Monday, April 17, 2023

Truyện Nhiều Kỳ: Nguyễn Thanh Lai - Chương 3 

Hình minh họa

" Cách mạng " tấn công, chiếm luôn Sài Gòn thủ đô của VNCH. Dân chúng nhốn nháo chạy lui chạy tới. Người miền Nam giờ như kiến bò trên miệng chảo nóng. Hình ảnh thời chiến, lính tráng xuôi ngược trên đường không còn nữa. Họ rủ bỏ bộ quân phục quen thuộc, ở trần quần đùi đi lang thang thất thểu. Dân chúng từ trước tới giờ được bảo vệ bởi những người lính nay thấy mình như bị lột truồng. Họ sợ hãi lấm lét nhìn những bộ quân phục xanh lá cây, nón cối và đôi dép râu lạ lẩm, khoác trên những con người cũng lạ lẩm và đáng sợ y như báo chí mô tả. Phần lớn các nhà đóng kín mít im ỉm trừ mấy đứa trẻ hé mắt tò mò nhìn qua khe cửa hở.

Các Ma Sơ tập trung đám con nít lại trong nhà nguyện. Mấy đứa lớn coi sóc những đứa nhỏ còn những chị gái thì vổ về bọn trẻ đang khóc như ri vì sợ. Mấy Ma Sơ tỏ ra bình thản như đã quá quen với khó khăn nên sắp xếp đâu ra đó những sinh hoạt bình thường trong ngày. Đám con gái theo chỉ dẩn phụ giúp nấu nướng cho cả dân tỵ nạn mà cha Giu Se mở cửa đón hết. Tổng cộng hơn trăm nhân khẩu tính luôn những đứa mồ côi mới được cha đón về những ngày cuối cùng của tháng Tư.

Cha Giu Se vẫn thản nhiên như chẳng có gì quan trọng xãy ra. Cha đi từ sáng sớm sau khi dâng Thánh Lễ tới trưa mới ghé về, chở thêm vài đứa trẻ hay ít gạo xin đưọc. Cũng là cha Giu Se trước đây: chưa thấy mặt đã nghe văng vẳng tiếng cười và những giây phút này tiếng cười của cha đem lại hạnh phúc tự tin cho tất cả mọi người trong tín thác vào sự quan phòng từ Trời Cao.

Thỉnh thoảng vẫn còn vọng lại vài tiếng súng nổ rất gần. Không ai biết tương lai sẽ ra sao với tình hình này. Ma Sơ Mẹ Bề Trên lo lắng:

- Kính thưa cha mình tính sao?

Cha nhún vai cười lớn:
- Đừng lo Sơ Bề Trên ơi. Việt Nam mình có câu " Người tính không bằng Trời tính " cứ phó thác hết lên Chúa Mẹ. Phần mình lo làm tròn bổn phận Ơn Trên giao cho mình thôi...

- Nhưng mà đông quá con sợ mình không kham nổi phần lương thực

- Bây giờ mình cứ cưu mang tất cả. Chừng im ắng thì mình khuyến khích ai còn quê hương xứ sở hãy trở về. Kiểu này chúng ta phải hợp sức cầu nguyện gấp đôi gấp ba kêu xin sự cứu giúp của Chúa Mẹ mới được.

Cha Giu Se mĩm cười sau câu pha trò. Lúc Sơ Bề Trên trở ra cha vói theo:
- Xin Sơ mở cửa kho gạo an toàn nấu thêm để mọi người được no. Cũng may mình vừa nhận được mấy chục bao từ Uỷ Ban Cứu Người Tỵ Nạn..

Lai giờ mười tuổi nhưng cao lớn như những đứa mười ba mười bốn giúp đở đắc lực cho Ma Sơ Tê Rê Sa. Nó có thể đẩy xe chở gạo từ nhà kho xuống bếp. Không ai buộc Lai phải làm nhưng nó tự ý vì muốn chứng tỏ với mọi người là mình đã lớn biết lo nghĩ. Ma Sơ Tê Rê Sa mỗi lần thấy Lai è ụi đẩy chiếc xe cút kít thì lấy tay ôm ngực la hoảng:

- Lạy Chúa con, cẩn thận nghe con...

Dù mồ hôi mồ kê nhưng Lai thấy hãnh diện vì được khen và làm chuyện có ích. Ông từ Năm dạo này chỉ lo quét dọn nhà thờ, không giúp được bao nhiêu như hồi trước.

