Nhớ về Tháng tư đen
Phần Một: BỨC THƯ CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ
Anh yêu quý.
Em viết cho anh như một lời tâm sự cuối đời, trong một thoáng mơ hồ tâm thức, trong những quằn quại của lòng em bằng ý thức của một người đàn bà đau khổ và sắp chết. Mấy mươi năm đã trôi qua. Chúng ta đều đã già nua, cách nhìn về cuộc sống không còn như xưa, như ngày chúng ta còn trẻ. Riêng với em, em thấy lòng mình dịu lại, những nỗi đau đớn trong cuộc đời trước đây tưởng không thể nào chịu đựng nỗi tự dưng nhẹ bỗng hẳn đi, cơ hồ như những điều oan nghiệt đã xảy ra với em không phải của mình, không thuộc về mình, khi hồi tưởng lại những biến cố trong đời mà với một người đàn bà yếu đuối như em không tài nào hình dung được những điều ấy lại xảy ra cho chính mình.
Anh yêu quý, có thể anh không tin, cũng có thể khi đọc những dòng này anh sẽ cười nhạt và vò nát lá thư vứt đi. Dĩ nhiên em có thể nói chuyện với anh bằng điện thoại nhưng em thích viết hơn, khi ngồi trước trang giấy em sẽ đối diện với chính lòng mình, đối diện với sự câm lặng mà gần 40 năm qua em không thể nói. Em tình cờ gặp lại chị X. – một người bạn thân thiết chung của hai chúng ta – và được biết địa chỉ và số điện thoại của anh – Em rất mừng khi biết anh vẫn khỏe, được biết con trai của chúng ta thành đạt và đã có gia đình riêng. Ôi chao, nghe chị X. kể lại, lòng em tha thiết muốn được ôm các cháu của em vào lòng biết mấy ! Nhưng không thể nào còn kịp nữa vì em không còn nhiều thời gian trên đời này và vì còn một điều nữa quan trọng hơn : Liệu các con có tha thứ cho em không?
Và anh nữa, anh có tha thứ cho em không? Câu hỏi mà đến cuối đời vẫn dày vò em, dày vò một người đàn bà đã suốt đời âm thầm với những đau khổ của riêng mình. Xin cho em nói với anh một điều – dù điều này rất có thể xúc phạm đến anh - anh là người đàn ông duy nhất mà em yêu thương bằng cả trái tim mình, bằng hết cả tâm hồn và thể xác.
Cuộc sống sau 75, sau ngày anh tù tội, những nhu cầu áo cơm trần trụi đã xé nát em, đã giằng em ra khỏi cuộc đời anh mà em không có cách nào chống lại. Em cô đơn, yếu đuối giữa cuộc đời vói những nhu cầu sống còn cho con của chúng ta và cả cho em. Anh hãy hình dung lại hoàn cảnh của em ngày đó: Ba em cũng đi tù cải tạo như anh, người anh trai em chết trận để lại ba đứa con nheo nhóc. Em, một cô giáo Văn non choẹt vừa ra trường đi dạy, chân ướt chân ráo mới bước chân vào đời.
Sau ngày anh đi tù không bao lâu em bị đuổi việc. Đi xin việc khắp mọi nơi không ai nhận vì lý lịch của mình, căn nhà nhỏ bé chúng ta đang ở có lẽ cũng đã bị tịch thu nếu không có ông cậu họ xa “ làm lớn “ từ ngoài Bắc vào can thiệp. Em và các con đói ăn anh ạ, đói ăn theo cái nghĩa trần trụi nhất của từ này. Bao nhiêu thứ quý giá nhất trong nhà cho đến những tiện nghi sinh hoạt tầm thường nhất lần lượt đội nón ra đi để đổi lấy cái ăn cho ba mẹ con em hàng ngày.
Có một lần em về thăm Mẹ ở Long An, khi về mẹ cho mười ký gạo. Em đạp xe đạp từ Long An về Sai Gòn thì nửa đường bị Quản Lý Thị Trường chận lại tịch thu hết số gạo. Em đã khóc lóc, năn nỉ đủ đường nhưng vô ích. Em nói chỉ để anh hình dung tình cảnh của mẹ con chúng em ngày đó. Anh nghe hẳn anh sẽ rất kinh ngạc: Sức đàn bà như em mà đạp xe đến những mấy mươi cây số, một việc em chưa từng làm và cũng không thể nào hình dung em đã làm được.
Những ngày cơ cực đó, anh thân yêu, em cũng theo những người đàn bà có chung hoàn cảnh đi buôn đường xa bằng xe lửa, trên những chuyến tàu chợ bẩn thỉu chỉ đủ chổ để đứng một chân trên quãng đường hàng trăm cây số, hôi hám nồng nặc vì mùi người, vì đủ thứ mùi mắm muối khác. Em cũng đã từng ngủ gà ngủ gục co rút người lại vì lạnh ở những ga tàu xa lạ, chịu đựng những bàn tay thô bạo sờ sẫm vào người những đêm đàn ông đàn bà nằm cọ xát, chồng chất lên nhau qua đêm ở những ga tàu xa xôi mà mối quan tâm duy nhất là sợ bị mất hàng. Nhiều lần lắm anh ạ, em cũng từng bị mất như vậy. Và mỗi lần như thế là mẹ con em đói, tội nghiệp cho con bé út Thủy của chúng ta đói quá rấm rứt khóc rồi ngủ thiếp đi. Cũng không ít lần có những người có chức quyền tại địa phương nửa đùa nửa thật đòi làm Bố những đứa con của chúng ta để đổi lại một số quyền lợi nhỏ nhoi tạm đủ sống. Ạnh ạ, con giun xéo lắm cũng quằn, em đã có lúc hóa điên, đã đuổi thẳng cánh bọn này ra khỏi nhà bằng những lời thô bạo, bằng những lời không ai có thể tin rằng xuất phát từ một “ cô giáo “ từng tốt nghiệp đại học văn chương. Những ngày tháng đó, anh thân yêu, em vẫn giữ được mình. Cho đến ngày mà em bị tịch thu toàn bộ số hàng còm cõi để nuôi con thì ông B. xuất hiện.
***
Ông B. là người tài xế cũ của cậu em - ông cậu ngoài miền Bắc vào, người đã can thiệp cho mẹ con em khỏi đi Kinh Tế Mới -, đến khi cậu em về hưu đã giới thiệu cho ông ta một chỗ làm trong đội xe Quốc Doanh vận tải đường dài. Trước đây có lần ông ta lái xe đưa cậu em đến thăm, em biết ông ta đã chú ý đến em. Ông ta hiền lành, chân chất và tốt bụng nhưng hầu như thất học, hình như vừa xong Tiểu Học thì đi Bộ Đội. Em cần nói rõ với anh như thế để anh có thể hình dung được thứ “ tình cảm “ - nếu có - của em lúc đó và cả sau này với ông B. Chao ôi, anh và ông ta khác nhau một trời một vực !
