Wednesday, April 26, 2023

CÒN GIÀ MỒM À, CÔ BIẾN NGAY RA KHỎI NHÀ TÔI.

Truyện ngắn của Hạ Cửu Long

Nhìn chị loạch xoạch mở cổng. Anh xị mặt ra phàn nàn.
- Không muốn xuống mở cổng cho chồng nữa à. Nhấn chuông mãi không thấy người đâu.

- Muốn, nhưng mà con nó quấy.

Chị vừa thủng thẳng đóng cửa vừa trả lời.
Anh đi vào phòng của hai anh chị, căn phòng chỉ vỏn vẹn chừng mười tám mét vuông, hơi chật một chút, được cái vệ sinh khép kín, anh vất cặp sách lên bàn làm việc, kéo cavat lệch ra khỏi cổ, gỡ nhẹ một hai cái cúc áo, rồi cứ thế ngả người xuống tấm nệm giường rúm ró.

- Mẹ cha thằng lái xe, nó chỉ tử tế đến khi đưa sếp về đến nhà, rồi nó thả mình và hết thảy những người về muộn ở giữa đường. Gần đến nhà rồi mà bắt mãi không được buýt để về. Nghĩ thôi cũng thấy nhục.

Chị chỉ nghe anh nói, còn bận cầm hộp sữa cho bé con bồng trên tay ra sức rít, không bình luận gì cả.

- Này, bé xoăn ra bố bế. Anh vừa nói vừa chìa tay ra.

Con bé nhìn anh với ánh mắt lạ lẫm, nó chun mỏ, níu chặt lấy tay mẹ, mặt quay ngoắt đi ý nói “không chịu”.

- Anh làm xa, ít về, con nó lạ. Thôi anh đi tắm nhanh rồi ăn cơm.

Buồn không hề nhẹ, nhiều lúc anh cũng cân nhắc giữa được và mất. Công việc không gần nhà, thu nhập có tốt một chút, cơ hội thăng tiến có nhiều một chút, nhưng mà thường xuyên vắng mặt, gặp con nó cũng không theo, liệu đánh đổi như thế có xứng đáng.

Đêm xuống.
Chờ bé Xoăn ngủ say, anh đặt tay lên vai chị lay nhẹ.
- Này, dậy, dậy đi, dậy làm tí.

- Tí téo gì, để hôm khác, mấy hôm nay bé Xoăn thức khuya em không ngủ được.

Chị gạt tay anh ra rồi quay mặt vào tường ngủ tiếp.
Anh tiu nghỉu nằm xuống, thở dài thườn thượt.
Nghĩ lại cái thời trước, anh chị cùng đi làm ở xa....

Lúc ấy còn chưa là vợ chồng. Anh quen chị ở gần nơi làm việc. Hai người yêu nhau lúc nào cũng không nhớ rõ nữa. Chỉ biết là hay ở gần nhau, cùng nhau chuyện trò, cùng nhau đi chơi, thật thoải mái.

Cuối tuần không về nhà cũng chẳng sao, ra bắt lấy chuyến xe khách đêm, sáng hôm sau đã có mặt ở Hà Nội, ở sapa, hoặc ở đâu đó tuỳ ý... Sống vui vẻ như thế cho đến khi bé Xoăn xuất hiện.

Rồi Anh chị lấy nhau, chị bầu bí nên xin nghỉ việc, chuyển về nhà anh ở trên thành phố, yên yên ổn ổn làm nội trợ. Ấy thế mà, cái cuộc sống của chị bị gò bó đến tù túng. Chồng đi làm xa, chị ở nhà với mẹ chồng. Một ngày nấu ba bữa cơm, quanh quẩn với “Xoăn” từ sáng đến tối, lặp đi lặp lại, nhàm chán đến độ, anh nhìn cũng thấy tội.

Sáng hôm sau, anh dậy thật sớm. Thấy chị đang ngon giấc, anh tiện tay tắt luôn đồng hồ báo thức trong máy chị đi. Anh âm thầm mang quần áo xuống cho vào máy giặt. Quét dọn nhà cửa, nấu một nồi mì tôm, thêm rau, thêm trứng.

- A, chả bao giờ thấy anh nấu cho tôi được bữa sáng ra hồn. Nấu cho vợ thì ngon nhỉ?

