Sunday, April 30, 2023

NGUYỄN NGỌC TRỤ: ANH HÙNG TỬ KHÍ HÙNG BẤT TỬ!

Đó là một buổi chiều ảm đạm vào khoảng tháng Sáu năm 1977 ở trại giam Suối Máu thuộc thành phố Biên Hòa. Vậy mà đã mười năm.

Mười năm xuôi ngược bên trời
Xót thân tơ liễu, xót đời bể dâu.
Mười năm hoa lá ưu sầu
Vàng tan, ngọc nát nhìn nhau ngậm ngùi
Mười năm vật đổi, sao dời
Em sầu thiếu phụ ngậm ngùi lòng ta.
Mười năm cánh vạc bay qua
Mười năm biết mấy xót xa đoạn trường
Mười năm lệ xối xả tuôn
Có bao thiếu phụ thành hòn vọng phu?
Mười năm một mảnh trăng lu
Trăng soi đâu tỏ nỗi sầu nhân gian.
Mười năm mắt lệ ngỡ ngàng
Lòng đâu muốn khóc lệ tràn quanh mi.
Mười năm ai hát biệt ly
Để cho núi cắt, biển chia lối về.
(Thơ NTN)

Tôi biết dù mười năm hay nhiều hơn nữa, tôi cũng chẳng bao giờ quên được nụ cười của Nguyễn Ngọc Trụ – người tù dũng cảm ngay trong ngục tù cộng sản đã nói lên những sự thực và mỉm cười bước vào cõi hư vô.

Vào khoảng tuần lễ cuối tháng Ba năm 1977, Trung đoàn 775 tổ chức đợt học tập chính trị cho toàn thể trại viên Suối Máu. Giảng viên là tên Trung tá Chính ủy với khuôn mặt xương xương, cặp mắt láo liên, đôi môi xám xịt che kín hàm răng ám khói thuốc lào. 

Năm ngày đầu tuần với những lên lớp, xuống lớp, thảo luận, thu hoạch làm cho những tù binh mệt mỏi, đầu óc trống rỗng. Những luận điệu một chiều cũ rích: “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Lao động là vinh quang. Bàn tay ta làm nên tất cả. Với sức người sỏi đá cũng thành cơm” lúc bổng, lúc trầm mà chính người nói cũng không hiểu mình định nói cái gì. Nhưng mà có cần gì, bởi lẽ tên Trung tá Chính ủy cũng chỉ là một con ốc trong cái guồng máy Cộng sản sắt máu.

Ngày cuối tuần là ngày giải đáp thắc mắc về bài học vùng kinh tế mới.
Dưới cái nóng hầm hập phả ra từ mái tôn, các tù binh mệt mỏi ngồi im như những pho tượng, mặc tình tên chính ủy múa may hò hét, khoa tay khoa chân. Với điệu bộ lấc cấc, gương mặt đầy vẻ tự mãn, tên chính ủy nhìn xuống đám đông qua chiếc kính đeo trễ gọng trên sóng mũi, rồi cất giọng the thé:

-Thế này nhé: Trong thời gian gần hai mươi tháng qua các anh đã được Đảng và Nhà nước khoan hồng tạo điều kiện cho các anh học tập, lao động cải tạo, các anh cũng đã được gia đình thăm viếng, mỗi ngày các anh được xem “ti-di”, sách báo. Nói tóm lại các anh đã được tiếp xúc và đã biết được phần nào về Chủ nghĩa Xã hội tốt đẹp. Là ngụy quân, các anh đã lớn lên và sống trong chế độ Tư bản xấu xa thối nát của miền Nam. Nay qua các bài học, các anh đã được sáng mắt, sáng lòng. Nếu anh nào còn có điều gì thắc mắc nêu lên tôi sẽ giải đáp.

Toàn thể hội trường im phăng phắc. Tên chính ủy thụp xuống chiếc bục. Mọi người nghe rõ tiếng sòng sọc của chiếc nõ cầy. Khói thuốc bay lên mù mịt. Tên chính ủy đứng lên cho lệnh giải lao. Một sợi khói thuốc lào còn sót bay qua kẽ răng lúc y nói.

