Ông gốc Việt ở Quận Cam "SỐNG LẠI LẦN HAI" sau 16 ngày thở máy vì nhiễm COVID-19
Ông Tiến Trần khi được điều trị tại bệnh viện ở California, Mỹ
Ông Tiến Trần, 62 tuổi, hiện sống tại thành phố Anaheim, miền Nam California, vừa thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” COIVD-19 sau 24 ngày điều trị tại bệnh viện Anaheim Global Medical Center, trong đó có 16 ngày phải thở bằng máy.
Ông phát bệnh từ ngày 21 Tháng Ba, 2020, được đưa vào bệnh viện ngày 26 Tháng Ba, và ngay lập tức các bác sĩ phải đặt máy trợ thở cho ông. Ông Tiến được trở về nhà hôm Thứ Hai, 20 Tháng Tư, đang trong quá trình hồi phục và vẫn phải tự cách ly tại nhà.
Thông tín viên Ngọc Lan đã có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ông Tiến Trần để được nghe ông miêu tả rõ hơn về quá trình phát bệnh, các triệu chứng mà ông gặp phải, cũng như kinh nghiệm chống chọi với căn bệnh quái ác này.
Tiến Trần: Tôi lái xe Uber nên có rất nhiều giao tiếp với khách hàng, mình xách valy cho họ, mở cửa cho họ, rồi mang thức ăn dùm họ nên không biết ai là người đã làm mình nhiễm bệnh.
Ngày 21 Tháng Ba khi đi làm về tôi cảm thấy nhức đầu. Tôi chỉ mua Tylenol và uống nước lạnh nhiều vì tưởng chỉ bị cúm thường, rồi nằm xuống. Nhưng từ đó đến ngày 26 thì tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Mình tưởng chỉ là cúm thường hằng năm nên không để ý cho lắm.
Ngày 26 Tháng Ba, bà thuê nhà chung với tôi đề nghị gọi cấp cứu vì tình trạng tôi trông không tốt. Nhưng tôi từ chối không muốn đi. Khoảng 1, 2 tiếng đồng hồ sau thì con gái tôi gọi, nói “Ba à, ba cần phải đi vì tình trạng này rất nghiêm trọng.” Thế là tôi đồng ý.
Khi vào đến bệnh viện, họ đo máu, kiểm tra oxygen thấy thiếu quá, thấy thở không được nên họ chuyển ngay qua ICU.
Qua ICU, bác sĩ thấy ngay tình trạng trầm trọng nên cho đặt máy thở liền (ventilator), và tôi nằm từ đó cho đến ngày 12 Tháng Tư mới tỉnh lại. Nghĩa là lúc đó trong con người tôi bắt đầu kháng cự lại những gì con siêu vi khuẩn mang đến thì tôi mới bắt đầu thở lại bình thường.
Ngọc Lan: Anh tự vào bệnh viện hay xe cấp cứu chở anh vào?
Tiến Trần: Xe cứu thương chở đi.
Ngọc Lan: Từ lúc người ta đưa anh vào cấp cứu cho đến ngày 12 Tháng Tư, anh có nhận biết mọi thứ xung quanh không?
Tiến Trần: Không có biết cái gì hết.
Ngọc Lan: Vậy là trong thời gian đó anh hôn mê luôn?
Tiến Trần: Chỉ một nửa hôn mê chứ không hoàn toàn. Y tá đến lấy máu, đo oxygen thì mình biết lúc đó thôi. Rồi từ lúc đi vào ICU thì hoàn toàn dùng máy thở.
Ngọc Lan: Ý tôi muốn hỏi từ lúc anh vào ICU cho đến lúc tỉnh lại, anh có nhận biết mọi thứ xung quanh không hay mọi thứ rất mơ màng?
Tiến Trần: Rất là mơ màng.
Ngọc Lan: Từ ngày 21 đến ngày 26 Tháng Ba, anh thấy tình trạng của anh như thế nào?
Tiến Trần: Chỉ tưởng mình bị cảm thôi. Nhưng hơi thở của mình mỗi ngày mỗi giảm, nhưng mình cũng không biết, chỉ ráng hít vô thở ra bình thường, nhưng đối với bác sĩ thì họ biết mình khó thở.
Ngọc Lan: Anh có thấy triệu chứng gì khác nữa không ngoài chuyện khó thở?
Tiến Trần: Ăn không được, không thấy ngon, uống nước bình thường, nhức đầu, không ho, không đau cổ. Trong người bình thường, có thể đi đứng lấy đồ ăn, nhưng chỉ đi một chút là phải trở lại giường vì không đứng lâu được.
Ngọc Lan: Trong những ngày đó anh không đi làm?
Tiến Trần: Chỉ ở nhà, không đi làm nổi.
Ngọc Lan: Khi người nhà yêu cầu anh phải vào bệnh viện thì tình trạng anh khi đó tệ đến mức nào?
Tiến Trần: Là sự sống còn (survival) chỉ còn khoảng 40-50% thôi, rất yếu ớt. Tôi chỉ có thể đi từ phòng ra đến xe cứu thương, nhưng sau đó là sức lực bắt đầu yếu đi.
