Friday, May 1, 2020

45 năm sau ngày 30/4/75


Hệ thống tuyên truyền lẫn bộ máy chính quyền các cấp vẫn rần rần kỷ niệm “45 năm ngày giải phóng”. Dĩ nhiên chính quyền không “ngu” và không “thấy” được tâm trạng và phản ứng của người dân nói chung, cả ba miền, lẫn người Việt hải ngoại. Thế nhưng người ta vẫn làm. Có năm yếu tố có thể giúp giải thích phần nào lý do.

1/ Đó là cơ hội để rút rỉa ngân sách. Lễ lộc và kỷ niệm luôn là dịp được ăn chia thoải mái và tham nhũng gần như công khai. Chính quyền “nhỏ” ăn kiểu “nhỏ”; chính quyền “lớn” xơi kiểu lớn, nhân danh phục vụ nhân dân và nhân danh cả việc “tưởng nhớ” người đã khuất.

2/ Điều thứ hai là duy trì “nhận thức” cho giới trẻ. Nhồi sọ trong nhà trường là không đủ. Những sự kiện cụ thể như thế này mới khiến giới trẻ “hiểu” hơn về “những gì đã xảy ra” dù những gì được kể chỉ là những câu chuyện được tô màu, tiết giảm liều lượng, thậm chí ngụy tạo. Thử phỏng vấn một bạn trẻ 8x hoặc 9x về cuộc chiến Việt Nam, về ngày “thống nhất 30-4”, có lẽ họ nói không gì khác hơn những gì được thuật một chiều trên mặt báo. Hỏi họ có biết những chuyện sau ngày “giải phóng” về việc có hàng triệu người vượt biên bỏ mạng, hàng ngàn người vô tội phải đi tù, hàng triệu người khác đột nhiên mất nhà mất cửa…, chắc họ không biết hoặc thậm chí có thể nghĩ đó là “bịa đặt”.

3/ Yếu tố thứ ba là sự nêu bật tính “chính nghĩa cuộc chiến”. Chính quyền không thể nói sự thật về việc Hiệp định 1973 bị xé toạc và Bắc Việt vi phạm nghiêm trọng như thế nào khi đưa quân chính quy vào đánh chiếm miền Nam. Cuộc chiến này, theo chính quyền, cần được hiểu là cuộc chiến “chính nghĩa”, được thực hiện nhằm “giải phóng” miền Nam khỏi sự áp bức của chế độ VNCH “thối nát” khiến đồng bào miền Nam khổ sở, và đồng thời đánh đuổi xâm lược ngoại bang Mỹ… Nêu bật yếu tố “chính nghĩa” cũng nhằm cho thấy phản ứng của người hải ngoại đối với sự kiện 30-4 là “sai lầm”.

4/ Điều quan trọng nữa để tổ chức kỷ niệm 30-4 là làm nổi bật tính chính danh của đảng cai trị, rằng đảng và chỉ đảng cộng sản mới xứng đáng lãnh đạo đất nước.

5/ Yếu tố cuối cùng có lẽ là xuất phát từ chủ trương chia rẽ. Cách thức hành xử của nhà cầm quyền khiến khó có thể không nghĩ đây là một chính sách. Mục đích là làm suy yếu sức mạnh đoàn kết chính trị - đặc biệt giữa người trong nước với người hải ngoại - một sự đoàn kết có thể dẫn đến những hành động hoặc những cuộc vận động ảnh hưởng đến việc duy trì và củng cố thể chế, đưa đến một “nguy cơ” “đa nguyên”.

No comments:

Blog Archive