.... Ông ta đã đến thăm em một lần nữa sau ngày em bị tịch thu mất toàn bộ vốn liếng trong một chuyến buôn hàng. Ông B. đã đề nghị giúp cho em một khoản tiền nhỏ làm vốn, việc vận chuyển ông ta sẽ lo cho em miễn phí vì ông ta chạy xe cho nhà nước, chẳng có anh Thuế Vụ hay Quản Lý Thị Trường nào có quyền chặn bắt. Không còn cách nào khác, em phải chấp nhận để nuôi con.
Kể từ khi ấy, cuộc sống của mẹ con em bắt đầu dễ thở. Em có chút tiền để sắm áo quần cho con, nhìn chúng nó rách rưới em thương lắm. Ngày đó anh đã tù tội 5 năm rồi. Em chẳng bao giờ quên những lần đi thăm nuôi anh, tay xách nách mang đồ đạc lỉnh kỉnh cho anh, tay kia thì dắt thằng con đi theo. Chúng ta ngồi nói chuyện chẳng được bao lâu dưới sự giám sát của mấy ông cán bộ, lúc nào em cũng tỏ vẻ tươi cười cho anh khỏi lo nhưng những giọt nước mắt không kìm được cứ lã chã rơi ướt áo khi nhìn thấy anh xanh xao gầy ốm trong bộ đồ tù. Thương con cứ quấn quít bên anh hỏi chừng nào Ba về, còn anh cố giữ bình tĩnh, tươi cười động viên em và con. Khi về lại Sai Gòn, lòng em lúc nào cũng quay quắt hình ảnh của anh. Có lần đi thăm anh về em bị sốt cao nắm liệt mấy ngày, ông B đã đến thăm nom em, mua quà cho em và dặn dò các con chúng ta phải học hành chăm chỉ. Em đã rất xúc động và cảm ơn ông, nhưng cũng có lúc - rất nhiều lúc - đã cau có vì sự chăm sóc quá đáng của ông B. Lòng em lạnh nhạt vô cùng, dưới mắt em, ông B chẳng là gì cả khi so với anh nhưng đồng thời em hiểu rằng ông ta chính là người ơn, nếu không có sự giúp đỡ của ông ta trong lúc ngặt nghèo nhất mẹ con em đã không sống nổi.
Có một lần có chiến dịch truy bắt hàng lậu, khi xe bị chặn lại khám xét ông ta đã quát tháo lại với Công An và mấy ông Quản lý Thị Trường, nhận em là vợ của ông và yêu cầu phải lập biên bản những thứ em đi buôn trên một chuyến xe “ Quốc Doanh “. Họ đã chùn lại và em lại thoát. Cũng có những lần xe hỏng nằm đường ở những nơi vắng vẻ, ông B và người phụ xe mắc võng nằm ngủ dưới gầm xe còn em thì ngủ trong xe. Việc ăn uống cũng vậy, để tiết kiệm chi phí, những chuyến đi dài ngày em lo phần chợ búa com nước cho cả ba người. Em đã sống qua thời gian hai năm như vậy.
Cho đến một ngày người phụ xe xin nghỉ vì bị ốm. Cho đến giờ, em cũng không hiểu là việc đó có thực hay không. Chuyến xe chở một ít hàng sinh hoạt cung cấp cho một Nông Trường ngoài thị xã Pleiku và như thường lệ em vẫn đi theo. Trên xe chỉ có hai người là em và ông B. Xe bị hỏng - hỏng thực hay không thì em không biết - và phải nằm lại trên một ngọn đèo heo hút ngoài thị xã. Suốt buổi chiều, ông B. hì hục sửa chữa, em đứng bên ông B. để đưa giúp cho ông ta những thứ dụng cụ cần thiết. Khi ông B. cởi trần, mình đầy mồ hôi bước xuống, lúc em đưa cho ông ta cái khăn để lau thì ngay lúc đó, trong cái vắng lặng của ngọn đèo xa xôi vào lúc nhập nhoạng tối ông ta đã nắm chặt lấy tay em. Anh ạ, xin anh hiểu cho em, em chân thật với anh hết lòng mình, xin cho em nói. Năm năm không gần đàn ông, lúc cái thân hình nhễ nhại mồ hôi đàn ông ấy nắm lấy tay em, em đã rùng mình. Thêm chai bia trong mớ hàng chở tiếp tế cho Nông Trường mà em vừa uống vì hết nước dự trữ đem theo làm em ngây ngất. Em choáng váng, hoa mắt, quên hết mọi thứ và không còn biết mình là ai, ở đâu và đang làm gì. Khi ông B. ôm choàng lấy em, em đã run rẩy và không còn sức chống cự.
Anh yêu quý, xin hãy cho em nói một lần. Chắc anh còn nhớ trước đây anh có tặng cho em cuốn sách “ Lá thư của người đàn bà không quen “ của nhà văn Áo Stefan Zweig, một nhà văn nổi tiếng mà em rất thích. Trong cuốn tập truyện đó có truyện “ Hai mươi bốn giờ trong đời một người đàn bà “, truyện kể về một bà quý tộc xứ Ăng Lê trong một chuyến phiêu lưu trưởng giả đã gặp một chàng trai chỉ đáng tuổi con mình trong một sòng bạc. Anh ta chơi bài với một nỗi đam mê hiếm thấy trong từng ván bài bạc và qua ngòi bút thiên tài của tác giả đã thể hiện đến tận cùng tính cách sự đam mê đó của anh ta. Những ngón tay dài xương xẩu của anh ta, những ngón tay dài trắng xanh của giới quý tộc có lẽ chỉ quen với những phím đàn Piano trong những buổi hòa nhạc thính phòng sang trọng, những ngón tay như có một linh hồn riêng, độc lập với nhau khi nâng niu những lá bài trên tay. Đôi mắt cũng vậy, như bị hút hồn về những con bài đem lại sự thắng thua trong canh bạc. Cặp mắt chăm chú như ngoài những lá bài thì không còn gì có giá trị hơn đang hiện hữu trong cuộc đời này, nỗi vui mừng và sự tuyệt vọng trong đôi mắt của anh như cũng hòa nhịp làm một với những quân bài. Anh ta đã thua sạch túi và đứng lên, lảo đảo đi ra ngoài và sau đó đã quyết định tự sát. Bà quý tộc đang độ tuổi năm mươi đã theo dõi ngay từ đầu, đã đi theo anh ta và đã cản anh ta kịp thời trước khi tự sát - với bản năng của một người Mẹ -. Đêm đó, bà ta đã đưa anh ta vào một khách sạn thuê một phòng cho anh ta qua đêm để tránh những hành vi ngu ngốc có thể xảy ra - cũng vẫn với bản năng của một người Mẹ -.
