Tháng Tư- Môi Tắt Nụ Cười
Tìm được một nụ cười trên môi một người VN lưu vong vào tháng 4 hàng năm không dễ dàng. Cả 30 ngày của tháng tư, "những ngày mây xám giăng trên đỉnh trời", hình ảnh những người đã bỏ mình cho 20 năm tự do của miền Nam, những người mãi mãi nằm lại dưới đáy đại dương , không đặt chân được bến bờ tự do hiện về trong ký ức của chúng tôi rõ mồn một như mới hôm qua.
Mỗi người có một cách riêng để thắp nén hương lòng đến những người đã khuất, những người đã hy sinh hay mất một phần thân thể vì đất nước, những người chết tức tưởi trong ngục tù cải tạo, những người bỏ mình trên đường tìm tự do. Chúng tôi thì thường lái xe ra ven biển Thái bình dương chạy dọc California, ngồi trên bãi cát, hướng về quê nhà ở bên kia bờ đại dương để gởi lời cầu nguyện vào hư không cho những người quá cố.
***
Đôi mắt màu nâu của anh Dũng hàng xóm ngày xưa, và nụ cười hiền hòa của anh chợt hiện về trong ký ức chúng tôi. Anh Dũng hiền lành, hay cho kẹo tụi nhóc trong xóm đã "xếp bút nghiên theo việc đao cung" sau mùa hè đỏ lửa của năm 1972. Từ đồng phục của học sinh lớp 12 chuyển qua quân phục, anh Dũng vẫn "hiền như bụt", hay cho tụi con nít chúng tôi những gói kẹo ngọt ngào thơm mùi trái cây. Vậy mà anh đã bỏ gia đình, bỏ cuộc đời vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, chưa kịp bước vào tuổi 21.
Nghe kể lại, sau khi chiến tranh chấm dứt, mãi không thấy anh về, ba mẹ của anh đến nơi đóng quân của anh. Hai bác được nghe kể lại, ở cái tiền đồn ven đô Sài gòn có mười hai người lính trẻ cùng tự sát. Anh Dũng là tiểu đội trưởng, sau khi tự kết liễu đời sống của mình, đôi mắt màu nâu của anh vẫn mở to nhìn bầu trời đầy mây xám của ngày 30 tháng 4 năm 1975. Một người dân tốt bụng ở gần đó, đến vuốt mắt anh, đôi mắt màu nâu vẫn mở to, ông phải khấn, và đến lần thứ ba vuốt mắt, đôi mắt màu nâu của người lính trẻ mới khép lại.
48 năm trôi qua rồi anh Dũng ơi, một trong những đứa nhóc ở cư xá Đoàn Văn Cự, Biên Hòa ngày xưa vẫn nhớ anh, nhớ những viên kẹo đủ màu anh cho thời nhỏ dại. Và đôi mắt nâu mở to nhìn bầu trời ngày 30 tháng 4 năm 1975 vẫn hiện về trong trí tưởng của chúng tôi.
Chân thành thắp mười hai nén hương lòng cho anh Dũng và đồng đội của anh. Tên của những người lính trẻ hào hùng tự sát trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 chưa phai nhạt trong lòng rất nhiều người. Tên các anh dù không được ghi trong lịch sử nhưng các anh được những người Việt Nam lưu vong tưởng nhớ vào đúng ngày giỗ 30 tháng 4 của các anh.
***
Vào một ngày cuối tháng 7 năm 2019, chúng tôi về VN thăm mẹ. Một cơ duyên tình cờ, được sự ủy nhiệm của Nhà Thơ Trần Mộng Tú, chúng tôi ghé nhà thờ Tân Định, nơi để những hủ tro cốt của người quá cố để "thăm" chú Thái Hoàng Cung, một Thiếu Úy VNCH tử trận ở Bình Thủy năm 1969 lúc Chú vừa bước vào tuổi 26. Nhờ một giáo dân hay đi lễ ở Nhà Thờ Tân Định, chúng tôi tìm ra bình đựng tro cốt của Chú có dòng chữ "Thái Hoàng Cung 1943-1969". Đúng là Chú Cung.
Đặt tay lên một chút tro tàn còn lại của Chú (vốn là bạn thân của Thầy dạy Toán của chúng tôi năm lớp 8 ở Ngô Quyền- Biên Hòa). tôi không "khuỵu chân ngồi xuống giữa lối đi của hai hàng kệ, khóc như chưa bao giờ được khóc" như Cô Trần Mộng Tú, người vợ mới cưới của Chú vào tháng 4 năm 1969, nhưng nỗi ngậm ngùi, xót xa dâng lên ngút ngàn. Nỗi ngậm ngùi vẫn kéo về khi tôi đứng trước di vật, hay di ảnh của những người lính trẻ đã bỏ mình vì tự do.
