Bên Kia Đời Nhau
Tôi ở trọ trong căn nhà được chia ra thành nhiều phòng, nhà dưới lẫn trên gác.Tôi và hai người bạn chung một phòng lớn trên gác, suốt năm học thứ nhất tại Viện Đại Học Đà Lạt. Anh chị chủ nhà vẫn còn trẻ và tốt bụng, nhất là chị Thảo, chủ nhà, đã hai con nhưng còn rất mặn mà, chị quán xuyến tất cả công chuyện trong căn nhà nầy. Đôi lúc chúng tôi tụ lại đang nói chuyện trời trăng mây nước, tình cờ chị đi ngang, là cả bọn im re ra vẻ hãy còn ngây thơ, chờ chị đi khuất, đề tài mới về chị được đưa ra phiếm luận v.v.
Căn nhà nằm gần đầu ngõ, nên chúng tôi thấy được nhiều sinh viên qua lại, và chứng kiến nhiều chuyện vui vui. Một trong đám bạn chung nhà là Thao, hát hay đàn giỏi, hắn thường chờ cơ hội có vài "bò lạc" đi ngang là hắn đánh đàn điên cuồng, miệng thì gào lên " ….Phút đầu gặp em, tinh tú quay cuồng, lòng đang đói meo, thấy nàng như tô hủ tíu..…." Thường các "nai tơ" nghe hắn lên giọng hát mấy chữ đầu là chân nọ tức thì đá chân kia, nhưng cũng có "nai tơ" đáo để chu miệng kênh kiệu lại. Thấy vậy, có đứa đề nghị, lết ra chút xíu nữa chờ các "em" trường Bùi Thị Xuân đi học về, diễn tuồng cũ, trước mua vui, biết đâu "duyên kỳ ngộ" bất ngờ đến sau. Những niềm vui nho nhỏ như thế thỉnh thoảng đến. Ngày tháng qua mau. Tôi bắt đầu năm thứ hai của chương trình học bốn năm …
Hình như có định luật tự nhiên an bài đời tôi. Vào một buổi sáng, các bạn đã rời nhà, tôi vẫn còn loay hoay với quần áo và sách vở rồi sau đó hấp tấp bước xuống gác. Chị Thảo đứng chắn lối, miệng và sắc mặt trông rất dí dỏm nói:
- Chị nhờ em chút việc, nếu em thấy không sao khi phải tới trường trễ !
Tôi khựng bước và không dám phiêu lưu với tư tưởng trong đầu, liền dò hỏi:
- Đi trễ không sao, chị cần em chuyện gì?
Chị Thảo xoay mình hướng ra cửa chính, tôi nhìn theo, thấy một "em" sinh viên, dáng dong dỏng cao trong bộ "jacket" đen, tóc ngang bờ vai, mặt trông bối rối nhưng không mất nét xinh tươi và khả ái. Tôi bị thu hút như sắt gặp phải nam châm, chết trân !!! Chị Thảo thấy tôi im lặng lúng túng, chị sành sỏi lên tiếng.
- Cô Trang bỏ quên chìa khóa trong phòng, nhờ em tìm cách vào nhà lấy hộ.
- K..h..ông… có chi, vậy Trang dẫn đường cho.
Trang đưa mắt nhìn tôi như cám ơn, tôi theo Trang ra ngõ, ngược với hướng đi tới trường. Con ngõ nầy, tôi đã đi qua nhiều lần, nhưng hôm nay thấy nó sao thật dễ thương, hình như cây cối nào trước sân từng nhà cũng trổ bông! Đi qua được bốn năm căn nhà gì đó, thì Trang đưa tôi về thực tại.
- Trang ở trọ nhà nầy, đó là cửa sổ phòng Trang đang khép hờ, anh có thể nào vào phòng bằng cửa sổ không?
