Nói chuyện với ông Hùm Xám Đàlạt
Sau khi đọc bài “Thiếu tá Lê Xuân Phong, Hùm Xám Đàlạt”, có người bạn của mẹ mình gửi cho thiếu tá Phong, cho mình i-meo luôn. Mình hỏi có gì sai thì cho mình hay để sửa lại cho đúng sự thật. Nhận được hồi âm và số điện thoại thêm bản nhạc “em có về Đàlạt không em” khiến mình cảm động khi nghe ai đó hát với những hình ảnh thân thương của Đàlạt.
Mình sống tại Đàlạt 18 năm, xa nhà đã trên 50 năm, vẫn khắc khoải về xứ sương mù này, huống chi người Đàlạt sống lâu năm hơn, như mẹ mình sang Hoa Kỳ được một năm là đòi về: “cho Mạ về đi con”. Thậm chí có ông tây sinh tại Việt Nam, sống được 10 năm tại Việt Nam, cũng khắc khoải nhớ về Đà Lạt, viết sách Enfant de Đà Lạt.
Mình định tuần tới gọi thăm anh Phong vì cuối tuần này là Ngày Từ Phụ bên mỹ thì anh ta gọi. 2 người sinh trưởng tại Đàlạt, nói chuyện đến 3 tiếng đồng hồ vẫn chưa hết chuyện. Cuối cùng đến 12:30 sáng bên miền đông nên phải tạm biệt nhau.
Mình có hỏi biệt danh “Hùm Xám” có từ đâu thì anh Phong cho biết, mấy thằng Mỹ nó đặt rồi người ta bắt chước gọi theo. Không có gì đặc biệt. Rất khiêm tốn như con trai Đàlạt chính gốc. Ra trận rất gan dạ và thông minh khiến cố vấn mỹ rất ngưỡng mộ. Mình nhận thấy con trai Đàlạt mà sinh tại Đàlạt thường rất khiêm tốn, ít muốn nói về mình.
The Grey Tiger, (con Hùm Xám) biệt danh do người Mỹ đặt cho thiếu tá Lê Xuân Phong, đại đội trưởng đại đội Trinh Sát 302
Mình hỏi về Mậu Thân thì anh cho biết dạo ấy anh đóng quân ở Phú Sơn, tên địa danh qua điện thoại khó nghe, hình như ở Blao đi vào, chỉ về hẳn ở Đàlạt vào năm 1969, sau Mậu Thân. Cho thấy ông Cornett kể không đúng lắm, khi nói đại đội 302 đã giải vây, đánh bậc lại Việt Cộng ra khỏi Đàlạt. Có thể đại đội 302 đã có rồi nhưng anh Phong chỉ chỉ huy sau Mậu Thân. Anh cho biết khi Việt Cộng tấn công Giáo Hoàng Học Viện thì đại đội Trinh Sát 302 có đến bao vây nhưng không được tấn công vào vì toà thánh Vatican, yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Lý do là sợ mấy ông thầy và linh mục giảng dạy bị Việt Cộng tàn sát. Trận đó đại đội 302 tử thương mấy người.
Theo sách của ông Cornett thì ông Beckett, CIA đóng tại số 3 đường Quan Trung Đàlạt là người liên lạc với bộ chỉ huy lính Mỹ, để được yểm trợ máy bay, dội bom, thanh toán các Việt Cộng núp ở Khu Hoà BÌnh và Số 4. Công chính tái chiếm lại Đàlạt là nhờ ông này. Ai có tin tức về ông này thì cho mình xin. Có ông Mỹ đánh trận Mậu Thân Đàlạt, có chụp hình đám lính Mỹ ở cây xăng Kim Cúc, cho biết là ông ta đóng ở phi trường Cam Ly, chưa có yểm trợ của không lực Hoa Kỳ. Để từ từ mình hỏi thêm để kể lại. (Mình đang tìm được một số tài liệu về vụ này qua sách của người Mỹ).
