Tháng Tư, Tết Thái
Sau ba tuần ở trại nhỏ Tha Luông miền Nam nước Thái, nhóm tàu chúng tôi được chính thức nhập trại Panatnikhom vào giữa tháng 1 năm 1990. Cuộc sống dần trở nên quen thuộc nơi trại tỵ nạn, mỗi ngày trôi qua như mọi ngày. Sáng sớm 7 giờ Quốc Ca Thái vang lên, sau đó một ngày mới bắt đầu, chợ búa trường học, văn phòng Cộng Đồng cũng như các văn phòng thiện nguyện như Cao Ủy, Bưu Điện rộn ràng kẻ qua người lại, cứ thế đến 6 giờ chiều, Quốc Ca Thái lại vang lên, đồng nghĩa đến giờ “hoàng hôn”, mọi người lo cơm nước, tắm rửa, nghỉ ngơi để có sức cho ngày mai, lại như mọi ngày, chờ đợi mỏi mòn trong trại cấm.
Bữa sáng hôm đó, còn mắt nhắm mắt mở sau bài Quốc Ca, tôi bước ra cửa nhà chuẩn bị đánh răng thì bị một nhóm thanh niên trong lô tạt cả thau nước lạnh khắp người tôi làm tôi giật mình trong khi họ cười thích chí. Tôi nổi quạu:
– Tự dưng mấy người tạt nước vào người tui, là sao?
– Ối, chị mới nhập trại nên chưa biết đó thôi, tuần này là Tết!
– Tết nữa hả? Mới Tết hồi cuối Tháng Một đây mà?
– Không phải Tết Việt, mà là Tết Thái.
– Ừa, mà mắc mớ gì tạt nước?
– Trời! Đó là phong tục của người ta, nhập gia tùy tục, chị nên chuẩn bị tình thần bị ướt mấy ngày sắp tới, vì theo niềm tin của người Thái, ngày đầu năm càng bị tạt nước nhiều càng gặp may mắn suốt cả năm.
Đó là câu chuyện Tết Thái của năm tỵ nạn đầu tiên còn nhiều ngơ ngác, chớ ba năm tiếp theo sau đó, tôi không những quen với chuyện “ướt át đầu năm”, mà còn có thêm những người bạn Thái, cùng họ vui Tết, ăn uống, tặng quà, nhảy múa thật vui. Trong nhóm nhân viên người Thái làm Cao Ủy và Văn Phòng điền Form của Bộ Nội Vụ Thái mà nhóm thiện nguyện Cao Ủy và Bưu Điện người Việt Nam tỵ nạn chúng tôi quen biết qua lại, tôi thân nhất với Tha Nu, một chàng trai Thái bằng tuổi tôi, da ngăm đen, rất vui vẻ và có duyên. Tha Nu thân thiện hòa đồng với các đồng nghiệp xung quanh dù là người Thái hay người Việt., Lào, Cambodia tỵ nạn nên dễ dàng ăn hết các thức ăn lạ của món Việt Nam, món Lào, món Cambodia mỗi lần có tiệc pot luck và dĩ nhiên Tha Nu cũng mang món ăn Thái giới thiệu với chúng tôi.
Về ngày Tết Thái, Tha Nu giải thích cặn kẽ lịch Tết theo Phật Lịch của Thái và thường rơi vào ngày 13 cho đến ngày 15 tháng 4 dương lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn nhất của Thái, mang tên Songkran, với rất nhiều phong tục được lưu truyền từ bao thế hệ xa xưa. Người ta chuẩn bị dọn dẹp cửa nhà cả tháng trước đó cho sạch sẽ, rực rỡ. Gần đến ngày hội Songkran thì chuẩn bị nấu nướng các món ăn truyền thống để đón khách, gia đình sum vầy và mang lên Chùa cúng cho các sư sãi.