Tôi ái ngại nhìn cái cửa sổ trên gác khá cao, đầu óc hơi bấn loạn vì "khớp", nhưng cũng ráng làm ra vẻ điềm tĩnh bắt chuyện
- Trang mới lên Đà lạt, học phân khoa gì vậy ?
- Trang bắt đầu năm nhập môn, Quản Trị Kinh Doanh, khóa 11.
Tôi bắt đầu lo xa, nếu sau nầy thành bạn, "cô nàng" trông thông minh, nhưng nếu ... đưa bài ra hỏi, thì bỏ …mẹ! Ráng quên đi cái viễn tưởng đen tối ấy, tôi đảo một vòng chung quanh nhà, may mắn tìm được một khúc cây cứng cáp và dài đủ để gác một đầu cây vào mép dưới cửa sổ. Thế rồi "Anh hùng" bám vào khúc cây như khỉ trong sở thú, lụi đụi lên từng chút, cuối cùng tay tôi cũng nắm được thành dưới cửa sổ và vươn mình lên để lọt vào khung cửa. Điều trước tiên, tôi đứng yên thở từng hơi dài để hoàn hồn và lấy lại máu mặt cho đỡ tái vì sợ … Chợt nghe tiếng Trang có vẻ gấp rút nói vọng vào từ bên ngoài cửa phòng.
- Nhờ anh mở cửa cho Trang vào đi.
Tôi từ từ di chuyển từ cửa sổ tới cửa phòng, mắt thấy trên bàn một cuốn sách lễ Misa bỏ túi, vài cuốn sách khác, trong đó có tập thơ của Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch. Tôi mở cửa phòng, Trang tuôn vào như ai đuổi, rồi đứng trước cái giường một, như muốn che khuất cái gì đó đằng sau, ngượng ngùng nói cám ơn như hụt hơi, mắt như van xin tôi ra khỏi phòng cho lẹ … Tôi đã mất một dịp may "bên em" ngoài ý muốn.
Sáng hôm sau, tôi sẵn sàng, chờ đợi Trang đi ngang là nhào ra liền để cùng tới trường và tìm hiểu thái độ thất thường của Trang hôm qua.
Nhưng chờ hoài chẳng thấy "cô nàng". Trái lại, lại thêm một ngày đi học trễ. Tôi chưa bao giờ tích cực chờ "em" kiểu này, nhưng với Trang tôi không cưỡng được lòng.
Những ngày kế đến, tôi thỉnh thoảng gặp Trang trên đường hay tại trường, hỏi chuyện vu vơ, nhưng thái độ e thẹn, xa vắng của Trang làm tôi hụt hẫng, tôi dường như thất vọng với chính mình vì chưa đủ bản lãnh để đưa "em vào hạ". Đành phải nhờ quân sư "chị Thảo", tôi kể không sót từng chi tiết nhỏ lúc tôi ở trong phòng Trang cho chị nghe và thái độ của Trang những ngày sau đó. Hình như tôi rà đúng băng tần, chị thao thao bất tuyệt, nào là tâm lý con gái thế nầy thế kia, những điều con gái muốn, những bí mật con gái giữ v.v. Thật là "thiên nan vạn nan" với con gái !
Tình cờ vào lúc gần trưa, tôi cảm thấy đói bụng, tìm không thấy bạn thân để rủ lên câu lạc bộ cho vui. Vừa lững thững tới cửa câu lạc bộ thì tôi đã thấy Trang ngồi một mình trong đó. Tôi nghĩ thầm, có lẽ Trang cần có người nói chuyện, nên tiến lại gần lân la.
- Chào Trang ! Có bạn nào ngồi chung bàn không? Tôi có thể ngồi đây chứ? Trang cần gì thêm không?
- Dạ! Anh tự nhiên, cám ơn anh ! Trang dùng bấy nhiêu đủ rồi.
