MỘT CHUYẾN THĂM NUÔI
Những ngày cuối đời trên giường bệnh, Mạ tôi hay kể chuyện đời xưa. Chuyện gì nhớ đến đâu thì kể tới đó, phần lớn là những chuyện xảy ra đã lâu nhưng để lại ấn tượng rất lớn với Mạ.
Mạ kể năm đó được giấy đi thăm nuôi Ba tôi đang bị giam giữ tại trại tập trung học tập cải tạo Bắc Thái ở ngoài Bắc. Mạ tôi chắt chiu được thùng đồ tiếp tế cho Ba và đơn thân một mình ra đi.
Phải mất mấy ngày mới đến nơi thì được cho biết họ đã chuyển Ba tôi đến một phân trại khác, không còn ở đây nữa. Lúc đó trời đã về chiều gần tối, Mạ xin ở lại tạm trú qua đêm, mai sẽ tiếp tục đi, nhưng ban quản giáo trại nhứt định không chịu, viện luật lệ của trại không cho. Họ cho địa chỉ trại mới Ba tôi ở, và nói Mạ ra đường cái ngoài kia đón xe đi. Mạ không biết làm gì hơn đành ôm thùng đồ cho Ba trở lại đường cũ.
Khi ra trở lại tới đường cái thì trời sập tối, đồng không mông quạnh, không một ánh đèn điện, không xe cộ nào đi ngang để xin đi cả. Mạ tôi khi đó lo sợ vô cùng vì đơn thân từ nam ra bắc thăm nuôi chồng ở nơi xa xôi này, bây giờ đứng giữa đường hoang vắng, lỡ có thổ phỉ giặc cướp ra thì sao? Nhất là nhìn Mạ tôi với thùng đồ cũng biết là vợ của “Ngụy” ra đây thăm chồng, chắc chắn sẽ mang theo tiền bạc. Lo thì lo chứ Mạ biết làm gì hơn là cầu nguyện Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn.
Không biết do lời cầu nguyện của Mạ hay tình cờ, từ cuối đường bỗng có hai chiếc xe đạp chạy đến. Hai thanh niên còn trẻ rất giống nhau như hai anh em, độ tuổi 17, 18 thấy mạ tôi đứng đó, họ tới hỏi có phải thân nhân sĩ quan “Ngụy” trong kia đến đây thăm chồng, sao không vào trại mà đứng đây? Mạ tình thiệt nói đúng là ra thăm chồng, nhưng ông đã chuyển đi chỗ khác. Mạ đưa họ địa chỉ chỗ mới của ba tôi. Hai anh em nhìn và nói biết trại đó ở khá xa, Mạ phải ra thị xã, xong rồi từ đó mới có xe đi tiếp. Ở đây không xa thị xã lắm, nhưng cũng phải đợi sáng mai mới có xe đi qua chở, bây giờ đã trễ rồi, Mạ tôi đứng đây nguy hiểm mà chắc chắn không có xe đi.
Đang phân vân không biết tính sao, bỗng hai anh em nọ nói họ sẽ chở Mạ ra thị xã giùm. Không còn cách nào hơn, Mạ đành nhắm mắt đưa chân.
Người anh thì chở mạ, người em thì chở thùng đồ, trên đường đi vắng teo và tăm tối nhưng anh em họ quen thuộc đường lối nên chạy khoảng nửa tiếng thì tới thị xã, có chút ánh đèn điện văn minh. Họ đưa Mạ tới chỗ có phòng trọ an toàn cho Mạ qua đêm, lại còn dặn dò kỷ lưỡng ngày mai mấy giờ, đón xe gì để tới chỗ của ba tôi chi li như biết rất rõ đường đi nước bước đến trại mới này. Đâu ra đó xong xuôi, họ từ giả ra về. Mạ tôi cảm động vô cùng muốn tặng chút tiền để tỏ lòng cám ơn, nhưng cả hai anh em đều nhứt quyết từ chối, nói thế nào cũng nhứt định không. Cuối cùng, thấy Mạ cứ nằn nì, và sẵn có hàng thuốc lá lẽ gần đó, hai anh em chịu để Mạ tôi mua cho một gói thuốc lá, và đạp xe trở về.
Sáng hôm sau, Mạ tôi theo lời chỉ dẫn của họ mà đi đến nơi, về đến chốn, gặp được Ba tôi và trao gói quà. Mạ nói trời phật phò hộ cho Mạ gặp người tử tế chứ hôm đó anh em nọ đập Mạ một cái ngất xỉu rồi lấy hết tiền bạc cùng thùng đồ tiếp tế cho ba mang đi thì cũng chịu chứ không biết ai đâu mà kêu!
Tôi hỏi có biết tên anh em nọ? Mạ nói hôm đó vô ý không hỏi!
Mỗi năm tháng Tư đến lòng không khỏi bồi hồi nhớ một giai đoạn trầm luân khổ ải của không biết bao nhiêu người vợ của các Quân Cán Chính miền Nam phải lặn lội nuôi chồng tù tội những nơi xa xôi hiểm trở tận ngoài Bắc. Trường hợp xảy ra như Mạ tôi chắc không phải it, thử hỏi có được mấy người được may mắn như Mạ?
Đã mấy mươi năm trôi qua. Ba và Mạ tôi đều ra người thiên cổ. Tuy không biết hai anh em nọ là ai, nhưng niềm cảm kích của gia đình tôi đối với tấm lòng nhân ái của họ không bao giờ quên.
ThaiNC
No comments:
Post a Comment