CÁI DĨA VÀNG
Ngôi làng nằm dưới chân núi, có hai xe hàng thường xuyên lui tới mua bán. Người ta gọi ông chủ chiếc xe sơn màu nâu là ông Gỗ còn chủ chiếc xe sơn màu xanh cỏ là ông Cỏ.
Ông Gỗ và ông Cỏ thường đụng đầu nhau khiến việc làm ăn không được suông sẻ vì dân làng hay so sánh hàng hóa và giá cả của người này với người kia.
Họ đến chỗ ông Cỏ cầm hàng lên và đặt xuống rồi thì chuyển qua xe ông Gỗ và lại cầm hàng lên rồi đặt xuống, săm soi chê khen mắc rẻ…
Ông Cỏ lanh lợi thông minh bèn nói với ông Gỗ:
– Bác và tôi hãy chia ra, khi tôi chào hàng ở đường này thì bác hãy đi đường khác, rồi sau đó chúng ta đổi phiên. Dân làng sẽ không còn cơ hội để so sánh khen chê trả giá nữa.
Ông Gỗ gật đầu đồng ý.
*
Trong làng có một gia đình giàu có bị sa sút, công việc làm ăn thất bại đã đành mà khi vợ chồng ông bà chủ thấy làm ăn bị rủi ro liên tục bèn quyết định ngừng lại để tìm cách khác thì trong một đêm nọ, căn nhà bị ngọn lửa thiêu rụi chỉ vì sự bất cẩn của người vợ, lẽ ra phải thổi tắt đèn rồi mới rót dầu vào bọng đèn nhưng vì sợ bóng tối nên người vợ vừa để ngọn đèn cháy vừa rót dầu, khi lửa phụt lên thì đã muộn.
Chút ít tài sản còn lại cùng với ngôi nhà bị thiêu thành tro.
Hối hận và nỗi buồn phiền vì mình mà gia đình lâm vào cảnh cùng cực, người vợ đổ bệnh rồi chết. Năm sau, người chồng cũng qua đời. Chỉ còn lại bà nội và cô cháu gái nhỏ, và con mèo.
Bà nội thì già, cô gái nhỏ sức yếu, nên cả hai chỉ biết đi khắp làng thấy nhà nào bận bịu thì xin phụ dọn dẹp kiếm cơm ăn qua ngày. Cứ vậy, ngày qua ngày, cô gái nhỏ lớn dần lên thành thiếu nữ xinh đẹp nhưng vì áo quần rách rưới nên cô giống như một bông hoa bị che lấp trong mớ cỏ dại.
– Bà nội ơi, chúng ta không nên làm thuê như thế này hoài mãi. Cháu lớn rồi, bà cho cháu đi học nghề dệt vải nhé?
Bà nội thấu hiểu lòng cô gái, học nghề dệt vải, cũng là ước mong dệt cho mình một tấm vải đẹp mà may áo mới. Bà cũng muốn cháu mình có quần áo đẹp. Nhưng biết lấy đâu ra tiền?
– Nhà mình nghèo quá cháu à, chẳng có gì bán đi lấy tiền cho cháu học nghề. Hai bà cháu buồn rầu nhìn nhau rồi nhìn quanh túp lều, đúng là chẳng có gì đáng giá. Sau trận cháy ngày nào, cố bới móc cũng chỉ nhặt nhạnh lại được mớ chén bát bằng sành sứ để hai bà cháu ăn cơm hàng ngày và cái dĩa ám khói dành đựng thức ăn cho con mèo, thêm mấy cái thau và khay nhôm, cái rương bằng thiếc và vài món đồ bằng đá.
“Mèo ơi, chúng ta sẽ đựng thức ăn bằng lá chuối nhé.” Bà nội nói với con mèo, cũng là nói với chính mình.
Bà nội vuốt tóc cháu và nhìn ngó những món đồ, bà nghĩ ngợi nếu gom bán hết thì được bao nhiêu? Ước gì là đủ tiền cho cháu của bà học nghề dệt, ước gì…
Thế là mờ sáng hôm đó, lòng phập phồng hy vọng, bà nội và cô cháu gái ra đầu ngõ chờ xe hàng.
Hôm đó, là ông Cỏ đến trước.
– Bà già ơi hôm nay có vòng đeo tay đẹp vòng đeo cổ xinh vải lụa mềm mại và thực phẩm tươi ngon… – Ông Cỏ mời chào.
Bà nội liếc nhìn mọi thứ đẹp đẽ sáng rực trên xe rồi thở dài:
– Trước tiên là ông hãy mua đồ của tôi.
– Được thôi – Ông Cỏ nhanh nhảu – Tôi đến đây là để giúp mọi người có tiền mà. Bà có gì bán nào?
Bà nội ra hiệu cho ông Cỏ đi theo mình. Về tới túp lều, bà nội chỉ tay vào những món đồ cũ kỹ mà bà đã gom gọn lại một chỗ.
– Tất cả chỗ này giá bao nhiêu? – Bà nội hỏi và hồi hộp chờ đợi.
– Tưởng bà có gì hay ho. Mớ đồ cũ mèm này tôi mua về biết bán lại cho ai chứ? Cái dĩa ám khói đen sì này để đựng phân mèo à? – Quen miệng là ngay lập tức thốt lên lời chê bai để dìm giá, nhưng bàn tay và con mắt nhà nghề của ông Cỏ nhận ra ngay cái dĩa này có gì đó đáng chú ý.
Ông Cỏ kín đáo dùng cây kim nhọn rạch vài đường qua lớp ám khói và nhận ra cái dĩa này bằng vàng.
Bà già này không hề biết giá trị món đồ bà đang có thì ta dại gì trả giá cao chứ, ông Cỏ nghĩ rất nhanh trong đầu, vụ mua bán này ta sẽ lời lãi đậm, đủ cho ta sắm thêm hai xe hàng nữa.