Từ quầy thức ăn, tôi trở lại bàn Trang, trên hai tay là ly cafê và croissant. Khi gần tới bàn, xuất kỳ bất ý, tôi vụng về trượt chân gập người trên mặt bàn, ly café đổ tung toé còn cái bánh văng tuốt đằng xa. Trang nhìn tôi ban đầu rất sững sờ, nhưng sau đó có lẽ nhìn bộ mặt khó coi của tôi, liền cười khúc khích thật lâu. Sau khi lau sạch sẽ cái bàn, tôi đi lấy lại đồ ăn, café và thêm ly sữa nóng cho Trang.
- Trang có thể ngồi lâu hơn một chút được không? Tôi gượng cười
- Dạ! được, Trang không có lớp trưa nay
- Nầy Trang, cho phép tôi "tháp tùng và bảo vệ" Trang mỗi buổi sáng tới trường ? Tôi cười ruồi.
- A ha ! Chưa khai lý lịch thì không được hành nghề.
- Tôi tên là Đinh Thiên Tường, năm 2 QTKD, còn độc thân, xuất thân gia giáo, có đai đen Karate…
- Đơn và lý lịch của anh có thể được cứu xét.
- Trong khi chờ đợi Trang điều tra lý lịch, tôi vui lòng "hành nghề" miễn phí đưa Trang đi nhà thờ, mỗi buổi sáng chủ nhật….Trang đồng ý…không?
- Sao anh lại biết Trang Công giáo, anh còn biết gì nữa, phải khai hết bây giờ, nếu không đơn sẽ bị bác trong ba mươi giây.
- Trang đọc "Tâm Tình Hiến Dâng" của Tagore, vậy hãy xem tôi là "Người giữ vườn"(Gardener) chăm sóc mấy cụm hoa trước cửa sổ phòng Trang. Ngoài ra không còn biết gì nữa.
- Trang không có diễm phúc làm Hoàng hậu, anh cũng chưa đến nỗi là tôi bộc. Thôi thì ... Trang thường đi lễ ở nhà nguyện nhỏ sau trường, anh có thể làm bạn đường tới nhà thờ.
- Làm bạn đường tới nhà thờ ???? Cám ơn Trang. Ngày mai tôi sẽ về quê trình thầy mẹ ...
- Xí ! T..r.ang muốn nói là đi nhà thờ sáng chủ nhật.
Sau lần gặp gỡ tình cờ trong câu lạc bộ, lòng tôi dậy lên niềm hân hoan hy vọng. Để hối thúc Trang "xét đơn", tôi dậy sớm mỗi buổi sáng chủ nhật. Mấy tên bạn nghe tiếng động, ngủ không được, lên tiếng cằn nhằn phát cáu. Đành chịu vậy thôi! Hãy để tôi có dịp thấy những cảm nghiệm thánh thoát trong Thánh Lễ và có những hạnh phúc dịu dàng bên Trang trong những buổi sáng trên con đường đi. Có những buổi sáng tinh sương, thật lạnh vì gió trên đồi. Trước nhà nguyện, Trang co ro, run lên trong cái áo khoác không đủ ấm. Tôi chỉ biết nhìn, để lòng dậy lên những tha thiết ân cần. Bất chợt tôi biết, tôi đã quan tâm về Trang hơn chính bản thân tôi.
Một dấu ấn sâu đậm trong đời vào một sáng chủ nhật, sau Thánh Lễ, tôi thấy trời khá trong xanh, quang đãng với nắng ấm. Tôi hỏi Trang đã tham quan được những đâu chung quanh đây chưa. Trang trả lời chưa có dịp. Tôi bốc đồng đề nghị đi xem "Thung Lũng Tình Yêu". Sau một quãng đường dài đi bộ, Tôi và Trang tới thung lũng, gương mặt khả ái của Trang lấm tấm mồ hôi trông rất đẹp, tôi ngẩn ngơ nhìn làm Trang ngượng ngùng hỏi :
- Mặt Trang có lọ hay sao mà nhìn dữ thế ?