Tháng Tám năm 1977, một buổi sáng nghe tiếng chuông ông từ Năm mở cửa thấy người lính bộ đội ra dáng chỉ huy với súng ngắn đeo hông và sắt cốt ngang vai cùng hai người lính mang súng dài theo sau. Vừa gặp mặt ông Năm người chỉ huy lớn tiếng:

- Chúng tôi là bộ đội giải phóng, yêu cầu được gặp Linh Mục chủ nhà thờ !!

Ông Năm sợ hãi lui về phía sau đến văn phòng cha Giu se báo cáo quên cả việc mời khách bước vào. Cha Giu Se vừa dâng lễ xong đang ngồi uống tách trà nóng buổi sáng nghe báo cáo vội vả rảo bước ra gặp khách. Người bộ đội chỉ huy có vẻ khó chịu vì bị chờ lâu sẳng giọng:

- Ông là Linh Mục ở đây?

- Vâng tôi là Linh Mục quản xứ

- Chúng tôi được lệnh của Uỷ Ban Nhân Dân thi hành lệnh kiểm tra khuôn viên nhà thờ. Xin ông cho chúng tôi làm việc

Cha Giu Se thắc mắc:
- Thưa bộ đội, chúng tôi có làm gì sai trái hay sao mà bị lục soát? chúng tôi không chứa chấp đồ quốc cấm hay những gì phạm pháp xin quý ông cho chúng tôi biết chuyện gì xãy ra. Chúng tôi chỉ là nhà mồ côi chăm sóc cho các em bất hạnh không cha mẹ ...

Người bộ đội chỉ huy nhăn mặt:
- Rồi sẽ biết...

Cùng với nhau họ quầy quả đi về phía nhà kho và nhà nguyện ngang vài gia đình tỵ nạn nằm lay lất trên sàn gạch. Tới nhà kho họ yêu cầu Ma Sơ quản nhiệm mở cửa và hài lòng khi thấy gần trăm bao gạo, mì gói, sửa hộp cá hộp dầu ăn Quân Tiếp Vụ chồng chất lên nhau ( kết quả nhờ tài ngoại giao của cha Giu Se đi khắp nơi xin để dành cho trẻ mồ côi ).

Người bộ đội chỉ huy hài lòng chỉ tay hết mọi thứ nói với cha Giu Se:
- Những vật này giờ thuộc quyền quản lý của nhà nước. Chúng tôi niêm phong nhà kho và ngày mai chúng tôi sẽ đem phương tiện vận chuyển về khu vực quản lý ...

Cha Giu se phản đối :
- Đây là tài sản riêng của chúng tôi và thuộc quyền sớ hữu của nhà thờ dành cho những trẻ mồ côi bất hạnh. Quý ông không có quyền gì tịch thu. Nếu các ông chở đi rồi lấy gì nuôi các cháu? hơn nữa chính sách cách mạng là không tơ hào cây kim sợi chỉ của nhân dân, các ông đang làm gì vậy?

Người bộ đội chỉ huy khinh khỉnh :
- Đi lên Uỷ Ban Nhân Dân mà hỏi ...

Không biết lý do gì họ bỏ đi, để lại nhà kho chưa niêm phong. Một trong hai bộ đội đi theo được chỉ định ở lại canh gác. Mặt non choẹt anh lính gườm gườm chỉa súng vào bất kể ai đi ngang. Sơ Bề Trên lo lắng:

- Bây giờ mình tính sao đây ?

Cha Giu Se ngồi trầm ngâm trước ly trà nguội ngắt. Cuối cùng cha đứng dậy quả quyết:
- Ông Năm ơi...

- Dạ con đây thưa cha

- Bây giờ chúng ta phải làm thế này...

Trưa hôm đó người ta thấy ông từ Năm mời người lính về nhà một giáo dân gần đó nhậu thịt chó. Anh bộ đội lúc đầu cương quyết từ chối nhưng khi nghe ông già Năm phân giải đồ đạc đâu còn đó chẳng ai ăn cắp ăn trộm gì được, theo ông về nhà uống cà phê sửa đá trong lúc mùa hè nóng bức thì anh chàng miễn cưỡng nhận lời. Từ cà phê sửa cho đến cầy tơ rượu nếp than cũng chẳng xa bao nhiêu nên bây giờ chàng bộ đội giải phóng đang chén chú chén anh với người chủ gia đình là nguỵ bại trận . ...

