Tuesday, May 5, 2020

NGƯỜI ĐI KHÔNG ĐỂ LẠI DẤU CHÂN


Tin Vũ Huy Cương qua đời đến với tôi không đột ngột, nhưng choáng váng.

Không đột ngột vì lớp chúng tôi đã ở cái mốc được gọi là "đến cõi", tính theo tuổi thọ trung bình của người Việt, chẳng nay thì mai cũng rời bỏ thế gian này. Mà tuổi thọ của người Việt mình nào có cao là mấy, đến nỗi mới ngoài hăm nhăm Nam Cao đã ngán ngẩm kêu rằng mình đã ở bên kia cái dốc cuộc đời.

Không đột ngột còn vì mấy ngày trước đó, mặc dầu liên lạc điện thoại giữa châu Âu và Việt Nam khi nối được khi không, tôi đã biết Cương mệt nặng. Tiếp theo là tin Cương được các bạn đưa đi cấp cứu. Chẩn đoán: sơ gan, suy nhược toàn thân, triển vọng xấu. Choáng váng là vì Cương "đi" như thế vẫn là nhanh quá, là bất ngờ quá!

Ai cũng biết ở Hà Nội có mấy loại bệnh viện, sang có hèn có. Bệnh viện Thanh Nhàn, nơi Cương nằm, theo sự phân cấp của ngành y tế là bệnh viện cấp huyện, tức là nơi dành cho cho dân thường và dân nghèo, một thứ nhà thương làm phúc hiện đại, không miễn phí, nhưng giá rẻ. Ở một bệnh viện như thế phương tiện kỹ thuật đương nhiên nghèo nàn cho dù có thầy thuốc tốt.

Thế nhưng, được đưa vào bệnh viện rồi, được chữa chạy rồi, vậy mà chỉ mấy ngày sau Cương đã "đi". Choáng váng là vì thế. Biết rồi, mà vẫn sững sờ.

Các bạn cho biết thêm: mặc dầu đã là thời kinh tế thị trường, có tiền mua tiên cũng được, cứ mạnh chi là xong, nhưng Vũ Huy Cương lại là trường hợp đặc biệt, chi bao nhiêu thiên hạ cũng lắc. Họ sợ. Thôi thì đành để Cương nằm đấy vậy.

Quả nhiên, Vũ Huy Cương bị đứt mạch máu đường tiêu hoá, bệnh viện Thanh Nhàn không cứu nổi anh. "Trường hợp như thế mà sau khi chẩn đoán không chuyển ngay bệnh nhân tới bệnh viện có phương tiện kỹ thuật tốt hơn để cứu chữa là giết người", một bác sĩ ở Paris có nhiều dịp về Việt Nam, rất hiểu biết cung cách điều trị ở các bệnh viện phía Bắc, kết luận như vậy.

Âu cũng là mệnh trời.

Cái số của Cương nó thế. Nói tóm lại, nói theo cách dân dã là số ăn mày.
Bằng con đường nào không rõ, Phan Thị Trọng Tuyến cũng biết tin Vũ Huy Cương bị bệnh nặng cùng lúc với tôi. Chị cuống quýt gửi e-mail cho tôi: "Chúng ta có cách gì giúp anh Cương không? Tội nghiệp quá, anh ấy chỉ có một mình!" Trái tim phụ nữ bao giờ cũng thế đấy, đầy tình thương.
Cương thì lại kỵ sự thương hại lắm. Không vợ không con, quanh năm suốt tháng cơm niêu nước lo, lúc nào cũng lọ mọ một mình, nhưng bù lại, Cương được rất nhiều người yêu mến.

Những ngày anh nằm viện, bè bạn đến thăm đông đến nỗi Mạc Lân phải đứng trấn ở cửa phòng cho từng người vào một, kẻo Cương không có không khí để thở.

Phan Thị Trọng Tuyến mới quen Cương cách đây vài năm, trong một chuyến về thăm quê hương Bến Tre, từ đó chị làm một cuộc hành hương nhớ đời ra đất Bắc. Nhớ đời là vì sau chuyến đi này công an Việt Nam cấm cửa không cho vợ chồng Tuyến về nước nữa. Duyên do là nhờ có Vũ Huy Cương, một cựu tù của chế độ, xăng xái móc nối, chị được gặp hầu hết các nhân vật Bắc Hà mà chị muốn gặp, để rồi thở phào trong một bài viết: "Sĩ phu Việt Nam vẫn còn đó. Tôi đã gặp họ".

Trước tin Vũ Huy Cương nằm viện là một tin vui. Anh vừa bán căn phòng nhỏ bé và xập xệ, vốn là một gian bếp trong ngôi nhà số 52 phố Bà Triệu của cha mẹ để lại. Cầm hơn chục cây vàng trong tay (giá nhà ở khu trung tâm thành phố bấy giờ cao lắm), anh đạp xe đi khắp nơi, ngó nghiêng mọi chỗ, rồi quyết định tậu một miếng đất ở ngoại thành, là nơi phong cảnh hữu tình, lại đặc biệt yên tĩnh. Ở đấy mà ngồi viết thì không chê vào đâu được.

