Monday, January 20, 2020

Đón Xuân này ... tôi nhớ Xuân xưa *

Nguyễn Diệu Anh Trinh

Image result for 2020lunar year image

Ôi! nhớ làm sao những cái Tết ngày xưa, khi gia đình tôi còn sống ở Đà Nẵng, thành phố hiền hòa có con đường Bạch Đằng thơ mộng, êm ả nằm dọc theo bờ sông Hàn, có những hàng kiền kiền cao lớn rợp bóng mát đường Quang Trung, có những hàng phượng đỏ thắm dọc con đường Lê Lợi khi mùa hè đến, có vườn hoa Diên Hồng dập dìu nam thanh nữ tú những chiều cuối năm.

Tôi lớn lên tại khu phố Thuận Thành, là một xóm Phật Giáo nằm bên cạnh xóm đạo Tam Tòa, nổi tiếng với rất nhiều cô gái đẹp như Đức Mẹ. Trẻ con hai xóm học chung một ngôi trường tiểu học nằm trên con đường Trần Cao Vân, là trường Đào Duy Từ, ngày nay cũng đã đổi tên là trường Hoàng Diệu. Xóm Thuận Thành là nơi gắn bó nhiều kỷ niệm thời niên thiếu của tôi. Thuở ấy, hầu như dân trong xóm đều là bà con anh em cùng dòng họ, cứ người lập nghiệp trước giúp đỡ, bảo bọc cho kẻ đến sau nên họ hàng, láng giềng gắn bó rất thân tình.

Miền Trung những ngày cuối năm khí hậu khá lạnh. Một hai ngày trước Tết, người lớn thì bận rộn với công việc dọn dẹp nhà cửa, bếp núc. Nấu nướng những món ăn truyền thống để chuẩn bị đón chào năm mới. Món bánh Tét là thứ không thể thiếu trên bàn thờ của mọi nhà. Tôi nhớ không khí rộn ràng của những đêm cuối năm, trong khi Má tôi và mấy người bà con, hàng xóm cùng nhau ngồi gói bánh, kể chuyện xưa, bàn chuyện nay, xúm xít quanh nồi bánh tét sôi sùng sục, tiếng tí tách của bếp lửa nghe thật vui tai. Bọn trẻ chúng tôi cứ lẩn quẩn bên cạnh để được sai vặt. Đến nửa khuya, anh lớn của tôi và các bạn vừa đun củi canh chừng nồi bánh, vừa mang đàn ra đàn hát, khoảng sân trước nhà bỗng rộn ràng như một đêm lửa trại.

Dù không phải là dâu trưởng nhưng Má tôi rất đảm đang và phải nói là “Công, dung, ngôn, hạnh” thuộc vào mức độ tuyệt vời. Má tôi biết làm và làm rất khéo tất cả những loại bánh đặc sản Quảng Nam. Thường thường chiều cuối năm, sau khi vớt bánh tét ra và sửa soạn lại cho đẹp mắt, Má sai tôi mang đến nhà các bác, nhà bà Nội, nhà những người bà con trong họ. Mỗi phần đều có đầy đủ các loại: bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in…kèm theo một gói trà thơm. Câu nói Má dạy tôi thuở ấy còn thuộc nằm lòng đến mãi bây giờ …”Thưa ông, bà…hoặc chú bác…nhân dịp Tết, Má con có làm một ít bánh, trước là cúng tổ tiên, sau là kính biếu ông bà, chú bác…” việc làm này thành ra một thông lệ, do đó những ngày cuối năm tôi cũng là một nhân vật bận rộn và quan trọng không kém người lớn.

Còn nhớ có lần, khi mang bánh vào xóm trong để biếu một bà dì. Trên đường đi có nhiều nhà đang cúng Tất Niên, một thằng nhóc nghịch ngợm đã đốt pháo ném vào người tôi. Tôi hốt hoảng vừa khóc vừa la…bỏ của chạy lấy người. Để trả lại mối thù này, sau đó mỗi khi thằng nhóc đi học phải đi ngang nhà tôi đều bị anh em tôi xua chó ra hù nó. Nhớ lại mà buồn cười quá!