Thế nhưng rồi sau những giằng co với nhau khi cậu con trai vẫn nằng nặc thực hiện ý định tự sát của mình, sau những cọ xát thân thể, vào sáng ngày mai bà quý tộc đã thức dậy, không còn một mẩu quần áo nào trên người và bên cạnh bà, người thanh niên kia cũng vậy. Bà ta sửng sốt, không thể nào tin vào những chuyện đã xảy ra khi nhìn vào khuôn mặt trẻ trung, đẹp như thiên thần của cậu con trai vừa lớn đang ngủ. Mọi việc đã xảy ra ngoài tầm kiểm soát như một sắp đặt oan nghiệt, như một giấc mơ
Anh ạ, lúc đọc truyện này em có cảm giác buồn cười lẫn đôi chút khinh bỉ. Cái loại quý tộc thừa tiền lắm của, không biết làm gì cho hết thì giờ và thứ tình cảm trưởng giả lãng mạn đó xa lạ vô cùng với em. Em cho rằng chính cái lãng mạn trưởng giả ấy đã làm cho bà quý tộc không kiểm soát được bản thân và đã làm một điều không thể nào chấp nhận được. Thế nhưng em thì sao? Em cũng thế thôi, cũng đã không kiểm soát được mình. Anh yêu quý, em không tự bào chữa cho mình vì rằng chính em cũng không thể tha thứ cho em. Nhưng anh ơi, hoàn cảnh của em khác. Em cô đơn, vật vã với cuộc đời để tìm cái sống và các con của chúng ta cũng đói khổ theo cái nghĩa trần truồng nhất của từ này. Thêm vào đó là sự hàm ân mà dẫu không muốn cũng phải chịu trong hoàn cảnh của riêng mình. Và còn nữa, anh ơi, cái bản năng đàn bà trong em thức dậy khi trong cơn choáng váng của mình, em nghe thấy mùi mồ hôi nồng nàn của đàn ông. Cái bản năng của một con thú cái trong em thức dậy, nó cũng khao khát, cũng đòi hỏi sau nhiều năm không gần con đực, giữa một hoàn cảnh mà sau này em cho rằng do chính ông B dàn dựng. Em, một con đàn bà cô đơn và yếu đuối. Một con đàn bà nhỏ nhoi và gặp nhiều nỗi bất hạnh trong vô số những nỗi bất hạnh trong cuộc đời này.
Buổi chiều hôm đó trời đột ngột đổ mưa lớn. Chúng em chui vào trong thùng xe để tránh mưa và cái việc kinh hoàng đó đã xảy ra cho em, cho cả hai chúng ta, anh yêu quý của em, cái việc đó đã xảy ra vào một đêm ở ven đèo gần thị xã Pleiku, trên chiếc xe tải em vẫn nương vào đó để nuôi sống hai đứa con còn nhỏ của chúng ta khi anh còn tù tội trong Trại Cải Tạo.
Rồi sau đó hẳn anh còn nhớ, anh chỉ nhận được quà thăm nuôi mà em thì không vào trại nữa. Vì em không đủ can đảm để nhìn mặt anh, nhìn mặt Cha của hai đứa con của chúng ta. Dẫu em ân hận đến mức nào, tự nguyền rủa cái bản năng đàn bà của em đến mức nào sau 5 năm không chung đụng với đàn ông thì em vẫn không thể tha thứ cho em được. Sự vất vả cơ cực của đời sống mà em không quen vì chưa từng trải qua bao giờ, trách nhiệm của người mẹ và miếng ăn của hai đứa con trong tuổi đang lớn, cái bản năng rất " con người " của một người đàn bà 37 tuổi và cả cái bẫy tinh vi mà ông B. - người tài xế của chiếc xe, một anh ngoài Bắc mới vào đã dàn dựng - thì vợ anh, một người đàn bà chưa từng biết gì về cuộc đời không có cách nào không rơi vào. Em dùng chữ " con người " vì trong việc này, trong cái việc kinh hoàng đã xảy ra, có lẽ phần " con " nhiều hơn cái phần " người ".Anh thấy không, vợ anh đang lý luận đấy. Vì vợ anh là dân có học, ngày lấy anh em chỉ còn một năm nữa là ra trường. Anh ạ, xin anh hiểu và tha thứ cho em, một con đàn bà tạm gọi là trí thức. Và khi vợ anh, con " đàn bà trí thức " ấy viết đến đây thì những dòng nước mắt đã rơi đầy trên trang giấy...
***
Sau đó, những ngày không chạy xe ông B. đến thăm em thường xuyên hơn. Có một lần, con của chúng ta đã nhìn thấy ông ấy ôm em trong tay. Ngày đó thì thằng con đầu của chúng ta đã hơn mười tuổi. Mặt nó tái mét và bỏ đi ra không nói tiếng nào. Bằng cách nào mà anh biết được mọi việc thì em không rõ, nhưng vào lúc đó thì sau cái lần xe nằm lại trên đèo An Khê, em đã có bầu ba tháng. Em đã tiếp tục những chuyến đi buôn đường dài để kiếm sống và hoàn toàn bất ngờ khi biết mình đã mang thai. Em xin nói thực cùng anh một điều, em đã không tìm cách để “ bỏ “ cái thai đó vì lòng em không nỡ mà thực ra cũng chẳng biết phải “ bỏ “ bằng cách nào. Khi bụng em đã lớn thì Mẹ của chúng ta, Mẹ của anh đã đến và yêu cầu em giao các con cho Mẹ nuôi. Vào hoàn cảnh của em, em cũng sẽ làm thế thôi, làm sao em có thể oán trách mẹ được?
