Tâm Minh | ĐKN
Ảnh: Twitter.
Là ai? Ai đã biến thiên thần thành ác quỷ? Ai đã chôn vùi ước vọng tuổi thanh xuân?
Có câu hát rằng: “Ta biết biến đá thành hoa, biến quỷ thành Thánh, biến ma thành người”. Đó là khúc biến tấu từ một câu trong tác phẩm Bạch Mao Nữ: “Xã hội cũ biến người thành quỷ, xã hội mới biến quỷ thành người”.
Thầy giáo tôi từng giảng: Lịch sử phân thành hai bước, xã hội cũ và xã hội mới. Con người cũng phân thành hai loại, một bên là kẻ xấu, xấu xí như ma vậy, còn một bên là người tốt, tốt đẹp như Thánh Thần. Xã hội cũ là địa chủ bóc lột bần nông, là cường hào chèn ép dân lành, khiến tất cả người tốt đều biến thành Chí Phèo hết cả. Thế chẳng phải là “biến người thành quỷ” là gì? Nhưng sau này Mao chủ tịch đến, dẫn dắt người tốt đánh đuổi kẻ xấu, thành lập xã hội mới, từ đây người tốt mới thực sự được sống như một con người. Tất nhiên đến lúc này mọi Chí Phèo đều sẽ hoàn lương và trở nên tốt đẹp, ấy chính là “biến quỷ thành người”. Vậy chẳng phải tốt quá hay sao?
Nhưng lời thầy nói vẫn chỉ là lời nói, Thánh đâu chẳng thấy, người đâu cũng chẳng thấy, chỉ thấy toàn là quỷ trong cái vỏ da người. 70 năm qua rồi, cả gia đình ba thế hệ chúng tôi đều nhiệt thành cống hiến tuổi xuân, nhưng cuối cùng thì… Tri thức nhiều cũng vô dụng, quyền hành có mà như không, tăm tiếng hóa ra thành tai tiếng, rốt cuộc vẫn chỉ là… một lớp người bỏ đi!
Bạn không tin ư? Này đây, cả gia đình ba thế hệ chúng tôi, từ ông nội Tiểu Nhất, đến con trai Tiểu Nhị, tới cháu nội Tiểu Tam, đều đã chôn vùi cả thanh xuân của mình như thế đấy:
Tiểu Nhất
Tôi là lứa đầu tiên của đội ngũ hồng vệ binh tinh nhuệ. Nghe nói đến “Hồng vệ binh” hẳn sẽ có ai đó giật mình kinh hãi. Tất nhiên không phải tôi đang nói về giới trẻ ngày nay, mà là về những bậc lão niên đã trải qua thời Cách mạng Văn hóa. Người từng sống trong những năm tháng ấy, hiển nhiên đều thấy ám ảnh đến kinh hoàng.
Thế hệ chúng tôi mỗi lần quay đầu nhìn lại đều tự hỏi: Vì sao, vì sao hồng vệ binh năm xưa lại điên cuồng như vậy? Vì sao những thiếu niên mười mấy tuổi đầu lại trở nên khát máu, giết người không chớp mắt? Chúng tôi đang ở cái tuổi hoa xuân phơi phới, bầu nhiệt huyết căng tràn lồng ngực, có thể vì lý tưởng mà sống, cũng sẵn sàng vì lý tưởng mà chết, hiển nhiên không thể chỉ trong một đêm mà có đủ dũng khí cầm đao súng giết người.
Từ khi còn ở tuổi nhi đồng “mũi thò lò xanh”, chúng tôi đã được nuôi dưỡng trong lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng. Mỗi ngày lên lớp, bài học mở đầu luôn là lời dạy của Mao chủ tịch, nghe nhiều đến mức trong đầu luôn sục sôi ba chữ: Làm cách mạng. Làm cách mạng là phải đánh đuổi kẻ xấu, bảo vệ người tốt, với kẻ địch thì tàn khốc như mùa đông, với nhân dân thì ấm áp như mùa xuân. Tôi nhìn đâu cũng chỉ muốn tìm ra kẻ xấu để đánh cho chúng tơi bời.
Nhưng tìm kẻ xấu ở đâu bây giờ? Chiến tranh đã kết thúc, quân địch đều tử trận, Tưởng Giới Thạch cầm đầu kẻ xấu thì đã cao chạy xa bay sang Đài Loan mất rồi, tư bản phát xít thì ở mãi tít bên kia đại dương, kẻ xấu không còn ở đây cho chúng ta trừng trị nữa. Vậy phải làm sao bây giờ?
