Yêu lời mẹ ru
Hình minh hoạ: pexels-pnw-production
Bạn học của Mẹ gặp Bê lần đầu, cười, nói với Mẹ:
-Thấy thằng Bê, khỏi hỏi, biết ba nó là ai liền.
Người bạn khác tiếp lời:
-Nghe Bê nói một câu, cũng biết đích thị mẹ nó là ai.
Bê đã học giọng Huế từ khi còn trong bụng Mẹ. Mẹ đã ru Bê bằng những bài học thuộc lòng khi Mẹ ở tiểu học:
Trường em xây ở ven sông
Bóng in đáy nước, nhòa trong cát vàng.
Xưa đây là bãi cỏ hoang,
Nay ngôi trường đẹp với hàng cây xanh
…
Hoặc bài Giờ Quốc Sử thật dài:
Những sớm mai bình minh le lói chiếu,
Trên non sông làng mạc ruộng đồng quê
Chúng tôi ngồi yên lặng lắng tai nghe,
Tiếng thầy giảng suốt trong giờ Quốc Sử.
Thầy tôi bảo: Các em nên nhớ rõ,
Nước chúng ta là một nước vinh quang
Mẹ ru. Tranh: Nguyễn Đức Tuấn Đạt
Hoặc Mẹ ầu ơ:
Bà ơi! cháu rất yêu bà,
Đi đâu bà cũng mua quà về cho.
Hôm qua có chiếc bánh bò,
Bà chia cho cháu phần to nhất nhà.
Đôi khi Mẹ đọc những câu ca dao bình dị:
Con mèo con chó có lông
Bụi tre có mắt nồi đồng có quai
Chiều chiều ông Ngự đi câu
Cái ve, cái chén, cái bầu, sau lưng.
Thời gian Bê học ở vườn trẻ Am Goldstein, buổi sáng Mẹ đưa Bê đến trường. Hôm nào Mẹ đi học, buổi trưa, ông Ngoại đi xe buýt, đón Bê về nhà ông bà Ngoại ở tới chiều, chờ Ba Mẹ về. Bê nói theo giọng ông bà Ngoại, cho nên Bê còn… Huế hơn cả Mẹ.
Bê sung sướng kể cô Oanh nghe:
-Con sắp sửa đi Ý.
Cô Oanh béo má Bê:
-Đi ị thì đi lẹ lẹ, chớ còn ở đó mà nói nữa. Hèn gì, nãy giờ bốc mùi.
Bê lắc đầu:
-Dạ không, tuần sau mới đi được.
Cô Oanh nghiêm giọng:
-Con không đi ị mỗi ngày, đau bụng phải đi bác sĩ để khám bịnh đó.
Bê giảng giải:
-Dạ không, cô Oanh không biết gì hết. Ý xa lắm, đâu đi mỗi ngày được.
Lúc đó, Mẹ phải xen vô thông dịch:
-Cu Bê sắp sửa du lịch qua nước Ý đó cô Oanh.
-Chu mẹc ơi, đi Ý mà ổng cứ nói đi ị thì ai mà biết.
Hình minh hoạ: pexels-jep-gambardella
Khi vào vườn trẻ, vốn liếng tiếng Đức của Bê rất gọn gàng. Mama là mẹ, Papa là ba, Auto là xe hơi, essen là ăn, pipi là đi tè. Vậy thôi. Ban đầu, Mẹ sợ Bê gặp khó khăn, vì không nói được tiếng Đức. Nhưng ai cũng bảo Mẹ chỉ khéo lo. Trẻ con học ngoại ngữ rất nhanh. Không việc gì phải bận tâm. Bê đi học thấy vui vui. Nhưng có hôm Bê nhớ Mẹ quá xá. Bê khóc bù lu, bù loa. Bê kêu Mẹ ơi, Mẹ ơi, chứ Bê không thích gọi Mama. Các cô giáo đoán Bê kêu Mẹ. Bà Hahn, mẹ của bé Sandra, tự nguyện bế Bê trong lòng suốt buổi cho đến khi Mẹ đến đón Bê về.