Sau năm 1975, vận nước đổi thay, gia đình tôi không còn sum họp như xưa. Tết đến chẳng còn cái háo hức mong chờ mà trở thành nỗi lo cơm áo nợ nần, canh cánh bên lòng. Cứ mỗi mùa Xuân đến là của chìm, của nổi trong nhà cũng lần lượt ra đi. Nếu không có cái loa phóng thanh của phường treo đầu xóm cứ phát ra những bài hát, ra rả ”Mùa xuân này về trên quê ta ... khắp đất trời biển rộng bao la ... " hay "Mùa xuân đến rồi bản làng ơi ...” thì chắc chắn tôi cũng không hề biết là Tết đang về, Xuân đang đến.

Những ngày cận Tết thuở này, Má tôi thường cho đứa em trai đạp xe đạp, vượt đoạn đường hơn bảy chục cây số, từ Đà Nẵng về tận Đại Hồng, Đại Lộc là quê ngoại để xin bà ngoại ít quà Tết. Các dì của tôi, chị em ruột của má không có ai ở trong hoàn cảnh có chồng đang ở trong trại tù cải tạo như má tôi. Họ đều là những cán bộ hay công nhân viên nhà nước. Tết đến, ít ra cũng có được vài cân thịt mỡ, vài lạng đường…dăm ba cái hộp quẹt, kem đánh răng…gọi là “tiêu chuẩn cho cán bộ, công nhân viên” do đó, bà Ngoại đặc biệt ưu đãi cho gia đình chúng tôi. Năm nào ngoại cũng để dành cho vài buồng chuối, vài trái đu đủ non hái ngoài vườn, có năm mùa màng khá giả thì bà ngoại còn cho vài lon nếp hương, mấy cặp đường bát vàng. Ôi, cái tình của bà ngoại đối với bầy cháu tuy đơn giản mà sao thấm thía ngọt ngào đến thế! Hết rồi những ngày cuối năm tôi được thi hành nhiệm vụ mang bánh đi biếu, hết rồi những đêm giao thừa ngồi canh chừng nồi bánh tét, hết rồi những náo nức thơ dại mong chờ ngày đầu xuân. Với anh em chúng tôi, Tết chỉ còn trong ký ức, trong kỷ niệm. Giao thừa của những năm sau đó cũng không khác gì tiền đồ tương lai của chúng tôi, tối tăm như đêm ba mươi của chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của cụ Ngô Tất Tố.

Tôi lớn lên một chút, đến tuổi hẹn hò thì mê chợ hoa nhiều hơn pháo Tết. Cũng như các bạn cùng thời, những mùa xuân tuổi mười bảy mười tám của chúng tôi không được thắm tươi, rực rỡ. Có những năm, ngày Tết ra phố thì thấy toàn một loại vải may áo. Người già, em bé, nam cũng như nữ cùng một loại vải hoa giống nhau, loại vải bán phân phối từ cửa hàng mậu dịch quốc doanh, tiêu chuẩn cả năm một lần. Do đó, Tết đến, chỉ có chợ hoa là nơi mang sắc thái xuân hơn nhờ những chậu hoa hoa đủ loại, đủ màu sắc. Hương từ hoa và sắc của hoa ở các khu chợ hoa cuối năm thật lôi cuốn khiến hồn người phơi phới, tạm quên đi những thiếu thốn nhọc nhằn của một năm đã qua.

Thời kỳ “đổi mới” sau năm 1980, gia đình tôi đành phải dọn ra khỏi xóm Thuận Thành trong nước mắt vì căn nhà chúng tôi đang sống bị chính quyền CS tịch thu. Chúng tôi buộc phải dọn đến một xóm lao động gần Ngã ba Cai Lang tức là ngay trường tiểu học Nguyễn Duy Hiệu bây giờ. Hàng xóm mới bây giờ không còn là bà con trong họ nữa, chẳng ai biết gốc gác của gia đình tôi. Tết đến, Má tôi có thêm một nghề mới là “gói bánh tét thuê”. Ông bà ta có câu “bụng đói, đầu gối phải bò”. Một đàn con nheo nhóc đã khiến má tôi phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Với tài hoa sẵn có, má tôi nhanh chóng kiếm được nhiều mối gói bánh vào những ngày cuối năm, phục vụ cho những gia đình buôn bán khá giả trong xóm. Thế là hết nhà này sang nhà khác, má tôi làm việc hầu như suốt ngày đêm, mong sao kiếm được chút thù lao hay được thưởng vài đòn bánh mang về cho con ăn Tết. Em gái út của tôi năm đó chừng chín tuổi, luôn luôn được má cho đi theo để phụ má lau lá chuối hay giúp cột bánh tét. Nhìn đôi mắt của em tròn xoe, vẻ thích thú hiện rõ khi được nhâm nhi những miếng nhân đậu xanh còn thừa, tôi thật đã ứa nước mắt. Biết đâu trong đầu óc non nớt của em, Tết được đi theo má làm thuê là một vinh dự như tôi thuở xưa nhận công việc mang bánh đi biếu 