Bạn bè mừng cho anh. Mọi người đã nghĩ tới một bữa tiệc tân gia thật linh đình. "Trời đất ạ, Cương mà xây nhà thì thánh thật"! Họ thán phục kêu lên.

Đó là điều không ngờ nhất ở Cương kể từ thời chúng tôi mới quen nhau, tính đến nay đã ngót nghét nửa thế kỷ. Chẳng có gì dính được vào anh một cách chắc chắn, đừng nói tới một ngôi nhà.

Trong mắt tôi, Vũ Huy Cương là một lãng tử bẩm sinh. Không phải lãng tử thời thượng, lãng tử theo mốt, mà lãng tử đích thực, lãng tử thâm căn cố đế, một sinh vật lạc loài nơi trần thế.

Lúc nào cũng lôi thôi lếch thếch, mái tóc bơ phờ rủ xuống bộ mặt nhàu nát, và kỳ lạ thay, trên bộ mặt phong trần lang bạt, "trải mùi đời gót rỗ kỳ khu" của Cương lại lấp lánh một đôi mắt trẻ thơ. Cái nét này còn mãi ở anh, làm cho anh trở thành không có tuổi. Gọi anh bằng cụ cũng được, bằng ông cũng phải, bằng anh dường như đúng hơn, hoặc bằng tên trống không có vẻ là hợp nhất. Giao du với đủ mọi thế hệ, ở đâu anh cũng là người bằng vai phải lứa.

Nhóm chúng tôi ngày ấy, thân nhau theo cách "ngưu tầm ngưu mã tầm mã", như các "phó tóm" nhận định, gồm có: Hứa Văn Định, Mạc Lân, Lê Bầu, Vũ Bão, Xuân Khánh, Châu Diên, Dương Tường, Bùi Ngọc Tấn, Phù Thăng, Hoàng Tiến, Nguyễn Trí Tình, Nguyễn Dậu, Vũ Huy Cương, Nguyễn Hội vv... Với tất cả sự khác nhau về thành phần giai cấp (!) và cá tính, chúng tôi tất thảy đều yêu quý Vũ Huy Cương vì cái chất trẻ thơ ấy. Đến nỗi nhiều năm tôi cứ yên trí Vũ Huy Cương phải kém tôi vài tuổi, thuộc lớp đàn em, thành thử chúng tôi thường lên mặt kẻ cả, tệ thế. Cương không phật ý, anh cười hì hì, nhường luôn cho chúng tôi vai đàn anh. Trong bộ lạc những kẻ bất trị, Cương hiền lành nhất, không bao giờ biết giận. Chúng tôi thân yêu nhau bởi sự giống nhau. Chúng tôi giống nhau ở chỗ thích nghĩ bằng cái đầu của mình, là thứ hoàn toàn không được phép trong thời trị vì của hai đồng chí trên hết các đồng chí: Trường Chinh và Lê Duẩn. Đến khi Sáu Búa Lê Đức Thọ thao túng chính trường thì cả bọn tôi, kẻ trước người sau, đều bị bị ghi vào sổ đen như những phần tử bất hảo, tệ hơn, như những kẻ bất trị.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đảng mang biệt danh Sáu Búa giải nghĩa sự bất đồng với đường lối hay chính sách của đảng ở nhiều cán bộ là do bất mãn: không được lên lương, không được phân nhà, hoặc không được cấp một cái phiếu mua xe đạp chẳng hạn. Cái nhìn nhục mạ con người như thế kéo dài nhiều năm.

Đáng ngạc nhiên là không hiểu vì lẽ gì mà Vũ Huy Cương lại được đặt ra ngoài tầm chú ý của những kẻ cầm dùi cui coi sóc xã hội. Có thể, đôi mắt trẻ thơ của anh đã đánh lừa được tinh thần cảnh giác của đám mật vụ đông đảo chăng? Chỉ biết trong một thời gian dài anh cứ nhởn nhơ, cứ tung tẩy, trong khi phần lớn chúng tôi đều bị rình rập, bị răn đe đủ kiểu.

Ấy thế mà đùng một cái, vào một ngày đẹp trời, Vũ Huy Cương bỗng biến thành một tên phản động chính hiệu con nai vàng, lại được liệt vào loại nguy hiểm nữa, bị bỏ tù hẳn hoi, trong cái gọi là "nhóm xét lại chống Đảng".

Cương thay đổi hẳn từ ngày đó. Thay đổi đến không ngờ. Từ một người ghét mọi thứ dính dáng tới chính trị, anh trở thành người đối lập không che giấu, ngang nhiên đối mặt với nhà nước chuyên chế.

Anh không chịu giảng hoà với đảng mà anh đi theo từ tuổi thiếu niên, mặc dầu đã nhiều lần đảng tỏ ra muốn giảng hoà với anh. Trả lời phỏng vấn của một tờ báo ở nước ngoài, anh nói toạc lập trường của mình. Anh không oán hận cái đảng của các "bố già" dưới những danh xưng: Bác, Anh Năm, Anh Tô, Anh Ba, Anh Sáu...đã khi không bỏ tù anh không cần chứng cứ, không cần dựa vào điều luật nào. Với cái đảng ấy anh khẳng định một điều: phải xoá bỏ nó.