Ngày Mẹ đưa chúng nó ra đi em khóc như mưa anh ạ, mọi thứ với em giờ đã tan nát hết, cuộc đời em cũng nát tan theo khi nhìn nét mặt lạnh như tiền của con trai chúng ta nhưng đôi mắt của nó thì đẫm lệ. Con bé út thì quyến luyến nắm chặt tay em không rời nhưng cuối cùng rồi cũng bước theo anh nó. Bằng một hiểu biết rất bản năng và rất thơ dại, chúng hiểu rằng em không còn là vợ của ba chúng nó nữa, không còn là mẹ chúng nó nữa vì em đã có bầu với một người đàn ông khác. Khi chứng kiến tình cảnh đó Mẹ hình như cũng đã rất cảm động. Mẹ đã đến bên em nhỏ nhẹ dặn dò em giữ sức khỏe và hình như đã rất cố gắng để nói với em những lời cuối cùng:
“ Tôi hiểu hết. Nhưng không thể được nữa ! “
Anh yêu quý, đúng là không thể nào được nữa. Em có thể làm gì khác hơn trong hoàn cảnh này đây, lòng em tan nát khi nghĩ về anh, về các con và tất cả nỗi tan vỡ mà em đã gây ra, dù cái hoàn cảnh em trót gây ra không phải hoàn toàn do em muốn hay do em chủ động. Em vẫn phải chịu trách nhiệm chính trong sự đổ vỡ này mà không thể nào biện minh được. Cuộc đời với em không còn ý nghĩa gì nữa, anh vẫn đang tù tội và con cái thì đã cách xa. Mối tình của em dành cho anh, mối tình duy nhất trong đời em cũng đã tan vỡ. Nếu em không vì cái thai trong bụng thì em đã có thể chọn cái chết để đền đáp cho anh, đền đáp cho tình yêu anh dành cho em một cách rất thản nhiên và rất nhẹ nhàng. Nhưng em không thể. Trong đời người hoạn nạn, chúng ta đã gặp mấy lần vì “ không thể “ mà bi kịch kéo dài suốt cả một quãng đời còn lại?
Anh yêu quý, trong thoáng chốc, vào lúc đó em có cảm giác mình đã già đi hàng thế kỷ. Em thấy rất rõ những nỗi đau đớn và những bi kịch của một đời người, trong những hoàn cảnh không thể nào biện minh được. Bao nhiêu thứ lý luận triết học uyên bác chỉ là những thứ từ chương vô dụng không giúp ích gì được cho những nỗi đau khổ của một người đàn bà trong tận cùng sức chịu đựng, trong tận cùng thử thách, trong tận cùng cám dỗ và trong những khó khăn riêng. Và em, vợ anh, một người đàn bà nhỏ nhoi, yếu đuối trong hàng triệu các sinh linh yếu đuối khác trên cái trần gian ngập ngụa những đau khổ này đã không thể nào kháng cự lại được cái số phần khốc liệt đã dành sẵn cho mình.
Anh ạ, em đã quên nói với anh một điều: Vợ ông B. đã mất. Ông ta vào Nam làm ăn và mọi chuyện xảy ra như anh đã biết. Khi các con ra đi, em đã bán căn nhà và ra Bắc theo ông B. và đã sinh con ngoài ấy. Cháu là bé gái, khỏe mạnh và cũng hiền lành, ít nói như Cha nó vậy. Với em, điều an ủi cuối cùng là nó. Rồi mọi thứ cũng đã nguôi đi. Tụi em lại vào Nam để sinh sống vì em không chịu nổi cái không khí ngột ngạt ngoài Bắc. Cho đến ngày em mắc phải một cơn bệnh không thể chữa được mà cuộc sống còn lại chỉ tính bằng từng tháng. Rồi đến cái ngày anh tìm được địa chỉ và đến thăm em lần cuối cùng trước khi ra đi, trước khi rời bỏ cái đất nước khốn khổ này cùng hai đứa con của chúng ta. Ôi chao ! Lòng em biết ơn anh biết mấy !
***
Anh yêu quý.
Em muốn nói cùng anh một lần, dẫu điều này có thể làm anh đau lòng. Khi nhìn đôi mắt đầy xót xa của anh trong lần chia tay, em biết rõ lòng anh còn rất thương em khi chào em lần cuối cùng và chúc cho em hạnh phúc. Ôi chao! Thứ hạnh phúc nào vậy? Trong từng tế bào của em, trong từng hơi thở, trái tim em kêu gào anh tha thứ. Những giọt nước mắt lênh láng trong lòng em lúc đó tha thiết kêu gào lòng tha thứ của anh, em chỉ muốn nhào vào lòng anh để khóc một lần, khóc một đời, khóc cho thỏa cùng anh hết bao nhiêu dồn nén từ những ngày cơ cực và nỗi đắng cay em đã một thân một mình trải qua. Nhưng định mệnh luôn luôn ngược lại: Đúng lúc đó thì con gái em đi học về và cháu nhào vào vui vẻ ôm choàng lấy em. Tia nhìn anh lúc đó ngay lập tức lạnh băng trở lại, giọng nói xa cách khi chúng ta nói với nhau những lời cuối cùng:
“ Anh đã muốn đem hai con đến đây để gặp em, để chào mẹ trước ngày chúng đi xa nhưng chúng không bằng lòng. Anh…anh rất tiếc “
Em tin nơi định mệnh, anh ạ, mỗi người chúng ta, do số phận đã định, đều đã gặp những giây phút sinh tử nào đó trong cuộc đời. Nếu vào lúc đó, chậm năm mười phút thôi, con em chưa về thì chắc chắn em sẽ nhào vào lòng anh để khóc và xin anh tha thứ. Và cũng bằng trực giác của một người đàn bà từng chịu đựng nhiều nỗi đau khổ, qua đôi mắt rưng rưng của anh khi nhìn em, em tin rằng anh sẽ bỏ qua mọi chuyện. Nhưng cái giây phút định mệnh ấy đã đến đúng vào lúc đó để chúng ta vĩnh viễn chia tay nhau. Con đường của mỗi chúng ta đã mặc định sẵn theo sự an bài của một thứ định mệnh không thể nào cứu chuộc được.
Anh ạ, mấy mươi năm đã trôi qua. Chúng ta đi theo những hướng khác nhau trong đời mình và có lẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa. Thế nhưng trong lòng em lúc nào em cũng nghĩ rằng em còn có một người chồng mà em yêu quý hết lòng và những đứa con rứt ruột đẻ ra đang sống ở phương xa. Em không còn bao nhiêu thời gian nữa để sống. Xin anh hãy cho em hôn hai con và các cháu của chúng ta. Cũng xin anh hãy tin rằng lòng em vẫn yêu anh, chỉ một anh thôi cho đến hơi thở cuối cùng trên cõi đời này.