Vì khi bị trực thăng Mỹ bắn phá từ trên cao thì Việt Cộng rút lui, đi về Số 4, đi ngang khu nhà mình ở Hai Bà Trưng. Từ nhà mình thì không thấy, bị nhà bà Quán và bà Ngần che nhưng từ nhà Bà Thường, hàng xóm thì có con đường nhỏ từ Hai Bà Trưng đi lên thì nhìn xuống Hai Bà Trưng thì thấy bộ đội di chuyển về số 4 để tử thủ. Sau đó thì trực thăng bắn đại liên và hoả tiễn và khu trục cơ thả bom Napalm . Sau mình lên số 4, xem như bình địa luôn.
Đường Ngô Quyền sau khi Việt Cộng rút năm Mậu Thân
Hình ảnh trước rạp Xi-nê Hoà Bình năm Mậu Thân, nghe kể có tên Việt Cộng leo lên chỗ còi hụ bị trực thăng bắn. Còn khúc photo Hồng Châu thì không hiểu lý do, có thể máy bay bắn hụt bay tới đó không chừng. Ai biết xin cho biết. Có người ở khu vực này cho biết Việt Cộng đốt khi tẩu thoát. hình trên Internet
Sau Mậu Thân, Việt Cộng còn tấn công Đàlạt hình như hai lần nữa thì phải. Mình nhớ lần thứ 2, thì họ có làm mấy lô-cốt, xiềng chân lính của họ vào đó để tử thủ. Từ nhà mình, thấy sinh viên Võ Bị, chạy từ ấp Mỹ Lộc, cạnh chùa Linh Sơn, tấn công lên đồi, chạy vòng vèo như xi-nê. Nay về thì đồi trọc đã được thay thế bởi nhà và nhà. Kinh
Mình có hỏi về tiểu đoàn 204 thì mới hiểu là sau khi Hoa Kỳ rút quân thì đại đội trinh sát 302, được sử dụng để lấy tin tức Việt Cộng cho chiến dịch Phượng Hoàng, và những cái tên gì mình có đọc trong cuốn sách của CIA nhưng không ghi lại,.. được giải tán. Ai muốn thuyên chuyển về đơn vị nào thì làm đơn.
Dạo ấy đại tá Nguyễn Hợp Đoàn, tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức kiêm thị trưởng Đàlạt, rất thích đại đội này nên hỏi anh Phong thành lập tiểu đoàn 204 địa phương quân, giữ lại tất cả binh sĩ của đại đội này. Nghe ông Cornett kể là đại đội có trên 300 binh sĩ, nhiều hơn số quân của một đại đội. Đại đội 2 của tiểu đoàn là đại đội 302 trinh sát cũ.
Hồi tháng 3, năm 1975 khi Di Linh bị chiếm thì tiều đoàn của anh đã tái chiếm lại tỉnh lỵ này. Bắt sống được một tên thượng uý bộ đội và một chiếc xe Molotova, kéo xe này lên Đàlạt, đậu ở khúc cà phê Hạnh Tâm, để giữ tinh thần của người Đàlạt.
Một bài viết của một nhân chứng kể lại chiếc xe Molotova và thượng uý Việt Cộng bị bắt sống, cột ở xe để trước tiệm Hạnh Tâm, ngay góc Lê Đại Hành, nơi chiếc máy bay trực thăng Mỹ bị rớt mà mình có kể. Ai tò mò thì tìm trên bờ lốc của mình. Anh bạn mình ở Đà Lạt, có kể cho mình vụ này.
Ông tuỳ viên tham mưu trưởng trường Võ Bị kể là tiểu đoàn 204 và tiểu đoàn 277 đánh cầm chừng để người Đàlạt có thời gian di tản. Anh Phong cho biết đã đánh thẳng vào và đã tái chiếm lại thành phố. Tiểu đoàn tổn thất khá nặng vừa bị thương và chết lên đâu cả 100 người. Ông này đi tù với anh, ông tuỳ viên cho biết là nghe ai kể lại, anh Phong nói sao không hỏi tui cho có bản gốc rồi cười.
