Chuyện ở thị trấn
Nguyễn Đình Liên
Căn cứ nằm trên ngọn đồi thấp, nhìn xuống con đường nhựa. Con đường này là một nhánh cụt từ phía quốc lộ chạy vào và chấm dứt ở khúc quanh ngay đầu thị trấn. Phía bên kia con đường là những độn cát trắng xám, bẩn thỉu nằm nhấp nhô giữa bụi cây dại và một nghĩa trang của Giáo Xứ . Xa hơn một tí, là một cái xóm lưa thưa vài ba nóc nhà nằm dựa lưng vào chân núi. Nhìn lui phía sau, cũng vẫn những độn cát và xa hơn nữa và nếu đứng một chỗ cao hơn thì có thể thấy, là biển.
Cuối tháng 12, mưa dầm. Từ trên vọng gác ở cổng chính, nhìn xuống, nhất là vào buổi chiều, người ta có cảm tưởng đang đứng giữa một bãi tha ma lạnh lùng. Trong cái hoang vắng đó, bầu trời và mặt đất khó có thể phân biệt được, giữa những đám mây nặng nề đầy hơi nước, và những cồn cát xám trải dài phía dưới tựa hồ như đan dính với nhau qua một màn mưa trắng đục. Tiếng động duy nhất lúc bấy giờ, có thể nghe được, ngoài trừ những tiếng chửi thề tục tĩu của đám lính đang quay bên sòng xì lát vọng lên từ cái chòi phía dưới, là tiếng nuớc mưa rơi đều đặn xuống mái tôn trên nóc vọng gác. Và, chỉ có thế, ở đây, mùa mưa như bất tận, kéo dài, ngày này qua ngày khác.
Ngày tôi mới thuyên chuyển đến, ông Trung sĩ Thường vụ nói. Ở đây như một hòn đảo nhỏ giữa biển mênh mông, chẳng ai thèm để ý, quân địch cũng chẳng thèm mò đến, nói chi đến ai.
Cái hòn đảo nhỏ ấy chứa khoảng một đại đội lính, làm nhiệm vụ bảo vệ Thị Trấn cùng cái con đường lở lói đi vào cái Thị Trấn ấy. Nhiệm vụ thật mơ hồ, bởi vì ai cũng biết quân địch có điên mới tính chuyện đánh vào đây. Địa thế trống trải, chung quanh toàn cồn cát, núi thì xa, biển thì gần, việc di chuyển quân dễ bị phát hiện chưa kể đánh vào thì không có đường rút ra, rất dễ trở thành mục tiêu cho máy bay. Nên việc bảo vệ Thị Trấn, cũng chỉ là một nhiệm vụ có tính nguyên tắc. Mỗi 3 ngày mới có một chuyến xe đò chở hàng vào Thị Trấn và mỗi tuần mới có một chuyến trực thăng hay xe chở đồ tiếp tế hoặc lương tiền cho căn cứ. Con đường thường ngày trông hiu quạnh như cái Thị Trấn mà nó dẫn đến, năm khi mười họa mới có vài chiếc xe đạp, chiếc Honda chạy qua lại. Mỗi buổi sáng, một trung đội lính đi mở đường vào Thị Trấn, mở đường tức là đi dò, coi thử có thằng khùng nào đem mìn đến chôn ở đây hay không, toán lính đó đi một mạch đến chiều tối mới về sau khi nhậu nhẹt đã đời trong mấy quán rượu. Chiến tranh bỏ sót nơi chốn này, như ông Trung Sĩ già, ngồi ở trại lính mà như ngồi ở trại an dưỡng chờ ngày về hưu, nói lè nhè: Ở đây không có đánh nhau, chỉ có đánh ghen, đánh bài, đánh số đề.
Quên nói chuyện, trong Thị Trấn còn có một nhà thờ nhỏ.
Tôi nói với Thụy
- Em ở đây không thấy buồn sao ?