Ngọc Lan: Trong suốt thời gian anh mơ mơ màng màng mà người ta cho anh thở máy, anh có cảm giác được là anh mệt mỏi, đau đớn hay là có gì khác không?
Tiến Trần: Không. Không có biết cái gì hết. Hoàn toàn là ảo tưởng. Có những cơn mê mê mình thấy rất lạ lùng, chưa bao giờ thấy trong đời.
Ông Tiến Trần sau khi được điều trị khỏi COVID-19 Photo: RFA
Khoảng một ngày trước khi tôi tỉnh dậy thì tôi bắt đầu nghe người ta nói cần phải tắm táp cho tôi vì tôi đi tiêu ngay trên giường luôn. Họ cho tắm nhưng mà bằng cách lấy giấy chùi chứ không phải tắm bình thường.
Ngày hôm sau khi tôi có thể hoàn toàn tự thở lại được thì cô y tá trông nom tôi mới gọi điện thoại cho các con tôi báo là tôi đã tỉnh dậy và có thể rút ống thở ra.
Ngọc Lan: Chuyện anh hồi phục như vậy sau một thời gian dài phải thở máy, theo những bác sĩ, y tá, có phải là trường hợp đặc biệt không?
Tiến Trần: Có. Họ nói tôi là người rất mạnh mẽ để chống lại với con siêu vi khuẩn này. Khi bác sĩ nói họ cho mình thở bao nhiêu phần trăm mà nếu mình không thở nổi là họ cho mình chết luôn bằng cách rút ống thở ra.
Tôi chống lại bằng cách thở được 45% hay là bao nhiêu đó để có thể thở lại bình thường. Quan trọng nhất là phổi mình phải thở lại bình thường, còn nếu không thì không cách chi mà mình sống được.
Ngọc Lan: Anh bắt đầu hồi phục như thế nào?
Tiến Trần: Khi tỉnh dậy thấy người mình mệt mỏi, giở tay lên không nổi, ăn cơm cũng không được. Bữa đầu tiên họ cho ăn, tôi không thể cầm nổi cái muỗng nhựa để múc một miếng cơm hay một miếng khoai tây nghiền hay là một miếng gì để bỏ vô miệng.
Mình cũng không biết miệng mình nằm ở đâu nữa. Phải lấy tay rờ cái miệng, kiếm coi cái miệng ở đâu rồi mới nhét cơm vô được. Rồi những người y tá vô bắt buộc mình phải ăn, họ đút cho mình ăn, rồi từ từ mình có sức khỏe lại.
Nhưng chân cẳng không làm được gì hết. Mình nằm trên giường không cách chi nhúc nhích được cái chân, cái tay, chỉ có cái đầu tỉnh táo, muốn làm việc nhưng tay chân mình không có nghe lời.
Ngọc Lan: Từ lúc anh bắt đầu tỉnh lại, người ta lấy máy thở ra thì mỗi ngày anh mỗi cảm thấy sức khỏe đỡ hơn đỡ hơn không?
Tiến Trần: Đỡ là nhờ ăn uống. Ai tỉnh dậy phải cố gắng ăn, ăn càng nhiều càng tốt. Tuy đồ ăn trong nhà thương không có ngon. Khi tôi tỉnh dậy, món đầu tiên tôi muốn ăn là ăn In&Out ngay tức khắc.
Nhưng mà phải tiếp tục ăn những món trong nhà thương. Hai ba bữa đầu tôi chỉ ăn được hai, ba muỗng là đổ hết. Nhưng mà khi mình bắt đầu khá hơn thì mới ăn được, cố gắng ăn càng nhiều càng tốt.
Chỉ có ăn mới cho mình năng lượng để đi đứng, tập đi lại, hoặc có sức khỏe để mà ngồi dậy trên giường thôi, hoặc có một tí năng lực để lôi cái thân thể nặng nề của mình trên giường. Cho nên điều quan trọng là phải cố gắng ăn khi tỉnh lại.
Ngọc Lan: Bác sĩ có dặn dò khi trở về nhà, anh phải giữ gìn sức khỏe như thế nào không?
Tiến Trần: Trong thời gian tôi ở lại đó một vài ngày trước khi về, thì có chuyên viên trị liệu đến giúp mình tập đi, quan trọng nhất là tập đi lại. Tôi cũng tập đi trong phòng, tôi cũng dùng cái walker để tập đi.
Trong thời gian này khó ngủ lắm. Có thể tùy người. Nhưng cái thuốc trong người mình làm cho mình khó ngủ. Hơn nữa trong nhà thương cứ hai tiếng đồng hồ họ thức mình dậy để chích thuốc hay cho uống thuốc, lấy máu đi thử, nhiều chuyện lắm. Khi đi đứng được rồi, bác sĩ nhìn thấy tình trạng mình tốt thì cho đi về.
Ngọc Lan: Anh đang là một người khỏe mạnh, rồi bị nhiễm bệnh, phải vào bệnh viện rồi mơ màng phải thở máy trong hơn chục ngày, rồi đến lúc anh tập đi lại thì lúc đó anh cảm thấy con người anh như thế nào?
