma Sơ như nhớ ra điều gì, reo lên nói với Lai:
- A, Sơ có cái này dành cho con. Ngồi chờ Sơ một chút...
Rồi Sơ đi vào trong. Lát sau bước ra tay cầm một chiếc hộp nhỏ Sơ trao cho Lai nói:
- Con mở ra xem
Trước mặt Lai là một tờ giấy đã ngã màu vàng cũ. Lai xúc động nhìn thấy tên mình, ngày sanh tháng đẻ cùng với tên người sinh ra. Bây giờ Lai mới biết má tên gì và ngày giờ mở mắt chào đời hai mươi năm về trước. Sơ Tê Rê Sa hãnh diện nói :
- Mẹ Bề Trên đưa hồ sơ trong Nhà Mồ Côi cho Sơ cất giữ và tình cờ Sơ nhìn thấy Giấy Khai Sinh con trong đó. Sơ giữ gìn cẩn thận chờ trao lại cho con...
Lai chợt nhận ra mình không còn cù bơ cù bất từ trên trời rơi xuống như vẫn tự nhủ. Mồ côi nhưng cũng có nguồn gốc theo tờ giấy đã ngã màu vàng cũ kia . Một món quà ngoài sự tưởng tượng …
***
Lai biết không thể nương nhờ mãi vào Năm. Hắn mời người anh em giang hồ đi quán cà phê tâm sự:
- Anh Năm tui biết lòng tốt của anh nhưng tui cũng đã lớn khôn phải tự lo lấy cho bản thân mình. Ở đây tui buồn quá nhiều kỷ niệm chung quanh không quên được về anh Tài, và anh em đã xử tốt với tui hồi đó. Bây giờ tui đi nhưng luôn luôn nhớ về anh em và anh. Hể có dịp tui sẽ về thăm anh ...
Năm thở dài:
- Tao cũng sẽ nhớ chú em mầy. Em đi giữ gìn sức khoẻ, có gì trục trặc thì báo cho anh biết. Cố gắng liên lạc với nhau thường xuyên. Anh gởi chú mày chút ít làm vốn lúc ban đầu. Đừng ngại, anh em mình với nhau, sau này trả lại anh cũng không muộn. Cứ cầm lấy cho anh vui...
Năm nhét vào tay Lai hai chiếc nhẫn vàng nặng một chỉ mỗi chiếc. Lai biết tánh Năm nhưng thật lòng trong thâm tâm không muốn nhận vì biết đây là đồng tiền mồ hôi nước mắt phòng hờ cho hậu sự mà người anh em giang hồ chắt chiu lâu nay. Lai nắm tay Năm trong hai bàn tay mình gặt gặt :
- Đàn em sẽ không bao giờ quên giây phút này...
Lai ôm người đàn anh siết chặt rồi buông ra bắt tay, quay bước nhanh không muốn ai chứng kiến nét mặt. Hắn không biết sẽ có dịp nào quay trở lại. Xốc ba lô nhỏ trên vai Lai tìm xe hướng về trung tâm Sài Gòn - nay bị mang tên là thành phố HCM - chẳng quan tâm ngày mai đời mình sẽ ra sao.
Sài Gòn vẫn nhộn nhịp người qua lại buôn bán nhưng không còn sinh khí của thủ đô VNCH hồi xưa. Ai cũng vội vã bày đồ đạc tứ tung trên lề đường. Những gì có thể bán ra tiền người Sài Gòn trưng hết cho bàng dân thiên hạ chiêm ngưỡng. Tủ thờ, hộp biến thế, bánh xe đạp thượng vàng hạ cám, miễn kiếm vài đồng mua gạo nấu cơm. Không còn người Sài Gòn quần là áo lược thanh tú như ngày xưa. Cũng không nhiều xe gắn máy vì xăng dầu mắc mỏ đa số đem xe đạp treo gác bếp hồi xưa xuống sửa chữa lại xài. Con gái Sài Gòn bớt áo dài hoa lệ, thay vào đó họ cố gắng ăn mặc giản dị để hoà đồng vào lớp dân mới đến từ miền Bắc xa xôi hoang dã. Người Sài gòn cũng bắt đầu học làm quen với bo bo, mì sợi, khoai lang những thứ chỉ dành nuôi heo thời trước Bảy Mươi Lăm .