Thế nên khi nhận được thư ngỏ của Mao chủ tịch, chúng tôi đã sung sướng đến điên cuồng, ai ai cũng háo hức được trở thành một vệ binh đỏ, được đi làm cách mạng…
Nhưng làm hồng vệ binh là phải “dám”: dám đánh, dám phá, dám đấu, dám tố, thậm chí dám giết người! Đánh, phá, đấu, tố, rứa rồi sẽ quen. Nhưng còn giết? Ai dám? Một đứa trẻ mới 15, 16 tuổi đầu, dẫu gan to bằng trời nhưng cũng làm sao dám?
Có lần, chính quyền đã bắt học sinh tiểu học phải chứng kiến cuộc hành hình 13 thanh niên yêu nước. Tên đao phủ lăm lăm cầm mã tấu trong tay và giương lên, chiếc đầu thứ nhất rơi xuống, máu phun ra tung toé. Các em nhỏ chứng kiến cảnh ấy đã gào khóc thảm thiết, còn giáo viên thì cố tìm cách trấn an, trong khi toàn thân cô run rẩy. Cứ như thế, lần lượt 13 cái đầu bị chém lăn lông lốc trên mặt đất, các em nhỏ ai nấy đều mặt mày tái xanh, tâm trí hoảng loạn. Ngày đầu tiên kết thúc trong tiếng la hét kinh hoàng.
Ngày thứ hai, các em nhỏ lại phải chứng kiến một cuộc hành quyết khác, mặc dù vẫn sợ hãi nhưng tiếng khóc không còn kích động như trước.
Ngày thứ ba, tiếng khóc đã nhỏ hơn, một số em tỏ ra bình tĩnh khi quan sát cảnh đầu rơi máu chảy.
Ngày thứ tư, cuộc hành hình không còn là thứ gì đáng sợ, thậm chí có em còn bắt đầu cảm thấy thích thú, xem cảnh trảm đao như một bộ phim hành động ly kỳ…
Trẻ nhỏ ngây thơ là thế, và lứa tuổi thanh thiếu niên chúng tôi cũng như vậy: Chứng kiến nhiều rồi sẽ quen, quen rồi sẽ lãnh cảm, lãnh cảm rồi sẽ vô cảm, và khi đã vô cảm rồi thì không việc ác nào là không dám làm.
Phá chùa và đập tượng Phật là cảnh tượng thường thấy trong thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc (ảnh: Tinh Hoa).
Trong tác phẩm “Y hy đại địa loan” có một câu chuyện mà tôi nhớ mãi: Khi nạn đói lớn xảy ra, rất nhiều người đã chết vì đói, ở gia đình một lão nông nọ chỉ còn lại hai đứa con. Một hôm, ông bố đuổi con gái ra khỏi nhà, khi trở về cô không tìm thấy em trai đâu nữa mà chỉ nhìn thấy mỡ trắng nổi trong chảo và một đống xương bên cạnh bếp. Vài ngày sau, ông bố đổ đầy nước sôi vào chảo và gọi đứa con gái lại gần. Cô sợ hãi quỳ xuống cầu xin cha: “Bố, bố đừng ăn thịt con, con có thể kiếm củi và nấu cơm cho bố. Nếu bố ăn thịt con, sẽ không còn ai làm việc này cho bố nữa”.
“Hổ dữ không ăn thịt con”, nhưng khi bị dồn vào đường cùng thì con người ta lại không bằng loài cầm thú. Đó là nỗi ô nhục lớn trong những năm đói kém, chỉ vì đói nên mới làm liều, và làm liều đến mức thành man rợ. Ấy vậy mà, câu chuyện người ăn thịt người không chỉ xảy ra trong nạn đói lớn, mà còn trở thành phong trào trong những ngày bùng nổ của Cách mạng Văn hóa. Người ta vẫn gọi đó là “Tháng tám đỏ”, và phong trào ăn thịt người đã lan ra như cơn bệnh dịch cuồng loạn ở Quảng Tây.
Hồng vệ binh chúng tôi nhận chỉ thị từ vị trưởng ban vũ trang của huyện, bắt đầu bằng những cuộc đột nhập trong đêm nhắm vào 5 giai cấp: địa chủ, phú nông, phần tử phản cách mạng, phần tử xấu, phái hữu. Nhưng sau này, chúng tôi không còn phải bí mật rón rén trong bóng tối nữa, mà có thể đường hoàng mở đại tiệc ngay giữa ban ngày. Tất nhiên những tội ác như thế này tôi không thể nói chi tiết, dẫu sao tôi cũng không muốn bạn gặp phải ác mộng đêm nay. Nhưng có thể tóm gọn lại một câu: Cái xã hội này là xã hội “ăn thịt người”, và chính quyền này cũng là chính quyền “ăn thịt người”, là nghĩa đen hay nghĩa bóng, hiểu theo nghĩa nào cũng được.
