Y sĩ và xác chết
Đời của một người y sĩ luôn luôn bắt đầu bằng một xác chết. Các bác sĩ thuộc Trường Y Khoa Đại Học Sài Gòn trong khoảng từ 1954 đến cuối thập niên 60’s, được học cơ thể học, bằng cách tập mổ xẻ trên những xác chết đã được ngâm formol, tại cơ thể học viện đường Trần Hoàng Quân. Phòng học có một số bàn đá. Trên mỗi bàn đã được đặt một xác chết. Trung bình năm hay sáu sinh viên y khoa sẽ ngồi quanh một chiếc bàn tập mổ, rồi đối chiếu với những hình đã được nhìn trong sách hay đã nghe qua lời giảng dậy của giáo sư. Chương trình sáu năm học tại trường y khoa, chỉ có một mục đích duy nhất, là làm sao giữ cho một người sống không trở thành một xác chết. Điều này khó có thể kéo dài trên một trăm năm. Tức là không thể nào trái với luật thiên nhiên được.
Như vậy, nói cho thật đúng người y sĩ cố hết sức để trì hoãn càng lâu càng tốt hiện tượng một người đang sống trở thành một tử thi. Công việc này, rất nhiều trường hợp phải cần đến nhiều người cùng một lúc. Có thể là từ một đến vài y sĩ cùng với sự trợ giúp của một số người khác như y tá. Cả nhóm này khi thì khâu vá một vết thương, khi thì phải cắt đi một phần cơ thể đã hỏng. Công việc có thể từ vài phút cho tới vài giờ, nửa ngày hay cả ngày. Có khi toán này kiệt lực, toán khác vào tiếp sức. Những công việc này luôn luôn được kể là nhân đạo. Giới y sĩ và y tá, săn sóc từng phần nhỏ nhất trên cơ thể một người, nếu không làm cho khỏi được, thì ít nhất cũng làm giảm được nỗi đau đớn tại ngay nơi đó, và do đó khiến con người bị bệnh hoặc bị chấn thương không còn bị hành hạ nữa. Họ có thể tìm thấy lại được giấc ngủ. Cơ thể phục hồi dần dần.
Còn một loại người khác, chủ trương làm đau hay hành hạ con người, hay sát hại được càng nhiều càng tốt, đó là những kẻ xâm lăng. Để đạt mục đích này, bất cứ ai vốn sống trên phần đất mà chúng định chiếm, đều có thể là mục tiêu sẽ bị làm cho đau đớn hay sát hại của bọn chúng. Hơn 5000 người bị Việt cộng giết rồi chôn trong những mồ tập thể tại Huế vào dịp tết MậuThân 1968 là một thí dụ. Họ chỉ là những thường dân cư trú tại cố đô và vùng lân cận. Chẳng có vũ khí gì trong tay.
Khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa giải tỏa được Huế, những người có thân nhân đã bị Việt Cộng bắt rồi dẫn đi mất tích, nay đổ xô đi tìm, và khai quật được những mồ chôn tập thể. Nhiều người được tìm thấy nhưng đã trở thành tử thi. Họ gồm đủ mọi lứa tuổi. Từ trẻ sơ sinh cho tới người già, những thiếu phụ còn trẻ hay đang mang bầu. Và cả các thanh, thiếu niên nam, nữ nữa.
Sau khi ra trường, mỗi y sĩ sẽ gặp những hoàn cảnh khác nhau. Số tử thi họ gặp, trong cùng một lúc có thể là một người, vài chục người hay vài trăm người. Tình trạng của những xác chết cũng khác nhau. Có thể là chết toàn thây. Có khi chỉ cỏn vài mảnh của thân thể. Cũng có thể là xác chết còn tươi. Và cũng nhiều trường hợp đã bị phân hóa, bốc mùi hôi thối. Các tình trạng khác nhau này, tùy thuộc vào bọn cộng sản Bắc Việt xâm lăng, vào vũ khí chúng xử dụng khi tấn công. Và vào thời gian chúng chiếm đóng tại một nơi (thí dụ như 26 ngày tại Huế), hay vây hãm một vùng (94 ngày ở Bình Long- An Lộc).
Xin mời đọc những phần trích dưới đây mà một số quân y sĩ, trừ bị hay hiện dịch, đã trải qua và viết lại.