Sài Gòn và người Sài gòn đang hấp hối...
Lai chợt phát giác dân chúng ngoài đời cũng chẳng sung sướng no đủ hơn trong tù bao nhiêu. Họ cũng ăn thức ăn như tù tuy hơi nhỉnh hơn một chút; nhiều người chịu nhịn đói triền miên vì tình trạng thiếu lương thực cả nước.
Khách thu mua những đồ đạc quý giá trong Nam, trớ trêu thay là các anh chị nhà quê ngoài kia. Họ sẵn sàng mua cái tủ lạnh bất kể giá bao nhiêu để làm đá cục đem mút với nhau thích thú vì cả đời chưa từng biết đá cục ra làm sao
Lai tìm chổ bán một chiếc nhẩn lấy tiền xài. Buổi chiều ghé qua quán cơm bình dân ăn no bụng rồi kiếm một sập hàng trống nằm lăn ra ngủ. Sống sót sau sáu năm tù "cách mạng " thì chẳng có gì thành vấn đề nữa.
Buổi sáng thức dậy sớm Lai đi lanh quanh tìm chổ cần phu khuân vác, đặc biệt khu vực xuống rau cải, cá tươi. Hàng lên từ miền Tây bằng xe tải lớn nên rất cần xả hàng nhanh chóng để phân phối nên chủ vựa dể dãi việc chọn người. Thấy Lai cao lớn dư sức khuân vác nặng họ nhận liền.
Ngày đầu tiên ra quân kiếm đủ sở phí cho sinh hoạt Lai thấy vui. Hắn nhớ lại thời cùng khuân vác với băng Tài Chùa ở Xa Cảng Miền Tây. Cực nhưng anh em nâng đở lẫn nhau đầy tình huynh đệ. Buổi tối Lai thuê chiếc ghế bố trong khu nhà cho khách vãng lai tương đối yên tĩnh. Ăn uống cũng không khó khăn miễn có gì nhét vào bao tử: cơm độn khoai mì, bo bo, mì sợi nhà nước bán cho dân.... thỉnh thoảng gặm khúc bành mì mua ở lề đường ...
Dân chợ bắt đầu quen với chàng thanh niên da đen cao lớn nhưng dễ thương và nhủn nhặn. Họ đơn giản gọi hắn là Đen không quan tâm tên thật. Họ nhận xét hắn siêng năng, lễ phép - hiếm gặp nơi chợ búa - nên có cảm tình. Họ thường xuyên kêu réo nhờ hắn bốc vác giúp đở vận chuyển những khối hàng nặng. Lai sẵn sàng ghé vai không kèo nài khó chịu, thậm chí không cần lấy tiền công. Riết rồi ai có chuyện cũng nhờ cậy đến sự năng nổ xốc vác của thằng " Con Đế Quốc Mỹ " như bạn hàng thường trêu chọc.
Thỉnh thoảng phường cho công an xuống tra xét giấy tờ, mục đích làm khó dễ bạn hàng kiếm chút tiền cà phê cà pháo. Họ biết Lai mới ra tù nên gom luôn về làm việc nhưng rồi buổi chiều lại thả ra vì Lai tứ cố vô thân chẳng chấm mút được gì. Công an quen mặt Lai, cũng chẳng thấy Lai làm gì phạm pháp nên để yên.
Một lần họ đi ruồng ban đêm chụp Lai lên phường nhốt. Bà con chủ sập xôn xao, nhờ người biết chữ viết tờ đơn bảo lãnh kèm với phong bì có nhưn. Công an đành thả vì lúc này không thể muốn bắt ai bỏ tù như hồi xưa, hơn nữa Lai sống cũng không phiền nhiễu, vi phạm an ninh hay làm gì bậy. Thậm chí bây giờ công an khu vực đi tuần tra thấy hắn còn giơ tay chào thân thiện.