Trong khi đó cha Giu Se huy động hết gìà trẻ lớn bé bí mật chuyển bớt gạo, đồ ăn hộp, dầu nấu sang cất vào phòng trống bên cạnh nhà thờ. Đoàn người dưới sự điều động của cha Giu Se như đàn kiến tha mồi đi đầu là cha rồi đến các Ma Sơ, những người lớn thanh thiếu nữ đám con nít. Chỉ trong Nhà Mồ Côi thôi vì cha không muốn manh động tới tai "giải phóng " ; cũng không thể di chuyển nhiều quá khiến bị phát giác phiền phức tới sự an nguy của mọi người. Thật là kỳ lạ trần đời có một !! khi không phải lén lút di chuyển tài sản thực phẩm của chính mình như đang thi hành công tác .. .ăn trộm .

Và Nguyễn Thanh Lai có thêm lý do để ghét " quân giải phóng ". Họ chẳng những giết chết anh Trí, bây giờ còn cướp đoạt mồ hôi nước mắt cha Giu Se đổ ra hàng ngày lang thang ngoài đường ăn xin lòng hảo tâm của mọi người đem về nuôi đám mồ côi. Mới mười mấy tuổi đầu Lai bắt đầu thấy và đối diện với những trớ trêu cuộc đời. Chúa đang ở đâu sao không giáng một bạt tay vào mặt bọn ăn cướp đang vổ ngực tự xưng " quân giải phóng " ?

Sáng hôm sau trời còn sớm khu vực nhà thờ trở nên náo nhiệt vì âm thanh ồn ào của hai chiếc xe vận tải quân đội de đít vào trước nhà kho. Gần một chục lính nhảy xuống ào vào khuân vác hết thực phẩm quăng lên xe. Hai tiếng đồng hồ sau mọi thứ trống trơn không còn một hạt gạo sót. Viên chỉ huy ngày hôm qua - cũng là anh chàng ngày hôm nay - không tránh khỏi nét mặt hài lòng phẩy tay về phía những gương mặt ngơ ngác sợ hãi

- Cách mạng hoan hô tinh thần cống hiến của nhân dân....

Nhân dân không biết phải làm sao đành xoa chiếc bụng lép kẹp bâng khuâng nghĩ đến chiều nay sẽ nhét cái gì vào đó ..

Buổi chiều gần một trăm nhân mạng chia nhau lương thực từ các chảo cơm tập thể kèm cá khô, cá hộp, thịt hộp dấu khuất mắt quân giải phóng. Họ chiếm được những gì họ muốn rồi nên cũng chẳng màng quay trở lại .

Cha Giu Se tiếp tục công việc hàng ngày cũng như những nữ tu và bọn con nít. Lúc này cả miền Nam rơi vào tình trạng ngăn sông cấm chợ đói triền miên nhưng Nhà Mồ Côi vẫn được giáo dân chung quanh chia sẻ phần lương thực nhỏ nhoi của họ.

Các quân nhân viên chức chính quyền miền Nam bắt đầu trình diên chịu đi tù tập thể. Buổi sáng trên đường không còn thấy nhiều bóng dáng đàn ông như trước đây thay vào đó là bộ đội và thêm thành phần công an giải phóng với quân phục nón cối màu vàng và đôi dép râu quen thuộc. Công an giải phóng thì sắt máu hơn, sẵn sàng đưa thành phần dân " NGỤỴ" đi cải tạo mút chỉ không ngày về nếu chống đối chính sách của nhà nước. Dân Ngụy sợ hãi công an giải phóng như thần chết, sợ quá nhiều người phải đổi thái độ nịnh bợ để được yên tâm mà sống.

Ma Sơ Tê Rê Sa tới phiên đi họp tổ dân phố về kể câu chuyện có thật ai nghe xong cũng cười sặc:

- Có bà già bán xôi khi cán bộ khuyến khích lên trình bày ý kiến đã phát biểu: " Cám ơn Cách Mạng vào giải phóng sớm không thôi VIỆT CỘNG pháo kích chết hết dân báo hại tui bán xôi ế ẩm ". Cán bộ xạm mặt đuổi bà già xuống lẹ và giải tán cuộc họp. Còn dân ngồi ở dưới không ai dám cười.

Tháng Chín năm Một Ngàn Chín Trăm Bảy Mươi Chín, đêm Hai mươi Ba khoảng một giờ khuya, xe Jeep " giải phóng " cướp được của " NGUỴ " xịch đổ trước nhà thờ. Bốn công an súng ống lăm lăm chạy sầm sập bao vây nơi cha Giu se đang ngủ. Họ đập cửa rầm rầm và khi cha Giu Se xuất hiện người chỉ huy đọc lệnh bắt, còng tay cha giải ra xe. Ông từ Năm hốt hoảng tính giật chuông báo động nhưng cha lắc đầu khoác nhẹ tay, Có vẻ như cha Giu se đã đoán trước chuyện gì sẽ xãy ra và cha bình tỉnh chờ nó đến.