1- Bác sĩ Nguyễn văn Quý, năm 1972 là Y sĩ giải phẫu bệnh viện tiểu khu Bình Long. Nơi đây bị quân cộng sản Bắc Việt tấn công và vây hãm 94 ngày. Bác sĩ Quý đã kể:
…Khoảng 5 giờ chiều, Bác sĩ Nam Hùng ở phòng cấp cứu, xuống cho tôi hay, có 5 người bị thương bụng cần mổ gấp. Tôi nghe vậy mệt xỉu luôn. Dù ở trong thời bình với đầy đủ phương tiện, tôi có làm suốt đêm đến sáng, chưa chắc một mình tôi có thể giải quyết xong số thương binh đó. Huống chi, trong tình trạng hiện nay, với số nhân viên cố định, đã làm việc suốt ngày không nghỉ. Tôi nghĩ không tài nào làm hết nổi. Không biết trận chiến còn kéo dài đến bao giờ. Tôi phải giữ sức khỏe cho nhân viên và cho tôi để có thể tiếp tục làm việc trong những ngày sắp tới. Nếu phung phí sức khỏe làm việc trong một ngày để rồi sau đó kiệt sức nằm bẹp một chỗ thì thật là người bất trí. Lại còn vấn đề cá nhân nữa, không ai lo cơm nước cho chúng tôi. Chúng tôi phải tự túc lấy.
Sau vài ca mổ trong giờ xả hơi tôi tạt qua phòng nhắp vội một hai nắp bi đông nước cho đỡ khát, ăn vội mấy thìa cơm sấy với thịt hộp cho qua cơn đói. Các nhân viên phòng mổ chắc cũng được bạn bè giúp đỡ nên họ cũng chưa đến nỗi kiệt sức lắm. Tuy nhiên trong tình trạng hiện tại, không điện nước, không đèn đuốc thì dù có tinh thần cao cách mấy cũng không thể nào làm được.
Lại thêm Việt Cộng vẫn tiếp tục pháo kích suốt ngày. Đạn pháo rơi bên trường trung học trước bệnh viện, bên bộ tư lệnh sư đoàn 5, bên ty Công Chánh sau bệnh viện rồi rơi vào ngay cả bệnh viện khiến chúng tôi đứng mổ không yên. Mọi người đều cố làm thật nhanh để còn đi tìm chỗ núp. Những vội vã trong lòng không biểu lộ ra nét mặt. Ai nấy đều có vẻ ngoài điềm tĩnh để làm việc. Có thể nói sợ quá hóa lỳ. Vì thực ra đâu còn cách nào khác. Tuy nhiên mỗi lần nghe tiếng rít của đạn bay qua đầu hay tiếng hú của hỏa tiễn thì những dấu hiệu kinh sợ mới thấy hiện ra trong ánh mắt mệt mỏi của mọi người. Riêng tôi, mỗi lần như vậy thì cảm giác sợ hãi làm co thắt các bắp thịt đến buốt nhói ở tim. Khi nghe thấy trái đạn nổ rồi, thấy mình không hề hấn gì mới yên lòng làm việc tiếp.
Càng ngày Việt Cộng càng pháo nhiều, tinh thần mọi người ở đây thật căng thẳng. Sống tính từng giờ, chết không biết lúc nào. Chúng tôi như những con chim đã bị tên, thấy cây cong là sợ: Một tiếng xiết chân, một tiếng chép miệng, một tiếng thắng xe, tiếng xao động của mái tôn cũng làm cho chúng tôi giựt thót mình. Bao giờ tôi cũng có cảm tưởng là có một trái đạn treo trên đầu mình sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào.
Tôi nhận thấy không tài nào làm hết những vết thương bụng đó được. Tôi chọn xem người nào nhẹ nhất tôi làm trước. Những người nặng và những người mất máu nhiều không có hy vọng sống sót sau khi mổ, tôi chỉ cho truyền nước pha với trụ sinh rồi giao cho số mệnh. Trong số những người bị thương bụng không mổ, chỉ có hai người sống sót, một cô gái và một người lính cao lớn tên Ba. Tiếc thay anh Ba sống được hai tuần thì một đêm kia, phòng hậu giải phẫu bị trúng một trái 61 ly. Người đàn bà nằm ngay chỗ trái đạn nổ cùng với đứa con không việc gì, trái lại anh Ba bị một mảnh nơi cẳng chân trái. Một tuần sau anh chết vì bị phong đòn gánh.
