Thành lập Xe đò Long Thành Cà Mau, Long Thành Bolsa đến vùng Tây Bắc Hoa Kỳ
Có lẽ ít ai từng sống ở miền Nam trước 1975 mà không có ít nhiều kỷ niệm với xe đò. Xe đò chở người thân về thăm quê. Xe đò đưa gói bánh tét từ Lục tỉnh gửi lên Sài Gòn. Xe đò chở cậu thanh niên mới lớn lên thị thành vô đại học. Xe đò có khi mang lên Sài Gòn tấm thư tình ướt át của người con gái miền Tây gửi lên chốn Đô Thành với bao nhớ nhung. Xe đò chất chứa nhiều kỷ niệm. Với tôi, xe đò còn hơn vậy nữa.
Tôi với xe đò như cái duyên cái nghiệp. Hồi đó, sau 1975, miền Nam trở thành nơi chứng kiến bao nhiêu câu chuyện đau buồn. Gia đình tôi là một trong những câu chuyện như vầy. Sau 1975, ba tôi, một sĩ quan Quân Lực VNCH, bị cộng sản bắt đi “cải tạo”. Má tôi một thân một mình bươn chải vừa nuôi đám con thơ dại, vừa nuôi chồng. Từ vợ một sĩ quan VNCH, má tôi trở thành người đàn bà lam lũ làm đủ nghề. Có một lúc, bà phải buôn lậu thuốc tây.. Dù mới 9 tuổi vào cái ngày mà miền Nam rơi vào tay cộng sản nhưng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh tảo tần của má tôi. Rồi một ngày, bà bị bắt vì tội buôn lậu. Tôi khóc hết nước mắt khi nhìn cảnh công an giải má tôi đi rồi xử án tù bà.
Là con lớn nhất trong nhà, tôi phải tìm cách kiếm tiền, để nuôi các em và thay má nuôi ba trong tù. Mới 11 tuổi đầu, tôi phải học cách đi buôn. Tôi cũng “học” luôn cả cách hối lộ bọn công an để được thay má đi thăm nuôi ba vì tôi chưa đủ tuổi. Lần đó, sau 6 tháng chưa thăm ba, tôi xoay sở hối lộ được giấy phép thăm nuôi. Cụ bị hai giỏ đệm nhét đầy thức ăn, tôi đi từ quê nhà ở Cà Mau lên Sài Gòn. Rồi tìm bến xe đò Sài Gòn-Long Thành để đón xe lên trại thăm ba. Đang ngồi tưởng tượng cảnh được gặp ba thì chiếc xe đò đang chở tôi bị hư máy. Hành khách phải xuống hết và tự tìm cách kiếm xe khác đi. Riêng tôi, trong túi không còn một cắc, bơ vơ lạc lõng giữa đường, tôi không còn biết làm gì hơn là ngồi phệt xuống khóc. Làm thế nào để vô trại thăm ba hay làm thế nào để trở về Sài Gòn đây?
Người ta nói “Trời có mắt”. Tôi tin điều đó. Đang ngồi lo lắng thì tôi gặp một bác tài xế, chủ hãng xe đò Long Thành. Bác nói với tôi ráng ngồi chờ, để bác bỏ khách xuống bãi xong sẽ quay lại chở tôi vô trại thăm nuôi. Thiệt hiếm có người tốt bụng như vậy. Tôi vô trại thăm ba xong. Một tiếng sau, quay ra cổng trại, thấy bác Long Thành vẫn còn chờ. Lúc đó đã 6g chiều rồi, trời miền quê bắt đầu tối mờ. Vậy là bác chở tôi về nhà bác, cho ăn cơm và cho ngủ nhờ. Sáng hôm sau, bác chở tôi lên Sài Gòn, rồi mua vé xe đò cho tôi về lại Cà Mau. Suốt nhiều năm sau đó, tôi không bao giờ quên được sự ân cần, tử tế và tốt bụng của bác tài xế Long Thành.
7 năm sau, tôi lên Sài Gòn chuẩn bị thi đại học. Ngay khi làm xong thủ tục thi, tôi lật đật đón xe đò xuống Long Thành tìm bác tài xế. Hỏi han vài người, tôi tìm được nhà bác. Đứng ngoài cổng, tôi thấy bác đang làm vườn, lưng quay vô trong. Tôi gọi thiệt lớn, Bác ra mở cửa. Tôi hỏi bác còn nhớ thằng con nít 7 năm trước mà bác giúp đỡ tận tình như người thân hay không. Bác mừng rỡ, hỏi thăm nhau đủ chuyện. Sau đó, bác nói, mày thiệt hên, chứ đến trễ hai ngày là tao đi xuất cảnh qua Pháp rồi. Trước khi chào bác ra về, tôi cám ơn bác lần nữa. Bác xua tay, cám ơn gì tao, tao không cần mày cám ơn, tao chỉ cần mày sống tốt, làm việc thiện, biết giúp người lúc hoạn nạn khó khăn, vậy là đủ rồi.
Cuộc đời thiệt có nhiều bất ngờ. Điều bất ngờ nhất đối với tôi là tôi trở thành tài xế xe đò. Lần đó, khi xuống Nam Cali quay phim cho đài SBTN, tôi tình cờ gặp một bác gái. Bác than thở muốn thăm người anh trai sắp mất mà không đi được. Đứa cháu hứa lần hứa lượt nhưng bận bịu nên chưa chở bác đi, mà Xe đò Hoàng lại không có chặng Santa Ana xuống San Diego. Tôi nói với bác ráng chịu khó chờ, tôi quay phim xong sẽ quay lại đưa bác đi thăm người nhà rồi chở về mà không lấy tiền. Bắt đầu từ đó, tôi nảy ra ý định mở tuyến xe đò Santa Ana đi San Diego. Đó là một chặng đường ngắn nhưng với các bác lớn tuổi thì đó là một khoảng cách xa xôi mà họ không có phương tiện đi, trong khi con cái luôn bận rộn.
Năm 2002, tôi khai trương Xe đò Long Thành. Mặc dù quê tôi ở Cà Mau nhưng tôi dùng cái tên “Long Thành” như để bày tỏ lòng biết ơn đối với bác xe Long Thành từng cứu giúp tôi ngày nào. Cái tên “Long Thành” cũng giúp tôi luôn nhớ đến những lời dạy ăn ở của bác tài xế tốt bụng mà tôi không bao giờ quên. Xe đò, với tôi, như một cái duyên, như một cái nghiệp và tôi vui với cuộc đời dong rủi trên chiếc xe đò. Nó không chỉ chở khách. Nó chở theo quê hương. Nó chở theo tình người.
Năm nay, sau 15 năm “tung hoành” ở Bolsa, tôi lại “ngang dọc” ở tuyến Oregon-Seattle sắp khai trương. Tôi sẽ lại ngồi sau cái vô lăng tài xế, chở theo những người nói thứ tiếng nói của tôi, nghe những câu chuyện vui chuyện buồn của những người xa xứ nhớ nhà nhưng không bao giờ quên mình là người Việt.
No comments:
Post a Comment