Một Thuở Long Đong
Phần I
Sau khi chiếm trọn miền Nam Việt Nam, ngày 30/4/1975, nhiều chiếc loa phóng thanh được đặt ở nhiều địa điểm suốt ngày loan: “Không được động tới cây kim sợi chỉ của dân”. Những binh sĩ, quân cán chính của chế độ cũ học tập ba ngày tại nơi cư trú và sau đó được cấp giấy tờ để trở về cuộc sống dân sự lo làm ăn. Lòng Nhẫn hoang mang, nhưng cũng mong mau tới ngày chồng chị cũng học tập như mọi người rồi sau đó yên tâm kiếm chỗ định cư lập nghiệp, lo cho ba đứa con.
Lệnh của Ủy Ban Quân Quản thành phố Saigon thông cáo: những Sĩ Quan của chế độ cũ phải trình diện, mang theo tiền bạc lương thực cho mười ngày học tập. Một nỗi nghi ngờ lóe lên trong đầu, nhiều lúc muốn hỏi ý chồng có tin được không? Rồi lại ngần ngại, kẻ biết trước giờ chết đau khổ hơn cái chết đến với họ thật bất ngờ. Chị chỉ đưa ý kiến sẽ đem con về sống với ngoại ở Ninh Hòa. Chồng chị trả lời:
- Anh không tính được gì cả cho đến lúc anh ở tù về.
Gom góp hết số tiền còn lại của chị đưa cho chồng. Một túi xách nhỏ, một chiếc mền mỏng, vài bộ đồ, khăn mặt bàn chải đánh răng, một cục xà bông. Đó là hành trang với lời căn dặn:
- Áo quần dơ anh đừng giặt, chừng mười ngày về, em giặt cho.
Vợ chồng chị chia tay không nói với nhau một lời. Anh cầm tay chị bóp mạnh. Anh xoa đầu các con dặn:
- Ở nhà nghe lời má!
Một nỗi cảm xúc nghèn nghẹn chận ngay cuống họng, không ai nói được lời gì.
Mười ngày dài chị đếm từng giây phút trong nỗi lo âu với sự nghi ngờ, từng đêm khắc khoải. Chị mong đợi mười ngày định mệnh qua nhanh để biết hậu quả thế nào. Ngày thứ mười chị bồng con đứng đợi, suốt ngày không thiết tha đến bữa ăn, cứ ngóng mắt trông từng chiếc xe trờ tới, chị cứ nghĩ là chồng chị về. Đợi mãi đến cuối ngày, mười một rồi mười hai giờ. Tiếng chuông đồng hồ báo hiệu qua ngày mới, chị tức giận òa khóc, khóc tức tưởi. “Biết ngày nào gặp nhau, mình sẽ sống như người đàn bà góa bụa ở tuổi hai mươi lăm nầy sao?” Giờ đây đứa con ôm mẹ bú là giây phút hạnh phúc nhất còn lại, giúp chị vơi bớt nỗi cô đơn trong đêm dài thanh vắng.
Phiền muộn vất vả, cho con bú không có món ăn dinh dưỡng, chỉ vài tháng sau, Nhẫn đã thành người đàn bà ốm gầy khô đét. Hai bàn tay bị xà phòng ăn rướm máu, mà ngày nào cũng phải giặt hai thau đồ dày của đàn ông lẫn đàn bà, nước mắt hòa với máu đổ ra trên những đống quần áo dơ. Chị cúi mặt cam chịu sống nơi đây để đợi chờ tin tức, chị mong cánh thư chồng gởi về từ trại giam nào đó, để biết rồi an tâm ra đi.
Ôi! Thật là họa vô đơn chí! Thằng con lớn năm tuổi lại bị bệnh, nó ngủ liên miên suốt ba hôm rồi không dậy được, đầu lúc nào cũng hâm hấp nóng. Cho nó ăn cháo, nó không muốn ăn:
- Để con ngủ.
- Con phải ngồi dậy ăn rồi ngủ. Ngủ đói chết sao?
Nó không ngồi dậy được. Công việc nhà không ai phụ giúp. Chị lo bữa trưa cha chồng đi làm về, em chồng đi học về mà cơm chưa nấu. Thế là đành bỏ con nằm một mình. Buổi chiều nó lên cơn sốt. Không có tiền đưa con đi Bác Sĩ, chị bèn thưa với mẹ chồng:
- Má có thuốc nhét đít cho trẻ con không? Cho con một viên, thằng nhỏ nóng quá!
Mẹ chồng chị chuyển lời hỏi ý chồng. Ông ngần ngừ đắn đo mấy phút, xoay lưng, cố lờ như không nghe, rồi quay qua nói với vợ:
- Có! Nhưng để giành cho con con Trúc!
Nhẫn nghe lọt lời ông nói nên mạnh dạn lên tiếng:
- Ba ơi ! Cho con xin một viên thuốc giảm nóng cho thằng nhỏ, nó bệnh đã ba hôm rồi. Cháu ngoại Ba đang khỏe mạnh ăn chơi, biết đợi đến lúc nào cho nó bệnh mà dùng?
Mẹ chồng nói:
- Ông đưa cho nó đi!
Suốt đêm, chốc chốc chị đưa tay lên sờ trán con, mắt Nhẫn lờ mờ như có màng sương mỏng, hình ảnh cha già với lời căn dặn:
- Con à! Lúc ông nội con còn sanh tiền có căn dặn con cháu mai sau lập nghiệp thì đi vô theo hướng Nam.
Sao vậy Ba?
Lời Nhẫn hỏi cha.
- Từ đây đi ra là miền Trung, ra nữa là miền Bắc, đất đai cằn cỗi, mưa lụt mỗi năm, dân chúng khó làm ăn, lại thêm chiến tranh liên tục, tâm tình con người dần dần biến đổi theo sự khó khăn trong cuộc sống, cách sống của họ không rộng rãi, lúc nào cũng phải thắt lưng buột bụng, có cái gì cũng cho vào ruột tượng cột chặt vào lưng.