Tất nhiên, thời thế đã khác, đã là giai đoạn khác, nhà cầm quyền bô bô cái miệng muốn hội nhập với thế giới văn minh không còn có thể bỏ công dân vào tù như nhặt cua bỏ rọ nữa. Thỉnh thoảng nó mới bắt vài ba người làm gương, vu cho họ những tội lỗi không ai buồn tin: “Âm mưu lật đổ chính quyền”.

Khi thấy Vũ Huy Cương toang toác nói ra những điều người khác có nói cũng phải thì thào, nhà cầm quyền sôi máu lắm nhưng đành làm ngơ, làm ra vẻ người lớn: "Chấp nó làm gì, đã cho đi tù một lần mà chưa tởn, cái thằng khùng ấy mà!".

Nhưng để anh cứ nhơn nhơn như thế cũng không được, họ sai công an gọi anh đi "làm việc", khi hằng ngày, khi một tuần vài buổi. Buồn cười là khi anh từ chối không đến "làm việc" ở đồn công an nữa, rằng thì là anh già rồi, sức khoẻ kém rồi, anh không đi bộ xa được, thì các "đồng chí" công an bèn "xin phép" đến làm việc với anh tại nhà.

Núi không đến với Mahomed thì Mahomed đến với núi. Thế là căn phòng rách nát của anh biến thành công sở, đúng giờ đi làm các "đồng chí" công an đến, hết giờ họ cắp cặp ra về.

Tôi hình dung ra những buổi làm việc ấy. Các "đồng chí" mặt lạnh tanh giở sổ tay ghi ghi chép chép, còn Cương thì thay vì khai báo, tự kiểm điểm lỗi lầm, anh đặt ra những câu hỏi làm họ cứng họng, câu nào cũng kết thúc bằng một công thức lễ phép: "Tôi thiển nghĩ như vậy, các vị nghĩ thế nào ạ?", "Có phải đúng thế không ạ?"

"Làm việc" theo kiểu đó mãi cũng chán, anh uống rượu cho khuây để đến giờ "làm việc" thì cho rượu nói thay anh. "Nói với tụi nó chán lắm. Cứ như nói với những hồn ma từ thế kỷ trước hiện về ấy!", anh kể.

Rượu có làm Cương quên đi sự đời chó má, nhưng rượu dần mòn giết chết anh. Ý muốn kiên định của Cương là thể chế cộng sản phải được xoá bỏ hoàn toàn không xuất phát từ lòng căm thù, mặc dầu đảng cộng sản đã gây tội ác với anh. Anh không căm thù. Anh ghét và khinh bỉ nó. Cương hiểu rất rõ rằng trong việc đảng thẳng tay đàn áp những công dân dám có những ý nghĩ khác với đảng hoặc ngược với đảng không hề là lầm lẫn. Những người bị bỏ tù về tội chống đảng đều không oan. Đó là chủ trương nhất quán của đảng: bằng mọi giá phải triệt hạ đến cùng thứ trí tuệ không chịu bó thân về với triều đình.

Khi khuyến khích các nạn nhân của chế độ viết đơn đòi giải oan gửi chính quyền, anh nhấn mạnh: đó là biện pháp tố giác tội ác, để nhân dân hiểu chuyện gì đã xảy ra, chứ không ai đặt niềm tin vào sự sáng suốt may ra còn sót lại trong trái tim nhà cầm quyền. Anh nói: " Ờ thì đấu tranh đòi nó giải oan cho ta, nó có thể nhượng bộ, có thể còn xin lỗi ta nữa, rồi thì sao? Ngày mai nó lại gây tội ác khác, ở nơi khác, với người khác. Tố cáo tội ác bằng phương tiện công khai là bước đầu, cái đích là phải tróc cội nguồn của nó mà tiêu diệt”.

Gặp nhau sau 9 năm, kẻ ở tù về, kẻ sau hạn tù còn bị lưu đày, tôi thấy một Vũ Huy Cương gày như một bộ xương cách trí, nhưng không mất đi nụ cười ngây thơ và hóm hỉnh phô hàm răng cửa có mấy lỗ thủng. .

Anh tất tưởi làm đủ thứ nghề để sống. Nhân tiện đây tôi cũng muốn nói lời cảm ơn các cán bộ ở Viện Thông tin Khoa học Xã hội đã giao việc dịch các bài báo, làm các tổng thuật từ sách báo nước ngoài cho chúng tôi. Không riêng Vũ Huy Cương, mà cả Nguyễn Kiến Giang, Phùng Mỹ, Hoàng Thế Dũng, Nguyễn Lộc, Trần Thư, cả tôi nữa, đều sống được, tuy lay lắt, nhờ công việc ấy.