Câu chuyện thăm dò qua các nhân vật Đàlạt khi xưa. Anh Phong nói về bá hộ Chúc thì mình kể là đọc đâu đó, cho biết ông này khi xưa lên Đàlạt, nấu nước sôi cho người Đàlạt tắm, sau trở thành giàu có, xây cầu Bá Hộ Chúc cho người Đàlạt sử dụng. (Có người phản hồi cho biết là tên bá hộ Chúc đã giàu có từ thời ở Bến Tre, ông bá hộ Chúc lên Đàlạt làm nhà thầu xây cất cho Pháp. Dạo ấy ít ai được pháp cho bằng lãnh thầu)
Anh Phong hỏi biết thằng Nghĩa, hớt tóc đối diện rạp Ngọc Hiệp. Mình nói biết, anh ta kể khi xưa mỗi lần cắt tóc, váy tai là ra tiệm tên này hớt, phải đợi ông Việt Cộng nằm vùng này hớt. Khi cắt tóc thì tên Nghĩa này hỏi anh ta đi hành quân chỗ nào,… sau đó anh Phong cười. Ai ngờ nó là Việt Cộng gộc chớ không phải CM 30. Rồi cười to. Ông Cornett có kể ở Phan Rang, ông hay đi cắt tóc ở tiệm Việt Nam. Một hôm có Việt Cộng tấn công căn cứ của ông ta thì sáng hôm sau, thấy xác của ông thợ hớt tóc ngay hàng rào dây kẽm gai. Chán Mớ Đời
Mấy người thợ làm Công Quản Nước, ông thợ mộc và thợ hồ làm nhà cho gia đình mình đều là Việt Cộng nằm vùng. Sau 75 mới khám phá ra. Thậm chí có một chị người làm gốc Quãng, một hôm biến mất. Mới khám phá ra Việt Cộng gửi vào Đàlạt rồi được lệnh đi đâu hay sợ chị Hoa làm chung, có ông anh bị chôn sống tại Huế nên sợ, không dám ở lại sợ bị bắt.
Anh ta cho biết là sinh năm 1942 chớ không phải 1940 như ông Cornett kể và bố ruột anh ta theo Việt Minh và bị Tây giết chớ không phải Việt Minh. Ông Cornett kể sai. Bố mẹ anh gốc người Bình Định, vào Đàlạt sinh sống. Bố anh ta bị tây giết khi mới lên 3. Người cha mà ông Cornett kể là ông bố nuôi, tây lai. Mình có kể là Domaine de Marie được thành lập để giúp đỡ các người có hai dòng máu nên Đàlạt sau đó có tây lai nhiều. Có kể vụ này rồi, tìm trên bờ lốc .
Mình có hỏi có bà con gì với Lê Xuân Ái, nhà ở Dốc Nhà Làng, tập kết ra bắc thì anh ta không biết Lê Xuân Ái là ai. Chỉ có thế hệ mẹ mình mới biết. Ông này đi theo Việt Mình rồi tập kết ra Bắc, bạn của tướng Tôn Thất Đính. Anh ta kể là hay nói với các niên trưởng là nếu anh ta sinh ra sớm hơn, 18 tuổi thời 1945 thì có lẻ anh ta đã đi theo Việt Minh, chống thực dân.
Việt Minh là viết tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, một tổ chức kháng chiến chống pháp gồm tất cả các đảng phái người Việt dạo ấy, kiêm cả đảng cộng sản. Dần dần đảng cộng sản cho thủ tiêu người của các đảng phái khác như nhạc sĩ Văn Cao kể là đại uý đặc công, đi với các đảng viên cộng sản khác vào nhà cô đầu để giết tên nào của đảng Đại Việt đang theo nàng tiên nâu. Như ông Nguyễn Hải Thần, chống Pháp mà sang biên giới Tàu tối ngày phê theo nàng tiên nâu nên không khá.
Xin nhắc lại là khi Ppháp sang đánh chiếm Việt Nam thì người Minh Hương đã bán thuốc phiện cho người Việt để kiếm tiền, để “phản Thanh phục Minh”. Dạo ấy 50% đàn ông Việt Nam đều hút thuốc phiện. Pháp làm chủ luôn vụ bán thuốc phiện và rượu tại Việt Nam, lấy thuế rất cao để sử dụng trong việc cai quản Đông Dương và đem về nước.
Điển hình ông Phạm Tuyên, tác giả bài “như có bác trong ngày đại thắng, chiếc gậy Trường Sơn,..” , em của bà tiệm thuốc tây Nguyễn Văn An, có bố là ông Phạm Quỳnh bị Việt Cộng thủ tiêu thả trôi sông vì không theo họ. Mấy người đi theo kháng chiến sau bỏ trốn về thành, thường được gọi là “Dinh tê” (rentrer) như nhạc sĩ Phạm Duy,… do đó mới có những trường hợp như anh theo Việt Cộng còn em thì theo Việt Nam Cộng Hoà.
