Sunday, January 13, 2019

Las Vegas 2019 Countdown
 
Ngự Thuyết
  
Năm nay chúng tôi tham dự, hay đúng hơn, đi xem người Mỹ đón Giao Thừa Tây tại Las Vegas. Nghe nói Las Vegas lạnh lắm – thời tiết quá biến đổi – chúng tôi mang theo nhiều áo ấm, có cả găng tay và khăn quàng cổ.

Đi từ Orange County, chúng tôi trôi theo dòng xe như dòng sông chảy nhanh trên xa lộ 15 North. Mới 5 giờ chiều trời đã tối. Dòng xe trước mặt lẫn trong bóng đêm biến thành vô vàn chấm đỏ nối đuôi nhau dài bất tận; dòng xe chạy ngược chiều, cũng dài không kém, đèn pha chiếu sáng cả núi, rừng, sa mạc, truông, trảng và đèo. Thỉnh thoảng gặp dăm ba thị trấn đèn sáng choang nằm trùm lên trên những triền đồi, những thung lũng. Sau gần 4 tiếng, chúng tôi chạy qua mấy toà nhà tắm trong ánh sáng nhiều màu. Nếu gọi Las Vegas là căn cứ địa đầu não thì những tòa nhà sòng bạc này là những tiền đồn, những chuông báo động. Trông cũng rất “đáng nể”.

9 giờ tối chúng tôi đến. Chúng tôi đã đặt phòng ngủ tại Khách Sạn Cosmopolitan trước một tuần lễ, nếu không, giá phòng ngủ sẽ rất cao, hoặc cũng có thể không còn phòng trống vào dịp Countdown này.  

Vào những cuối tuần, Las Vegas luôn luôn đông nghẹt. Năm nay, Tết dương lịch nhằm Thứ Ba, cộng thêm ngày bắt cầu là Thứ Hai, thế là có được một cuối tuần trọng đại nhất và kéo dài đến bốn ngày. Cho nên không biết cơ man nào là du khách và du khách, xe cộ và xe cộ, tràn ngập mọi khách sạn, sòng bạc, hang cùng ngõ hẻm.

Trên mặt đường, xe cộ liên miên chạy khít nhau, không chạy nhanh nổi, rồi đứng, rồi chạy tiếp, theo nhịp đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng nhấp nháy lia lịa. Chẳng khác những con bọ hung khổng lồ bò rù rờ. Trên lề đường người ta chen nhau xuôi ngược như kiến cỏ. Đa số kéo va li bánh lăn hăm hở đi nhanh từng dòng, rồi vào những khách sạn như kiến vào hang, rồi tới những quầy tiếp tân ghi danh, nhận chìa khóa, rồi kéo ngang qua vô số sòng bạc, vang dậy những tiếng rì rầm, xì xào, tiếng leng keng của máy chém – máy kéo cần chém con bạc như chém chuối – tiếng kêu thét lên khi có người trúng lớn. Cuối cùng những bầy kiến bò vào các thang máy, rồi bò lê trên những hành lang dài trước khi chui vào tổ, vào phòng riêng, mất hút.

Trước khi đi Las Vegas tôi có chuyện trò với vài người bạn cũ. Sực nhớ thời còn làm công tác tìm việc cho người tỵ nạn. Một hôm thấy một nhà hàng Ý có đăng quảng cáo “Cần người làm”, tôi chọn ba “học trò” trẻ tuổi, khá tiếng Anh - hai từ Việt Nam, và một từ một nước có cái tên dài khó nhớ nên tôi phải nhớ, nước Cộng Hoà Xô Viết Xã Hội Chủ Nghĩa Kazakh. Chủ Nhà Hàng mời chúng tôi ngồi chờ phỏng vấn tại một góc phòng. Thực khách không đông lắm, nhưng chúng tôi chờ gần một tiếng, không một ai ngó ngàng tới. Tôi biết có nơi đăng quảng cáo cần người để tỏ ra ta đây làm ăn khấm khá nhưng thật ra đang xuống dốc. Quảng cáo chỉ để dụ người ta tới ăn thôi, chứ đâu có cần thêm người làm. Nhà hàng này thuộc loại đó chăng?

Tôi định đứng dậy xách xe chở họ đi tìm việc nơi khác, thì một “học trò” Việt Nam lanh trí hiến kế:

“Thầy trò mình hùn tiền lại gọi 4 ly cà phê. Tụi nó phải tới phục vụ. Rồi thầy tuỳ cơ ứng biến.”

“Ý kiến hay,” tôi trả lời. “Nhưng có bao nhiêu đâu mà hùn với hạp. Được, để đó tôi bao.”