Trong những năm đỉnh cao, hồng vệ binh chúng tôi có thể tha hồ tự tung tự tác, đánh người thì được khen, tố người thì được thưởng, mà giết người thì còn được tuyên dương. Nhưng đến lúc thất sủng rồi thì… cả một lớp thanh niên đầy quyền lực xưa kia giờ chỉ còn là cái giẻ rách, phải gặm nhấm phần đời còn lại trong nỗi ân hận muộn màng.
Sau này, tôi dặn con trai Tiểu Nhị của mình rằng: “Năm xưa cha là kẻ giết người không gớm tay, nên giờ mới phải chịu quả báo thê thảm thế này. Cha mong con đừng theo vết xe đổ của cha, hãy làm một người chân chính, một lương y cứu người”.
Tiểu Nhị
Theo tâm nguyện của cha, tôi đã ghi danh vào Đại học Y Quảng Tây, sau khi ra trường lại có cơ hội công tác tại nhiều bệnh viện khắp Trung Quốc. Tôi coi nghề y là lý tưởng sống của mình nên luôn nỗ lực hết sức để trở thành một bác sỹ đầu ngành. Công việc cuốn tôi đi đến mức tôi làm việc giống như con robot đã được lập trình, sẵn sàng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào mà không hề hồ nghi.
Với thành tích hàng ngàn cuộc phẫu thuật thành công mà không một ca nào gặp sự cố, đáng lẽ tôi có thể tự hào. Nhưng một chuyện xảy ra đã thay đổi điều ấy mãi mãi…
Hôm ấy, nhóm bác sĩ chúng tôi được xe cảnh sát đón và đi tới một nơi bí mật để thực hiện cái gọi là “sứ mệnh quốc gia”. Tất nhiên là phải “bí mật” rồi, sứ mệnh quốc gia mà.
Trên bàn phẫu thuật là một thanh niên trẻ, có lẽ chỉ khoảng 20, 30 tuổi. Chân, tay, và cổ của anh ấy bị trói chặt xuống bàn bằng một sợi dây rất mảnh, mảnh đến mức anh ấy không thể vùng vẫy hay cử động, hễ cử động là dây lại cứa vào da thịt, từng giọt máu đỏ tươi rỉ xuống sàn.
Vị bác sĩ trưởng khoa ra lệnh cho tôi móc lấy hai cầu mắt. Tôi nhìn vào mặt người thanh niên, đôi mắt anh ấy nhìn tôi trừng trừng với nỗi sợ hãi tột độ. Đó là ánh nhìn đầy cảm xúc để lộ ra một nỗi kinh hoàng. Đúng vậy, anh ấy thực sự nhìn tôi, hai mi mắt đang động đậy. Anh ấy vẫn còn sống!
Người tôi mềm nhũn, đôi chân loạng choạng, còn hai tay thì cứ như tê dại. Tôi hoàn toàn choáng váng. Tôi đang làm gì đây? Cứu người hay giết người? Đó chẳng phải là việc làm của ma quỷ hay sao? Móc lấy mắt của một người còn sống!!!
Vị bác sĩ trưởng khoa thấy tôi đứng chết lặng hồi lâu nên đã gạt tôi ra đằng sau, và rất nhanh chóng, ông thản nhiên móc cả hai cầu mắt ra bằng những thao tác vô cùng thành thạo.
Tôi trở nên trống rỗng, rùng mình và toát mồ hôi, tôi gần như quỵ xuống.
Tôi không rõ cụ thể điều gì đã diễn ra sau đó, chỉ nghe thấy tiếng hét thất thanh của người thanh niên khi vị bác sĩ trưởng khoa mổ phanh bụng để lấy ra tim, gan và những nội tạng khác.
Các tù nhân lương tâm là nguồn thu hoạch nội tạng kiếm lời của chính quyền Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Minghui)
Suốt một thời gian dài sau đó, bất kể ngày hay đêm, tôi vẫn luôn thấy trước mặt hai mắt của người thanh niên đang nhìn tôi trừng trừng.
Sau đó tôi quyết định rời bệnh viện và đưa cả gia đình di cư sang Hồng Kông. Tôi muốn quên quá khứ, một quá khứ đầy ám ảnh. Đến khi đặt chân lên vùng đất tự do này, tôi mới biết rằng thì ra việc thu hoạch nội tạng đã âm thầm diễn ra khắp Trung Quốc trong nhiều thập niên trước đó. Tất cả các tù nhân lương tâm như người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, các học viên Pháp Luân Công, thậm chí là một số cô gái bị lừa bán qua biên giới, đều có thể trở thành nạn nhân của tội ác này. Họ phải lấy máu và thịt của mình để vỗ béo cho các quan chức cộng sản, lấy nội tạng của mình để làm giàu cho bộ máy đương quyền.