Chị ôm chặt con vào lòng, nước mắt chảy dài. Chị tự trách mình đã không nghe lời cha căn dặn. Đưa tay sờ trán con, chị cảm nhận nhiệt độ có phần giảm dần. Ngày hôm sau em gái chị từ Ninh Hòa vào thăm:
- Má nằm mơ, đêm nào cũng thấy chị liên tục suốt mấy đêm liền, bà sốt ruột bảo em nghĩ bán hàng vô Sài Gòn xem chị ra sao!
- Cháu bệnh nặng nên chưa đưa con về thăm má được.
Trước khi về quê em chị để lại tiền, chị mang con đi chữa bệnh. Đứa bé thuyên giảm dần sau khi chị đem nó đến Bác Sĩ Mẫn, phòng mạch trên đường Nguyễn Tri Phương. Ôi sung sướng nào bằng khi thấy con ăn nói đùa giỡn.
Chị khe khẽ bảo nhỏ với con:
- Ráng ăn cháo cho khỏe rồi má dẫn về ngoại ăn me!
Tiếng ầm ĩ quát tháo dưới nhà cắt đứt niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của mấy mẹ con. Nhẫn vội rời con đứng lên, đầu đập mạnh vào trần nhà cái bốp. Mắt té đôm đốm, đầu óc quay cuồng, vài phút mới định thần được. Mẹ con chị đang ở trên gác xếp chiều cao chỉ bằng người ngồi, vì lật đật chị quên bẵng đi. Vừa đặt chân xuống thang gác, chị nghe tiếng ông cha chưởi:
- Đồ thứ đàn bà hư, không nấu nổi bình nước sôi!
Có lẽ trước đó ông nói nhiều nữa nhưng chị không nghe được, đầu chị còn lùng bùng tưởng chừng nứt sọ vì va đầu vào tường quá mạnh. Nhẫn trả lời:
- Con đã nấu nước sôi rót đầy bình thủy, sau khi nấu xong bữa cơm chiều, ngày nào cũng vậy; có lẽ cô Bốn dùng nước nóng tắm cho các con cô rồi!
Miệng trả lời, tay chị vội vàng nhóm bếp lửa. Với nhiệt độ nóng hơn 110 độ F, sống trong căn nhà chung cư không có cửa sổ, cũng không có cửa hậu, khác nào ở trong phòng tắm hơi. Mồ hôi toát ra nhiều, người khỏe, không phải tốn tiền thuốc.
Chị ngẫm nghĩ:
- Thương chồng phải lụy nhà gia, Chứ ta với họ có bà con chi!
Chân dợm bước ra mà lòng lại bùi ngùi không dứt, tiếng kêu của con tim níu kéo dằn co, chị cầm nán lại đây đợi tin tức chồng. Hàng ngày sau khi mọi người trong nhà đã xong bữa cơm trưa, chị thu dọn rửa chén bát, chùi nhà. Dặn dò đứa con lớn cho hai em đi ngủ, chị đến xưởng dệt chiếu tập làm ăn công điểm mỗi ngày vài tiếng để kiếm ít tiền. Ngày lại ngày qua chị giống như con thoi trên khung cửi dệt, khung chiếu nầy xong lại mắc thêm khung nữa, cứ thế và cứ thế mãi. Mấy tháng sau, chị nhận được thư chồng báo tin cho thăm nuôi tại Trại Long Giao. Nhẫn đưa cả ba đứa con cùng đi. Chị cho chồng biết sẽ đưa con về ở bên ngoại, anh đồng ý.
Căn nhà tôn vách đất vừa mới dựng. Nơi đó phát ra tiếng khóc trẻ thơ, tiếng võng kẻo kịt, tiếng ru con. Âm thanh đơn độc trong buổi trưa hè, Thiện nghe ray rức buồn:
- Ầu Ơi... Chim xa bầy thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm trời ơi...!”
Có lúc tiếng hát bỗng im bặt, anh ngần ngại đứng lại trên con đê hẹp hai bên ruộng lúa nặng trĩu hạt chín vàng. Đưa tay suốt vài hạt thóc bỏ vào mồm cắn, anh lẩm bẩm “nhờ trời năm nay được mùa lúa, hạt chắc nụi!”. Con đê nầy bảy năm trước đây, chiếc xe anh đã mòn bánh. Mảnh vườn kia chính tay anh đã xới đã trồng những bụi hoa huệ, hoa tường vy, hoa bán dạ hương. Những đóa pensée, những đóa hồng nhung anh đã trân quý đem từ Đà Lạt về cắm vào chiếc bình trắng thủy tinh đặt nơi bàn học của nàng. Nàng cười hồn nhiên vô tư như không hiểu tình cảm sâu kín của anh. Nhà nào nay dựng trên mảnh đất nầy? Thiện mạnh dạn bước qua cổng vườn, băng qua mảnh đất ngày xưa trồng hoa huệ trắng nay chỉ là mảnh đất khô không một cọng cỏ. Đây rồi, nhà cửa đóng. Tiếng ru con lại cất lên:
“Qua cầu than thở cùng cầu
Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu!
Thiện đi lần về phía sân nhà, thấy cửa sổ mở. Anh đứng nép một bên nhìn vào. Trên chiếc võng, đứa bé miệng ngậm vú gục đầu bên ngực người đàn bà ốm khô. Chốc chốc đứa bé nhả vú khóc, người đàn bà tay xoa lưng con, cất tiếng hát, cố hát lớn hơn át tiếng khóc trẻ thơ. Tiếng thở của anh, anh nghe lớn quá, tiếng đập trái tim anh nghe tựa tiếng trống thình thịch. Sao lại thế nầy! Anh đưa tay mạnh dạn gõ lên thành cửa. Đợi chờ. Một phút... hai phút... năm phút! Cửa không mở. Nàng vẫn tiếp tục ru con:
“Qua đình ngả nón trông đình
Ầu ơi... Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu!”