“Cám ơn thầy. Không phải tụi tui sợ thầy tốn tiền, nhưng hùn mới hên. Em có kinh nghiệm đó.”

Có lẽ anh chàng này muốn từ chối khéo lòng “đại bác” của tôi chăng, tôi nghĩ, nhưng tôi không nói gì thêm. Quả đúng thế. Cuối cùng, sau khi bưng cà phê cho chúng tôi, xét đơn, và phỏng vấn một cách vui vẻ, ngắn gọn, chủ nhà hàng thuê hai trong ba người.

Nay tôi đi Las Vegas đón giao thừa, chắc sẽ ghé sòng bài. Đánh bài có hên xui, vậy  phải có chút dị đoan. Thử bắt chước người học trò, “hùn mới hên”. Tôi gạ gẫm ba ông bạn già. Với tôi nữa là bốn người. Thật ra “hùn mới hên” chỉ là cái cớ. Tôi đã sớm biết số tiền ít ỏi trong túi của tôi đem chọi với Las Vegas có khác gì mang trứng chọi đá, mang muối bỏ bể. Thêm chút “bổi”, họa may. Cái dã tâm ấy của tôi bị mấy người bạn có sạn trong đầu thấy rõ, nên chẳng ai chịu nghe tôi. Hay là thôi vậy. Không hơi sức đâu nữa để cháy túi hoài.

Thế là tôi cho cả nhà biết lần này lên đây tôi chỉ để coi Countdown, không “thử thời vận” nữa. Mọi người trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên, nhưng cũng hoan nghênh nhiệt liệt, để tôi nằm yên trên giường xem TV, lục tục kéo nhau đi hết. Trước khi đi, nói sẽ mang thức ăn về, hơi trễ trễ. Tô phở Kim Long, hay mì vịt tiềm, hay bò lúc lắc, hay sushi? Tôi cà khịa, Mỗi thứ một chút.

Khi không còn ai, tôi ngồi dậy, đến đứng bên cửa kính dày. Từ lầu tầng 53 nhìn xuống dưới xa tít. Xe cộ di chuyển chậm chạp trông như kiến bò, những con đường dọc ngang trông như những sợi len lấp lánh, ánh sáng nhiều màu nhấp nháy của những tòa nhà trông như đám bụi cây trong rừng cháy lốm đốm. Xem chán, tôi lại coi TV. Nào tổng kết về tình hình thế giới; về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao; về các môn thể dục thể thao đủ loại; về ông Đỗ Năng Trâm chu mồm lên án những Fake News Tin Thất Thiệt; vân vân; và ngủ quên.

Tỉnh giấc nhìn quanh ngơ ngác, mình ở đâu đây? Phòng vắng teo. Nhổm dậy, mặc thêm áo ấm, đến bấm thang máy xuống tầng trệt. Vào toa lét rửa tay rửa mặt không phải để cho tỉnh táo chuẩn bị “ngồi bàn”, mà là để thoải mái đi nhiều vòng ngắm nghía thiên hạ điên khùng vùi đầu vào những cuộc sát phạt trong khi đã biết chắc mình sẽ lãnh đủ. Lãnh sẹo chứ không phải lãnh tiền. Không. Đã bao lần đi Las Vegas đều bị cháy túi, lần này quyết sẽ không “Đóng Tiền Điện.”

Đến một bàn Black Jack thấy còn hai ghế trống, tôi dừng lại vịn tay vào lưng một ghế trống đứng xem. Cái kiểu đánh bài bằng mắt. Tôi đứng khá lâu, mỏi, đổi chân trụ nhiều lần. Thấy thế, cô chia bài mỉm cười mời tôi ngồi. Tôi bảo chỉ coi thôi, không đánh. Không sao, cô đáp, trước sau gì  anh cũng đánh, tôi biết. Đã thế tôi ngồi lên ghế xem thử “ai thắng ai”, nghĩa là tôi có sẽ đánh bài như cô ta tiên đoán hay không. Cuối cùng, khỏi phải nói, tôi không thắng. Ngứa mắt, ngứa tay, một thua. Cháy túi, hai thua. Đúng ra, chưa cháy hết túi. Quân tử phòng thân.

Tôi đã để dành một ít tiền tới Quầy Hàng Ăn Uống. Những con bạc nghiệp dư thua bạc trăm, bạc nghìn, không tiếc, thì tiếc chi vài ba chục đô la lận lưng để gọi một lon bia và một dĩa thịt nguội. Có chết đi nữa cũng không làm con ma đói. Đánh ăn, dĩ nhiên tiêu rộng; đánh thua cũng không hà tiện từng đồng, từng cắc như khi không đánh. Las Vegas cực lực khai thác cái tâm lý  quái chiêu đó, tôi ngẫm nghĩ.