- Tất nhiên là không vui, nhưng cũng thấy không buồn, mà anh hỏi làm chi vậy ?
Hình như từ ngày sinh ra đến giờ, cô gái xinh xinh ấy chưa bao giờ được ai hỏi về chuyện cuộc đời này buồn hay vui cả. Buồn vui không thành vấn đề, vấn đề đáng nói là chiến tranh không có mặt ở đây. Khoảng từ 500 đến 600 cư dân lớn nhỏ cư ngụ trong chừng 100 nóc nhà kéo dài hai bên đường hằng ngày, sống ngoan ngoãn và vô tư bên cạnh cái nhà thờ nhỏ nằm thụt sâu phía trong, chắc họ cũng có cùng một ý nghĩ như cô gái đó.
Chỉ có một người không bao giờ muốn chấp nhận cuộc sống an phận như thế là Bà Tư mập. Bà Tư goá chồng, bán bún bò, đại lý vé số, đồng thời cũng là chủ số đề duy nhất trong Thị Trấn. Tôi biết bà Tư, thậm chí còn rất thân với người đàn bà này, không phải vì tôi vẫn thường dẫn lính vào ăn bún bò, uống ruợu, mua vé số đánh số đề, mà vì bà Tư chính là mẹ của Thụy.
Bà Tư đến lập nghiệp ở Thị Trấn cách đây 8 năm, hồi Quân Đội Mỹ còn đóng ở căn cứ này. Lúc đó bà mở một cái Bar bán rựơu và Thụy chỉ là một cô bé mới mười tuổi. Khi Quân Mỹ rút đi, bàn giao căn cứ cho đơn vị Địa Phương Quân, thì cái Bar của bà Tư cũng tụt xuống trở thành một cái quán bán bún bò. Ngoài việc bán bún bà còn bán vé số và chủ số đề.
Gần mới đây nhất, tôi gặp bà Tư khi bà đi lễ về, buổi sáng Chủ Nhật, cạnh con đường nhỏ đi vào sân nhà thờ. Bà nói lại, điều bà đã từng nói với tôi hàng chục hàng trăm lần, trước kia. Tội nghiệp cho con bé, ở đây miết nó ế chồng mất. Bất cứ người mẹ nào cũng băn khoăn giùm cho con mình về chuyện này. Nhưng đối với bà Tư thì là chuyện khác, với người đàn bà này, có thể một ngày nào đó bà sẽ dọn lên Tỉnh ở, nhưng chắc chắn, không phải vì lý do sợ đứa con gái ế chồng. Tôi đã từng nghe người ta kể lại chuyện mụ đàn bà goá này nói với ông Cha ở nhà thờ, một câu nói trứ danh như sau: Ở đâu có chiến tranh, ở đó mới có sự sống. Ở đâu có sự sống, ở đó có con. Sự sống đó là những đồng tiền rút ra từ vỏ đạn phế thải, đồ hộp, rác Mỹ, gái điếm, hộp đêm, những đồng đô la xanh đô la đỏ và có thể ngay cả trên những xác chết. Trong Thị Trấn này, thiếu vắng chiến tranh, tức là thiếu những cái nói trên, và đối với mụ đàn bà goá này, cũng có nghĩa là thiếu vắng sự sống..Mặc dù tôi không ưa mụ đàn bà này, nhưng tôi cũng đồng ý về chuyện ở đây miết, nó ế chồng mất. Đàn ông trong thị trấn chỉ chiếm chừng 1/5 dân số, trong đó hết 2 phần 3 là ông già, số còn lại, hầu hết đều có vợ con. Thanh niên con trai độc thân không còn ai. Lớp đi lính ở xa. Lớp bỏ lên Tỉnh sinh sống. Thụy như một bông hoa lẻ loi nằm trong một khu vườn hoang vu, cằn cỗi, không bướm ong lai vãng, chỉ có vài con dế đen thui cộc cằn bò dưới đất..