Vợ anh
.
o0o
Phần hai: Lá thư của người đàn ông
ĐỂ TƯỞNG NIỆM NGÀY 30/4 43 NĂM TRƯỚC
Em
Anh viết cho em trong một đêm mưa lạnh lẽo ở xứ người. Nơi anh đang ở là một căn nhà lớn với nhiều phòng, một phòng cho vợ chồng thằng con lớn của mình, nhiều phòng riêng khác cho con chúng nó và một phòng cho riêng anh. Anh dạo này hay thức khuya và những đêm như thế anh lại rót cho mình một ly rượu nhỏ, trầm ngâm nhiều giờ, lặng lẽ nghĩ về những điều anh đã chịu đựng, về những việc đã xảy ra trong đời mình.
Điều đầu tiên anh muốn nói cùng em là lòng anh xa xót quá, đến bây giờ do hoàn cảnh và khoảng cách địa lý giữa chúng ta, khi em bệnh như thế này mà anh còn không rót được cho em một ly nước, không còn được vuốt ngực cho em khi em ho. Tất cả không còn gì nữa, những ngày quằn quại khốn khổ trong tù tha thiết nhớ thương em và các con, những ngày bị trói tay vào cột đứng giữa trời trong nhiều ngày và nhiều đêm, những ngày chặt cây, đào đất, gánh củi lao động khổ sai, những đêm chỉ có thể nằm nghiêng một bên vì có quá nhiều bạn tù khác cùng chung một phòng, mùi hơi người ngột ngạt cùng với biết bao nhiêu thứ muỗi mòng rận rệp và nhiều thứ không thể chịu nổi khác.
Nhiều lúc nghĩ lại về những ngày tù tội đã qua, anh kinh ngạc không hiểu sao mình còn sống được. Cái trại tù ngoài Bắc nơi anh bị giam giữ mà em từng đến là một thung lũng sâu, bốn bề là núi. Những ngày mùa Đông lạnh cắt da cắt thịt, không khí đặc quánh lại, mây bay lơ lửng trên đầu. Buổi sáng tụi anh sắp hai hàng ra khỏi trại đi lao động có những tên Vệ Binh kèm súng đi theo, y như những cảnh trong phim chúng ta từng đã xem cùng nhau về những trại tập trung của Phát Xít Đức. Cái đói triền miên và dai dẳng nhiều tháng, nhiều năm kéo dài, cóc nhái ếch chuột rắn rết đều là thức ăn quý báu để bổ sung cho những cơ thể suy kiệt tận cùng. Không một hy vọng, không một ánh sáng, không một niềm tin vào ngày được tự do. Tụi anh thoi thóp sống, đói khát, bệnh tật, kiệt sức, bị đánh đập, bị giam cầm và tuyệt vọng. Nhiều lắm, nhiều lắm những người không chịu đựng nổi đã chết. Xác vùi ngoài rừng vắng, may lắm có một mẫu gỗ khắc tên cắm trên mộ.Thôi thì mình là người thua trận, có chơi có chịu, anh chấp nhận hết. Tụi anh đã chịu đựng rất nhiều điều, đã bị dân chúng miền Bắc ném đá khi vừa xuống một sân ga nào đó, làn sóng người phẫn nộ đó tràn lên và dùng gậy gộc để đánh đập tụi anh, tụi con nít thì ném đá mà chúng đã chuẩn bị sẵn. Tụi anh có ngưởi đã vỡ đầu, gãy tay gãy răng. Nhưng còn sống được cho đến nay đã là có phúc lắm rồi. Em không thể nào hình dung nổi những năm tù tội mà anh đã sống như thế nào đâu ! Điều cay đắng nhất, chua chát nhất mà cũng buồn cười nhất là hàng đêm lũ tù như anh phải tập họp nhau lại ngồi học chính trị, được thuyết giảng từ những anh ngu ngốc cực kỳ mà kiến thức không bằng cái lá mít. Cả họ và cả dân chúng miền Bắc đều tin rằng ở miền Nam cực kỳ đói khổ và điều mà họ đã làm được, đã “ giải phóng “ được miền Nam là một chiến công thần thánh. Nhưng thôi, sẽ rất vô ích khi nói về việc đó khi cả thế giới đều đã quá hiểu về Mác Xít.
Những năm tù tội đó anh nằm chung với một anh lớn tuổi hơn tên là Sơn, trước là Thiếu Tá trong một đơn vị tác chiến lừng lẫy. Vợ anh ta đã bỏ anh ta ngay từ những ngày đầu tù tội, với lý do là anh ta đã từ chối không chịu bỏ đơn vị để di tản ra nước ngoài vào những ngày cuối tháng 4/75 dù anh ta và các sĩ quan cao cấp khác cùng binh chủng đều được ưu tiên. Cùng vào sinh ra tử với nhau, cùng chia máu với nhau trên chiến trường, làm sao mà bỏ rơi anh em cùng chiến đấu trong lúc nguy nan cho được ? Anh hoàn toàn đồng ý với sự chọn lựa của Thiếu Tá Sơn vì chính anh cũng vậy. Rất nhiều hoàn cảnh như thế em ạ. Có những người thì gia đình quá xa hay quá nghèo khó không thể ra thăm nuôi được, còn số những người vì những lý do khác nhau về tình cảm mà gia đình ly tán cũng rất nhiều. Tụi anh im lặng chịu đựng tất cả. Anh ấy cũng vậy, dù ngoài mặt vẫn tỏ vẻ tươi cười hài hước với anh em bạn tù nhưng trong lòng chất chứa bao nhiêu điều cay đắng.