Ông từ Năm đợi xe jeep đi khuất mới rung chuông ầm ỉ. Giáo dân ùn ùn kéo đến mang theo gậy gộc dao mác, họ trách ông sao không báo động sớm. Giờ thì ông Năm hiểu tại sao cha Giu Se ngăn ông: chắc chắn nổ ra chuyện lớn giữa hai bên và đám công an đến bắt giữ cha sẽ không một mạng sống sót trở về.

Hai tuần sau vào buổi sáng công an lại đến. Họ tịch thu hết tài liệu vât dụng trong văn phòng và phòng ngủ của cha Giu Se trước sự chứng kiến của Sơ Bề Trên. Khi Sơ Bề Trên hỏi :

- Xin quý ông cho chúng tôi biết cha quản nhiệm chúng tôi bị bắt giữ về tội gì và hiện đang ở đâu để chúng tôi thăm viếng...

Người chỉ huy nhún vai :
- Ông cha ở nhà thờ này can tội hoạt động chống cách mạng có vũ trang. Hiện ông ấy đang bị giam ở đâu thì tôi không biết nhưng bà đừng lo, cách mạng sẽ cho bà biết sớm thôi. Nếu ông ấy thành khẩn nhìn nhận tội lổi của mình thì cách mạng sẽ khoan hồng và tha về ngay. Phần bà xin làm ơn ký tên và điểm chỉ ngón tay vào chổ này trong bảng tường trình kiểm kê hôm nay.

Buổi chiều Sơ Bề Trên tập hợp tất cả và thông báo những tin tức mới nhất về cha Giu Se sau bao nhiêu công sức đổ ra tìm cha không kết quả. Tin cha Giu Se " phản động " bị bắt làm mọi người giật mình vì vị Linh Mục chỉ biết thi hành nhiệm vụ của mình với giáo dân và chăm sóc bọn trẻ mồ côi lại dám làm chuyện lật đổ cái "chính quyền " mà ai cũng muốn nó bị lật đổ. Nhất là ông từ Năm thục sự hãnh diện trong lòng về thần tượng mặc dù nhiều đêm ông nhớ cha Giu Se khóc hết nước mắt. Có điều ông thắc mắc cha dùng vũ khí gì để phản cách mạng vì ngoài cây Thánh Giá và tràng chuổi Mân Côi ông chưa thấy cha đụng chạm tới khẩu súng hay thậm chí con dao trong nhà bếp....

Cách mạng có trí nhớ tốt nên cũng không quên mấy bà Sơ và bọn con nít. Ở trong đất địch ai vô tội với cách mạng? chẳng qua họ chưa dư thì giờ truy xét mấy bà Sơ không chịu ăn mặc đơn giản như bộ đội gái mà vẫn mang trên người tấm áo dòng theo kiểu tiểu tư sản ngụỵ.

Nhưng rồi họ cũng tìm ra thời giờ dư. Một buổi chiều công an phường mời mấy bà Sơ lên văn phòng làm việc .Sơ Tê Rê Sa mặt xanh như tàu lá, các Sơ kia cũng không hơn gì. Duy chỉ Mẹ Bề Trên không tỏ dấu hiệu sợ hãi dao động, liên tục lần chuổi. Điều này cuối cùng mang lại cảm nhận bình yên cho cả nhóm bốn bà Phước.

Bọn con nít nhốn nháo đứa khóc đứa la và lúc này mới thấy tài Lai. Cùng với vài anh chị lớn Lai dổ dành mấy đứa nhỏ lấy mì gói nấu cho từng đứa. Chỉ thời gian khủng hoảng ngắn Lai chợt trở thành chín chắn dù chưa tới tuổi mười sáu dậy thì.

Buổi sáng họ cho các Sơ về nhưng ngày nào cũng phải lên phường trình diện. Lần chót công an giữ lại, ba ngày sau các Sơ có công an đi kèm được trở về Nhà Mồ Côi thu dọn đồ đạc cá nhân. Sau đó họ ôm bọn trẻ mà họ gần gụi nuôi dưỡng gần chục năm nay khóc lóc từ giả. Sơ Tê Rê Sa ôm Lai, cởi tràng chuổi Mân Côi trên áo đeo vào cổ thằng bé:

- Luôn luôn sống tốt nghe con. Nhớ đến Sơ trong lời cầu nguyện, Sơ sẽ nhớ con luôn, xin Chúa Mẹ quan phòng con trên đường đời. Không biết bao giờ Sơ mới gặp lại các con...