Tiểu Tam
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi cùng gia đình chuyển đến Hồng Kông là: Cảnh sát là anh hùng trong lòng dân. Tôi nhớ mãi cuộc đối đáp trong phim “Bản sắc anh hùng” giữa luật sư Hương Cảng và công an Bắc Kinh: “Bộ anh tưởng đây là Đại Lục sao? Hồng Kông có nhân quyền đó, anh biết không?”.
Tôi của năm ấy, thằng bé ghi danh vào Học viện Cảnh sát đã từng viết hoài bão lên trời xanh: Nguyện sẽ là trang nam nhi nghĩa hiệp, nguyện sẽ dùng công lý bảo vệ dân lành.
Những suy nghĩ thuở son trẻ luôn là trong sáng nhất, và cũng lý tưởng nhất. Nhưng theo thời gian, mọi thứ đều phôi pha. Khi bạn đi học, bạn có lý tưởng và hoài bão. Nhưng khi bạn đi làm, bạn chẳng còn gì ngoài nhiệm vụ. Bạn sẽ phải lựa chọn: Làm theo lý tưởng và bị kỷ luật, tiền đồ cũng tiêu tan; hoặc tuân theo mệnh lệnh và có tất cả.
Khi phong trào dân chủ bùng nổ, thứ đầu tiên chúng tôi nhận được là tiền: Mạnh tay trấn áp người biểu tình, bạn được tiền; khiến người biểu tình vì sợ hãi mà phải nhượng bộ, bạn được tiền; khủng bố tinh thần người biểu tình, bạn được tiền; bắt giữ và tra tấn người biểu tình, bạn được tiền; thậm chí nếu lạm dụng bạo lực và làm chết người, bạn cũng được tiền. Mà nào đâu chỉ có tiền? Bạn được thăng chức, bạn được thưởng nhà, bạn được hứa hẹn những ưu đãi “trên trời”, và nhất là, bạn có thể tha hồ phạm tội mà không phải trả giá. Tại sao không? Giờ đây bạn có súng, có quyền, và cưỡi đầu thiên hạ!
Khi đã có trong tay cả tiền và quyền, bạn sẽ cho rằng ước mơ thời niên thiếu thật là ngớ ngẩn. Bạn của ngày ấy đâu cần có tiền, đâu cần địa vị, cũng đâu cần mỹ nữ, bởi khi ấy lý tưởng chính là lẽ sống. Nhưng khi đã đặt chân vào xã hội kim tiền này, bạn sẽ thấy tiền là tất cả. Nhất là khi: Cứ trung thành đi, rồi bạn sẽ có quyền, sẽ có tiền, không chỉ tiền, mà là rất nhiều tiền.
Từ những đồng nghiệp Đại Lục tôi học được rằng: Quyền lực đi ra từ nòng súng. Muốn tồn tại, bạn phải mạnh, mà muốn mạnh, thì phải dựa vào súng đạn.
Khi leo lên đỉnh cao của súng đạn, tôi thấy mình thật uy lực, thật là bất khả xâm phạm. Nhưng dù đứng trên đỉnh cao, thì vẫn có một thứ vô hình khiến tôi ngã xuống.
Tại Hồng Kông, cảnh sát Đại Lục có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Gia đình họ ở bên kia eo biển, họ tha hồ giở trò đồi bại, và chẳng ai hay biết. Trong khi đó cảnh sát Hương Cảng chúng tôi, có vị thì bị bạn bè tuyệt giao, có vị bị láng giềng xa lánh, có vị phải hủy hôn vì bạn gái ủng hộ dân chủ. Nhưng còn tôi, tôi đã phải hứng chịu nỗi đau lớn hơn hết thảy.
Đó là một buổi tối giữa tháng 11, tôi trở về đồn sau cuộc vây hãm khá căng thẳng ở PolyU. Tôi lạnh lùng mở cửa và rót một ly cocktail, đáng lẽ như mọi lần tôi sẽ bỏ ngoài tai mọi tiếng la hét của những người đang bị đánh đập và hãm hiếp. Có gì đâu, đó là chuyện thường nhật trong đồn cảnh sát, là thứ quá quen thuộc đến mức bạn sẽ chẳng hề bận tâm.