Riêng với anh, hầu như đêm nào anh cũng gặp ác mộng. Từ ngày biết em đi buôn đường xa kiếm sống nuôi con, anh lại có những giấc mơ về những tai nạn thảm khốc trên đường. Có lúc nằm mơ thấy đang ở nhà với em và con sau ngày hành quân thì Công An vào nhà bắt trói dẫn đi khi mới vừa hôn lên đôi má còn thơm mùi sữa của bé Thủy. Những giấc mơ trộn lẫn vào nhau về em, về con , về cả những ngày chiến trận còn nóng hổi như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
***
Cho đến ngày Mẹ anh lặn lội từ miền Nam ra thăm và cho anh biết rằng đã đem các con về ở với bà. Linh tính anh mơ hồ đã có gì bất thường xảy ra vì em đời nào mà chịu bỏ con như thế? Sau một lúc vặn vẹo thì Mẹ đành nói ra sự thật. Cảm giác anh lúc đó tự dưng thấy người nhẹ hẫng, tựa như người đang đi máy bay bất ngờ tụt xuống một cái lỗ hổng không khí, ruột gan nhộn nhạo trôi đi đâu mất. Trong đời anh, anh chưa từng bao giờ có cảm giác như vậy. Anh cố gắng đùa cho mẹ vui, rằng mai mốt về sẽ cưới cô khác tha hồ cho Mẹ có cháu bồng, rằng vợ con có người khác thì mai mốt về con khỏi phải nuôi v.v và v.v. Nhưng mẹ biết em à, hiểu con có ai bằng Mẹ? Mẹ thừa hiểu lòng anh đau đớn thế nào, suy sụp đến mức thế nào. Những ngày sau đó anh như người mộng du, cũng quần quật với những công việc nặng nhọc hàng ngày, cũng ăn cũng ngủ, cũng đi đứng bình thường nhưng anh chỉ còn là một cái xác. Ban đêm quằn quại trong bóng tối một mình với biết bao nhiêu điều trăn trở. Không, em không thể nào như vậy được. Anh vẫn tin vào tình yêu của chúng ta và sự ràng buộc với những đứa con. Em là một người đàn bà có học và đầy lòng tự trọng, em không thể nào như thế được. Nhưng cũng chỉ vào đêm sau anh lại nghĩ khác. Trên đời này không có gì là không thể xảy ra và dẫu như thế nào em cũng chỉ là một người đàn bà. Trong hoàn cảnh tù tội của anh, anh đã biết có biết bao nhiêu người bị vợ bỏ. Cũng có người cương quyết từ chối gặp lại vợ trong ngày họ được thăm nuôi cũng chỉ vì người vợ đã thay đổi về tình cảm.
Nhưng rồi mọi việc lại được xác quyết khi từ đó em không vào thăm anh nữa. Sâu thẳm trong lòng anh vẫn không tin rằng em đã thay đổi, đã bội bạc với anh trong cái lúc anh nguy nan và đau khổ nhất trong đời. Nhưng không tin làm sao được nữa khi anh được biết em đã bán nhà và theo một người đàn ông khác ra Bắc. Em ạ, lúc đó anh không hề có cảm giác căm giận hay thù ghét. Chỉ thấy lòng mình trống toang hoác và một nỗi chua chát dâng đầy trong anh.
Có lần trong trạng thái vô thức như vậy, khi đi đốn cây như thường lệ trong rừng, anh đã chém một nhát vào chân mình, Vết chém ngọt xớt để lại một vết thương rất sâu và mất rất nhiều máu. Em biết không, lúc nhìn máu mình trào ra từ vết thương sâu hoắm đó anh bỗng phá ra cười nhưng bỗng dưng nước mắt chảy đầm đìa, những giọt nước mắt dồn nén bao nhiêu lâu nay trong tận sâu thẳm lòng mình. Anh không hề có cảm giác đau đớn, cơ hồ bao nhiêu nỗi đau đớn khác ghê gớm hơn trong lòng đã theo dòng nước mắt đang ràn rụa trên mặt hòa vào dòng máu chảy tan ra theo vết thương. Có lẽ nhờ thế mà anh sống được, anh lại hy vọng vào một ngày trở về, được sống với con và bắt đầu lại cuộc đời.
***
Anh đã trở về khi con trai đầu của chúng ta gần mười lăm tuổi. Nó đã kể cho anh nghe về nhiều chuyện, về những nỗi cơ cực của mẹ con em ngày anh tù tội, cả những chuyện về ông B. Anh lờ mờ nghĩ ra một đôi điều mà trước đây chưa từng nghĩ tới. Nhưng còn nghĩ làm gì nữa khi em đã yên ổn trong một mái ấm khác và đã có con riêng? Tất cả mọi việc đều đã lở dỡ, anh không nên tìm hiểu nữa, không cần phải biết thêm nữa. Gia đình của chúng ta tan nát đã đủ rồi, can cớ gì mà lại đem nỗi tan nát đó cho gia đình khác, cái gia đình mà em đang yên ổn trong đó ? Anh đã làm mọi việc để sống và để nuôi con, từng còng lưng đạp xích lô, từng bán vé số, từng đạp xe mỗi ngày hàng chục cây số để đi bỏ báo và vô số những việc nhọc nhằn khác không thể nhớ hết. Anh già hẳn đi nhưng trong lòng vẫn luôn nung nấu một điều: Phải ra đi. Đây không thể là nơi anh sống, càng không thể là nơi các con sống. Chúng nó cần một tương lai và điều đó khẩn thiết vô cùng. Nhưng trong lòng anh lúc nào cũng vẫn day dứt những suy nghĩ về em. Cũng y như những ngày còn tù tội, anh luôn tìm được một lý do nào đó để biện minh cho em dù rằng chính anh, anh cũng không tin nơi lý do đó. Có một đêm sau một ngày vất vả trở về với các con, khi thấy anh ngồi thừ người ra vào giữa đêm, thắng lớn đã nhìn thấy. Lần đầu tiên nó cau có và gắt gỏng với anh:
“ Thôi Bố đi ngủ đi. Bà ấy lấy chồng khác rồi, Bố nghĩ tới làm gì nữa ? “
Anh nhẹ nhàng trả lời với nó:
“ Ừ, Bố sẽ đi ngủ. Nhưng con không nên nói về Mẹ như vậy “
Con vùng vằng bỏ đi ra ngoài. Nó vẫn là một thằng bé ngoan, biết suy nghĩ và có trách nhiệm. Cũng chính điều đó đã thôi thúc anh về ý định ra đi của mình.
Sau đó thì nhờ may mắn, anh gặp lại người bạn tù cũ, anh Sơn mà anh đã nói. Nhờ vào một người chú làm nghề cá, anh S. đã lên kế hoạch và chuẩn bị từng chi tiết trong chuyến đi của mình. Anh S đã thỏa thuận riêng với ông chú sẽ đưa cả ba cha con anh cùng đi với một chi phí nhỏ. Sau đó thì anh lần dò tìm được địa chỉ và tìm đến thăm em lần cuối nhưng đã không thể thuyết phục các con đi cùng.