- Cho dù có lọ nhiều hơn thế, tôi vẫn thấy đẹp và muốn ngắm lâu hơn!
Trang xoay mặt, đưa mắt nhìn ra xa xuống thung lũng như là không nghe tôi đã nói gì, thái độ và gương mặt nghiêng nghiêng của Trang làm tôi vui lên rồi làm tới.
- Trang ơi ! Có lẽ tôi phải bỏ QTKD để học hội họa.
- Sao lại thế, mà anh có khiếu vẽ không?
- Vẽ tranh để triển lãm thì không chắc, nhưng vẽ mặt lọ của Trang với gốc thông ngay đàng sau Trang, coi cái nào đen hơn thì "chắc nịch".
Trang làm mặt giận và cung tay như muốn đánh, tôi tự nhiên làm bộ thối lui.
- Anh trông vậy mà đầu óc thì "giảo hoạt" dữ nha…
Đột nhiên trời bỗng dưng tối sầm lại, tôi biết là cơn mưa giông sắp tới. Tôi lật đật, miệng gọi "Trang ơi ! Mưa tới" rồi kéo tay Trang đi tìm những tàng thông rậm rạp hơn để tránh mưa. Mưa đổ, càng lúc càng nặng hạt, rớt xuống qua những khe hở của tàng thông trên đầu.
Quần áo của tôi và Trang đều ướt đẫm. Tôi bắt đầu thấy lạnh, xoay lại đối diện với Trang, thấy tóc Trang ướt sũng dính sát với da đầu, mặt tái đi, hai hàm răng đánh cầm cập. Tôi lo âu hỏi. "Trang lạnh lắm hông?" Trang nhìn thẳng vào tôi với ánh mắt long lanh trả lời.
- Em lạnh lắm nhưng lòng thì…. không….
Tôi nhìn Trang với cảm xúc vỡ toang, thương Trang, hận mình đưa Trang tới nông nỗi nầy và đam mê vây kín không còn tự chủ. Tôi ôm Trang sát vào và hôn lên mặt nàng như mưa phủ phàng đổ xuống… Mưa dần dần nhẹ hạt, Trang cựa quậy nhỏ nhẹ.
- Anh buông em ra.
Thay vì buông tay, tôi tựa vào cây thông, dẫn hai tay nàng như ôm tôi sau lần áo khoác.
- Như vậy, em sẽ ấm hơn.
Không những Trang ngoan ngoãn theo sự xếp đặt mà Trang còn ôm chặt và đầu tựa sát vào ngực tôi như sợ hơi ấm của nhau sẽ tan biến vào thinh không. Tôi ngây ngất với cảm giác dịu dàng, ngọt ngào dâng lên từ sâu thẳm tâm hồn. Bây giờ tôi mới biết rõ thế nào là hạnh phúc! Hạnh phúc này chưa bao giờ kinh nghiệm và thật sự hạnh phúc khi thấy Trang cũng hạnh phúc đón nhận những chân tình đến từ tôi.
Sau cơn mưa trời sáng dần, nắng lên như vội vã đến cho tôi và Trang. Nắng vàng bao trùm cả một khoảng bầu trời dưới thung lũng, qua những khẽ hở của tàng lá thông xanh. Nắng trở thành từng tia rọi xuống những hạt mưa còn đọng trên đám cỏ, tạo thành những đốm sáng lung linh trên thảm xanh cuộn lên lưng chừng đồi. Dù đang tận hưởng những êm đềm đang có, tôi cũng phải kêu khẽ:
- Trang ! Em nhìn kìa !
Trang xoay người nhìn xuống thung lũng, rồi bung ra khỏi vòng tay tôi vừa chạy vừa kêu:
- Ôi ! Đẹp qúa !