Công an không bỏ tù mấy bà nhưng cưỡng chế trả họ về với Toà Giám Mục. Từ nay họ không còn dính líu hay trách nhiệm gì Nhà Mồ Côi do cha Giu Se Huỳnh Ngọc An thành lập. Trại chính thức đóng cửa giải tán và nay thuộc quyền sở hữu của nhân dân. Công an chia bọn trẻ làm hai nhóm: nhóm những em lớn từ mười hai trở lên sẽ được đưa đi vùng kinh tế mới lao động phát triển đất nước, phần còn lại gởi vào vài trại mồ côi lèo tèo còn sót của mấy ni cô Phật Giáo.

Công an khoá bên ngoài, có hai người ngồi trước cửa. Bên trong bọn nhóc sợ hãi và đói kêu khóc như ri nhưng giờ thì đâu còn ai dổ dành an ủi. Nhóm sắp sửa được chở đi ngày mai trong đó có chị Hồng cứ ngồi thẩn thờ nhìn ra cửa. Chị Hồng tuy đã phôi pha chuyện anh Trí nhưng vẫn tiều tuỵ xanh xao như vừa mới bệnh dậy. Lai thỉnh thoảng đến bên chị nắm bàn tay chị áp vào lòng mình an ủi. Mỗi lần như thế chị lại vuốt mái tóc quăn tít của Lai và chảy nước mắt.

Lai cũng thuộc nhóm con trai sẽ đi kinh tế mới vì cao to như người lớn. Mồ côi không cha không mẹ không anh em họ hàng Lai chẳng thấy lo lắng chút nào dù bị gởi đi đâu nhưng vụ này thì linh tính báo nó biết lành ít dữ nhiều. Nó tìm thằng Minh dẫn em về chổ mình dặn em nằm im, nó lén bò về phía chị Hồng nói khẻ:

- Chị Hồng, chị có muốn trốn với em không? chiều nay em tính sau giờ ăn em sẽ chui qua cửa sổ rồi tuột xuống lề đường. Em thấy cái gì đó không ổn ....

Hồng mĩm cười :
- Thôi chị nhát lắm chị không dám đâu nhưng chị sẽ cầu nguyện cho em được bình yên. Lên tới nơi nếu thấy không xong chị sẽ tìm cách trốn dễ hơn. Rồi chị sẽ ráng kiếm các Ma Sơ của mình, Ma Sơ Cờ la Ra có cho chị địa chỉ toà Giám Mục

Lai ngần ngừ:
- Vậy thì chị ở lại mạnh khoẻ, sau này em sẽ cố gắng tìm chị . ..

Rồi nó bò về chổ mình. Buổi chiều phát cơm xong công an khoá cửa bên ngoài. Tám giờ tối đèn tắt ngúm, Lai chổi dậy nắm tay thằng Minh bò lên gác nhè nhẹ đẩy cửa sổ. Tiếng kẻo kẹt làm nó hết hồn ngưng tay nghe ngóng. Không thấy gì lạ Lai mạnh tay mở rộng cánh cửa. Nó chui ra trước quay lại ẳm Minh theo. Rồi hai đứa, thằng nhỏ nằm trên lưng thằng lớn tuột nhè nhẹ xuống khoảng đường trống phiá dưới. Tới nơi Lai cõng Minh chạy thục mạng không quay đầu nhìn lại. Nó lo xa vậy thôi chứ cách mạng đâu tưởng tượng nổi hai thằng mồ côi chưa tới tuổi lớn, gan cùng mình mở cửa sổ vượt trại êm ru.

Sáng hôm sau công an đếm đầu kiểm tra thấy thiếu hai đứa. Họ không quan tâm cũng chẳng thèm truy cứu vì chạy đi đâu cho thoát giữa rừng thiên la địa võng của chính quyền cách mạng. Người lớn còn chết lên chết xuống huống hồ gì mấy đứa nhỏ. Họ cũng chẳng có thì giờ tìm kiếm vì chút nữa xe tới chở tụi ở lại đi hết.