Thiện thở dài quay gót. Lòng anh chất nặng một nỗi buồn không tên!
Qua khung cửa sổ, bóng ai ngã dài trên sân đất. Bạn cũ, họ hàng, Nhẫn không tiếp đón một ai. Chị sống âm thầm với nỗi buồn riêng tư chất ngất. Chị không cần bạn bè an ủi, sau lưng chị thế nào cũng có đứa nói.
- Cáo chết ba năm quay đầu về núi! Chị thầm nghĩ. Từ ngày chị nhận được thư chồng gởi về báo tin “Anh đang ở Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa”, chị mất niềm hy vọng có ngày sum họp. Mình là vợ người tù bị đày biệt xứ. Mặc cảm của kẻ sa cơ, chị mang bộ mặt thách thức lạnh lùng với bạn bè ngày xưa cùng chung một mái trường, nhưng nay họ đội nón cối kè kè súng lục bên hông; cũng có thằng bạn trong chế độ cũ là sĩ quan được du học bên Mỹ, nay là kinh tài của chế độ mới! Nó mời chị nhận tiền để làm ăn, chị mỉm cười trả lời:
- Ngày xưa tôi không chọn anh và ngày nay tôi vẫn còn mang ý niệm đó! Cảm ơn tình bạn còn sót lại trong anh, nhưng anh đừng hy vọng thay đổi cục diện!
Chị cố nuốt những giọt lệ sầu nếu có ai hỏi đến chồng chị. Không có vốn bán buôn, chị tập chằm (kết) nón lá. Dì của chị đưa tới nhà bà hai Cọt, bà nầy là chỗ thầu vật liệu làm nón lá, có bán nào là: khuôn nón, lá, dứa, cước, dầu đánh bóng... Nhẫn vội bắt tay vào việc để kiếm tiền nuôi con. Chị theo học nghề từ bà dì và cũng nhờ dì làm giúp những khâu chị chưa làm được. Công việc của nghề nầy thật nhiêu khê và tỉ mĩ. Từ lúc gà vừa eo óc gáy xóm xa, chị đã thức dậy ủi lá, cắt và xếp lá, lựa lá có màu xanh non, đẹp thì xếp cho lớp ngoài, loại tệ hơn thì xếp vào lớp trong. Chẽ dứa ra thanh nhỏ rồi kéo những thanh nầy qua những lỗ tròn của thanh sắt được đục lỗ lớn nhỏ để làm vành nón. Mười sáu vành to nhỏ được đặt lên khuôn. Sau đó chị lợp những xấp lá đã lựa và chận lên một vòng giữ cho lá khỏi xê dịch. Chị bắt đầu khâu từng mũi một. Mới tập làm, kim đâm vào mấy ngón tay nứt thành những kẻ dài rướm máu. Chị dùng rẻo vải quấn lại nên công việc khâu nón trở nên chậm chạp. Thỉnh thoảng thằng con út đòi bú, sà vào lòng mẹ, té lên khuôn nón, làm vành bung khỏi khuôn. Nón làm xong méo xẹo, chỉ dùng đội ra vườn lúc trời mưa chứ không bán được.
Thời gian lặng lẽ trôi, thàng út lớn thêm một tuổi, chị thôi bú cho nó. Chị quyết định đổi nghề, gởi các con cho ngoại trông nom. Chị liều vào Sài Gòn hỏi mượn cha mẹ chồng một số tiền đi buôn hàng chuyến. Mua áo quần trẻ em từ Sài Gòn ra bỏ mối chợ Ninh Hòa. Ông bà ưng thuận. Chuyến thứ nhất chị kiếm lãi được 10%. Thật là quới nhơn đãi kẻ khù khờ, hàng về bán hết ngay trong vài ba hôm. Chị thâu được tiền trở vào mua chuyến khác. Như một tin sét đánh, cha chồng chị đòi lại số tiền và bảo:
- Con Trúc bảo lấy lại tiền mua thuốc tây..!”
Chị trả ngay tiền lại cho ông và quay lại Ninh Hòa tay không. Thế là sau đó Nhẫn chỉ phụ em gái mua bán hàng nho nhỏ tại chợ.
Một hôm, chị ngạc nhiên quá, sao Bác Sáu cứ lẩn quẩn bên chị, giỏ thức ăn của Bác nằm đây không về nấu ăn, cá thịt ươn hết, chồng con đợi ở nhà. Chị muốn hỏi nhưng còn ngần ngại vì nhớ lại câu chuyện mẹ kể:
- Nghe con đi lấy chồng xa, Bác Sáu ôm má khóc nói: “tôi có ý trông con Nhẫn hơi lớn lớn tí nữa sẽ hỏi cưới cho Thằng T. Sao chị gả nó đi xa? Con còn nhỏ, gả sao sớm vậy?”
Rồi hai bà cùng khóc! Đắn đo vài giây, chị bạo dạn hỏi:
– Bác Sáu, Bác có đợi ai không?
Thằng T. bảo Bác ra xem con mua bán thứ gì nhà có thể mua về xài thì mua giùm con. Bác muốn ngồi đây chơi với con xem con buôn bán.
Ngày xưa, nhà T. và nhà chị đối diện nhau, ngày Tết Bác Sáu làm mứt chanh đẹp lắm. Bà thường gọi chị qua nhà dạy cách làm. Ngay cả đến ngày giỗ, Bác cũng để dành mâm thức ăn ngon, nhưng chị chưa bao giờ ăn mâm đó mà chỉ cho hai em gái qua thôi. Chị và T. cùng học một lớp.