Thấy Trang chạy chân sáo xuống thung lũng, tôi lại nghĩ tới…chạy làm người ấm lại, rồi đuổi theo. Hình như Trang ý thức hiệu qủa của việc chạy, nên nàng chạy rất nhanh, tôi buộc phải gắng sức nhưng vẫn bị bỏ lại một khoảng cách. Trang dừng lại chờ tôi trên bãi cỏ khá khô ráo, khi gần đến Trang, tôi mệt lả và qụy xuống. Trang với phản xạ tự nhiên đưa tay cho tôi nắm. Nàng bị lừa và bị kéo xuống nằm trên người tôi! Sau hồi thể dục, Trang lấy lại sinh khí, má nàng hây hây. Tôi nhìn nàng không thể cầm lòng, toan tính hôn lần nầy cho … "tình yêu". Nhưng Trang vùng đứng dậy, mắt và miệng cùng cười ranh mãnh:
- Anh "lưu manh" lắm, em sẽ "ngâm" đơn cho tới khi nào anh "đứng đắn"…..…..
Những ngày vui bên nhau đi nhanh và kết thúc khi biến cố đến. Nó đến rất lớn, tôi và Trang không ngoại lệ.
Trước khi rời Đà Lạt một ngày, Trang qua nhà gặp tôi, nói là ba mẹ nhắn tin muốn Trang về gấp bằng mọi phương tiện có thể. Tại bến xe đò ngày hôm sau, tôi và Trang thấy nhiều bạn sinh viên cùng hoàn cảnh. Chủ xe bảo đường về Saigon qua Bảo Lộc bị kẹt. Tôi, Trang và môt số sinh viên khác phải xuống Cam Ranh rồi Sàigòn bằng quốc lộ 1. Gần tới Bình Tuy thì được biết không thể đi ngang Long Khánh. Tôi đề nghị tất cả ghé vào Bình Tuy, vì gia đình tôi ở đó và sẽ hết mình kiếm ghe cho các bạn đi Vũng Tàu, rồi tự xoay xở lên Sài Gòn bằng xe.
Tôi không bao giờ ngờ hôm đó là lần cuối cùng thấy Trang……
Mùa Đông 1995, tôi trở lại Đà Lạt, cái cảm giác lành lạnh và áp xuất nhè nhẹ ép bên tai bắt đầu mỗi lần đi qua thác Prenn vẫn như cũ.
Về trong phố xưa, tôi thấy tất cả đều thay đổi, xa lạ như chưa từng đến bao giờ, ngay cả quán café gần bờ hồ, tôi thường tới với các bạn cũng không nhận ra vị trí. Ngày hôm sau, tôi tản bộ tới thăm anh chị Thảo, nhưng thất vọng vì không thấy một chút thân quen, ngay cả cái ngõ dẫn tới nhà trọ của Trang. Tôi trở lại con đường đi tới Viện Đại Học, đồi Cù đã trở thành sân Golf, bao che bằng những tường đá thấp.
Tôi tìm đường lên đồi, mơ hồ xác định vị trí nơi tôi và Trang thỉnh thoảng ngồi khi tan học. Tôi chợt mỉm cười nhớ lại lúc Trang nhìn qua Giáo Hoàng Học Viện PIO X và tỏ ý ca ngợi các vị "chân tu", tôi thừa dịp làm ra vẻ đau khổ nói:
- Vậy thì chúng ta chia tay từ đây, để anh sạch nợ hồng trần làm cha !
Trang cười hóm hỉnh
- Anh mà tu gì, làm cha mấy đứa…….
Trang chợt biết lỡ lời, im bặt. Tôi thấy sắc mặt Trang biến đổi không ngừng, đành cười phá ra:
- Theo em thì….nên có mấy đứa con ?