Mỗi buổi sáng, Mẹ bỏ trong cặp Bê một ít đồ ăn. Vài trái nho, miếng bánh mì, một hũ sữa chua kèm theo cái muỗng nhựa đẹp Bê vẫn thích. Đến giờ ăn sáng, tất cả bày đồ ăn ra bàn. Bê cũng bắt chước mấy bạn đồng thanh: “Wir wünschen allen guten Appetit, Chúc mọi người ăn ngon”. Ăn xong, Bê phụ cô giáo dọn dẹp lau bàn. Cô giáo dẹp muỗng nhựa của Bê xuống bếp.
Bê muốn nói với cô giáo, muỗng đó của Bê. Nhưng Bê đâu biết cái muỗng tiếng Đức gọi là gì. Nên Bê cứ níu áo cô Gabi nói: “essen, essen.” Cô giáo lắc đầu, nói: “Nein, không được”. Khi Mẹ đến đón Bê, cô Gabi kể, Bê hôm nay cứ đòi ăn thêm. Mẹ hỏi: “Bê đói bụng lắm phải không?” Bê kéo Mẹ xuống nói nhỏ: “Con không đói bụng, nhưng con muốn đòi cái muỗng của con, cô giáo dẹp cất trong bếp.” A, thì ra vậy, Mẹ vui vẻ cắt nghĩa cho cô giáo nghe sự hiểu lầm nho nhỏ.
Bê mê xe lắm. Mẹ cũng học hỏi thêm để “thảo luận” với Bê về xe cộ. Mẹ kể, hồi xưa ở Việt Nam, chú của Mẹ có chiếc xe con cóc. Mẹ nhớ đó là xe VW Käfer*. Hôm Bê chơi ngoài ban công, Bê thấy con Käfer, mừng rỡ, Bê vội kêu lên:
-Mẹ ơi, có con cóc ở bông hoa đây.
Vậy là Mẹ mang cuốn sách to ơi là to, chỉ cho Bê coi hình con cóc và con bọ cánh cứng. Sau này, các cậu đính chính. Ông chú quả thật có chiếc xe con cóc. Nhưng đó là xe Citroën deux cheveaux chớ không phải VW Käfer. Mẹ cười xí xoá với Bê:
-Tại hồi đó Mẹ chưa có Bê, Mẹ “dỏm” lắm, đâu có rành như bây giờ. Xe nào cũng có bốn bánh, đầu đuôi tròn tròn, làm sao Mẹ phân biệt được.
Mỗi lần về nhà bà Nội, bà Nội hỏi Bê:
-Con doi ra sao hả Bê?
Bê liến thoắng:
-Con doi nó có cái dòi.
Rồi Bê cao giọng “thuyết minh” cho Mẹ:
-Tức là con voi nó có cái vòi đó Mẹ.
Mấy cô chú cười, khen Bê giỏi ngoại ngữ. Thỉnh thoảng Mẹ nhờ Bê ghi chép những món hàng Mẹ sẽ mua ở chợ. Có hôm, Ba muốn trổ tài nấu bún bò. Ba nhờ Bê ghi vào giấy mua thịt. Ba đọc, “1 ký giò heo” Bê cẩn thận viết, “1 ký vò heo”. Mẹ bỏ nhỏ cho Bê rằng, giò heo mới đúng.
Bê phân trần:
-Ba nói dui dẻ, nhưng ý Ba là vui vẻ.
Bê vùng vằng:
-Tiếng Việt kỳ cục, kỳ cục.
Hình minh hoạ: pexels-takashi-suzuki
Mẹ nói, ai cũng có lúc bị “trục trặc kỹ thuật”, dù cùng trò chuyện tiếng Việt với nhau. Lần đó, Ba Mẹ Bê đi khu chợ Việt Nam ở Cheb, Tiệp Khắc gần biên giới Đức. Qua đó, một công mấy chuyện. Ba Mẹ mua gạo. Gạo bên đó vừa ngon, vừa rẻ. Rồi ghé vô tiệm cắt tóc, thể nào cô thợ sẽ nói: “Cô cắt đầu đinh cho cháu nhé”. Kiểu đầu thời trang này, bạn Bê khen “ngầu”, mà cô gọi đầu đinh, nghe tức cười quá. Sau đó, đi coi những chậu đất trồng cây, coi các dĩa phim và nhạc. Cuối cùng ghé vào tiệm ăn. Ăn xong, Mẹ nhờ Ba mua cho Mẹ gói xôi đậu phụng. Ba nói với cô bán hàng:
-Chị cho một phần xôi đậu phụng.