Cuộc sống khuân vác coi như cũng tạm yên. Bạn hàng sẵn sàng giúp gì được Lai là họ giúp và hắn cũng không từ chối việc họ nhờ. Đổ mồ hôi kiếm bát cơm là điều mà cha Giu se vẫn thường nhắc nhở đám trẻ mồ côi ngày xưa. " Không làm đừng ăn" cha thường chọc tụi con nít.
Mấy lần Lai trở về bến xe tìm anh Năm vì muốn anh cùng lên chợ làm với mình nhưng chị Hai bán quán nói anh đã bỏ về quê vài ngày sau khi Lai từ giã. Chị Hai nói anh không để lại địa chỉ nhưng nhắc nếu Lai trở về thăm thì nhắn Lai cố gắng sống cho tốt, anh em có duyên sẽ gặp lại. Lai biết Năm không muốn Lai tìm gặp anh để trả nợ hai chỉ vàng...
***
Một hôm công an quận phối hợp phường và dân phòng càn quét lòng lề đường. Trước đây khi phường chủ động, công an thường đi ngang nhắc nhở vài tiếng, bạn hàng đáp lại dúi phong bì có nhưn. Rồi đâu cũng vào đấy, hai bên đều thoải mái vì quá quen mặt nhau.
Lần này quận bố trí thêm đám dân phòng, chúng năng nổ dữ dằn còn hơn công an. Một tay trung niên mắt chột hùng hổ đạp đổ sạp của bà già bán trầu cau . Hắn chụp luôn cái mẹt đựng nhang đèn ném vãi ra giữa đường bất kể bà già vừa chắp tay lạy vừa khóc. Tới chổ kế tiếp hắn túm tóc đứa bé gái chừng mười ba tuổi, đá tung cái bàn nhỏ chứa mấy trái xoài, sa cô chê, cóc ổi và lôi con bé cho công an giải lên xe cây ...
Lai nhìn thấy hết máu nóng chạy rần rần cả người và trên mặt. Hắn nhớ trận đòn khi bị bắt sáu năm về trước cũng do đám dân phòng. Hắn ngồi né mặt vào một cái lùm không để ai thấy tránh rắc rối. Hắn sợ bị gởi đi tù lần nữa và trong khi trái tim giục đứng lên can thiệp thì đầu óc hắn lại thầm thì bảo hãy tránh đi chổ khác.
Cuộc càn quét kéo dài tới trưa mới chấm dứt. Quang cảnh giống như bãi chiến trường, đồ đạc vung vãi tứ tung. Đám nạn nhân vừa cố gắng gom góp được gì hay nấy vừa khóc ròng than thở " Chiều nay cả nhà ăn cái gì đây chời? "
Lai lân la hỏi thăm tin tức về tay dân phòng chột. Người biết chuyện kể hắn trước đây là Việt Cộng nằm vùng, sau về hưu làm dân phòng. Hắn tên Hai Hùng hung thần của những bạn hàng buôn thúng bán bưng. Hắn hành hạ đánh đập không thương tiếc bất kể người già con nít. Bạn hàng lề đường sợ Hai Hùng như sợ cọp.
Cuối cùng Lai cũng dò tìm ra địa chỉ của hắn. Lai bỏ hẵn một ngày điều nghiên khu vực và giờ giấc đi đứng. Mỗi sáng khoảng bốn giờ Hai Hùng dậy sớm ra công viên chạy tập thể dục trước khi lên quận nhận công tác. Công viên thời gian đó cũng rất vắng và Lai biết đoạn đường Hai Hùng sẽ chạy ngang qua.
Ngày thứ ba Lai dậy sớm đạp xe sang công viên ngồi chờ ngay khúc đã chuẩn bị. Theo thói quen khoảng bốn giờ mười lăm Hai Hùng đã xuất hiện trên đường chạy. Đến vòng thứ hai hắn chới với không kịp né khúc cây bằng cườm tay quất mạnh vào lưng làm té sấp xuống đất bất tỉnh. Lai tới gần quan sát, lấy sức đập gẫy ống quyển nạn nhân nghe cái rốp . Lai nhẩy lên xe, đạp đi vừa lẩm bẩm :
- Hết còn hại ai nữa nha Hai Hùng...