***
Lai cõng thằng Minh ngủ gà ngủ gật trên lưng đi như chạy càng xa nhà kho càng tốt. Người lớn thấy chúng không ai ngừng thăm hỏi. Lai cũng muốn được yên vì không biết phải trả lời thế nào nếu có người tò mò, thời buổi này ai biết ai ra sao...

Lai ghé vào một quán nước. Chủ quán là một bà già miệng nhai trầu bỏm bẻm, bà thấy hai đứa bèn ra dấu hỏi :

- Anh em bây đi đâu mà sớm sủa vậy?

Lai chợt cảm thấy đói bụng và khát nước nên khẩn khoản:
- Dạ tụi con lạc mất gia đình từ chiều hôm qua. Bà làm ơn cho tụi con xin ly nước...

Bà già nhìn sửng Lai và nói :
- Uả sao mầy giống lai Mỹ Đen quá vậy mậy. Thằng nhỏ đó là sao với mầy?

Lai tái mặt, nó quên mất vụ này:
- Dạ nó là em con. Tụi con cùng mẹ khác cha...

- Ngồi xuống đó đi ...

Bà già quay vào trong Lai bâng quơ đưa mắt nhìn quanh tường. Nó hết hồn khi thấy hình một người lính bộ đội trên bàn thờ, kế bên là hình ông Hồ Chí Minh và vài tấm bằng khen có công với cách mạng.

Bà già bưng nước và nải chuối sứ để trước mặt hai đứa nhỏ :
- Mầy là con lai hả ?

Lai giả lả :
- Dạ đâu có, tại con mần ruộng rẫy dang nắng...

Lai ráng nuốt mau trái chuối rồi cám ơn bà già cỏng thằng Minh đi một nước. Thiệt hú vía !! nó chẳng sợ gì nhưng tội nghiệp Minh, lỡ Lai có bị gì thì ai sẽ lo cho thằng nhỏ …

***
Chiếc xe đò chạy bằng than mà hai anh em đang ngồi hướng về phía Sài Gòn. Hành khách chật xe; trên mui và lòng xe hàng hóa chất như nêm trông giống một trái núi đang di chuyển. Minh lọt thỏm trong lòng Lai dưới sàn bên cạnh hàng ghế có một bà lớn tuổi và vài bạn hàng ngồi chen chúc. Thấy hai đứa nhỏ bà chắc lưỡi hỏi :

- Hai đứa đi đâu mà thất thơ thất thểu vậy con? ba má đâu?

Lai lễ phép :
- Dạ tụi con lạc ba má với mấy chị mấy hôm rồi mà không tìm ra...

- Tội nghiệp hôn rồi ăn uống gì chưa?

Mỗi người nghe chuyện không ai bảo ai móc trong túi áo, giỏ gánh của mình ra. Ngườì dúi bánh ú bánh tét, người nhét tờ giấy bạc cách mạng vào tay Lai. Nó nhận ra mấy hôm nay mình nói dối nhiều lần, trong lòng thấy mắc cở với cha Giu Se, Ma Sơ Tê Rê sa và anh Trí. Nó tự nhủ mình đâu muốn nhưng chính cách mạng đẩy hai anh em vào đường này.

Lai rất cảm động về tấm chân tình của bà con cô bác sẵn sàng chia sẻ chút thực phẩm tiền bạc với những ai trong hoàn cảnh tang thương như hai anh em nó. Cách mạng vô, dân "Ngụỵ" đâu còn dư giả chia cơm xẻ áo như hồi trước. Kể cả anh lơ xe đò nếu không thương nhường một chổ trên chiếc xe chạy bằng than cà ạch cà đụi như bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, thì tới chừng nào anh em tụi nó mới lên tới Sài Gòn?

Xe đậu chổ nào khách muốn và địa điểm cuối cùng là bến xe miền Đông nơi khởi hành cũng như đích đến. Hành khách lục tục lấy hành lý và xuống xe. Hai anh em ngơ ngác nhìn chung quanh thiên hạ nườm nượp kẻ đi người đến. Thấy một chị còn trẻ tay dắt đứa con vai vác một bao bì nặng Lai buông tay Minh chạy đến :

- Chị để em phụ cho

Rồi không nói không rằng Lai cúi xuống lấy thế đặt bao tải lên vai bước thoăn thoắc theo chị. Tới gần chiếc xe thồ chị ra dấu cho Lai bỏ xuống hỏi :

- Tính chị bao nhiêu vậy nhỏ?

Lai ngạc nhiên :
- Em thấy chị bị khó khăn thì em giúp thôi chớ đâu có tiền bạc gì?

