Người đẹp ĐÔNG HÀ trong bài thơ “CHUYỆN TÌNH BUỒN” của Phạm Văn Bình được Phạm Duy phổ nhạc là ai?
• Lê Đình Bì
Xin trả lời ngay: Đó là chị Nguyễn Thị Tuý, người đẹp nổi tiếng Đông Hà một thuở.
Xin xem hình để thấy “chị ấy” hồi đó như thế nào mà khiến cho nhiều chàng trai, nhất là các sĩ quan trẻ một thời áo trận, đã chết mê chết mệt. Vi sao Đông Hà chỉ là một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Quảng Trị, nằm ở miền địa đầu giới tuyến mà sản sinh ra không biết bao nhiêu là người đẹp…
Trước đây, đã có lần tôi nêu lên giả thuyết là vào thời điểm Vua Hàm Nghi bỏ kinh thành Huế, chạy ra Tân Sở, phát hịch Cần Vương và lập chiến khu chống lại giặc Pháp, nhiều cung phi mỹ nữ cũng chạy theo Vua và trong số đó, một số người “rơi rớt” lại, hoặc sau này được trở về đời sông dân dã, đã lập gia đình với cư dân địa phương, thành ra, những cô gái Đông Hà, Cam Lộ… rất nhiều cô phải nói là “đẹp mê hồn”. Phải chăng là họ thừa hưởng được cái “gen sắc đẹp” của những người phụ nữ tiến cung?
Trở lại câu chuyện của nhà thơ Phạm Văn Bình với bài “Chuyện Tình Buồn”.
Trong số nhiều bài thơ của Phạm Văn Bình, nhạc sĩ Phạm Duy có lẽ ưng ý nhất và đã phổ nhạc là bài “12 Tháng Anh Đi” và “Chuyện Tình Buồn”.
Đặc biệt, bài “Chuyện Tình Buồn” được xem là một trong những bản tình ca thiệt hay và lãng mạn của nền âm nhạc VNCH trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Chuyện kể về một thanh niên Phật giáo, yêu một cô gái đẹp Công giáo.
Chuyện tình trắc trở vì bị cả hai gia đình chống đối.
Rồi chàng xếp bút nghiên theo việc binh đao, nàng lên xe hoa … và thời gian trôi đi, trôi đi để “Năm năm rồi trở lại, một màu tang ngút trời, thương người em năm cũ, thương goá phụ bên song.” Vì sao?
Chồng của chị, một sĩ quan Quân Y, cũng là bạn của chàng, đã tử nạn trong một phi vụ tản thương trực thăng trên chiến trường Pleiku năm 1972.
Bài thơ ra đời ngay sau đó và nhạc sĩ Phạm Duy đã giúp cho bài thơ bay thật xa, thật cao.
Tình cảm chân thật và xúc động đã khiến cho lời thơ và bản nhạc đi sâu vào lòng người. Hầu như những người yêu nhau trong thời buổi chinh chiến đều tìm thấy hình ảnh của chính mình trong bài thơ và có thể nói, các bạn thanh niên, sinh viên vào thời đó, nhất là những chàng trai lính chiến, đều có thể “hát nghêu ngao” ít nhất dăm ba câu của bản nhạc
“Chuyện Tình Buồn”…
Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng…
Năm năm rồi đi biệt
Đường xưa chưa lối về…
• Sưu tầm 10-4-23
- (Thanks fb Ngô Đức Thanh).
No comments:
Post a Comment