Sau khi hết việc ở Viện Thông tin Khoa học Xã hội, nghề chính đã nuôi Vũ Huy Cương và Trần Thư một thời gian dài là nghề in nhãn hiệu trên bao bì giấy, bao bì chất dẻo, in quảng cáo, in nhãn hương v.v... Vất vả lắm, nhưng hai anh vẫn tươi hơn hớn như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Khổ đấy, thiếu đấy, nhưng Vũ Huy Cương không nhận đồng tiền nào của đảng dưới dạng lương hưu mà đảng hạ cố ban cho.

Tôi được tin anh mất bên bàn máy tính ở Barcelone, trong một tiệm cybercafe trong tầng hầm một ngôi nhà cổ. Chung quanh tôi là những người trẻ tuổi thuộc một thế giới khác thế giới của Vũ Huy Cương, thế giới của những người bị giết chết khi còn sống. Họ chẳng để ý tới người ngồi ngẩn trước máy nước mắt ròng ròng bên cạnh họ.

Người báo cho tôi biết Vũ Huy Cương đã chết là một nhà văn không tên tuổi thuộc lớp kẻ sĩ không chịu đi bằng đầu gối. Anh không được in, và anh cũng chẳng cần in. Bức điện thư của anh ngắn, nhưng nói đủ điều cần nói: "Cương đã bỏ chúng ta rồi, người bạn không phải của riêng chúng ta, mà của tất cả mọi người, của cả và thiên hạ. Nó đã sống, trong sáng và ngớ ngẩn như một hạt kim cương".

Kim cương trong sáng thì rõ rồi, nhưng tại sao lại ngớ ngẩn?

Rời máy tính, tôi bước ra khỏi tầng ngầm. Trong ánh sáng của một ngày đông hửng nắng hiếm hoi, cô gái khoả thân vĩ đại với mảnh vải che hờ hững vẫn nằm dài trên tấm biển quảng cáo cho một mùa hè đã qua. Bên dưới cô, lối vào ga xe điện ngầm Zol, là những du khách nhộn nhạo, hớt hải chạy tới chạy lui, chớp ảnh loang loáng dưới chân tượng một vĩ nhân mà tôi không biết tên, chắc chắn không phải Cervantes quen thuộc, ồn ào các thứ xe City Tours, xe taxi chen chúc nhau đón khách đổ khách...

Bên cạnh tôi là hai bà mẹ trẻ với hai chiếc xe nôi với hai đứa trẻ ngủ say. Họ liến thoắng trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ tôi không hiểu.

Tất cả những cái đó giống như một sự vô lý đến cùng cực. Sự mất mát bên cạnh sự sinh thành. Nỗi đau ở tôi, niềm vui nơi người khác.

Ở Madrid, tôi đi tìm chiếc ghế đá mà Mikhail Koltsov đã ngồi trong một đêm nội chiến Tây Ban Nha, nhưng không biết là cái nào trong công viên. Koltsov viết trong Nhật ký Tây Ban Nha: 

"Buổi tối đẹp tuyệt, có trăng trên đầu, có tiếng dương cầm thánh thót bay ra từ một căn phòng trên lầu cao, có gió xào xạc trong tán lá công viên... 

Bỗng một tiếng đạn đại bác nổ gần, rồi tiếng thứ hai, thứ ba... Người ta xô đẩy nhau chạy rầm rầm, gió ngừng thổi, tiếng dương cầm tắt nghẹn. Tôi vừa đứng lên thì một người nào đó đã xô tôi ngã sấp. Tôi lồm cồm bò trên mặt đất bụi bặm, tay sờ soạng tìm cặp kính. Không có kính làm sao tôi nhìn được? Tôi tức điên người, tôi nguyền rủa cái cái anh chàng đã xô tôi ngã, tôi nguyền rủa cả thế gian này, tôi nguyền rủa tất: cả quân Cộng hoà lẫn quân Phát xít. Đánh nhau thì đánh, cũng phải chừa một đêm đẹp thế này ra chứ!" 

Koltsov không chết trong chiến tranh Tây Ban Nha, nơi ông tới với tư cách phóng viên, với tư cách chiến sĩ quốc tế ủng hộ nền Cộng hoà. Ông chết ở nơi ông không ngờ nhất - trong một trại tập trung ở Kolyma, tận vùng Đông Bắc Siberia xa xôi. Khi ấy ông là tổng biên tập báo Sự Thật.

Nhật ký Tây Ban Nha là một trong số ít các hồi ký tuyệt hay viết bằng máu người lính và giọng văn trác tuyệt.

Về sau này người ta phục hồi cho Koltsov cái sinh mệnh chính trị của ông (có một thứ sinh mệnh tên là như thế), người ta in lại các tác phẩm của ông, người ta tuyên bố ông vô tội, ông chẳng định chống ai, chẳng định ca ngợi ai. Là người cầm bút ông viết cái mà ông nhìn thấy, viết ra điều ông nghĩ, thế thôi. Thực thà trong xã hội cộng sản là một trọng tội.

Vũ Huy Cương rất thích Nhật Ký Tây Ban Nha của Mikhail Koltsov, thích lắm. Anh mượn tôi cuốn đó, nói rằng thể nào anh cũng phải dịch nó, rồi giữ rịt, không trả. Tôi đã thấy những trang đầu của bản dịch không bao giờ xong của anh, nó nằm trên bàn viết, trong đống công việc dở dang. Không biết những trang ấy bây giờ đâu, có còn không, hay chúng vẫn nằm mốc ở kho vật chứng lộn xộn của thời Lê Đại Mạt?