Chị phụ nữ mĩm cười :
- Chớ không phải em là phu khuân vác ở bến xe sao? nhưng mà chị nợ em công khuân vác để chị trả cho em chút thù lao...

Rồi chị đưa mấy tờ giấy bạc. Lai ngớ người nhưng thầm vui vì là lần đầu tiên nhận được kết quả từ sức lao động của mình. Thực ra thấy chị tay xách nách mang cưc nhọc thì ghé vai vào chớ Lai không thực sự chờ đợi tiền công. Chiều hôm đó hai anh em mua hai dĩa cơm rau muống xào tỏi có thêm ly trà đá. Buổi tối hai anh em lăn đại ra nền xi măng ngủ. Tối thằng Minh rên lạnh khiến Lai phải ôm sát em vào lòng lấy hơi nóng thân mình sưởi ấm em.

Bây giờ thì Lai tình cờ tìm ra cách kiếm tiền mua cơm: Sáng nó chạy ra bến coi xe nào mới cập thì xin khuân vác thuê cho bạn hàng. Thấy thằng nhỏ dễ thương lễ phép có sức khoẻ bạn hàng gọi nó ơi ới. Vừa vác hàng cho khách vừa nhóng mắt nhìn thằng Minh đang chơi đùa trong tầm quan sát Lai rất yên tâm. Tối nay Lai sẽ mướn thêm chiếc chiếu đắp cho em đở lạnh kẻo nó bị bệnh thì chết.

Trong một bến xe lớn như Xa Cảng Miền Đông tất nhiên Lai không phải là dân khuân vác duy nhất. Có nhiều băng dưới sự chỉ đạo của những đàn anh lừng lẫy giang hồ. Họ độc quyền việc khuân vác cho bạn hàng chở đi hay cất hàng xuống. Họ đã làm như thế từ trước ngày " giải phóng " . Cảnh sát VNCH cũng không dám can thiệp vào chuyện của họ. Bởi vì họ độc quyền nên họ cũng tự ấn định giá cả cho những bốc vác theo chiều dài đoạn đường. Bạn hàng phải chấp nhận điều kiện họ đưa ra nếu không muốn hàng hoá mình bị chậm trể hay bị phá phách.

Sau ngày 30/5/1975 phu bốc vác -vốn trước đây là lính nay không công ăn việc làm - gia nhập rất đông. Nhóm này dành khách với nhóm kia ngày nào cũng xãy ra ấu đả dành mối. Họ thường cầm mã tấu rượt chém nhau ngờ ngờ trước mặt mọi người như trong phim kiếm hiệp Hồng Kông. Công an phải dồn lực lượng truy quét tóm mấy tay đầu đảng đi tù tập trung cải tạo không ngày về. Nhờ vậy tình hình tương đối yên tỉnh; nhưng được thời gian rồi đâu cũng vào đó.

Lúc này dân thầy thợ hồi VNCH ai nấy cũng nhảy ra đi buôn kiếm cơm bỏ vào miệng. Thành ra bạn hàng càng cần phu khuân vác và những băng nhóm chia khu làm ăn theo kiểu nước sông không phạm tới nước giếng.

Hiện tại băng của Tài Chùa ở phía Bắc và băng Hoàng Lé trông coi khu vực phía Nam. Hồi đầu họ cũng từng đụng độ dành chổ làm ăn đổ máu; nhưng bây giờ họ chấp nhận kẻ có cơm người có cháo trong thời buổi trừ " cách mạng " ra thì ai nấy đều đói ...Chính lúc này Lai khai trương nghề bốc vác của mình trong khu vực làm ăn của Hồ Ngọc Tài hay Tài Chùa vì đầu lúc nào cũng cạo trọc.

Tài là Trung Sĩ binh chủng Thuỷ Quân Lục Chiến nhưng giải ngũ trước ngày 30/4/75 vì thương tích hư mắt trái do đạn AK; Tay trái anh còn mờ mờ nét xăm TQLC Sát Cộng. "Cách mạng" vô anh cố tẩy xăm mà không được vết thương bị nhiễm trùng khi lành biến thành sẹo lớn khiến đi đâu anh cũng mặc áo dài tay che khuất. Tài chịu chơi và liều lĩnh nói chém là chém nên bọn đàn em cở chừng chục đứa dưới trướng rất nể phục. Tài biết trọng dụng đàn em nên hể ra lệnh về chuyện gì thì đàn em răm rắp thi hành. Tài và em út sống trong một căn nhà nhỏ bỏ hoang gần xa cảng.