- Mẹ lại móc máy con rồi, con nấu cho cả nhà mà, mời mẹ vào ăn sáng.

Chị tất tả chạy từ trên gác xuống, hướng về phía mẹ chồng vội vã thanh minh.
- Ôi con ngủ quên mất, chẳng hiểu sao hôm nay cái điện thoại của con không đổ báo thức.

- Ngủ quên thì chị cứ nói ngủ quên, cái điện thoại nó có tội tình gì đâu mà phải đổ cho nó. Thôi! anh chị nấu cho nhau ăn thì ăn đi. Tôi đi chợ cho sớm.

Mẹ anh, bà là một người phụ nữ tốt tính, nhưng giống như bao nhiêu bà mẹ chồng khác, cứ nhìn thấy con dâu là không hiểu sao lại thấy “ngứa mắt”. Gì chứ cái tội ngủ dậy muộn là không được rồi. Trưa trầy trưa trật 7 giờ mới ra khỏi giường. Ngày xưa thời của bà, phải thức dậy từ tờ mờ sớm, trời chưa hửng nắng đã phải chổng phao câu ần ật ngoài đồng ruộng. Bây giờ thì có cái gì mà phải vất vả. Chỉ ăn, ngủ, nấu cơm, trông con, thế thôi.

Kết luận của Bà là chị sướng.

- Đấy, mẹ anh đấy, nấu bát mì chưa kịp mời đã bóng gió thế. Anh còn đòi chúng mình đi chơi riêng. Có mà bà băm ra.

Anh chỉ biết cười trừ. Ừ thì có điều kiện cũng đưa cả nhà đi chơi không sót một ai. Nhưng mà đâu phải lúc nào cũng rồng rắn đi được. Lâu lắm rồi, anh cũng thèm cảm giác hai vợ chồng đi chơi như ngày trước, nhưng không tìm được cơ hội. Lúc trước thì bé xoăn còn nhỏ quá đi không tiện. Giờ thì chị sợ xin đi riêng Ông bà lại giận dỗi. Không có nhà riêng, sống chung nó bất tiện thế.

- Này tối nay là đúng ngày kỷ niệm tròn 2 năm mình cưới rồi. Có muốn tranh thủ đi chơi chút không em?

Chị lắc đầu, không phải chị không thích đi cùng anh. Mà là đã thành thông lệ, nhà ăn cơm muộn. Rửa bát xong xuôi cũng 9 giờ tối rồi. Đấy là còn chưa kịp tắm rửa. Đi đâu được nữa.

- Em chỉ muốn có thời gian đi gội cái đầu, chỉnh trang làm lại tóc tai một chút.

Anh vui vẻ nhận việc rửa bát quét dọn tối nay, để chị được thong thả một hôm đi làm việc mình thích.

Nhưng, cây có lặng, thì gió cũng chẳng chịu ngừng.

- Anh chị bây giờ cậy có tí tiền, gội đầu cũng phải ra tiệm. Mà đời thuở nhà ai, chồng nó đã đi làm xa về vất vả, sáng thì phải dậy sớm giặt giũ, tối ăn xong lại phải rửa bát quét dọn. Anh xem dạy lại vợ đi, chứ tôi thấy anh là nhu nhược quá rồi đấy.

Chị đi gội đầu về vào đến cửa, nghe thấy mẹ chồng nói, thì ấm ức đã nghẹn lên đến tận cổ, nước ở đâu lại chực trào ra hai khoé mắt. Cứ thế chị ngồi bệt xuống nền nhà oà khóc như một đứa trẻ con.

- Ô, tôi làm cái gì mà chị gào lên ăn vạ, tôi có quá đáng quá thể, có chèn ép bắt nạt đâu mà khóc. Chỉ nhắc nhở anh chị bảo ban nhau mà sống, đừng để cái gì nó chướng mắt quá, rồi hàng xóm láng giềng người ta lại cười cho. Mà người ta chẳng cười anh chị đâu, cười vào mặt tôi đây này.

Ô hoá ra lòng tốt của anh, tình yêu với vợ của anh, anh muốn quan tâm chia sẻ với vợ việc nhà lại bị đem ra để định tội và trách móc. Chẳng lẽ về nhà anh phải nằm xem ti vi, gác chân lên ghế sofa nằm đọc báo, để mặc chị vất vả mới là biết dạy vợ hay sao?