Trong ánh sáng lờ mờ của buổi chiều, trong không khí ngột ngạt oi bức tanh mùi máu của phòng mổ, tôi, Thiện, Xòm cố sức làm việc. Tôi cố khâu những vết thủng ruột non. Tôi thấy khó thở quá, mồ hôi chảy ròng ròng trong thân làm tôi thấy ngứa ngáy khó chịu. Thỉnh thoảng tôi phải nghiêng đầu dơ vai lên quẹt mồ hôi ở mặt từ trán chảy xuống. Bây giờ không còn như mấy ngày trước nữa mà mong có người đứng bên lau mồ hôi cho mình. Trong hoàn cảnh khó khăn tôi đã hình thành một triết lý sinh tồn là cứ hết sức chú ý vào công việc mình làm, không cần để ý tới thời gian và những phiền toái chung quanh. Bởi vậy cuộc mổ chiều hôm đó tuy cực nhọc khó khăn rốt cuộc rồi cũng xong. Tôi mệt lả người. Trong lúc Thiện, Xòm đẩy bệnh ra phòng hậu giải phẫu, tôi bước ra ngoài cho dễ chịu một chút. Tôi không dám hít mạnh vì không khí bệnh viện hiện giờ chẳng trong lành, thơm tho gì.
Cho tới nay gần 300 xác người nằm sấp lớp dưới nhà xe và sân sau của bệnh viện. Những xác chết đó có từ ngày đầu cuộc chiến, đến này đã gần mười ngày mà chưa được đem đi chôn. Buổi chiều mùa hạ nóng bức cùng với mùi tử khí của những xác người đã bắt đầu trương phình làm cho không khí đặc quánh, thật khó thở. Bệnh viện có một nhà xác chứa được hai xác. Khi tôi tới làm việc ở tỉnh này được chừng ba tháng, thì dự án nới rộng nhà xác của tỉnh được thông qua và bắt đầu. Một ông thượng sĩ an ninh của tỉnh thì thầm với tôi:
- Bác sĩ đừng chê tôi dị đoan, nới rộng nhà xác là điều tối kỵ, vì chắc chắn sẽ có nhiều người chết lắm. Để rồi bác sĩ coi tôi nói có đúng không. Trước tôi làm ở tỉnh Chương Thiện cũng vậy. Chỉ sau vài tháng nới rộng nhà xác là vô số người chết tới.
Lúc đó tôi gật đầu cho ông ta vừa lòng, nhưng trong bụng bán tin bán nghi. Nay thì thấy ông thượng sĩ già này có lý. Thoạt đầu những người tử nạn đều được tẩm liệm vô hòm đàng hoàng, có cả quốc kỳ phủ quan tài cùng hương đèn đốt cháy suốt ngày đêm. Trung đội chung sự không đem đi chôn được vì pháo kích và khu nghĩa địa không được an ninh vì ở xa, ngoài vùng kiểm soát của quân mình, nên xác chết cứ để lại tại bệnh viện. Khuya, sau khi mổ xong, đi xuống phòng ngủ, tôi không dám nhìn ra phía nhà quàn với hàng quan tài có những ánh nến leo lét cháy. Cứ trông thấy là tôi lạnh người dựng tóc gáy rảo bước cho mau.