Điều kỳ lạ là khi nhớ, hầu như những kỷ niệm về Tết trong tôi với niềm vui, nỗi hân hoan chỉ thoáng qua rất nhanh. Những câu chuyện buồn đầu năm thì cứ ở lại trong đầu khiến lòng buồn dai dẳng. Những cái Tết đón năm mới không có ba tôi ở nhà, mấy mẹ con sau khi tập trung hết vốn liếng cho đợt thăm nuôi cuối năm thì mẹ con đành phải đón xuân trong thiếu thốn trăm bề. Cuối năm không có tiền để mua một chậu cúc về chưng cầu tài cầu lộc, mấy chị em đành phải vớ đại chùm hoa vạn thọ loại vàng đậm, vàng lợt về cúng Tết. Quà Tết dọn cho khách đến nhà là mấy loại bánh đủ loại, làm từ bột mì do nhà nước bán tiêu chuẩn cuối năm hoặc sang hơn là me chua, cóc xanh tự dầm … Mãi đến những năm tôi có đứa con đầu thì hình như tôi không còn đón Tết nữa, bận rộn cho việc buôn bán, ngày Tết trôi qua hồi nào không biết cũng như tuổi thanh xuân của tôi cũng tàn dần theo năm tháng. Bận bịu và chật vật quá chẳng còn thời gian để nhớ, để mong ước hay ngậm ngùi nuối tiếc. Đó là chưa kể có nhiều năm nợ nần chồng chất, Tết đến chẳng có chút hân hoan mà thay vào đó là nỗi lo âu phải thanh toán nợ nần nếu không thì lãi mẹ sinh lãi con … chắc trả cả đời cũng không hết. Gánh nặng ngày Tết càng khiến đầu óc căng thẳng, mai vàng, câu đối đỏ, bánh chưng xanh … chợt trở thành huyền thoại, hương hoa ngày Tết và cảm giác nô nức trong đêm giao thừa như lùi dần vào quá khứ.

***
Tháng bảy dương lịch năm 1994 tôi rời quê hương, sáu tháng sau, chúng tôi đón cái Tết Việt Nam đầu tiên ở ngoài nước Việt Nam. Từ phương xa, đêm giao thừa, mấy cha con xúm xít bên cái điện thoại để gọi về quê nhà thăm hỏi và chúc Tết. Ban đêm bên này là ban ngày bên kia, thời đó ở Việt Nam chưa có điện thoại từng nhà phổ biến như bây giờ nên nếu muốn nói chuyện với nhau trước đó phải gọi để hẹn ngày giờ đàng hoàng. Một nửa gia đình tôi còn lại bên kia qua nhà một người quen, cũng xúm xít lại để nghe. Nghe được gì đâu, bên này chưa nói đã khóc, bên kia chưa nghe gì đã thút thít. Cuối tháng tôi phải trả tiền cái hóa đơn điện thoại gấp mười lần bình thường.

Sáng mồng một Tết tha hương đầu tiên, tôi thay áo quần đi làm. Ra trước sân, nhìn qua hiên nhà ông Mỹ đen hàng xóm thấy một cành đào hé nở mấy nụ hồng hồng bé tí, vài ba cái chồi xanh mởn cũng bé tí. Tôi mừng rỡ còn hơn gặp lại cố nhân.Tôi rón rén chui rào bước qua, kêu nhỏ em chụp cho mấy tấm hình, may là chủ nhà không biết. Tấm hình có hương vị ngày Tết đầu tiên của tôi ở nước ngoài sau đó hí hửng được theo đường bưu điện về tận quê nhà. Sau này tôi mới biết, loại hoa đào đó là “đặc sản” của thành phố tôi đang sống, đến tháng ba tháng tư thì nở rộ ngợp trời. 