Vũ Huy Cương có một số bản thảo truyện ngắn, truyện dài, bút ký, kịch bản phim... Chúng khá nhiều, nhưng không ai biết về số phận chúng. Vũ Huy Cương có tính thẹn thò, chứ không phải sợ hãi, khi nói về những sáng tác của mình (mà có sợ hãi thì cũng phải thôi, người ta mà biết anh viết gì thì rách việc).

Bạn thân nhất của Vũ Huy Cương là Hứa Văn Định thì ngược lại, anh lễ mễ bê chồng bản thảo ra khoe với bạn bè, với một thoáng buồn trong mắt: "Không in được thì đem bán cân cũng ối tiền". Tôi đã đọc một số trang bản thảo ấy và bắt gặp những đoạn tuyệt hay, có thể sánh với những cây bút tài ba của thế giới. Năm nay đã là giỗ lần thứ năm Hứa Văn Định rồi.

Sau khi ở tù về, Vũ Huy Cương không đụng đến viết lách. Tôi không thấy anh nói về một dự định sáng tác nào. "Văn chương là cái vô tích sự nhất trần đời", anh buồn rầu nói, mà không phải một lần.

"Trước khi là nhà văn, hãy là con người cái đã!", anh càu nhàu nói với những ai khuyến khích anh cầm bút. Những người già thận trọng lảng tránh anh. Lớp trẻ xán lại bên anh, muốn tìm ở anh những kinh nghiệm nhìn đời không theo cách thời thượng.

Không có công ăn việc làm, bị công an quấy nhiễu, lại thêm bệnh tật hành hạ, tưởng chừng có sắt đá đến mấy Cương cũng phải buông xuôi tất cả để sống nốt những ngày tàn. Nhưng anh không đầu hàng. Thậm chí, trong một mức độ nào đó, anh rắn đến nỗi trở thành cứng quèo trong suy nghĩ. Anh em nhận xét Cương có những quan điểm cực đoan trong cuộc đấu tranh đòi hỏi cách tiếp cận nhiều lý tính, những thủ pháp mềm dẻo. Mà thực tế cuộc sống ở Việt Nam thì đầy rẫy nghịch lý, đầy rẫy mâu thuẫn chồng chéo, không thể giải quyết một cách thẳng băng mà được, phải tìm những đường ngang lối tắt, phải đi vòng vèo, miễn sao dẫn tới đích.. Xấu rành rành đấy, mà xem kỹ vẫn còn một chút tốt có thể dùng. Kẻ đối nghịch xem kỹ vẫn tìm được một chút gì không đến nỗi quá xấu trong sâu thẳm tâm hồn để có thể lôi kéo về với mình. Bạn đấy, mà về mặt nào đó lại mang chất bảo thủ gây ra cản trở. Lôi thôi lắm.

Cuộc đấu tranh thực tế nào cũng vậy, khác cuộc đấu tranh trong thính phòng rất nhiều. Trong sự khẳng định một lập trường bất di bất dịch, không khoan nhượng với một chế độ không biết tôn trọng con người, anh không chỉ va vấp với chính quyền, mà cả với bạn bè. Vài người trở nên lạnh nhạt với anh bởi những lời nhạo báng nhằm vào chính họ. 

Chẳng hạn, khi thấy từ nhà tù trở về Bùi Ngọc Tấn im lặng trong thời gian dài, không gần gũi anh em, dường như lảng tránh cuộc đấu tranh cho dân chủ hoá đất nước, anh giễu cợt Tấn, gọi Tấn là thằng núp váy vợ. Anh không hiểu, hoặc không chịu hiểu, rằng những người muốn thay đổi thể chế hiện hành, tất cả, không trừ ai, đều là những chiến sĩ đơn độc, tự mình phải tìm lấy vũ khí, tự mình phải chọn lấy cách đánh. Anh không biết rằng Bùi Ngọc Tấn đã suy nghĩ rất nhiều để chọn cách có hiệu quả nhất, thích hợp nhất với khả năng của anh. Và kết quả là Chuyện Kể Năm 2000 ra đời. Tác dụng của nó thế nào ta đã biết.

Đến lúc này thì Vũ Huy Cương vui mừng. Anh quên bẵng rằng có lúc anh đã mạt sát bạn, quên một cách hồn nhiên, như thể chưa từng nói ra những lời như thế. Đi đâu anh cũng khoe Chuyện Kể Năm 2000 của bạn. Nhưng đã muộn. Bùi Ngọc Tấn không tha thứ cho anh vì những lời xúc phạm nặng nề phát ra từ miệng người bạn thiết. Chỉ có cái chết của Vũ Huy Cương mới giảng hoà được hai người. Được tin bạn mất, từ Hải Phòng Bùi Ngọc Tấn hộc tốc đáp tàu đêm đi Hà Nội để đưa bạn đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Anh không thể không có mặt trong giờ ly biệt với người bạn mà trong đáy sâu của tâm hồn lúc nào anh cũng yêu thương.