Hôm nghe đàn em báo cáo có một thằng nhóc lai Mỹ Đen ngang nhiên ra hành nghề bốc vác mà không xin phép ai hết, Tài bực mình ra lệnh bắt nó về xem thằng này bậm trợn cở nào mà không biết sợ ai hết. Đàn em tuân lệnh đem cả hai anh em về trình diện nhưng trước đó chúng đã dần thằng Lai một trận hộc cả máu mồm máu mũi.

Tài suýt phì cười vì thằng nhóc tuy to con nhưng mặt mũi non choẹt. Đúng là lai Mỹ Đen với bộ tóc xoăn tít và nước da Châu Phi y hệt như những lính Mỹ Tài từng đi hành quân chung.Tài hất hàm:

- Mầy tên gì? mấy tuổi?

- Dạ con tên Nguyễn Thanh Lai, năm nay con mười bốn tuổi.

- Mầy lên đây làm bốc vác hồi nào? Có xin phép ai không? Còn thằng nhóc này là ai?

- Dạ hai anh em con đói quá nên làm đại chứ không xin ai. Dạ em con tên Lê Ngọc Minh.

- Mầy giởn mặt tao hả, mầy họ Nguyễn nó họ Lê làm sao là anh em?

- Dạ tui con là anh em trong nhà mồ côi.

Tài chợt cúi xuống đất khi nghe thằng nhỏ khai là dân mồ côi, lại cưu mang thêm một thằng em cũng mồ côi không ruột thịt, Anh gục gặc đầu:

- Tụi nó đánh em có đau không?

- Dạ con hơi bị tức ngực môt chút, con chỉ lo cho em con thôi trưa nay không biết kiếm tiền đâu mua cơm cho nó ...

Tài nói vói ra sau:
- Năm, mở trói dẫn nó đi rửa mặt rồi ra bà Sáu mua cho hai đứa hai dĩa cơm sườn. Nói bà Sáu cho anh Tài ghi sổ.

Năm ghé tai đại ca nói nhỏ:
- Thằng này cũng không vừa đâu anh Tài, nó chống cự đấm thằng Đực sưng mỏ ...

Tài cười :
- Để cho tụi bây khỏi ỷ đông ăn hiếp ...

Rửa ráy xong Năm dẫn hai anh em Lai ra trình diện đại ca Tài. Lai chắp tay trước ngực cúi đầu:

- Dạ hai anh em con cám ơn đại ca ....

Tài khoác tay:
- Thôi khỏi, kêu anh là anh như mấy đứa. Ăn no rồi vô đây nói chuyện...

Tài tập hợp bọn em út chỉ Lai nói :
- Bây giờ thằng Lai cũng thuộc anh em mình, tụi bây đừng ăn hiếp nó. Hai thằng Đực, thằng Long đi kèm giúp đở nó. Còn thằng Lai theo mấy anh ...

Đực miệng còn sưng vổ vai Lai nói như mếu:
- Mầy có võ hả Lai? mầy đấm tao một cái xém thấy ông bà ông vải...

Tài đốt điếu thuốc Ruby hít hơi dài nhấp một ngụm cà phê sửa. Gu của anh là Ruby mặc dù anh dư đìều kiện hút Philip Morris. Anh vẫn nhớ đến những tháng ngày băng rừng vượt suối với anh em cùng đơn vị. Anh dấu kín không cho ai biết anh cũng dân mồ côi mất cha mẹ và đi bụi đời hồi còn rất nhỏ. Lai khiến anh nhớ lại thời thơ ấu cực khổ của mình. Nó còn dám vác theo một thằng nhóc trong khi thân ốc của nó chưa lo xong. Tâm địa thằng lai Mỹ Đen này khá quá !!! Tài thấy cảm tình với thằng nhỏ và duy nhất chỉ mình nó được ban nhiều ân huệ khi gia nhập vào băng bốc vác của anh Tài Trọc.

Lai không còn phải lo miếng ăn chổ ngủ cho hai anh em nữa. Nó lại siêng năng làm việc và rất biết điều nhường khách cho anh em. Khách thương kêu nó liên tục, nó khoẻ, ăn uống ngủ nghĩ đầy đủ nên làm việc không biết mệt, nhưng không muốn ôm hết lợi lộc cho riêng mình. Riết rồi cả băng - nhất là anh Tài Trọc - ai cũng thương Lai và Minh.

Nguoiviettudo

Mời đọc tiếp chương 4

No comments:

Blog Archive