Cô bán hàng nhanh nhẩu:
-Vâng, một gói xôi lạc ạ.
Ba do dự:
-Đừng lạt! Chị làm ơn cho xôi mặn đi.
Cô bán hàng vui vẻ:
-Vâng, thế có ruốc đây.
Ba lắc đầu nguầy nguậy:
-Thôi, thôi, đừng cho ruốc vào. Xôi không như vậy thôi.
Cô bán hàng chiều ý khách:
-Vâng, tùy anh.
Mẹ theo dõi đối thoại của Ba, nháy nháy mắt với Bê:
-Tiêu Ba rồi Bê ơi. Ba gặp vấn đề với “ngoại ngữ” đó Bê.
Vừa lúc đó Ba đem gói xôi chay tới. Ba lật đật kể:
-Dân Bắc ăn uống quái chiêu thiệt! Xôi đậu phụng mà ăn với mắm ruốc.
Mẹ không nín cười được:
-Không phải đâu anh. Ruốc tức là thịt chà bông, em còn gọi là thịt chấy đó.
Rồi Mẹ cắt nghĩa cho hai cha con rằng, lạc là đậu phụng. Giọng Bắc phân biệt lạt và lạc. Còn giọng Trung và Nam phát âm gần như giống nhau.
Bê khoái chí:
-Mẹ thấy chưa, Ba còn te tua như vậy. Con lâu lâu nói lầm, hiểu sai một tí đâu sao. Mà nhiều khi con nói tầm bậy, tầm bạ, chớ cũng đúng tùm lum, tà la.
Thỉnh thoảng Bê siêng, Bê làm bánh mì bỏ trong hộp cho Mẹ đem đi làm. Bê cẩn thận viết trên giấy dán nắp hộp, “Chúc Mệ ăn ngon”. Mẹ cười vui:
-Bánh mì Bê làm, thể nào mẹ ăn cũng ngon. Nhưng mẹ gọi bà Ngoại và bà Nội của mẹ là Mệ. Không sao, lần sau Bê viết cho trúng nghe.
Bê cảm thấy “quê xệ” quá. Chữ dễ như vậy mà viết sai, kỳ thiệt. Bê vội bào chữa:
-Con nghĩ, nhiều khi Mẹ là Mệ đó chứ. Tại Mẹ mang kính cho người già. Mẹ thỉnh thoảng bị đau lưng đó.
Mẹ chồm qua vặn nhẹ tai Bê:
-Thằng ni xạo quá. Ngó bộ ít bữa lớn, Bê đi làm luật sư được đó.
Bê lúc lắc đầu:
-Sao bữa trước Mẹ nói con sẽ thành bác sĩ, tại con viết chữ như gà bới.
Cuối tuần, Bê học tiếng Việt với Mẹ. Mẹ dạy Bê câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Bê không đồng ý:
-Con ăn quả nhớ công Ba Mẹ đi chợ. Ba Mẹ trả tiền là trả công cho người trồng cây rồi.
Bê học được câu nào hay, gặp dịp, Bê hành ngay. Trong bữa ăn, Bê thấy nồi còn chút cơm, Bê hỏi:
-Ba Mẹ ăn thêm cơm không?
Ba nói:
-Không, con ăn đi.
Mẹ cười vui:
-Bê biết hỏi như vậy là rất giỏi. Mẹ mừng ghê.
Bê “nổ” liền:
-Con mà! Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.
Hình minh hoạ: pexels-tuan-pm
Mẹ hí hửng, kể đi, kể lại cho mọi người, rằng tiếng Việt của Bê “chiến” lắm. Cho nên, cuối tuần sau đó, Mẹ phát cho Bê bảng danh dự. Bê được lên lớp Ba trường của Mẹ, mặc dầu Bê đã học lớp Sáu trường trung học Wilhelm Hausenstein rồi.