Ban ngày chị gượng cười gượng nói cho mẹ già an lòng. Có lần chị nghe mẹ nói với em gái:
- Chồng nó không về chắc nó điên! Đêm xuống con đã ngủ, chui vào mùng đắp chăn phủ đầu, chị khóc giọt dài giọt ngắn tha hồ tuông cho vơi sầu muộn.
Rồi có một ngày người đưa thư mang đến cho chị một tin vui. Chị được đi thăm nuôi chồng. Suốt ngày đêm chị miên man suy nghĩ sẽ mua món gì? Cám rang trộn đường - phòng ngừa phù thũng - Muối sả trộn bột ngọt. Trong rừng chắc là cần muối - Mắm ruốc xào sả ớt - Có thể để lâu không hư - Đường - Chắc là thèm ngọt lắm. Thịt chà bông - Món nầy mùi thịt thơm cám dỗ lũ con chị số một.
Ba đứa nhỏ cứ vây quanh chảo thịt, trời nóng bức mà chúng cứ ngồi sát bên lò, mắt thao láo nhìn. Mẹ nó dùng đũa trộn đều cho mau khô, chị lựa miếng nào có dính mỡ gắp cho vào miệng con, đứa khác nhìn chờ đợi, chị gắp miếng nữa cho vô miệng đứa kia, lấy đũa trộn trộn, lựa miếng nào xâu xấu cho vào miệng đứa thứ ba. Ba đứa nhỏ chạy ra ngoài chơi mấy phút, nhai xong miếng thịt, mắt liếc liếc rồi cũng chạy vào nhìn chảo thịt thèm thuồng. Chị lên tiếng:
- Để gởi cho Ba chứ con!
Chúng tản ra xa, nhưng cũng được vài phút thôi, lại trở vô bếp nói:
- Con coi má làm thôi mà!
Lòng thương con dào dạt, cũng bởi thiếu thốn nên con mình mới thèm như vậy. Thuở còn bé, cha mẹ mình không giàu có bằng ai, nhưng có bao giờ mình thèm món gì đâu. Bởi được cha mẹ cho ăn uống đầy đủ... Nước mắt chị ràn rụa, nhưng giả đò nói với con là ngồi trong bếp nóng quá nên chảy nước mắt. Chị lấy đôi đũa sắt khua qua khua lại trên thành lò:
- Sao không thấy cục than nào có khói mà làm mắt cay!
Con chị còn bé quá, không hiểu gì cả, tưởng mẹ nói thật. Chảo thịt khô rồi chỉ còn độ nửa lon guigô. Đọc lại bức thư của chồng, đọc mãi đọc hoài. Bức thư bao lần ướt nhão lại khô mà chị vẫn cứ quên không nhớ anh căn dặn những gì. Anh dặn chị mua bánh thuốc lào. Miền Bắc lạnh lắm nên anh quí thứ nầy! Hỏi mấy bà bán thuốc lá cho người ăn trầu:
- Đây có bán thuốc lào không?
Họ trả lời “không”. Đi hết chợ chị không tìm thấy thuốc lào. Từ bé đến lớn chị không thấy ai ở quê chị hút thuốc lào nên không hiểu hình dạng nó ra sao. Chị chỉ thấy thuốc điếu, thuốc gói. Vô Sài Gòn hỏi mấy bà đi thăm nuôi trước, gởi tiền và nhờ mua giùm.
Phần II
Mọi thứ giấy tờ đã xong, hai giỏ thực phẩm vừa đủ sức cho hai cánh tay chị. Chị cùng cha chồng lên đường. Các con chị gởi cho ngoại và dì trông nom. Ba ngày ba đêm trên chuyến tàu Thống nhất Sài Gòn – Hà Nội. Chị ngồi rồi đứng. Tiếng xình xịch của tàu lửa cộng thêm sự mỏi mệt của tứ chi tù túng không đi lại được, làm chị muốn nhắm mắt, nhưng tàu đông người quá, lại sợ mấy giỏ đồ thăm nuôi bị cuỗm mất. Ngồi lâu mỏi chân, chị rút chân lên thay đổi thế ngồi. Mấy phút sau, bỏ chân xuống thì đôi dép không cánh mà bay!
Tàu vào ga Hà Nội, đêm đã xuống, ánh sáng héo hắt vàng ố trong sân ga. Cái lạnh cắt da thịt tháng giêng, chị rùng mình nghĩ ngợi, làm sao sống được nơi nầy! Nhìn xe bán bánh bao, những chiếc bánh trắng nghi ngút khói. Đang lạnh và đói, những tuyến nước bọt trong miệng chị trào ra, nó len lén bò quanh vành môi:
- Tôi mua năm cái.
Sau khi trả tiền, hai cha con tìm chỗ ngồi ăn. Chị đưa chiếc bánh nóng kề môi, hơi nóng tỏa ra, môi chị dần dần ấm lại. Khí trời lạnh quá làm nguội bánh ngay trong giây lát. Chị cắn miếng bánh. Ngậm không nhai được, mùi gì khai nồng quá độ. Có lẽ là mùi khai bột nổi. Ăn không chết đâu, nếu ăn chết sao họ dám bán công khai vậy! Nước miếng làm bánh mềm, chị nuốt vội. Cắn tiếp miếng thứ hai, ngậm phải miếng thịt. Ôi! Tanh sao mà tanh quá! Chị quay sang hỏi cha chồng:
- Ba! Ba ăn thấy sao? Tanh mùi gì quá con muốn ói...
Ở đây thịt bán theo tem phiếu, theo tiêu chuẩn, thịt đâu ra để làm bánh! Chỉ có cá ế, chợ tan rồi người ta mua gom về làm nhân bánh thôi!