Tôi nhớ năm 1995 cũng là năm đầu tiên cấm đốt pháo vào dịp Tết Nguyên Đán bên Việt Nam. Chúng tôi gọi về dĩ nhiên chẳng nghe được tiếng pháo ngày xuân nên dường như không cảm nhận được cái rộn ràng của ngày Tết. Bên này, ngày đầu năm người lớn tuổi thường đến Chùa cầu phước hay đến Nhà Thờ cầu nguyện, bọn trẻ thì tham gia những Hội Xuân do cộng đồng người Việt tổ chức. Thuở ấy tôi chưa đủ già để phải bận bịu cho việc cúng bái và thật tình cũng không còn trẻ để vui chơi. Tết đến, ngày đầu năm cũng như ngày cuối năm, công việc làm ăn là quan trọng nhất. Dạo đó, đêm giao thừa, tôi cũng làm cho xong nhiệm vụ sắp bánh mứt để ba tôi cúng kiến sau đó vào giường nằm trăn trở, tưởng tượng về những cái Tết đã qua trong đời, nhớ tiếng pháo của những đêm giao thừa trong dĩ vãng, nhớ mùa hương trầm ngào ngạt đêm ba mươi, nhớ cả cảnh chợ hoa thắm tươi, rộn ràng ngày khai mạc và tàn tạ buổi chợ tan …

***
Năm tháng qua đi thật nhanh, những cái Tết tha hương cũng qua thật nhanh, thật lặng lẽ. Những năm sau này người Việt Nam về tiểu bang này định cư càng đông đúc, do đó Tết của cộng đồng người Việt có sinh hoạt rộn ràng hơn. Chợ Tết bày bán đủ các loại bánh mứt, hoa quả, phong bì lì xì … và đặc biệt là mùa xuân rộn ràng nở hoa trong những CD, những DVD nhạc xuân và các chương trình ca nhạc đón năm mới, các buổi họp mặt tất niên của các hội đoàn, thi hoa hậu, thi giọng ca vàng … Nhưng càng về sau hình như Tết đến tôi không còn trăn trở nhiều nữa, có lẽ tôi đã quá quen với không khí Tết ở đây nên tôi chỉ nhớ …

Vạn vật thay đổi không ngừng, bao nhiêu mùa xuân đã đi qua trong đời. Càng lớn tuổi tôi càng hiểu thế nào là hai chữ “vô thường” nên tôi đã coi chuyện thăng trầm trong đời người là tất yếu. Chúng ta trầm luân rồi lại thăng hoa, thăng hoa không đúng cách rồi lại trầm luân. Cứ biển xanh hóa thành ruộng dâu, Đông tàn thì Xuân đến. Tuy nhiên, thay đổi của vạn vật bên ngoài chẳng thể nào ảnh hưởng đến sợi dây tình cảm thiêng liêng ràng buộc người người trong gia đình.

… Chiều cuối năm, tôi lái xe trên đường từ công ty về nhà, nghe má gọi:

- Con đi làm về nhớ ghé má lấy bánh tét về cúng Tết nghen!

Giọng má ấm áp, nhỏ nhẹ trên điện thoại làm tôi ấm lòng.

Nhiều người từng nói “Ở Mỹ, đón xuân sao tẻ nhạt, vô ý nghĩa quá”, với tôi lắng nghe một bản nhạc xuân xưa, ghé về nhà mẹ để nhận món quà tết, nhìn thấy ba má cùng sửa soạn những món ăn dân tộc trong cái lạnh buốt nơi xứ người, hai chiếc bóng hạnh phúc bên nhau trong những ngày xế chiều, tôi như thấy cả mùa xuân đang ở quanh đây.

Giọng cô ca sĩ trong CD vang lên:

Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa *
Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa
Em đứng chờ tôi trước song thưa
Tôi đi qua đầu ngõ
Hỏi nhau thầm xuân đã về chưa?

Nguyễn Diệu Anh Trinh
Norcross - GA

*Lời bài hát Đón xuân này, nhớ xuân xưa của nhạc sĩ Châu Kỳ

No comments:

Blog Archive