Qua giờ thứ hai, khi lớp học tập hợp xong, bỗng từ phía cuối hội trường có tiếng xầm xì. Tên chính ủy đứng trên bục giảng, gương mặt rạng rỡ như cô gái giang hồ đêm khuya ế khách bỗng chợp được một khách làng chơi say rượu thèm tình, y ngúc ngúc cái đầu với vẻ tự đắc:

- Anh nào có gì thắc mắc thì cứ tự do phát biểu. Thế mới dân chủ bàn bạc. Tôi cho phép các anh nêu thắc mắc về mọi vấn đề ngoài bài học.

Y đưa tay chỉ thẳng vào một người tù đang đưa tay che mũi:
- Anh gì đấy, có gì thắc mắc cứ đưa thẳng tay lên xin phát biểu, có gì mà phải rụt rè thế. Nào, thắc mắc gì thì cho biết?

Người tù vừa được nói tới lúng túng đứng dậy, gương mặt anh ta nhăn nhó rất là khó coi:
- Thưa cán bộ tôi không có gì thắc mắc. Nhưng...

Tên chính ủy khuyến khích:
- Cứ mạnh dạn phát biểu, chả ai bắt tội anh đâu.

Người tù đưa tay gãi gãi đầu, khịt khịt mũi, nói:
- Thưa cán bộ thiệt tình là tôi không có điều gì thắc mắc. Nhưng tôi có điều muốn trình bày nếu cán bộ cho phép.

Tên chính ủy cười hể hả:
- Cứ nói đi, có gì mà phải phép tắc.

Người tù lại gãi gãi đầu:
- Thưa cán bộ, tôi nghĩ là cán bộ hiểu lầm tôi đưa tay xin phát biểu ý kiến. Sự thực là tôi đưa tay che mũi vì không biết có anh nào chột bụng hay sao đã đánh rắm thối quá, chịu không nổi.

Cả hội trường cười một cái rần. Tên chính ủy tẽn tò nhưng y cũng không nín được cười.

Y lầm bầm: “Thật chẳng ra làm sao cả.” Đợi hội trường yên lặng, anh ta lại hát bài hát cũ:

- Thế nào? các anh chẳng có gì thắc mắc cả sao? Sĩ quan cả, có ăn học cả, chắc chắn các anh phải biết phân biệt tốt xấu giữa hai chế độ. Đảng ta là đảng chủ trương dân chủ bàn bạc. Các anh cứ nêu những ý kiến, thắc mắc. Giải đáp được tôi sẽ giải đáp. Không giải đáp được tôi sẽ trình lên trên. Cần thiết tôi sẽ gặp đồng chí Lê Duẫn xin ý kiến để giải đáp cho các anh. Với danh dự của một người cộng sản, tôi xin hứa sẽ không có sự trù ếm, trả thù.
Mặc y lải nhải, cả hội trường vẫn im phăng phắc. Tên chính ủy vừa định ngồi thụp xuống bục gỗ kéo điếu thuốc lào, bỗng từ cuối hội trường một người đứng dậy và một giọng nói cất lên:

-Tôi xin có ý kiến.

Mọi người đều quay lại nhìn người vừa lên tiếng. Tên chính ủy thở phào như người vừa trút xong gánh nặng:
-Thế chứ. Thế nào, mời anh lên đây phát biểu.

Người tù chậm rải tiến lên bục hội trường với vẻ mặt tự tin. Anh ta nhìn tên chính ủy, nhìn khắp hội trường, rồi quay sang nhìn tên chính ủy:
-Tôi xin tự giới thiệu tôi là Nguyễn Ngọc Trụ, Tiến sĩ Công pháp Quốc tế, cấp bậc: Trung úy, chức vụ: giảng viên trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt, một vợ, hai con, thân sinh tôi là một Trung tá trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hiện đang bị tù cải tạo tại miền Bắc.

Anh ta ngừng nói. Cả hội trường im phăng phắc. Tên chính ủy nhìn anh ta gật gù:
-Anh có ý kiến gì cứ nêu lên. Với danh dự của một người cộng sản tôi xin hứa là sẽ không bắt tội anh đâu, dù là tôi không trả lời được những ý kiến, thắc mắc của anh.