Nhìn vào đồng hồ tay, mới gần 11 giờ. Còn hơn một tiếng nữa, giao thừa.
Tôi định trở về phòng, nhưng nghĩ bụng chẳng còn ai trên đó. Thức ăn đem về như đã dặn? Cũng không cần nữa. Thì mình hãy thoát ly khỏi cái Casino đầy mộng mị này. Hãy ra ngoài trời nhập vào hàng triệu người đang đổ xô đón giao thừa. Nhân viên khách sạn cho biết đi ra thì dễ và mau, trở vào thì khó và lâu. Tôi hỏi tại sao. Nhe răng cười, tại vì ra rải rác kẻ trước người sau, thong thả; vô, khuya lạnh, lại cùng một lúc, kẹt cứng.
Mặc, tôi cứ đi.

Người ta đông nghẹt, cái lạnh nhờ thế có giảm dù tôi không kịp về phòng lấy găng tay và khăn quàng cổ. Tôi đi như mộng du, không dùng đến thị giác, thính giác, chân bước đều như máy theo hấp lực của dòng người bất tận. Đi những đâu không cần biết. Đi đã bao lâu cũng không cần hay.
Bỗng những tràng nổ vang rền, pháo bông lác mắt. Dòng người, không ai bảo ai, đứng khựng lại, mặt ngửa lên trời nhìn. Đồng hồ chỉ đúng số 12. Tiếng reo mừng trồi lên trụt xuống vang vang như sóng biển gầm, Happy New Year! Happy New Year! Nhiều cặp ôm nhau hôn say sưa, nghiến ngấu. Những chú bé con đầu đội mủ giấy sặc sỡ, những cô bé con đầu mang vương miện đính kim cương giả, tất cả đều ngậm tu huýt thổi tè tè đinh tai điếc óc. Trên nhiều quầy rượu lộ thiên, ông già bà cả chồm vào nhau cụng ly tới tấp. Trong khi đó pháo bông tiếp tục nổ và bay lồng lộng lên không trung từ các sân thượng của nhiều khách sạn lớn như Whynn, Aria, MGM, Ceasar Palace, New York New York ... Những hạt tuyết thật nhỏ vờn vờn, loang loáng.

Sau đúng 8 phút, tiếng nổ bỗng cùng một lúc rộ lên ầm ầm dồn dập, pháo bông bỗng loé lên nhiều màu, vút lên cao ngất. Rồi đột nhiên im bặt, tắt ngấm. Bầu trời đêm được trả lại cái mênh mông, thăm thẳm.
Lạnh. Sau 2 giờ sáng tôi mới vào được trong khách sạn.

Chúng tôi bàn với nhau chốc nữa phải trở về Cali sớm. 4 giờ sáng phải lên đường. Bằng không, có khi xe kẹt trên xa lộ suốt ngày.

Kéo va ly dọc theo hành lang dài để đến thang máy, tôi suýt cán một cô đầm trẻ tuổi đang nằm trước cửa lớn bên ngoài một phòng ngủ. Cô ngủ say. Chắc cô này quên mang theo chìa khóa phòng. Chắc cô này đi với bồ bị cho ra rìa. Hay cũng có thể cô là nàng tiên ngủ trong rừng người phàm. Có sao không?

Chúng tôi đều thiếu ngủ, có người còn nồng hơi rượu, thay nhau lái xe, chạy trên xa lộ 15 South. Trên xa lộ, thỉnh thoảng thấy một chiếc xe đậu sâu trong mép đường. Lại anh chàng hay cô nàng nào đó đang say xỉn, nhưng còn biết rằng lái xe trong tình trạng như thế rất nguy hiểm, đành cho xe nằm nép bên đường ngủ mê mệt.

Sắp tới “tiền đồn” Buffalo Casino cách Las Vegas khoảng 30 dặm. Đèn sáng rực. Thế nào cũng có người thù dai, thua tiền tại Las Vegas thì ghé Buffalo gỡ gạc. Biết đâu đổi chỗ đánh lại thua nhiều hơn nữa.