Chợt nghĩ tới Trang có con, lòng tôi bỗng dưng chùng lại theo bước chân xuống đồi Cù. Tôi tới và đứng chờ sau mấy khách du lịch khác trước cổng Đại Học để mua vé. Vòng ra phía sau trường, tôi đứng trước nhà nguyện, loang lổ rêu phong, thể hiện bằng chứng thời gian. Thinh lặng trong mấy phút, tôi thấy lòng thanh thản của những sáng chủ nhật với Trang trong ngôi nhà nguyện nầy. Cảm ơn Trang giúp tôi có chút tâm linh trong những ngày sống độc thân xa nhà.
Dự tính đi Thung Lũng Tình Yêu, nhưng tôi sợ thực tế sẽ làm hư hao kỷ niệm đẹp đẽ trong tiềm thức bấy lâu.
Trưa chủ nhật hôm sau, thay vì trở lại đó, tôi theo Lm Khanh đi dâng lễ chủ nhật cho đồng bào thiểu số và một số các soeur ở đó giúp họ về mặt đời lẫn đạo. Cha Khanh chở tôi đi bằng Honda, con đường rừng rất ngoằn ngoèo. Khi lên đồi tiếng máy xe nghe rất vất vả, khói xịt tá lả đằng sau, nhưng bánh xe cứ thế lừ đừ lăn. Cha Khanh như muốn bào chữa "cục cưng" của mình nói:
- Hàng hóa Việt kiều cái gì cũng nặng.
- Cha đừng bôi bác con, "kiện hàng" nầy sản xuất tại VN. Tôi phân bua.
Tôi thương cho đời sống tu trì, nam hay nữ của bất cứ tôn giáo nào trên phương diện dấn thân. Họ sống đạm bạc, thiếu thốn phương tiện để phục vụ tha nhân.
Khoảng gần tiếng đồng hồ, tôi thấy lờ mờ những căn nhà chòi bằng tranh nằm thoai thoải lưng chừng bên kia đồi. Để đi tới, tôi phải xuống xe đi bộ trên cái cầu bằng cây rừng ghép lại để bang ngang con suối nhỏ. Nước suối thật trong có thể thấy rõ những hình dạng và muôn màu của đá sỏi dưới đáy nước.
Tôi và cha Khanh tới cổng làng, nhiều người gặp cha và chào rất lễ phép. Không như tôi tưởng, họ trang phục không giống như đồng bào ở Ban Mê Thuột mà tôi đã thấy lúc nhỏ. Có lẽ họ đã bị "Kinh hóa" bởi thời gian, các nhà truyền giáo hay những nỗ lực của các soeur hiện nay cố gắng canh tân đời sống của họ. Tôi và cha Khanh đứng chờ Soeur trong căn nhà lá tiếp tân, bàn ghế rất đơn sơ, nền đất nhưng sạch sẽ. Nơi đây tôi có thể thấy bao quát một khoảng không gian khá rộng, xa xa là núi xanh, gần hơn có đồi thông và gần hơn nữa là những vườn trà được trồng từng cấp, như những bậc thang xếp lên đồi, mỗi bậc rải rác những căn nhà chòi bằng tranh. Tôi tự nhủ, phong cảnh thật là u nhã, hiền hòa với sự sống của con người; khi hoàng hôn xuống, mọi người về nhà nấu cơm tối, tôi sẽ lên đây ngắm cảnh " Khói lam chiều".
- Con xin chào cha… Hình như chúng con hôm nay có khách quí ?
Tôi nghe tiếng nói từ đàng sau và từ từ quay lại, thay vì mở miệng chào, tôi trân trối nhìn đối tượng trong khi cha Khanh cất tiếng đáp lễ:
- Chào Soeur Trang … Đây là anh Tường, bạn học từ nhỏ của tôi từ Úc về.
Tôi càng minh xác điều thấy trước mắt là đúng. Mặt biến sắc ! Tôi bàng hoàng choáng váng khẽ kêu:
- Nguyễn Thanh Thu Trang !
Ngay sau khi tôi thảng thốt kêu tên Trang và thấy thái độ xác nhận của Trang, tôi vụng về quay mình đi ra khỏi phòng tiếp tân một quãng khá xa rồi dừng lại trước ghềnh đá.