Nói xong, y quay về đám đông:
-Thế mới dân chủ chứ, phải không nào?

Cả hội trường vẫn im phăng phắc trong cái im lặng đầy bất trắc.
Nguyễn Ngọc Trụ hắng giọng, lên tiếng. Giọng nói của anh rõ ràng, mạch lạc:
- Như cán bộ đã trình bày, cá nhân tôi đã sống và lớn lên trong sự cưu mang của chế độ Tư bản miền Nam. Tôi cũng đồng ý với cán bộ là xã hội miền Nam đầy dẫy những xấu xa, bất công, thối nát, những kẻ lãnh đạo bất tài tham quyền cố vị...

Nguyễn Ngọc Trụ ngừng nói. Cả hội trường vẫn im phăng phắc. Tên chính ủy gật gù với ý nghĩ trong đầu: “Có thế chứ!”

Giọng nói của người tù trên bục lại vang lên:
- Cũng như cán bộ đã trình bày, qua gần hai mươi tháng, tôi đã tiếp xúc với Xã hội Chủ nghĩa miền Bắc. Tôi đã được gia đình thăm nuôi nên biết được phần nào đời sống thực tế bên ngoài. Tôi cũng đã được đọc sách báo, được xem vô tuyền truyền hình. Thậm chí, tôi còn được sống gần gũi với những con người của Chủ nghĩa Xã hội miền Bắc là các cán bộ...

Cả hội trường vẫn im phăng phắc. Những người ngồi kế bên như nghe rõ tiếng nín thở của người bên cạnh. Tên chính ủy bắt đầu đi qua, đi lại. Giọng nói rõ ràng, mạch lạc của người tù trên bục giảng vang lên như một mũi dao nhọn xoáy vào một vết thương đang sưng tấy:

- Qua tiếp xúc giữa hai chế độ, tôi thấy chế độ Xã hội chủ nghĩa miền Bắc cũng không tốt đẹp gì hơn chế độ Tư bản miền Nam...

Tên chính ủy há hốc mồm. Cả hội trường im phăng phắc, sững sờ.

Giọng nói người tù trên bục giảng lại vang lên:
-Tôi không tin tưởng là đất nước sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội với những cái gọi là cách mạng giáo dục đi dôi với cách mạng khoa học kỹ thuật.

Anh ta nhìn thẳng vào mặt tên chính ủy:
-Tôi xin tạm mượn một hình ảnh để thí dụ: Con ngựa và chiếc xe. Người đánh xe đã tước đoạt mất tự do của con ngựa. Ông ta đã đóng móng vào chân ngựa, đã bịt mắt ngựa, tra hàm thiếc vào miệng ngựa, buộc ngựa vào xe và dùng roi quất vào mông ngựa để ra lệnh kéo cái xe. Chúng tôi và những người dân bây giờ cũng giống như những con ngựa. Đó là ý kiến của tôi về hai chế độ. Xin hết.

Tên chính ủy xanh mặt. Y thọc mạnh hai bàn tay đang run lên vì tức giận vào hai túi quần màu cứt ngựa. Y nghiến răng lẩm bẩm một điều gì đó không phát ra thành tiếng.

Cả hội trường có tiếng xì xào, rì rầm.
Nguyễn Ngọc Trụ bình tĩnh trở về chỗ ngồi. Một người nào đó nói nhỏ với anh ta:
- Anh nói làm chi những điều như vậy.

Nguyễn Ngọc Trụ mỉm cười trả lời:
- Tôi phải nói những Sự Thật dù biết là sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mình.

Tên chính ủy ra lệnh giải tán lớp học mặc dù còn phải hai giờ nữa mới hết giờ. Y hấp tấp quảy cái sắc-cốt lên vai, đi như chạy ra khỏi hội trường với cái dáng đi hai hàng của y.
*
Ngay sáng hôm sau, Nguyễn Ngọc Trụ được hai tên vệ binh có võ trang vào gọi anh lên trình diện Bộ Chỉ huy Trung Đoàn. Và ngay buổi chiều hôm đó anh bị biệt giam vào conex.

Ba tháng sau. Vào một buổi chiều, một vài người tù đang thơ thẩn ở sân cát cạnh hàng rào kẽm gai bỗng kêu lên:
-Thằng Trụ ra kìa.