Qua khỏi Buffalo một quãng ngắn, nhìn phải, tôi ngạc nhiên thấy ba, bốn dòng sông xanh chảy kế nhau. Ô, không phải, mà là những tấm lợp nhà dùng năng lượng mặt trời (Solar panels) sắp xếp kế tiếp nhau. Chạy hơn 10 phút mới qua hết những “dòng sông” đó, có nghĩa là chiều dài của nó hơn 10 dặm. Chưa sáng mà những “dòng sông” đã hấp thụ ánh mặt trời toả ra màu xanh lam. Đến Trạm Kiểm Soát nằm giữa Nevada và California, không thất ai cả. Say rượu ngủ quên? Tết nhất, thông cảm.

Chạy tiếp. Đường vắng và êm. Nhìn trước, sau, không thấy xe Cảnh Sát, rồi nhìn kim chỉ tốc độ: quá số 90. Vậy là hơn 150 cây số một giờ. Gần đến Barstow, chợt nhìn xéo qua trái mắt đập vào hàng trăm chiếc xe tăng màu cát vàng nhạt, rồi phía phải tiếp theo lại là một số khá nhiều xe bọc thép cũng màu cát vàng. Sắp đánh nhau to? Có lẽ không phải. Chợt nhớ khi vào Thủ Đức, làm sinh viên sỹ quan, cánh tay đeo huy hiệu có dòng chữ “Cư An Tư Nguy”. Phải rồi, nước Mỹ hùng cường sống trong hoà bình cũng phải đề phòng chiến tranh. Hay là lính Mỹ hào hiệp lo canh chừng cho đám người hành lạc xây sòng.

Chạy hơn ba tiếng bỗng thấy mệt và buồn ngủ. Chúng tôi chăm chú nhìn những bảng hiệu bên xa lộ tìm một thành phố nào đó ghé lại nghỉ một chốc uống ly cà phê nóng cho ấm bụng. Hồi nãy sớm quá cũng chưa kịp điểm tâm. Kìa, một thị trấn lạ hoắc, Rancho Cucamonga.

Thị trấn vắng teo. Vắng lạ lùng. Chúng tôi từ từ cho xe chạy qua nhiều khu phố tìm quán xá. Đường sá trống trải. Không một bộ hành nào trên lề đường. Không một chiếc xe nào trên mặt đường. Ngoài chúng tôi ra. Các quán hàng đều đóng cửa. Nhà của cư dân cũng Thâm nghiêm kín cổng cao tường. Ở trong xe cửa đóng kín, tôi đoán gió nhiều. Những ngọn gồi, ngọn cọ, ngọn liễu, ngọn thông đu đưa giạt về một phía. Gió như thế này, nếu tràn qua vườn chuối ở quê nhà, thì còn gì nữa. Tôi ngẫm nghĩ. Một tiếng nói từ băng ghế sau, Thành phố bỏ hoang chắc. Một người khác góp ý, Có lẽ hôm nay mồng một Tết, thành phố ngủ nướng. Thì tiếng hát rất nhỏ, một bài hát của Trịnh Công Sơn, cũng từ băng ghế sau vẳng lên lọt vào tai tôi:           
            Một hôm bước qua thành phố lạ
            Thành phố đã đi ngủ trưa     
            ...
            Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
            Từ những phố kia tôi về
Tiếng hát buồn. Lời ca cũng không vui. Cái buồn hay lây, man mác không gian.

Tôi dò trên cell phone tìm được tiệm cà phê Starbucks duy nhất có mở cửa. Chúng tôi đến đó ngay. Bước xuống xe. Lạnh làm lập cập hai hàm răng, làm hơi hà ra thành khói; gió làm xiêu xiêu người. Chúng tôi bước vội vào tiệm. Hình ảnh đầu tiên, hai cặp thanh niên nam nữ ngồi ngủ, đầu gục, hai tay ôm choàng lấy cái mặt bàn tròn nhỏ. Lại chờ Countdown rồi thức suốt đêm chứ gì. Lại rượu nhiều vào. Lại đậu xe ngoài kia, đậu cho đến chiều, mới lấy lại sức đấy nhé. 

Khi rời quán để vào xa lộ 15 South tiếp tục con đường trở về Orange County, tay vô tình mò vào túi chiếc áo ấm mặc bên ngoài, tôi móc ra được một tấm thẻ nhựa. Đấy là cái chìa khoá phòng ngủ của khách sạn Cosmopolitan mà tôi quên trả lại cho bàn tiếp tân. Tôi bần thần nhìn tấm thẻ. Phải chi mình có thể lái xe quay ngược lại, chạy trên xa lộ 15 North, đến lại khách sạn đó, mở cửa cái phòng ấy ở tầng 53. Thì vui biết mấy! Buồn biết mấy! Muốn níu thời gian lại hay sao? Muốn trở về với 2018? Một năm nữa hẵng countdown? Ôi, 2019.

1/2019

No comments:

Blog Archive