Cũng giống như mùa mưa, mùa Giáng Sinh đến, âm thầm, lặng lẽ. Chỉ có vài dây đèn xanh đỏ treo trước cổng vào nhà thờ và một Hang Giáng Sinh cũ kỹ nằm phía trước. Buổi sáng, một số giáo dân tụ họp trước nhà thờ quét dọn, làm vệ sinh, chuẩn bị cho buổi lễ chính đêm nay. Tôi gặp Thụy, sau khi nghe tin Hạ Sĩ Tùng bê luôn cả tháng lương mới lãnh chiều hôm qua nạp cho bà Tư mập để mua một con số. Đó là tin giật gân lúc sáng sớm theo toán lính đi mở đường.
Hạ Sĩ nhất Tùng, 32 tuổi, gốc người ở Thị Trấn, nhưng lưu lạc giang hồ từ lúc nhỏ, một hay hai vợ gì đó không rõ lắm, 5 con 3 trai hai gái, đi lính 10 năm nhưng mới lên đến Hạ Sĩ vì nhiều lý do. Bỏ phiên gác, đi phép trễ, trốn đơn vị đi chơi, nhưng nói chung, đó chỉ là những cái tội lặt vặt. Cái tội quan trọng nhất đó là tội mê ... số đề. Vợ con Tùng ở khu Gia Binh trên Tỉnh, mỗi tháng lật đật theo xe tiếp tế xuống, mục đích nhận lương của chồng cho kịp trước khi anh ta đem nướng hết vào mấy con số đề. Tùng tuần nào cũng ra ghi số đề ngoài quán bà Tư. Tùng đánh rất bạo mỗi con số anh ta có thể chơi nguyên luôn nửa tháng lương. Nhưng thường thường anh ta chỉ đánh một con số, và không nhất định con số nào, có thể là con số bất chợt nào đó hồi hôm vừa nằm mơ thấy, hoặc con số trên chiếc trực thăng mới xuống tiếp tế hồi đầu tuần, hay một con số vớ vẩn trong một cái am cạnh vọng gác mà anh ta ngày nào cũng ra khấn vái. Tôi đem chuyện đó ra nói với Thụy.
- Bà già của em ác quá, bà dám bán một con số để lấy luôn cả tháng lương của người ta
- Bây giờ làm sao ? Cô gái hỏi, một cách hiền lành
- Thì nói với bả trả tiền lại cho vợ con người ta mua gạo ăn chứ sao
- Không biết kịp không, chiều nay xổ số rồi
Cô gái không nói thêm nữa, đứng yên lặng nhìn lên cây Thánh giá trên nóc nhà thờ. Mưa rơi lất phất. Phía dưói sân tôi thấy những bóng người đang lặng lẽ làm việc. Những bóng dáng nhỏ bé chậm chạp đi lui đi tới bên cạnh hang đá, hay quét rác, treo đèn trên bậc thềm, trông vừa tội nghiệp vừa buồn bã. Tôi quên hẳn việc Hạ Sĩ nhất Tùng đem nguyên cả tháng lương để mua một con số hồi chiều qua.
Bỗng nhiên tôi hỏi:
-Tại sao em không lên Tỉnh mà sống ?
Nàng nhìn tôi, cười. Khi nàng cười, trông càng không giống mẹ nàng chút nào. Nụ cười ấy, phảng phất một chút buồn dìu dịu, hay nói theo văn chương, là vô cùng thánh thiện, cái nụ cười chỉ gặp được trên môi của các vị thiên thần mà ta hay thấy trên các bức tranh treo trong nhà thờ. Khi nhìn nụ cười ấy, tôi nghĩ tốt hơn hết là mình nên im lặng. Bước ra khỏi nhà thờ, quay lui lại, vẫn thấy Thụy đứng trong màn mưa, nhìn lên cây Thánh Giá. Cái bóng dáng nhỏ bé của Thụy đứng chìm lẫn giữa những bóng dáng nhỏ bé khác, bên cạnh, tất cả như trong một bức tranh, nhưng đó là một bức tranh chỉ có một màu duy nhất, đó là màu xám. Năm trăm con người đang sống trong cái bức tranh đó, có vẻ gần như cô lập với thế giới bên ngoài, cái thế giới đầy màu sắc, hào phóng, nhưng cũng rất hung ác. Vậy thì tốt hơn hết, Hãy để cô bé vẫn tiếp tục sống, nhìn ngắm cuộc đời mình trôi qua trong bức tranh lặng lẽ kia. Cái cuộc đời không cần niềm vui, nhưng cũng chẳng biết thế nào là nỗi buồn.