Phút giây nầy chị ao ước có một củ khoai mì thiu nuốt dễ hơn cho đỡ đói. Đã chín giờ tối, chị mặc thêm chiếc áo len, nhưng cũng cảm thấy lạnh như mình chưa mặc gì cả. Gọi xe xích lô đến khách sạn. Khách sạn không còn phòng trống. Người quản lý khách sạn cho biết sau mười hai giờ có người sẽ trả phòng. Ba chồng chị lẩm nhẩm tính, còn ba giờ nữa: “mình đợi vậy!” Ôi! Làm sao chị đợi được! Chị tưởng tượng sẽ hóa đá khi phải ngồi trước thềm khách sạn nầy thêm vài giờ nữa. Chị đang như ngồi trong tủ lạnh. Đôi dép đã mất trên tàu lửa, hai chân chị giẫm trên gạch đá mà tưởng chừng như trên những tảng băng. Ba ngày không rửa mặt súc miệng, không tắm rửa, chị nghe như có con gì ngọ nguậy trong châu thân.
- Ba ơi! Hình như Ba có quen người ở Hà Nội nầy. Ba gọi xe cho con tới đó. Con sắp chết cóng đây!
Nhẫn vừa nói, môi đánh bò cạp, hai hàm răng cụng nhau côm cốp, chị rên hừ hừ.
Ngần ngừ mấy giây, cha chị gọi xe, hai cha con đến nhà Dì Dượng Hàn ở phố Hàng Buồm. Dì Dượng ở nhà tập thể. Tầng dưới là nhà giữ trẻ, từng trên chia ra làm nhiều phòng, mỗi phòng là một gia đình. Dì duợng có hai người con trai, chỗ ở thật chật chội. Có lẽ ba chị đã từng nghe dượng tả qua, nên ông ngần ngại không muốn đến làm phiền. Riêng Nhẫn thì mừng hết biết, chị được tắm qua loa, được thay bộ đồ đã mặc ba hôm, được có chỗ đặt hai giỏ đồ không sợ ai cuỗm mất mà chị mong mỏi trao đến tay chồng. Dì Dượng nầy tập kết ra Bắc năm 1954. Biết Nhẫn đi thăm nuôi chồng, họ gom thuốc lá thuốc tây trong nhà đem tặng chị. Thấy chị đi chân trần, bà Dì cũng cho chị đôi giày mới, bà đã mua chưa hề mang. Chị sung sướng nhất là tránh được giá buốt ngoài trời. Sáng hôm sau hai cha con ra sân ga mua vé tàu đi Vĩnh Phú.
- Này, đưa giấy tờ Ba giữ, mầy ngồi đây coi mấy giỏ đồ, để tao vào mua vé. Cẩn thận nghen..!
Cha chồng căn dặn trước khi chen vào quày vé.
Sau khi nắm được hai vé tàu trên tay, chen được ra ngoài sân ga cũng đủ đổ mồ hôi hột vì làn sóng người xô đẩy. Kẻ cố chen vô, người cố trở ra. Đến chỗ Nhẫn ngồi đợi, cha chồng chị phát giác cái bốp của ông đã bị mất rồi. Ông đến gặp công an Ga cớ mất giấy tờ.
… Tiếng còi hụ vào Ga, Nhẫn cuống quít vì thấy người trên tàu đông lúc nhúc, họ đeo hai bên cửa lên xuống như đàn kiến bò kín lối. Cha chị leo lên tàu qua cửa sổ, người bên trong xô đẩy ông bật ra. Ông nắm được bệ cửa, gồng hai tay, mang hai giỏ đồ, đong đưa người nửa trong nửa ngoài trên thành cửa. Nhẫn đứng chết trân dưới sân Ga. Chị biết trăm phần mình không thể nào lên tàu được. Con Tàu chuyển bánh một cách chậm chạp, rồi dần nhanh. Nhẫn run bần bật khi biết chắc chị bị rớt lại trên sân Ga xa lạ nầy. Bỗng, một cánh tay vạm vỡ ôm cứng người chị từ phía sau lưng, đưa người chị lên cao. Nhẫn hốt hoảng há hốc mồm. Nhưng khi thấy nhiều cánh tay của những người đứng ngay cửa lên xuống đưa ra, tay kia ôm chặt thanh sắt bệ cửa, Nhẫn lẹ làng chụp ngay cánh tay họ. Người đàn ông dưới đất chạy theo con tàu, tay đưa chị cao hơn ngang với bực cấp để chị có thể bước lên. Họ nhường chỗ cho chị và nghe có tiếng bảo đi tiếp vào bên trong. Chị làm theo như đó là mệnh lệnh! Vào được bên trong toa, chị cũng nghe được lời cha chồng hỏi:
- Nhẫn! mầy lên được rồi phải không?
- Dạ!
Nhẫn chưa qua cơn xúc động mạnh, nước mắt chảy ròng, chị cắn chặt môi, nhưng nước mắt từ đâu cứ tuông mãi. Chị muốn cám ơn những người xa lạ ngồi quanh nàng. Cám ơn ai đó đã nhảy xuống Tàu giúp chị mà chị chưa nhìn thấy mặt. Chị nghe nhiều tiếng hỏi lao nhao. Chị không biết nên trả lời ai câu hỏi nào. Chị chỉ nói vỏn vẹn có một câu:
- Họ bảo chồng tôi đi học tập mười ngày, rồi họ đưa ra tận đây!
Sau đó chị không nghe ai hỏi gì nữa. Hình như từng ấy lời cũng đủ xác định chị là ai và lý do chị có mặt trên chuyến tàu nầy.