Ngày hôm sau cả chợ biết Hai Hùng bị đánh què cẳng, đang nằm nhà thương băng bột. Chuỵên xì ra từ cái miệng hay nổ của tay công an khu vực nhưng qua lời đồn đại của dân chợ bèn trở thành hình phạt Trời Phật làm. Và khi ghé sạp mấy bà bán thịt tự sự biến thành Tề Thiên Đại Thánh vâng lệnh Phật Bà Quan Âm đón đường dùng thiết bảng đánh cho Hai Hùng mấy hèo đi hết nổi.
Sau này dẹp lòng lề đường không còn nhiều dân phòng theo công an phùng mang trợn mắt ăn hiếp bạn hàng nữa. Nếu phải làm gì đó cũng miễn cưỡng kèm theo lời phân bua:
- Bà con thông cảm chỉ vì miếng cơm manh áo chớ thực sự anh em tui không dám làm phiền bà con...
Lai thấy và nghe hết nhưng giữ im lặng không bình phẩm. Ai cũng vì miếng cơm manh áo cực chẳng đã phải bày hàng bán lề đường kiếm chút gạo cũng như dân phòng giúp công an giữ gìn trật tự nhưng vượt quá giới hạn cho phép hành hạ đàn áp dân lành thì xãy ra chuyện như Hai Hùng cũng không ai thương xót.
Công an mới đầu lấy lời khai chút đỉnh từ Hai Hùng nhưng hắn kể lúc đó trời còn tối, gậy từ phía sau đập tới nên không nhìn thấy chi tiết gì về thủ phạm. Hơn nữa Hai Hùng chỉ là dân phòng không phải công an nên thời gian ngắn sau sự vụ chìm xuồng không tìm ra thủ phạm. Hai Hùng giờ chống gậy đi bán vé số kiếm sống thỉnh thoảng bị xô té sóng soài trên lề đường như những nạn nhân của hắn trước đây.
Uy tín Lai ngày càng cao. Các chủ vựa réo Lai liên tục và họ che chở hắn nếu có chuyện phiền phức với công an. Thực ra ngoài chuyện ở tù về hắn chẳng phạm bất cứ sai sót nào ở địa phương. Thỉnh thoảng xãy ra trộm cắp trong khu vực công an lại " mời " Lai về phường vài tiếng đồng hồ chờ bạn hàng lên lãnh. Công an sẵn sàng tha Lai về sau khi được lì xì ít tiền đi uống cà phê.
"Lính " về đầu quân với Lai ngày càng nhiều vì Lai đối xử với anh em y như ngày xưa Lai học từ Tài Trọc. Đa số họ lớn tuổi, từng cầm súng đánh nhau với bộ đội miền Bắc nên Lai tôn trọng họ như chú bác của mình. Buổi chiều nghĩ việc lao động cả nhóm tụ họp nhậu chút đỉnh; lúc đó họ kể những chiến tích, nhắc nhở đồng đội thương tật hay đã ra đi vĩnh viễn. Lai giờ uống được chút rượu bia, lăn tìm chổ ngủ khi quá đà.
Trong số dưới trướng Lai đạc biệt chăm sóc tình cảm với Tiến Cò. Tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tiến long nhong như cò hương nên có biệt hiệu. Chuyện Tiến gặp Lai như thế này :
Buổi tối hôm đó Lai ghé thăm anh Ba Huy, sẵn bạn bè lối xóm nên nhận lời ở lại uống vài ly. Anh Ba trước là lính Lôi Hổ thường kể chuyện nhảy toán và chắt lưỡi nhìn Lai:
- Chú mầy làm tao nhớ thằng David, trung sĩ hiệu thính viê . Nó chịu chơi và gan dạ từng cỏng một Biệt Kích người mình băng rừng tới chổ triệt thoái. Có lần nó xô tao khỏi mũi lê của việt cộng và giết chết thằng nhỏ chỉ bằng hai bàn tay ....