Dần dần người chết quá nhiều, bất cứ nơi nào có xác chết là họ thu về đem thảy vào nhà xác bệnh viện. Mới đầu giới hạn ở nhà quàn, sau lan ra nhà xe, tới sân sau, rồi tới ngang hông văn phòng ty Y tế ngay trước trại ngoại khoa. Có xác quấn poncho, có phiếu chứng tử đính kèm, nhiều xác để trần mặc áo giáp, xác nằm sấp, nằm nghiêng, co chân co tay, miệng há hốc, mắt trợn trừng. Có xác nằm bình thản như người ngủ. Có xác trương phình, bụng căng cứng, bóng như bụng ễnh ương, chẩy nước vàng, rữa nát vì để quá lâu, phơi nắng suốt ngày đã biến thành mầu đen sạm như chì. Xác của người lớn, của trẻ con, của quan, của lính, của dân nằm lẫn lộn, xông lên mùi hôi thối suốt nửa tháng trời. Ruồi nhặng bu đầy trên mặt mũi, trên những vũng nước rỉ ra từ những thân thể sắp rữa nát. Để ngăn ngừa ruồi muỗi sinh sản, có người đem rắc bột DDT lên những xác chết. Hành động này về phương diện vệ sinh, trên lý thuyết thì rất đúng. Nhưng đúng ở một nơi nào khác kia, ở một thời điểm nào kia, chứ thật tình tôi vẫn phân vân tự hỏi tại đây nó có tốt không? Trong nhất thời, tôi cho là tai hại quá. Ruồi nhặng bị xua đuổi khỏi chỗ ở của nó liền quay vào tấn công bệnh viện. Khắp chỗ nào cũng có ruồi nhặng. Chúng lì lợm đậu lên đầu lên mặt tôi, lên mặt những thương binh mệt mỏi nằm ngủ quên. Tôi đưa tay vuốt mặt ngửi thấy mùi hôi thối của xác chết kinh tởm đến lợm giọng. Tệ hơn nữa hiện giờ chẳng kiếm được nước đâu mà tắm rửa.
Tôi lấy một cục bông gòn thấm alcool lau qua cho đỡ bẩn. Mùi hăng nồng của alcool quả thực đã làm tôi thấy sạch sẽ hơn, dễ chịu hơn được một chút. Lại nữa mùi DDT trộn với mùi của xác chết sình thối hợp thành một mùi khủng khiếp không tài nào ngửi được. Có những xác ruồi bu đen suốt từ đầu đến chân, tôi trông thấy mà nôn nao trong ruột muốn ói.
(Trích Nhật Ký An Lộc, 86 ngày của một Bác sĩ Giải phẫu tại mặt trận_Bs Nguyễn Văn Quý)
2- Bác sĩ Biệt Động Quân Nguyễn Trung Tín, đã nhớ lại những ngày sống với nhiều tử thi trong năm 1972. (Bài này đã được Bác sĩ Bùi Thế Khải dịch sang Pháp văn, in trong cuốn Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, năm 2000).
…Những ngày ở chiến trường Dục Ðức, bên cạnh những thương bệnh binh, bên cạnh những xác chết, ngoài bên tai nghe tiếng “pháo” của địch quân, còn nghe những lời trăn trối của những thương binh... biết mình sắp chết. Những chiến sĩ còn mạnh khoẻ thì trực diện với quân thù giữa làn tên mũi đạn. Những người đã bị thương thì trực diện với... thần chết cận kề! Muốn giải quyết cuộc chiến nhanh mạnh, muốn nuốt gọn Vùng 1, muốn nuốt gọn Quảng Trị, Ðức Dục, bọn Việt cộng đổi thế đánh. Vì ban ngày bị Không quân xạ kích nên chúng “đánh đêm” bằng cách: khi màn đêm buông xuống, chúng bò vào các đơn vị ta. Nhưng vỏ quýt dày thì gặp móng tay nhọn, các chiến sĩ Trinh Sát của Biệt Ðộng Quân đã cải trang thành bộ đội, cũng nón cối dép râu, cũng AK mã tấu len len vào hàng ngũ chúng. Nhờ vậy mà đập tan âm mưu “đánh đêm” của Cộng quân dù phe ta cũng đã phải hy sinh thật nhiều. Tôi sở dĩ biết được kế hoạch phe ta cải trang thành bộ đội vì khi ở dưới huyệt đạo cấp cứu, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy thương binh CS nhiều quá. Tuy nhiên với ngành y khoa và lòng nhân đạo, chúng tôi không thắc mắc mà chỉ có hơi tiếc về thuốc men, chúng tôi muốn để dành những thuốc men mà trị liệu cho thương binh của mình vì cuộc chiến chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, nguồn tiếp tế lại khó khăn, bởi trực thăng muốn nhào xuống đây không phải là chuyện dễ... Nhưng về sau tôi đã được giải thích về việc cải trang kia. Hơn nữa trước đây trong những lần hành quân chúng tôi cũng nhiều lần cấp cứu cho thương binh CS và được họ cho biết là các đồng chí của họ đã bỏ họ cho rảnh tay... Nghe được những chuyện về tình đồng chí của họ, chúng tôi chỉ mỉm cười. Và cũng không còn ngạc nhiên về việc tại sao trên chiến trường Việt Nam lại có những tài xế xe tăng, xạ thủ bích kích pháo phải chết chung với công cụ chiến tranh này, bằng cách xích chân của họ vào xe, vào súng… Hay những hàng chữ xâm trên mình họ mà tôi đọc được khi chữa trị vết thương: “Sinh Bắc Tử Nam”.