Khi bước vào nhà vừa nhìn thấy anh thì khuôn mặt em đã tái nhợt đi, tay chân run rẩy. Ngay trong lúc đó anh hiểu ngay rằng, lập tức biết ngay rằng em vẫn thương anh rất nhiều qua cách nhìn và trong cả giọng nói lạc giọng hẳn đi khi trò chuyện cùng anh. Anh đã muốn bỏ hết mọi thứ, kể cả chuyến đi sắp tới. Trái tim anh như tan chảy ra, người bỗng nổi gai ốc và anh đã sắp lao tới để ôm em vào lòng thì con gái em trở về. Hốt nhiên anh nhận ra mọi việc thay đổi hết rồi, chúng ta đã đi khỏi đời nhau quá xa và không còn đường nào để quay trở lại. Có lẽ trong đời chúng ta đã chỉ sai một lần, chỉ sai một ly thôi nhưng bây giờ đã cách xa nhau ngàn dặm. Anh và cả em nữa đều không có quyền, không ai có quyền phá vỡ cái gia đình này, cái gia đình mà em đang sống. Mọi việc xảy ra như một sự định đặt sẵn, một chuyện đã rồi, không thể thêm mà cũng chẳng thể bớt gì được nữa. Hôm đó là ngày cuối cùng chúng ta còn nhìn thấy nhau. Anh đã chúc em bình an, sức khỏe và hạnh phúc. Sâu thẳm trong lòng anh và trong tim anh, anh tha thiết mong như vậy. Mọi chuyện tiếp theo thì em đã biết.
***
Có một điều anh buộc lòng phải cho em biết dù trong hoàn cảnh này không nên nói ra. Anh đã đắn đo nhiều ngày, nhiều đêm và quyết định phải nói cho em biết trước lúc một trong hai chúng ta ra đi. Em ạ, đứa con gái bé bỏng của chúng ta mất đã lâu rồi, mất đúng vào ngày ba cha con lên tàu vượt biển. Anh đã nói dối với chị X -người bạn chung của chúng ta - là bé Thủy đã ra trường và đang làm việc ở Ireland để phòng ngừa việc chị X. về VN đến thăm em và em sẽ biết về điều đau đớn ấy vào lúc rất không nên này.
Đêm ba cha con ra đi là một đêm tối trời ở Minh Hải. Chiếc ghe nhỏ tập trung một lúc rất đông người để chuyển ra chiếc tàu lớn đậu khá xa bờ trong một đêm trời xấu tối đen như mực. Tất cả đều đã thỏa thuận với nhau rằng khi ra tàu lớn, người trên tàu sẽ chuyền xuống một tấm ván dài và mọi người sẽ lần lượt trèo lên trong tuyệt đối yên lặng vì lý do an ninh. Gia đình nào tập trung theo gia đình đó, cố tránh đừng để bị lạc nhau. Nhưng rồi lúc ra được tàu lớn trong đêm tối đen đó, khi bắt đầu bò lên tấm ván dài được thả xuống thì mọi người đã bắt đầu chen chúc nhau để được lên tàu khi trên bờ xa đã xuất hiện những ánh đèn pin của đám Công An đi tuần. Mọi người hốt hoảng tranh nhau bò lên và trước mắt anh, lờ mờ trong bóng tối anh nhìn thấy bé Thủy của chúng ta đã được đẩy lên tấm ván trong khi con tàu và cả chiếc ghe dập dềnh trên những con sóng lớn. Như đã định, lên được tàu lớn rồi là có người nắm tay hướng dẫn chui hết vào khoang, ai cứ ở yên chỗ đó để tránh tiếng ồn và tuyệt đối yên lặng. Khi đã hết người, chiếc tảu thả trôi tự do ra biển một lúc rồi mới dám nổ máy ra khơi.
Đêm đó ba cha con đã lạc nhau em ạ, lòng anh như lửa đốt vì chưa tìm thấy các con đâu trong cái hầm tàu tối đen như mực. Như nhiều người khác, anh cũng bị say sóng, cũng nôn thốc tháo và kiệt sức. Vào sáng hôm sau, khi chắc chắn sẽ không bị bắt lại mọi người đã nhốn nháo hẳn lên để tìm người thân của mình. Thế nhưng rồi…anh chỉ tìm được thằng con lớn của chúng ta. Anh đã hốt hoảng cùng nó bổ đi tìm bé Thủy, kể cả trên boong tàu dù biết chắc không có nó ở đó. Lờ mờ trong bóng tối của đêm trước anh đã nhìn thấy nó bò lên tấm ván kia mà ? Em ạ, đứa con gái bé bỏng tội nghiệp của chúng ta có lẽ đã rơi xuống biển mất rồi, khi nó bò lên và run rẩy cố gắng bám lấy tấm ván khi con tàu đang dập dềnh lắc lư trên sóng. Đứa con gái của chúng ta đã vĩnh viễn nằm lại đâu đó trong lòng biển sâu.Tội nghiệp cho con quá con ơi, Bố đã bỏ con lại một mình dưới lòng biển lạnh giá, mãi mãi một mình, không Cha Mẹ, không một người thân, thậm chí chỉ một manh chiếu nhỏ nhoi để đắp cho con đỡ lạnh còn không có. Cũng không một nén nhang kể từ ngày con ra đi cho đến tận bây giờ. Dù Bố Mẹ có yêu thương con đến đâu chăng nữa thì cũng vĩnh viễn chẳng bao giờ nhìn thấy con được nữa. Có lẽ con đã kêu lên một tiếng kinh hoàng gọi Bố khi rơi xuống dòng nước cuồn cuộn bên dưới nhưng Bố đã không thể nào nghe được và con ra đi, một mình, không hề ai biết, không một người cứu giúp.
Em ạ, anh vô vàn xin lỗi em về việc này, anh đã làm hết những điều có thể nhưng đã không giữ được con của chúng ta. Anh nhớ lúc con còn rất nhỏ, khi anh từ chiến trường trở về, đứa con gái bé bỏng của mình cứ bám chặt lấy anh sợ anh lại đi mất. Khi con ngủ nó cũng bắt anh nằm bên cạnh rồi thỏ thẻ dặn anh đừng đi nữa. Những ngày hạnh phúc ngắn ngủi ấy trôi qua khi anh tù tội, các con đói khổ thiếu thốn triền miên không người chăm sóc. Em cũng phải vật vã kiếm sống, các con cô đơn không Cha không Mẹ trong một thời gian rất dài. Lúc không tìm thấy con anh như người điên, đã muốn nhảy luôn xuống biển cho xong đời. Nhưng rồi thằng con lớn thì sao đây? Anh vẫn phải sống, em ạ, phải nghiến chặt răng, phải nuốt nước mắt vào trong lòng mà sống. Anh đã không giữ được con của mình nhưng Trời ơi, làm sao mà giữ được ?