Đến ga Ấm Thượng, người chỉ còn lưa thưa, hành khách xuống dần dần từng Ga. Hai cha con mang hành lý xuống tàu, rời Ga rồi theo người hướng dẫn đến nhà tiếp tân được dựng bên bờ sông. Căn nhà tiếp tân làm bằng những tấm phên tre, lợp lá cọ sơ sài nhưng sạch sẽ. Hai cha con ngủ lại đó một đêm vì lúc đến trời đã khuya. Sáng hôm sau, chị cũng có vài gia đình làm bạn đồng hành, nhưng họ không đến cùng một phân trại. Kẻ đến K5 người đến K1... Tuy nhiên ai đến K nào thì cũng phải qua đò đi Bến Ngọc. Đò chạy bằng máy đuôi tôm, dọc theo sông chị thấy những cô gái Bắc chống mãng, mãng làm bằng những ống bương ghép với nhau. Họ lướt nhanh trên dòng nước không thua thuyền máy.
Lênh đênh trên chiếc đò nhỏ, Nhẫn nhớ đến truyện “Anh Phải Sống” của Nhất Linh mà chị đã học năm đệ thất. Cảnh tang thương của một gia đình nghèo đi vớt củi trôi vào mùa nước lũ. Nhìn dòng nước đục ngầu, vì không biết bơi nên lòng lo lắng. Trong phút giây nầy chị mới thấy rõ một hình ảnh mà Nhất Linh đã ví chiếc bè của vợ chồng Thức trôi trên sông Nhị Hà. “Như chiếc lá khô nổi trong vũng máu, như con muỗi mắt chết đuối trong nghiên son....” Thuở ấy, tuổi lên mười, mười một, trí tưởng tượng của chị nào đủ phong phú để hình dung ra được. Giờ đây, ngồi trên chiếc đò nhỏ chở đầy người, mặt nước lấp xấp mạn truyền đang trôi trên dòng sông nước đục đỏ ngầu chị mới nhận ra! Nhưng chị đâu có tâm trí nào để thưởng thức cảnh hùng vĩ sông núi quê hương.
Rời Bến Ngọc, Nhẫn thấy một chiếc xe trâu đợi sẵn. Các chị cùng đi đường xầm xì to nhỏ với nhau:
- Người đánh xe trâu nầy cũng là bạn tù cải tạo!
Chị được để hai giỏ đồ lên xe còn người thì đi bộ, đi mãi đến chiều tối mới đến K2, nơi chồng chị bị giam. Trại tù Tân Lập, thuộc tỉnh Vĩnh Phú, nằm giữa dưới thung lũng núi bao bọc xung quanh thật hiểm trở. Dọc đường rải rác một vài túp nhà lợp lá cọ của dân. Đường xa, bụng đói, chị vào hỏi thăm mua thức ăn. Nhưng nhìn quanh thấy trống trơn. Quán nước chỉ có bán nước chè xanh và thuốc lào! Trời lạnh, hai hàm răng chị đánh vào nhau kêu lộp cộp, chân bị chuột rút không đi được. Vậy mà trẻ em đi học chỉ mang trước ngực một nồi đất nhỏ có vài đóm than lửa, khoác chiếc áo mỏng manh tay cầm lá cọ che mưa trông giống hình ảnh chú ếch che dù trong tranh hí họa!
Đi bộ suốt ngày mỏi mệt nhưng ai cũng nôn nao trông mau trời sáng để sớm gặp chồng, không chị nào chợp mắt được. Trong bếp nhà tiếp tân chỉ có ba miếng gạch kê phía sau, một vài cái nồi cũ méo mó... Nhà tiếp tân bên một dòng suối nhỏ, nước trong veo nhìn thấy rõ những con cá to bằng cái đĩa bơi lội tung tăng. Hình như chúng không sợ người. Nhẫn lội xuống lấy nước mang về dùng. Đàn cá cứ nhởn nhơ trước mặt. Có lúc chúng đùa nhau chạm vào chân, chị đưa tay chụp thì không thể nào bắt được. Chị đặt tên cho chúng là đàn cá ma!
Buổi sáng, chị dậy sớm nhóm lửa nấu một nồi xôi đậu xanh có cho bơ và đường giống như xôi vò. Chị vắt từng cục bằng nắm tay để chồng chị có thể chia cho vài người bạn cùng ăn lấy thảo. Nửa giờ gặp mặt, vợ chồng đối diện nhau trên một bàn dài, hai đầu bàn có hai ông cán bộ. Chị không dám nói gì, chỉ sợ họ nghi ngờ rồi sau đó làm tình làm tội chồng. Chồng chị tuy gầy nhưng đôi mắt còn tinh. Lựa lúc chộn rộn, thân nhân từ giã tù. Chị đứng sát, hỏi nhỏ vào tai chồng:
- Anh thấy có hy vọng gì ngày về không?
Chồng chị trả lời:
- Em đừng hy vọng!
Tên cán bộ quát tháo chấm dứt giờ thăm nuôi. Anh Tâm xách hai giỏ đồ đi về hướng trại tù, chốc chốc quay đầu nhìn lại. Chị cố cười thật tươi để anh mang theo hình ảnh nầy đi vào giấc ngủ đêm nay, chị nghĩ thế!