Trong suốt thời gian ở các mặt trận, tôi đã trị thương cho rất nhiều thương bệnh binh CS, có những người là cấp “trưởng”. Vậy mà sau ngày 3O/4/75 họ đã đền ơn cho tôi bằng những năm dài ngồi tù cải tạo. Họ đã bảo là tôi có tội với nhân dân...
Ðang trị thương thì có máy báo là trực thăng sắp đến để tải thương, tôi và các y tá phải có mặt tại bãi đáp. Như thế cũng có nghĩa là có mặt ở bãi mà Việt cộng sắp pháo kích, vì cứ nghe tiếng trực thăng đến là các tay xạ thủ của chúng ở những cao điểm đều sẵn sàng nhả đạn vào trực thăng. Dù họ thừa hiểu rằng trực thăng đáp ở bệnh viện là chỉ với mục đích tải thương, bốc đi những người không còn sức tự vệ, mà trong đó còn có cả đồng đội của họ nữa!
Lần này tải thương vào ban đêm, tôi và các y tá chuẩn bị đem thương binh ra bãi. Những chiếc trực thăng từ trên cao dùng đèn trực xạ để đáp, nhưng những ngọn đèn này cũng là những tấm bia cho xạ thủ cộng quân. Trực thăng vừa đáp, tức thì đủ các loại súng “nã” vào bãi, thế là cả hợp đoàn trực thăng lại phải bốc lên, không kịp vớt được một thương binh nào! Chúng tôi xót thương nhiều cho những người thương tật sắp được cứu, nhưng thần chết lại không cho. Họ và chúng tôi đành phơi mình dưới bãi chờ phép lạ. Hỏa lực địch càng lúc càng gia tăng, biết không còn cách nào hơn là di chuyển tất cả vào huyệt đạo duy nhất chứ nằm đây mà chờ thì có rất nhiều triển vọng ăn đạn. Ðạn nổ 24/24 vào bãi đáp dã chiến duy nhất cho trực thăng.
Một ngày, hai ngày, rồi sáu ngày, trực thăng vẫn không thể đáp được ở cái thung lũng với đầy dẫy lưỡi hái tử thần, lúc nào cũng chờn vờn vươn cao này! Chúng tôi hoàn toàn cảm thông với những hợp đoàn trực thăng, họ không đáp được chúng tôi không hề oán trách, vì đã nhiều lần chứng kiến cảnh trực thăng bị nổ ngay bãi đáp trước khi bốc người, hay bị nổ ngay trên trời với thương binh trên đoạn đường về hậu cứ.
Có lần tôi được dịp nói chuyện với một phi hành đoàn, họ tâm sự rằng: chúng tôi chấp nhận bị bắn vào máy bay, nhưng nếu bị bắn nhẹ và còn bốc được thương binh thì cũng nên. Ðằng này, bị bắn và nổ ngay tại bãi, chẳng những không cứu được anh em mà còn gây nguy hiểm cho họ...
Sau một tuần lễ không bốc được thương binh, hơn 1OO xác chết nằm la liệt ngỗn ngang trong huyệt đạo tử thần đã bắt đầu sình thối. Vật dụng cứu thương đã cạn mà cường độ chiến tranh mỗi phút mỗi gia tăng. Việc cấp cứu và tải thương ở chiến trường khi giao tranh về đêm lại càng khó khăn gấp bội vì không có ánh sáng. Có lúc phải dùng đèn nhưng phải che kín lại, chỉ chừa một lỗ sáng thật nhỏ bằng đầu đũa để rọi thẳng vào vết thương hay đọc tên thuốc, xong là phải tắt liền. Con số 5OO thương binh nằm trong huyệt đạo vừa người sống lẫn người chết, vì chờ đợi quá lâu, vì thiếu thuốc men, vì mất máu, vì nhiễm trùng... nên số người chết lại gia tăng! Cũng tại huyệt đạo tử thần này, những trường hợp đặc biệt, khai thông cổ họng, tôi đã phải dùng bằng ống viết Bic.