Hôm đó Lai vui chuyện uống say mèm và ngủ lại...
Giữa đêm Lai thức dậy đi bộ về nhà. Tới ngỏ hẽm có ống cống bự bên lề đường Lai ngạc nhiên thấy đầu ra bên kia hình dáng một bóng người nằm sóng soài trên đất. Hắn ghé mắt nhìn vào lòng ống thấy chiếc xe Honda 67 còn kẹt lại hai phần ba. Người chủ dáng vẽ như công an mang một sắc cốt ngang ngực, mùi rượu nồng nặc từ quần áo. Lai đến gần quan sát nhận ra hắn đã chết. Lai quan sát chung quanh rồi nhè nhẹ gỡ sắc cốt kiểm soát bên trong: ngoài ít giấy tờ còn môt còng số tám và khẩu súng K54. Lai nhón lấy cái còng và khẩu súng nhét vào bụng, biết những thứ này sẽ có lúc cần dùng đến. Trời Sài Gòn giới nghiêm giữa đêm đường sá vắng tanh Lai len lỏi dọc theo ngóc ngách ngỏ hẽm trở về nhà. Hắn dấu mọi thứ dưới chân giường rồi leo lên đánh một giấc ...
Buổi sáng đang cùng anh em làm việc Lai thấy một thằng nhóc khoảng mười sáu mười bảy ngồi trong một quán cóc cà phê uống ly trà đá và nhìn về hướng Lai. Ngạc nhiên nhưng bình tỉnh Lai tới bên thằng nhỏ ngồi xuống nói :
- Em muốn gặp anh có chuyện gì hả?
- Dạ em có chút thắc mắc muốn hỏi anh. Nói chuyện ở đây êm không anh?
- Em muốn thì về nhà anh thoải mái hơn...
Về nhà Lai bắt ghế ngồi:
-- Sao có chuyện gì vậy em trai?
- Dạ em tên Nguyễn Văn Tiến, em mồ côi không thân nhân họ hàng. Em lượm ve chai để kiếm sống. Em có chuyện này muốn thưa với anh :
Anh nhớ hôm ở trong công viên? hôm đó em ngủ cách có một bụi cây nên chuyện của anh em thấy hết. Khoan, anh đừng nóng giận, em không phải người xấu. Em cũng biết Hai Hùng và những hành động của ổng. Em nhận ra anh vì lúc đó em bật ngồi dậy theo tiếng hét của Hai Hùng thì anh vừa chạy tới. Em nhớ mái tóc nên em dò hỏi tìm được anh. Em nhát không dám gặp lúc đó nhưng vẫn theo anh vì hành động anh hùng của anh... .
Ngày hôm qua em đang đếm tiền và ăn đồ dư xin được trong mấy nhà hàng thì anh đi ngang qua. Em cũng thấy chuyện chổ ống cống...
Em muốn gặp anh chỉ xin anh môt điều: xin anh cho em theo làm em anh....
Lai hết hồn, tím mặt. Nhưng nếu nó là người xấu hẵn hắn đã không còn ngồi ở đây!
- Vậy sao em không đi báo công an?
- Em đâu phải tụi chỉ điểm chó chết. Em thích hành động của anh, em biết chọn theo anh là đúng đường...
- Nhưng mà anh đâu phải đại ca hay trùm giang hồ. Theo anh ích lợi gì đâu?
- Em mồ côi chịu khổ từ nhỏ em chỉ muốn có một người anh chứ em đâu tìm kiếm lợi lộc ...
- Nếu em khộng chê và thật lòng thì ngày mai tới đây theo anh đi bốc vác mà sống.
Từ đó Tiến theo Lai như bóng với hình, Tiến cũng chứng tỏ nó coi mạng sống anh Lai trên cả mạng sống nó. Còn Lai dấu kín việc thoạt đầu gặp Tiến hắn đã có cảm tình và tin tưởng khi thấy thằng nhỏ mang những nét từa tựa thằng Minh...