Tôi luôn nghĩ rằng Trang không còn ở lại trong nước, thấy lại Trang trong tình huống này thì thật là một an bài của siêu nhiên. Đây có phải là hạnh ngộ ?
Tôi như đê vỡ bờ, bao nhiêu kỷ niệm âm ỉ trong tôi dồn dập tuôn ra như thác đổ: Soeur Trang, cách đây hơn hai thập niên, cho tôi những phút giây êm đẹp, chân tình, tôi nô nức đón chờ từng ngày, cho tôi thấy những ngày mới là tươi đẹp, xây dựng, tương lai v.v. Đến nỗi, tôi đã không ngần ngại, tha thiết xin Trang đến với tôi như người bạn đời từ thơ mộng chuyển biến sang trách nhiệm và gia đình.
Thấy vóc dáng tiều tụy của Trang, lòng tôi như nát tan, chính thân xác đó, tôi đã ôm ấp, che chở trong vòng tay chờ cơn mưa tạnh vào một buổi sáng có nắng vàng, dưới thung lũng rợp thông xanh. Lòng tôi giờ đây lại dấy lên niềm ân hận vô bờ, đã quá thờ ơ không hỏi địa chỉ, hay bằng mọi giá, tích cực đi tìm Trang trước khi xuống tàu ra đi. Đã nhiều lần tôi bị đau khổ dày vò vì mất Trang và âm thầm xin Trang tha thứ, nếu ở nơi nào đó Trang không mấy hạnh phúc vì tôi…
Ngày hôm sau, tôi cùng cha Khanh rời khỏi làng. Lúc chia tay, tôi ước ao được thấy lại Trang một lần, không biết sẽ được gì. Nhưng chỉ thấy một Soeur đi ra tạm biệt chúng tôi và nói "Soeur Trang hôm nay không được khỏe, xin gởi lời tạm biệt cha và anh". Cùng lúc Soeur tiến lại gần tôi và trao cho tôi một phong bì "Soeur Trang gởi lời cám ơn anh đã tặng quà cho trại". Tôi trân qúi nhận lấy và ôm ấp mãi cho tới khi về đến khách sạn.
Người yêu dấu trong chúa Giêsu và mẹ Maria !
Hôm qua như một phép lạ, Trang thấy lại anh lúc nầy, chốn nầy, lại thấy thái độ bất thường của anh. Trang cảm xúc thật nhiều nhưng cố trấn tĩnh tinh thần tiếp cha K. cho tới giờ chót, rồi vội vã lui vào bên trong.
Sau khi khép lại cánh cửa, bao nhiêu nghị lực, can đảm, niềm tin trong Trang hằng có bấy lâu chợt tan biến, rồi thấy mình chơi vơi, kiệt quệ và phải qùy xuống trước Mẹ Maria
…….Lạy Mẹ, giúp con lấy lại những gì con hằng có bấy lâu, đừng để bất cứ mãnh lực thế gian nào chi phối đời con lúc nầy và đời còn lại của con mà con đã tự nguyện dâng hiến . Cho con thêm can đảm để nói hết tự đáy lòng với người con đã một lần hết dạ thương yêu.
Sau khi giã biệt anh ở bến ghe Chương Dương, Bình Tuy, Trang cùng mấy người bạn lần đầu đi thuyền nên rất sợ hãi, trước mặt và chung quanh là sóng nước mênh mông làm Trang không còn lòng để nghĩ tới chia ly và ngày hạnh ngộ. Khi ghe cặp vào Bến Đá, Vũng Tàu thì mọi người đều mệt lả vì say sóng. Từ đó Trang về tới Sài Gòn bằng xe bình yên. Ba mẹ rất mừng thấy Trang về, mẹ ôm Trang với niềm vui chan hòa lẫn nước mắt.