Trước mùa Tết Thái năm ấy một tuần, tôi và vài người trong nhóm bưu điện có danh sách chuyển về trại Sikiew chờ thanh lọc. Chúng tôi chuẩn bị tiệc chia tay kết hợp với mừng Tết Thái và Tết Cambodia cũng rơi vào sát thời điểm ấy, ôi chao là vui. Phong tục của Cambodia hơi khác, thay vì tạt nước thì họ thích bôi phấn thơm cho nhau, lại một phen tưng bừng náo loạn cả văn phòng thiện nguyện. Sáng hôm sau, là ngày đến Chùa theo nhóm bạn Cambodia dâng thức ăn hoa quả cho các sư sãi, một tập tục đáng yêu của xứ này. Từng gia đình thành kính, bưng những thố chạm trổ bằng bạc hoặc bằng vàng, xếp hàng theo thứ tự tiến vào Chùa, đặt thức ăn theo hàng dọc ngay trước chánh điện. Sau giờ lễ tụng kinh, mọi người cùng các sư ngồi với nhau, ăn uống nói chuyện rôm rả.
Hôm sau nữa là buổi potluck Tết Thái và tiệc chia tay, các món ăn bốn miền (Laos– Thai– Viet– Cambodia) rất ngon làm lưu luyến kẻ ở người đi. Món Lào, tôi thích cơm nếp nấu trong thúng tre hình phễu, còn nóng hổi, bày ra ăn với món xào đặc trưng của Lào, là một số nội tang heo, bò, gà băm nhỏ xào cay xè với xả và các món gia vị khác. Món Thái, ngoài Pad Thai khoái khẩu, tôi còn thích món miến xào thịt và bắp cải xắt nhỏ, bọc bên ngoài lớp trứng tráng dòn đậm đà hương vị ăn với nước tương cay nóng. Món Cambodia tôi không hạp với mắm bò hóc nhưng bánh chuối nướng của họ béo bùi làm món tráng miệng thơm ngon. Món Việt Nam dĩ nhiên là chả giò luôn luôn được chiếu cố tận tình. Cuối buổi tiệc, mọi người theo phong tục Thái, cột cho nhau những sợi dây nhiều màu sắc nơi cổ tay, chúc nhau nhiều may mắn, và nhắc nhớ nhau đừng “xa mặt cách lòng”.
Trên đường ra xe ngoài cổng trại để trở về nhà ngoài thị trấn (vì sau đó là Tết Thái các văn phòng được nghỉ lễ), Tha Nu trao cho tôi một gói nhỏ:
– Bạn mở ra đi! Quà may mắn đấy, chúc bạn đậu thanh lọc và mau quay về đây nhé.
Tôi hồi hộp mở giỏ quà, ngạc nhiên không nói nên lời, Tha Nu liền hỏi:
– Bạn không thích quà này sao?
– Trời ơi! Phải nói là rất, rất thích, vì đây là ký ức tuổi thơ, xa xôi lắm rồi, mẹ tôi thường hay mua thưởng cho tôi mỗi khi tôi học giỏi. Nhưng sau năm 1975, đất nước bị đổi chủ, hầu như tôi không còn thấy món ăn vặt tuyệt vời này nữa.
– Thế à, tôi thật hạnh phúc khi thấy bạn vui vì món quà gợi nhớ kỷ niệm này.
Tôi nâng niu gói quà, đó là những hình thù đủ màu sắc rực rỡ bóng loáng, hình dạng các loại trái cây như xoài, măng cụt, nho, táo ... nhỏ nhắn cỡ ngón tay, nhưng làm bằng đậu xanh nấu chín, thật đẹp mắt và khi ăn cũng rất thơm ngon.
Đó là một trong rất nhiều kỷ niệm trong quãng thời gian bốn năm ở trại tỵ nạn. Với nhiều thuyền nhân, bộ nhân ở trại Thailand, nạn hải tặc hoành hành vẫn là nỗi ám ảnh tang thương, nổi tiếng với Đảo Ko Kra (còn gọi là Đảo Hải Tặc), hoặc những trại nhỏ như Long Giai, Khao I Dang có những tên lính Thái khi lên cơn say đã hành hạ đánh đập những người tỵ nạn Việt Nam không tiếc thương. Nhưng bên cạnh đó, nhiều hơn, là những người Thái chân tình, tử tế, giúp đỡ những người Việt trên con đường tỵ nạn lưu vong.