Chú tử trận ngày 30 tháng 7 năm 1969, nên dù bận rộn trong hai tuần về thăm Mẹ ở Việt Nam, tôi vẫn sắp xếp đến thăm Chú vào ngày 30 tháng 7 năm 2019, nửa thế kỷ sau khi chú tử trận ở miền Tây VNCH. Dù không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo, tôi cũng đã gởi một số tiền nhỏ xin lễ cho chú Thái Hoàng Cung, một trong những người lính trẻ đã bỏ mình cho hai mươi năm tự do của miền Nam.
Chúng tôi tin là không chỉ có Cô Trần Mộng Tú, mà vào ngày 30 tháng tư hàng năm, cả triệu người VN lưu vong cũng thầm thắp nén hương lòng cho Chú Thái Hoàng Cung, cho những người đã hy sinh thân mình cho hai mươi năm tự do non trẻ của miền Nam. Những người lính dù đã nằm xuống nhưng với những người dân miền Nam, sự hy sinh của họ vẫn được trân trọng bây giờ và mãi mãi.
***
Không ai có thể ngờ được một Sử gia có tấm lòng với đất nước, người đã biên soạn bộ Việt Sử tân biên, gồm 7 quyển, ròng rã từ năm 1956 đến năm 1972 đã bị đày đọa đến chết trong trại "tù cải tạo" Tân Lập (Vĩnh Phú) vào năm 1980. Ở tuổi 65, sống trong hoàn cảnh tù đày, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, có nhiều bệnh mãn tính, nhà sử học có tài của VNCH bị buộc khiêng vác những giỏ than đá vào bếp. Ông kiệt sức qua đời trong thương tiếc của học trò và đồng đội ở trại tù Tân Lập.
VIỆT SỬ TÂN BIÊN tác giả PHẠM VĂN SƠN
Vì vậy đừng hỏi tại sao có những người Việt Nam lưu vong không bao giờ trở về quê cha đất tổ khi nào đất nước vẫn còn rất nhiều tù nhân lương tâm, nhiều người tù không tội từ tháng 4 năm 1975 mãi cho đến bây giờ.
Sử gia Phạm Văn Sơn đã khuất bóng từ hơn 40 năm qua, nhưng bộ Việt Sử Tân Biên được biên soạn bằng kiến thức, và bằng tấm lòng của tác giả vẫn được lưu truyền trên nhiều trang web khác nhau của người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Đó là cả một gia sản quý báu ông để lại cho các thế hệ sau.
Di ảnh Cố Đại Tá Sử Gia PHẠM VĂN SƠN (1915-1980)
Với lòng thành kính, vô cùng tưởng tiếc Sử gia Phạm Văn Sơn, và trân trọng công trình biên soạn của ông để lại cho dân tộc và đất nước.
***
Một nén hương tưởng niệm của mùa quốc hận năm nay xin gởi vào lòng đại dương cho Thống và Túy, hai trong số vài người bạn cùng thời của chúng tôi không đặt chân được đến bờ bến tự do.
Đó là "tình đầu là tình cuối", Thống và Túy có một đám cưới nhỏ sau hai năm rời Trung học. Không lâu sau đó, cả hai vợ chồng rời Việt Nam trên một cái ghe nhỏ chỉ có khoảng 50 thuyền nhân. Chiếc ghe rời cửa biển Nha Trang vào một ngày không trăng cuối tháng 4 năm 1985 trời yên biển lặng. Nhưng mãi mãi không có một tin tức gì về những người trên ghe.
Một năm trôi qua, gia đình của Thống và Túy chọn ngày 30 tháng 4 là ngày giỗ của đôi vợ chồng trẻ. Đau đớn hơn, Túy đã mang thai ba tháng trước lúc rời VN.
Trong nỗi đau chung của tháng 4 đen có nỗi đau riêng của nhiều gia đình.
***
Tháng 4 năm 2025, chúng tôi sẽ thả 50 chai nhỏ từ nhiều cửa biển khác nhau ở khắp thế giới. Trong mỗi cái chai sẽ có một câu chuyện thật, một hệ quả đau buồn từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp. Có thể cả bài này cũng sẽ lênh đênh trên biển như tác giả của nó đã là một thuyền nhân vượt đại dương vào một ngày đầu tháng 6 năm 1988.
Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm để các thế hệ sau hiểu tại sao các em phải sống đời lưu vong, tại sao người VN nào cũng yêu mảnh đất hình chữ S nhưng vẫn phải sống ở ngoài Tổ quốc.
Gần 50 năm qua, chúng tôi đã tha thứ (dù chưa bao giờ nghe thấy lời xin lỗi), nhưng chắc là suốt đời không bao giờ quên được những hệ quả đau xót của ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Như đồng cảm với chúng tôi, ngày 30 tháng 4 hàng năm, giữa mùa Xuân ở Mỹ, mà trời vẫn đầy mây xám. Và nỗi đau năm xưa vẫn nhói lên vào ngày cuối của tháng 4....
Nguyễn Trần Diệu Hương
Cuối tháng 4/2023
No comments:
Post a Comment