Buổi trưa, tôi kêu cả hai thằng lên Ban Chỉ Huy Đại Đội, bắt tường trình tỉ mỉ về câu chuyện ngày hôm qua.
Binh nhất Tí và Binh nhì Hưng khai như sau: Tối hôm trước, ở vọng gác số 2, lúc nửa đêm, cả hai thằng bắt gặp Hạ Sĩ Tùng đang thắp hương khấn vái. Biết Tùng đang xin số đề, Tí và Hưng bàn nhau chơi khăm viên Hạ Sĩ. Chờ Tùng mãn phiên gác, Tí lấy một viên gạch viết một con số mờ mờ trên miếng xi măng ở vọng gác, cạnh chỗ anh ta đứng khấn vái. Buổi sáng hôm sau, Tùng phác giác ra con số này, và tất nhiên không hề biết mình bị hai thằng lính chơi xỏ. Sẵn số tiền lương 12 ngàn đồng vừa mới lãnh trong khi vợ con trễ xe đò chưa lên kịp, Tùng chạy ra Thị Trấn đến nhà mụ Tư Mập, lấy toàn bộ tiền lương đánh ngay con số đó. Thằng Hưng nói: Đó là con số 323. Tùng đánh con số này, bao đuôi. Nếu trúng, tiền chung sẽ lên tới 1 triệu 2 trăm ngàn đồng.
Tôi cho tập họp toàn bộ Đại Đội trình bày tất cả sự việc và báo cho Tùng biết cái con số 323 kia đó là do hai thằng Binh nhất Tí và Binh nhì Hưng bày đặt ra, ghi trên lô cốt chứ không phải ông Thần bà Thánh nào cho cả. Tùng nghe xong muốn nổi điên lên. Tất nhiên chuyện lỡ rồi hắn không thể chạy đến níu áo mụ Tư mập đòi lại số tiền 12 ngàn đồng kia được.. Nhưng cuối cùng, tôi cũng đã có cách giải quyết. Tôi và viên Trung Sĩ Thường vụ cố gắng thuyết phục cả đại đội giúp đỡ cho Tùng, nghĩa là tùy theo lòng hảo tâm từng người... Mỗi người sẽ bỏ ra ít tiền mua lại con số 323 đó ở Hạ Sĩ nhất Tùng. Kết quả khả quan, Tùng thu lại gần như đủ số tiền 12 ngàn đồng kia. Mọi việc coi như xong.Sau đó tôi tuyên bố, toàn đơn vị cắm trại 100%. Lệnh này tôi nhận được cách đây vài giờ, từ Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn.
Nửa đêm, lễ Giáng Sinh, Tôi lên chòi gác bắn lên trời vài loạt đạn cho vui. Nhìn về Thị Trấn, thấy toàn một màu đen. Mưa vẫn rơi lất phất. Khi tôi chuẩn bị đi ngủ, bỗng nhiên ông Trung Sĩ Thường vụ tới, khều tôi nói nhỏ: Ông hay gì chưa ? Tui vừa nghe trong ra dô, Con số 323 trúng rồi, lô độc đắc.
Tôi không bao giờ gặp lại Thụy.
Buổi sáng như thường lệ, theo trung đội mở đường vào Thị Trấn. Tôi mới biết, đêm qua, hai mẹ con bà Tư Mập, dọn quán đi mất tiêu.
Nguyễn Đình Liên
No comments:
Post a Comment