Tôi chẳng thể nào quên đêm giá rét cập bờ biển tỉnh Chad của Thái, vợ chồng người ngư dân xứ Thái đón tiếp chúng tôi bằng nụ cười ấm áp, liên tục nhắc đi nhắc lại: “Thailand, Thailand” cho chúng tôi an lòng vì chúng tôi lo sợ tàu đi lạc về Cambodia. Rồi những ngày ở tạm trong khu trại gia binh Cảnh Sát Thái, những người phụ nữ vợ các cảnh sát mở cửa nhà cho chúng tôi vào xem ti vi mỗi ngày (dù chúng tôi chẳng hiểu tiếng Thái), có người còn rộng lượng cho cả thùng mì gói MaMa khi biết chúng tôi đêm khuya đói bụng. Và nhất là những người bạn, người ân nhân Thái mà tôi gặp gỡ trong trại tỵ nạn như chàng Tha Nu mà tôi vừa kể, mà mỗi mùa Tết Thái trở về, tôi bỗng nhớ đến họ và quãng thời gian ấy đến nao lòng.
Tôi xin kết thúc bài viết này bằng một kỷ niệm khác nữa, nơi mảnh đất tạm dung Thailand thuở nào:
GỬI NGƯỜI Ở BANGKOK
Lá thư được gửi đi từ Bangkok
Nét chữ nghiêng nghiêng tôi chẳng hề quen
Tôi đã nhận ra anh bởi họ tên
Nơi góc phong bì màu xanh thân ái
Anh là luật sư Bộ Nội Vụ Thái
Đến trại Sikiew phỏng vấn thuyền nhân
Có tên thanh lọc một ngày đầu xuân
Tôi đến đó trong âu lo, bỡ ngỡ
Nhưng nụ cười anh làm tôi hết sợ
Khi hỏi thăm về đất nước Việt Nam
Rồi hỏi tôi: “Có muốn ở Thailand
Nếu chẳng may cô không đậu thanh lọc?”
Anh cũng hỏi về những ngày tỵ nạn
Những chuyện buồn vui nơi trại tạm dung
Tôi nhìn anh, tâm sự hết nỗi lòng
Của chuyến vượt biển chập chùng sóng gió
Anh ân cần hỏi thêm nhiều chuyện nữa
Quá khứ qua, hay mộng ước tương lai
Đời tỵ nạn buồn chẳng biết ngày mai
Anh hiểu lắm, cũng tâm hồn trẻ tuổi
Cuộc phỏng vấn đã xong sau ba buổi
Anh tiễn tôi ra tận cổng hàng rào
Tôi trở về khu trại dưới nắng chiều
Mang theo ánh mắt hiền hoà, lưu luyến
Một năm đợi chờ niềm vui đã đến:
Đậu thanh lọc rồi, tôi ngỡ như mơ
Ngày tôi lên đường đi nước thư ba
Lá thư anh, thay cho lời tạm biệt
Cám ơn anh, cám ơn một người bạn
Dù mới quen và chỉ gặp một lần
Đường ra phi trường xao xuyến, bâng khuâng
Chiều Bangkok bỗng vấn vương, gần gũi
Rồi hôm nay Tết Thái về “nơi ấy”
Kỷ niệm hiện về quá đỗi thân thương
Anh có còn ở Bangkok hay không?
Mong anh được bình yên và hạnh phúc
Thời gian qua nổi trôi theo cuộc sống
Đã lâu rồi tôi chẳng biết tin anh
Lá thư xưa nét chữ đã thành quen
Và Bangkok của anh tôi nhớ mãi!
– Kim Loan
(Edmonton, Tháng Tư/ 2023)
No comments:
Post a Comment