Biến cố xảy ra, ba phải đi trình diện, rồi sau này ra Bắc. Mẹ vì sức khoẻ yếu, phần thì nhớ ba, phần thì lo cuộc sống hàng ngày cho hai mẹ con (bởi ba rất thanh liêm), nên mẹ quyết định về Bình Giả, quê ngoại của mẹ, dẫu may có họ hàng giúp đỡ khi khốn cùng. Trang rất vất vả với những ngày tháng nầy, tập đi buôn, đi làm rãy, làm ruộng thuê cho những người ở đó đã lâu. Trang như hững hờ chấp nhận, đón từng ngày dài đến vì nghe đâu anh đã đi rồi.
Ngoài mẹ ra, Trang còn có một an ủi và niềm vui nho nhỏ là có mấy Soeur từ các tu viện về đây canh tác cùng nhau sống qua ngày và luôn tiện giúp các xứ liên đới về phụng vụ tôn giáo. Trang hòa đồng với các Soeur, từ thực tiễn tới tâm linh. Các Soeur chính là cội nguồn để Trang tiếp nối đời mình như anh đã thấy hôm qua.
Mẹ là nỗi âu lo trong lòng Trang luôn phải nghĩ tới lúc đó, cuối cùng mẹ cũng bỏ Trang để đến với ba (ba mất ngoài Bắc cách đó không lâu). Hai đại tang chưa đầy một năm, thật là nghiệt ngã !
Trang bấy giờ thật sự mồ côi, bơ vơ giữa đời; sáng dậy cô đơn, trưa vắng người, tối một mình hiu quạnh, nước mắt cứ lăn nỗi buồn từng đêm, vì nhớ ba mẹ và anh. Nhớ anh vô cùng, trong kinh cầu, Trang luôn xin ơn trên đoái thương cho thấy anh lại, dù chỉ một lần trong khoảnh khắc, xin cho anh sẽ nói gì đó, làm Trang hân hoan cùng anh đi tới bất cứ nơi nào, miễn đừng để Trang một mình...
Tuy những ngày chúng ta có nhau rất ngắn, nhưng hoài niệm cũng đủ nặng lòng Trang. Hy vọng thấy anh lại thì mong manh như tơ trời, xa diệu vợi. Chỉ còn lại lý tưởng để Trang lạc quan đi cho phần đời còn lại là đường hy vọng và tin yêu vào Chúa. Nên Trang đã tự hiến và phó thác đời mình cho Người và cho những ai bất hạnh cần đến Trang như một an ủi cần thiết. Trong kinh cầu hay lễ Misa, Trang vẫn luôn nhớ và cầu cho anh và những ai gắn bó với đời anh (Trang vẫn không biết hoàn cảnh của anh) sống đầy ân sủng…...
Thu Trang
Tôi yên lặng xuất thần không biết bao lâu, mọi vật trước mắt như mờ dần. Tôi chỉ ý thức trong tôi xúc động mãnh lìệt, một mãnh lực đang cấu xét dồn dập nổi lên như sóng bão. Tôi không thể đè nén cơn đau đớn và đành để nước mắt trào ra cho vơi đi niềm ân hận đã lạc mất đời nhau, và những ngày bất hạnh khốn cùng Trang đã chịu đựng…Tôi thì thầm:
…"Người yêu dấu ! Em can đảm và cao thượng hơn anh nhiều lắm! Em thật sự là "Hoàng hậu" và anh chỉ là "Tôi bộc" hèn mọn. Xin ân thiêng cho em vĩnh viễn hạnh phúc trên đường em đi trong tình yêu tuyệt đối của Người...."
Tôi uể oải đứng lên, bước ra khỏi quầy rượu. Văng vẳng từ CD tiếng hát của Tuấn Ngọc "…vì em đã mang lời khấn nhỏ, bỏ tôi đứng bên đời kia…" nhỏ dần…
Đinh Thiên Tường
No comments:
Post a Comment