Số thương binh qua đời quá nhiều vì không có phương tiện giải phẫu, từng bọc poncho phình to dưới ánh nắng gay gắt và chói chang. Mùi hôi thối đã khó chịu từ những ngày trước, dưới sức nóng thiêu đốt của mặt trời lại càng thêm nồng nặc tanh hôi khiến người đang khoẻ cũng phải ngã bệnh vì suốt tuần lễ hít thở mùi tử khí! Và dĩ nhiên trong suốt thời gian trực thăng không đáp được, tất cả chúng tôi những người sống, những người bệnh đều phải ăn nằm chung với xác chết dưới huyệt đạo của thung lũng chiến trường Ðức Dục. Ðã có nhiều người đang mạnh khoẻ mà bỗng ngã bệnh nên sau đó phải tải xác bằng Chinook vì loại trực thăng này mạnh hơn. Nhưng phải thật chớp nhoáng và thật bất ngờ. Chúng tôi dùng một tấm lưới lớn trãi giữa bãi vào ban đêm rồi lần lượt để xác chết vào lưới và túm lại. Ðợi khi Chinook tới, chỉ có việc móc vào là cất cánh. Nhờ thế mà giải quyết được việc tải xác.
Chẳng biết trong quân sử của thế giới có cuộc chiến nào phải dùng đến loại trực thăng vận tải chuyên câu xe tăng, đại bác, để câu những bọc lưới với hàng trăm xác người hay không chứ ở chiến trường Ðức Dục là thế đó. Có những xác chết không thể bỏ vào poncho được vì khi chết là đang trong thế đứng khom người đào hố cá nhân, không thể nào nhét con người cong mình thành chữ V vào được.
(Trích Sống với xác chết dưới huyệt đạo_Bs Nguyễn Trung Tín)
3- Bác sĩ Tống Viết Minh, tốt nghiệp năm 1972. Ông đã trở thành một Y sĩ Thiết Giáp. Xin mời xem một đoạn văn nói về Huế của Tống Viết Minh, rất thê lương:…
“Huế đã mất cái nét kiều diễm, kiêu sa và thơ mộng được nhắc đến trong văn chương để khoác lên mình một bộ mặt mới. Các con đò vẫn ngược xuôi. Sông Hương vẫn lững lờ trôi. Những cây phượng vẫn trải thảm hoa đỏ rực bên chân cầu Trường Tiền. Con đường Lê Lợi vẫn còn đây. Đồng Khánh, Quốc học vẫn còn đó, thế nhưng Huế thay đổi thật nhiều. Huế đã lột xác để biến thành một thành phố lính, một thành phố quân sự. Đi đâu cũng gặp lính và những gì thuộc về lính. Gần như không thiếu một binh chủng nào, từ Nhảy Dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân, Sư đoàn 1, cho đến Thiết giáp, Pháo binh, Công Binh, Địa phương quân, Không quân, Hải quân, Biệt Kích Nhảy Dù. Người ta có thể thấy đủ mọi loại xe nhà binh, từ những chiếc xe Jeep,xe GMC, xe trọng tải có bàn tiếp hậu còn được gọi là xe lô bồi, cho đến cả các khẩu đại bác, các chiến xa di chuyển trên đường ra chiến trường, hay đang nằm án ngữ ở một vị trí chiến lược nào đó trong thành phố. Dáng dấp yêu kiều của các nữ sĩ trong những chiếc áo dài bay trong gió, lượt là trong con đường Lê Lợi hãy thướt tha trên cầu Tràng Tiền, cầu Bạch Hổ, những cô gái Huế nổi tiếng duyên dáng được nhắc đến qua hai câu thơ:
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế bước đi không đành.