Ra khỏi cổng trại tù, Nhẫn cố bước nhanh, nhưng đường trơn tuồn tuột. Chị phải cố bấm mười ngón chân vào bùn cho khỏi ngã. Cơn mưa bụi tháng giêng, những hạt nước nhỏ mong manh bám trắng dày trên quần áo, trên mặt mũi, đồng tình với những giọt nước mắt tuôn ra dầm dề. Chị không lau, ngửa mặt đón nhận những giọt nước lạnh tê tái. Lúc ra đi, chị háo hức gặp chồng, sẽ được nghe những lời động viên an ủi, để chị nuôi niềm hy vọng, can đảm chống chọi với bao sóng gió cuộc đời, những đêm dài trằn trọc cô đơn chiếc bóng, gói mền lạnh tanh. Chị vọng tưởng những ngày gia đình sum họp, hạnh phúc đó có còn trở lại hay không? Lời nói của chồng như nhát búa chặt đứt, đốn ngã điểm tựa. Chị chới với và người lao đao ngã quị. Trở lại Bến Ngọc, Nhẫn tựa hồ như không đứng vững nữa, đầu óc choáng váng, mắt hoa lên. Suốt ngày bụng đói không có món gì. Ngay buổi sáng này, chị nấu xôi cho chồng nhưng không ăn miếng nào. Chị nằm dưới gốc cây miên man suy nghĩ:
- Không lẽ mình chết ở đây, xác chôn nơi hốc núi nầy, hay mẹ mình phải lặn lội muôn dặm đường xa để đưa xác về quê. Chuyện người đàn bà đi thăm nuôi chồng, bị trúng độc trên chuyến tàu lửa sau khi ăn cái bánh chưng, xác chị ấy được đưa vào bịnh viện Bạch Mai. Những người bạn đồng hành đã thay chị mang quà vào chốn lao tù cho chồng chị, nhưng chỉ báo cho anh biết là chị ốm thình lình phải vào bệnh viện. Biết bao cái chết với nhiều lý do khác nhau trên đoạn đường thăm nuôi nầy. Thượng đế có thấu chăng! Chị khấn vái xin thần núi linh thiêng phù hộ cho chị được trở về các con đang trông chờ, che chở mạng sống cho chồng được sớm kết thúc cuộc lưu đày!
Trong đám người từ dưới đò bước lên, họ cũng là những người từ Nam ra thăm tù. Một cụ già quần xoắn tận đầu gối, trơ hai ống chân khẳng khiu như hai khúc củi khô, nhưng bước đi của bà cứng cỏi vững vàng. Bà bước lại gần Nhẫn hỏi:
- Cháu bị trúng gió hay sao mặt mày tái xanh vậy?
- Con đói và lạnh quá, suốt đường dài từ sáng đến giờ không gặp ai bán thức gì để mua ăn!
Bà lão lấy trong túi lọ dầu thoa cho chị và đưa mấy viên thuốc bảo uống. Chị nghe lời không đắn đo, linh cảm bà là vị cứu tinh. Uống thuốc vào, khoảng một giờ sau, chị thấy người khỏe và xuống đò trở lại Ấm Thượng. Đến Ấm Thượng chị mua thức ăn và khỏe dần. Từ ngày có người đi thăm nuôi, ga Ấm Thượng ngày thêm nhộn nhịp và khởi sắc, có bán gà sống, mua ngay ở đây đem vào trại thăm nuôi cũng tiện, giá cũng không mắc lắm!
Phần III
Về lại nhà chị bị ốm cả tháng trời. Sau lần thăm nuôi đó, suốt nửa năm sau chị không nhận được thư chồng. Lo lắng đêm không ngủ được. Có tiếng gà gáy, chú gà nòi vừa lú đuôi tôm tập tành gáy te te, cánh đâm vài lông tơ màu sặc sỡ. Chị đang nghĩ đến chú gà của thằng út, đôi mắt bỗng cay sè rồi ngủ tiếp. Thức giấc, mặt trời đã lên cao, con chị đứa lớn đã đi học, thằng bé nhất đang được ngoại cho ăn cháo và đang rượt đuổi mấy chú gà con.
Một buổi sáng, thằng cháu dẫn một người đàn ông lạ đến nhà tìm Nhẫn:
- Dì ơi! Có ông nầy tìm Dì, nói dượng Tâm nhắn chuyện gì đấy!
Nhẫn nhìn người lạ quan sát để lượng giá, người nầy tìm nàng báo tin gì chưa rõ, nhưng có thể tin được không? Vì gần đây có một số người tìm đến những gia đình có thân nhân đi tù báo tin ma, lường gạt nhiều lắm. Người đàn ông lạ lên tiếng:
- Chị có phải vợ anh Tâm không?
- Dạ phải.
- Anh Tâm bị thương, đang nằm ở bệnh viện Qui Nhơn.
- Sao anh biết được tin nầy?
- Tôi đi nuôi thân nhân ở đó và được chứng kiến họ chở vào những người tù cải tạo bị thương vì bom nổ trong lúc lao động.
- Chồng tôi đang ở miền Bắc mà!
- Biết đâu họ mới đưa vào Nam! Anh ấy nhờ tôi, tôi thấy tội nghiệp, anh Tâm bị thương băng bó khắp người chỉ chừa hai con mắt. Anh ấy cho địa chỉ tôi mới biết tìm chị đó chứ. Tin hay không là tùy chị. Thấy chuyện đáng làm thì tôi làm phúc thôi!
- Xin lỗi anh, không phải tôi không tin, nhưng việc nầy tôi phải báo cho em chồng tôi biết, nó là đàn ông, nó đi thăm tiện hơn tôi.
Sau đó anh ta từ giã, Nhẫn có biếu ít tiền xe. Ngày hôm sau ra chợ bán hàng thì chị nghe Bác Mười cũng có người tìm đến nhà báo tin con Bác bị thương y như thế. Chị kể lại chuyện xảy ra ngày hôm trước. Bác Mười trai nói:
- Để tao ra Qui Nhơn dò la ở các bệnh viện xem sao, có tù cải tạo đang nằm ở đó không, rồi về cho mầy biết sẽ tính sau. Tao rành Qui Nhơn vì trước 75 thầu thuế chợ ở đó.
Mấy hôm sau Bác Mười trai về cho biết, trong các bệnh viện tại Qui Nhơn không có tù cải tạo nào nằm điều trị vì bị bom mìn cả!
Nhẫn tìm đến ông thầy bói nổi tiếng để hỏi thăm tin tức chồng. Sau khi đặt tiền vào đĩa, Nhẫn hỏi thầy:
- Tôi định kết hôn với người tuổi Thân, thầy thấy có hợp không? Làm ăn và con cái sau nầy có nên người không?