Trên quan tài ông già 67 tuổi Vũ Huy Cương, bạn bè đặt lên một vòng hoa trắng, vòng hoa của trinh tiết. Không nhà cửa, không vợ con, anh đến và đi khỏi thế gian như một khách trọ. Cái khác một khách trọ bình thường là ông khách trọ này tự khoác vào mình rất nhiều trách nhiệm với nhân quần. Lẽ sống của anh là lo lắng cho mọi người. Thấy anh cứ sống cô đơn mãi, thương quá, không lần nào nói chuyện với anh mà tôi không giục anh lấy vợ. Anh cười hì hì: "Công an nó cũng bảo tao thế đấy! Bây giờ là mày. Lấy vợ để làm khổ người ta à? Đến tuổi thi hoa hậu Hoàn Vũ rồi mà còn bày trò lấy vợ! Bố khỉ!".

Hồi còn trẻ, Vũ Huy Cương đã có một tình yêu với một cô gái. Cô xinh đẹp, duyên dáng, có giọng nói như hát. Chúng tôi mừng cho anh. Nhưng rồi cuộc tình ấy tan, một cách trần tục nhất - cô ta chọn người khác, có "tiền đồ" hơn anh, là đảng viên, lại có cấp uỷ cao, có chức vụ cao. Anh này cũng quen chúng tôi, cũng có thể coi anh là bạn, nhưng quen sơ, chứ không thân. Thế rồi vật đổi sao dời thế nào mà anh này lại cũng bị bắt về tội "chống đảng". Cuối cùng, sau nhiều năm, anh được tha, nhưng không còn nhà để mà về. Cô gái xinh đẹp đóng sập cửa, không cho anh vào ngôi nhà vốn dĩ là nhà anh. Sau này cô gái lại lấy chồng, một người có tên tuổi, có quyền thế. Người chồng cũ, chán nản đến cùng cực trước sự phản bội tàn nhẫn, trở thành gần như mất trí, lang bạt hết nơi này tới nơi khác. Có thời anh đến tá túc ở nhà Vũ Huy Cương. Hai người đàn ông có chung tình yêu với một người đàn bà đùm bọc nhau, săn sóc nhau. Như hai con gấu bị thợ săn dồn đuổi, họ chui vào hang run rẩy liếm vết thương cho nhau.

Ngoài mối tình với cô gái ấy, tôi không thấy Vũ Huy Cương có mối tình nào nữa, cho tới khi anh vào tù, mà ở trong tù thì còn có thể nói tới mối tình nào? Ra tù, mặc cho bè bạn thúc giục, anh vẫn lẳng lặng độc thân, cơm niêu nước lọ. Anh hài lòng với cuộc sống lấy bè bạn thay cho gia đình.

Thế giới thay đổi làm cho bàn tay sắt của đảng buộc phải nới lỏng trên cổ nhân dân bị trị. Người ta dần bớt sợ hãi những con ngoáo ộp đủ loại do cùng một bàn tay nhào nặn. Những cánh cửa trước kia khép chặt vì khiếp đảm trước cả khủng bố trắng lẫn khủng bố xám nay mở ra chào đón anh.

Ngoài bạn bè trong nước, những năm cuối đời anh có thêm nhiều bạn bè ở nước ngoài. Chỉ sau một lần gặp gỡ, hai vợ chồng Trọng Tuyến đã coi Vũ Huy Cương như ruột thịt. Họ lo lắng cho anh, chăm sóc anh, coi anh như bạn chí cốt. Cương khuyến khích Trọng Tuyến: "Viết đi chứ. Cuộc đời nhiều màu sắc thế này mà không viết về nó thì hoài!". Ấy là anh nói về cuộc sống nói chung, không nói về cuộc sống mà anh đang phải sống.
Tuyến thường gửi tiền về giúp Cương. Gửi mà lo lắng: "Liệu mình gửi thế này mà chúng nó biết thì anh Cương có bị làm phiền không? Họ sẽ buộc anh ấy tội "nhận tiền của bọn phản động ở nước ngoài để chống phá cách mạng" chưa biết chừng?".

Khốn nạn đến thế đấy. Người ta quý nhau không được, thương nhau không được, đánh bạn với nhau cũng không được – mọi cái đều có thể bị coi là hành động chính trị nếu bị đặt dưới kính hiển vi của cái gọi là cảnh giác cách mạng. Thử hỏi có sự phi lý nào như thế không? Có chế độ nào lố lăng đến thế không? Dưới cái kính mác-xít ấy, nói cho đúng là mác-xít giả hiệu, của đám lãnh tụ lục lâm, nhân quần chỉ có thể chia làm hai loại: kẻ theo ta và kẻ chống ta.

Số tiền sau chót Tuyến gửi về cho Cương để chữa bệnh chưa tới nơi thì Cương đã qua đời.

Nhưng mà thôi, tiếc thương thì tiếc thương, chứ cái chết đối với Cương còn dễ chịu hơn cái sống. Vũ Huy Cương chịu đựng như thế đã quá đủ cho một cuộc đời.