Câu chuyện nói về du đảng Đàlạt khi xưa. Anh ta kể là khi về Đàlạt thì anh ta nói các du đảng nên đi lính, vào rừng đánh nhau với Việt Cộng như Sơn Beatles, Xí Rổ, Lai Thái,… Sơn Beatles thì đi lính biệt kích Mỹ, nay sống đâu ở Florida, Lai nay sống ở Texas. Anh nói Xí Rổ chém Đại Cathay để lấy tiếng nhưng nếu đánh tay đôi thì đại Cathay thua vì Xí rổ võ nghệ rất cao. Mình nhớ có lần xem Xí Rổ mở sòng bài Tài Xỉu vào Tết ở trước nhà, có ai trúng lớn, ông thần này rút con dao găm, thảy trên mặt bài. Mình quen Đào Văn Quý, hàng xóm của ông thần này. Hình như sau 75, nghe nói bị nghiện thuốc phiện, chết thì phải. Chán Mớ Đời
Quay qua nói chuyện về một bác hàng xóm của mình. Anh ta kể là trước khi đi hành quân, hay ghé tiệm bánh này ở khu Hoà Bình mua đem theo. Bà này không bao giờ thấy bà cười. Mấy chục năm sau, anh ta đi ăn cưới con gái bà ta lấy con của đại tá Phạm Ngọc Thảo (có kể trong Boston có gì lạ không em). Anh ta đi theo nhà trai, gặp bà ta mới thấy bà ta cười lần đầu tiên. Bác này nay nghe nói bị Alzheimer, bác trai mới qua đời trước Cô-vi. Anh có kể có người thuộc đại đội trinh sát 302, sau này qua mỹ học, tốt nghiệp luật sư, hành nghề ở Bolsa. Mình có nghe nói đến ông luật sư này.
Anh Phong kể hồi nhỏ có học Petit Lycée nhưng bị đuổi vì hay đánh lộn, sau phải lên học trường Tinh Hoa ở gần Số 4. Anh kể trong quân bạ bị điểm xấu vì đánh lộn, bị đình chỉ lên lon cả năm trời.
Anh kể có lần xuống Chi Lăng (Saint Benoît ) uống cà phê, có chuẩn uý Phúc của đại đội anh, muốn vào PX nhưng có lẻ mới đi hành quân về nên đeo lon hơi xốc xếch quần áo nên quân cảnh không cho vào, đòi đánh. Ông chuẩn uý chạy ra nói nên anh hỏi quân số của chúng là bao nhiêu, nói 4 quân cảnh, bên anh có 6-7 chi đó nên anh và chuẩn uý đi vào trong khi mấy người kia ra xe lấy súng. Gặp quân cảnh hỏi chuyện thì quân cảnh lấy dùi cùi tính đánh anh ta và chuẩn uý Phúc.
Khách sạn này khi xưa hình như CIA đóng quân tại đây.
Lính của anh đang ra xe để lấy súng thì thấy quân cảnh sắp đánh anh ta nên lấy đại liên bắn chỉ thiên. Hôm ấy tổng thống Thiệu lên Đàlạt, dự lễ ra trường của Võ Bị nên có tiểu đoàn Biệt Động Quân thiếp giáp đủ trò. Nghe súng bắn nên thiết giáp bắt đầu chạy ra, anh và đệ tử lên xe chạy về căn cứ ở Đức Trọng.
Vừa về hậu cứ là có truyền tin thông báo có tham mưu trưởng Võ Bị gọi. Anh ta biết ông này. Ông này hỏi có chuẩn uý Phúc không vì có nói cho Quân Cảnh biết khi muốn qua đồn canh. Sau vụ đó, chuẩn uý Phúc bị tù 6 năm, may không khai có anh ta dính dáng vào nếu không chắc cũng bị tù 3 năm. Anh chỉ bị tù treo vì thuộc cấp nhưng không được lên chức cả năm trời dù chiến công ào ào. (Còn tiếp)
Lần sau sẽ kể về Cò Giao, gốc Bến Tre.
Nguyễn Hoàng Sơn
No comments:
Post a Comment