***
Anh nghĩ không cần kể lại với em về những ngày trong trại tỵ nạn vì không cần thiết nhưng không lâu sau đó, do nhân thân là sĩ quan của VNCH nên anh và con đã được định cư ở Mỹ. Dù trong lòng đau đớn vô cùng khi nghĩ về đứa con gái đã mất nhưng trước mắt anh vẫn phải làm việc để lo cho thằng con lớn. Nhiều năm, nhiều việc làm khác nhau, cơ cực đã nhiều, đau khổ cũng lắm nhưng tất cả đều đã qua đi. Như em đã biết qua lời chị X, anh không có thêm người đàn bà nào khác trong đời. Anh đã không còn nhu cầu về tình cảm nữa vì thấy lòng mình lạnh lẽo, sự có mặt của một người đàn bà trong đời không còn cần thiết nữa. Anh cũng không thể giải thích với chính mình trong việc này. Vì anh còn yêu và còn thương nhớ em chăng? Câu hỏi đặt ra cho mình anh vẫn không giải đáp được. Có và không. Vì tình yêu dẫu còn rất ít nhưng sự cảm thông và lo lắng cho em thì nhiều. Liệu rồi cái kiểu sống chung không tình yêu, không hôn thú giữa em và ông B. sẽ kéo dài được bao lâu? Anh hiểu em nhiều lắm, em có thể đập đổ tất cả trong một cuộc sống “ tình cảm “ bấp bênh như vậy. Nhưng rồi điều lo lắng ấy phải quên đi, quên hẳn đi để sống vì anh có nhiều việc phải làm: phải làm sao nuôi cho con lên đến Đại Học thì lúc ấy nó mới có thể phần nào tự lo cho nó.
Em ạ, con gái mình đã mất rồi. Điều đau đớn nhất cho anh là không biết con đã rơi xuống biển trong cái đêm mịt mù ấy vào lúc nào và đã không thể làm gì để cứu được con mình. Rất nhiều đêm, anh ngồi nghĩ đến con và rớt nước mắt khi nghĩ rằng con chết một mình, tuyệt vọng và lạnh lẽo giữa vùng biển sâu. Trong phòng anh lập một bàn thờ nhỏ cho con, treo một tấm hình con hồi nó mới năm tuổi. Ngày nào anh cũng ra vườn tìm hái những bông hoa đẹp nhất cắm vào trong chiệc lọ nhỏ trên bàn thờ nó. Trong phòng này, nhiều năm rồi chỉ có anh và nó. Thằng lớn của mình đã xong đại học, đã có gia đình, một cô gái tóc vàng ngoan đạo gốc Ireland và đã có hai con một trai một gái. Chúng nó thương nhau thì lấy nhau, chuyện khác nhau về chủng tộc đâu có gì quan trọng?
Bảy mươi tuổi, lòng anh dịu lại. Đau khổ đã nhiều, cơ cực đã nhiều, mất mát đã nhiều. Chất chứa gì thêm cho nặng lòng? Điều mong muốn cuối đời là được gặp em lần cuối cùng, chứng bệnh tim của anh mỗi ngày một nặng, có thể ra đi bất cứ lúc nào và hiện nay qua lá thư của em, anh được biết rằng sức khỏe em cũng không khá gì hơn. Vuốt mắt cho nhau trong ngày cuối cùng e là điều không thể, dù điều đó vô cùng giản dị với những đôi vợ chồng. Cái nghi thức thiêng liêng và trọn tình trọn nghĩa đó có lẽ chúng ta không làm cho nhau được nữa rồi. Nhưng cái điều ray rứt nhất, dai dẳng nhất với anh trong việc em bỏ cha con anh thì anh đã hiểu phần nào qua lá thư của em. Thôi thì chúng ta chấp nhận nó như một sự việc chẳng đặng đừng, trong đời người có được mấy ai hoàn toàn hài lòng về cuộc sống. Bằng tất cả lòng mình, anh tha thiết mong mỏi em tìm được sự an bình trong đời. Cho anh gửi lời thăm chồng em và cháu bé.
T.
***
…Cư dân của một cái xóm nhỏ lao động ờ một nơi cách xa Saigon hơn hai mươi cây số, gần một nghĩa trang bé tí có một hôm đã thấy một việc không mấy bình thường. Một chiếc xe hơi đậu lại bên ngoài nghĩa trang và bốn người bước xuống. Trong số đó có hai ông già, một người đội nón cối nói giọng Bắc, quần áo bèo nhèo ra dáng một người lao động. Ông già kia trông phương phi, có lẽ là một người Việt từ nước ngoài trở về, trên túi áo đeo một mẫu vải màu đen nhỏ theo kiểu những người đang có tang. Hai người kia trẻ hơn, người đàn ông có khuôn mặt trông rất giống ông Việt kiều già tóc bạc và một người đàn bà tóc vàng người ngoại quốc. Họ cùng đến thăm hai ngôi mộ, trên tấm bia của ngôi mộ lớn có cẩn hình một người đàn bà đã lớn tuổi, trên mộ cỏ chỉ mới nhú xanh như vừa được an táng chưa lâu. Ngôi mộ kia thấp hơn, trông như một cái mô đất nhỏ - có lẽ chỉ là một ngôi mộ gió - nằm sát bên, phía trên cũng có một tấm bia cẩn hình chụp một đứa bé gải chừng năm bảy tuổi.
...Cả hai ông già tóc bạc thay phiên nhau đến thắp nhang cho từng ngôi mộ và đứng ở đó thầm thì rất lâu. Sau đó đến lượt người đàn ông trẻ tuổi đi cùng cô ngoại quốc tóc vàng đến đặt những bó hoa lớn và thắp nhang cho cả hai ngôi mộ. Người đàn ông trẻ đã đến bên ngôi mộ lớn, thắp nhang xong anh ta vẫn đứng đó và cũng thì thầm rất lâu với người đã mất. Chắc anh ta đã khóc vì khi quay lại cùng cô tóc vàng, đôi mắt anh đỏ hoe như vừa mới lau khô những giọt nước mắt. Họ ra xe trước để hai ông già, một Nam một Bắc đứng lại với nhau. Ông già miền Nam lưỡng lự một chút rồi nói gì đó với ông đội nón cối nói giọng Bắc và đưa cho ông ta một chiếc phong bì. Ông đội nón cối lắc đầu và hình như là qua thái độ của ông, ông cương quyết không nhận. Họ chào nhau và ông già Việt Kiều bước về phía chiếc xe đang đợi. Đi được mươi bước ông Việt Kiều đột nhiên quay trở lại. Ông vỗ vai ông đội nón cối và hai ông già đã bắt tay nhau, một cái bắt tay ấm áp và chân tình.
Như cái bắt tay giữa hai người bạn.
Nhukhong
No comments:
Post a Comment