(Ca dao dân gian Việt Nam.) đã biến mất nhường chỗ cho các ông bà cụ già không buồn rời xa cái thành phố này vì đã quá già yếu hay không biết chạy đi đâu để lánh nạn, và nào lính và lính. Có thể nói Huế đã trở thành một thành phố không có bóng dáng đàn bà, ngay cả đội ngũ những cô gái giang hồ sinh sống trên sông Hương, trên những chiếc đò ngược xuôi, họ cũng đã rời xa dòng sông đi lánh nạn ở các thành phố khác Huế đã bước vào mùa mưa. Nhiều hôm trời mưa không dứt kéo dài từ ngày này sang ngày nọ…
…Các chuyến bay bị hủy ảnh hưởng đến không những người sống mà còn cho cả người đã khuất… Các tử sĩ nằm xếp lớp khắc khoải chờ đợi chuyến bay ngày này qua ngày nọ ở sân bay Phú Bài. Vết thương do bom đạn cướp mất đời trai trẻ đã khô từ lâu. Họ đã chảy những giọt máu cuối cùng cho đất Mẹ, nay không có lại một giọt nào nữa để chảy. Thời tiết khắc nghiệt làm cho thân xác họ, sau nhiều ngày chờ đợi nay đã bắt đầu ung rữa. Dầu các cỗ áo quan có bọc kẽm và Mẹ Việt Nam có cố gắng ôm những người con yêu của mình vào lòng để gọi trọn trong Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, vẫn không ngăn được mùi hôi thoát ra từ thân xác những người con yêu. Khi mưa bắt đầu thưa, gió ngừng, bầu trời quang đãng trở lại, vận chuyển bằng đường hàng không đã có thể tái lập. Minh may mắn được phi công trưởng một trong những chuyến bay vận chuyển các quan tài các tử sĩ đồng ý cho quá giang về Sài Gòn.
Chuyến bay trên chiếc C119 cũ kỹ và già nua từ thời Thế chiến thứ II còn sót lại, với hình dáng ngộ nghĩnh không khác gì chiếc bừa của người nông dân, đã để lại cho Minh một kỷ niệm không bao giờ quên. Ngoài hai ghế dành cho phi công ngồi ở buồng lái, tất cả các hàng ghế ở thân phi cơ đã được xếp lại. Những chiếc quan tài phủ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ được xếp từng hàng rất ngay ngắn và kính cẩn buộc chặt vào trên những tấm vỉ nhôm, sau đó được đặt nằm trong lòng phi cơ.
Có lẽ Minh là người bác sĩ quân y người duy nhất được hân hạnh đáp một trong những chuyến bay chở những người con yêu tổ quốc về quê Mẹ trong chiến cuộc Việt Nam nói trên. Khi máy bay lên cao, áp suất không khí làm cho những thân xác đang thối rữa tiết ra một mùi hôi rất khó chịu. Vì không chuẩn bị từ trước, nên dù cố gắng di chuyển hết vị thế này đến vị thế khác, Minh vẫn không sao tìm được một chỗ nào trên phi cơ có thể bớt được mùi vị nồng nặc đó được, và mặc dầu sau bao nhiêu năm học, rất quen với đủ thứ mùi, ngay cả đến những gì hôi thối nhất, cố gắng lắm Minh mới ngăn mình khỏi nôn.
Chuyến bay đáng ghi ấy đưa Minh về được thành phố đúng với những gì đã tính. Tuy chịu đựng mấy giờ, nhưng kỷ niệm có một không hai trong đời này đã làm cho Minh rất thán phục các phi công không quân Việt Nam, hết chuyến này đến chuyến nọ, ngày này qua ngày khác, vượt qua bao khó khăn trong sứ mạng xem ra nhẹ nhàng, nhưng đòi hòi một sự hy sinh lớn lao mà có lẽ ít người biết được.
(Trích Một Thời Để Nhớ_Bs Tống Viết Minh)
… Giới Quân Y sĩ, trừ bị hay hiện dịch, luôn luôn tìm mọi cách giúp cho những người đã bị thương, không trở thành những tử thi. Họ săn sóc chu đáo từng mảnh da, nhẹ nhàng sắp xếp từng khúc xương, cắt bỏ đi những phần hư nát, chú ý ghép nối từng mạch máu. Và ân cần an ủi từng thương binh vừa hồi tỉnh. Còn bọn Việt cộng, chính quy hay du kích, bất cứ giờ phút nào cũng táng tận ra tay, sao cho kẻ đã bị thương hay người còn sống, đều biến thành các xác chết. Chúng cư xử tàn nhẫn với từng người, thô bạo tàn sát nhiều gia đình, triệt tiêu cả những trẻ vô tội, truy lùng đến giới văn nghệ sĩ. Và hung hăng nguyền rủa cả miền Nam dù đã mất.
Trần Xuân Dũng
No comments:
Post a Comment