Nhưng trước tiên là hãy tỏ ra bất cần.
Ông Cỏ đặt cái dĩa xuống một cách dửng dưng và phẩy tay:
– Thôi, bây giờ ta lo bán hàng cho mọi người cái đã, bà hãy đợi đó khi nào ta rảnh rồi tính nhé.
Nói xong ông Cỏ quay lưng đi nhanh tỏ vẻ chẳng thiết tha gì, bỏ lại bà nội đứng giữa mớ đồ đạc cũ kỹ và niềm hy vọng tan thành mây khói.
Một hồi thì ông Cỏ đánh xe quay lại, và nhìn thấy cô gái đang gom lá về làm chất đốt.
– Bà già đâu rồi hả? – Ông Cỏ hỏi.
Vì thương con mèo nên cô gái giận ông Cỏ ghê lắm, cái dĩa đựng thức ăn hàng ngày cho mèo mà dám nói là đựng phân, khác nào ví với hố xí. Cơn giận càng lúc càng phình to khiến bà nội đang ở trong bếp mà cô chỉ muốn nói khác đi:
– Bà nội đang dọn dẹp nhà ở đầu làng.
Ông Cỏ “Hả?” một tiếng rồi vội đánh xe về hướng đầu làng là nơi đang phiên của ông Gỗ.
Trong lòng ông Cỏ hối tiếc lắm, biết vậy ban nãy mua phứt cho rồi, bây giờ thì phải đuổi theo bà già nhanh nhanh kẻo bà gọi ông Gỗ đến bán thì mất cả chì lẫn chài.
*
Thế rồi ông Gỗ đánh xe hàng đến.
– Bà già ơi hôm nay có vòng đeo tay đẹp vòng đeo cổ xinh vải lụa mềm mại và thực phẩm tươi ngon… – Ông Gỗ mời chào.
Bà nội liếc nhìn mọi thứ đẹp đẽ sáng rực trên xe rồi thở dài, ánh mắt bà chăm chăm vào súc vải, ban nãy nghe ông Cỏ chê bai quá chừng nên bà nội chẳng dám hy vọng nhiều, bà chỉ còn mong có đủ tiền để mua cho cháu gái một hai tấm lụa may áo mới thay cho cái áo cũ vừa rách vừa ngắn cũn cỡn.
– Trước tiên là ông hãy mua đồ của tôi – Bà nội nói.
– Được thôi – Ông Gỗ tươi cười – Tôi đến đây là để giúp mọi người có tiền mà. Bà có gì bán nào?
Bà nội ra hiệu cho ông Gỗ đi theo mình. Về tới túp lều, bà nội chỉ tay vào những món đồ cũ kỹ mà bà đã gom gọn lại một chỗ.
– Tất cả chỗ này giá bao nhiêu? – Bà nội hồi hộp hỏi – Có đổi được hai tấm lụa đẹp không? Hoặc một tấm cũng được?
Kinh nghiệm mấy lần mua được những món đồ cổ quý hiếm từ những mớ đồ cũ kỹ hơn thế này cho nên ông Gỗ cầm từng món lên xem xét cẩn thận, khi cầm cái dĩa lên, ông cảm thấy sự đặc biệt của nó và rồi thì ông nhận ra nó bằng vàng.
– Ồ ồ ồ … – Ông Gỗ xuýt xoa – Bà già ơi, một hai tấm lụa sá gì, tất cả xe hàng của tôi chỉ giá trị bằng nửa cái dĩa này.
Cô gái tròn xoe mắt kinh ngạc còn bà nội thì không dám tin, bà kêu lên:
– Ông trêu chọc bà già tội nghiệp này làm chi. Ông Cỏ nói nó chỉ dùng đựng phân mèo.
Ông Gỗ hiểu ra đây là chiêu dìm giá của ông Cỏ nhưng vì không muốn nói xấu bạn hàng nên ông giả lả:
– Tôi nói thật mà. Chắc là ông Cỏ đùa với bà thôi.
Cô gái và bà nội mừng vui tíu tít.
– Cảm ơn ông đã thành thật với bà già này – Bà nội nói.
Ông Gỗ thở dài tiếc rẻ:
– Cũng thành thật mà nói là tôi không đủ tiền mua cái dĩa quý giá này. Bà hãy đem nó về kinh đô bán cho nhà giàu sang quyền quý.
– Không không không – Bà nội quả quyết – Nhờ có ông nên tôi mới biết cái dĩa bằng vàng, nếu không thì bà cháu tôi vẫn nghèo khó suốt đời thôi. Vậy nên tôi muốn bán cái dĩa quý này cho ông. Ông trả bao nhiêu tiền cũng được mà.
Không cần tính toán lâu, ông Gỗ nói ngay:
– Xin bà cho tôi cái xe để đi lại, và cái cân để đong đếm hàng hóa. Còn lại tất cả là của bà.
*
Khi ông Gỗ đánh chiếc xe màu nâu trống rỗng đi thì chiếc xe màu xanh cỏ còn đầy hàng hóa của ông Cỏ lao tới. Bà nội và cô cháu gái chẳng cần nói năng gì, chỉ nhìn thấy đống hàng đẹp đẽ chất cao như ngọn đồi trước túp lều thì ông Cỏ biết là cái dĩa bằng vàng đã thuộc về ông Gỗ rồi.
Ông Cỏ vò đầu bứt tai giậm chân đau xót tiếc rẻ…
Nếu không vì quá tham lam thì hẳn cái dĩa quý đó đã về tay ông với giá hời rồi, lại còn bị cười chê là lừa dối…
Nguyên Hương
No comments:
Post a Comment