Có thể kể thêm một người nữa là Tưởng Năng Tiến. Vũ Huy Cương chỉ biết anh là nhà văn hóm hỉnh có cái tên dài thòng "Anh Bạn Làm Ở Nhà Thương Điên". Đọc truyện ngắn Nhà Có Hoa Anh Đào của Tưởng Năng Tiến, Vũ Huy Cương khóc.

Cương viết cho tôi: "Cái tâm của người Việt Nam mình đẹp quá! Tưởng Năng Tiến là một ngòi bút thật sắc sảo. Viết về tình yêu đất nước được như thế là hiếm lắm đấy. Mình có đọc một số bài viết ở hải ngoại. Hình như ở ngoài ấy những người mắc bệnh Quốc-Cộng, bệnh Nam-Bắc, cũng còn khá nhiều, phải không? Làm sao cho họ hiểu rằng ở nước ta bây giờ chỉ có một sự phân biệt thôi: ấy là sự phân biệt giữa người Việt và quỷ Việt. Bệnh Quốc-Cộng, bệnh Nam-Bắc, đều là bệnh tưởng, nhảm nhí hết!". Vũ Huy Cương không hề biết rằng nhiều lần anh nhận được tiền gửi về cho anh là của Tưởng Năng Tiến và các bạn chủ trương tờ Nhân Văn ở San Jose muốn đỡ đần anh trong khó khăn.

Tưởng Năng Tiến giấu kín sự giúp đỡ của anh đối với "anh em" trong nước. Tôi phải xin lỗi anh về việc tiết lộ không xin phép này. Tiếc cho Vũ Huy Cương, cho tới khi qua đời anh vẫn không biết Tưởng Năng Tiến chính là "Anh Bạn Làm Ở Nhà Thương Điên". Bây giờ anh có thể biết được rồi, nếu như có sự tồn tại một thế giới bên kia, người ở đó đi lại không cần visa.

Điều tôi không biết, mà lại rất muốn biết, là những người tham gia vào việc hành hạ Vũ Huy Cương trong suốt cuộc đời anh, ở trong tù cũng như khi đã ra tù, có khoái trá lắm không khi được tin anh mất?

Tôi không dám chắc là tất cả họ đều khoái trá. Con người đi vào đường danh lợi đôi khi bắt gặp trong hành trang của mình một thứ bất tiện là lương tâm. Khi nó lên tiếng thì anh ta buộc phải lựa chọn: hoặc quẳng nó đi, hoặc lắng nghe nó. Bằng chứng là một số người được trao nhiệm vụ hành hạ anh về sau này đã trở thành bạn anh.

Tôi bỏ ra ngoài trường hợp Nguyễn Trung Thành và Lê Hồng Hà, hai người có chân trong bộ máy trấn áp "nhóm xét lại chống Đảng". Từ hai cán bộ cao cấp của Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội Vụ, họ đã đi rất xa trong sự phản tỉnh. Dưới hình thức lịch sự, thậm chí lễ phép, họ bóc trần sự thật về hành động phản trắc Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Họ dám mất rất nhiều để được sống trung thực, như những Con Người, viết hoa.
Cương có gửi cho tôi bức ảnh anh chụp chung với Nguyễn Trung Thành và Lê Hồng Hà. Nhìn họ trong ảnh tôi thấy trên mặt họ không có một chút gì của sự hằn thù ắt phải có giữa những tên bắt người và người bị bắt. Cương viết dưới bức ảnh: "Chúng ta ngày một đông. Đừng sốt ruột vì người này hay người khác chưa đi với mình. Họ sẽ đến với ta, không hôm nay thì mai". Trong Cương có những cảm xúc ngược chiều nhau. Lúc anh cứng quèo, lúc anh mềm mại trong sự nhìn người.

Vũ Huy Cương có kể cho tôi nghe về một người bạn của anh, hiện giữ một chức vụ cao trong đảng cộng sản. Chính anh này đã cho Vũ Huy Cương tiền mắc điện thoại riêng. Hơn thế, hằng tháng anh ta vẫn đều đều trả tiền điện thoại cho anh. Anh ta thừa biết Vũ Huy Cương dùng điện thoại vào việc gì. Bạn bè thân thiết mà Vũ Huy Cương thường liên lạc toàn những tên "chống đảng" cả: Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang, Hoàng Tiến, Bùi Minh Quốc, Phạm Quế Dương, Trần Dũng Tiến...
Anh bạn nọ nghĩ gì khi làm việc đó, tôi không rõ. Điều tôi đoán được, chắc không sai, là trong thâm tâm anh ta hiểu Vũ Huy Cương không hề là một tên "phản động" như đảng muốn mọi người nghĩ như thế. "Nó chưa nghĩ được như tụi mình -Vũ Huy Cương nói với tôi - Nó chưa tỉnh, nhưng biết đâu đấy, ngày mai nó tỉnh thì sao? Bạn vẫn là bạn". Họ vẫn giao du với nhau, anh bạn thường can gián Vũ Huy Cương đừng có cứng quá, nói năng cần phải lựa lời hơn, còn Vũ Huy Cương thì cự nự anh bạn vì những câu chữ sặc mùi bảo thủ mà anh ta viết hoặc phát biểu trong những cuộc họp báo.