Tin tức lan nhanh. Mọi cắp mắt đều đổ xô về chiếc conex. Nguyễn Ngọc Trụ đôi mắt trũng sâu trên đôi má hóp, tóc phủ ót, phủ mang tai, râu ria tua tủa. Hai ống chân ốm tong teo chỉ còn da bọc xương, đứng không nổi phải vịn tay vào thành conex.

Tên chính ủy quảy cái sắc-cốt, bên hông lủng lẳng khẩu K.54, đứng hỏi Nguyễn Ngọc Trụ những điều gì đó rất lâu. Kế bên là hai tên vộ binh cầm súng trong tư thế nhả đạn.

Có lúc Trụ ngã xuống rồi lại cố gắng vịn thành conex đứng lên. Mọi người đều thấy sau mỗi lần tên chính ủy hỏi một điều gì đó Trụ lại lắc đầu. Những câu trả lời chỉ là những cái lắc đầu.

Tên chính ủy có vẻ hằn học, quay lại ra lệnh gì đó với hai tên vệ binh và bỏ đi với cái dáng đi hai hàng của y. Trụ nhích từng bước, từng bước rồi khuất hẳn vào conex. Một tên vệ binh đóng sầm cửa conex, khoá lại rồi cũng bỏ đi.

*
Sáng hôm sau kẻng báo động, còi tập hợp vang lên. Ban chỉ huy trại ra lệnh tập hợp tất cả tù nhân ở hội trường. Người chủ tọa không phải là tên Trung tá Chính ủy mà là tên Thiếu tá Chính trị viên Tiểu đoàn. Y nhe răng cười một cách rất vô duyên rồi đi thẳng vào vấn đề:
- Các anh biết đó, hôm nay trại mời các anh lên về chuyện của anh Nguyễn Ngọc Trụ.

Thực hết biết anh này. Trung tá Chính ủy đã nhiều lần thuyết phục, yêu cầu anh ta nhận những điều phát biểu trong buổi học là sai. Vậy mà anh ta vẫn khăng khăng không nhận. Anh ta nhất định giữ vững ý kiến và không chịu ra trước mặt anh em nhận là mình sai lầm. Cái chết là anh ta đã nói những điều đó trước mặt anh em để tuyên truyền. Phải chi anh ta chỉ trình bày những ý kiến đó với chúng tôi thì cũng còn được đi.

Tất cả mọi tù nhân ở hội trường đều sững sờ trước sự gian trá, lật lọng của tên Thiếu tá Chính trị viên nhưng không một ai dám lên tiếng. Và mọi người đều đau nhói khi nghe tên chính trị viên tiểu đoàn tuyên bố:

- Vì anh Nguyễn Ngọc Trụ tiếp tục ngoan cố, chống đối lại Đảng và Nhà Nước nên Bộ Tự Lệnh Quân Khu quyết định xử tử hình anh ấy. Lệnh sẽ được thi hành chiều nay.

*
Đó là một buổi chiều tháng Sáu ảm đạm. Nguyễn Ngọc Trụ bị bịt mắt, miệng bị nhét chanh trái, hai tay trói ké ra sau, hai tên vệ binh kéo thốc anh ra pháp trường.

Anh ngã quỵ xuống khi được tháo băng bịt mắt, cởi dây trói và lấy quả chanh ra khỏi miệng. Viên sĩ quan Việt Cộng phụ trách việc hành quyết hỏi anh có điều gì yêu cầu không, anh chỉ nói:

- Tôi đã nói lên những Sự Thực và không còn có điều gì yêu cầu.

Anh quay lại mỉm cười với các tù nhân bên trong hàng rào kẽm gai:
- Vĩnh biệt anh em!

Và bình tĩnh chờ dợi.
Mười hai tên vệ binh nhắm mắt bắn xối xả những tràng đạn AK vào người Nguyễn Ngọc Trụ – người tù dũng cảm – người đã dám nói lên Sự Thực ngay trong ngục tù cộng sản và mỉm cười bước vào cõi hư vô.

NGUYỄN THIẾU NHẪN

No comments:

Blog Archive