Thầy gieo quẻ rồi trả lời:
– Bà và người tuổi Thân nầy đã có ba đứa con rồi, ông ấy đang gặp hạn xấu vô cùng, không biết tin tức đâu cả. Đang bị giam cầm. Đang bệnh nặng lắm! Người nầy mạng lớn, không chết đâu, nhưng phải cúng sao giải hạn!
Chị hỏi:
- Tôi có gặp được người nầy nữa không?
- Hiện nay không gặp được.
Chị không biết hỏi thêm điều gì nữa nên đành chào thầy ra về. Trên đường vào Sài Gòn mua hàng, Nhẫn ghé Xóm Bóng viếng Tháp Bà. Nơi nầy, lúc còn là học trò, chị và anh Tâm cũng có vài lần xin xâm. Nhìn cảnh cũ thiếu người lòng buồn áo não. Chị van vái Bà: “Nếu phải chồng con đang hoạn nạn, cho con gánh vác một phần vận xấu đó.”
Sau khi mua hàng từ Sài Gòn về, trên chuyến xe Lam từ Nha Trang – Ninh Hòa, xe chị bị đâm vào xe bộ đội ngay trước Tháp Bà. Chị bị gãy cánh tay phải. Người tài xế xe Lam nói với chị:
- Tôi là tù cải tạo mới về, mượn xe của ông anh rể kiếm tiền sinh sống, tôi còn trong thời kỳ quản chế.
Nghe mấy tiếng tù cải tạo, Nhẫn nghĩ rằng họ cũng cùng hoàn cảnh đau khổ như mình nên nói:
- Anh an tâm, tôi không làm khó dễ gì anh đâu, anh đưa tôi đến Dân Y viện Nha Trang đi! Có lẽ phần số tôi như thế!
Chị liên tưởng lời thỉnh nguyện của mình tại nơi nầy mấy hôm trước có lẽ linh ứng…
Nhẫn được thư chồng, tay đang bó bột không viết thư hồi âm được, chị lại chẳng muốn báo tin không vui cho chồng nên nhờ em gái viết thư. Báo hại làm anh Tâm nghi ngờ là chị bị tai nạn chết rồi. Phải đợi ba bốn tháng sau, tay cầm bút được, chị mới cho chồng biết tin tai nạn đã qua!
Nhìn khóm mai vàng trước cổng, Nhẫn nói vói mẹ:
- Năm nay cây mai nhà mình nhiều nụ quá, nụ vừa hé hé, nở đúng giao thừa đó má!
- Ừ! Sẽ có điềm may mắn cho gia đình mình!
Đã mấy năm rồi chị không nghĩ đến đi hái lộc đầu năm. Năm nay chị lại nhớ lời Ba lúc còn sống, ông nói: “Năm nào ăn Tết càng lớn, năm đó lộc vô càng nhiều. Đầu năm mình sốt sắng đi lễ Phật thì năm đó mình có nhiều điều may”. Cũng không hẳn là vì muốn lợi lộc, nhưng bỗng nhiên lòng chị rung động một thứ tình cảm êm ái khi ngọn gió Xuân man mác chờn vờn trên da thịt. Chị trang điểm tô phớt một lớp phấn hồng, mặc lại chiếc áo dài có đến mười năm rồi chị mới cầm lại. Chị ốm hơn xưa nhiều, áo rộng nhưng xem cũng tạm.
- Má ơi! Năm nay xuất hành hướng nào?
- Nếu con muốn tài lộc thì đi hướng chánh Đông, muốn tin vui thì theo hướng Tây gặp Hỷ Thần.
- Đi hướng Tây là mình về Chùa Thiên Bửu luôn hở má!
- Phải đó!
Đến chùa, sau khi lễ Phật, chị chào Thầy Trụ Trì. Sư cụ năm nay có đến tám mươi tuổi. Lần về hướng hồ sen khi mọi người còn đang trong chánh điện hay trước sân chùa ngắm hoa và chiêm ngưỡng các hòn giả sơn. Sen mùa nầy không hoa nở nên chẳng có ai ra hồ. Hai mắt chị chăm chú nhìn xuống hồ, ngọn gió nhẹ thổi qua làm chao động mặt nước lúc ẩn lúc hiện như có bóng ai dưới đáy hồ lung linh mờ ảo! Phải chăng là người thanh niên hái hoa “forget me not” cho người yêu. Trong phút giây người đàn bà chạnh lòng than thở:
“Chung quanh những đá cùng cây Biết người tri kỷ đâu đây mà tìm”.(Tản Đà)
Tiếng pháo đì đùng từ vài ngôi nhà gần Chùa, Nhẫn vội quay gót về nhà, chị lo thằng con cả đưa em đi lượm pháo Tết, có lần chị thấy nó lượm pháo lép, xé giấy lấy bột thuốc dồn lại gói thành pháo lớn. Nó đốt, hai đứa em chụm đầu vô xem, hú hồn tí nữa là cháy cả mặt. Chị thầm van vái chồng chị sớm về để dạy dỗ các con. Chúng mỗi ngày một lớn. Chị phải chạy lo ngược xuôi kiếm gạo, khó mà chăm sóc ba đứa con về phương diện học hành, một tiếng của cha cũng bằng ba của mẹ!
Sự cầu nguyện hàng đêm của người đàn bà đau khổ như cũng làm cảm động lòng trời. Vào một mùa Đông giá buốt, nếu có ai tò mò nhìn qua khe cửa của căn nhà vách đất nghèo nàn kia, sẽ thấy năm mái đầu chụm vào nhau chung quanh chiếc bàn con, ngọn đèn được khêu tỏ ngọn, bên cạnh một hỏa lò nhỏ than hồng lách tách nổ vui. Một người đàn ông tóc đã ngả màu đang đọc cho các con nghe tập bút ký của chị Cò quanh năm tần tảo nuôi con, vượt núi trèo non nuôi chồng trong các trại tù từ Nam ra Bắc!
Mỹ Hiệp
No comments:
Post a Comment