Nhưng mà… có cái gì đó quá quen thuộc, đến mức tôi không thể dửng dưng.
Tiếng khóc ấy, giọng nói rên rỉ ấy…
Tôi quay đầu lại nhìn, và, trời ơi, con gái tôi, chính là con tôi, công chúa bé bỏng của tôi!
Tôi lao bổ đến lôi gã đồng nghiệp đồi bại kia ra khỏi người con bé và tẩn cho hắn một trận, không cần biết hắn là ai, là thượng sĩ, trung sĩ, hay là thượng cấp của mình. Con bé mặt mày tái mét, loạng choạng vơ lấy quần áo và mặc vội lên người. Chao ôi, nó mới 14 tuổi, còn chưa thể gọi là thiếu nữ, vậy mà…
Nếu như, nếu như tôi không trở về đồn đúng vào lúc ấy, có lẽ con bé cũng sẽ chịu chung số phận như những nạn nhân khác: bị cưỡng hiếp, bị thủ tiêu, rồi bị dàn dựng như một vụ tự tử… Thật trớ trêu khi chỉ suýt chút nữa là tôi đã rơi vào tình cảnh giống như ông Cheung: Đường đường là một nhà lập pháp thân Bắc Kinh nhưng cũng phải nhắm mắt cho qua khi ái nữ của mình bị ném xuống từ tòa tháp Century.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi sực tỉnh và nhận ra rằng: Quyền lực là vô nghĩa, sức mạnh cũng là thứ vô dụng! Cho dù có là kẻ mạnh trong những kẻ mạnh đi nữa, có thể đè đầu cưỡi cổ người khác đi nữa, thì cũng không bảo vệ được người thân thiết nhất bên mình.
(Ảnh minh họa: Getty).
Tôi quỳ xuống ôm con gái vào lòng, toàn thân con bé vẫn run lên bần bật. Tôi nghĩ đến cha mẹ tôi, vợ tôi, và đứa con út bé bỏng vẫn đang nằm trong nôi. Liệu tôi có đủ niềm tin để đảm bảo rằng họ sẽ được an toàn hay không? Ngay cả sự an toàn của bản thân mình, tôi cũng không dám chắc. Núp dưới vẻ ngoài cảnh sát, bạn được làm bạo chúa. Nhưng trút khỏi bộ cảnh phục, bạn là bất cứ ai.
***
Bạn thân mến, chúng tôi không phải Tiểu Nhất, Tiểu Nhị, hay Tiểu Tam, mà là đại diện cho vô vàn cá nhân đang bị cái xã hội này nhuộm đỏ. Dân tộc Trung Hoa ngày nay, nối tiếp lớp này đến lớp khác, thế hệ này sang thế hệ khác, đều trong vô thức mà biến mình thành quỷ.
Ai đã biến những nhân vật đáng lẽ phải được trọng vọng nhất trong xã hội thành kẻ sát nhân? Ai đã biến vệ binh thành côn đồ bạo loạn? Ai đã biến lương y thành đồ tể? Ai đã biến cảnh sát thành khủng bố, thành cỗ máy giết người?
Hồng Kông năm xưa đã từng văn minh là thế, Trung Quốc của 5000 năm cũng từng văn minh là thế, sao giờ đây?! Và cớ sao bi kịch lương tâm ấy không hề xảy ra ở Tây phương, tư bản, mà chỉ xảy ra ở những nơi ĐCSTQ cầm quyền? Chẳng phải chính vì nơi ấy là chế độ độc tài đỏ, là nơi tôn sùng bạo lực, đấu tranh, cách mạng, và chủ nghĩa vô Thần?
Tác giả Thịnh Tuyết từng chua chát thốt lên rằng:
“Ai bảo bạn sinh ra tại Trung Quốc?
Trong thế giới ấy chỉ có sài lang và cừu non
Vứt bỏ tất cả tôn nghiêm của tự do luân lý
Không làm sài lang thì chỉ có thể làm cừu…”
Với những ai mà dòng máu Hoa Hạ đang chảy trong huyết quản, nếu bạn không chấp nhận làm sài lang, cũng không chấp nhận làm con cừu hiến tế, thì chỉ còn cách duy nhất là dũng cảm đứng lên. Ấy là lựa chọn của người Hồng Kông, cho dù họ phải lấy sinh mệnh của chính mình để đánh đổi. Đó cũng là lý do vì sao họ đã để lại trên tường những dòng thông điệp:
Cả thế giới, xin hãy cảnh giác!
Hồng Kông hôm nay, thế giới ngày mai.
“Be aware – or be next” — Hãy thức tỉnh, hay sẽ là tiếp theo…
No comments:
Post a Comment