Tiến Trần: Rất là sung sướng, rất hạnh phúc. Trên phòng tôi nhìn ra bãi đậu xe, tôi thấy cuộc sống của mình cần phải tiếp tục, mình cần phải ra nắng, phải hưởng gió, nghe chim kêu.
Tôi nghĩ mình phải tiếp tục, chứ không cách chi nằm đây hoài được. Với lại phần tôi thấy các y tá đi đứng lại bình thường thì tôi lại nghĩ mình phải tiếp tục cuộc sống này chứ không thể ngưng được.
Ngọc Lan: Đang là một người khỏe mạnh, giờ phải tập đi lại thì những bước chân đầu tiên anh tập đi lại có gì lạ lùng không?
Tiến Trần: Có chứ. Giống như những phi hành gia trên cung trăng, từ ngoài bầu khí quyển trở về trái đất, họ cũng phải tập đi như tôi thôi.
Lần đầu tiên khi tôi cố gắng ngồi dậy, chỉ ngồi trên giường thôi để ăn mà đầu tôi nặng trĩu đến mức mình tưởng không thể giữ nổi nữa.
Rốt cuộc phải nằm xuống, nghĩ chắc mình chưa sẵn sàng. Lại phải tiếp tục ăn uống. Một hai ngày sau tôi mới có thể ngồi dậy, đặt hai chân lên mặt đất, rồi thở từ từ ít nhất 30 giây hoặc 1 phút.
Lúc đó tôi mới cố gắng đứng dậy. Đứng dậy được rồi thì đầu vẫn còn làm mình chóng mặt lắm, thấy mình như không còn thuộc về quả đất này nữa.
Sau đó từ từ tôi tập đi, tập lấy đồ. Trước đó chỉ cần với qua cái bàn để lấy nước uống, mà thấy cái ly ở đó nhưng không thể nào cầm được cái ly mút nhẹ có tí nước trong đó mà đưa lên uống được. Sức khỏe mình không còn gì nữa.
Ngọc Lan: Đến hôm nay anh đã thấy sức khỏe anh mỗi ngày mỗi đỡ đỡ hơn không?
Tiến Trần: Mỗi ngày mỗi đỡ hơn. Đi đứng thì đã có thể tự đi một mình không cần walker, nhưng mà ngày đầu tiên khi trở về nhà, chỉ cần đi rửa mặt thôi thì cũng phải rờ bám vô tường để mà đi, ăn uống thì tôi nói mấy đứa con tiếp tục mua đồ ăn giống như trong nhà thương, nhuyễn hay lỏng để ăn uống cho dễ tiêu.
Ngọc Lan: Bác sĩ có dặn bây giờ ăn vẫn phải cách ly mọi người không?
Tiến Trần: Bác sĩ bảo vẫn phải tiếp tục cách ly, vì mình chưa có kiểm tra lại, bên CDC phải xét nghiệm lại coi mình có hoàn toàn âm tính không. Tôi cũng phải tự cách ly, không có đi ra ngoài đường.
Ngọc Lan: Trong thời gian anh bệnh, giờ trở về nhà, thì những người sống cùng nhà với anh thì sao?
Tiến Trần: Có một bà sống cùng nhà với tôi thì tôi giữ khoảng cách với bà ấy thôi. Tôi là người phải đeo khẩu trang để nếu có ho thì không có phun cái gì ra.
Ngọc Lan: Bà sống cùng nhà với anh có sợ không? Bà ấy có được xét nghiệm luôn không?
Tiến Trần: Bà mấy muốn xét nghiệm nhưng chưa được xét nghiệm. Nhưng bà ấy không có sợ đâu. Bà vẫn bình thường khỏe mạnh.
Ngọc Lan: Người ta có nói anh phải cách ly trong thời gian bao lâu không và đến khi xét nghiệm trở lại thì họ đến xét nghiệm tại nhà hay anh phải đến bệnh viện?
Tiến Trần: Theo đúng như nhà thương nói thì bên bộ y tế sẽ gửi người đến test cho tôi nhưng đến giờ tôi chưa thấy gì hết. Tôi có gọi lại thì họ nói là bên nhà thương cần phải chỉ dẫn tôi đi đâu hay là trở lại nhà thương để xét nghiệm thì tôi cần phải liên lạc với nhà thương xem vấn đề chắc chắn như thế nào.
Ngọc Lan: Sau khi trải qua căn bệnh đang làm cả thế giới phải điêu đứng như thế này, đến bây giờ anh nhìn lại anh cảm thấy điều gì có ý nghĩa trong cuộc đời của anh?
Tiến Trần: Tới giờ, có được cơ hội thứ hai để sống lại, tôi thấy yêu cuộc đời này hơn nhiều, tôi đi ra ngoài tắm nắng, tôi thấy những gì trải qua là ác mộng.
Tôi tin là mình sẽ có một cuộc sống mới, nhưng tôi nhìn đường đi phía trước mình cũng phải lo lắng vấn đề thu nhập, phải sống như thế nào và phải làm những công việc gì cho những năm sau...
No comments:
Post a Comment