Nhưng Cương không hiền. Anh còn dữ là khác. Hoặc rất cứng, như anh em nhận xét. Thật vậy, đối với nhà cầm quyền, và những kẻ tận tâm phục vụ chính quyền chuyên chế, anh cứng lắm. Khi điện thoại của anh chưa bị cắt hoàn toàn, kẻ nghe trộm còn cho hai bên trò chuyện để xem người gọi là ai cái đã, lúc ấy tôi có gọi về thì anh giục ồi ồi: "Này, nói nhanh lên, "chúng nó" cắt ngay bây giờ đấy". Cái tụi mất dạy, "chúng nó" khốn nạn lắm!" Khi nghe tiếng rè rè phát lên để bịt đi tiếng người nói, anh hét lên: "Chúng nó đang bịt miệng chúng ta đấy, bọn đểu cáng, phải tìm cách khác thôi!". Không hiểu nhà cầm quyền có đau không khi nghe thấy những lời xỉ vả của Cương. Trong một ý nghĩa nào đó, họ cũng là những kẻ tốt nhịn. Với nhà cầm quyền và những tên tay sai, anh chỉ có một từ để gọi: "chúng nó".

Thế mà có lần kẻ nghe trộm, một tên trong "chúng nó" vẫn để cho chúng tôi nói với nhau đến hết câu chuyện, không cắt, không phá, mới kỳ. Tôi thật sự không hiểu vì sao. Cùng một ngày hôm ấy, tôi cố nối liên lạc với Hoàng Minh Chính, với Trần Độ, cả với Hoàng Tiến nữa, đều không được. Nhưng với Vũ Huy Cương thì lại được. Mà hôm ấy chúng tôi lại được nói chuyện rất dài, rất lâu. Cương cũng lấy làm lạ. Tôi đồ rằng mới có một chỉ thị không cắt đường điện thoại của Cương để xem anh liên lạc với ai, nói chuyện gì. Nhưng tại sao lại trừ ra một Vũ Huy Cương? Suy diễn theo lối mòn thì Vũ Huy Cương chắc hẳn đã bắt tay với công an nên mới được chiếu cố như thế. Nhưng đó là chuyện không thể có được, là cái phải loại trừ từ đầu. Chỉ còn một khả năng: người được trao nhiệm vụ nghe trộm mà không cắt là một người bạn mà sau này chúng tôi mới được biết là ai. Tại sao lại không thể là như thế nhỉ?

Lần cuối cùng tôi liên lạc được với Vũ Huy Cương là qua máy điện thoại di động. Ai đã mua cho Cương cái máy đó, tôi không rõ. Hình như anh em ở Hoa Kỳ thì phải? Mà cũng có thể là anh em ở Đức hoặc ở Tiệp. Tóm lại, có một số bạn ở hải ngoại đã âm thầm cung cấp cho những người mà ta thường gọi là các "nhà phản kháng" hoặc các "chiến sĩ dân chủ" những phương tiện liên lạc với thế giới bên ngoài.

Một tháng sau cuộc gặp gỡ trên điện thoại đó, Cương "đi".

Nhà văn Phạm Toàn, bút hiệu Châu Diên, trách bạn "Chưa tìm được chỗ đứng đã vội tìm chỗ nằm". Anh viết trong lời ai điếu không in ở tờ báo nào: " Trong cuộc đời, ai cũng cố tìm cho mình một chỗ đứng. Cái đáng yêu của đời Cương là Cương không chỉ tìm cho mình mà còn bận lòng tìm hộ người khác một chỗ đứng". Tôi không rõ Cương có tìm hộ người nào trong hàng ngũ công an một chỗ đứng hay không?

Thay mặt bạn bè, trong đám tang Vũ Huy Cương, tất nhiên có cả nhiều công an viên tham dự, nhà văn Hoàng Tiến nói với Cương lời từ biệt thế này:

"Cuộc đời bạn là một cuốn tiểu thuyết chưa in, nhưng nhiều người đã đọc, đã biết. Qua cuốn sách đó có bao nhiêu bài học: đau khổ, thông minh, kiên cường, bất khuất, lạc quan, yêu đời, và lòng tin vào tương lai tươi đẹp của đất nước".

Hoàng Tiến đúng. Cuộc đời Vũ Huy Cương là một cuốn tiểu thuyết chưa in, nhưng nhiều người đã đọc. Và đã học. Vũ Huy Cương không để lại một tác phẩm nào ngoài cuốn tiểu thuyết ấy.

Cương rời khỏi cuộc chiến đấu cho tương lai đất nước như một chiến sĩ vô danh. Chỗ đứng của anh là được chung hàng với tất cả những người không để lại tên tuổi, nhưng đã tặng đất nước cái duy nhất và cuối cùng mà họ có thể dâng hiến: cuộc sống của mình.

Madrid 2001 - Paris 2020

No comments:

Blog Archive