****
Chổ nào có mật chổ đó có ruồi. Dạo gần đây nơi anh em Lai làm ăn xuất hiện nhiều thanh niên nói rặc giọng ngoài Bắc. Họ ngang nhiên dành mối và đôi khi gây gổ với những người trong nhóm phần đông là lính VNCH nên chịu nhịn nhục vì miếng ăn. Họ biết hễ xãy ra chuyện gì họ cũng đều bị lép vế thậm chí có thể bị đi tù nếu xãy ra ấu đã.
Lai thấy hết nhưng muốn dĩ hoà vi quý. Hắn khuyên anh em nên nhịn nhục khiến bọn kia tưởng bở càng lấn tới, đòi đuổi hết dành độc quyền. Bọn này chừng tám chín mạng cầm đầu bởi một nhân vật vạm vỡ cạo đầu trọc và xăm mình đầy hai cánh tay. Chúng lớn lối thách thức và cấm bất cứ ai đến hành nghề bốc vác trừ băng của chúng. Mỗi buổi sáng chúng hung hăng nhét dao trước bụng đi đe doạ mọi người .
Lai im lặng chúng lấn tới đâu hắn nhường tới đó. Nhưng cùng lúc hắn sai Tiến và vài đứa nhỏ bí mật tìm kiếm chính xác nơi bọn này đóng băng và bao gồm bao nhiêu đứa. Lai cứ làm như sợ sệt không nói không rằng nhất là lời thách thức của tay cầm đầu tên là Tư Phường nghe đâu dân cảng Hải Phòng từng hành nghề đâm chém kiếm sống.
Buổi tối mấy đứa nhỏ về báo tin Tư Phường và đàn em vừa mới nhậu một chầu bí tỉ, đang nằm say mèm trong một khu vực phòng trọ, Lai, Tiến và bốn đứa khác lẳng lặng bí mật kéo đến. Lai không để những ông chú bác dính dáng tới lính dự phần mặc dù ai cũng nóng máu, hắn tính có gì hắn và mấy đứa nhỏ còn chịu được.
Bọn Tư Phường không phòng bị vì tin rằng với thành tích và dấu xăm chằng chịt, giới dân chơi miền Nam sẽ sợ hãi không dám kiếm chuyện, làm gì to gan tới kiếm tận sào huyệt. Nghe nói thằng lai đen và đàn em nó chẳng có vết thẹo hay hình xăm nào trên mình làm thuốc. Toàn tụi thỏ đế !!!
Tiến và mấy đứa nhỏ nhẹ bước vào phòng. Nó vung cây quất vào mặt ba thằng nằm dưới đất nghe tiếng sóng mũi vỡ vụn. Tư Phường choàng tỉnh chưa kịp ngồi dậy bị quặt tay ra sau lưng trói lại. Hắn hoảng hốt van nài :
- Ối ông ơi xin tha cho con...
Lai- bịt kín đầu - để không lộ dấu vết - tát túi bụi vào mặt Tư Phường. Vẫn không nói tiếng nào hắn phang một gậy vào xương ống quyển đối phương vỡ nát. Bọn đàn em Tư Phường bị bịt miệng, trói tay chân không la được, chứng kiến sự việc trong kinh hoàng nước mắt nước mũi chảy ròng ròng....
Dân chơi Hải Phòng hồn vía lên mây khóc rấm rít trong miệng mong sẽ giữ được tính mạng ...
Sáng hôm sau bọn Lai đi làm như thường lệ, không thấy dấu vết của băng Tư Phường dân chơi cảng Hải Phòng ngoài Bắc .... bạn hàng tuy có hơi ngạc nhiên nhưng thấy thoải mái hơn với những gương mặt quen thuộc và giọng nói miền Nam thân thương. Riêng Lai và mấy thằng em tuyệt đối không nhắc nhở tới đêm hôm qua coi như chẳng có chuyện gì xãy ra.
Nguoiviettudo
Mời đọc tiếp chương 6
No comments:
Post a Comment