Có lần Mẹ nhận làm thông ngôn tận trên miền bắc Đức. Người ta mua vé máy bay cho Mẹ. Bê hỏi lui, hỏi tới, tức là Mẹ không làm gì hết, Mẹ chỉ nói tiếng Việt, mà được đi máy bay, ở khách sạn không trả tiền.
-Sao lại không làm gì! Mẹ dịch tiếng Đức qua tiếng Việt, rồi dịch tiếng Việt qua tiếng Đức.
-Mà tiếng Việt tiếng Đức chi cũng dễ ẹc hà. Cool thiệt. Ít bữa con lớn, con có được như Mẹ không?
-Còn hơn nữa. Nếu con chịu khó rèn luyện tiếng Việt, con sẽ nói tiếng Việt như mẹ. Hơn nữa, tiếng Đức của con hay hơn của mẹ.
Bê tưởng tượng, không chừng người ta sẽ mời Bê qua Mỹ, qua Tây, vì tiếng Anh, tiếng Pháp của Bê cũng “xịn”.
Về Việt Nam, Bê rất thích, mà thích nhất Huế. Ở Huế, Bê nói chi, người ta hiểu liền. Chứ không như ở Sài Gòn, người ta cứ hỏi hoài, là Bê nói cái gì. Nhiều khi người ta không hiểu, Bê phải múa tay loạn xà ngầu.
* * *
Bê thấy Mẹ ngồi yên thật lâu bên máy. Có lẽ máy trục trặc, thể nào Mẹ cũng kêu Bê giúp. Bê đến bên Mẹ, khèo khèo vai Mẹ:
-Mẹ của con. Frauen und Technik (phụ nữ và kỹ thuật). Máy bị sao hả Mẹ?
Mẹ nói nhỏ:
-Cám ơn Bê. Máy vẫn chạy ngon lành.
-Sao Mẹ có vẻ buồn vậy?
-Đâu có, đâu có. Mẹ mới nhận thư của bạn mẹ. Mẹ cảm động quá, nhớ lại bao nhiêu chuyện.
Bê biết không, bạn mẹ nhắc đến câu ru, Em tôi buồn ngủ buồn nghê/ Buồn ăn cơm nếp cháo kê thịt gà. Lúc Bê còn tí xíu, mẹ cũng hay ru Bê câu này.
Bê ôm vai Mẹ:
-Thiệt hả Mẹ? Mẹ đọc lại cho con nghe câu ru lần nữa đi, coi thử con có nhận ra không.
-Bê cưng ơi, bây giờ có lẽ con chưa nhớ đâu. Ngày xưa, bà Ngoại ru mẹ, mẹ còn nhỏ lắm, mẹ không nhớ. Khi mẹ có con, những câu ru như sống lại trong đầu mẹ.
Bê và Mẹ. Ảnh tác giả gửi
Mẹ chớp chớp mắt, mắt Mẹ như ướt ướt, Mẹ nói thật nhỏ như một mình:
-Mẹ thương lắm câu ru Mạ của mẹ ru mẹ, thương vô cùng. Bạn của mẹ nhắc tới câu ru, cũng trìu mến như vậy. Người bạn và mẹ có sự đồng cảm lớn lắm.
Bê chưa hiểu hết những lời Mẹ đang tâm sự với Bê. Nhưng lúc nào với Bê, Mẹ cũng là những lời ru êm dịu nhẹ nhàng. Mẹ ơi, con cũng yêu lời Mẹ ru, như Mẹ yêu lời bà ngoại ru Mẹ đó, Mẹ ơi…
…
Viết thêm:
Mới năm nào đây, Mẹ chồm qua vặn nhẹ tai Bê:
-Thằng ni xạo quá. Ngó bộ ít bữa lớn, Bê đi làm luật sư được đó.
Lời mắng yêu của Mẹ vì tật hay lý sự của Bê nay đã thành sự thật. Bê học xong trường Luật, thành “thầy cãi” người Đức. Giờ đây, Mẹ muốn vặn tai Bê phải cần tới cái ghế đẩu, vì Bê cao hơn Mẹ cả mấy tấc. Nhưng lúc nào Mẹ cũng dành cho Bê những lời ru tiếng Việt tràn đầy thương yêu.
Hoàng Quân
14 tháng 4, 2023
*
*Käfer: con bọ cánh cứng
No comments:
Post a Comment