Anh vội vã ra nâng chị dậy, kéo tay chị lên phòng. Nhưng chị giằng tay anh ra nấc lên nghẹn ngào.

- Anh ấy là con mẹ, con về làm dâu cũng làm con mẹ, mà sao anh ấy làm một chút việc nhà thì mẹ xót, mẹ phàn nàn. Con ở nhà cả ngày thì mẹ lại thấy là đương nhiên.

- A, cô còn trả treo với tôi à. Ở nhà tôi thì cô khổ à, có cái việc gì ngoài cơm ba bữa, mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu. Tôi cũng ở nhà này hàng chục năm, nuôi thằng chồng cô to béo phốp pháp, như thế thì tôi chết à?

Anh không để vợ và mẹ “đấu khẩu”, dùng sức lôi chị lên phòng đóng chặt cửa lại.

Ở bên ngoài Mẹ anh tức sôi lên, bà đi đi lại lại đấm ngực thùm thụp, mắc chửi mà chửi không kịp nó khó chịu thế, nhưng chẳng phải chờ lâu, bà được con trai làm cho hả dạ.

Ầm.
Rầm.
Xoảng.

Tiếng đổ vỡ liên tục phát ra từ trong phòng của anh chị.

Chỉ nghe tiếng chị lu loa gào khóc ầm ĩ, anh thì quát tháo lạc giọng.
- A, cô còn già mồm cãi Mẹ tôi à, cút, sắp hết quần áo của cô, biến đi đâu thì biến.

- Anh không phải đuổi, tôi có chân, tôi tự đi được.

Một lúc sau thấy chị tay xách vali, tay bế bé xoăn, mắt mũi giàn giụa, bước xuống cầu thang đi ra khỏi cửa.

- Ôi giời ơi, con ơi là con, vợ chồng có gì đóng cửa bảo nhau, mày làm gì nó mà để nó bế con bỏ đi thế kia.

- Mẹ chẳng bảo là dạy dỗ lại vợ còn gì, mẹ vừa ý chưa?

Nói xong thì anh cũng khoác túi lên bỏ đi, bà chạy theo mặt mũi ngơ ngác. Đứng ở cổng giậm chân thình thịch.
................

- Giờ mình đi luôn chưa hả chị?

Lái xe taxi nhìn thấy chị tay xách nách mang thì e ngại. Giờ này, bộ dạng này, ra đường thì chín phần mười là bị chồng đuổi ra khỏi nhà. Sao mà dại thế, chồng nó đuổi thế nào cũng phải cố đợi đến sáng hôm sau hãy đi chứ. A, may quá có người đàn ông lên xe, chắc không phải bị chồng đuổi đi rồi.

Anh ngồi lên xe mặt nghiêm túc. Bỏ ví ra kiểm tra lại vé máy bay.
- Em cho anh ra sân bay nhé. Anh bay chuyến 01 giờ sáng.

- Anh chị đi du lịch ạ?

Anh chị nhìn nhau cùng mỉm cười. Cuối cùng thì đã có lý do để họ đi chơi riêng.
Có lẽ không phải lần nào cũng làm thế này được. Nhưng anh đã có kế hoạch cho chị rồi, sẽ phải tìm một công việc, cho chị đi làm để giải thoát chị khỏi sự tù túng.

“Xoăn” cũng sẽ lớn, cũng cần mua một căn chung cư gần trung tâm để tiện cho con đi học. Đấy là mơ ước, cũng là mục tiêu của hai vợ chồng phấn đấu. Còn hôm nay, họ tự thưởng cho mình cái quyền được đi chơi riêng, kỷ niệm 2 năm ngày cưới thật ngọt ngào. Cuộc sống dù có thế nào đi nữa, nếu cứ để cơm áo gạo tiền cuốn trôi đi, để lề thói gia đình trói buộc lại, thì sẽ đánh mất đi ý nghĩa của việc “được sống”.

Chiếc xe lăn bánh nhanh hơn về phía trước, hoà mình vào dòng xe cộ tấp nập, đi khuất dần, nhỏ đến mức không còn nhìn thấy nữa.

No comments:

Blog Archive